ĐẶT LẠI TINH THẦN TU
Buổi sinh hoạt hôm nay chúng tôi nói
về đề tài Đặt định lại tinh thần tu. Sở dĩ tôi chọn đề tài này, vì thời
gian gần đây có nhiều huynh đệ than việc tu không tiến, vọng tưởng nhiều
quá.
Thật ra khi tu, ai cũng thấy vọng tưởng nhiều hết, chứ không phải riêng ai.
Phần lớn chúng ta đều thua, không thắng nổi vọng tưởng. Quí vị phát tâm
nhập thất, chuẩn bị cho mình tinh thần tu thật chu đáo mà cũng chưa chiến
thắng nổi phiền não vọng tưởng. Tuy nhiên quí vị phát tâm tu như vậy cũng
đã quý, đã tốt lắm rồi. Có những hôm tôi ngồi trước điện Phật một mình,
người ngoài nhìn vô tưởng không có vọng tưởng, nhưng chỉ tôi mới biết thôi.
Ngồi như vậy mà vọng tưởng dẫn đi hồi nào không hay. Lúc đầu thấy bình yên,
tự nhiên lát sau thấy sơn trên cây cột dộp tróc một miếng. Thế là vọng
tưởng bắt đầu dẫn đi, giả như cây cột này bằng gỗ chắc chắn nó không bị
tróc sơn. Người ta nói gỗ bền hơn bê tông nữa, không biết đúng không? Nếu
quả như vậy cây cột này được thay bằng gỗ sẽ đảm bảo hơn. Bây giờ muốn
liên hệ gỗ phải mua ở đâu, trong quỹ có tiền chưa, ai làm việc này? Cứ thế
nó dẫn đi mênh mang, kéo mình vô rừng mất tiêu, tới chừng giựt mình tỉnh
lại thì đã bị vọng tưởng lôi quá xa rồi.
Bây giờ có cách nào để
điều phục vọng tưởng? Phải thấy rõ nó, đừng để nó làm gì mình. Chúng ta
ngồi yên, đừng dấy nghĩ thêm chi hết, nó tới mặc nó, nó đi cũng không đưa.
Đưa là chạy theo nó. Mình cứ bình yên, ngồi trong tỉnh táo coi nó làm gì,
chúng ta ngồi mà không bị động, luôn luôn làm chủ thì nó không làm gì được
ta. Đây là một cách tu. Thiệt ra nhiều khi chúng ta phải phình bụng ra mà
chịu, không khéo chạy theo là thua. Mình không nghĩ, không nói gì hết,
ngồi sững, một hồi rục rịt coi có tỉnh không. Nhưng nhớ qua được cái này
không phải nó ngừng, mà tiếp tục tới cái khác, rất nhiều thứ. Do vậy có
khi suốt một thời thiền hai tiếng đồng hồ, chúng ta chiến đấu với vọng
tưởng, hết anh này tới anh kia. Điều cần yếu phải nhớ tỉnh. Tỉnh trước mặt,
sau lưng, trên đầu, toàn thân đều tỉnh hết. Phải gan dạ mới làm chủ nổi,
sơ hở một chút là nó dẫn đi ngay. Đó là những kinh nghiệm trong việc tu
hành của chúng ta.
Việc tu hành nếu chúng ta
không quyết tâm miên mật thì cuối cùng không có kết quả gì hết. Tu là dừng
lại, không chạy theo những vật chất huyễn cảnh bên ngoài. Chúng ta nghỉ
ngơi, tỉnh táo, từ đó thấy được con người chân thật tìm ẩn sẵn nơi mình.
Nếu ngày xưa đức Thế Tôn chạy đua theo quyền lực, cung vàng điện ngọc bên
ngoài thì không bao giờ ngài phát minh được của báu nhà mình. Do ngài thấy
được mọi thứ vật chất không thiệt, huyễn hóa, không thể giữ gìn nó mãi, do
thiền định và phát sinh trí tuệ, từ đó ngài thấy suốt. Bây giờ chúng ta
cũng phải có thời gian thiền định cho tỉnh sáng, phải tập tu như đức Phật
mới yên định, mới thấy suốt được.
Một khi chúng ta không
yên thì không bao giờ định, không định thì không phát sinh trí tuệ. Dù cho
nói chúng sanh có sẵn trí vô sư, nhưng nếu không có định, trí ấy cũng sẽ
không hiện. Bấy giờ phiền não cấu nhiễm che phủ hết, trí vô sư cũng nằm
trong tủ sắt khóa lại hai ba lớp, không dùng được. Mỗi khi ta nhìn một
người bạn làm điều gì bậy, trước nhất ta thấy thương. Bởi vì không phải
con người bạn ấy như vậy, mà do trí vô sư bị trùm kín, cho nên bạn làm
theo bản năng. Thực ra khi nghe lời Phật dạy, chúng ta tỉnh sáng, nhất
định không làm việc sai trái. Chúng ta tôn quí Phật Bồ tát, chư vị tổ sư
là vì các ngài có thời gian định tỉnh, đầy đủ trí tuệ, cho nên lời nói
việc làm của các ngài đều đúng với chân lý. Từ đó chúng ta học theo các
ngài.
Chúng ta là người tu hành,
không khéo cũng bị những vọng tưởng dẫn đi dài dài. Những chú vọng tưởng
ấy có khi chẳng ra chi, chẳng có gì quan trọng. Như tết Đoan Ngọ là tết
của người Trung Hoa mà nó cũng chẳng tha mình. Đang ngồi thiền tự nhiên
nghĩ tới ngày mùng 5 đi mua bánh ú về cho đại chúng ăn. Trong chương trình
tọa thiền đâu có vụ đó, vậy mà không biết nó xẹt ra lúc nào không hay. Bây
giờ ở đâu bán bánh ú nhiều? Miền đông này chỉ có miệt Trảng Bàng Tây Ninh.
Phải lựa như thế nào? Bởi vì có những năm bánh ú cắn ra nghe mùi tro nhiều
quá, ăn không được. Lại nghe người ta nói họ để hàng the, ăn vô chay gan
chẳng hạn. Mình sợ, nên nghĩ phải ăn thử nữa chứ, ăn coi được mới mua.
Nghĩ tới nghĩ lui một hồi cái mình nói thôi, bây giờ đừng mua bánh ú tro
mà mua bánh ú làm bằng nếp có nhân ăn cũng được. Năm rồi mình cũng tính
mua như vậy, nhưng có người nói muốn mua loại bánh ú đó phải đặt trước.
Bởi vì dân Thường Chiếu đông, dưới hai trăm cái không đủ chia, cho nên
phải đặt trước. Bây giờ đặt trước ai? Không lẽ trong mùa hạ đang tu mà vì
muốn ăn bánh ú mình phải chạy vòng vòng? Nghĩ qua nghĩ lại thấy lúng túng.
Tới chừng phát hiện ra, trời ơi nãy giờ ba cái bánh ú nó dẫn mình đi dữ
rồi. Thôi ngừng lại. Kiểm tra quả thực là mình yếu xìu. Bánh ú còn dẫn
mình đi được nói gì tới cái khác. Cho nên các huynh đệ đồng tu than vọng
tưởng nhiều là phải. Mình không làm chủ được cái nào hết, hễ cái nào dấy
lên là mình theo. Đó là điểm dở của chúng ta.
Trong vấn đề sinh tử,
vọng tưởng là đầu mối dẫn chúng ta đi. Từ vọng tưởng mà phát sinh nghiệp.
Nói đến nghiệp không thể không nhắc tới cận tử nghiệp, vì nghiệp này mạnh
lắm. Một khi cận tử nghiệp hiện ra thì nó dẫn con người đi tới chết, chứ
không khi nào nó đưa người ta sống lại. Cho nên khi nào cận tử nghiệp hiện
lên là biết mình sắp được ngồi trên bàn và ăn cơm cúng rồi đó. Chỗ này Hòa
thượng dạy rất nhiều, Ngài nhắc nhở chư Tăng Ni, Phật tử cẩn thận đối với
cận tử nghiệp. Sở dĩ ngài nói nhiều như vậy là để cho chúng ta ngán mà lo
tu, không dong rủi lang thang nữa. Phật nói nếu người nào cả đời làm lành,
hoặc cả đời làm ác thì lúc lâm chung, một là được sanh lên trời, hai là
rơi thẳng xuống địa ngục, không có gì phải bàn. Ngặt nỗi chúng ta đầu
tháng làm lành, giữa tháng làm dữ, cuối tháng thì lúc lành lúc dữ. Vấn đề
của mình là vấn đề nhiêu khê. Song chiếu theo luật nhân quả, khoảng nào
làm ác thì bị quả báo ác, chắc chắn như vậy, không chạy đàng nào được,
luật đã thế. Khoảng nào làm lành thì sẽ được hưởng quả lành, không mất mát
đi đâu.
Trong kinh Phật dạy có
những người phát tâm xuất gia tu hành, nhưng được một thời gian rồi hoàn
tục. Ra đời, do hoàn cảnh thiếu thốn, cũng không làm được việc gì nên khổ.
Từ khổ nên làm ác, càng khổ càng tạo ác. Bỗng nhiên người đó gặp lại bạn
cũ. Người bạn này tốt có lòng thương, nên cứu giúp kẻ ấy. Nhờ thế anh trở
lại làm lành. Phật nói trong tình trạng như vậy, lúc người ấy làm ác thì
bị quả báo ác, hết quả báo đó rồi do làm lành được quả báo lành. Hết quả
báo lành, nếu như phát tâm tu hành quyết liệt vẫn được thành Phật.
Bây giờ quí vị thử ngồi
nghĩ lại xem những gì mình đã làm từ hồi nhỏ, coi có tạo nghiệp ác không?
Như có cậu bé nuôi một con cưỡng, nó thương quá đi, mong con cưỡng mau lớn
để lột lưỡi cho nó nói chuyện. Thương con cưỡng nên đi đâu gặp cào cào vừa
con cưỡng ăn liền bắt ngắt đầu ngắt chân bỏ vô túi. Về nhà là cho con
cưỡng ăn trước cái đã, chuyện gì thì chuyện. Hết con cưỡng rồi tới con sáo,
hết con sáo rồi con oành oạch, rồi con này con khác... nghĩa là làm ác
liên tục. Một ngày hại rất nhiều sinh vật để nuôi con chim cưỡng của mình.
Những việc làm nho nhỏ của cậu bé mười một mươi hai tuổi, trong vòng hai
ba năm mà đã ác như vậy, hà huống khi lớn lên lập gia đình, rồi tiếp cận
với cuộc sống làm ăn, vật lộn tranh đua đủ thứ chuyện, thì việc ác không
biết bao nhiêu. Nghĩ tới đó mà phát rùn mình.
Cùng là người Việt Nam,
nhưng người bờ sông này và người bờ sông kia khác nhau, không ai giống ai.
Chỗ này là chỗ Phật nói chúng sanh có cộng nghiệp và bất cộng nghiệp.
Người được sanh những nơi có văn hóa là có phước. Trái lại, nếu người rơi
vào hoàn cảnh tăm tối là kém phước. Đã kém phước mà còn nhiều chủng ác,
làm những việc xấu từ tuổi nhỏ, như vậy cho tới lớn tới già, thử tưởng
tượng không biết làm bao nhiêu việc ác? Nhiều vô kể. Theo đó thì quả báo,
chỗ đến của người ấy chắc chắn không khi nào tốt đẹp.
Nếu một gia đình quy y
tam bảo, suy nghĩ chỗ này rồi ai cũng muốn tu hết. Tu để làm gì? Để chỉnh
đốn, để sắp đặt lại sinh hoạt gia đình trong khoảng thời gian mình còn có
mặt đây. Bởi vì những người trẻ khi ra lập gia đình cần có sự tham khảo
thế hệ cha ông, để biết rõ sự việc mà sắp đặt đời sống của mình, làm sao
giảm thiểu bớt những nhân không tốt. Là Phật tử mà quí vị không giáo dục
được con em dừng những nhân xấu, thật là quá dở. Kiểm tra lại trong một
ngày, buổi sáng chúng ta nghĩ vớ vẫn, buổi chiều lại lăng xăng, buổi tối
càng vọng động, đến khuya ngồi ngủ gục. Cuối cùng bốn thời thiền trong một
ngày đêm, mình không dính dáng gì hết, quí vị thử nghĩ tu vậy thì thành gì?
Đó là vấn đề hiện thực của chúng ta.
Các vị thiền sư thường
nhắc chúng ta hai thứ bệnh mà hành giả tu thiền khó tránh được, đó là hôn
trần và tán loạn. Nghiệm lại mình thấy đúng như vậy. Sáng nào nhà bếp cho
ăn xôi hoặc món gì hơi khó tiêu, thì tám chín giờ lên ngồi thiền, chắc
chắn ngủ gục. Nội cái ngủ gục nó nhận mình cũng tiêu, chứ đừng nói suy
nghĩ gì. Tới thời thiền chiều, không phải tại ăn mà sao cũng ngủ? Hành giả
lại đổ thừa tại chiều nóng bức. Thôi thì thời thiền tối. Buổi chiều mình
ăn nhẹ, không dám ăn đồ sống, đồ lạnh, đồ ngon sợ tối cái bụng chình bình,
ngồi không được. Do vậy mình chỉ uống nước sơ sơ hoặc nhiều anh không ăn
gì hết. Nhưng rồi thời thiền đầu đêm cũng gục gặc, cũng vọng tưởng suốt.
Như vậy là tại sao? Trong bụng trống mà cũng vọng tưởng nữa. Thôi, xả
thiền đọc sách rồi ngủ. Tới ba giờ khuya thức dậy, hy vọng đây là thời
gian tuyệt hảo nhất, bởi vì qua một đêm nghỉ ngơi khỏe khoắn, những gì cù
cặn ban ngày đã hóa giải hết rồi, bây giờ bắt đầu giờ phút tinh anh mới mẻ.
Nhưng lạ thay ngồi một hồi cũng ngủ, ngủ suốt. Nhiều tôn giả ngủ còn ngáy
nữa chứ, giữa đông người mà dám ngáy! Kinh chưa? Cho nên người xưa bảo hôn
trầm là bệnh trầm kha, không có thuốc trị. Chỉ tự mình trị cho mình thôi.
Cách trị là chúng ta tự nghiệm, tự nhận ra được cái chân thật có sẵn nơi
mình, có thể mới mong trị nổi bệnh hôn trầm.
Ngoài hôn trầm còn có tán
loạn. Tán loạn tức là vọng tưởng. Như ở trên tôi đã nói. Ngồi lên bồ đoàn
là nó dẫn mình đi năm trên năm dưới, dẫn đi tuốt luốt. Nó dẫn đi mình về
không kịp, nghe đánh kiểng xả thiền mới chạy về, thì đã tiêu mất hết công
phu, hết thời gian quí báu. Việc tu hành khó như vậy.
Bây giờ đối với hai bệnh hôn và tán, chúng ta phải trị làm sao, để bảo vệ
công phu tu hành. Nếu không trị được nó thì công phu của chúng ta trôi
loãng đi. Trong kinh các tổ dạy, sở dĩ bị hôn trầm là vì chúng ta tu không
miên mật. Cho nên những lúc nhập thất, công phu nhiều huynh đệ mình ít ngủ.
Chính tôi trong đợt phát nguyện nhập thất ba năm trên Thiền viện Chân
Không, khoảng ba tháng đầu thì bình thường, ba tháng kế tiếp tôi đánh rút.
Vì tôi thưa với Hòa thượng là con chia công phu từng đoạn ba tháng. Ba
tháng thứ hai tôi đánh rút đâu chừng hai tuần lễ thì bắt đầu con mắt khô
queo, cứ mở hoài. Lúc đó cũng làm Hòa thượng lo, thầy sợ mình điên. Bữa
nào ăn sáng xong, Hòa thượng cũng lên hỏi đêm hôm ngủ được không? Dạ thưa
thầy, con ngủ không được. Hòa thượng nhăn mặt: Thôi, tối chú đừng ngồi
thiền nữa, cứ việc giăng mùng ngủ đi. Tới sáng bữa sau Ngài hỏi có ngủ
được chút nào không? Dạ chưa. Hòa thượng nói: Thôi bây giờ chú không nên
dụng công thái quá, tới giờ nghỉ cứ nghỉ. Nghỉ không vẫn giăng mùng nằm
nhắm mắt lại. Thầy dạy đủ cách hết, nhưng bệnh mỗi ngày mỗi tăng.
Cuối cùng tôi nghiệm ra
phóng túng quá thì sanh hôn trầm, thúc bách quá lại sanh mất ngủ. Mình
không có kinh nghiệm nhưng ham tu, do đó công phu thái quá, tự nhiên sanh
bệnh. Bây giờ phải dịu lại, dịu lại ở thần kinh chứ không phải dịu lại ở
thời khóa. Chúng ta cần phải điều hòa thân tâm. Khi điều hòa được rồi việc
tu rất nhẹ nhàng. Từ đó tôi ngủ lại bình thường, vui vẻ tiếp tục tu hành.
Tinh thần vui vẻ là một phương thuốc, nó ổn định những việc mình đang
vướng mắc. Sau khi tụng kinh xong, nghỉ một chút rồi tọa thiền. Xả thiền
ra, tôi tôi giăng mùng nằm nhắm mắt lại, trong lòng không sợ gì hết, ngủ
được một giấc, như vậy là yên rồi. Sáng ra thầy lên hỏi bữa nay sao? - Dạ
khi hôm con ngủ được. Thầy nói: Bữa nay thấy tỉnh rồi đó.
Người ta nói tu thiền
không khéo bị điên. Không khéo là không biết điều hòa. Công phu không quá
thẳng, không ngồi trông đợi điều gì. Khi thấy vui, tu hành thắng tiến là
mình muốn làm tới. Thân này, sức chịu đựng của hệ thần kinh vừa phải, quá
tầm nó thì không điều động được. Khi chúng ta không điều động nó được thì
phiêu lưu lắm, bấy giờ sanh đủ thứ bệnh. Cho nên điên ở chỗ đó. Hoc nói tu
thiền bị ma ốp cũng trong những quảng quá tầm này. Vui quá cười hỉ hả thì
ma hoan hỷ nhập. Buồn quá, rầu rĩ như cơm nguội buổi chiều thì ma buồn rầu
nhập. Nếu lười nhác thì ma lười nhập. Tinh tiến quá thì ma tinh tiến nhập.
Hễ quá đà là sai. Từ đó tôi có một chút kinh nghiệm điều hòa, nên suốt
thời gian nhập thất an ổn.
Xin nói thêm về một triệu
chứng bệnh quá đà nữa. Có một thời gian tôi thích đọc bài Chứng Đạo Ca.
Hồi trước Hòa thượng dạy mình hiểu nhưng có những chỗ chưa thông lắm. Tự
nhiên hôm đó ngồi ăn cơm, không biết sao nhớ tới Chứng Đạo Ca, rồi đi tìm
đọc. Đọc say sưa. Buổi sáng tôi dán mắt đọc, tới chừng bỏ quyển kinh ra
thì thấy nhà bếp đã đem cơm lên cho mình. Buổi trưa thấy ngủ uổng quá, ăn
xong súc miệng rửa mặt rồi lại ngồi đọc. Tôi tưởng đâu đọc chút thôi, ai
ngờ đọc một hồi nghe đánh kiểng thức chúng. Buổi chiều cũng đọc. Cứ như
vậy, chừng hơn một tuần tôi bị sảng. Vì vậy tôi đề nghị với những huynh đệ
cùng tu thiền, phải điều hòa thân tâm. Điều hòa thân tâm là điều hòa sức
khỏe mà cũng là điều hòa công phu tu hành. Có thế mới tiến được, nếu không
chúng ta bị hụt hẫng rồi sanh biến.
Chúng ta phải tự làm chủ
lấy. Mỗi người tự biết bệnh của mình. Chúng ta lắng nghe những kinh nghiệm
của các bậc tiền bối, của thầy tổ, nhưng thực sự ta phải tự thể nghiệm.
Thể nghiệm để biết tật, biết bệnh của mình mà trị. Như vậy mới yên được.
Nếu mình không trị mà cứ ngồi đó đợi thầy thuốc thì không bao giờ hết bệnh.
Khi mình làm chủ được thì mọi việc sẽ ổn, sẽ bình thường. Tu thiền tưởng
đâu ngồi yên, nhưng thiệt ra đó là một cuộc chiến đấu kịch liệt, mình phải
làm chủ. Vọng tưởng vừa nhảy ra, mình liền điểm trán khiến nó dừng lại.
Việc này đâu ai biết, chỉ có đương sự biết được thôi. Cho nên tôi nói
huynh đệ cố gắng giữ tâm không chạy theo, không dính mắc vọng tưởng. Mình
không chạy theo, không dấy khởi, không dính mắc thì nó làm gì được mình.
Từ năng lực, từ trí tuệ chúng ta huân tập lần lần sáng ra, rồi sẽ hóa giải,
sẽ đập tan những sôi nổi, bồng bột từ những năm tháng cũ. Đọc kinh sách
thấy vọng tưởng nhiều quá đi, mình đâm sợ, không biết chừng nào nó hết.
Quí vị đừng lo, cứ tu tới, một lúc nào đó mình kiếm nó không ra nữa. Đó là
lúc trí tuệ khỏe mạnh rồi, đạo lực đã sung mãn, mình bình yên tỉnh táo,
không còn bị xoay bởi những hiện tượng vọng tưởng. Bấy giờ muốn vọng tưởng
cũng không khởi vọng được.
Thêm một điều nữa, ở đây
nói quả báo có là khi có tác động thành nghiệp, nếu không tác động, không
có thành nghiệp thì không có quả báo. Trong chuyện tu hành điều này khiến
cho anh em chúng tôi vững niềm tin. Ví dụ như người tu không lập gia đình
và gìn giữ giới luật, bảo vệ việc tu hành. Tuy nhiên những vọng tưởng về
gia đình ở lứa tuổi thanh niên làm sao không có. Ngoài đời người ta lớn
lên lập gia đình, đó là chuyện đương nhiên rồi. Bây giờ thầy tu không lập
gia đình, tuy nhiên thoảng qua những giây phút vọng tưởng về cuộc đời, về
con người, về gia đình, về xã hội v.v... các thầy cũng có. Nó là vọng động,
như vậy những suy gẫm này có quả báo không? Nếu nó có quả thì các thầy
không tu giải thoát khỏi luân hồi sinh tử nổi. Đó là điều mà đa số thanh
niên tu hành đặt ra như vậy.
Thật ra người có tu, tự
nhiên nhận ra chỗ này. Tuy có vọng tưởng, nhưng chúng ta không chạy theo,
không để nó dấy khởi tiếp tục. Nó mới vừa manh nha từ trong ý niệm liền bị
chúng ta đưa vào chỗ không lặng, trong kinh Kim Cang nói đưa nó vào chỗ
tịch diệt. Vì vậy nó chưa phát ra thành nghiệp, chưa hành động, cho nên
không thọ quả. Còn nếu vọng tưởng vừa dấy khởi, mình chạy theo, tiếp tục
nuôi dưỡng khiến nó lớn lên, tạo nghiệp, dẫn phát ra hành động thì phải
thọ quả. Đằng này chúng ta gắng gổ, quyết tâm, vọng tưởng không có chỗ tác
động nên không thành nghiệp. Bởi thế, rất nhiều vị tăng trẻ khinh thường,
không coi giá trị giữ giới là cao tột nên họ không giữ được đời tu của
mình. Quả thật tâm niệm có những vướng mắc, nhưng nó thoáng qua nhẹ thôi,
không quấy động nổi định lực và trí tuệ, do vậy chúng ta vẫn tu được.
Thành ra chính bản thân người tu phải đi vào con đường thể nghiệm đó. Hòa
thượng nói vọng tưởng không làm gì được mấy chú, nếu mấy chú nghe lời thầy
ở trong khung của thiền viện, nỗ lực tu học. Lúc nào cũng sống theo sự sắp
đặt, theo quy chế của thầy, thì vọng tưởng không dẫn mấy chú đi đâu được.
Chỉ khi nào chúng ta chạy theo vọng tưởng, nó mới lôi mình đi.
Nhà thiền có câu chuyện
trong nhà sáu cửa, bên trong có con khỉ kêu chóe chóe, con khỉ bên ngoài
nghe cũng đáp lại chóe chóe. Bây giờ nếu con khỉ bên trong ngủ, con khỉ
bên ngoài kêu đã rồi đi, không ăn thua gì hết. Qua câu chuyện, Tổ sư muốn
nhắc nhở huynh đệ chúng ta phấn khởi trong tinh thần tu tập. Nếu công phu
chính đáng thì nhất định mình đi tới nơi tới chốn. Chúng ta tin chắc đời
trước mình đã có công phu thì đời việc tu hành sẽ thành tựu.
Đạo thì luôn lưu thông,
không bị trói buộc, thẳng vào chỗ vô trụ, vô niệm. Ở đây Hòa thượng dạy
chân tâm vô niệm. Nếu chúng ta ngồi không suy nghĩ gì mà rỗng rang sáng
suốt, trong tâm không hình tướng, không bị hoại diệt, rõ ràng sáng suốt.
Đó là vô niệm, là chân tâm. Nếu người chưa nhận ra được tâm này, thường bị
vọng tưởng dẫn đi. Bây giờ xoay lại nơi mỗi động dụng của mình, thấy là
chân tâm, nghe là chân tâm, ngửi là chân tâm, nếm là chân tâm. Nghĩa là
cái biết là chân tâm. Chân tâm đó luôn hiện tiền mà vô niệm. Vì chân tâm
vô niệm nên không dính mắc, thấy liền biết là chân tâm rồi. Huynh đệ đang
vọng tưởng mà đừng chạy theo nó là vô niệm.
Lục tổ lại dạy: Vô trụ
tức là tánh sẵn có của mình, cái đó bất sanh bất diệt. Vô tướng là gì? Là
ngay nơi tướng mà không dính mắc tướng. Tức là ngay nơi tất cả các hiện
tượng, chúng ta không dính mắc. Đối với tất cả hình tướng, hiện tượng
chung quanh, mọi thứ đầy dẫy hết mà mình không dính mắc cái nào hết, đó là
vô tướng. Vô niệm là có vọng tưởng mà không theo vọng tưởng. Vô trụ là
tánh giác sẵn có không trụ chỗ nơi nào cả. Tinh thần vô trụ, vô tướng, vô
niệm của Lục tổ đã đươc Hòa thượng chỉ dạy lại cho chúng ta thật rõ. Vừa
biết là chân tâm, tức không theo vọng tưởng.
Từ công phu tu tập, chúng ta cố gắng phát huy thành ra năng lực tự do tự
tại. Ví dụ như nói vô niệm, thì mình phải làm sao đừng theo vọng tưởng,
trong bất cứ thời nào ở đâu, cũng không theo vọng tưởng. Vừa dấy niệm,
không theo; nhớ cái gì đó, không theo; mình biết rõ mình có chân tâm.
Chúng ta cố gắng trong công phu hằng ngày như vậy. Việc tu lưu ý cố gắng
nhưng không nên quá đà. Vì quá đà dễ sinh bệnh. Có người ráng tu đến được
chỗ phát tâm hoan hỷ, nhưng không biết làm chủ, phát cười lên. Thấy cái gì
phấn khởi quá phát cười lên. Từ đó về sau mất tự chủ, lúc nào cũng cười
hết. Đi cũng cười, đứng cũng cười, ngồi cũng cười, gặp ai cũng cười, chạy
ngoài nắng ngoài mưa gì cũng cười cả. Lúc đó quá cỡ rồi, bị ma hoan hỷ
nhập.
Trái lại với cười là buồn.
Cái gì cũng buồn được. Đang ngồi tu, nhớ đứa cháu cha mẹ nó mất hết, nó đi
làm thuê làm mướn, không được học hành tội nghiệp, ở chỗ đó người ta hành
hạ, đánh đập mà không cho ăn no. Nó bị bệnh, khổ đau không biết đi đâu,
không có nơi nương tựa, không ai giúp đỡ... Nhớ cái thương, cảm động quá
mình khóc lên. Khóc mà không tự chủ được thì từ đó về sau gặp cái gì cũng
khóc, khóc riết vậy. Một mình cũng khóc, giữa mọi người cũng khóc, đi
ngoài trời cũng khóc, ở trong nhà cũng khóc. Đó là ma sầu bi nhập. Thành
ra cái gì quá đà thì trở ngại. Chư huynh đệ biết thế đừng để rơi vào tình
trạng quá đà. Việc tu hành cần gìn giữ trong sự điều hòa, trong vô niệm,
vô trụ và vô tướng. Đó là tinh thần của người tu thiền.
Hôm nay tôi nói một vài
kinh nghiệm bản thân, cách đối trị vọng tưởng nho nhỏ như vậy. Hy vọng từ
những kinh nghiệm khiêm tốn này, huynh đệ chúng ta gắng gổ. Đây là việc
làm tự nguyện, cho nên ta không thể ngồi đó đợi chờ, ỷ lại, trông cậy vào
ai giúp mình. Nếu còn bị những niệm tưởng lăng xăng thì ta cố gắng tu tập
thực hiện được vô niệm. Làm sao để mình được an nhiên tự tại, sống với
chân tâm của mình. Nếu người hay chấp tướng, gặp tướng nào cũng ôm giữ,
bây giờ biết sai thì phải bỏ. Các tướng không thiệt nên ta không chấp, ấy
là được vô tướng. Nếu được vô tướng tam muội, vô niệm tam muội, vô trụ tam
muội là được chánh thọ hay chánh định. Đã định thì chúng ta không bị lăng
xăng xoay chuyển, an trú tỉnh táo sáng suốt.
Từ lời Phật tổ dạy, với
sự quyết tâm của mình, nhất định chúng ta tu thành công. Bản thân mỗi vị
làm tròn nguyện ước của mình đồng thời cũng làm vui lòng những người chúng
ta mang ơn, các bậc thầy tổ. Tu có kết quả như vậy, chúng ta đóng góp một
phần nào công đức vào sự thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, tức
là thành tựu được sở nguyện tu hành, làm cho Phật pháp được mở mang trường
cửu. Như thế mới xứng đáng là người đệ tử Phật.
|