KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

TÔNG THÔNG

TÂY TẠNG TỰ - BÌNH DƯƠNG

Người dịch : THUBTEN OSALL LAMA - NHẪN TẾ THIỀN SƯ

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG I: CHỈ BÀY CHÂN TÂM

MỤC BỐN: PHÁ NHỮNG THUYẾT NHÂN DUYÊN, TỰ NHIÊN

I. NGHI TÂM TÍNH TỰ NHIÊN NHƯ THẦN NGÃ.

Kinh: Ông Anan bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn, thật như chỗ Pháp Vương [Phật]dạy: Cái Giác Duyên [Tâm Tánh] cùng khắp mười phương thế giới, lặng trong, thường trụ, tánh chẳng có sanh diệt. So với thuyết Minh Đế của nhóm Ông Phạm Chí Ta Tỳ Ca La [Thuộc ngoại đạo], hay cái thuyết Chân Ngã cùng khắp mười phương của các nhóm ngoại đạo Đầu Khôi [La hán tiểu thừa. Hoặc vào phép Hỏa Định (ngồi định mà chết, lấy lửa phép đốt tiêu cái thức đầu thai và cái nghiệp luân hồi); hoặc do thiêu xác (dùng giàn hỏa) Nên sắc thân tiêu dứt ra tro] có gì là khác?

“Thế Tôn cũng từng ở núi Lăng Già vì các Bồ Tát Đại Huệ mà giảng bày nghĩa này: Các ngoại đạo kia thường nói Tự Nhiên, còn Ta nói Nhân Duyên, chẳng phải cảnh giới của họ. Nay tôi xem cái Giác Tánh ấy, thấy là Tự Nhiên, chẳng phải sanh, chẳng phải diệt, lìa xa tất cả hư vọng điên đảo, hình như chẳng phải là Nhân Duyên, cũng không phải là Tự Nhiên của họ.

“Xin Phật khai thị thế nào để chúng tôi khỏi lạc vào tà kiến, được cái Tâm Tánh chân thật, mầu sáng, giác ngộ”.

Thông rằng: Chỗ nói Minh Đế của ngoại đạo, Thể chẳng sanh diệt, nói có Thần Ngã cùng khắp mười phương, chỉ là lấy cái Thức Thứ Tám làm Tông, chỉ được cái mùi vị vui thú mờ mờ mịt mịt, chớ chẳng phải có cái nhiệm mầu của Đại Viên Cảnh Trí. Đã có Thần Ngã, tức là căn bản sanh tử, sao được là cái Nhân Địa Chân Chánh?

Phật nói Nhân Địa Chân Chánh tức là Đệ Nhất Nghĩa Đế, lấy cái chẳng sanh chẳng diệt làm cái Nhân Địa tu hành, chẳng phải là cái nhân duyên thế tục.

Ông Anan vừa mới tin được, bỗng khởi nghi mà nói “Hình như chẳng phải là Nhân Duyên, cũng không phải là Tự Nhiên của ngoại đạo”, mà còn cho Giác Tánh là Tự Nhiên, nói rằng Giác Tánh lìa xa hai tướng Thị và Phi, lặng trong, thường trụ nên gọi là Tự Nhiên. Trước thì chấp cái Thấy Sông [Thấy Sông : xem Quyển I, phần II] là chẳng Sanh Diệt, đã là chưa đạt đến cội gốc. Nay thì chỉ ra cái “Tánh lìa khỏi cái Thấy”, cho đó là Tự Nhiên, lại càng chưa siêu thoát. Nên ông cầu xin Thế Tôn khai thị cho khỏi lạc vào những tà kiến hư vọng điên đảo của các thuyết Tự Nhiên và Nhân Duyên.

Tổ Trường Sa Sầm khiến vị tăng hỏi Hòa Thượng Hội: “Khi chưa thấy Nam Tuyền thì như thế nào?”

Ngài Hội im lặng hồi lâu.

Vị tăng hỏi: “Sau khi thấy thì thế nào?”

Ngài Hội nói: “Không thể riêng có!”

Vị tăng về thưa lại với Tổ Trường Sa. Tổ Sa nói :

            “Đầu sào trăm thước đã được ngồi

            Tuy rằng nhập được vẫn chưa Chân

            Đầu sào trăm thước cần tiến bước

            Mười phương thế giới hiện toàn thân”.

                        (Bách xích can đầu tọa để nhơn

                        Tuy nhiên đắc nhập bất vi Chơn

                        Bách xích can đầu tu tấn bộ

                        Thập phương thế giới hiện toàn thân).

Vị tăng hỏi: “Đầu sào trăm thước làm sao tiến bước?”

Tổ Sa đáp: “Núi Lãng Châu, sông Lễ Châu”.

Vị tăng thưa: “Dạ, chẳng am hiểu”.

Tổ Sa rằng: “Bốn biển, năm hồ vua trị trông”.

Ngài Thiên Đồng tụng:

            “Một tiếng gà phá mộng ngọc nhân [Người ngọc]

            Nhìn lại cuộc đời sắc sắc bằng

            Có tin xuân sấm dục trùng nở

            Đào lý vô ngôn, tự thành đường (lối)

            Đến thời tiết, gắng sức cày

            Ai ngại ruộng xuân bùn lút cẳng?”.

Cũng như họp nhau ngồi ở chỗ sạch sẽ, chẳng thể xuống nước, xuống bùn, ra tay ngang dọc bèn là cùng sanh diệt chống trái. Nên tuy là có nhập nhưng chẳng phải chân thật. Chỗ ngoại đạo gọi là Minh Đế, đại khái tựa hồ như đây.

Tổ Trường Sa nói: “Mười phương thế giới hiện toàn thân. Ngoại đạo cũng nói có Thần Ngã cùng khắp mười phương. Chỗ nào chẳng đồng, thử tham coi!”

II. CHỈ RA KHÔNG PHẢI LÀ TỰ NHIÊN

Kinh: Phật bảo Ông Anan: “Nay Ta phương tiện chỉ bày chân thật bảo ông như thế, ông còn chưa ngộ mà lầm cho là Tự Nhiên!

“Anan, nếu chắc là Tự Nhiên, tự phải chỉ rõ thể tánh của Tự Nhiên. Ông hãy xét trong cái Thấy Diệu Minh đó, lấy cái gì làm tự thể? Cái Thấy đó lấy cái sáng làm tự thể ư? Lấy cái tối làm tự thể ư? Lấy hư không làm tự thể ư? Lấy cái ngăn bít làm tự thể ư?

“Anan, nếu cái sáng là tự thể thì lẽ ra không thấy cái tối! Nếu lấy cái không làm tự thể thì lẽ ra không thấy được ngăn bít. Như vậy cho đến lấy cái tướng tối làm tự thể thì đến khi sáng, thì cái Tánh Thấy phải diệt mất, làm sao còn thấy cái sáng?”

Thông rằng: Nói rằng Tự Nhiên tức là nói tự thể vốn y nhiên thường trụ chẳng biến đổi. Vậy cái Tánh Thấy mầu sáng này lấy cái thấy sáng làm Tự Nhiên ư? Lấy cái thấy tối làm Tự Nhiên ư? Lấy thấy hư không làm Tự Nhiên ư? Lấy ngăn bít làm Tự Nhiên ư? Nếu tự nhiên thấy Sáng thì lẽ ra không thấy Tối! Nếu tự nhiên thấy hư không thì lẽ ra không thấy ngăn bít! Nếu tùy Duyên mà biến đổi thì cái Thể chẳng phải là Tự Nhiên vậy.

Hoặc nói cái Thấy ấy là cái thể của Tự Nhiên; sáng, tối, hư không, ngăn bít tùy duyên mà thấy, há chẳng phải Tự Nhiên ư? Nhưng giả sử không có sáng, tối, hư không và ngăn bít thì cái Thấy dùng vào đâu? Cái gọi là Tự Nhiên ấy đều thành đoạn diệt đấy thôi.

Ở đây chỉ bác bỏ là không thể lấy Tự Nhiên làm Tánh Thấy, chứ chẳng phải nói rằng cái Tánh Thấy do sáng, tối, không, bít mà có. Nếu luận về chỗ sanh khởi từ đâu thì Tánh Thấy tuy chẳng do sáng, tối, không, bít mà có, lại từ Bổn Giác Diệu Minh lưu xuất ra. Nhưng thế thì Bổn Giác Diệu Minh lấy gì làm tự thể, thật mở miệng chẳng nói được!

Tổ Thạch Sương ban đầu ở Tổ Quy Sơn làm người giã gạo. Một hôm, đang sàng gạo, Tổ Quy Sơn nói: “Vật của thí chủ chớ làm rơi rớt”.

Ngài nói: “Chẳng có rơi rớt”.

Tổ Quy Sơn nhặt được một hột gạo trên mặt đất, rồi nói: “Ông nói chẳng rơi rớt, vậy cái này là cái gì?”

Ngài Thạch Sương không đáp được.

Tổ Quy Sơn lại nói: “Chớ khinh thường một hột gạo này. Trăm ngàn hột đều do một hột này sanh ra”.

Ngài Thạch Sương nói rằng: “Trăm ngàn hột từ một hột ấy sanh ra, chưa rõ một hột ấy từ chỗ nào sanh?”

Tổ Quy Sơn ha hả cười lớn, quay về phương trượng.

Tối đến, Tổ Quy thượng đường nói: “Này đại chúng, trong hột gạo có sâu, các người hãy xem cho kỹ!”

Ôi! Tìm cầu tự thể của cái sanh ra này chẳng thể được! Chỗ nào để an lập cái tên Tự Nhiên đây? Cho nên gọi ấy là Tự Nhiên thì chẳng phải!

III. NGHI LÀ NHÂN DUYÊN

Kinh: Ông Anan thưa: “Chắc là cái Tánh Thấy mầu nhiệm này Tánh nó chẳng phải là Tự Nhiên, thì nay tôi phát minh là nói do Nhân Duyên sanh, nhưng tâm trí còn chưa rõ, xin hỏi Như Lai, nghĩa lý thế nào cho hợp với Tánh Nhân Duyên?”

Thông rằng: Ông Anan thường nghe Thế Tôn lấy Nhân Duyên phá Tự Nhiên. Giờ đây, cái Tánh Thấy này đã chẳng phải là Tự Nhiên, ắt phải thuộc về Nhân Duyên. Bèn nghi cái nghĩa Nhân Duyên: vô thường, sanh diệt, đây có, kia không, thể chẳng thường khắp. Thế thì há đồng với Giác Tánh lặng trong thường trụ sao? Hành tướng trái nhau, làm sao hợp với Tánh Nhân Duyên? Cái nghi này rất vi tế. Luận Trung Quán nói: “Không có vật gì từ Duyên mà sanh khởi. Không có vật gì theo Duyên mà diệt mất. Khởi chỉ là các Pháp khởi. Diệt chỉ là các Pháp diệt”. Cũng như vẽ trên nước thành chữ, chưa từng sanh ra hay diệt mất. Như thế thì làm sao mà hợp với tính nhân duyên?

Thiền sư Báo Ân Minh thường nêu lên bài Minh ở tháp của Ngài Tuyết Phong mà hỏi các vị lão túc: “Phàm từ Duyên mà có: trước sau đều thành, hoại. Chẳng từ Duyên mà có: trải kiếp vẫn lâu bền. Bền chắc với hư hoại, dẹp qua một bên! Ngài Tuyết Phong ngày nay ở tại chỗ nào?”

Ngài Pháp Nhãn riêng nói rằng: “Chỉ nay, đấy là thành, đấy là hoại!”

Các bậc lão túc đương thời chẳng thể đối đáp.

Chỗ này há có thể lấy sự nông cạn mà dòm ngó sao?

IV. TÁNH THẤY KHÔNG PHẢI LÀ NHÂN DUYÊN, RỜI CÁC DANH, TƯỚNG

Kinh: Phật dạy: “Ông nói Nhân Duyên, Ta hỏi ông: “Nay ông do nhân bởi cái Thấy, Tánh Thấy hiện tiền. Vậy cái Thấy này nhân cái sáng mà có thấy? Nhân cái tối mà có thấy? Nhân hư không mà có thấy? Nhân ngăn bít mà có thấy?

“Anan, nếu cái Thấy nhân cái sáng mà có thì lẽ ra không thấy được tối; còn như nhân cái tối mà có thì lẽ ra không thấy được cái sáng. Như vậy cho đến nhân hư không, nhân ngăn bít thì cũng đồng như nhân cái sáng và cái tối.

“Lại nữa, Anan, cái Thấy ấy lại là nương cái sáng mà có thấy? Nương cái tối mà có thấy? Nương hư không mà có thấy hay nương ngăn bít mà có thấy? Anan, nếu nương hư không mà có thấy thì lẽ ra không thấy được ngăn bít. Nếu nương ngăn bít mà có thấy thì lẽ ra không thấy được hư không. Như vậy cho đến nương cái sáng, nương cái tối cũng đồng như nương hư không, nương ngăn bít.

“Nên, biết rằng cái Tinh Giác Diệu Minh như thế chẳng phải Nhân, chẳng phải Duyên, cùng chẳng phải Tự Nhiên, chẳng phải Không Tự Nhiên. Không có cái Không Phải hay Không Không Phải, không có Tức Là hay Không Tức Là, lìa cả thảy tướng, tức là cả thảy pháp. Nay ông làm sao ở trong ấy mà khởi tâm, dùng những danh tướng hý luận thế gian mà phân biệt cho được? Như lấy tay mà nắm bắt hư không, chỉ thêm tự làm nhọc mình. Hư không làm sao lại để cho ông nắm bắt?”

Thông rằng : Nương vào vật là Nhân; theo với vật là Duyên. Nhân thì gần, Duyên thì xa, nên phân làm hai môn. Tánh Thấy hiện tiền, nếu nói là Thông Bít mà hiển bày, thì được; chứ nói: tánh Thấy nhân sáng, tối, thông bít mà có, thì không được. Nói rằng Tánh Thấy duyên sáng, tối, thông, bít mà phát ra tác dụng, thì được, chứ nói: Tánh Thấy duyên sáng, tối, thông, bít mà khởi, thì không được.

Cho nên nói Nhân Duyên là sai. Vì sao thế?

Cái Tinh Giác Diệu Minh vốn không có hình tướng. Nếu nói là Nhân Duyên, là Tự Nhiên thì thuộc về tướng Nhân Duyên, tướng Tự Nhiên rồi. Bởi vậy, ban đầu nói “Chẳng phải Nhân, chẳng phải Duyên, cũng chẳng phải Tự Nhiên”, là để trừ bỏ Tướng. Nhưng còn cái chẳng phải Tướng ở trong đó. Kế đến nói “Chẳng phải Không Nhân Duyên, chẳng phải Không Tự Nhiên”, là để trừ bỏ Phi Tướng. Nhưng mà còn cái Không Phải Phi Tướng ở trong đó. Cuối cùng thì nói “Không có Không Phải hay Không Không Phải, không có Tức là hay Không Tức là. Đó là cái chỗ mà Phải và Chẳng Phải đều không tới được, chẳng cho phép sự luận bàn, chẳng dung tha suy tính, tức là cái thực tướng Tinh Giác Diệu Minh vậy.

Các tướng Phải hay Chẳng Phải kia đều là vọng tình biến kế phân biệt. Bản Thể Diệu Minh vốn không có chuyện đó, nên nói “Lìa cả thảy Tướng”. Biến kế vọng tưởng phân biệt đã lìa thì đó là cái Thể Viên Thành Thật, chạm vào đâu là hiện bày trước mắt. Thế nên mới nói “Tức cả thảy Pháp”.

Cổ Đức nói “Chỉ lìa vọng duyên tức Như Như Phật”, là nói chỗ này đây vậy.

Xưa, Tổ Sơ Sơn đến chỗ ở của Tổ Quy Sơn bèn hỏi: “Thầy tôi có nói: “Câu có, câu không, như dây leo bám cây. Bỗng nhiên cây ngã, dây khô, câu về chốn nào?”

Tổ Quy Sơn ha hả cười lớn.

Sơ Sơn nói: “Tôi mua vải làm giày, từ bốn ngàn dặm đến đây, Hòa Thượng đâu nên đùa cợt”.

Tổ Quy Sơn gọi thị giả: “Lấy tiền trả lại cho Ông Thượng Tọa này”.

Rồi dặn rằng “Sau này sẽ có con rồng một mắt vì thầy mà chỉ phá cho”.

Sau, Ngài Sơ Sơn đến Tổ Minh Chiêu, kể chuyện cũ.

Tổ Minh Chiêu nói: “Ngài Quy Sơn, có thể nói là đầu chánh, đuôi chánh, chỉ vì chẳng gặp tri âm!”

Ngài Sơ Sơn bèn hỏi: “Cây ngã, dây khô, câu về xứ nào?”

Tổ Chiêu nói: “Lại khiến Quy Sơn phát tiếng cười mới”.

Ngài Sơ Sơn ngay dưới lời nói có tỉnh ngộ, bèn nói: “Thì ra trong cái cười của Quy Sơn vốn có chứa đao!”

Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

            “Dây khô, cây ngã, hỏi Quy Sơn

            Ha hả cười to, há chẳng màng?

            Trong cười có dao sắc, nhìn ra được

            Không đường suy, nói, bặt cơ quan [Máy then]”.

                        (Đằng khô thọ đảo vấn Quy Sơn

                        Đại tiếu kha kha khởi đẳng nhàn

                        Tiếu lý hữu đao không đắc phá

                        Ngôn tư vô lộ tuyệt cơ quan).

Tổ Quy Sơn trong chỗ ấy, trước sau chỉ có ha hả cười to, như một dấu ấn ấn ra.

Ngài Sơ Sơn nói “Trong cái cười có đao!”, bèn chụp được hư không vậy.

Tổ Thạch Củng hỏi Thầy Tây Đường: “Ông có nắm bắt được hư không chăng?”

Ngài Tây Đường đáp: “Nắm bắt được”.

Tổ Củng nói: “Bắt thế nào?”

Tổ Đường lấy tay chụp nắm hư không.

Tổ Củng nói: “Ông chẳng biết chụp!”

Tổ Đường hỏi lại: “Sư huynh bắt như thế nào?”

Tổ Thạch Củng nắm mũi Ngài Tây Đường kéo đi.

Ngài Tây Đường nhịn đau, nói: “Gã đại hung thần này kéo lỗ mũi người!” Liền muốn thoát ra.

Tổ Thạch Củng nói: “Phải như thế mới bắt hư không được”.

Nên chi, lấy danh tướng hý luận mà nắm bắt hư không: Ôi, khó thay! Khó thay!

V. BÁC NHÂN DUYÊN, TỰ NHIÊN

Kinh: Ông Anan bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn, nếu quả cái Tánh Diệu Giác chẳng phải Nhân, chẳng phải Duyên thế sao Thế Tôn thường chỉ dạy cho chúng Tỳ Kheo rằng Tánh Thấy có đủ bốn thứ Duyên, đó là: Nhân Hư Không, Nhân Ánh Sáng, Nhân Tâm Thức và Nhân Con Mắt. Nghĩa ấy thế nào?”

Phật bảo: “Anan, Ta nói như thế, là nói về các tướng nhân duyên của thế gian, chẳng phải là Đệ Nhất Nghĩa. Anan, Ta lại hỏi ông: Các người thế gian nói “Tôi thấy được”, thì thế nào gọi là thấy? Thế nào gọi là không thấy?”

Anan thưa: “Người đời nhân ánh sáng mặt trời, mặt trăng, đèn mà thấy mọi thứ hình tướng thì gọi là thấy. Nếu không có ba thứ ánh sáng đó thì không thấy được”.

- Anan! Nếu khi không có ánh sáng mà gọi là không thấy, thì lẽ ra không thấy tối. Nếu có thấy tối, thì đó chỉ vì không có ánh sáng chứ đâu phải là không thấy? Anan, nếu trong khi tối, vì không thấy sáng mà gọi là không thấy, thì khi sáng, không thấy tướng tối, cũng gọi là không thấy. Như thế thì cả hai tướng sáng, tối đều gọi là không thấy cả. Còn nếu như hai cái sáng, cái tối tự lấn đoạt nhau, chứ không phải trong đó cái Tánh Thấy của ông có lúc không có. Như thế thì biết: cả hai lúc sáng và tối đều gọi là thấy, chớ sao lại nói là không thấy?”

Thông rằng: Chỗ này, Thế Tôn trước là phá cái tướng Nhân Duyên của thế gian, sau là hiển bày cái Đệ Nhất Nghĩa Đế. Thế gian cho rằng cái Thấy nhân ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn mà có. Nhưng không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn đâu phải là không có cái Thấy, cũng là thấy Tối, thấy Sáng đó vậy. Sáng, Tối tự chúng thuộc về tiền trần, cái Thấy (Kiến Tinh) vốn không sanh diệt. Do đó mà nói “Cái Thấy của thế gian cũng là chẳng phải Nhân, chẳng phải Duyên”, huống tiến đến chỗ này ư?

Thiền sư Cửu Phong Kiền thọ tâm ấn nơi Tổ Thạch Sương. Có nhà sư hỏi: “Trong kinh có nói: Đủ ba duyên ánh sáng mới thành cái Thấy. Ba Duyên chưa có, có thành cái Thấy không?”

Tổ Kiền nói: “Duyên có sai khác, cái Thấy không thiếu hụt”.

Vị sư hỏi: “Đã không thiếu hụt, ở trong tối sao chẳng thấy vật?”

Tổ Kiền nói: “Tuy chẳng thấy vật, đâu phải không thấy tối?”

Nhà sư hỏi: “Lìa hết ba duyên, như thế nào là chỗ Chân Kiến?”

Tổ Kiền nói: “Giáp vòng trái đất, mặt trời đen tợ sơn đen”.

Trong bài Tham Đồng Khế của Ngài Thạch Đầu có câu: “Ngay trong sáng có tối, chớ dùng tối gặp nhau! Ngay trong tối có sáng, chớ dùng sáng thấy nhau!”

Chính là đồng với cái ý chỉ này. Đây thật là nào có đồng bậc với sáng tối, cần phải có mắt mới phân biệt được.

VI. CHỈ THẲNG TÁNH THẤY

Kinh: “Cho nên, Anan, bây giờ ông nên biết rằng: Khi thấy sáng, cái thấy chẳng phải là sáng. Khi thấy tối, cái thấy chẳng phải là tối. Khi thấy không, cái Thấy chẳng phải là không. Khi thấy ngăn bít, cái thấy chẳng phải là ngăn bít. Bốn nghĩa đó đã thành rồi, ông lại nên biết: khi Thấy mà có tướng Thấy, cái Thấy đó chẳng phải là Tánh Thấy. Cái Thấy mà do lìa tướng Thấy, đó là Tánh Thấy Siêu Việt (Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến. Kiến do ly kiến, kiến bất năng cập).

“Vậy thì làm sao lại nói các tướng Nhân Duyên, Tự Nhiên hay Hòa Hợp?”

Thông rằng: Chỗ này Đức Thế Tôn hiển bày Đệ Nhất Nghĩa Đế, cái gọi là Con Đường Bồ Đề Nhiệm Mầu. Kiến và Kiến Duyên đủ năm thứ nghĩa: Sáng, Tối, Hư Không, Ngăn Bít là bốn thứ; Kiến Duyên và Kiến Tinh (cái Thấy) là một thứ Vọng Kiến. Thế Tôn ở chỗ này mà lựa ra cái Kiến Tinh chẳng phải là bốn thứ Sáng, Tối, Không, Bít. Lấy bốn nghĩa này suy ra để rõ được cái Thấy lìa duyên trần mà vẫn tự có. Ngay ở đây lại lựa ra cái Chơn Kiến (Tánh Thấy) soi rõ Kiến Tinh, là cái mà cái Thấy không thể bì kịp. Đây chính là mặt trăng thứ nhất, cho nên cái Thấy vẫn còn là vọng. A ha! Cái Chơn Kiến còn lìa cả mọi tướng thấy thì chỗ nào có hơi thở, bóng dáng gì để theo đó mà mô phỏng ra nó? Nói Nhân Duyên, nói Tự Nhiên, nói Hòa Hiệp, há chẳng là hư vọng ư?

Tổ Bá Trượng hỏi vị tăng: “Thấy không?”

Đáp: “Dạ, thấy”.

Tổ Trượng rằng: “Sau khi thấy thì như thế nào?”

Đáp: “Thấy chẳng có hai”.

Tổ Trượng nói: “Đã nói là thấy thì không hai, tức là không lấy cái Thấy mà thấy nơi Cái Vốn Thấy. Nếu Cái Vốn Thấy mà trở lại thấy, thì cái Thấy trước là đúng hay cái Thấy sau là đúng? Như nói, “Khi Thấy mà còn có tướng Thấy, đó chẳng phải là Chơn Kiến. Thấy mà do lìa tất cả tướng Thấy, cái Thấy ấy là Siêu Việt [Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến. Kiến do ly kiến, kiến bất năng cập]”. Bởi thế, chẳng hành cái Pháp Thấy, chẳng hành cái Pháp Nghe, chẳng hành cái Pháp Giác Ngộ, thì Chư Phật liền thọ ký”.

Lại nữa, kinh Bảo Tích nói: “Pháp Thân chẳng có thể lấy Thấy, Nghe, Hay, Biết mà tìm cầu. Chẳng phải là chỗ thấy của con mắt thịt, vì là không có Sắc. Chẳng phải là chỗ thấy của Thiên Nhãn vì không Hư Vọng. Chẳng phải chỗ thấy của Huệ Nhãn, vì lìa hình tướng. Chẳng phải chỗ thấy của Pháp Nhãn, vì lìa các Hành. Chẳng phải là chỗ thấy của Phật Nhãn, vì lìa hết thảy Thức. Nếu chẳng tạo ra các thứ Thấy như vậy, thì gọi đó là cái Thấy của Phật”.

Xưa, thiền sư Thiệu Long ban đầu ra mắt Tổ Trường Lô, được chỗ đại lược. Nhân có người đưa đến bộ Ngữ Lục của Ngài Viên Ngộ, sư đọc mà than rằng: “Nghĩ đến chua thì chảy nước miếng. Tuy chưa rửa sạch gan ruột, đã khiến người được vui sướng. Chỉ hận là chưa được giáp mặt chuyện trò”.

Bèn từ giả Ngài Trường Lô mà qua chỗ Ngài Trạm Đường. Trước làm khách của Ngài Hoàng Long, hỏi Tổ Tử Tâm; kế đó tham yết Ngài Viên Ngộ.

Một hôm, đang nhập thất thì Ngài Viên Ngộ nói: “Khi thấy mà có tướng Thấy, cái Thấy ấy không phải là cái Thấy Chân Thật. Thấy do lìa tướng Thấy, cái Thấy ấy siêu việt”.

Rồi đưa tay lên mà nói: “Thấy không?”

Sư Long nói: “Thấy”.

Tổ Viên Ngộ nói: “Trên đầu để thêm cái đầu!”

Sư Long nghe thì tức thời khế ngộ.

Tổ Viên Ngộ quát nạt rằng: “Thấy cái gì?”

Thiệu Long đáp: “Tre dày chẳng ngại nước chảy qua”.

Tổ Viên Ngộ chấp nhận, khiến trông coi chỗ cất kinh.

Có người hỏi Ngài Viên Ngộ: “Thiệu Long yếu như thế, sao làm nổi?”

Ngài đáp: “Con cọp ngủ đó!”

Thiền sư Đức Sơn Quyên thượng đường dạy rằng: “Khi thấy mà có tướng Thấy, đó chẳng phải là Chơn Kiến. Thấy do lìa tướng Thấy, đó là cái Thấy siêu việt”.

Rồi hét lên rằng: “Cá kình uống hết biển, lộ ra nhánh san hô”.

Trong đại chúng bỗng có ông tăng bước ra, nói: “Trưởng Lão thôi đừng nói chiêm bao, mới hứa cho y đủ một con mắt lẻ”.

Người xưa ở nơi câu này (“Kiến kiến chi thời,...”) đều nhờ ngón tay mà thấy mặt trăng. Một hột thuốc Tiên biến đổi cốt phàm, quả chẳng dễ dàng!

Kinh: “Hàng Thanh Văn các ông hẹp hòi không biết, chẳng có thể thông đạt Thật Tướng thanh tịnh. Nay ta khuyên dạy ông hãy khéo tư duy, chớ nên trễ nải trên đường Bồ Đề Mầu Nhiệm”.

Thông rằng: Cái Thật Tướng thanh tịnh ai ai cũng sẵn đủ. Vậy tại sao hàng Thanh Văn chẳng có thể thông đạt? Bởi vì chấp trước vậy. Cái ý thức chấp trước, chốn chốn đều thọ duyên theo. Chỉ có cái là không thể duyên với Bát Nhã. Nên Đức Thế Tôn thương xót, khuyên hãy khéo tư duy. Phải ở nơi Thấy mà lìa thấy, chứng Diệu Bồ Đề. Đó tức là chỗ chẳng phải cái Thấy đến được vậy.

Tổ Giáp Sơn nói: “Trước mắt không có pháp. Trước mắt là ý, chẳng phải trước mắt là pháp. Đó chẳng phải là chỗ tai, mắt đến được. Diệu khế chỗ này”.

Tổ Thiên Đồng nêu ra rằng: “Cái lão Giáp Sơn mở banh cái bao bố, đem đồ châu báu thảy ra trước mặt các ông. Chính ngay khi đó thì làm sao đây? Trên đường chẳng lượm của rơi, người quân tử mới khen là tốt đẹp”.

Ngay cái thoại đầu tuyệt diệu thế này mà còn chẳng cho giữ lại trong ngực, Thật là đến chỗ của Kiến do lìa kiến vậy.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM