THEO DẤU ĐẠO SƯ
PHẬT ĐẢN 2545
Hôm nay là
ngày lễ kỷ niệm Khánh Đản đức Bổn sư Thích-ca-mâu-ni lần thứ 2545. Trong
ngày này, tất cả những người con Phật đều hướng về đức Từ phụ, dâng hương
tưởng niệm, đón mừng sự thị hiện của Ngài trong cõi đời. Từ nơi nguồn trí
tuệ vô biên, từ con người đặc biệt này mà tất cả chúng ta biết hướng về
quy y Tam bảo, phấn phát tu hành cho đến ngày viên mãn.
Trước tiên chúng ta cùng
ôn lại vài nét sơ lược về lịch sử của đức Phật.
Ngài sinh nhằm ngày trăng
tròn trong vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini), tại thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu)
Bắc Ấn Độ. Cha là vua Tịnh Phạn, mẹ là hoàng hậu Maya. Sinh ra và lớn lên
trong tiện nghi của bậc đế vương, nhưng Ngài không an vui, trong tâm luôn
khoắc khoải về thân phận kiếp người. Cuối cùng Ngài từ bỏ thân phận Thái
tử, xuất gia tìm đường giải thoát cho mình và tất cả chúng sinh.
Giai đoạn đầu, Ngài tu
khổ hạnh. Trước khi xuất gia sống trong nhung lụa, nhưng ngài thấy những
thứ đó chỉ là giả tạm, thêm ràng buộc, không giải quyết được gì cả. Thế
nên khi quyết tâm từ giã cuộc đời đế vương, bước vào đường đạo Ngài tu khổ
hạnh. Tuy nhiên trải qua một thời gian, Ngài thấy rằng: Phương pháp này,
đạo lọâ này với khổ hạnh khắc nghiệt, ta đã không chứng đắc Tối thượng cứu
kính, đó là Tri kiến thù thắng của bậc Thánh. Tại sao? Vì ta đã không đạt
Trí tuệ cao thượng có khả năng đoạn tận khổ đau, giải thoát luân hồi sinh
tử. Bởi thế, dù đã đạt được những công phu trong giai đoạn tu khổ hạnh,
nhưng Ngài không yên lòng, không mãn nguyện vì chưa đạt được trí tuệ cao
tột thù thắng. Từ nhận thức này, Ngài quyết tâm từ bỏ khổ hạnh và tìm một
đạo lộ khác. Đây là nhân duyên tiến tới giai đoạn hành thiền dưới cội
Bồ-đề suốt 49 ngày đêm.
Dưới cội bồ-đề, Ngài trải toà cỏ và thệ nguyện: Nếu không chứng đạo quả Vô
thượng Bồ-đề, giải quyết được vấn đề luân hồi sinh tử, dù thịt nát xương
tan, Ta cũng không rời khỏi chỗ ngồi này. Đó là lời thệ cả quyết. Cho nên
suốt 49 ngày đêm, bằng sức đại hùng đại lực Ngài kiên định ngồi thiền dưới
cội bồ-đề, chiến thắng tất cả ma quân và cuối cùng đại trí tỏa sáng, Ngài
chứng quả tại đây.
1- Bốn Tầng Thiền
Sau khi từ bỏ khổ hạnh, Ngài đã trải qua từng giai đoạn công phu hành
thiền. Tầng thứ nhất Ngài đạt được là Sơ thiền. Ở tầng Sơ thiền, Ngài ly
dục tịch tịnh, đoạn được tất cả dục và pháp bất thiện, nên tâm phát sanh
niềm vui do ly dục.
Nói đến đây, xét lại công
phu của chúng ta, rõ ràng mình chưa thực hiện được ly dục, nên chưa được
tịch tịnh hỷ lạc. Sự quyết tâm và kiên thệ của đức Phật đã cho chúng ta
một bài học. Nếu trong đời tu hành, mình không quyết tâm, không quyết tử
thì sẽ không được gì cả. Thời xưa, chư Phật đã đạt được các tầng thiền như
vậy với sự nỗ lực không ngừng, chúng ta cũng có thể đạt được nếu mình lập
chí như các ngài.
Đến tầng thứ hai, Ngài phát triển được sự nội tĩnh và nhất tâm. Đây là một
trạng thái hỷ lạc do định sanh. Trong công phu tu thiền, nếu thực hành
đúng, chúng ta cũng có được ít nhiều kinh nghiệm này. Nếu buông hết những
niệm lăng xăng, chúng ta sẽ được định tĩnh. Tất cả các pháp chung quanh
không kéo lôi nữa, chúng ta làm chủ, không mắc míu bởi các hiện tượng bên
ngoài. Đây là giai đoạn thiền định đi tới trạng thái nhất tâm. Nội tĩnh,
tức là trong nội tâm yên tĩnh, sáng suốt, không một pháp trần nào sai sử
được nên ta được định, được niềm vui trong khi định. Có thể nói người tu
thiền nào nếu quyết tâm, tu đúng cũng đạt được như vậy.
Đến tầng thiền thứ ba, niềm vui vi diệu hơn, sâu sắc hơn, đặc biệt hơn.
Đây là niềm vui do an trú trong chánh niệm tỉnh giác. Nếu tất cả chúng ta
hiện tại đây luôn tỉnh giác, nội tâm lúc nào cũng rỗng rang, niềm vui sẽ
tăng tiến. Niềm an lạc này có là do ta không lầm chạy theo những giả cảnh,
những mắc míu đối với thân và tâm. Ta luôn ở trong chánh niệm hiện tiền,
nội tại vững vàng sáng suốt an nhiên.
Đến tầng thiền thứ tư, là tầng thiền xả tất cả cảm thọ, tâm hoàn toàn
thanh tịnh. Đây là giai đoạn trí lực đã viên mãn, định tĩnh hiện tiền, cho
nên những cảm thọ hoặc khổ vui v.v
đều yên lắng dứt bặt. Nội tâm hoàn
toàn thanh tịnh.
a- Niềm vui Ly dục
Chúng ta thấy trong công
phu tu hành, muốn được định, được tuệ, được chánh niệm hiện tiền, thì
những niệm lăng xăng loạn tưởng phải lặng hết. Người có thiền định, trí
tuệ sẽ phát sáng, tất cả cảnh duyên chung quanh không làm gì được họ, nên
hành giả có những niềm vui. Niềm vui ban đầu là lìa dục niệm. Dục niệm là
những ham muốn, thích thú với các cảnh duyên. Bước đầu của người tu thiền
là dừng được trạng thái đắm trước đó. Với công phu như thế nào, chúng ta
làm chủ được những dục niệm. Chỉ có công phu thiền định thôi. Muốn được
thiền định phải có một quá trình tu tập, không thể chỉ nói mà chứng đạt.
Do vậy người tu phải phấn đấu, chịu khó chịu khổ, tích cực công phu. Nếu
không như thế nhất định chúng ta sẽ bị quây, bị say đắm bởi dục niệm,
không làm chủ được. Không làm chủ được thì sẽ tạo nghiệp rồi bị nghiệp dẫn,
trôi lăn trong dòng luân hồi sinh tử.
b- Niềm vui Định sinh
Sau khi đã làm chủ dục
niệm sẽ được định. Giản dị như vậy. Định là gì? Định là dừng lại, là lóng
lặng. Người được định không bị kéo lôi, không còn lầm chạy theo các pháp
bên ngoài, nên có niềm vui bên trong. Ở đây Hòa thượng dạy chúng ta là
Sống với Ông Chủ hay Sống với tánh giác của mình. Đây là giai đoạn thứ hai
trong công phu tu hành.
c- Diệu lạc Chánh niệm
Giai đoạn thứ ba hành giả
không còn bị tác động bởi tất cả cảnh duyên chung quanh, được chánh niệm
hiện tiền. Người này có một sức tỉnh giác rất là phi thường, cảm thọ tự
tại an lạc đối với thân. Tu đến giai đoạn này hành giả thấy thân an lạc vi
diệu. Chúng ta ngồi tu thì có khi bị nóng bức hoặc lạnh buốt, làm bức xúc
thân này là vì chưa đạt đến những trạng thái khinh an của các tầng thiền.
Người chánh niệm trải qua một quá trình công phu dày dặn, làm chủ được
thân này nên có niềm an lạc lớn. Đây là giai đoạn được bất động, sống
trong chánh niệm.
Làm sao chúng ta sống
trong chánh niệm? Muốn được chánh niệm chúng ta phải có nội công phu, đó
là định. Nói theo danh từ thông thường cho dễ nhận, đó là bất động. Đức
Thế Tôn bảo ngài thường ở trong Na-già đại định, tức lúc nào ngài cũng ở
trong định. Chúng ta chưa được như vậy. Nếu có định cũng chỉ định trong
một giai đoạn thôi. Sở dĩ chưa được định là vì ta còn chao đảo, chưa làm
chủ dục niệm, chưa khắc phục được vọng tưởng lăng xăng, chưa gỡ những ràng
buộc làm trở ngại cho việc thiền định của chúng ta. Nói Gỡ, nói Tháo, nói
Dừng, nói Dứt v.v
là một cách nói. Tóm lại là chúng ta chưa được bất động
đối với tất cả các cảnh duyên.
d- Xả niệm Thanh tịnh
Đó là tầng thiền thứ ba.
Đến tầng thiền thứ tư, phát triển hoàn toàn viên mãn luôn luôn được thanh
tịnh. Chữ Thanh (?) là trong, chữ Tịnh (?) là sạch. Người tu hành đến giai
đoạn này, tất cả dục niệm không còn, những cảnh thiện ác chung quanh cũng
không có, mọi duyên ràng buộc không làm gì được. Đến chỗ này hành giả hằng
được thanh tịnh. Trong những ước mơ của người tu, chúng ta tu mong nhất là
được thanh tịnh, giác ngộ giải thoát.
Ngay trong công phu hằng
ngày, làm sao đối với tất cả dấy niệm, chúng ta làm chủ được là có thể đi
vào các tầng thiền trên rồi. Giản dị như vậy. Hòa thượng dạy hãy làm chủ
những niệm tưởng lăng xăng của mình. Đó là giai đoạn đầu của công phu biết
vọng. Đến giai đoạn thứ hai, khi đã thuần rồi chúng ta được định. Nhưng
lưu ý không phải làm chủ được thì liền được định. Chúng ta phải có quá
trình công phu, nghĩa là phải tu hành liên tục, miên mật. Sau khi được
định rồi, cái định đó sẽ đi vào thâm diệu, nội tại chúng ta vững, hoàn
toàn tỉnh sáng, tâm chúng ta sẽ được thanh tịnh, giác ngộ giải thoát.
Nhìn qua quá trình đó,
chúng ta xét lại xem mình còn có những điểm nào sơ suất, trở ngại thì sửa
đổi khắc phục. Người ta nói tu thiền dễ bị lạc hay dễ bị điên! Lời nói này
không sai. Bởi vì đây là tu tâm, chuyên nhìn vào nội tại, nội tĩnh của
chính mình, không bị cuộc hạn trong hình thức nào. Nếu lệch một chút chúng
ta sẽ bị lạc và dễ điên lắm. Do vậy nên người tu thiền bắt đầu công phu
phải cẩn thận từng đoạn, từng phần, kiểm xét cho thật kỹ, xét mình có làm
chủ được chưa. Đối với tất cả dấy niệm, ta còn bị nó kéo lôi hay đã tỉnh
sáng, phải thành thật với chính mình mới được. Trong tinh thần tu hành kỹ
lưỡng kiên cố như vậy, nhất định chúng ta sẽ thành công.
2- Ba Trí Chứng Minh
Sau khi đã vượt qua những
giai đoạn này, tâm đức Phật thanh tịnh không còn cấu uế, thoát ly lậu hoặc,
nhu nhuyến, dễ sử dụng, kiên cố, bất động. Ngài hướng tâm hồi tưởng đến
các tiền kiếp
Lậu hoặc tức là những lầm mê còn vướng trong luân hồi sinh
tử. Đức Phật dứt bặt, thoát ly được tất cả lậu hoặc, tâm Ngài nhu nhuyến,
dễ sử dụng. Bấy giờ là tâm kiên cố, bất động. Từ đó Ngài mới hướng tâm
nhìn lui về các tiền kiếp.
Kinh Kim Cang, Phật dạy Tâm quá khứ bất khả đắc, Tâm vị lai bất khả đắc,
Tâm hiện tại bất khả đắc. Nghĩa là tâm quá khứ không thể được, tâm vị lai
và hiện tại cũng thế. Tại sao Phật lại hướng tâm về quá khứ? Nên hiểu
trong khi đang tu, Phật dạy chúng ta đừng vướng mắc trong bất cứ tâm nào,
quá khứ hiện tại cũng như vị lai. Tâm không trụ không mắc mới được thiền
định, hoàn toàn thanh tịnh. Khi đã thanh tịnh rồi thì tùy duyên, chúng ta
có quyền hướng tâm về trước hoặc lui về sau. Còn chưa được như thế thì
không nên để tâm trụ trước vào đâu cả.
Ở đây đức Thế Tôn
đã thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi nên tâm Ngài tự tại vô
ngại trong thời, việc hướng tâm không có gì sai quấy cả.
a- Túc Mệnh Trí
Giai đoạn đầu, Ngài hướng
tâm nhớ lại nhiều kiếp quá khứ Ngài đã trải qua: Một đời, hai đời, ba, bốn,
năm đời, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, một trăm, một ngàn, một vạn đời
Ngài nhớ rõ trong vô lượng đời Ta ở nơi kia, tên họ như vậy, gia tộc như
vậy, đẳng cấp như vậy, lối sống như vậy
Sau khi thân hoại, Ta lại tái
sinh nơi khác, với tên họ như vậy và rồi mệnh chung như vạây
Bằng các
cách này, Ta nhớ lại các đời sống quá khứ với nhiều đặc điểm, nhiều hoàn
cảnh. Ta chứng được Túc Mệnh Trí hay Túc Mệnh Minh.
Cái nhớ biết này, ghi nhận từ công phu tu hành, trong sự chứng đắc chứ
không phải nghiên cứu sách vở, hoặc do người khác nói lại với mình. Thành
ra cái nhớ này là của người có công phu tu thiền chứ không phải của thầy
bói. Bây giờ có khi ngay trong hiện đời mà chúng ta nhớ không hết nữa.
Những việc khoảng 2, 3 tuổi cho tới 10 tuổi, chúng ta nhớ không rõ. Ta nhớ
đầu này ráp với chỗ nọ
Trong khi đức Phật hướng tâm thanh tịnh, Ngài nhớ
rõ, thấy rõ tất cả những sự việc trong vô lượng kiếp quá khứ giống như
nhìn vào gương sáng thấy tất cả các vật. Thấy biết rõ ràng như vậy. Đó là
từ định tuệ, từ công phu tu hành mà được.
b- Con Mắt Tuệ
Đến giai đoạn thứ hai,
Ngài chứng Thiên Nhãn Minh tức là có con mắt thanh tịnh. Con mắt này siêu
phàm, vượt tri kiến phàm tục, thấy tất cả cảnh chúng hữu tình, sự cao sang
hạ liệt, thông minh ngu đần, mỗi người tái sinh ở cõi lành hoặc cõi dữ,
tùy theo hạnh nghiệp riêng. Được Thiên Nhãn Minh là được Con Mắt Tuệ. Nhìn
bằng Con Mắt Tuệ sẽ thấy rõ nghiệp nhân nghiệp quả của vô lượng chúng sinh
không lầm. Nghĩa là, vô lượng chúng sinh từ hạnh nghiệp nào, hoặc bị đọa
vào thế giới khổ đau. Chúng sinh tu tạo phúc lành, có hạnh nghiệp thiện
được sinh vào thiên giới, những nơi an lạc. Thấy biết rõ tất cả những sự
việc như thế.
Túc Mệnh Minh là hướng tâm nhìn thấy, biết việc của mình trong vô lượng
kiếp. Thiên Nhãn Minh là hướng tâm thấy biết việc của vô lượng chúng sinh
trong nhiều đời kiếp. Người có tu chứng sẽ đạt những thần dụng như thế.
Nói thần dụng hay nói thần thông nghe lớn lao, thật ra đó là những cảm
nhận mà chúng ta có thể trải qua nếu mình tu tập đạt kết quả tốt. Như
người giữ giới luật trang nghiêm thanh tịnh thì có trí tuệ, thấy biết mọi
pháp đều sáng suốt đúng đắn, biểu hiện phúc lạc ra ngoài. Nhìn người đó,
chúng ta cũng cảm thấy an lạc. Hoặc người bị sử duyên tăm tối trói buộc,
ta nhìn vào thấy cũng bất an. Như ở Tây Tạng, các vị Lama đi ra ngoài,
được quần chúng đón mừng rất nồng nhiệt, sau đó các Phật tử vây quanh cúng
dường.
Những bậc tu hành giữ
giới trang nghiêm thanh tịnh, các ngài hướng tâm về cái gì đều thấy biết
rõ cái ấy. Nhất là các vị thâm niên, công phu kiên cố, sống được với chánh
niệm, có khi các ngài chỉ ngồi gần mình, nhìn gương mặt mình, nghe hơi thở
mình
các ngài biết nghiệp tập của mình ra sao. Người tu tới đây không bao
giờ bị lui sụt nữa. Sở dĩ chúng ta còn bị lui sụt là vì tâm chưa được
thanh tịnh, Con Mắt Tuệ chưa hiện tiền. Thế nên cái thấy của ta còn kẹt
trong duyên, trong cảnh, trong luân hồi sanh tử.
Phật nói chúng sanh chịu
luân hồi sinh tử từ vô lượng kiếp, thay hình đổi dạng vô lượng lần. Có khi
Thế Tôn nói tất cả những người nam là cha của ta, tất cả người nữ là mẹ
của ta. Nói như thế không sai. Vì trong vòng luân hồi, duyên nghiệp ràng
buộc, đời này làm mẹ đời kia làm con, đời này làm cháu đời kia làm cha
chẳng hạn
Con mắt mình chỉ thấy trong phạm vi hiện đời này. Đôi khi một
đời này mình thấy chưa hết, làm sao thấy được các chuyện đã qua? Chỉ có
Con Mắt Tuệ phát triển được thì cái thấy mới thấu suốt, thấy đúng như thật.
Chúng ta tu rất cần trí
tuệ này. Vì cái nhìn lầm không tới nơi của mình chỉ một phút sơ hở thôi,
cũng gây tạo nghiệp nhân không tốt. Đã gây nghiệp rồi thì sẽ bị quả báo.
Có khi quả báo dài dài không có cơ hội dừng dứt. Như chư tổ thường nói:
Sợi dây luyến ái gia đình nhiều kiếp dứt không được. Sợi dây tình cảm gia
đình vô lượng kiếp bỏ không rồi. Đó là cái thấy của những vị đã hé mở cửa
Đạo, thấy được lẽ thực. Thấy được lẽ thực, chứng được lẽ thực gọi là người
Kiến Đế. Chữ Đế là chân lý. Bao giờ chúng ta thấy được lẽ thực của các
pháp thì mọi sự ràng buộc không làm gì được mình.
Bởi chưa thấy được lẽ
thực nên ta còn bị lầm, bởi chưa giác nên ta còn mê. Dù có giác, cái giác
ấy cũng từng phần, từng đoạn thôi. Do vậy chúng ta vẫn chưa làm chủ được.
Chữ Mê là quên. Mình ngủ quên là mê, tới giờ tu mà quên là mê v.v
Thành
ra nói Mê là nói quên. Cái quên ở đây tựu trung là quên tánh giác của mình.
Quên tánh giác là quên hạt ngọc quý báu. Do đó chúng ta làm kẻ nghèo thiếu
khổ đau lang thang xuôi ngược giữa giòng lưu lạc. Chúng ta quên rằng mình
là con ông trưởng giả, con của Phật. Bởi quên nên lang thang nghèo khó,
phải đi làm thuê làm mướn vất vả cùng cực. Bây giờ làm sao? Bây giờ phải
nhớ, nhớ tức là nhận lại tánh giác. Giác là Biết. Ở trên nói Mê là quên,
bây giờ Giác là nhớ lại. Nhớ cái gì? Nhớ mình có cái tánh giác.
Trong ngày kỷ niệm đức Bổn sư ra đời, từ nơi Ngài chúng ta có được pháp
học hôm nay, biết đạo lý tu hành, có an vui là nhờ ân đức vị giáo chủ của
chúng ta. Ngài thị hiện ra đời tu hành khó khổ như vậy, cuối cùng chứng
đạt trí tuệ viên mãn. Từ đó Ngài dạy cho chúng ta biết mình có sẵn tánh
giác, nhưng vì quên nên không nhận ra. Bây giờ nhớ lại tất cả chúng ta đều
có khả năng thành Phật, đều là Phật sẽ thành. Trong kinh Pháp Hoa đức Phật
nói chúng ta có Tri Kiến Phật. Chỉ cần nhận và hằng sống với Tri Kiến Phật
là chấm dứt lang thang khổ sở. Nhớ là nhớ như thế, chứ không phải nhớ
trước đây tôi có nhà lầu, xe hơi, làm ông gì
Nhớ như vậy là nhớ bậy, chỉ
khổ thêm chứ không sướng ích gì! Mình là con của Phật. Phật là Giác. Như
vậy mình có khả năng giác ngộ. Bao giờ nhận lại viên ngọc quý báu vô
giá đó, chúng ta cũng sẽ thành Phật
Chúng sanh vì bước lang
thang đã khổ nhiều. Một niệm lầm mê chưa dứt là gây tạo nghiệp nhân bất
hảo. Bây giờ chúng ta đã nhận ra chỗ khuyết, nhận ra sự lầm mê rồi, thì
tập trung công phu phát huy và nhớ lại, đừng quên nữa. Một khi nhớ lại rồi,
tự nhiên ta thấy phấn khởi. Đạp lên được đất chân thật, nhất định mình sẽ
không lui sụt công phu tu hành. Điều kiện bây giờ là quyết tâm nhớ lại gốc
của mình, dẫm được lên đất chân thật thì cởi bỏ khổ đau trong nhiều kiếp
sanh tử.
c- Lậu Tận Minh
Giai đoạn sau cùng, đức
Phật chứng Lậu Tận Minh, tức là tất cả lạâu hoặc không còn. Ngài tuyên bố:
- Ta đã giác ngộ, thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không
còn trầm luân sinh tử nữa. Đây lời Ngài nói trong kinh A hàm: Sinh đã đoạn
tận trong ta. Ta đã hoàn thành đời phạm hạnh. Những gì cần làm đã được làm
xong, ta không còn tái sinh nữa. Ngài hoàn toàn giác ngộ giải thoát.
Giác ngộ hoàn toàn là lậu hoặc không còn. Do mê lầm chúng sanh gây tạo
nghiệp nhân trong vòng luân hồi sinh tử. Bao giờ trí tuệ sáng suốt, không
còn mê lầm thì không gây tạo những nghiệp nhân đi trong luân hồi. Chúng ta
muốn giác ngộ trước nhất phải kiểm lại xem mình còn nhớ hay đã quên tánh
giác. Nhớ, nhưng nhớ từng giai đoạn, chứ không nhớ hoàn toàn. Nếu cố lên
chúng ta sẽ không bị quên nữa thì luôn sống với cái toàn giác, tức tánh
giác của chúng ta. Sống được với tánh giác thì sẽ giống như đức Phật nói
Sinh đã đoạn tận trong ta. Ta đã hoàn thành đời phạm hạnh. Những gì cần
làm đã được làm xong, ta không còn tái sinh nữa.
Tất cả những dấy niệm ta buông được, hoàn toàn định tĩnh, tuệ Bát-nhã phát
triển, thấy tất cả pháp đều không thật nên không vướng mắc, không chạy
theo thì an toàn. Công phu hằng ngày đều đặn như thế, chúng ta cũng có
phần như các bậc thánh hiền, chứ không đến đổi vô phần đâu.
3- Cái nhìn về Ba Trí
Chứng trong áp dụng công phu
Từ Túc Mệnh, rồi
Thiên Nhãn, đến sau cùng là Lậu Tận. Xét từng giai đoạn, chúng ta có thể
thực hiện được không? Nói Tam Minh, Lục Thông là nói đến đạo lực, trí tuệ,
chứng đắc siêu việt, độc đáo của các bậc Thánh, của vị giáo chủ. Qua quá
trình đó, chúng ta nghiệm lại công phu của mình để cố gắng vươn lên đến
chỗ rốt ráo ấy.
Trước nhất chú tâm của
chúng ta là bỏ tất cả dục niệm. Nếu không bỏ dục niệm thì không có định.
Không định thì không làm chủ được những vọng tưởng lăng xăng. Chỉ khi làm
chủ được vọng tưởng, Con Mắt Tuệ mới hiện tiền, chúng ta sẽ không lầm,
không quên tánh giác. Như lời Phật dạy chúng ta là Phật sẽ thành, có đầy
đủ Tri Kiến Phật, nghĩa là có sẵn chất Phật. Từ đó ta mạnh mẽ thành tựu
cho chính mình, dù có trải qua thời gian bao lâu cũng không ngán ngại. Đến
bao giờ sinh đã dứt, phạm hạnh đã lập và thành tựu viên mãn giác ngộ giải
thoát.
Tu thiền mà nói chứng đắc
là điều sai lầm. Tuy nhiên ở đây nói chứng đắc mà không có chứng đắc gì cả.
Ví dụ mình bỏ quên một viên ngọc, bây giờ nhớ lại, có gì đâu chứng đắc!
Phật nói chúng sanh có Tri Kiến Phật nhưng bỏ quên, bây giờ nhớ và nhận
lại, không có gì chứng đắc. Cho nên nói chứng đắc mà không có gì chứng đắc.
Chúng ta đừng lầm chỗ này.
Bây giờ tôi nói Túc Mệnh
Minh, Thiên Nhãn Minh, Lậu Tận Minh qua cái nhìn khác. Trong kinh nói: Vào
khoảng canh hai đức Phật chứng được Túc Mệnh Minh, thấy biết nghiệp nhân
của mình và tất cả chúng sinh nhiều đời về trước từ việc làm lành làm dữ,
cha mẹ quyến thuộc, giàu sang nghèo hèn, thọ yểu xấu đẹp
cho đến mỗi đời
tên họ là gì đều biết rành rẽ.
Bây giờ chúng ta ngồi thiền, hôm nào thấy như vậy thì hãy bất động, có cái
gì sáng lóe lên cũng cứ bình thường. Biết chuyện quá khứ vẫn thản nhiên,
không có tâm xua đuổi những hiện tượng ấy, đó mới thực là người bất động,
thấy biết đến nơi đến chốn. Nếu một cảnh duyên nào, một lóe sáng nào được
ta ghi nhận với tâm vui mừng hay lo sợ liền bị ma nhập. Người tu thiền
điên là ở chỗ đó. Cho nên đối với cảnh duyên phải bất động.
Cảnh vui cảnh buồn gì mình cũng an nhiên bình thản, hằng sống với tánh
giác thôi. Đó là chỗ đến mà cũng là công phu chúng ta phải thực hiện cho
bằng được.
Giai đoạn thứ hai được
Thiên Nhãn Minh, ở đây ghi nhận như thế này. Nửa đêm Ngài chứng được Thiên
Nhãn Minh, thấy rõ ba cõi sáu đường những cảnh giới hoặc an vui hoặc nhơ
bẩn, chúng sinh hoặc xinh đẹp hoặc xấu xa
rõ ràng như nhìn vào trong
gương. Chỗ này người tu thiền dễ bị vướng mắc lắm. Như một lúc nào đó
chúng ta ngồi thiền tự nhiên trước mắt có vầng sáng hiện ra, mình thích
thú hoặc bất an tùy theo cảnh hiện trong ấy, thế là theo quần tà. Giả dụ
như trong vầng sáng hiện ra rắn độc hoặc hiện ra kiếp trước mình xấu xa,
ta không thích nên thấy khổ, đây gọi là ma sầu bi nhập. Bây giờ không quan
trọng tất cả những hình ảnh ấy nữa, cứ giữ tâm bất động, chúng ta làm chủ
được, sống được với tánh giác liên tục thì những hiện tượng ấy tự tiêu
tan. Nếu ánh sáng hiện ra những hình ảnh làm cho chúng ta vui, khiến tâm
dao động tức là bị ma hoan hỷ nhập. Ma ở đây không có nghĩa là ma quái
nanh vuốt, đi hổng chân trên mặt đất, mà là ta không làm chủ được tất cả
các hiện tượng. Cho nên với người tu thiền, không để cảnh vui làm tâm hỷ
phấn phát, không để cảnh buồn làm tâm bi sống dậy. Người tu nếu không khéo
dễ rơi nước mắt lắm. Cảnh nào cũng thương, việc gì cũng khóc. Người như
vậy mới nhìn thấy như từ bi, nhưng thật ra bị ma bi nhập, chớ không phải
từ bi.
Đến giai đoạn thứ ba: Sao
mai mọc lên thì Ngài chứng được Lậu Tận Minh, dứt sạch phiền não, rõ hết
đầu đuôi nghiệp duyên, tâm thể lặng yên sáng suốt. Bấy giờ Ngài đã thành
Phật. Tất cả lậu hoặc dứt hết nghĩa là tất cả sự mê lầm không còn nữa thì
Ngài thành Phật. Đây là chỗ đến sau cùng của tất cả người tu chúng ta.
Nhất định mình sẽ được thành Phật, sẽ giác ngộ như Phật, không còn lãng
quên và lẽo đẽo xuôi ngược trong vòng luân hồi sinh tử nữa. Chúng ta tự
tại hiên ngang đi trên con đường sáng suốt, con đường mà Tổ sư nói là
Thường độc hành Thường độc bộ. Đó là con đường dứt tất cả lậu hoặc, không
còn mê lầm nữa. Giác ngộ giải thoát rồi chúng ta sẽ giải quyết được tất cả
sự kiện mà từ lâu không giải quyết được.
Đó là sự kiện gì? Già, bệnh và chết. Người tu có tiến bộ cũng phải sợ điều
này. Nói sợ là một cách nói để giữ vững công phu đến nơi đến chốn. Người
công phu trậm trầy trậm trật phải ngán thôi, bởi vì già thì không còn khỏe
mạnh tươi trẻ, tu rất khó. Bệnh tu cũng không được. Chết, mất thân rồi lấy
gì tu! Già, bệnh, chết có thể chụp mình bất cứ lúc nào, nó không tha thứ
một ai. Người phát tâm tu hành, học Phật và hành trì chánh pháp để hết khổ,
được vui, không lẩn quẩn trong luân hồi sinh tử nữa. Thấy rõ đường đi,
mạnh mẽ tiến thẳng trên con đường giác ngộ giải thoát. Cho nên có ai hỏi:
- Thầy tu để làm gì? Hoặc kết quả của việc tu hành ra sao? Mình có thể trả
lời: - Tôi tu để không còn bị lầm mê, để giải quyết già bệnh chết. Đồng
thời động viên huynh đệ cùng đi trên con đường giải thoát.
Người tu thiền đi đường
nào, tựa vào đâu, ai hướng dẫn? Đi trên đường giải thoát, tựa chỗ không
thể tựa, mình hướng dẫn chính mình. Việc trọng đại như thế, nên mỗi chúng
ta phải ý thức trách nhiệm của mình, không phải đơn giản đâu. Vị giáo chủ
chúng ta dũng mãnh dứt khoát bỏ tất cả những thú vui của cuộc đời để đi tu,
ý nghĩa rất siêu việt. Cho nên chúng ta phát tâm tu hành, hướng theo Phật
đạo cũng mang ý nghĩa to tát vô cùng. Nên cần phải cố gắng vượt qua những
tầm thường, để mỗi chúng ta thấy việc làm hết sức to lớn của đời mình. Từ
đó chúng ta phát nguyện làm cho được, thực hiện trọn vẹn tâm nguyện của
mình.
Hôm nay trong ngày kỷ niệm đức
Phật đản sanh, tôi xin nêu lên vài nét về quá trình chứng đắc của đức Thế
Tôn. Qua đó chúng ta nghiệm xét lại công phu của mình xem có bị sai lạc
hay không để sửa đổi đúng theo pháp Phật đã chỉ dạy. Cuối lời tôi xin chúc
chư huynh đệ hằng sống được với tánh giác, giải trừ tất cả lậu hoặc, để
được giác ngộ giải thoát như đức Phật.
|