TINH THẦN TU PHẬT
Phật
Đản 1999 – 2543
Kỷ niệm đản
sanh đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni lần thứ 2543 này, chúng ta lại một lần nữa
tưởng niệm về đức Phật với tất cả cuộc đời và công hạnh của một đấng cha
lành, thị hiện ra nơi đời vì lợi ích của tất cả chúng sanh. Về lịch sử,
chúng ta đã từng điểm qua trong những lần kỷ niệm trước. Ở đây, chúng tôi
muốn nhấn mạnh đến quá trình trải dài hơn 45 năm thuyết pháp giáo hóa độ
sanh của Như Lai, đức Phật đã để lại những bài học, những tấm gương sáng
cho chúng ta noi theo với mục đích muốn chúng ta học hiểu, áp dụng hành
trì làm sao được lợi lạc như chính Thế Tôn.
Đức Phật
Thích Ca Mâu Ni sanh ra dưới cội hoa Vô ưu trong vườn hoa thành Ca Tỳ La
Vệ, không giống như chúng ta sanh ra trong bảo sanh viện. Sau này Ngài
thiền định và thành Phật dưới cội cây Bồ-đề. Lúc hết duyên hóa đạo, từ giã
cuộc đời, Ngài thị tịch dưới cội cây Sa la. Qua đó đủ cho chúng ta thấy
Ngài là con người đặc biệt, gắn bó với thiên nhiên chứ không là của riêng
ai. Chúng ta ngày nay ở chùa, chứ không ở cội cây nên dễ vướng mắc cái
chùa. Đi đâu cũng thấy mình có chùa Thường Chiếu, cái lưng của mình dính
với chùa Thường Chiếu, ai đụng tới chùa Thường Chiếu thì không được. Bởi
thế nên mình tu không thành Phật.
Đức Phật là
một con người thực, có lịch sử, có cha mẹ và đặc biệt Ngài cũng có gia
đình. Lớn lên theo nghi thức truyền thống của triều đình, Ngài vâng lệnh
phụ vương làm lễ thành hôn với một công nương, sau đó sanh ra hoàng tử La
Hầu La. Cuối cùng Ngài từ bỏ tất cả đi tu. Sự thị hiện này rất có giá trị
đối với hầu hết Phật tử chúng ta. Nếu đức Phật thị hiện như một bậc tiên
thánh nào từ núi cao hay trên trời rớt xuống tu hành thành Phật thì chúng
ta không thể nào tu được. Trong Phật giáo, đức giáo chủ của chúng ta là
một con người được sinh ra và trưởng thành trong điều kiện như tất cả mọi
người. Cuối cùng thấy rõ nỗi khổ đau của kiếp nhân sinh nên Ngài dứt khoát
xuất gia tìm đạo, và với quyết tâm siêng năng tinh tấn không lui sụt, Ngài
đã thành đạo.
Điều đó cho
thấy nếu chúng ta quyết tâm mãnh liệt thì cũng có thể tu thành Phật. Việc
thành Phật không dành riêng cho đức Phật Thích Ca hay một vị Phật nào, mà
tất cả chúng sanh đều có thể giác ngộ thành Phật. Quí vị thử nghĩ, một ông
hoàng muốn đi tu có dễ không? Đôi khi một người dân thường muốn đi tu mà
buông không được, bứt không rời, hà huống một ông hoàng ở tuổi thanh xuân,
cắt đứt được tất cả để đi tu thì quả là một con người có ý chí mạnh mẽ
quyết liệt.
Bài học này
nói lên sự kiên quyết, sự siêng năng liên tục và sự phát tâm mãnh liệt
nhất định sẽ dẫn đến thành công. Người Tây phương nói “Muốn thì được,
quyết thì thành”. Chúng ta nếu muốn thành Phật thì phải quyết tâm tu học
siêng năng liên tục. Phần này Phật tử mình còn lèng èng lắm, nên tu hoài
vẫn không tới đâu. Thái tử Tất Đạt Đa sau lần dạo bốn cửa thành, Ngài thấy
hiện thực của cuộc đời toàn là khổ đau. Người già cả thiếu sự bảo dưỡng,
thiếu người nuôi nấng nên khổ đau. Người bệnh hoạn rên xiết không thuốc
thang, không người săn sóc nên khổ đau. Cuối cùng hình ảnh của sự chết
hiện ra với một cái xác nằm queo bên đường, ruồi nhặng giòi tỉa ăn hút,
không ai chôn cất đếm xỉa đến, thật là khổ đau cùng tột. Sau khi chứng
kiến cảnh già nua bệnh hoạn chết chóc ấy rồi, Ngài suy nghiệm về thân mình
một mai có rơi vào những tình huống như vậy không? Đây là vấn nạn lớn làm
cho Thái tử mất ăn mất ngủ. Cuối cùng Ngài nhận ra ai có thân này đều sẽ
đi đến tình huống ấy và đều bị khổ đau. Do đó Ngài quyết tâm tìm được giải
thoát.
Chúng ta
không thấy được như đức Phật nên sự phát tâm của mình cũng không dũng mãnh
bằng Ngài. Chúng ta có thân này như mọi người nhưng vẫn cứ yên lòng ngày
qua ngày với cuộc sống như thế. Cuộc sống an bài thế nào thì ta chấp nhận
thế ấy. Chúng ta không dùng tuệ giác nào để thấy thêm được gì nữa, nên
chúng ta cũng chẳng muốn tìm lối thoát.
Thái tử Tất
Đạt Đa không như thế, Ngài luôn trăn trở khi biết thân này sẽ hoại diệt,
mất mát. Ngài không thể nào đành lòng ngồi yên đợi chờ sự mất mát ấy đến,
không thể chấp nhận bó tay với sự tan rã trong khổ đau. Ngài quyết tâm tìm
cho ra một lối giải quyết. Học điều này chúng ta thấy đức Phật đi tu không
phải riêng cho mình mà vì tất cả. Ở đây Ngài tìm chân lý để giải quyết
những khổ đau mà mọi người bó tay chấp nhận.
Trước khi
giác ngộ thành Phật, đức Thế Tôn đã học hỏi với những vị Thánh thời đó
nhưng cuối cùng Ngài thấy chưa hoàn bị. Đức Phật tu khổ hạnh cũng thấy
không hoàn bị, bởi vì những phương pháp ấy chưa giải quyết được vấn đề
sanh già bệnh chết. Do đó Ngài tìm đến cội Bồ-đề, ăn uống trở lại bình
thường. Thế Tôn trải tòa cỏ ngồi thiền với một quyết tâm, tự khắc tự thệ
nếu không tìm được đạo giác ngộ giải thoát để giải quyết vấn đề sinh tử
thì dù thịt nát xương tan Ngài cũng không rời khỏi chỗ ngồi này. Với tâm
kiên quyết như vậy, cuối cùng Ngài đạt được sở nguyện của mình là thành
tựu giác ngộ.
Sau khi giác
ngộ, trải qua trên 45 năm Ngài đi khắp nơi để giảng giải những phương pháp
mình đã thấu triệt cho tất cả chúng sanh noi theo tu hành. Từ đó nhân gian
có Phật pháp và ngày nay chúng ta mới có kinh điển để học tập, nghiên cứu,
hành trì. Ở đây chúng tôi muốn nêu lên một vài lời dạy mà vị giáo chủ của
chúng ta đã giảng dạy.
Ngài dạy
“Hỡi các đệ tử, ta khích lệ các ngươi, mọi pháp hữu vi đều biến hoại, hãy
tích cực phấn đấu”. Đây là lời dạy phổ thông, hầu hết người con Phật ai
cũng thuộc. Đức Phật khích lệ chúng ta đối với các pháp hữu vi sẽ hoại
diệt, tất cả hãy phấn đấu. Những gì chúng ta có đây đều bị vô thường chi
phối, không ai thoát khỏi. Ngài khuyên tất cả phải gắng gổ, phấn đấu. Phấn
đấu làm gì? Phấn đấu để làm sao trong sự đổi thay, chi phối lớn lao đó
mình vẫn an nhiên giải thoát. Chúng ta nhắm coi có làm được việc đó hay
không?
Sự đổi thay
lớn lao trong cuộc đời luôn là vận hành xưa nay không thay đổi. Mỗi chúng
ta cảm nhận thế nào về sự hiện diện của mình? Sinh ra, lớn lên, già nua,
cuối cùng là chết. Đây là kết quả mà không một ai ưng ý. Chúng ta không
bao giờ muốn chết, cả những người bệnh hoạn cũng không muốn chết. Trừ
những người gặp nỗi thống khổ quá lớn lấn áp, không muốn sống nữa thì nói
muốn chết, nhưng khi cái chết đến họ cũng sợ sệt, hốt hoảng. Nói chung
chúng ta không làm chủ được cái chết. Mà chết là gì? Là sự đổi thay, mất
mát hoàn toàn sự sống trong đời này.
Sự sống được
sắp đặt theo phúc duyên của mỗi người như thế nào thì chúng ta chấp nhận
như thế ấy, chứ không hề có sự phấn đấu nào, bây giờ đức Phật dạy chúng ta
phải phấn đấu. Phấn đấu để thay đổi trục xoay đưa đẩy chúng ta đến chỗ
diệt vong mà chúng ta không làm chủ được. Phấn đấu như thế nào? Phấn đấu
học đạo, phấn đấu học thiền để chúng ta nhận ra tánh giác của chính mình.
Nhận và sống được với tánh giác thì khi đó mình làm chủ được, không bị lay
chuyển bởi những đổi thay trước mắt.
Tại sao ta
phải phấn đấu? Vì từ lâu lắm rồi, có thể nói là chúng ta không sáng suốt,
chỉ hài lòng chấp nhận những gì ta có đây. Ví dụ chúng ta sanh ra trong
hoàn cảnh gia đình khá giả, có cuộc sống đầy đủ, ta cũng cứ yên lòng như
thế. Giả dụ như gia đình dần dần sa sút, dẫn đến kiệt quệ ta cũng cứ yên
lòng như thế, không hề có sự phấn đấu nào để đổi thay, gầy dựng một tình
trạng khác tốt đẹp hơn. Đó là do chúng ta thiếu năng lực, thiếu sáng suốt,
cứ chấp nhận an bày như thế. Thường thì người ta nói định mệnh nhưng thật
ra đó không phải là định mệnh, mà chỉ vì con người quen yếu đuối, quen
chấp nhận, không chịu phấn đấu để vươn lên.
Phật dạy:
Đối với các hiện quả, chúng ta biết rằng đó là những hậu quả do mình gây
ra từ trước. Bây giờ chúng ta sẵn sàng trả, và đừng gây thêm những nợ nần
như thế nữa. Muốn dừng được phải có trí lực, có sự sáng suốt và quyết tâm.
Ví dụ như người lỡ nghiện thuốc, biết hậu quả sẽ đưa đến lủng phổi, nám
phổi, ho lao… bây giờ quyết tâm không hút thuốc nữa. Đây chính là tu. Tu
có nghĩa là sửa. Cái gì không cần thiết, không mang lại sự xứng hợp thì
chúng ta bỏ, sửa lại. Lỡ gây ra nhân đưa đến những hậu quả không tốt,
không an lạc, chúng ta sẵn sàng trả, không kêu ca, than trách gì hết nhưng
phải chuẩn bị cho mình nhân mới không như thế nữa.
Đức giáo chủ
dạy chúng ta phải phấn đấu tu tập. Đối với tất cả các pháp giữa cuộc đời
này, đừng bao giờ nói rằng nó kéo lôi, nó dụ hoặc, nó làm lầm mê tôi.
Chúng ta đừng bao giờ nói lời như thế mà phải khẳng định mình có trí lực,
có khả năng, có tinh thần và có quyết tâm. Quyết tâm làm gì? Quyết tâm
phấn đấu, những nhân gì đã gây tạo làm cho chúng ta bị trôi giạt như thế
thì chúng ta không gây nữa. Trong lòng lúc nào cũng nung nấu một tinh thần
tích cực, sáng suốt, có thế ta mới làm chủ được thói quen của mình. Những
thói quen xoàng xỉnh thấy như không có gì đáng kể, nhưng nếu không có trí
lực thì chúng ta không làm chủ được, cuối cùng thói quen đó sẽ thúc đẩy,
kéo lôi chúng ta. Từ đó gây tạo nghiệp tập để rồi cuối cùng chúng ta bị
xoáy trong vòng lẩn quẩn. Nhân như thế, quả như thế mà không có một lối
thoát.
Người con
Phật phải sáng suốt bình tĩnh, nhận định thấu suốt mọi sự trong cuộc đời
này đều từ nơi ta mà ra, chứ không do ai hết. Tốt hay xấu, khổ hay vui là
do tự chúng ta. Nếu ta không gây nhân khổ, không làm điều ác thì không bị
quả báo khổ, đó là điều tất yếu. Nhận định như vậy rồi, dù hiện tại cuộc
đời này ta khổ đau, thiếu thốn mọi mặt nhưng quyết tâm phấn đấu không gây
thêm nhân đau khổ nữa. Khi trả hết nợ nần này rồi ta sẽ bình an. Đó là
niềm vui là sự phấn khởi lớn lao của người biết tu tập.
Chúng ta
không cần phải bay lên hay lặn vào lòng đất để biết về cuộc đời. Thưa quí
vị! Không cần thiết. Ngay bây giờ chúng ta làm chủ được đối với tất cả các
pháp, không để bị kéo lôi, không gây nhân đau khổ để bị loay hoay lẩn quẩn
trong vòng điêu linh trôi giạt nữa là vui rồi. Ví dụ mỗi ngày ta không nói
lời ác để bị hậu quả của cái miệng kéo lôi trong vòng luân hồi là ta đã tu
được cái miệng. Ta không nghĩ điều gì sai trái để kết nhân thành những hậu
quả xấu, bị thúc đẩy chịu những điều bất như ý là ta tu ngay tâm rồi.
Mỗi người
con Phật chúng ta ai nấy đều ý thức và tu hành được như vậy thì Niết-bàn
an vui ngay hiện tại chứ còn tìm ở đâu nữa. Niết-bàn đó ngay từ bước đi,
trong giấc ngủ, trong bữa ăn, trong sự tiếp xúc, nói chuyện với khách,
trong tất cả sinh hoạt, lúc nào cũng có Niết-bàn, vì chúng ta không vướng
mắc bất cứ việc gì. Chúng ta không bị thói quen, không bị những lầm mê dẫn
dắt khiến nói năng, hành động sai quấy, là chúng ta tu đúng theo lời Phật
dạy, đảm bảo sẽ được an vui, khỏi cầu nguyện khấn vái gì ở đâu. Nếu người
con Phật nhận được như vậy sẽ an vui tức khắc. Nếp nhăn nhó bực bội, sự
tăm tối tiêu cực trong dáng mặt, cử chỉ sẽ không còn nữa. Đổi lại chúng ta
là người sáng suốt, bình tĩnh, làm chủ được mình, không để bị động bởi
những nghĩ ngợi, nói năng, hành động của mình. Lúc nào ta cũng an nhiên
trong phong thái bình thường thanh đạm. Đó là Niết-bàn hiện thực mà người
con Phật có thể nhập được bất cứ lúc nào, ở đâu.
Tóm lại tất
cả mọi người, không kể trí ngu, sang hèn, nếu thành tâm cầu đạo, ăn năn
sám hối thì đều có thể tu hành và chứng đạo, trở thành bậc Thánh giữa
chúng sanh và chứng được Niết-bàn tại cõi thế. Tất cả chúng ta đây ai nấy
đều ý thức được như vậy qua lời đức Phật dạy, đều gắng gổ phấn đấu đừng
gây tạo nghiệp nhân xấu ác nữa. Sám hối ăn năn là tự khắc, tự hứa với lòng
mình, từ nay những suy nghĩ nói năng, hành động gì sai thì tuyệt đối không
làm nữa. Quyết tâm siêng năng liên tục hành trì theo phương pháp Phật dạy.
Được vậy đảm bảo người đó hiện tại được an lạc, nghĩa là nhập Niết-bàn
giữa cõi thế, không nói thời gian hay chỗ nơi.
Kiểm lại ý
nghĩ, ngôn ngữ, hành động của mình, những gì sai trái từ trước, sám hối
cắt đứt không cho tái phạm nữa. Ngay bây giờ sống hồn nhiên, tự tại, làm
chủ được đối với tất cả sinh hoạt, đó là một cách tu. Tu như thế không gây
một sự trở ngại nào trong cuộc đời này hay trong sinh hoạt gia đình của
mình, miễn làm sao giác ngộ, nhẹ nhàng thảnh thơi, giải thoát là được. Bởi
vì Phật là giác ngộ, ai giác ngộ được như Phật đều gọi là Phật.
Nhưng bây
giờ chúng ta chưa giác ngộ như Phật mà chỉ giác ngộ năm ba mươi phần trăm
thì chúng ta là con Phật, chúng ta là Phật tử. Kiểm lại trong lòng chúng
ta có được giác ngộ khoảng chừng năm ba mươi phần trăm thì chúng ta xứng
đáng là Phật tử rồi. Ai gặp mình nói chị là Phật tử ta yên lòng. Ờ tôi là
Phật tử, tôi đang hành trì, đang thực hiện lời Phật dạy, tôi đã có những
giác ngộ chút chút như vậy. Và nuôi một quyết tâm rằng tôi sẽ giác ngộ
hoàn toàn, chắc chắn như vậy, không có con đường khác. Giống như nhà mình
chỉ có một cửa, từ cửa đó đi vào và cũng từ đó đi ra chứ không có cửa nào
khác. Ta là Phật tử, Phật giác ngộ hoàn toàn thì ta cũng dần dần được giác
ngộ như Phật.
Kinh Pháp
Hoa nói những đồng tử bé thơ, trong lúc giỡn chơi với nhau, đùa cát nắn
thành tháp Phật, tượng Phật, vẽ chữ Nam Mô Phật, Phật đều thọ ký cho những
đồng tử này về sau sẽ thành Phật. Chúng ta đã vượt hơn những đứa bé đó, đã
trưởng thành, đã giác ngộ được năm sáu bảy mươi phần trăm rồi thì nhất
định chúng ta sẽ thành Phật. Nhiều Phật tử tu theo đạo Phật mà nghe nói
giác ngộ là ngán lắm. Nói con tu gieo duyên vậy thôi, chứ chuyện giác ngộ
không biết tới chừng nào? Thưa quí vị, giác ngộ không phải việc bên ngoài,
của ai cho mà tự trong lòng mình. Thí dụ từ trước ta thấy cái gì đẹp thì
mê thích, đắm trước, chạy theo muốn đoạt cho được. Đó là việc làm của
người mê. Bây giờ cũng sự việc như vậy mà mình bình tĩnh, không tham đắm,
không chạy theo, đó là tinh thần của người giác. Từ đó suy gẫm ra thì đối
với tất cả cảnh tham, cảnh sân, cảnh si, những buồn vui được mất, ta đều
bình thường, không để niệm dấy lên tức mình đã giác. Cứ thế mà giác cho
đến khi nào giác ngộ hoàn bị mới thôi.
Khi đã kiên
thệ như vậy rồi dù hiện tại có như thế nào, chúng ta cũng vượt qua. Theo
gương đức Thế Tôn, một khi đã tuyên thệ ngồi thiền định dưới cội Bồ-đề,
bao giờ giác ngộ mới thôi, quyết không đứng dậy khi chưa thành tựu sở
nguyện. Chúng ta cũng thế, quyết tâm tu và tu đúng theo phương pháp Phật
dạy thì bao giờ làm chủ được mình và làm chủ được tất cả các pháp mới
thôi. Hiện tại được người cung kính quí trọng cũng tốt, bị người khinh
thường hủy nhục cũng chẳng sao. Giả dụ như có một cái thân khỏe mạnh tốt
đẹp ai thấy cũng cung kính, không phải đi bác sĩ thuốc men gì hết, tu cũng
tốt. Nhưng nếu mang cái thân bệnh bướu sắp chết trong một vài tháng tới
đây cũng cứ bình thường. Tinh thần đó là tinh thần của người có trí lực
toát ra từ công phu áp dụng lời Phật dạy.
Nói điều đó
cho thấy rằng hiện tại chúng ta có thể nhập được Niết-bàn. Nó không phải
là cái gì mơ hồ, chỉ nói nghe cho vui mà là một hiện thực cụ thể ta có thể
áp dụng, suy nghiệm, thể nhập một cách thấu đáo để làm chủ được tất cả các
pháp. Phật là giác ngộ, ai giác ngộ được như Phật đều là Phật. Cho nên đã
có nhiều Phật trước đức Phật Thích Ca và cũng sẽ có nhiều vị Phật ra đời
kế tiếp. Những vị Phật ra đời kế trong đó có mình, quí vị có dám nghĩ như
vậy không? Đức Phật Thích Ca nhập Niết-bàn tính đến bây giờ đã hơn 2500
năm rồi, chúng ta là những vị Phật tử hiện tại. Đảm bảo khi giác ngộ hoàn
toàn chúng ta sẽ là Phật.
Bây giờ còn
là Phật tử, phạm vi giáo hóa của quí vị không được rộng rãi. Ban đầu từ
trong gia đình, việc tích cực tu học của mình sẽ ảnh hưởng tốt đến người
thân. Dần dần kết quả tốt sẽ ảnh hưởng đến xóm làng, xã hội, đất nước… rồi
khi giác ngộ hoàn toàn chúng ta nói ai cũng nghe hết. Các vị tu hành chân
chánh không có quyền lực chi hết, nhưng quả thật một người đạo cao đức
trọng nói ra lời gì ai cũng thích thú, cũng làm theo vì đều có sự phấn
khởi vui vẻ an lạc. Con đường tu hành là như vậy.
Như tôi đã
nói trước đức Phật Thích Ca Mâu Ni có nhiều đức Phật. Điều này về phương
diện lịch sử không sai tí nào. Bởi vì đức Phật Thích Ca Mâu Ni là đức Phật
thị hiện trong thế giới hiện tại, còn trước nữa đã có nhiều đức Phật ra
đời thị hiện giáo hóa chúng sanh trong những cõi nước khác. Vậy thì chắc
chắn ở tương lai cũng sẽ có rất nhiều vị Phật ra đời để tiếp tục con đường
giáo hóa độ sanh, trong nhà thiền gọi là nối đèn tiếp lửa.
Dưới cái
nhìn của đạo Phật, nếu chúng ta biết sử dụng trí tuệ chân thật thì như các
Thiền sư nói nấu cát thành cơm. Nghĩa là ai cũng có thể thành Phật, ai
cũng là Phật sẽ thành. Phật chỉ dạy chúng ta con đường tu tập để chấm dứt
mọi đau khổ. Đối với cái nhìn của người con Phật các pháp do nhân duyên
sinh, nhờ nhiều nhân tố mà nó hình thành. Biết rõ tất cả các pháp do nhiều
nhân duyên sinh như vậy, là người nắm được then chốt để chấm dứt sự khổ
đau.
Người tu
hành đúng theo lời Phật dạy, sẽ đoạn tận được sự khổ. Vì sao? Vì các pháp
do duyên sanh nên không thật, đã do duyên sanh thì cũng do duyên diệt.
Chúng ta còn có mặt ở đây, đầy đủ những duyên tốt hợp lại nên việc tu tập
tiến triển thuận lợi. Đến lúc nào đó duyên tốt không hội đủ nữa thì nó sẽ
hoại diệt. Người nhận ra được như vậy sẽ bình tĩnh giữa cuộc sống, bình
tĩnh luôn lúc mình bị mất mát. Người tu hành chân chánh thấy rõ đạo lý, sẽ
không còn khóc lóc bi lụy khổ đau khi thân này gặp tình huống xấu, người
ấy sẽ bình thường vì tự làm chủ được. Đó là bước đầu.
Kế tiếp,
theo tinh thần thiền chúng ta tu tập để nhận ra tánh giác là cái không bị
sanh tử chi phối, không bị động bởi hiện tượng sanh diệt. Phật bảo tất cả
chúng sanh đều có tánh giác, nếu chịu khó tu tập sớm muộn gì mình cũng sẽ
nhận được nó. Ở đây Phật luôn luôn nhắc nhở hàng đệ tử rằng tự ta làm cho
mình trong sạch hoặc làm cho mình nhơ bẩn, không ai làm cho ai trong sạch
hoặc nhơ bẩn cả. Chúng ta ý thức rõ ràng sự tốt đẹp cũng từ mình và sự xấu
xa cũng từ mình mà ra. Nếu làm điều xấu ác là tự ta làm ô nhiễm mình. Dù
ta có chỗ tựa nương nhưng vẫn không được ai che chở đâu. Ví dụ mình là đệ
tử Phật, ta nghĩ Phật giác ngộ hoàn toàn, ta giác ngộ được bao nhiêu phần
trăm là có điểm tựa, nên cứ làm càn điều xấu, điều ác thì chắc chắn chúng
ta chuốc lấy quả khổ vì tự ta làm ô nhiễm mình rồi. Cho nên Phật dạy, tự
mình làm điều ác là tự làm ô nhiễm mình. Tự mình không làm điều ác là tự
thanh tịnh mình. Thanh tịnh hay không thanh tịnh đều do mình, không ai làm
cho ta thanh tịnh hay ô nhiễm được.
Hiểu rõ như
vậy để chúng ta phấn đấu. Giả dụ bây giờ mình chưa được hoàn bị thì cố
gắng phấn đấu. Theo lời đức Phật dạy, giới Phật tử chúng ta có cách thức
tu hành, có thể áp dụng được đạo lý trong đời thường, những lúc bận rộn
với nhiều mối tương giao. Chúng ta biết một cách rõ ràng, không ỷ lại,
không đổ thừa cho ai. Tại mình gây tạo những điều ác nên bây giờ vui lòng
nhận quả xấu. Nếu ta vui vẻ phấn đấu làm những điều tốt thì sẽ hưởng những
quả phúc an lành. Phật tử ở nhà tu cũng được, tu trong mọi thời, mọi sinh
hoạt, chớ không nhất thiết vào chùa mới tu được.
Phật dạy
người con Phật phải tự tin nơi mình, nơi khả năng có thể thành tựu giác
ngộ giải thoát tối hậu của mình. Đó là lời cả quyết rằng chúng ta có thể
tu tập để được giác ngộ tối hậu như đức Phật. Thế Tôn chỉ là bậc đạo sư đã
thể nghiệm được như vậy, chỉ dạy những phương pháp để chúng ta cùng thể
nghiệm như Ngài. Phật không thể thay mình giác ngộ hay đọa vào địa ngục
được. Tự mình tin nơi khả năng của chính mình để được giác ngộ. Chỉ nội
niềm tin này nếu người tu chúng ta vững tin thì không bao giờ có hiện
tượng mê tín dị đoan hay là cầu cúng gì khác. Bởi ta biết rõ những thứ bên
ngoài không thật. Cái thật ở tự nơi tâm của mình. Tinh thần tu tập của
Phật dạy là như thế.
Trong những
ngày cuối cùng, đức Phật dạy thị giả A Nan rằng: “Hãy dựa vào bản thân
mình như là ngọn đèn sáng cho chính mình, hãy dựa vào sức của bản thân
mình là chính, hãy dựa vững vàng vào chính pháp, đừng tìm một chỗ dựa nào
khác ngoài bản thân mình”. Hoặc Thế Tôn dạy tất cả chúng ta “Hãy tự mình
thắp đuốc lên mà đi, thắp lên từ chánh pháp”. Khẳng định bước đi của mình,
không nên ỷ lại cầu cạnh những gì bên ngoài. Đó là ý nghĩa lời dạy trong
những phút giây cuối cùng, Ngài đã đinh ninh dặn dò chúng ta như vậy. Nói
như Thiền sư thì mỗi người đều có một tâm thể rỗng rang sáng suốt, hay có
tánh giác sáng suốt trùm khắp. Người biết tu là người sống và nhận lại
được tánh giác của mình.
Đức Phật luôn
luôn nhấn mạnh con người có đầy đủ bản chất hướng thiện đồng thời có đầy
đủ khả năng tự hoàn thiện mình. Tự mình cố gắng phấn đấu sẽ được giác ngộ
giải thoát. Tự mỗi người cố gắng phấn đấu làm sao để mình hoàn toàn được
giác ngộ, giải thoát. Vì bản chất mình có sẵn khả năng đó khỏi phải tìm
cầu bên ngoài. Đức Phật không phải là nhà cách mạng. Tuy nhiên đức Phật
không tán đồng chế độ đẳng cấp của xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Cho nên giáo
hội mà đức Phật thành lập tức giáo hội Tăng già, những người đệ tử của đức
Phật đã giác ngộ giải thoát, đứng trong hàng ngũ Tăng già, lấy sự hòa hợp
làm điểm tựa để sinh hoạt.
Trong giáo
hội không có đẳng cấp. Như Phật nói, người sang người hèn dù ở giai cấp
nào nếu biết tu, biết tỉnh giác đều có thể gia nhập giáo hội của Phật. Ấn
Độ thời đó có bốn giai cấp: Giai cấp tu sĩ, giai cấp vua chúa, giai cấp
những người buôn bán và giai cấp nô lệ. Mỗi giai cấp sinh hoạt riêng rẽ,
nhất là những giai cấp hạ tiện ở dưới thì không có quyền sinh hoạt tương
đồng như những giai cấp trên. Trái lại đối với giáo đoàn do đức Phật thành
lập, Ngài không chấp nhận như vậy. Ngài nói ai cũng có Phật tánh, nên ai
cũng có khả năng thành Phật. Vì vậy trong giáo đoàn của đức Phật các giai
cấp hoàn toàn bị xóa bỏ. Người đệ tử có uy tín, nắm giềng mối giới luật
của thời đức Phật là Tôn giả Ưu Ba Ly. Ông xuất thân trong dòng hạ tiện,
là người làm thuê, thợ cắt tóc.
Đạo Phật chú
trọng đến đời sống đạo đức, giới luật, công đức, trí tuệ, không chuộng
những hình thức bên ngoài của xã hội, của con người. Xã hội của Phật là
một xã hội bình đẳng tuyệt đối, bình đẳng vô duyên, tức là không có một
duyên cớ nào, không có một chiều nào hết, như nước trăm sông đổ về biển,
tất cả những dòng cũ không còn nữa, khi đó chỉ là biển cả. Trước khi gia
nhập giáo hội chư vị Tỳ-kheo thuộc dòng này phái kia, sau khi gia nhập
giáo hội tất cả đều hướng đến một mục đích là giác ngộ giải thoát. Tất cả
những tỵ hiềm riêng tư cố thủ không còn nữa mà bây giờ là giác ngộ, giải
thoát.
Đây là một
tinh thần vừa khiêm hạ vừa phóng khoáng, lớn lao đặc biệt của giáo hội
Phật giáo. Đức Phật thu nhận tất cả, không phân chia ranh giới biên cương,
ai gia nhập vào giáo hội rồi đều lấy việc tu tập để được giải thoát làm
chính. Cái đến của tăng sĩ Phật giáo là đỉnh cao của sự giải thoát. Cởi bỏ
những riêng tư ràng buộc, hoàn toàn thể nhập vào thể tánh trong lặng, mênh
mông trùm khắp. Ai sống được như vậy người ấy sẽ tươi tắn, hạnh phúc vì
luôn an trụ trong Niết-bàn.
Có lần tôi
được nghe và nhìn qua hình ảnh ghi lại cách sinh hoạt của các nước văn
minh có Phật giáo. Các vị tôn túc nơi ấy tổ chức cho Phật tử khắp nơi tu
trong vòng một tuần lễ. Tổ chức này nhận đơn tất cả mọi người trên thế
giới, không luận ở đâu, miễn tuần lễ đó về đạo tràng đúng giờ và thực hiện
đúng qui chế theo sự sắp đặt của ban tổ chức. Các vị từ khắp nơi về làm lễ
nhập khóa, xuống tóc, thọ giới, tu trì và được các vị tôn túc hướng dẫn
trong thời gian đúng một tuần lễ. Hết tuần lễ mọi người trở lại công việc
của mình.
Điều tôi cảm
nhận qua hình ảnh tu tập tuy ngắn ấy nhưng có kết quả rất thiết thực. Giây
phút trước khi mọi người chia tay trở về, ai nấy đều cảm động. Tất cả đều
hứa hẹn sẽ sắp đặt, dành dụm thời gian để trở lại tu tập, sống đời sống
thánh thiện như thế dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi. Những vị này chưa
phải là các đức Phật có thần thông, chưa phải là những Thiền sư có năng
lực trong việc giáo hóa chúng sanh, nhưng họ nói lên tâm khảm của mình qua
thời gian tu tập một tuần lễ thật đầy xúc động vì sự an lạc mà họ có được.
Chia tay trong tình thân thương với một tâm trạng sáng suốt, nguyện kết
duyên với nhau để được tu theo Phật pháp cho đến khi hoàn toàn giác ngộ
mới thôi.
Trong hoàn
cảnh xã hội văn minh tiến bộ, trong sự sống thụ hưởng vật chất như ngày
nay mà còn có rất nhiều người biết cách tu tập, ham thích tu tập, đó là
điều đáng khen và đáng mừng. Nếu trong thời gian một tuần ấy, họ không tu
tập mà làm những điều xấu ác thì thật là tai họa cho nhân loại biết chừng
nào. Tôi thấy đạo Phật ngày nay có phần lạc quan lắm. Nhiều người nói việc
tu lắm. Vâng! Khó lắm chớ đâu phải dễ. Nhưng với những hình ảnh và con
người có thật như tôi vừa nêu, bằng những phương pháp khoa học, họ có thể
vừa tu tập vừa hướng dẫn những anh em đồng chí của mình cùng tu tập, cùng
đầu tư vào trong ngôi nhà đạo Phật thì thật là hay!
Ngôi nhà đó
đức giáo chủ chúng ta đã gầy dựng cho tới ngày hôm nay, trong phút giây
làm lễ kỷ niệm ngày đản sanh của Ngài, hàng Phật tử chúng ta cảm thấy bồi
hồi xúc động vô cùng. Nếu không có đức Phật, không có những kinh nghiệm,
những phương pháp do Thế Tôn truyền dạy lại thì giờ này không biết chúng
ta ra sao, làm gì, ở đâu? Có ánh sáng trí tuệ và từ bi của Phật soi rọi,
nhân loại ngày nay mới có thể dừng được những bước ngông cuồng thác loạn
của mình bên bờ vực thẳm của vô minh và khổ đau.
Thế nên dù
chúng ta chưa hoàn toàn giác ngộ, nhưng đã là Phật tử, chúng ta biết sợ
nhân xấu, không gây nhân bất hảo, biết áp dụng lời Phật dạy nên đã phần
nào đóng cửa các nẻo ác, mở cửa các đường lành. Đạo Phật là đạo thanh tịnh
giải thoát, cao quý của tất cả mọi người, mọi loài, ai cũng có thể gia
nhập được. Phật dạy: Không luận ai, nếu người giác ngộ hoàn toàn thì người
đó là Phật, nếu giác ngộ được năm sáu mươi phần trăm là Phật tử. Như vậy
trong số ấy có chúng ta. Nói cho cùng chúng ta sẽ giác ngộ từ từ, và tự
khắc tự hứa, nguyện sẽ nương nhau đùm bọc nhau để cùng đi đến giác ngộ
hoàn toàn như vị giáo chủ của mình.
Phật dạy:
“Hỡi các Ty-kheo, cũng như các con sông lớn khi chúng đổ vào biển thì
chúng mất tên gọi cũ và được gọi chung là biển cả”. Đây là câu kết lại
những điều tôi nói ở trên. Tất cả chúng ta là phàm phu, nam hoặc nữ, sang
hèn, có địa vị hay không địa vị trong xã hội này, nhưng đã là con Phật, tu
theo Phật, tất cả những gì riêng tư trước đó chúng ta bỏ hết để cùng vào
trong biển cả mênh mông, trong tánh giác trùm khắp, trong trí tuệ Phật.
Người con Phật lúc nào cũng hăng say tích cực phấn đấu cho trọn vẹn tinh
thần giác ngộ mới vừa lòng, mới xứng hợp là người con Phật.
Trong ngày
đại lễ kỷ niệm đản sinh của đức Phật, chúng ta không có gì cúng dường cho
xứng đáng với công ơn trời biển của Ngài, ngoài mỗi một việc là cố gắng tu
tập để được giác ngộ giải thoát như đức Phật. Nếu không có Ngài thì không
có sự giác ngộ, không có sự giác ngộ thì không biết bây giờ chúng ta tăm
tối đến thế nào? Với tâm thành tri ân công đức không gì tính kể của đấng
Thế Tôn, chúng ta tự khắc, tự hứa đùm bọc nhau cùng thực hiện tinh thần
giác ngộ ấy để dâng lên cúng dường đức Phật trong ngày kỷ niệm này.
Đức Phật là
người không nhà học đạo, từ bỏ tất cả quyến thuộc chỉ chuyên tâm vào việc
thiền định mới đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chúng ta cũng
thế, noi gương Như Lai từ bỏ tất cả tham sân si, cố gắng phát huy trí tuệ
tiêu trừ những si mê điên đảo vọng động từ bao đời. Đó là ta phá vỡ căn
nhà tăm tối, gia nhập vào giáo hội thanh tịnh giải thoát, là đệ tử Phật.
Chúng ta dẹp bỏ hết những riêng tư để mở rộng trí tuệ Phật của mình. Càng
mở rộng trí tuệ Phật ta càng an lạc giải thoát. Khi ấy mọi người chung
quanh ta cũng an lạc giải thoát.
Không luận kẻ
trí người ngu, kẻ sang người hèn, nếu thành tâm cầu đạo, thành tâm học đạo
và áp dụng đạo thì giữa cõi đời này người đó là người trong sạch, là tu
sĩ, là người đạt đạo. Với tâm thành cầu đạo khẩn thiết, với sự tu học dưới
sự chỉ dạy của bậc đạo sư, chúng ta không còn là những cá nhân riêng tư,
mà tất cả sống chung trong ngôi nhà Phật pháp với tinh thần lục hòa cộng
trụ, vui vẻ hoan hỷ tu tập để được thành tựu rốt ráo viên mãn như đức
Phật.
Trong ngày
này tất cả người con Phật đều khởi tâm hướng về vị giáo chủ. Ai nấy đều
thâm tạ thâm ân của Ngài. Bởi vì nếu không có đạo giải thoát thanh tịnh do
Ngài truyền lại thì chúng ta còn chìm đắm trong những nỗi khổ đau bất tận.
Hiện tại chúng ta chưa hoàn toàn hết khổ, nhưng đã nắm vững phương pháp,
thấy rõ những việc cần thiết mình phải làm, nên đã phần nào tự thanh tịnh
lấy mình, không để ô nhiễm với trần cảnh như trước nữa.
Tất cả Phật
tử đều biết muốn thành Phật cũng do mình, muốn lang thang trong vòng luân
hồi cũng do mình. Thế nên tự mình yên lòng, không còn phải băn khoăn lo
lắng gì nữa. Càng được bình an thì càng thấy ân của vị giáo chủ vô cùng
tận. Cho nên trong ngày kỷ niệm này, tất cả chúng ta nguyện dâng lên đức
Phật thành quả tu tập của mình, cúng dường đúng chánh pháp. Đồng thời
chúng ta phát nguyện luôn là người Phật tử xứng danh. Trong quá trình tu
tập tuy gặp những khó khăn, nhưng ước nguyện duy nhất của chúng ta là phải
giác ngộ như Phật mới vừa lòng con. |