KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

TÔNG THÔNG

TÂY TẠNG TỰ - BÌNH DƯƠNG

Người dịch : THUBTEN OSALL LAMA - NHẪN TẾ THIỀN SƯ

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG I: CHỈ BÀY CHÂN TÂM

MỤC HAI: CHỈ RÕ TÁNH THẤY

IX. LỰA BỎ TÂM PHAN DUYÊN ĐỂ CHỈ TÁNH THẤY KHÔNG THỂ TRẢ VỀ ĐÂU

Kinh: Ông Anan vâng nghe lời Phật từ bi cứu độ dạy bảo, khóc lóc khoanh tay bạch Phật rằng: “Tuy tôi vâng nghe diệu âm của Phật như vậy, ngộ được cái Tâm Nguyên Diệu Minh là cái Tâm Địa tròn đầy thường trụ, nhưng tôi ngộ được pháp âm Phật vừa nói, là tôi hiện lấy tâm phan duyên mà thỏa mãn chỗ ước mong. Được tâm ấy một cách mơ hồ, chưa dám nhận là Tâm Địa xưa nay. Mong Phật thương xót, tuyên lời viên âm, nhổ gốc rễ nghi ngờ cho tôi để được trở về đạo Vô Thượng”.

Phật bảo Ông Anan: “Các ông còn lấy tâm phan duyên để nghe pháp thì cái pháp đó cũng là cái được duyên, chẳng phải được Pháp Tánh. Ví như có người lấy ngón tay chỉ mặt trăng cho người kia, thì người kia phải nhân ngón tay mà thấy mặt trăng. Chứ nếu người kia nhìn ngón tay mà cho đó là cái Thể của mặt trăng, thì không những bỏ mất mặt trăng mà cũng bỏ mất cả ngón tay nữa. Tại sao thế? Vì lấy ngón tay chỉ mặt trăng mà làm mặt trăng vậy. Chẳng những bỏ mất ngón tay mà lại cũng không biết đâu là sáng và tối. Vì sao thế? Vì lấy cái Thể của ngón tay làm Tánh Sáng của mặt trăng, không biết hai tánh sáng, tối. Ông cũng như vậy đó”.

Thông rằng: Ông Anan ngộ được cái Tâm Nguyên mầu sáng tròn đầy vốn chẳng phải là duyên. Tâm Địa thường trụ vốn là Ông Chủ vậy. Nhưng nay nhìn Phật, nghe Pháp, là còn thuộc vọng tâm phan duyên, chưa biết cái Tâm Địa Bổn Nguyên do đâu mà rõ biết? Nói tức là cái này, thì không dám. Nói lìa cái này mà có thì hiện ở đâu? Đức Phật sắp phá cái sai lầm của tâm phan duyên, nên trước chỉ bày rằng cái Pháp đang nói ra cũng chỉ là cái sở duyên, bởi thế Phật dạy “Cái Pháp đang được ông nghe đó cũng chỉ là sở duyên, chớ chẳng phải được Pháp Tánh”. Pháp bày ra là để thấy Tánh, thấy được Tánh thì Pháp không còn chỗ dùng. Kinh Kim Cang nói: “Ví như cái bè. Pháp còn nên bỏ huống là chẳng phải pháp”. Ở đây lại lấy ví dụ ngón tay chỉ mặt trăng, thấy được mặt trăng thì bỏ quên ngón tay đi vậy. Các bậc Cổ đức dẫn dụ phần nhiều tương hợp với chỗ này.

Có câu :

            Trong bóng mây màu người tiên hiện

            Tay cầm quạt hồng-la che mặt

            Cần gấp đưa mắt xem người tiên

            Chớ nhìn cây quạt trong tay tiên.

Lại còn nói :

            Một thỏ phi thân ngang lối xưa

            Ưng xanh vừa thấy liền bắt sống

            Đến sau chó săn không linh tính

            Chỉ hướng cây khô chỗ cũ tìm.

Ông Tô Đông Pha có bài văn: “Có một người mù hỏi hình thể mặt trời ra sao? Người kia lấy cái mâm đồng mà chỉ cho, người mù gõ lên nghe có tiếng. Ngày khác, nghe tiếng chuông cho đó là mặt trời!”

Có vị tăng hỏi Tổ Pháp Nhãn: “Ngón tay thì chẳng hỏi, thế nào là mặt trăng?”

Tổ Nhãn nói: “Ngón tay mà ông chẳng hỏi đó, là cái gì thế?”

Lại có vị tăng hỏi: “Mặt trăng thì chẳng hỏi, thế nào là ngón tay?”

Tổ Nhãn đáp: “Mặt trăng”.

Vị tăng nói: “Kẻ học nhân hỏi ngón tay, Hòa Thượng vì sao lại trả lời mặt trăng?”

Tổ Nhãn nói: “Vì ông hỏi ngón tay”.

Nếu rõ được gia phong [Thói nhà] của Pháp Nhãn tức thì ngón tay, mặt trăng bày rõ. Chẳng thế, thì ngay mặt lại lầm qua.

Kinh: “Nếu lấy cái phân biệt pháp âm của Ta mà làm tâm của ông, thì cái tâm ấy phải rời sự phân biệt tiếng nói mà tự nó có tánh phân biệt. Ví như người khách ngủ trọ quán trạm, ở tạm rồi đi, chẳng thể thường trụ mãi. Còn người chủ trạm thì không đi đâu cả, mới gọi là chủ trạm. Ở đây cũng thế, nếu thật là Tâm của ông thì chẳng đi đâu cả.

Thông rằng: Pháp âm đang nói là cái sở duyên. Chỗ sở duyên ấy, không thể chấp lấy làm Chân. Cái phân biệt pháp âm là cái năng duyên. Cái năng duyên đó há lại có thể y vào nó mà cho là Chân? Ngay khi cái Tâm và cái Tiếng gặp nhau, thì có sự phân biệt rõ ràng, nhưng Cái Phân Biệt đó cũng chỉ tạm thời, giống như người khách. Đến khi cái Tâm và cái Tiếng rời nhau ra, cái phân biệt mất hết, nhưng cái Tánh Phân Biệt không mất. Tánh này chẳng bởi nghe pháp mà có, chẳng bởi không nghe pháp mà thành không, nên gọi là chủ nhân. Nơi chỗ này thấy được, mới gọi là thấy Tánh. Nếu chấp lấy cái tâm phan duyên nghe pháp làm Tự Tánh, thì cũng giống như nhận khách làm ông chủ vậy.

Thầy Đại Điên [Đại Điên Hòa Thượng. Được mối thiền Tào Khê, nối pháp Tổ Thạch Đàu, ở Ấp Tây U Lãnh, dưới chân núi lập thiền viện Linh Sơn, truyền pháp cho đệ tử cả ngàn người] ban đầu tham học với Tổ Thạch Đầu.

Tổ hỏi: “Cái gì là Tâm ông?

Thầy Đại Điên nói: “Thấy ngôn ngữ là đó”.

Tổ Đầu bèn hét đuổi ra.

Qua một tuần, thầy Đại Điên bèn hỏi: “Cái trước đã chẳng phải, trừ cái ấy, ngoài ra cái gì là Tâm?”

Tổ Đầu nói: “Dẹp hết nhướng mày chớp mắt, đem Tâm lại đây!”

Thầy Điên nói: “Không có Tâm có thể đem lại được”.

Tổ Đầu rằng: “Xưa nay là có Tâm, sao nói không Tâm? Không Tâm cũng như báng pháp!”

Thầy Đại Điên nghe xong đại ngộ.

Một hôm, đứng hầu Ngài Thạch Đầu, Tổ hỏi: “Ông là tăng tham thiền hay là tăng tu Tịnh Nghiệp (Tịnh Độ) của Châu, Huyện?”

Đại Điên: “Là tăng tham thiền”.

Tổ Đầu: “Cái gì là thiền?”

Đại Điên: “Nhướng mày, chớp mắt”.

Tổ Đầu: “Dẹp hết nhướng mày chớp mắt, đem cái Bổn Lai Diện Mục của ông trình ra xem!”

Đại Điên: “Xin Hòa Thượng dẹp hết nhướng mày chớp mắt ra ngoài để soi xét”.

Tổ Đầu: “Ta dẹp rồi”.

Đại Điên: “Đem trình ra rồi vậy”.

Tổ Đầu: “Ông đã đem trình, Tâm ta thì sao?”

Đại Điên: “Chẳng khác Hòa Thượng”.

Tổ Đầu : “Chẳng liên quan việc ông”.

Đại Điên: “Vốn không vật”.

Tổ Đầu: “Ông cũng không vật”.

Đại Điên: “Đã không vật tức là chơn vật”.

Tổ Đầu: “Chơn Vật là Bất Khả Đắc, tâm ông thấy như vậy phải rất hộ trì”.

Cha con Thạch Đầu mấy phen lật qua, lật lại biện xét cốt để thẩm định Chơn Tâm, vốn là vô sở đắc, gọi là Chơn Chủ Nhân.

Kinh: “Tại sao lìa tiếng lại không có tánh phân biệt? Nói như thế chẳng những đối với tâm phân biệt các tiếng, mà cái phân biệt hình dung của Ta nếu rời các sắc tướng cũng không có tánh phân biệt.

“Như vậy cho đến mọi phân biệt đều không có, chẳng phải Sắc, chẳng phải Không, mà nhóm Câu Xá Ly mê lầm cho là Minh Đế, thì rời các pháp duyên cũng không có tánh phân biệt. Như vậy, Tâm Tánh của ông mỗi mỗi đều có chỗ trả về, làm sao làm chủ?

Thông rằng: Phân biệt âm thanh, phân biệt Sắc, Hương, Vị, Xúc, các Trần đều là bóng dáng phân biệt tiền trần. Tại sao lìa các tiền trần liền chẳng có tự tánh phân biệt? Dù cho diệt hết tất cả Thấy, Nghe, Hay, Biết cho đến phân biệt cũng không còn, ở trong giữ lấy cái Không-Không u nhàn, chẳng phải Sắc, chẳng phải Không mà ngoại đạo chấp lấy làm Minh Đế thì cũng mới chỉ là rời cảnh chứ chưa rời pháp, vẫn còn là bóng dáng phân biệt pháp trần.

Tại sao lại rời pháp duyên thì không có tự tánh phân biệt? Nhờ tiền trần mà có thì rời tiền trần bèn không. Nhờ pháp trần mà có, thì rời pháp trần bèn không có. Cái tánh phân biệt này, mỗi mỗi đều có chỗ trả về, làm sao làm ông chủ? Một cái Động (phân biệt tiền trần), một cái Tĩnh (phân biệt pháp trần) đều thuộc về bóng trong gương: bóng có chỗ trả về, gương thì chẳng có trả về đâu hết. Một lần đến, một lần đi đều thuộc về khách. Khách có về, chủ không có chỗ về. Không nhận gương mà nhận bóng, không nhận chủ mà nhận làm khách thì Tâm Tánh của ông cũng đồng với đoạn diệt, lấy gì làm Chân Tâm Thường Trụ?

Tổ Đại Điên thượng đường dạy rằng: “Phàm là người học đạo, cần phải biết cái Bổn Tâm của nhà mình. Thường thấy kẻ học đạo đời nay chỉ lấy nhướng mày, nháy mắt, một nói một nín rồi tự ấn khả mà cho là tâm yếu, như vậy thật là chưa rõ. Nay ta vì các ông mà nói ra rõ ràng, mỗi người nên nghe lãnh: chỉ dẹp trừ hết thảy hiện lượng tưởng niệm vọng động, đó tức là Chân Tâm. Cái Tâm này dầu với trần cảnh hay khi giữ vắng lặng, tuyệt không có giao thiệp, dính dáng gì. Tức Tâm là Phật, chẳng đợi tu hành, sửa chữa. Tại sao thế? Ứng cơ tùy chiếu, an nhiên tự dùng. Cùng tột chỗ dùng vốn bất khả đắc. Gọi đó là Diệu Dụng, ngay ấy là Bổn Tâm, phải rất hộ trì, không thể dễ dãi”.

Tổ Đại Điên chỉ ra rõ ràng ông chơn chủ, tiết lộ quá nhiều! Do đây có thể biết là Chơn Tâm cách biệt hẳn với Minh Đế của ngoại đạo.

Phái Số Luận phân tích vũ trụ gồm hai mươi lăm Đế, trừ Minh Đế là chẳng phải Sắc, chẳng phải Không, chẳng phải Tâm, còn lại đều chẳng ra ngoài Sắc, Không và Tâm.

Giác Đế Ngã Tâm, năm Tri Căn, năm Tác Nghiệp Căn, Tâm Bình Đẳng Căn cho đến Thần Ngã thuộc về Tâm. Năm Trần, năm Đại thuộc về Sắc. Không Đại thuộc về Không.

Cái Đế đầu tiên hết gọi là Minh Tánh, suy nghĩ cho là thường tồn. Cái Đế thứ hai mươi lăm gọi là Thần Ngã cũng cho là thường. Thần Ngã suy nghĩ về Thánh cảnh của mình thì Minh Tánh bèn biến đổi thành hai mươi ba Đế còn lại để cho Thần Ngã dùng. Chỗ mà Ngã thọ dụng, thì bị cảnh trói buộc, chẳng được giải thoát. Nếu Ngã chẳng suy nghĩ thì Minh Đế chẳng biến tức không trói buộc, cái Ngã bèn giải thoát. Đây là tông chỉ của phái này.

Ông Cáo Tử dạy rằng: “Chẳng được nơi lời thì chớ cầu nơi Tâm. Chẳng được nơi Tâm, chớ cầu nơi Khí”, rõ là một lối với Minh Đế, có người nói đó là Thiền, thật lầm to!

Kinh: Ông Anan thưa: “Nếu cái Tâm Tánh của tôi mỗi mỗi đều có chỗ trả về, thì cái Diệu Minh Nguyên Tâm mà Như Lai nói đó sao lại không trả về? Xin Phật thương xót chỉ bảo cho tôi điều ấy”.

Phật bảo Ông Anan: “Hãy lấy cái Kiến Tinh Minh Nguyên [Cái Thấy Vốn Sáng] của ông thấy tôi đây. Tuy cái Thấy này không phải là cái Minh Tâm Diệu Tinh [Chân Tâm], nhưng nó như mặt trăng thứ hai, chứ chẳng phải là bóng của mặt trăng (trên mặt nước). Ông nên nghe kỹ, nay Ta chỉ cho ông cái nghĩa không thể trả về.

“Này Ông Anan, cái đại giảng đường này mở rộng về phương Đông, khi mặt trời lên thì sáng, nửa đêm không trăng, mây mù mờ mịt thì lại tối tăm. Chỗ có các cửa thì thấy thông suốt, chỗ có tường nhà thì thấy ngăn bít. Chỗ phân biệt được thì thấy cảnh sắc duyên. Chỗ trống rỗng toàn là hư không. Khi bụi nổi lên thì cảnh tượng mù mịt. Mưa tạnh trời quang lại thấy trong sạch.

“Này Ông Anan, ông đều xem rõ các tướng biến hóa ấy. Nay ta trả mỗi thứ về chỗ bản nhân của chúng. Thế nào là Bản Nhân? Ông Anan, các thứ biến hóa này: cái sáng trả về cho mặt trời. Vì sao thế? Vì không mặt trời thì không sáng, ánh sáng thuộc về mặt trời, nên trả về cho mặt trời. Cái tối trả về cho đêm không trăng. Thông suốt trả về cho các cửa. Ngăn bít trả về cho tường vách. Sắc duyên trả về cho phân biệt. Trống rỗng trả về cho hư không. Mù mịt trả về cho bụi bặm, trong sáng trả về cho trời tạnh. Tất cả những sự vật gì trong thế gian đều không ra ngoài những loại ấy.

“Còn cái Thấy (Kiến Tinh Minh Tánh) của ông thấy tám thứ kia thì ông định trả về đâu? Tại sao thế? Nếu trả nó về cho cái sáng, thì lúc không sáng chẳng thể thấy tối. Tuy là sáng tối các thứ có sai biệt, còn cái Thấy không có sai biệt.

“Các thứ có thể trả về, tự nhiên chẳng phải là ông, còn cái không trả về được, không phải chính ông thì là ai? Thế mới biết rằng Tâm ông vốn nhiệm mầu, sáng sạch, ông tự mê muội bỏ mất Bổn Tánh mà chịu luân hồi sanh tử, thường bị chìm đắm. Thế nên Như Lai gọi là đáng thương xót!”.

Thông rằng: Cái Thấy phân biệt duyên trần với cái Kiến Tinh Minh Nguyên khác nhau ở chỗ Năng, Sở. Cái Kiến Tinh Minh Nguyên đối với cái Minh Tâm Diệu Tinh phân ra ở chỗ Thể, Dụng. Bởi thế, cái Minh Tâm Diệu Tinh như mặt trăng thật, cái Kiến Tinh Minh Nguyên như mặt trăng thứ hai (do đè lên mắt mà thấy), còn cái Thấy phân biệt duyên Trần như bóng mặt trăng trong nước.

Trong hư không, nói cho cùng chỉ có tám thứ : sáng, tối, thông, bít... tới, lui, nên nói “Không ngoài các thứ ấy”. Cũng phảng phất tương tự như Bát Quái : trong sáng và mù mịt là tượng của Càn Khôn. Ngày sáng, đêm tối là tượng của Khảm, Ly. Thông, bít là tượng của Cấn, Đoài. Sự phân biệt thuộc động, tượng của Chấn. Tánh hư không tựa gió, nên là tượng của Tốn vậy.

Còn nơi Tâm người thì “thông, bít” gồm đủ cả mê, ngộ. “Duyên, sắc, hư không” đủ cả Hữu, Vô. Đục, trong gồm đủ cả thế trần và giác ngộ. Sáng, tối đủ cả Thánh, phàm. Tất cả đều là cảnh. Cảnh thì có sai biệt, cái Thấy không có sai biệt. Có sai biệt thì có chỗ trả về, còn không sai biệt thì vốn tự bất động. Các thứ có thể trả về là Cảnh, là Vật, chẳng phải là ông. Cái “Tự ông” chẳng thể trả về cho vật là cái Thấy, chẳng phải Vật, đó là cái Chơn Kiến Tinh của ông vậy. Có thể trả về gọi là Khách, không trả về đâu được là Chủ. Cái Kiến Tinh Minh Nguyên đã là như vậy, huống gì là cái Chơn Tâm vốn nhiệm mầu, sáng sạch không rơi vào cái Thấy, là Ông Chủ ở trong Ông Chủ. Ông Chủ trong Ông Chủ là cái căn bản chẳng sanh chẳng diệt, người người đều sẵn đủ, chẳng ở ngoài đến. Chẳng tự mình làm Ông Chủ, lưu lạc làm Khách là cũng bởi không nhận ra mặt trăng thật, mà lại nhận bóng mặt trăng trong nước làm Tự Tâm, làm sao khỏi đắm chìm sanh tử?

Có vị tăng hỏi Tổ Tào Sơn: “Cổ đức nói “Hết cả đại địa độc chỉ có một người này”, chưa biết là người nào?”

Tổ Sơn nói: “Chẳng thể có mặt trăng thứ hai”.

Hỏi : “Như thế nào là mặt trăng thứ hai?”

Tổ Sơn nói : “Cái đó cần lão huynh định lấy!”

Hỏi : “Thế sao là mặt trăng thứ nhất?”

Tổ Sơn nói : “Nguy!”

Một chữ Nguy này đủ thấy Tổ Tào Sơn chẳng dám bỏ mất Tánh Bổn Nhiên mà chịu luân hồi, chỗ tối thân thiết vậy.

Thầy Báo Từ Văn Toại thường nghiên cứu Thủ Lăng Nghiêm, ra mắt Tổ Pháp Nhãn, kể lại chỗ sinh sống của mình rất phù hợp với ý chỉ của kinh. Tổ Nhãn rằng : “Kinh Lăng Nghiêm há chẳng có cái nghĩa “Tám chỗ trả về” ư ?”

Sư Toại đáp : “Dạ, có”.

Tổ hỏi : “Cái sáng trả về cái gì?”

Đáp : “Sáng trả về mặt trời”.

Tổ hỏi : “Mặt trời trả về cái gì?”

Sư Toại ngẩn ngơ, không đáp được. Từ đó, khâm phục Tổ mà cầu học.

Thế mới biết cái chuyện Ông Chủ trong Ông Chủ chẳng phải là chỗ mà Chú, Sớ đến được.

Ngài Đoan Sư Tử tụng rằng:

            “Giáo pháp Bát Hoàn có đã lâu

            Từ xưa Chư Tổ mỗi phanh phui

            Dầu chi hoàn được không hoàn được

            Ấy cũng sức tôm chẳng khỏi thau”.

            (Bát Hoàn chi giáo thùy lai cửu

            Tự cổ tông sư các phân phẫu

            Trực nhiên hoàn đắc bất hoàn thời

            Dã thị hà khiên bất xuất đẩu).

X. LỰA RIÊNG TRẦN CẢNH ĐỂ NÊU RA TÁNH THẤY

Kinh: Ông Anan bạch: “Tuy tôi biết Tánh Thấy ấy không thể trả về đâu, nhưng làm sao biết được đó là Chân Tánh của tôi?”

Phật bảo Ông Anan: “Nay tôi hỏi ông: hiện ông chưa được đạo quả Vô Lậu Thanh Tịnh, nhờ thần lực của Phật mới thấy cõi Sơ Thiền không chướng ngại. Ông A Na Luật thì thấy cõi Diêm Phù Đề như xem quả Am Ma La trong bàn tay. Các vị Bồ Tát thấy trăm ngàn cõi. Mười phương Như Lai thì cùng tột các quốc độ thanh tịnh nhiều như vi trần, không chỗ nào không thấy. Còn chúng sanh thì thấy rõ được không quá gang tấc.

“Anan, nay tôi cùng ông hãy xem cung điện của Tứ Thiên Vương, chặng giữa xem khắp các loài Thủy, Lục, Không, Hành. Tuy có nhiều hình tượng sáng tối khác nhau, nhưng không có cái gì không phải là tiền trần phân biệt ngăn ngại. Ông hãy ở đó, phân biệt mình, vật. Nay tôi để ông lựa chọn trong sự thấy đó: cái gì là Ngã Thể (Tự Tánh) của ông, cái gì là hình tướng của vật?

“Anan, cùng tột sức thấy của ông, từ mặt trời, mặt trăng đều là vật chứ chẳng phải ông, cho đến bảy núi Kim Sơn, xem xét cùng khắp tuy có những thứ ánh sáng nhưng cũng là vật chớ không phải ông. Lần lần xem đến: mây kéo, chim bay, gió động, bụi nổi, cây cối, núi sông, cỏ rác, người vật đều là vật chứ không phải là ông.

“Anan, các vật xa gần đó tuy sai khác nhau nhưng đồng do cái Thấy (Kiến Tinh) trong sạch của ông trông thấy, thì các vật đó tuy có sai khác mà Tánh Thấy không sai khác. Cái Tinh Diệu Minh này thật là Tánh Thấy của ông”.

Thông rằng: Ban đầu, Ông Anan hỏi cái Nguyên Tâm Diệu Minh tại sao không trả về. Đức Phật thấy cái Chân Tâm ấy không dấu vết, khó mà chỉ bày nên nương vào cái Kiến Tinh Minh Nguyên mà phương tiện chỉ bày. Cái Kiến Tinh rất gần với Chân Tâm, như mặt trăng thứ hai rất gần với mặt trăng thật. Nhưng cái Thấy này cũng là Vọng, cũng cần phải trả về, chỉ có mặt trăng thật ví dụ cho Chân Tánh là không thể trả về.

Văn sau có nói “Khi thấy mà có tướng thấy, cái thấy này không phải là cái thấy chân thật”. Thì há không phải cái Thấy này cũng có thể trả về hay sao? Ông Anan tuy biết cái Kiến Tinh không trả về, đã ngộ được cái nghĩa mặt trăng thứ hai, lại hỏi “Làm sao biết được đó là Chân Tánh của tôi?”, đó là muốn nghiệm xét cái nghĩa Mặt trăng thứ nhất, cái Tánh không thể trả về này hiện phải có phương tiện nào để khiến ta tự biết, tự tin vậy. Phật vẫn dùng cái Kiến Tinh mà phân tách, chỉ bày: cái bị Thấy là Vật, cái Thấy là ông. Vật có sai khác, cái Thấy không sai khác. Không sai khác là Kiến Tinh, cái Thấy.

Nói “Trông thấy trong sạch”, là vì tuy nhờ sắc căn trong sạch là con mắt để thấy bốn Đại, nhưng cũng do Tánh Thể Trong Sạch xưa nay phát khởi, không do tạo tác nên tự mầu đẹp (Diệu) mà sáng soi (Minh), gọi là Tánh Thấy. Cái Thấy (Kiến Tinh) đã là Chân Kiến của ông thì cái Tánh Thấy chẳng phải là Chân Tánh của ông sao? Cho nên nói “Cái Tinh Diệu Minh này thật là Tánh Thấy của ông”.

Vốn là Tánh thì chỉ có Một. Nhưng cái mức trong sạch của sự Thấy thì chẳng bằng nhau, tức là do thấu cùng cái Tánh hay chẳng thấu cùng cái Tánh mà có sai khác.

Phật Nhãn thì cùng tột mười phương quốc độ trong sạch của Như Lai nhiều như vi trần, không chỗ nào là không thấy. Pháp Nhãn là con mắt của Chư Bồ Tát thì thấy trăm ngàn thế giới. Huệ Nhãn là như Ông Tu Bồ Đề thấy Pháp Thân Phật. Thiên Nhãn, như Ông A Na Luật thấy cõi Diêm Phù Đề như thấy trái Am Ma La trong bàn tay. Nhục Nhãn, là chúng sanh thì thấy không quá gang tấc. Ông Anan chưa được thanh tịnh vô lậu, nhưng nhờ thần lực của Phật nên thấy cõi Sơ Thiền, đó là Nhục Nhãn mà được Thiên Nhãn. Chỗ thấy của năm loại Nhãn chẳng đồng, nhưng cái Thấy thì không hai, nên mới nói là “Không sai khác”. Hẳn là phải đến Phật Nhãn mới thấu cùng các cõi như vi trần, mới tròn đủ cái Dụng của Tánh Thấy.

Có nhà sư hỏi Tổ Vân Môn: “Như thế nào là Tổ Sư Tây lai ý?”

Tổ đáp: “Suốt ngày xem núi”.

Ngài Đầu Tử tụng rằng:

            “Thản nhiên tăng hỏi lão sư yên

            Dường đặng Thiều Dương một câu truyền

            Suốt ngày xem núi, tay tiên lộ.

            Đêm khuya vượn hú, nguyệt ngoài hiên”.

Hãy nói “Suốt ngày xem núi” là chỉ cái Thấy hay chỉ Tánh Thấy, đối cùng “Tổ Sư Tây lai ý” hiểu thế nào đây?

Ngài Vân Cư Trí nói rằng: “Cái Tánh Trong Sạch xưa nay trong lặng, chẳng có một chút động lay, không thuộc Hữu, Vô, lìa ngoài Nắm, Bỏ, Tánh Thể làu làu, vốn tự như nhiên. Thấy rõ ràng như vậy, mới gọi là Thấy Tánh (Kiến Tánh). Tánh tức Phật, Phật tức Tánh nên nói là “Kiến Tánh thành Phật”.

Hỏi : “Tánh vốn trong sạch, chẳng thuộc Hữu, Vô sao lại còn có thấy?”

Đáp : “Thấy không chỗ thấy”.

Hỏi : “Đã không có chỗ thấy, sao lại còn có Tánh?”

Đáp : “Kiến Xứ (chỗ thấy) cũng không”.

Hỏi : “Như vậy thì khi thấy là ai thấy?”

Đáp : “Không người để thấy”.

Hỏi : “Rốt cùng thì như thế nào?”

Đáp : “Tính toán hư vọng mà cho là Có, liền có năng, sở: bèn mang tiếng là mê. Theo cái Thấy hư vọng đó sanh chuyện hiểu biết, liền đọa sanh tử. Người thấy biết rõ ràng thì chẳng có vậy. Suốt ngày thấy mà chưa hề thấy. Tìm cầu danh, xứ, thể, tướng bèn chẳng có được. Năng, sở đều dứt tuyệt, gọi là Thấy Tánh”.

Hỏi : “Cái Tánh này trải khắp cả thảy nơi chăng?”

Đáp : “Không đâu chẳng khắp”.

Hỏi : “Phàm phu đủ chăng?”

Đáp : “Đã nói là không đâu chẳng khắp thì phàm phu sao lại chẳng đủ?”

Hỏi : “Cớ sao Chư Phật, Bồ Tát chẳng bị sanh tử ràng buộc, mà chỉ có phàm phu bị trói cột vào cái khổ này, thì sao lại trải khắp?”

Đáp : “Phàm phu ở ngay trong Tánh trong sạch này vọng thấy có năng, có sở : bèn sa vào sanh tử. Chư Phật, Bồ Tát khéo biết trong Tự Tánh trong sạch nào có hữu, vô nên chẳng lập năng, sở”.

Hỏi : “Nếu nói như vậy thì có người hiểu, người chẳng hiểu hay sao?”

Đáp : “Cái hiểu còn chẳng thể được, há có người hiểu sao ?”

Hỏi : “Tột lý như thế nào?”

Đáp : “Ta lấy yếu lý mà nói, ông phải biết rằng trong Tánh trong sạch không có hữu, vô, phàm, Thánh; cũng chẳng có người hiểu, người không hiểu. Phàm với Thánh, cả hai chỉ có danh. Nếu theo danh mà khởi sanh hiểu biết liền đọa vào sanh tử. Nếu biết mọi sự đều giả danh, không thật, tức thì không có cái mang danh”.

Ngài lại nói: “Đây là chỗ tột rốt ráo : như cho rằng ta hiểu, kia chẳng hiểu, tức là đại bệnh. Thấy có phàm Thánh, dơ sạch, cũng là đại bệnh. Khởi niệm không có phàm Thánh, lại là bác không có nhân quả. Thấy có cái Tánh trong sạch để có thể trụ dừng, cũng là đại bệnh. Khởi kiến giải chẳng có trụ dừng cũng là đại bệnh. Như vậy, trong Tánh trong sạch, chẳng phá hoại phương tiện ứng dụng mà hưng vận từ bi. Như thế, chỗ đạo tràng hưng vận đó, tức toàn Tánh trong sạch, nên nói là Thấy Tánh thành Phật”.

Lời dạy trên của Tổ Vân Cư rất gần với câu “Thấy Tánh do lìa tướng Thấy” của kinh, nên trích ra đầy đủ.

Kinh: “Nếu cái Thấy là vật thì chắc ông cũng có thể thấy được cái Thấy của Ta. Nếu ông cho rằng khi chúng ta cùng thấy sự vật là ông thấy cái Thấy của Ta, thì khi ta không thấy sao ông không thấy được chỗ không Thấy của Ta? Nếu cho là ông thấy được cái không Thấy của Ta, thì cái không Thấy của Ta làm gì có tướng để cho ông thấy? Còn nếu không thấy được chỗ không Thấy của Ta thì cái Thấy tự nhiên chẳng phải là vật, sao nó lại chẳng phải là ông?”

Thông rằng : Quả là Đức Phật nêu lên cái ý của Ông Anan, thế giới như cái lồng đèn trên cây cột, đều có Danh, có Tướng thì “Cái Kiến Tinh Minh Nguyên là cái vật gì, xin khiến cho tôi được biết?” Phật bèn gợi ý rằng: “Khi ta thấy cái đài hương, thì ông làm sao?”

Anan nói : “Tôi cũng thấy đài hương, tức là thấy chỗ Thấy của Phật”.

Đức Phật nói: “Ta thấy cái đài hương thì ông cũng dễ biết, còn khi ta chẳng thấy đài hương, thì ông thế nào?”

Anan đáp: “Tôi cũng không thấy cái đài hương, tức là thấy chỗ chẳng Thấy của Phật”.

Đức Phật nói: “Ông nói rằng khi không Thấy thì tự ông biết. Vậy thì cái chỗ không Thấy của người khác, ông làm sao mà biết được?”

Người xưa đến trong cái Ấy, chỉ khá tự mình biết lấy, với người khác nói chẳng được! Chỉ như Thế Tôn nói: “Khi Ta không thấy, cũng như con linh dương treo sừng, tiếng vang, dấu vết, tin tức đều tuyệt dứt, ông hướng về đâu tìm kiếm?”

Ngài Tuyết Đậu tụng rằng:

            “Toàn tượng (voi), nguyên trâu mù hết thảy

            Xưa nay gây nghiệp, gọi chung khuôn

            Như nay muốn gặp Hoàng Đầu Lão [Chỉ Phật]

            Cõi Phật vi trần tại giữa đường”.

Ngài Tuyết Đậu đưa ra con mắt Giáo Pháp, chỉ tụng thấy Phật. Ngài Thiên Đồng thâm đắc ý kinh, tụng chỉ ngay cái Chân Kiến.

Tụng rằng:

            “Biển cả giọt khô, hư không đầy ứ

            Thầy tu lỗ mũi dài, Cổ Phật đầu lưỡi cụt

            Đàn vừa qua chín khúc, thể ngọc một phen đổi

            Ngay đó gặp nhau, ai biết hắn

            Mới tin người ấy chẳng bạn bè”.

Tắc này là cơ duyên của hai lớp công án, hết sức phát huy mà chỉ nói được một nửa!

Kinh: “Lại nữa, nếu cái Thấy là vật thì đang khi ông thấy vật, ông đã thấy vật rồi thì vật cũng phải thấy ông. Thế là Thể và Tánh xen lộn, tức là ông với Ta cùng với cả thế gian không an lập được.

“Ông Anan, nếu khi ông thấy, đó chính là ông nào có phải Ta, thì cái Tánh Thấy cùng khắp đó chẳng phải là chính ông thì còn là ai? Tại sao lại tự nghi Chân Tánh của mình. Tánh của ông vốn không Chân hay sao mà bám lấy Ta cầu tìm cái thật?”

Thông rằng: Bộ Hiệp Luận nói rằng “Nghĩa của đoạn kinh này phát sanh từ một câu “Làm sao biết đó là Chân Tánh của tôi?” Nên Đức Thế Tôn mới khai thị cái tướng của sự không Thấy để khiến hiểu rõ Chân Tánh mà chẳng nên tìm cầu ở nơi phân biệt”.

Ngài Mã Minh nói “Tất cả Như Lai đều là Pháp Thân, bởi vì không có cái thấy kia-đây, sai khác, đồng nhau”. Nên nói rằng “Nếu thấy cái chẳng thấy thì tự nhiên đó không phải là cái tướng không thấy của người kia”. Nói “chẳng phải người kia” thì chỉ là cái tướng chẳng thấy của Anan đó thôi, mà không phải là cái chẳng thấy của Đức Thế Tôn. Vậy ắt là chỗ không thấy của Thế Tôn thì Anan không thể thấy được, chỉ có Thế Tôn thấy được. Nên nói rằng “Nếu không thấy được chỗ không thấy của Ta, thì cái thấy của ông chẳng phải là vật”. Nói “Chẳng phải vật” không phải là cái thấy của Thế Tôn, mà chỉ là cái tướng của cái chẳng thấy của Anan. Nếu Đức Thế Tôn cũng thấy cái thấy của Anan và Anan cũng thấy cái thấy của Thế Tôn” thì tức là cái Tánh Thấy trong sạch thành ra cái vật có hình tướng. Nên mới nói “Thể, Tánh lộn xộn chẳng có an lập”. Cái chỗ chẳng thấy là chỗ căn bản, quyết chẳng thể nào thấy được. Cũng như trồng cây mà hằng này cứ moi rễ lên xem thì cây sống sao được.

Ngài Phó Đại Sĩ có bài kệ :

            “Có vật trước trời đất

            Vốn phẳng lặng không hình

            Hay làm chủ muôn tượng

            Chẳng theo bốn mùa tàn”.

Bài này chỉ ra rõ ràng cái Chân Tánh, chẳng phải là chỗ cái thấy đến được. Vậy mới là mặt trăng thứ nhất, chứ chẳng phải riêng cái Kiến Tinh Minh Nguyên mới là không thể thấy được mà thôi đâu.

Đoạn kinh này ý nghĩa rất vi diệu, không có chỗ nào chẳng phát minh cái Tinh Diệu Minh, thật là cái Tánh Thấy của ông. Sao lại nói: “Cái thấy này là ông chứ không phải là vật”? Sở dĩ nói “Cái thấy không phải là vật”, vì nếu cái thấy là vật, thì cái thấy của tôi, ông có thể thấy. Nhưng cái thấy của tôi thì hẳn là ông không thể thấy được. Nếu bảo khi ông và tôi cùng thấy là ông thấy cái thấy của tôi, thì khi tôi thấy, ông có thể thấy cái thấy ấy. Còn khi tôi không thấy, thì ông vẫn thấy được chứ tại sao lại không được? Nếu bảo rằng khi tôi thấy, thì thấy cái thấy ấy; khi tôi không thấy thì thấy cái chẳng thấy mà cho đó là thấy chỗ chẳng thấy của tôi, thì đã tự mình không thấy chứ sao lại nói là thấy được cái tướng không thấy của tôi? Muốn lấy cái tướng chẳng thấy của tôi làm chỗ thấy của ông, rõ ràng đó là cái tướng của thấy mà chẳng phải là cái tướng của không thấy. Cái chỗ chẳng thấy đó hẳn nhiên ông không thể thấy được. Khi chỗ chẳng thấy đã không thể thấy, vậy khi cùng thấy cũng chẳng có thể thấy. Thấy cùng chẳng thấy đều không thể chỉ ra, thì cái thấy của tôi rõ ràng chẳng phải là vật.

Cái thấy của tôi đã không phải là vật thì cái thấy của ông rõ ràng cũng không thể là vật. Cái thấy của ông đã chẳng phải vật, tức là không thuộc về vật, tại sao chẳng phải là ông? Đây tức là lấy sự chẳng thể Thấy để biện rõ cái chẳng phải là vật vậy. Giả sử có thể thấy được, thì cái thấy cũng là vật thì làm sao làm chủ muôn tượng mà an lập thế gian? Cho nên, có cái Không Hình mới hiện ra hình tướng, có cái Không Phải Vật mới hay biết sự vật.

Cái thấy của tôi, cái thấy của ông, đã chẳng phải vật thì chẳng có ranh giới giáp nhau, đầy khắp pháp giới, không thiếu hụt, dư thừa chỗ nào. Hữu Tình và Vô Tình đều do cái ấy mà kiến lập, gọi đó là Chân Tánh. Cái Tánh mà chẳng thật là ông, thì cái thấy cũng chẳng thuộc về ông mới phải. Nhưng rõ ràng cái thấy là của ông mà chẳng phải là của tôi, thì cớ sao lại tự nghi nó chẳng chân thật, mà phải bám vào Ta để cầu xin cái Thật? Giả sử ta có thể đem cho ông được, thì chẳng phải là cái Chân Thật của ông vậy.

Có vị sư hỏi thiền sư Thượng Lam Siêu: “Thế nào là việc bổn phận của Thượng Lam?”

Tổ Lam rằng: “Chẳng theo ngàn Thánh mượn. Há hướng vạn sự cầu?”

Nhà sư hỏi: “Không mượn, không cầu, thì như thế nào?”

Tổ Lam rằng: “Chẳng thể cầm nắm. Trong tay Xà Lê đưa ra được ư?”

Tổ Đơn Hà tụng rằng:

            “Một phiến Linh Minh vốn diệu viên

            Ở trong không chánh cũng không thiên [Nghiêng]

            Núi báu, cỏ lành không gốc rễ

            Chẳng đợi Chúa Xuân, sắc tự nhiên”.

                        (Nhất phiến Linh Minh bổn diệu viên

                        Cá trung phi chánh diệc phi thiên

                        Bửu phong thoại thảo vô căn đế

                        Bất đải Xuân Công sắc tự tiền).

Ngộ chỗ này ắt biết Chân Tánh vốn không vật. Không vật thì không hỗn tạp. Không hỗn tạp nên vật và ta đồng nguồn, hồn nhiên đầy đủ. Nếu hướng theo người tìm cầu cho được, đều là chẳng phải.

Kinh : Ông Anan bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn, nếu cái Tánh Thấy ấy thật là tôi chứ không phải ai khác, thì khi tôi cùng Như Lai xem cung điện quí báu của Tứ Thiên Vương, xem mặt trời, mặt trăng, cái Thấy ấy cùng khắp cõi Ta Bà, khi lui về tịnh xá thì chỉ thấy cảnh vườn chùa, đến khi thanh tâm nơi phòng chái thì chỉ thấy một chái nhà. Thưa Thế Tôn, cái Thấy như thế, Thể của nó xưa nay cùng khắp một cõi. Vậy mà nay ở trong phòng thì chỉ thấy một phòng, thế là cái Thấy rút lại từ lớn thành nhỏ hay tường nhà chia cắt làm cho đứt đoạn? Nay tôi không biết nghĩa đó thế nào, xin Thế Tôn vì tôi từ bi chỉ rõ”.

Phật bảo Ông Anan: “Tất cả mọi thứ trong, ngoài, lớn, nhỏ của thế gian đều thuộc về tiền trần, không nên nói cái Thấy có co, có duỗi. Ví như trong đồ vật hình vuông thì thấy hư không vuông. Ta lại hỏi ông: “Cái hư không vuông ở trong đồ vật vuông ấy là nhất định vuông hay không nhất định vuông? Nếu nhất định vuông, thì khi thay cái đồ vật tròn vào lẽ ra hư không không tròn! Nếu không nhất định thì tại trong đồ vật vuông lẽ ra đã không có hư không vuông! Ông nói: Không biết nghĩa ấy do đâu; nghĩa đó như thế, chứ còn do đâu nữa?

“Anan, nếu muốn vào được cái không vuông, không tròn thì chỉ cần trừ bỏ cái vuông của đồ đạc, chứ cái Thể của hư không thì vốn không vuông. Chẳng nên nói rằng: lại phải trừ cả cái tướng vuông của hư không nữa!

“Lại như lời ông hỏi: Khi vào phòng, rút cái Thấy làm cho nhỏ lại, vậy thì khi ngẩng xem mặt trời, há lại kéo cái Thấy lên bằng mặt trời? Nếu xây tường nhà mà chia cắt cái Thấy làm cho đứt đoạn, thì khi xoi một lỗ nhỏ, sao lại không thấy dấu nối? Nghĩa ấy không đúng vậy!

“Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, mê mình mà làm vật, bỏ mất Bản Tâm, bị vật xoay chuyển, cho nên ở trong đó mà thấy lớn thấy nhỏ. Nếu có thể chuyển được vật thì đồng với Như Lai, thân tâm tròn sáng. Đó là Đạo Tràng Bất Động, trên đầu một mảy lông, trùm chứa mười phương quốc độ”.

Thông rằng: Ông Anan nói “Tánh Thấy có khắp chính là tôi chứ không ai khác. Thì chỗ Thấy của tôi cũng đồng với Phật Nhãn, tại sao khi xem mặt trời, mặt trăng thì khắp cõi Ta Bà, mà nay ở trong nhà thì chỉ đầy một nhà, vậy là cái Thấy này có co duỗi, lớn bé chẳng đồng, sao lại bảo là không sai khác ?” Đó là không biết rằng có lớn, có bé là do ở tiền trần, chớ chẳng quan hệ gì tới cái Tánh Thấy. Ví như vuông, tròn là do ở đồ vật, nào dính dáng gì đến hư không. Ở trong đồ vật mà xem hư không thì hình như có tướng vuông, tròn. Chỉ dẹp bỏ đồ vật đi, thì hư không ắt chẳng có vuông, tròn nào có thể chỉ ra được. Duyên theo trần mà xét cái Thấy thì hình như có tướng co, duỗi. Chỉ lìa tiền trần, thì Tánh Thấy vốn chẳng có co duỗi nào có thể được. Cái Thấy mà xoay chuyển theo tiền trần, cũng như xét hư không mà chẳng ở trong chính thái hư, lại nhìn trong một món đồ.

Thế nên, ở trong ấy thấy lớn thấy nhỏ, đó là mê mình là vật vậy. Còn nếu chuyển được vật, tức thì tất cả Sắc đều là Phật Sắc, tất cả mọi cái Thấy đều là cái Thấy của Phật. Một phen thân tâm quang đãng, rỗng không thì vật không còn chướng ngại, nên nói là thân tâm tròn sáng. Ở trong cái Viên đó, một tức là tất cả, nơi đầu một mảy lông trùm chứa khắp mười phương quốc độ, lại chẳng đồng với Phật Nhãn sao?

Có vị tăng hỏi Ngài Huỳnh Bá: “Đã nói Tánh tức là Thấy, Thấy tức là Tánh. Nếu như Tánh vốn không chướng ngại, không giới hạn thì sao cách vật chẳng thấy? Lại như trong hư không, gần thì thấy, xa thì không thấy là thế nào?”

Tổ Huỳnh Bá nói: “Đó là ông vọng sanh dị kiến. Nếu cách vật thì nói là không thấy, không có vật ngăn ngại thì nói là thấy, rồi cho là Tánh có cách ngại thì quả là chẳng hiểu gì cả. Tánh chẳng phải Thấy, chẳng phải không Thấy. Pháp cũng chẳng phải Thấy, chẳng phải không Thấy. Như người thấy Tánh thì chỗ nào mà chẳng phải là Bổn Tánh của mình? Nên chi sáu đường, bốn loại, núi sông, đất đai đều là cái Tánh trong sạch sáng suốt của ta. Thế mới nói : thấy Sắc tức là thấy Tâm. Sắc và Tâm chẳng hai, chỉ vì giữ lấy cái tướng mà khởi sanh Thấy, Nghe, Hay, Biết. Trừ bỏ vật trước mặt mới cho là Thấy, tức là sa vào kiến giải nương theo sự Thấy, Nghe, Hay, Biết của hàng Nhị Thừa. Trong hư không mà gần thì thấy, xa thì chẳng thấy, đó thuộc về ngoại đạo. Rõ ràng là: Đạo chẳng ở trong cũng chẳng ở ngoài, chẳng gần cũng chẳng xa. Quá gần mà không thể thấy, đó là Tánh của muôn sự muôn vật. Quá gần mà còn không thể thấy, huống là nói “Xa nên chẳng thể thấy”, thì đâu có ý nghĩa gì?”

Tổ Kính Thanh hỏi nhà sư: “Tiếng gì ngoài cửa vậy?”

Nhà sư rằng: “Tiếng giọt mưa”.

Tổ Thanh rằng: “Chúng sanh điên đảo, mê mình theo vật”.

Nhà sư hỏi: “Hòa Thượng như thế nào?”

Tổ Thanh rằng: “Nhuần nhã chẳng lầm lạc mình”.

Nhà sư hỏi: “Nhuần nhã chẳng lầm lạc mình, ý chỉ thế nào?”

Tổ Thanh rằng: “Lìa thân (xuất thân) còn khá dễ, thoát thể nói khó thay!”

Ngài Tuyết Đậu tụng rằng:

            “Nhà im, tiếng giọt mưa

            Nhà sư khó đáp lại

            Nếu bảo từng Nhập Lưu [Vào dòng]

            Như trước, sao chẳng hiểu!

            Hiểu, chẳng hiểu?

            Non Nam, núi Bắc chuyển mưa rào”.

Đây khá gọi là khắp pháp giới chẳng từng che dấu vậy.

Có nhà sư hỏi Tổ Cốc Ẩm Thông: “Nếu hay chuyển vật, tức đồng Như Lai. Muôn tượng là vật, làm sao chuyển được?”

Tổ Thông đáp: “Ăn cơm rồi, tuyệt không ý trí. Như có ý trí, tức bị vật chuyển vậy”.

Lại có vị sư hỏi Ngài Thiều Quốc sư: “Thế nào là Chuyển vật tức đồng Như Lai?”

Tổ Thiều đáp: “Ông gọi cái gì là vật?”

Nhà sư nói: “Như thế tức là đồng với Như Lai?”

Tổ Thiều nói: “Đừng làm con giả can mà tru! Suy nghĩ so sánh chuyện đồng với Như Lai, tức xa ngàn dặm, vạn dặm!”

Có nhà sư hỏi Tổ Triệu Châu: “Trong mười hai thời dụng tâm thế nào?”

Tổ Châu nói: “Ông bị mười hai thời sai sử, lão tăng sai sử được mười hai thời”.

Đó là sự Chuyển Vật chân thật vậy.

Ngài BaÏch Vân Đoan tụng rằng:

            “Nếu hay chuyển vật tức Như Lai

            Xuân ấm hoa rừng chốn chốn khai

            Vẫn có một đôi tay khô đét

            Chưa từng rẻ rúng múa ba đài”.

                        (Nhược năng chuyển vật tức Như Lai

                        Xuân noãn sơn hoa xứ xứ khai

                        Tự hữu nhất song cùng tưởng thủ

                        Bất tằng dung dị vũ tam đài).

Ngài Chơn Như Triết tụng rằng:

            “Nếu hay chuyển vật tức Như Lai

            Cửa mở nơi nơi, thấy Thiện Tài

            Trong ngõ liễu hoa bày nhảy múa

            Say theo chín nẻo, ngủ lâu đài”.

                        (Nghược năng chuyển vật tức Như Lai

                        Xứ xứ môn khai kiến Thiện Tài

                        Hoa liễu hạng trung trình vũ hý

                        Cửu cù thừa túy ngọa lâu đài).

Nơi đầu một mảy lông trùm chứa khắp mười phương quốc độ. Với Phật Nhãn, thế giới hiện toàn chân chắc được, còn chúng sanh có thể như vậy không?

Ông Thứ Sử đất Giang Châu là Lý Bột hỏi Tổ Quy Tông: “Trong kinh giáo có nói: “Núi Tu Di ngậm chứa hột cải”, thì Bột này chẳng nghi. Nhưng nói: “Hột cải ngậm chứa núi Tu Di”, thì phải chăng là nói dối?”

Tổ Tông nói: “Người ta đồn Thứ Sử đọc vạn quyển sách, có thật không?”

Đáp: “Có vậy”.

Tổ Tông nói: “Rờ từ đầu đến gót chỉ như trái dừa lớn, vậy vạn quyển sách để ở chỗ nào?”

Ông Lý Bột cúi đầu mà thôi.

Do đây mà suy, tâm lượng của chúng sanh cùng với Như Lai nào có sai khác!

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM