VẪN LÀ PHẬT XƯA

H.T THÍCH NHẬT QUANG

NHỚ PHẬT NHỚ TU



          Hôm nay ngày rằm tháng tư năm Quý Mùi, là ngày kỷ niệm khánh đản đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni. Giờ này Phật tử khắp năm châu đang thành tâm kính mừng ngày đấng giáo chủ ra đời. Tại đạo tràng Thiền viện Thường Chiếu tất cả Tăng Ni Phật tử cũng nhất tâm hướng về đức Bổn sư, kính mừng kỷ niệm ngày đản sanh của đấng Từ phụ. Nhân đó chúng ta cùng nghiệm xem mình phải làm gì trong ngày này dâng lên cúng dường đức Phật, để tỏ tấm lòng thành đối với Ngài.


          Theo chúng tôi, chúng ta là con Phật, nhớ Phật thì phải nhớ tu. Người thời nay yếu đuối hơn người thời xưa trong việc tu hành. Người xưa có thể khắc phục, vượt qua mọi trở ngại khó khăn để thành tựu sở nguyện của mình. Cũng vấn đề như vậy nhưng chúng ta không gắng gỗ, không vượt qua được. Như ai cũng biết nguồn gốc của khổ đau là sự ham muốn, nhưng không ai từ bỏ sự ham muốn. Chúng ta biết rõ nếu giảm thiểu sự ham muốn hay dừng được ham muốn thì sẽ hết khổ đau. Giản dị như thế. Nhưng ta vẫn chưa dừng được. Như vậy chúng ta thử đặt vấn đề: Sự ham muốn là gì? Nó chính là những dấy niệm, những đam mê, mong muốn của con người. Nếu dừng những dấy niệm, làm chủ được mình là người biết tu thiền. Chúng ta cố gắng tỉnh sáng, đừng để những sự kiện chung quanh có sức mạnh quấy động, làm cho mình rối loạn. Nếu không chủ động được như vậy, chúng ta sẽ bị những dấy niệm đó dẫn đi.


          Phật tử ít nhiều cũng có trải nghiệm công phu, song vì điều kiện chưa đủ hay nhân duyên còn hạn chế, quí vị thực hiện chưa liên tục. Vì thế chúng ta còn những quảng trống để niệm tưởng lăng xăng kéo lôi, từ đó sanh ra bất an bất ổn. Nếu quyết tâm, sắp xếp sinh hoạt khéo léo, nhất định quí vị sẽ tăng tiến việc tu hành. Có tu tiến mới có sức mạnh, có năng lực gầy dựng công phu đến rốt ráo viên mãn. Phải biết tu sửa từ gốc chính là tu ở lòng ham muốn, danh từ chuyên môn nhà Phật gọi là tham dục. Chúng ta chủ động được mình, không bị tham dục chi phối điều động thì con đường luân hồi chấm dứt, con đường tự tại an vui giải thoát lập tức mở ra.
Nỗi bất an là gì? Là những điều không như ý, nó rất tế vi. Người tu muốn được an lạc thì phải loại bỏ những tâm trạng bất an đi. Niềm an vui hạnh phúc chân thật từ nơi mình gầy dựng. Kiểm lại trong sinh hoạt hằng ngày, những nỗi bất an nhiều hơn an ổn. Sự an ổn tới với chúng ta ít ỏi lắm, còn bất an bất ổn lúc nào cũng sẵn sàng, nó tấn công chúng ta bất cứ lúc nào. Thoáng đâu đó được yên một chút, nhưng rồi chuyện bất như ý lại đến. Giây phút bình an mong manh quá, nhường lại cho nỗi lo sợ, toan tính, muộn phiền đè nặng trên tâm chúng ta.
Bây giờ mình biết phương dược để trị liệu, tiêu dung những thứ đó chính là Phật pháp, là thiền định thì hãy ứng dụng ngay. Chúng ta tự khắc phục, tự tu để được bình yên. Chúng ta không cầu khấn, không để mất thời gian, không ngược xuôi mong cầu ai ban cho mình sự bình an hạnh phúc cả. Mình tự vươn lên, siêng năng hành thiền, lấy lại sự định tỉnh và quyền làm chủ, tự chịu trách nhiệm đối với bản thân. Khi nào hết tham, hết sân, hết si thì được giác ngộ giải thoát. Như vậy đối với những niềm đau nỗi khổ ta tháo gỡ, buông bỏ không khó.
Trong sinh hoạt hằng ngày, người xưa dạy phải tỉnh, đừng để vọng tưởng lừa. Có thế mới không bị phiền não bất an tấn công, còn yếu đuối mất tỉnh giác dễ bị nó vây hãm. Nó là cái gì? Phiền não cấu uế là những pháp trần không thật, nếu nó thật chắc chúng ta không tu nổi. Bởi nó không thật nên ta có thể bỏ được, tu được. Tuy nhiên, phiền não có sức mạnh của nó, người tu không nên xem thường lơ là, nếu không quyết tâm đối trị, sẽ thua chúng dài dài. Cấu uế là những thứ không trong sạch, chúng ta phải loại bỏ đi. Muốn thế phải có công phu rèn luyện.


          Rèn luyện như thế nào? Giống như người thợ rèn muốn rèn thành một món đồ, phải nướng thỏi kim loại đỏ lên cho nó mềm nhũng ra mới đập sửa, uốn nắn thành hình mình muốn làm. Đối với công phu tu hành cũng thế, chúng ta phải rèn luyện. Hằng ngày tỉnh táo sáng suốt rèn luyện, không để tâm bâng quơ, buông lung, ngược xuôi hay bị trói buộc bởi những sự kiện bên ngoài. Đó là công phu, là rèn luyện. Ở đây đặc biệt là đối với niệm tưởng, những sự kiện, hình ảnh, vấn đề chung quanh chúng ta, phải có sự rèn luyện loại bỏ nó ra. Những gì không cần thiết thì không quan tâm, không ngó tới. Thường chúng ta không làm được như vậy. Nói không cần nhưng cứ để ý tới, không buông xuống được, cuối cùng mở cửa cho nó vô nhà hết. Thành ra trong nhà chủ khách không rõ ràng, chủ không ra chủ, khách không ra khách. Người xưa làm chủ được việc này, những người khách không cần các ngài mời ra hết. Còn chúng ta chẳng những không mời khách ra mà còn để khách lộng quyền. Do vậy phiền não cấu uế vây hãm cả đời.


          Tu tập là rèn luyện để có sức mạnh như sắt thép, chúng ta phải kiên quyết như vậy mới được. Xét kỹ mình chưa kiên quyết nên chưa chịu khó rèn luyện, công phu không vững vàng. Những sự kiện chung quanh ta thật ra đã có từ vô thủy cho tới bây giờ, khối u nhọt ấy nếu không cắt bỏ nó sẽ làm mình đau đớn vô cùng. Cho nên rèn luyện công phu cứng chắc để trị liệu, hóa giải phiền não. Công phu không vững sẽ không hóa giải nổi, như vậy tu cả đời vẫn phiền não cấu uế khổ đau. Lợi ích của rèn luyện công phu ngoài việc trừ bỏ phiền não còn được tịnh hóa thân tâm. Được vậy bước đường tu hành của chúng ta mới có kết quả chắc chắn.
Người tu nếu không có công phu, lúc đầu mình hướng dẫn cho Phật tử hóa giải phiền não, nhưng thời gian sau quanh trở lại, Phật tử khuyên lại mình. Khuyên làm sao? - Thầy ơi! Thầy ráng tu đi, ra ngoài khổ lắm! Hồi đầu mình làm thầy khuyên người ta: - Tất cả các Phật tử phải làm đúng theo lời Phật dạy để hết khổ được an vui. Bây giờ tới thầy cũng tâm sầu bạch phát. Đó là vì không rèn luyện công phu nên không làm chủ được, hoặc chủ không ra chủ khách không ra khách, chủ khách lẫn lộn nên mới như thế.


          Chúng ta thử soát xét lại công phu của mình, như từ bảy giờ sáng tới bây giờ hơn chín giờ, trong hai ba tiếng đồng hồ, bao nhiêu sự kiện xảy ra, chúng ta giải quyết như thế nào, thua hay thắng? Nếu thua thì cố gắng lên, còn thắng thì không kiêu hãnh, phải cố gắng giữ vững được ý chí để tiến lên nữa, chứ không phải chỉ thắng bữa nay, ngày mai không thắng nữa. Như vậy gọi là rèn luyện công phu. Việc này nói ra nghe mau chóng nhưng phải mất nhiều năm tháng, mới thực sự có chút ít công phu rèn luyện. Chỉ người tu tỉnh mới dừng lại trước dòng trôi của cuộc đời, luôn xét nét kỹ càng tâm mình khi đối duyên xúc cảnh. Một niệm sơ hở là một khúc của dòng chảy, nó cuốn trôi ta đi mãi không cùng. Như những dòng nước xa nguồn, nó trôi ra biển cả mênh mông, đi về đâu ai biết được!


          Đầu mối từ sự dấy niệm, sự ham thích của chúng sanh mà hình thành một dòng xoáy, trôi mãi như thế. Nếu chúng ta có sức rèn luyện, có công phu dừng sự ham muốn ấy thì dòng xoáy kia sẽ tan loãng, không hình thành được, không làm gì nổi mình. Rõ ràng một niệm vừa khởi lên, chúng ta buông được thì tâm lăng xăng mất liền. Ngược lại, nếu ta không làm chủ thì nó kéo đi tạo nghiệp. Thành ra dừng được dấy niệm thì tịnh hóa thân tâm, thành tựu được pháp hạnh cao siêu. Đã thanh tịnh thì tự nhiên tâm trở thành độ lượng. Một khi lòng đã mở rộng, ta có thể vượt qua tất cả những phạm vi nhỏ hẹp, sống dung thông tất cả. Con người độ lượng là con người không dính mắc, con người thênh thang. Muốn được độ lượng phải hành hạnh buông xả.
Đỉnh cao của pháp hạnh mà người xuất gia thực hiện tu tập là hành hạnh buông xả, không còn vướng mắc gì để đi tới tâm độ lượng vô cùng tận. Buông xả cái gì? Cái gì cũng buông hết, còn vướng mắc là còn buông xả. Xét lại chúng ta còn vướng cái nhà, miếng đất, chiếc xe, con cháu… bất cứ cái gì nếu còn một niệm vướng mắc thì buông xả hết. Có buông xả như vậy mới tự tại, giải thoát. Hình ảnh tổ sư đứng trên một cành lao nhỏ lướt trên mặt biển, thể hiện thần dụng từ công phu rèn luyện buông xả triệt để mà ra. Nếu chúng ta buông xả triệt để cũng sẽ được thần dụng như thế.


          Chúng ta buông xả hết sẽ được bình yên. Chữ bình là bằng, chữ yên là yên ổn, tức bằng phẳng yên ổn. Bằng phẳng yên ổn ở đây là không mắc mứu, không ngược xuôi rối rắm vì cấu uế phiền não. Người xưa dạy Việc lớn chưa sáng như đưa ma mẹ, việc lớn đã sáng như đưa ma mẹ. Không phải chưa sáng như đưa ma mẹ, sáng rồi thì ngồi chơi xơi nước. Công phu phải liên tục, lúc nào cũng vậy, rèn luyện kiên cường bền bĩ mới mong sáng được việc của mình, thực sự là người an ổn. Muốn bằng thẳng an nhiên thì những gì không bằng thẳng phải san bằng. Tất cả những vướng mắc trong cuộc đời này ta buông hết mới gọi là có chút phần tương ưng.
          Hằng ngày từ sáng tới chiều, trong mọi sinh hoạt đi đứng nằm ngồi, ăn cơm, ngủ nghỉ, làm việc v.v... đều sống trong sự tỉnh giác, buông xả. Chứ đợi tới giờ tụng kinh, ngồi thiền mới tu thì chưa thể gọi là rèn luyện công phu. Mọi hiện tượng chung quanh mình chưa làm chủ được thì khi sắp lâm chung khó có thể làm chủ nổi. Giây phút ấy niệm nào mạnh sẽ kéo lôi chúng ta đi thọ thân sau. Hình ảnh người thương, kẻ ghét sẽ dẫn chúng ta đi thọ sanh, từ đó tiếp tục gặp nhau vai trả trả vai không biết đến bao giờ mới xong. Cho nên phải có công phu rèn luyện để chủ động ngay trong hiện tại. Ví dụ mình soát xét lại, thấy từ sáng tới chiều, niệm tưởng nặng về ăn uống, ta không làm chủ được, cuối cùng nó kéo mình vô bếp, vô nhà hàng, vô quán... Vô đó để gặp những người cũng nặng về niệm tưởng ăn uống, cùng nhau quây quần trong một nghiệp ấy. Tóm lại còn niệm tưởng là còn phiền não, còn khổ.


          Rèn luyện phải đi đôi với hạnh kiên trì, chứ không phải qua loa lấy lệ. Như chúng ta đang tu tập, chiều đến cả đạo tràng đều tụng kinh Bát-nhã. Đằng sau Thiền viện nghe tụng Bát-nhã, đằng trước Thiền viện cũng nghe Bát-nhã, bên phải Thiền viện cũng nghe Bát-nhã, bên trái Thiền viện cũng nghe Bát-nhã, chính trong Thiền viện cũng tụng Bát-nhã. Bữa nay nghe tụng Bát-nhã, ngày mai tưởng đổi kinh khác, té ra lại cũng Bát-nhã. Phía trước phía sau, hai bên ở giữa toàn là tụng Bát-nhã. Đó là rèn luyện. Tụng Bát-nhã tới bao giờ chúng ta có thần dụng vô cùng vô tận mới thôi. Ngoài tụng kinh Bát-nhã còn ngồi thiền, giữ giới hạnh, thúc liễm thân tâm, hành tất cả pháp hạnh của người xuất gia.


         Các bậc tu hành bên tông Tịnh độ cũng không làm việc gì khác ngoài câu niệm. Người tu thiền thì sao? Người đã vào định thì không có gì làm động họ hết, lật bên đây cũng thiền định, xô té bên kia cũng thiền định, trong mọi sinh hoạt lúc nào cũng thiền định hết. Được như vậy thì tất cả phiền não cấu uế, vọng tưởng lăng xăng không làm gì nổi. Đó là người tự tại giải thoát, ra khỏi sinh tử, chấm dứt phiền não khổ đau. Nói tới sinh tử là nói tới vấn đề lớn lao mà chúng ta phải đương đầu. Cái sanh mình phải đương đầu, rồi tử như là ản án đã tuyên án. Như trong huynh đệ chúng ta, ai không chết? Có thân này đều phải bị chết bị sinh, không ai chống lại được. Chỉ người nào tu được thần dụng, đầy đủ trí tuệ thì mới chống lại được bản án đó. Thế nên chúng ta phải cố gắng hơn nữa, quyết tâm thực hiện cho được viên mãn công phu tu hành. Nếu có niệm chểnh mảng, chùng bước, liền chỉnh đốn ngay. Người tu đáng khen là người biết sửa lỗi, công phu mới tiến nhanh. Người xưa nói: Người không có lỗi trên đời hiếm lắm. Người có lỗi biết sửa là người quý, người tốt.


          Chúng ta không tự ti mặc cảm, không tự tôn tự đại, là một người tu bình thường. Công phu như thế, pháp hành như thế, cứ thế liên tục giữ gìn, không được xem thường. Từng giai đoạn tỉnh sáng, xét nét thật kỹ, đừng để ngày tháng trôi suông, làm hỏng đi việc tu hành. Mỗi ngày qua, chúng ta kiểm điểm thấy chỗ nào chưa ổn thì khắc phục. Đây gọi là biết lỗi liền sửa, có thế mới xứng đáng là đệ tử Phật. Nhờ tỉnh táo sáng suốt, ta tự chịu trách nhiệm về các việc làm của mình, thành bại nên hư ta có thể nắm được.


          Người tu phải siêng năng thực hiện pháp hành, siêng năng một cách liên tục. Siêng năng liên tục ở đây không có nghĩa là siêng ăn, siêng ngủ, siêng chơi, siêng nói chuyện tào lao, mà siêng đây là siêng bỏ vọng tưởng, siêng tỉnh táo an nhiên, siêng tu hành. Mình biết hoàn cảnh luôn đổi thay, thân này giả tạm, lợi dụng thâncảnh này để thành tựu Phật đạo. Chúng ta không đánh mất cơ hội thuận lợi, không đánh mất thời gian, như vậy hy vọng mới vẹn toàn công phu. Thật ra đây cũng không phải việc quá khó khăn, đòi hỏi mình nhăn mặt, há miệng, trợn mắt v.v.. ta bình thường an nhiên nhưng phải tỉnh. Tỉnh là gì? Là không ngủ mê nói mớ, không tham đắm ngũ dục, không bị còng trói bởi bất cứ việc gì, không lệch bên này, không vướng bên kia, lúc nào cũng trôi tròn an nhiên. Người như vậy gọi là tỉnh.


          Nếu chúng ta làm chủ được, không bị vọng tưởng kéo lôi, nhất định sẽ tin tưởng vào công phu của mình. Bởi vì mình không bị lệch bên nào, không trở ngại công phu, nhất định sẽ tự tại, giải thoát, ổn định. Chúng ta xét lại, ăn mặc ngủ nghỉ, tiếp khách, làm việc, nhà cửa, xe cộ v.v.. chúng ta không vướng cái nào, không bị lệ thuộc hình ảnh nào, như vậy là tự tại rồi. Còn vướng thì chưa tự tại nên phải rèn luyện. Phút lâm chung, khi cận tử nghiệp hiện ra, hình ảnh nào mạnh sẽ lôi ta đi theo nó. Tham có mặt ta bị tham kéo, sân có mặt ta bị sân kéo, si có mặt ta bị si kéo. Chúng ta sẽ vướng, sẽ mắc mứu ở người mình không ưa thích hay rất ưa thích, từ đó phát sinh ra khổ. Cho nên phút ấy là phút quan trọng, nó được hình thành bởi công phu hằng ngày của chúng ta. Ghét nổi dậy chúng ta không theo, thương nổi dậy ta cũng không vướng, tự mình tiêu dung, buông xả tất cả. Người được như vậy mới đảm bảo làm chủ khi sinh tử đến.


          Nghiệp chính là thói quen, hơi hớm thành chủng tử rồi, khi cận tử nghiệp hiện ra thì hơi hớm chủng tử đó có mặt. Nó có mặt thì khổ vô cùng. Cảnh thương kéo chúng ta cũng có, mà cảnh ghét đến chúng ta cũng không từ bỏ được. Muốn từ bỏ, muốn tự tại với nó, ngay bây giờ ta phải làm chủ, đừng để nó kéo lôi thì đối với cái chết mình mới làm chủ được. Đó là điều tất cả chúng ta phải đương đầu. Chúng ta nhớ, trong công phu hàng ngày, thương ghét vui buồn gì cũng phải buông hết. Người tu thiền là người đi theo con đường tự tại giải thoát, ưng đi đâu thì đi, không bị ràng buộc bởi cái gì hết. Muốn thế ngay từ bây giờ chúng ta phải đầy đủ pháp hạnh, không thể thiếu tỉnh táo sáng suốt được.


          Trong ngày lễ kỷ niệm đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật ra đời lần thứ 2547, tại đạo tràng Thiền viện Thường Chiếu tất cả chúng ta quý kính, hướng về vị giáo chủ nguyện đem công phu của mình dâng lên cúng dường Ngài. Để được là những thích tử xứng đáng, chúng ta nguyện tu hành đúng như lời Phật dạy, theo dấu Như Lai đi trọn con đường Phật đạo. Chúng ta tự hứa sẽ quyết tâm tu hành trong từng phút giây, để không cô phụ chí nguyện của mình, không cô phụ tứ ân, trong đó cao tột hơn hết là thâm ân của đức Như Lai.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM