ĐỨC PHẬT TRONG ĐỜI

T.T THÍCH NHẬT QUANG

HƯỚNG NGUYỆN THÀNH PHẬT

Phật Đản 2000 – 2544

Mục đích duy nhất của người tu Phật là hướng về đạo Vô thượng Bồ-đề. Tất cả niệm hướng của chúng ta là niệm hướng tu hành để thành Phật, ngoài ra không mong cầu gì khác.

Trong từng bước tu tập, mỗi người phải trang trải những nợ nần oan khiên nghiệp báo nhiều đời… Tùy phần tùy phúc mà công phu có sai biệt, nhưng cuối cùng đều hướng về một mục đích là thành Phật. Như Phật tử tu Tịnh Độ niệm Phật A Di Đà cầu được vãng sanh về thế giới Cực Lạc, đó là hướng nguyện duy nhất của người tu Tịnh Độ. Nhưng các bậc Tông sư tông này cũng có lời dặn thế này: Những vị tu hành đắc lực, khi lâm chung Phật A Di Đà hoặc hai vị đại Thánh phụ tá là Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí đến để rước. Nhưng hành giả nên cảnh giác, có khi trước Phật A Di Đà hoặc hai vị đại Thánh phụ tá của Ngài đến đón thì lại có những cảnh giới khác lạ hiện ra, liệu xem hành giả có vững tâm không bị lung lay, bởi những cảnh giới khác, nếu khởi niệm thích thú tướng trạng lạ là rơi vào quần tà.

Chỗ này là chỗ ách yếu của công phu. Nếu người không vững tâm, chạy theo cảnh giới bên ngoài thì Phật A Di Đà hoặc hai vị đại Thánh phụ tá không đến kịp. Nói không đến kịp là một cách nói thôi. Thật ra vì công đức, sự trang nghiêm của chúng ta chưa đúng mức nên Phật A Di Đà và Bồ-tát chưa hiện ra. Nếu trước đó đôi phút, có những đoàn khác cũng trang nghiêm, rực rỡ đến rước. Khi đó người không đủ nội lực vững vàng sẽ dễ bị lầm. Chỉ một phút giây lầm là đi theo con đường khác, không biết chừng nào trở lại.

Riêng người tu thiền bắt buộc phải đầy đủ thực lực. Đường đi nước bước đều do mình tự quyết. Đường nào tự tại, sáng suốt thì ta đi. Đường ta tự tại thênh thang nhưng không có ai đón rước đâu. Nếu người không có nội tại, không trang nghiêm chính mình, e lúc ấy phát sinh những móng khởi lung tung thì không đi được con đường tự tại. Trong nhà thiền nói “Đường đi của người tu thiền là đường tự tại, độc lập, đi mà không bị nghiệp dẫn. Đi trong tinh thần rỗng rang sáng suốt. Muốn thế trong cuộc sống, sự tu tập hằng ngày của chúng ta làm sao luôn tỉnh giác, vững tâm đối với tất cả những cảnh duyên dù tốt hay xấu, thuận hay nghịch.

Thời đại của chúng ta hiện nay, đôi khi cái giả lại sáng sủa hơn cái thật. Quý vị nào thường đi chợ thì biết, hoa giả đẹp hơn hoa thật. Người ham thích cái đẹp hào nhoáng bên ngoài thì dễ bị lầm, dễ vướng kẹt lắm. Một khi ta đã bị lầm, đã vướng rồi, một thời gian quay nhìn trở lại không hẹn, không biết chừng nào mới gỡ ra được! Trong cuộc sống hiện tại ta thường được như ý thì khi gặp điều gì đó mắc mứu, ta tháo gỡ khó khăn ghê lắm, phải không? Dù chỉ là một niệm thôi nhưng đã vướng rồi thì việc buông bỏ, tiêu dung rất khó, không giản đơn chút nào hết. Vì vậy người tu Phật phải thấy được nguyên nhân, dè dặt tu tập ngay từ nguyên nhân, đừng để vi phạm về sau rất khó sửa đổi. Tu như vậy mới đảm bảo.

Chư Phật thường dạy ta nên sợ và tu từ cái nhân, đừng để thành quả thì dù có run rét cầu khấn Phật, Bồ-tát cứu rỗi cũng không thể được. Tinh thần của người con Phật là tu ngay từ cái gốc, sửa trị ngay từ cái nhân. Vì vậy tinh thần tu ở các Thiền viện do Hòa thượng Ân sư chỉ dạy là sửa ngay từ những dấy niệm. Đó là cái gốc. Những dấy niệm ban đầu nếu ta trị sửa ngay thì làm gì có hậu quả khổ đau, đáng tiếc. Người tu Phật chân chính không cầu khấn ai cả vì biết rõ ràng không có hiện quả nào mà không từ nhân gây ra. Không có nhân thì không có quả. Đã gây nhân thì chắc chắn phải hưởng quả. Phật bảo chúng sanh khi gây nhân không suy xét cho kỹ càng tới lúc quả đến lại lo sợ!

Như người đi đêm thấy bóng của mình chập chờn, dường như có râu ria, nanh vuốt nên hoảng sợ. Đó là vì đôi mắt không sáng hoặc thần kinh yếu, chứ người mắt sáng, thần kinh không suy nhược thì không bao giờ sợ cái bóng của mình. Cái bóng là gì? Là những quả báo do chúng ta gây tạo từ nhân trước. Nếu ta không tạo nhân xấu thì không sợ. Khi biết rõ chính mình gây tạo nhân nên quả báo đến ta sẵn sàng chấp nhận trả. Quả nào không xứng ý làm cho mình phải ray rứt, lo lắng thì biết nhân của nó mình gây ra trong lúc không tỉnh, nên bây giờ chấp nhận thế thôi, không than vãn, không đổ thừa cho ai hết. Vui vẻ trả. Trả trong tinh thần tỉnh sáng, khiêm tốn, trả cho sạch hết. Đó là người tu Phật nắm vững lý nhân quả.

Tất cả những việc làm có công đức, chúng ta đều hướng nguyện thành Phật, không cầu gì khác. Thành Phật là giác ngộ. Giác ngộ đó là giác ngộ tự tâm. Ví dụ bây giờ ta tổ chức một chuyến đi ủy lạo những người bị thiên tai. Bắt đầu chuyến đi mọi người rất hoan hỷ tích cực, chỉ mong trao tận tay số quà cho các nạn nhân khó khổ hơn mình, không ai nghĩ gì khác. Tuy nhiên việc làm đó có nhiều người, mà nhiều người thì nhiều ý, từ đó phát sinh chuyện bất đồng ý kiến với nhau. Thế thì chúng ta làm sao? Mình phải nhớ lại việc làm này vì mọi người, không phải vì mình. Tinh thần làm việc của người Phật tử phải lấy cái Giác làm chuẩn, mà giác ngộ thì rỗng rang sáng suốt nên ta không có vấn đề gì. Như chuyện đó đáng lẽ tám giờ phải giải quyết, nhưng bây giờ đa số chị em nói đến chín giờ mới giải quyết được, ta cũng hoan hỷ. Đừng có cái kiểu “Nhất định tám giờ, chín giờ không được. Chín giờ không phải là giờ Phật, tám giờ mới là giờ Phật!” Thưa nếu sống như vậy sẽ mất hết tinh thần, không còn cái hướng nguyện duy nhất là giác ngộ thành Phật.

Người tu thiền khi nói đến giác là giác tâm. Tức cái tánh giác sẵn có nơi mỗi người. Tất cả chúng ta đều sẵn có tánh giác đó. Muốn thể hiện tánh giác phải dẹp hết những góc cạnh riêng tư, ngô ngã bỉ thử không còn nữa. Nếu để ngô ngã phát triển lớn mạnh thì tánh giác không có cơ hội phát triển, nó bị khuất lấp, bị che mờ, giống như mặt trăng tròn sáng nhưng bị mây mù, cây cối, đủ thứ chướng vật che khuất nên ánh sáng không xuyên qua được. Bây giờ làm sao dọn dẹp được những chướng vật đó. Trong cuộc sống của chúng ta, từ sự quan hệ, đi đứng, nói năng, tiếp xúc, ăn ở, bạn bè, xã hội… nếu ta không tỉnh sống với tánh giác thì cái nào cũng che chướng, cái nào cũng làm cho mặt trăng của chúng ta không phát ra ánh sáng được. Trái lại còn phát ra phiền não, giận hờn, tức bực, gây gổ v.v…

Nếu chúng ta tập trung hướng nguyện duy nhất là thành Phật, thì có thể tiêu dung được một quãng, một quá trình tu hành khá dài. Giai đoạn mê sẽ làm cho con đường tu hành trở nên dài vô tận. Người không biết tu, không tập trung hướng nguyện nhận và sống lại với tánh giác của mình sẽ lê thê đi trong tam giới. Ngược lại, con đường thành Phật sẽ ngắn ngủn với người biết sống và nhận lại tánh giác của mình. Giác và mê không có biên cương. Chúng ta tỉnh thì nhận và sống được tánh giác. Chúng ta không tỉnh thì trầm luân trong si mê. Như ánh sáng của ngọn đèn néon phát ra là do ta ấn không đúng công-tắc của nó. Nếu chúng ta ấn đúng công-tắc của nó thì không bao giờ có ánh sáng. Vậy sáng và tối chỉ do ta biết ấn nút hay không biết ấn nút. Ấn nút sai hoặc không sử dụng được cái nút thì đành phải ở trong tăm tối, thầm lặng như vậy. Chỉ khi nào ta sáng suốt mở đúng công-tắc thì tự nhiên ánh sáng tỏa rạng. Thời gian đó bao lâu? Rất ngắn. Với người biết thì như vậy, còn người không biết thì đến chừng nào? Cứ như thế mà tăm tối thôi.

Tánh giác của chúng ta cũng vậy. Phật nói mỗi người đều có tánh giác. Nhưng ấn nút đúng nó mới hiện ra, còn ấn nút không đúng, thì thôi tánh giác là tánh giác, mê muội là mê muội. Cuộc sống trần ai là thế! Quả thực, khi chúng ta có chút kinh nghiệm tu tập sẽ thấy rõ ràng mê giác không có biên cương. Một phút giây sơ hở là mê. Một sát na tỉnh thức là giác. Vì vậy các Thiền sư dặn chúng ta lúc nào cũng phải tỉnh giác. Tỉnh giác để quay về nhận lại, sống lại, soi rọi lại chính mình, xem những nghiệp tập, hơi hám ô nhiễm của bản thân còn tồn đọng ở đâu thì bỏ đi, như vậy tánh giác mới hiện tiền. Đó là tinh thần phản quan tự kỷ của thiền tông Việt Nam.

Nói tỉnh giác hay nói trí tuệ sáng suốt không có nghĩa là chúng ta đứng giữa ngã ba đường, cầm đuốc hoặc đèn pha thật sáng rọi người này người kia. Không phải vậy mà là tự soi rọi lại mình. Cho nên người thực sự trang nghiêm với tinh thần duy nhất hướng nguyện thành Phật thì cuộc sống của họ bình an thoải mái, không có vấn đề gì. Những đạo tràng hay pháp hội ngày xưa, như đạo tràng của Tổ Quy Sơn không dưới hai ngàn người. Vậy mà trong tổ chức này không nghe nói đến một lực lượng an ninh nào cả, cũng không có toà án nhân dân để giải quyết những chuyện đụng chạm gì gì. Toàn đạo tràng đều là những người cùng một hướng nguyện giác ngộ, sống với tánh giác thôi. Quả thực khi chúng ta cùng một hướng nguyện thì không có vấn đề gì xảy ra.

Các Tổ hồi xưa thường nói hợp duyên thì ở, không hợp duyên thì đi, bốn phương trời đều là nhà. Nơi nào thích hợp ta đến, tự tại, không hề bị những sự kiện chung quanh trói buộc. Chúng ta ngày nay mắc mứu nhiều việc quá cho nên tu hoài cũng chẳng tới đâu. Nào là anh em, cha mẹ, các mối quan hệ thân tộc, bạn bè v.v… Tôi nghĩ rủi mình mà thành Phật một cái là cả giòng họ thành Phật hết cho mà coi! Còn trì trệ loay hoay lẩn quẩn với nhau mãi thế này thì kéo nhau xuống cả chùm, cất lên không nổi.

Muốn hướng nguyện thành Phật có thì chúng ta cần phải thực hiện những điều kiện như sau:

Điều kiện thứ nhất là Tín tâm. Tín tâm ở đây là khẳng định khả năng thành Phật của chính mình. Người tu phải cả quyết như vậy. Nói thế nghĩa là chúng ta thường nghiệm lại xem công phu hằng ngày, hướng nguyện của chúng ta có quyết định hay không? Nếu còn dễ duôi, không vững lập trường, ta sẽ dễ dàng chạy theo các thứ khác, từ đó việc tu không đi tới đâu. Như tôi nói hoa giả tươi đẹp hơn hoa thật, nếu người nào dễ dàng chấp nhận như vậy thì hướng nguyện sanh về thế giới Cực Lạc đã bị một đám rước khác đến rước trước Phật Di Đà rồi, không bao giờ được Phật A Di Đà rước.

Thành ra ở đây nói đến tín tâm tức là nói đến sự khẳng định khả quyết của chúng ta đối với pháp tu. Nếu người chưa quyết tâm, tuy thấy hạ thủ công phu nhưng công phu ấy không được bảo đảm đâu. Nêu lên vấn đề này để chúng ta thấy từ xưa tới giờ, bao nhiêu người tu nhưng mấy ai đã thành tựu được sở nguyện? Tu hành phải trải qua một quá trình dài để tiêu trừ những nghiệp tập của mình. Chính quá trình này mới gọi là công phu. Việc tu càng khó khăn càng dài lâu chừng nào thì kết quả càng xứng đáng, càng cao quý chừng ấy.

Các kinh điển Đại thừa kể lại những vị Bồ-tát trong thời tu nhân chịu đựng rất nhiều khó khổ, trải dài kiếp số tu tập, thực hiện trọn vẹn những công phu tu hành thì kết quả tương lai mới rực rỡ. Đức Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật của chúng ta cũng vậy. Thời gian Ngài thực hành Bồ tát đạo đã chịu đựng, đã chấp nhận những gian lao, khó khổ đến phi thường. Song song với Ngài có Bồ-tát Di Lặc cùng phát đại nguyện thành Phật, nhưng sức chịu đựng, nhẫn chịu, công phu không bằng Ngài nên đức Phật Thích Ca đã thành Phật lâu rồi mà Bồ-tát Di Lặc vẫn còn tu trên cung trời Đâu Suất.

Chúng ta bây giờ cũng vậy. Không phải nói hướng nguyện thành Phật là tự nhiên thành Phật ngay đâu! Không có điều đó. Sáng hôm nay ngồi thiền yên ổn thích thú làm sao, nhưng sáng ngày mai mới ngồi nửa giờ là nó đau thấu trời, muốn xả cho rồi. Nếu mình không gan dạ, sức nhẫn không có, mình kéo chân ra rồi nằm dài thì kết quả nhất định sẽ là “Tu thiền cực khổ đau đớn quá. Thôi, kiếm cái khác tu cho nó khỏe!” Thưa, như vậy làm sao thành Phật được?

Thành ra sự quyết tâm không thể thiếu đối với người tu. Tinh thần này cũng rất cần thiết với người Phật tử. Trong thời tu nhân mỗi người mỗi hoàn cảnh, sự tập hợp như thế này cũng có duyên nhiều đời của nó. Như hôm nay cùng sinh hoạt thế này, cùng nghe pháp, cùng đến đạo tràng, chị em gặp gỡ nhưng rồi chiều lại chia tay, mỗi người trở lại cuộc sống đời thường của mình, kẻ ở chợ người ở quê, kẻ làm công chức người làm ruộng… đủ thành phần, đủ nghề nghiệp. Bây giờ ta phải trang trải, phải tu tập làm sao trong nghề nghiệp của mình. Một là trôi tròn nhiệm vụ, hai là tăng tiến công phu. Giả như trôi tròn nhiệm vụ mà công phu không tăng tiến thì ai nhắc nhở mình? Những duyên đó đôi khi không có. Nếu có cũng không đầy đủ. Ví dụ mình ngồi thiền đau chân, có huynh đệ nói “Ráng lên! Chị ngồi ráng lên” thì tốt. Có người lại nói “Chị tu làm chi cho cực vậy, thôi xả ra đi chơi với tôi cho khỏe”. Nếu mình đồng ý đi chơi thì mất hết công phu rồi.

Trong tinh thần tu hành, chư Tổ thường dạy sấn sước để công phu. Nghĩa là tiến bước chứ không lùi. Như cái đau chân lúc ngồi thiền, nếu chúng ta chịu đựng một ngày hai ngày ba ngày rồi một tháng hai tháng, dài lắm là sáu tháng nó cũng phải đầu hàng. Nhưng yêu cầu chúng ta phải gan. Từ ngày thứ nhất cho đến trọn vẹn sáu tháng ta cứ sấn sước công phu thì sẽ tiến được. Danh từ chuyên môn gọi là tấn đạo nghiêm thân. Nhưng từ ngày thứ nhất cho đến ngày thứ sáu tháng, không phải là một ngày, một phút, một giây. Nếu tính từng đơn vị thời gian thì cái đau dai dẳng lắm. Ta chịu đựng được ngày hôm nay nhưng ngày mai nhăn mặt rồi kéo chân ra. Thế là dong ruổi theo việc nọ việc kia. Tuy mình cũng tu vậy, nhưng bữa nay đau kéo chân ra nghỉ. Rồi lâu lâu ngồi lại thấy đau nữa, lại nghỉ. Cứ ngồi lại thấy đau thì nghỉ. Nghỉ mãi như thế nếu tính ra thời gian, ta tu gấp mấy lần sáu tháng nhưng vẫn không tiến chút nào hết, nếu không nói là lùi nữa. Đó là bệnh chung của đại đa số người tu chúng ta.

Người sấn sước công phu thì sẽ vượt qua tất cả. Không khó khăn nào có thể trụ lại hoài. Trong đời thường chúng ta luôn luôn bị sự chi phối của vô thường, lên xuống đổi thay hoài. Biết như vậy nhưng ta không khắc phục, để vô thường tác động mãi thì ta phải vong thân thôi. Công đức hay hướng nguyện của người tu là làm chủ được mình, nghĩa là vòng quay ấy không ăn thua gì tới mình hết. Ví dụ con người sinh ra, lớn lên, đứng tuổi, già nua bệnh hoạn rồi chết, một vòng sinh trụ dị diệt thay đổi như thế. Bây giờ với người biết tu, có công phu thì cũng sinh ra, lớn lên, cũng già bệnh rồi chết. Nhưng trong khoảng trẻ trung, nếu chúng ta áp dụng công phu đúng với tinh thần hướng nguyẹân thì ta không bị mắc mứu bởi thời xuân trẻ. Rồi lớn lên, trụ lại ta cũng bình an làm chủ được, không bị động bởi giai đoạn này. Giả như tới lúc già nua bệnh hoạn mình cũng bình thản tu hành. Cuối cùng duyên hết, thân này tan rã ta thấy như các thiền sư nói cởi được chiếc áo mùa hạ nóng bức. Đó là ta làm chủ được mình trước sức hút của vòng quay ấy, chứ không phải ta phủ nhận sự có mặt của nó. Người có công phu thì thấy vô thường cứ mặc nó. Nó quay cỡ nào mặc nó, mình bình thản. Ta không vì sức quay dữ dội của nó mà khiếp sợ hoặc bị nó xoay chuyển. Đó là người thực hiện được công phu hướng nguyện thành Phật.

Điều kiện thứ hai là bi tâm, tức mở rộng lòng mình ra. Mở rộng bằng cách nào? Tôi cũng đã nói nhiều lần về việc này. Có khi mình thương người này người kia mà không thương mình. Đề nghị với quý vị bây giờ chúng ta mở rộng lòng ra để thương ta, thương mình. Mình thương mình là sao? Ví dụ như tôi thấy bà già của tôi đi lụm khụm tôi liền biết mai mốt tôi cũng đi lụm khụm như thế. Có khi tôi không đủ phúc duyên sống đến lúc đi lụm khụm như vậy. Biết vậy rồi mình phải thương mình. Thương đây không có nghĩa chấp ngã, mà thương để nỗ lực phấn đấu làm sao làm chủ được khi mình còn có thể làm chủ, không đợi đến lúc bó tay bó chân, miệng méo, mắt lệch, đi không nổi nữa.

Bây giờ chúng ta còn làm chủ được thì phải tập làm chủ. Nếu mình không thương mình thì mình cũng chẳng làm gì được. Cứ thương thiên hạ hoài chưa chắc thiên hạ thương mình đâu. Nói nghe kỳ chứ thực sự là như vậy. Giống như bây giờ quí vị thương con của quí vị. Con mình đẻ ra mình thương, người ta nói nó là khúc ruột của mình mà, đâu có bỏ được. Nhưng quý vị thấy, còn nương tựa cha mẹ học hành thì còn gần gũi thương yêu, nhưng đến khi đỗ đạt thành nhân rồi, nó lại theo cái nghiệp của nó. Nó thương người khác hơn cha mẹ, thế là có lập gia đình, có con cái, sự nghiệp. Lúc đó quí vị cứ ôm con như hồi còn ẵm bồng trên tay thì sẽ khổ thôi. Các bà mẹ cứ khổ dài dài trong tình huống đó. Nó lớn lên, nó chạy xe Dream được rồi, thì dù quí vị biểu nó “Chạy chậm lại con ơi, nguy hiểm lắm”, nó cũng không có nghe đâu. Nó chạy mù trời mù đất, cho tới hết thấy đường tong vào thiên hạ thì tự động xe dừng lại thôi, khỏi phải biểu. Cho nên giáo dục con cái thì cứ giáo dục, chứ không thể nào ôm giữ mãi như cái thời nó còn bé thơ.

Thành thử bây giờ lo thương mình đi. Nói thế không có nghĩa là tôi bảo quí vị từ bỏ bổn phận. Ta cứ làm, nợ nần vẫn phải trả nhưng nhớ mở rộng lòng ra để tự thương mình, chuẩn bị những gì cần thiết cho mình. Thiếu sự chuẩn bị này thì mai mốt ta đi không vững. Chỉ có ta chuẩn bị cho mình thôi, chứ không ai khác có thể thay thế. Biết thương mình thì ráng tu. Giả dụ đang ngồi tụng kinh mà phát ho khan mấy tiếng, mình nghĩ “Chết rồi, cái phổi sao đây?”. Nghĩ thế càng ráng tu chứ không thể nói bệnh rồi nghỉ. Ho khan như thế là biết bây giờ mình già rồi, chứ thời son trẻ thanh niên đâu có ho bất tử vậy. “Cái đó” không phải cơm khô, không phải vàng khối đút trong túi xài được. Nó vô hình vô tướng, sẵn có, nếu ta thương mình chỉ cần gợi ý để nhận và sống lại với cái đó thôi. Thành ra giai đoạn thứ hai chúng ta phải làm sao biết thương mình.

Điều kiện thứ ba là cương quyết tiến thủ. Tiến là tiến tới, thủ là nắm được. Nghĩa là phải cương quyết trong sự tu tập. Người không cương quyết khó tu tiến lắm. Hầu hết người tu muốn tu trọn vẹn, muốn thực hiện được đạo lý thì phải dốc hết lực tu hành. Không thể vì một lý do gì, một sự việc gì làm đình trệ công phu, mà phải mạnh dạn giẫm qua. Vì vậy các bậc Bồ tát khi phát tâm tu hành thường nguyện sẽ giẫm lên tất cả những khó khăn, lấy khó khăn làm sự thành công. Sự tu tập nào không có khó khăn coi như sự tu tập đó không có giá trị. Hương vị của khó khăn là hương vị của thành công. Càng khó khăn nhiều chừng nào thì thành công càng giá trị chừng ấy. Vậy cho nên đối với người tu luôn luôn phải cương quyết tiến thủ. Đó là giai đoạn thứ ba.

Điều kiện thứ tư đừng bao giờ để cho tâm chán nản hiện ra. Điều này dễ hay khó? Thông thường người tu nếu tâm đạo không vững, không khắc phục được hoàn cảnh thì dễ chán nản rồi bỏ cuộc. Bữa nay đi được một hai bước, chán nản ngừng lại, người khác qua mặt mất rồi. Mai mốt hết chán nản đứng lên đi lồm cồm vài bước thì người ta đã về tới từ lâu. Người mang tâm trạng chán nản, bữa đi bữa nằm dài, bữa tu bữa không tu thì chẳng tới đâu. Cho nên đến giai đoạn thứ tư, người tu hành phải luôn luôn tiến thủ, đừng bao giờ có niệm chán nản.

Chán nản là một loại bệnh. Ai để cho tâm chán nản hiện hình nhiều thì cái xương sống bị kéo dài ra hoặc bị đóng vôi nữa. Đang ngồi, nghe hơi mỏi mỏi, đau đau liền nằm dài xuống. Nằm dài, ngáp một cái, thở ngược thì thôi không tiến đi đâu được nữa. Bấy giờ chỉ còn ngủ là khỏe! Nếu để cho con ma dễ duôi phủ trùm lên, nó dẫn dắt mình đi thì tháng ngày trôi qua trong mê muội, không tìm ra cái công tắc để mở ngọn đèn trí tuệ, không tìm được chìa khóa mở kho tàng châu báu nhà mình. Thành ra đến giai đoạn này phải miên mật, làm sao dẹp hết những cái dã dượi tai hại ấy đi.

Điều kiện thứ năm là phải gìn giữ công phu. Luôn luôn tâm nguyện phải vững vàng. Hàng đêm, chúng ta thường tụng mười hai lời phát nguyện, trong đó nguyện thứ mười một là nguyện học Phật Pháp, nguyện thứ mười hai là nguyện tu Thiền Tổ sư. Tụng để làm gì? Để chúng ta nhớ rằng mình phát nguyện như vậy thì phải làm đúng việc đó, không làm gì khác. Đây là những điều cần thiết đối với người tu, làm sao trang nghiêm hướng nguyện duy nhất là mong thành Phật thôi, không cầu gì khác.

Chúng ta tin chắc và nỗ lực tu tập. Khả quyết tu tập với phương pháp mình đã chọn, không hề có niệm sai suyễn trong công phu hằng ngày. Muốn thế chúng ta phải có tinh thần sáng suốt, tỉnh táo, sống trong tinh thần nhân quả. Hằng ngày áp dụng pháp tu một cách khéo léo để chấm dứt tất cả những đối nghịch chung quanh. Được vậy rồi chúng ta có thể giẫm qua mọi chướng ngại, an ổn, không sợ những duyên đối nghịch nữa. Thật ra như chúng tôi đã nói, những đối nghịch, những khó khăn là chất liệu không thể thiếu, trái lại rất cần thiết đối với người tu chúng ta. Trên con đường Phật đạo mình phải giẫm qua, vượt lên những thứ ấy đó mới thành tựu sự nghiệp giác ngộ giải thoát.

Trong kinh Pháp Cú, Phật dạy:

Nó làm nhục tôi, tấn công tôi,

Nó chiến thắng tôi, cướp của tôi…

Ai chứa trong lòng tư tưởng ấy

Hận thù như vậy chẳng hề nguôi.

Bây giờ nếu chúng ta gặp những hoàn cảnh khó khăn, những chướng ngại trước mắt mà nhớ lời dạy của Phật như vậy thì nhất định những chướng ngại đó sẽ ngàn đời không làm gì được chúng ta, chúng không còn là chướng ngại nữa mà trở thành nhân tố trợ duyên giúp ta thành công. Nếu chúng ta chưa nhận định được, chưa có quyết tâm, chưa thương mình để lo tu hành, thì những chướng ngại là chướng ngại, khó khăn là khó khăn, và vì thế con đường tu hành của ta bị ngăn ngại. Đó là những hiện thực trong đời sống, trong nếp tu hành của chúng ta.

Phật dạy tiếp:

Nó làm nhục tôi, tấn công tôi,

Nó chiến thắng tôi, cướp của tôi…

Không chứa trong lòng tư tưởng ấy

Hận thù như vậy sẽ dần nguôi.

Bây giờ là lúc chỉnh đốn, sửa lại cái nhìn trong lòng của mình. Ta không có tư tưởng như vậy, không có cái nhìn như vậy, không có quan niệm như vậy, xem như mình hóa giải, tiêu dung xong mọi chướng duyên. Hòa thượng Viện trưởng thường dạy “Biết tất cả những thứ đó là vọng, không thiệt, bỏ đi đừng theo”. Chỉ biết nó không thật, là đồ giả thì mình sẽ yên, sẽ tiến được thôi. nếu trong lòng chúng ta thường nuôi dưỡng như vậy thì tất cả những niệm hận thù, khó khăn sẽ nguôi ngoai, tiêu hết, dần dần ta sẽ tươi sáng và an lạc. Đó là một pháp tu.

Khi biết những dấy niệm là vọng tưởng thì chúng ta gây gổ với nó làm gì? Các mối quan hệ trong đời sống, nhà cửa, địa vị, tiền bạc… đều không thật thì tham đắm, tức giận nó làm gì? Cho nên người tu phải sáng suốt thấy được phúc báo, vị trí, cuộc sống của mình, ta bình thản. Phúc duyên như vậy, chúng ta ráng nỗ lực đừng nuôi dưỡng niệm xấu xa, dữ dằn hoặc gây nhân không tốt. Đối tất cả cảnh ta bình thản, không giận tức, không tự ti mặc cảm, cũng không có ý niệm gì về mình về người. Được vậy ta sẽ bình an thôi. Ví dụ mình sanh trong một gia đình giàu sang, học giỏi, đỗ đạt có bằng cấp cao, có địa vị trong xã hội… nhưng mình biết tu nên vẫn cứ bình thản, không kiêu hãnh. Kiêu hãnh gây ra bệnh ung thư, tức giận cũng gốc gác của ung thư. Chỉ người nào bình an tiêu dung được tất cả mới là người an lạc. Pháp tu thiền dạy chúng ta luôn luôn sống trong niệm bình an ngay đây bây giờ, không đợi chừng nào hết. Hoà thượng dạy “Biết tất cả những dấy niệm là vọng, không theo”.

Nếu chúng ta cứ lao theo những dấy niệm thì sẽ thấy khổ. Ví dụ mình đang ngồi đây mà nhớ lại con đường về Thành phố Hồ Chí Minh. Hôm qua mình đi ngang đoạn đường đó sao mà bụi bặm quá. Tại sao mấy nhà kỹ sư cầu đường lại làm như vậy. Vừa đánh mõ tụng kinh, vừa thấy hình ảnh đoạn đường hôm qua. Thấy một hồi rồi tự nói trong bụng “Tại sao không làm như vầy như kia…” Nói một hồi thì tức lên, thế là suốt cả giờ tụng kinh hoặc ngồi thiền toàn nhớ con đường với sự tức tối vô lý. Có phải là vọng tưởng điên đảo không? Việc của người ta làm có liên can gì tới mình, tại sao lại khởi phiền não? Chẳng qua tại mình hiểu biết nhiều quá, rồi tự kiêu hãnh về sự hiểu biết của mình thành tối thui! Cho nên kiêu hãnh là gốc của ung thư.

Tự ti mặc cảm hay tự tôn tự đại đều là gốc của bệnh ung thư. Thêm nữa, người nóng giận tức bực chính là gầy dựng cơ sở, sào huyệt của bệnh ung thư. Chỉ có lòng thoải mái bình thản đối với tất cả pháp mới là lành lặn, an lạc thôi. Như con đường người ta làm như vậy, đừng nói “năm hai ngàn rồi sao còn lạc hậu thế”, mà tới năm ba bốn ngàn gì cũng được, nó ra sao ta cũng cứ bình thản. Bình thản đây không có nghĩa là đầu hàng, sợ sệt. Bình thản của người con Phật là biết cái giả không phiền, không quan trọng nó. Vậy thôi. Đi dính bụi về tắm rửa cho sạch bụi, có sao đâu. Đâu phải ta dính bụi, người khác không dính bụi. Chính những người làm đường họ đi trong bụi bặm để làm mà, họ cũng dính bụi chứ. Thấy bụi thì bịt mũi lại đừng cho nó bay vô, đó là người khôn ngoan. Chúng ta biết bụi bặm không sạch đừng cho nó vô trong người mình, chứ đi giận con đường và người làm đường làm chi? Người sống bình thản tức không tạo sào huyệt cho vi trùng mang bệnh tật đến.

Do đó Phật nói Không chứa trong lòng tư tưởng ấy, Hận thù như vậy sẽ dần nguôi. Rõ ràng như vậy. Phật dạy không chứa những tư tưởng sai lầm, chứ không biểu chúng ta phải tụng kinh gì để được yên. Cũng ý này, trong kinh Pháp Cú Phật dạy:

Các mối hận thù giữa thế gian

Chẳng hề tiêu diệt bởi lòng sân.

Vô sân trừ khử niềm sân hận,

Định luật muôn đời của cổ nhân.

Đây là bài kệ kết cái ý trong đoạn tôi nói nãy giờ. Phật dạy các mối hận thù giữa thế gian này chẳng hề tiêu diệt bởi lòng sân. Nghĩa là không thể đem hận thù tiêu diệt hận thù. Không thể đem sân giận, tức tối để tiêu diệt hận thù. Vô sân trừ khử niềm sân hận, là người muốn diệt được sân hận thì trước phải hóa giải được những sân hận. Định luật muôn đời của cổ nhân. Coi như đó là cái định luật muôn đời. Trong kinh A Hàm Phật thường dạy chỉ có tâm từ bi mới hóa giải được sân hận. Thành ra người Phật tử phải có tâm từ bi. Mà từ bi thì phải thương mình, tức đừng bị mắc mứu mọi thứ trần cảnh bên ngoài, mọi vọng tưởng… những thứ đó nó sẽ làm khổ mình.

Chúng ta không tỉnh, trí tuệ không đầy đủ thì khó tiến thủ được, khó tu tập cho viên mãn. Điều quan trọng là người tu phải có đầy đủ trí tuệ. Có đầy đủ trí tuệ mới có thể giác ngộ được. Giác ngộ cái gì? Giác ngộ mình có tánh giác. Biết như vậy, tin như vậy mới yên lòng tu tập. Nếu chúng ta không giác ngộ, không biết rõ như vậy thì sự tu tập khó hoàn bị. Người có trí tuệ tu một ngày bằng người kém trí tuệ tu cả tháng cả năm. Nếu chúng ta sáng suốt cộng với sự quyết tâm tiến thủ tu hành, nghĩa là mở đúng công-tắc, nhất định bóng đèn sẽ cháy sáng. Còn người không biết, không tiến thủ thì cứ quờ quạng đi tới đi lui trong bóng tối. Không biết công-tắc chỗ nào, thì làm sao đèn cháy sáng được? Vì vậy người có trí tuệ sẽ thâu ngắn đoạn đường hay quá trình tu tập của mình. Trong công phu sẽ phát huy trọn vẹn được hướng nguyện duy nhất là thành Phật.

Hầu hết chúng ta có bệnh hay phóng ra ngoài. Lúc nào mình cũng lăng xăng ngược xuôi, hoặc bị mắc mứu bởi những giả cảnh giả hình, những hiện tượng bên ngoài. Đã thế còn tự hào mình đảm đang, hoàn thành những sự việc thế này thế nọ. Cả hai trường hợp, người bị mắc mứu và người có chút tỉnh giác nhưng rồi cũng ngược xuôi đều không khác nhau. Đối với người tu, trở về phương thức tu hành thì phải soi lại mình. Người biết thương mình phải phát huy việc của chính mình. Từ đó mới có thể thâu ngắn đoạn đường tu tập được.

Có bốn vị tu thiền trên núi cùng hẹn nhau là sẽ tịnh khẩu để nỗ lực tu hành. Hôm ấy trong phòng thắp đèn sáng, bốn vị cùng ngồi thiền, hứa không ai nói gì hết. Vừa ngồi thiền một chút bỗng cơn lốc từ đâu thổi đến làm mấy cánh cửa bung ra, ngọn đèn chao đảo sắp tắt. Trong bốn vị đó, vị trẻ nhất thông minh nhất liền mở miệng la lên “Đổ cây đèn rồi!” Vị thứ hai chịu không nổi liền nói “Quy luật của chúng ta là không được nói chuyện, chưa gì anh đã la lên rồi”. Vị thứ ba phát biểu “Như vậy cả hai người đều vi phạm hết”. Vị thứ tư bảo “Chỉ có tôi mới là người bất động”.

Tóm lại cả bốn vị đều không áp dụng đúng quy luật. Bốn vị này đại diện cho chúng ta. Chúng ta dễ bị mắc mứu, dễ chạy ra ngoài, dễ bị hoàn cảnh chung quanh chi phối. Bất cứ hoàn cảnh nào, ngồi tại nhà hay đang đi trên xe, chúng ta cũng bị hoàn cảnh chi phối. Tinh thần bất động hay năng lực bất động là năng lực tự tại nhất của người tu thiền. Đó là loại thiền định bất động trước tất cả các cảnh duyên. Nhờ thiền định này tự mình gầy dựng và an toàn cho chính mình. Nếu không như vậy thì ta luôn luôn bị động bởi những hiện tượng chung quanh. Bị động nhiều chừng nào thì khổ nhiều chừng ấy. Đó là điều không ai giúp mình được cả.

Người tu theo đạo Phật là người cảm nhận, hiểu biết rõ ràng như vậy. Hiểu biết như vậy để làm gì? Để có sức can đảm bất động đối với tất cả các hiện tượng. Với người tu thiền phải bất động trước tất cả hoàn cảnh vô vàn khó khăn đó. Có bất động như vậy mới thể hiện được tinh thần thiền. Thiền trong đi, đứng, nói năng, ăn nghỉ, trong mọi sinh hoạt tương giao. Như bốn vị thầy trên là thiền từ cái miệng thôi nên cuối cùng chẳng đi đến đâu cả. Chúng ta biết và nhận như vậy để cố gắng. Không tỉnh táo, định tâm thì dù đang ở trên núi cũng chẳng khác chi ở ngoài chợ, giữa phố phường, luôn bị cảnh bên ngoài kéo lôi.

Với tinh thần tu hành chân chánh, không luận chúng ta phải lên non hay đến chùa am, mà trong mọi sinh hoạt luôn luôn phấn đấu, thương mình, phát huy trí tuệ của chính mình để làm chủ tất cả hiện tượng chung quanh. Người nào sắp đặt được như vậy là người biết tu, cũng có thể là thiền sư trong cuộc đời này. Người thấy được lẽ thực của các pháp là người thấy đạo, là người kiến đế. Thật ra việc tu dễ dàng, trực tiếp như vậy, không phải là cái gì khó khăn quá sức chúng ta. Người biết tu ở đâu tu cũng được hết. Còn chạy trốn lên núi lên non mà không biết tu cũng vẫn bị các cảnh duyên kéo lôi như thường.

Phật tử nên nhớ việc tu hành thì lúc nào cũng tu hết, không phải đợi đến lúc tụng kinh, ăn chay hoặc đi chùa, cúng kính mới là tu. Chúng ta tu trong mọi thời, mọi cảnh, trong mọi sinh hoạt của mình. Nếu không tu được như vậy, chúng ta sẽ bị cảnh duyên bên ngoài làm mất đi ý nghĩa tu của mình, thành ra công phu dễ bị người khác chê cười. Có bà già nọ cứ khoảng ba giờ bà thức dậy tụng kinh đánh mõ đánh chuông um sùm. Trong xóm người ta ngủ không được, họ tức mình. Bây giờ muốn góp ý với bà già cũng khó, bởi vì bà tu hành mà nói gì? Nhưng cứ ba giờ bà thức dậy đánh chuông không ai ngủ được, làm sao bây giờ? Mấy đứa nhỏ mới nghĩ cách thế này, tới giờ chúng kéo nhau lại nhà bà nói chuyện, cười giỡn um sùm. Lúc đầu bà không để ý, nhưng lần lần bà thấy “Mấy đứa nhỏ này quả thực nó bôi bác mình”. Bà nghĩ thầm trong bụng “Mình tu hành không đụng gì tới nó, sao nó lại phá mình?” Nhiều khi bà đang tụng kinh mà muốn bỏ dùi mõ ra rầy mấy đứa nhỏ mới được. Lúc đầu bà mới chỉ nghĩ, nhưng lâu dần cái nghĩ đó thành hình. Cho đến một hôm, giờ bà đang niệm Phật tụng kinh, đánh mõ đánh chuông ì xèo, mấy đứa nhỏ ở ngoài giỡn, tức quá bà la lên: “Bà đang tụng kinh nghen con! Chốc nữa bà tụng kinh xong bà sẽ trị tụi bây!” Quý vị thấy, như vậy bà già đâu có tiêu dung nổi hoàn cảnh bên ngoài. Nó vẫn là những chướng ngại, là trở lực làm cho bà tu không được.

Thành ra ở đây nói tu thiền là tu trong mọi hoàn cảnh. Nuôi dưỡng tánh giác của mình, trước nhất tự nhận lại từ những phương tiện do vị Thầy giảng dạy. Biết mình có tánh giác là quý báu nhất. Bây giờ tập trung sự tu hành, công phu trang nghiêm, hướng nguyện duy nhất là sống thực với tánh giác. Lúc nào chúng ta cũng tu, cũng sống như vậy, chứ không lệ thuộc vào thời khóa buổi sáng hay buổi chiều gì hết. Nếu chỉ áp dụng trong thời khóa thì thời gian tu mất mát nhiều lắm. Ngày đêm 24 tiếng đồng hồ, trong đó việc ăn nghỉ, sinh hoạt cá nhân chiếm trên mười tiếng rồi, những tiếng còn lại nếu chúng ta không tỉnh giác thì ma si mê, vọng tưởng sẽ quậy phá khiến mình mất trắng luôn. Cho nên người biết thương mình không gây nhân khổ cho mình nữa. Tập luyện áp dụng tu hành trang nghiêm thế nào để chúng ta sử dụng hết thời gian, lúc nào mình cũng tỉnh cũng tu. Làm sao trong mọi lúc mọi thời ta làm chủ được mình, nguôi ngoai tất cả những sân niệm, những si mê điên đảo. Đó là áp dụng đúng tinh thần thiền, biết thương mình hơn ai hết.

Buổi nói chuyện hôm nay là hướng nguyện thành Phật. Mong rằng tất cả chúng ta là những người con Phật, mà Phật là giác, chúng ta là con Ngài thì cũng sống được với tánh giác của mình phần nào. Phật tử phải biết thương mình trước nhất, không phải thương ai hết. Thương ai là có vấn đề, khổ lắm. Càng thương càng khổ. Bây giờ mình thương mình, để tháo gỡ những nghiệp tập còn tồn đọng trong ta. Dần dần mình hoàn toàn làm chủ được, tu tập được trong tất cả thời, chừng đó mới thương tới chúng sanh được.

Việc tu không thể hẹn hò mà cần thực hiện ngay. Chúc các vị thành tựu được hướng nguyện thành Phật của mình một cách rốt ráo nhất.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM