KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

TÔNG THÔNG

TÂY TẠNG TỰ - BÌNH DƯƠNG

Người dịch : THUBTEN OSALL LAMA - NHẪN TẾ THIỀN SƯ

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG I: CHỈ BÀY CHÂN TÂM

MỤC BẢY: TÓM THU VỀ NHƯ LAI TẠNG

I. TÓM THU

Kinh: “Anan, ông còn không biết rằng hết thảy các tướng huyễn hóa của tiền trần ngay nơi chỗ mà sanh ra, tùy theo chỗ mà diệt mất. Hư huyễn vì mê vọng nên nói là tướng, chứ thật tánh chúng là Diệu Giác Minh Thể. Như vậy, cho đến năm Ấm, sáu Nhập, mười hai Xứ và mười tám Giới đều là: - Nhân Duyên hòa hợp: in tuồng có sanh ra; - Nhân Duyên chia lìa : in tuồng diệt mất. Quyết chẳng biết rằng sanh, diệt, đến, đi vốn là Như Lai Tạng Tánh thường trụ, mầu sáng, bất động, tròn khắp, tánh diệu Chân Như. Trong Tánh Chân Thường ấy mà tìm cầu cho ra tướng đến, đi, mê, ngộ, sanh, tử rốt là không được.

Thông rằng: Ở đây bày thẳng Đốn Môn, mở ra con đường Diệu Bồ Đề, tức là ngay trong phù trần huyễn hóa mà chứng Chân Như. “Trong Tánh Chân  Thường mà tìm cầu cho ra tướng đến, đi, mê, ngộ, sanh, tử rốt là không được”.

Các thứ Ấm, Nhập, Xứ, Giới chỉ có tướng huyễn vọng. Huyễn không tự tánh, nương Chân mà lập như hoa đốm khởi lên giữa hư không, toàn thể hoa đốm là hư không. Như sóng sanh trên nước, toàn sóng là nước. Cho nên kinh nói “Tánh của chúng thật là Diệu Giác Minh Thể”, Thể này chính là Pháp Thân. Tự nó gồm chứa vô lượng công đức nên gọi là Như Lai Tạng. Vốn chẳng đến đi, nên gọi là Thường Trụ. Vốn chưa từng mê muội, nên gọi là Diệu Minh. Vốn không sanh diệt, nên gọi là Bất Động. Vốn tự sẵn đủ nên nói là Tròn Khắp, Châu Viên. Một vị Thường Trụ nên Đến Đi bất khả đắc. Một vị Diệu Minh nên mê ngộ bất khả đắc. Một vị Bất Động nên sanh tử bất khả đắc. Một vị Tròn Khắp nên Chân Thường.

Cái gọi là Tánh Chân Như Mầu Nhiệm ở đây kỳ thật là cái “Xưa nay không một vật” vậy.

Có nhà sư hỏi Tổ Hoàng Bá: “Kẻ học nhân này chẳng hiểu, Hòa Thượng chỉ bày như thế nào?”

Tổ Hoàng Bá nói: “Ta không có một vật nào hết. Từ xưa đến giờ chẳng từng đem ra một món vật cho người. Ông từ vô thủy đến nay chỉ vì bị người ta chỉ bày rồi tìm kiếm chuyện Khế Hợp, tìm kiếm chuyện Hiểu Ngộ. Như thế thì chẳng phải cả thầy trò đều lọt vào nạn vua sao ? Ông chỉ cần biết rằng, một niệm chẳng thọ tức là không có cái Thân Thọ. Một niệm không tưởng đến tức là không có cái Thân Tưởng. Quyết chẳng có trôi theo sự tạo tác, tức là không có cái Thân Hành. Chẳng có nghĩ suy, so sánh, phân biệt tức là không có cái Thân Thức. Nay ông vừa khởi ra một niệm tức thì có ngay vòng Thập Nhị Nhân Duyên : Vô Minh duyên ra Hành, vừa Nhân vừa Quả; cho đến Lão, Tử cũng vừa Nhân vừa Quả.

“Cho nên đồng tử Thiện Tài đi một trăm mười nơi cầu thiện tri thức, chỉ là hướng vào Thập Nhị Nhân Duyên mà cầu. Sau rốt gặp Đức Di Lặc. Đức Di Lặc lại chỉ đến gặp Đức Văn Thù. Văn Thù ấy, chính là cái Bổn Địa Vô Minh của ông. Nếu tâm tâm riêng khác, hướng ngoài mà tìm cầu thiện trí thức, thì một niệm vừa sanh liền diệt, vừa diệt liền sanh. Bởi thế, Tỳ Kheo các ông cũng sanh, cũng lão, cũng bệnh, cũng tử. Trả Nhân đền Quả xưa nay, tức là sự sanh diệt của năm Tụ. Năm Tụ là năm Ấm. Một niệm chẳng khởi tức là mười tám Giới bèn không, ngay thân là hoa trái Bồ Đề, ngay tâm tức là Bát Nhã. Nếu có chỗ dừng bám, thì ngay thân là xác chết, cũng gọi là quỉ giữ xác chết”.

Lời nói này của Tổ Hoàng Bá chẳng phải làm sáng tỏ câu kinh “Hư huyễn vì mê vọng nên nói là tướng, chứ thật tánh của chúng chính là Diệu Giác Minh Thể” đó sao?

Ông Hạo Nguyệt cúng dường, hỏi Tổ Trường Sa: “Rõ thì nghiệp chướng vốn là không. Chưa rõ, nợ xưa đành trang trải [Chứng Đạo Ca]”, vậy thì Tổ Sư Tử Tôn giả và Nhị Tổ Huệ Khả vì sao phải trả nợ xưa?”

Tổ Sa nói: “Đại Đức chẳng biết Bổn Lai Không [Cái xưa nay vốn Không].”

Hỏi: “Như thế nào là Bổn Lai Không?”

Đáp: “Là nghiệp chướng”.

Hỏi: “Như thế nào là nghiệp chướng?”

Đáp: “Là Bổn Lai Không”.

Rồi Tổ Sa dùng bài kệ chỉ bày:

            “Giả Có, vốn chẳng Có

            Giả Diệt, cũng chẳng Không

            Nghĩa Niết Bàn, trả nợ

            Một Tánh, chẳng khác gì”.

                        (Giả Hữu nguyên phi Hữu

                        Giả Diệt diệc phi Vô

                        Niết Bàn, thường trái nghĩa

                        Nhất Tánh, cánh vô thù).

Lời dạy này của Tổ Trường Sa chẳng phải làm rõ câu “Sanh diệt, đến đi đều vốn là Tánh Chân Như tròn khắp, bất động, mầu sáng, thường trụ của Như Lai Tạng” đó sao?

Lại Tổ Giáp Sơn về Tổ Định Sơn vừa đi vừa nói chuyện.

Tổ Định Sơn nói: “Trong sanh tử mà không có Phật, thì không có sanh tử”.

Tổ Giáp Sơn nói: “Trong sanh tử mà có Phật thì chẳng mê sanh tử”.

Hai bên chẳng chịu nhau, bèn có đến Tổ Đại Mai.

Giáp Sơn bèn thuật lại và hỏi chỗ thấy, hiểu của ai gần hơn.

Tổ Mai nói: “Một gần, một xa”.

Giáp Sơn lại hỏi: “Cái nào gần”.

Tổ Mai rằng: “Thôi về đi, ngày mai đến”.

Hôm sau, Giáp Sơn lại tới hỏi nữa.

Tổ Mai nói: “Gần thì chẳng hỏi, hỏi thì chẳng gần”.

Sau này, Ngài Giáp Sơn tự bảo : “Lúc đó mất một con mắt lẻ”.

Đây là một tắc, chẳng phải làm rõ câu “Trong Tánh Chân Thường mà cầu cho ra những cái đến đi, mê ngộ, sanh tử rốt là không được” đó sao?

Bản chú giải xưa cho rằng: Từ bảy chỗ trưng tâm và biện ra cái Thấy cho đến đây là rộng phá Chấp Ngã, là pháp Quán Không, Xa Ma Tha. Từ đây trở xuống là rộng phá Chấp Pháp, tức là pháp Quán Giả, Tam Ma Đề. Đối với chỗ “Chỉ thẳng Tâm người, thấy Tánh thành Phật” còn cách xa một đoạn đường.

Như thế là chưa hiểu rằng pháp Diệu Xa Ma Tha mà Ông Anan hỏi, thì ở đây, được đáp là Diệu Chân Như Tánh. Chỉ một chữ Diệu, thật khó hình dung, người ngộ tự biết lấy.

A. THU SẮC ẤM

Kinh: “Anan, thế nào năm Ấm vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh?

Thông rằng: Năm Ấm cũng gọi là năm Uẩn. Uẩn nghĩa là chứa nhóm, tích tụ. Ấm nghĩa là che đậy. Tích tụ hữu vi, che đậy Chân Tánh, cho nên cùng gọi là phạm vi của năm Ấm, rất là khó phá. Ở đây nói “Vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh” là nói suy từ gốc thì năm Ấm duyên khởi từ trong Như Lai Tạng mà lưu xuất ư? Hay là nói năm Ấm đều Không, tức hiển bày Tánh Diệu Chân Như ư? Điều này thuộïc về Đốn Môn, tức là ở đoạn trước gọi là “Con Đường Diệu Tu Hành các Tam Ma Đề Đại Tổng Trì”. Chính là ở đây chỉ rằng : Ngũ Ấm tức là Như Lai Tạng, tức là Tánh Diệu Chân Như, không hai, không khác! Như thế thì dẹp tan Ngũ Ấm, cũng không có thứ lớp. Như luận về Lý Đốn Ngộ, phải ngay đây thấy được năm Ấm đều tự Vô Sanh, đều tự Tịch Tĩnh, cầu tướng năm Ấm rốt là không thể được. Thế thì năm Ấm đâu chẳng phải là Chân Như, mà Chân Như nào chẳng hề là Ngũ Ấm ư?

Có nhà sư hỏi Tổ Quy Sơn An rằng: “Rời bỏ năm Ấm, thế nào là cái thân xưa nay?”

Tổ An nói: “Đất, Nước, Lửa, Gió, Thọ, Tưởng, Hành, Thức”.

Vị sư nói: “Cái đó là năm Ấm”.

Tổ An nói: “Cái đó chẳng phải năm Ấm”.

Lại hỏi: “Cái Ấm này đã hết mà cái Ấm kia chưa sanh, thì như thế nào?”

Tổ An nói: “Cái Ấm này chưa hết, Đại Đức là cái gì?”

Đáp: “Chẳng hiểu được”.

Tổ An nói: “Nếu hiểu cái Ấm này, bèn rõ Ấm kia”.

Như theo Tổ An, quả là thấu suốt Ngũ Ấm vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh.

Kinh: “Anan, ví như có người dùng con mắt trong sạch xem hư không trong tạnh, chỉ thấy một hư không trong sáng, vắng lặng chẳng có gì. Người ấy khi không chẳng lay động con mắt, nhìn sững hồi lâu nên mỏi mắt, bèn ở nơi hư không riêng thấy hoa đốm loạn xạ, lại thấy có tất cả những tướng giả dối lăng xăng. Nên biết rằng Sắc Ấm cũng là như thế.

“Anan, các hoa đốm lăng xăng ấy chẳng phải từ hư không mà đến, chẳng phải từ con mắt mà ra. Thật vậy, Anan, nếu nói từ hư không mà đến, đã từ hư không đến thì phải lại trở vào hư không. Nếu có ra, có vào như thế thì đã chẳng phải là hư không. Hư không mà chẳng phải trống rỗng thì tự nhiên không thể dung chứa hoa đốm sanh diệt ở trong ấy, cũng như thân thể Anan không thể dung chứa được một Anan khác.

“Còn cho rằng hoa đốm từ con mắt mà ra, đã từ con mắt ra thì phải trở vào con mắt. Lại cái tính hoa đốm ấy đã từ con mắt mà ra thì lẽ ra phải có Tánh Thấy. Nếu có Tánh Thấy thì khi đã ra làm hoa đốm giữa hư không, phải trở lại thấy được con mắt. Nếu không có Tánh Thấy, thì khi đi ra phải che lấp hư không, khi trở vào phải che lấp con mắt! Hơn nữa, khi thấy hoa đốm, đáng lẽ con mắt phải không lòa, chứ sao thấy hư không trong sáng thì mới gọi là con mắt trong sạch?

“Vậy, nên biết rằng: Sắc Ấm hư vọng, vốn chẳng phải tánh Nhân Duyên, chẳng phải tánh Tự Nhiên.

Thông rằng: Ngài Long Thọ có bài kệ:

            “Các pháp chẳng tự sanh

            Cũng chẳng do (cái) khác sanh

            Chẳng chung, chẳng không nhân

            Nên gọi là vô sanh”.

                        (Chư pháp bất tự sanh

                        Diệc bất tùng tha sanh

                        Bất cọng bất vô nhân

                        Thị cố thuyết vô sanh).

Phàm các pháp chẳng tự sanh, vì chờ có các Duyên vậy. Chẳng do cái khác sanh, vì các Duyên đều vô tự tánh. Chẳng cùng sanh vì thể của trí và tu hành là không; vô tự tánh nên không hợp, không tán. Chẳng không Nhân, vì phải chờ tu hành giác ngộ mới hiển lộ, chứ chẳng phải tự nhiên mà thành.

Hãy biết rằng cái Diệu Giác Minh Thể này lìa ngoài hết thảy mọi lỗi lầm, vốn Tự Vô Sanh vậy. Từ năm Ấm, sáu Nhập, mười hai Xứ, mười tám Giới cho đến bảy Đại chẳng có chỗ nào không làm rộng sáng cái ý này. Ngộ được Vô Sanh tức là Con mắt thanh tịnh. Xưa nay vốn tự không hoa đốm, chỉ vì nhìn sững mà hoa mắt. Trái với Chân, hiệp với Vọng, bèn thấy có hoa. Hoa vốn không Thể, chẳng từ đâu sanh. Chỉ hết bệnh nhặm, hoa cuồng loạn tự diệt. Nếu ở nơi hoa đốm lăng xăng mà cho là có chỗ sanh ra, tức là tánh Nhân Duyên; nói là không có chỗ phát sanh, là tánh Tự Nhiên. Nay xét chỗ sanh ra, thì chẳng ở hư không mà sanh, cũng chẳng ở con mắt mà sanh, thì rõ là chẳng phải Nhân Duyên. Nếu quả là Tự Nhiên mà có thì khi thấy hoa đốm lẽ ra tự mình không có bệnh nhặm. Nếu không có bệnh nhặm mà thấy hoa đốm thì con mắt thấy hoa đốm phải gọi là con mắt trong sạch! Và thấy hư không trong sáng phải là con mắt nhặm! Thế, tại sao khi thấy hư không trong sáng lại gọi là con mắt trong sạch? Hoa đốm này chắc phải do bệnh nhặm mà sanh, chứ rõ ràng chẳng phải tự nhiên vậy!

Ôi! Hoa đốm đã thế, thì Sắc Ấm cũng thế. Vốn đều hư vọng, vốn vô tự tánh, tức Sắc tức Không. Cho nên gọi đó vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh vậy.

Đức Mã Tổ dạy chúng rằng: “Ba cõi duy chỉ là Tâm, muôn hình vạn tượng đều là một Pháp Ấn. Phàm thấy sắc là thấy tâm. Tâm chẳng tự là tâm, nhân sắc mà có. Các ông chỉ tùy thời mà nói năng, thì sự tức là lý, đều không chỗ ngại. Đạo quả Bồ Đề cũng lại như thế. Nơi tâm sanh ra thì gọi là sắc. Biết sắc là không thì sanh tức là chẳng sanh. Nếu hiểu ý này mới khá tùy thời ăn cơm mặc áo, nuôi lớn Thánh Thai [Điạ vị Thập Trụ, Thập Hành, Thập Hồi Hướng thuộc về Tam Hiền, gọi là Thánh Thai. Do chỗ tự dùng mình gieo làm nhân, bạn lành làm duyên, nghe chánh pháp mà tu tập nuôi lớn đến bậc Sơ Địa, thấy được Đạo, sanh trong nhà Phật], mặc tình qua ngày qua buổi, còn chuyện gì đâu! Các ông thọ lãnh giáo pháp của ta, hãy nghe kệ rằng:

            “Tâm địa tùy thời nói

            Bồ Đề chỉ là thế

            Sự, lý đồng không ngại

            Đang sanh tức chẳng sanh”.

                        (Tâm địa tùy thời thuyết

                        Bồ Đề diệc chỉ ninh

                        Sự, Lý cu vô ngại

                        Đương sanh tức bất sanh).

Tổ Vân Môn dạy chúng rằng: “Chân Không chẳng hoại Có. Chân Không không khác Sắc”.

Có vị sư hỏi: “Cái gì là Chân Không?”

Tổ Môn nói: “Ông có nghe tiếng chuông không?”

Đáp: “Đó là tiếng chuông”.

Tổ Môn nói: “Năm Lừa [Năm Lừa : năm không có trong mười hai chi] mộng thấy được sao?”

Thiền sư Cao An Nhân dạy chúng rằng: “Bình thường chẳng muốn hướng theo lời trước, câu sau mà cổ vũ đùa giỡn với nam nữ nhà người. Vì sao? Vì thanh chẳng phải thanh, sắc chẳng phải sắc”.

Có vị tăng hỏi: “Như thế nào là thanh chẳng phải thanh?”

Đáp: “Gọi là sắc được không?”

Hỏi: “Như thế nào là sắc chẳng phải sắc?”

Đáp: “Gọi là thanh được chăng?”

Vị tăng làm lễ tạ.

Tổ Bèn nói: “Hãy thử nói xem: vì ông mà nói? Hay đáp lại lời ông? Nếu có người rõ được thì có chỗ nhập”.

Tổ Đơn Hà tụng rằng:

            “Sắc tự sắc, hề, thanh tự thanh

            Oanh non hót liễu, khói mong manh

            Cửa cửa đều thông về kinh quốc

            Nghiêng nghiêng ba đảo, biển đầy trăng

                        (Sắc tự sắc hề thanh tự thanh

                        Tân oanh đề xứ liễu yên kinh

                        Môn môn hữu lộ thông kinh quốc

                        Tam đảo tà hoành hải nguyệt minh).

Cho nên, biết Sắc Ấm vốn là Tánh Diệu Chân Như, liền đạt Vô Sanh đó.

B. THU THỌ ẤM

Kinh: “Anan, ví như có người tay chân yên ổn, năm vóc điều hòa, bỗng như quên mình, không có gì là trái là thuận. Người ấy khi không lấy hai bàn tay xoa nhau giữa hư không, thì nơi hai bàn tay ấy giả dối sanh ra những Cảm Xúc trơn rít, lạnh nóng. Nên biết Thọ Ấm cũng lại như thế.

“Anan, các Cảm Xúc giả dối kia không phải từ hư không mà đến, không phải từ bàn tay mà ra. Thật vậy, Anan, nếu từ hư không mà đến thì đã sanh Cảm Xúc nơi bàn tay, sao lại không sanh Cảm Xúc nơi thân thể, không lẽ hư không lại biết lựa chỗ để sanh ra Cảm Xúc? Nếu như từ bàn tay mà ra, thì lẽ ra không cần hai tay phải hợp lại. Lại đã từ bàn tay mà ra thì khi bàn tay hợp lại, biết có Cảm Xúc, đến khi bàn tay rời ra thì Cảm Xúc phải chạy vào, và xương tủy cánh tay phải biết đường vào của Cảm Xúc. Rồi hẳn phải có tâm hay biết, biết ra, biết vào và phải có một vật gì đi lại trong thân, sao lại phải chờ đến hai tay hợp lại mới gọi là Cảm Xúc?

“Vậy, nên biết rằng: Thọ Ấm hư vọng, vốn chẳng phải tính Nhân Duyên, chẳng phải tính Tự Nhiên.

Thông rằng: Trong cái Tạng Tánh không có các lãnh thọ. Khởi ra xúc tình nơi Cảnh, đem Cảnh vào tâm thì gọi là Thọ. Cho nên lấy hai tay xoa vào nhau thì hư vọng sanh ra trơn rít, lạnh nóng... Lạnh nóng vốn không có, do tiếp xúc mà có, nên gọi là huyễn xúc. Nếu Thọ Ấm do Nhân Duyên hay Tự Nhiên mà sanh thì không thể gọi là hư vọng. Nay Thọ chẳng phải từ hư không cũng chẳng phải từ bàn tay, tức là chẳng phải Nhân Duyên. Phải chờ hợp lại mới biết tức là chẳng phải Tự Nhiên. Chẳng phải Nhân Duyên, chẳng phải Tự Nhiên, đương thể Tịch Diệt. Vốn tự chẳng sanh thì không phải là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh sao? Gọi là Nhiệm Mầu (Diệu), vì Thọ mà thật chẳng Thọ.

Đức Thế Tôn nhân có vị Phạm Chí Trường Trảo đến để nghị luận, và cam đoan trước rằng: “Nếu cái nghĩa của tôi rớt, tôi sẽ tự chặt đầu”.

Thế Tôn nói: “Nghĩa của ông lấy gì làm Tông?”

Ông Phạm Chí đáp: “Tôi lấy “Tất cả đều chẳng lãnh thọ làm Tông”.

Thế Tôn nói: “Cái Thấy đó có thọ không?”

Vị Phạm Chí phất tay áo bỏ đi. Đến giữa đường, ông bèn tỉnh ngộ mà bảo với đệ tử rằng: “Ta phải trở lại dâng đầu cho Thế Tôn!”

Các đệ tử nói: “Trước đại chúng trời, người, Ngài đã thắng cuộc, sao lại chém đầu?”

Ông đáp: “Ta thà ở trước người Trí mà chém đầu còn hơn ở giữa người vô Trí mà đắc thắng”.

Rồi than rằng: “Nghĩa của ta bị rớt vào cả hai chỗ : Cái Thấy mà có thọ, là rơi vào phần thô. Cái Thấy mà không thọ, là rơi vào phần tế. Tất cả trời, người và hàng Nhị Thừa đều chẳng biết chỗ rơi kẹt của cái nghĩa ta đưa ra. Chỉ có Thế Tôn và các Đại Bồ Tát biết được cái nghĩa của ta bị rớt”.

Bèn trở lại chỗ Thế Tôn và thưa rằng : “Nghĩa của tôi bị rớt kẹt ở hai nơi, xin tự chặt đầu dâng Ngài”.

Đức Thế Tôn dạy: “Trong pháp của ta không có việc như vậy. Ông nên hồi tâm mà hướng về đạo”.

Ông Phạm Chí bèn cùng năm trăm đệ tử xuất gia theo Phật và chứng A La Hán.

Ôi, Thọ Ấm vi tế đến như vậy, đâu dễ gì phá!

C. THU TƯỞNG ẤM

Kinh: “Anan, ví như có người khi nghe nói đến trái mơ chua thì trong miệng chảy nước miếng. Khi nghĩ đến đứng trên vực núi thì lòng bàn chân thấy rợn rợn. Nên biết Tưởng Ấm lại cũng như vậy.

“Anan, câu chuyện mơ chua như thế chẳng từ trái mơ mà sanh ra, chẳng phải do cái miệng mà vào. Thật vậy, Anan, nếu do quả mơ sanh ra thì trái mơ tự nói lấy, nào phải chờ đến người nói? Nếu do cái miệng mà vào thì cái miệng tự nghe lấy, cần gì đến lỗ tai! Nếu chỉ có lỗ tai nghe, thì nước miếng kia sao không từ lỗ tai chảy ra! Chuyện nghĩ đến đang đứng trên vực núi lại cũng như vậy.

“Vậy, nên biết rằng: Tưởng Ấm là hư vọng, vốn chẳng phải tính Nhân Duyên, chẳng phải tính Tự Nhiên.

Thông rằng: Tư tưởng vốn không có thật tướng, do tâm mà thành có tướng, nên gọi là Tưởng. Nghĩ tưởng đến trái mơ chua thì chảy nước miếng. Nghĩ tưởng đến vực cao thì cảm thấy lòng bàn chân rợn rợn. Trái mơ nào có miệng, chỉ có nói đến thôi, thì nước miếng do đâu mà tới? Nên có là do Tưởng vậy. Lại nữa, trong mộng mà nói đến trái mơ chua, người nói chẳng phải là người thật, cái Nghe lại chẳng phải lỗ tai, thì nước miếng do đâu mà tới, đó là kết quả của Tưởng vậy. Nếu cái Tưởng này là tánh Nhân Duyên thì chắc là không thể ngoài trái mơ chua và miệng mà có. Nay việc nói chẳng phải là từ quả mơ, việc nghe chẳng do miệng, lỗ tai lại chẳng chảy nước miếng, mà trong miệng lại có nước sanh ra, thì rõ ràng không phải là Nhân Duyên.

Nếu cái Tưởng này là tánh Tự Nhiên, thì khi nói trái mơ chua lẽ ra lòng bàn chân phải thấy rờn rợn, nói đứng trên vực thẳm thì lẽ ra nước miếng chảy ra. Mà nay mỗi thứ đều tùy theo chủng tử, tập khí, chẳng phải không lý do mà tự nhiên có, nên rõ ràng là không phải Tự Nhiên.

Chẳng phải là Nhân Duyên, chẳng phải là Tự Nhiên, ngay đang lúc Tưởng, tức là Vô Tưởng, Như Như, một Tánh Nhiệm Mầu vậy.

Có một vị đạo sĩ hỏi Tổ Vạn Tùng: “Kẻ đệ tử này hơn ba mươi năm trừ dẹp vọng tâm mà không xong!”

Tổ Tùng nói: “Tôi có bốn câu hỏi đưa ra để tỏ cái Toàn Chân:

“Câu hỏi thứ nhất: Vọng tâm đã có từ lâu mau rồi?

“Câu hỏi thứ hai: Xưa nay vốn có Vọng Tâm không?

“Câu hỏi thứ ba: Vọng tâm làm sao mà đoạn?

“Câu hỏi thứ tư: “Vọng tâm đoạn là phải hay không đoạn là phải?”

Vị tăng lạy tạ rồi đi.

Ngài Hoàng Sơn Triệu Văn Nhụ thân cận Viên Thông quốc sư, từng có bài tụng:

            “Vọng tưởng xưa nay vốn là Chân

            Khi trừ lại dấy một lớp trần

            Nói, suy, động, tĩnh nhờ gì đó?

            Kỹ lưỡng mà xem, ai khác đâu”.

                        (Vọng Tưởng nguyên lai bổn tự Chơn

                        Trừ thời hựu khởi nhất trùng trần

                        Ngôn, tư, động, tĩnh thừa thùy lực

                        Từ tế khán lai vô biệt nhơn).

Thuở Phật còn tại thế, có ba người anh em nghe ở nước Tỳ Da Ly có người dâm nữ tên là Am La Bà Li. Lại nghe ở nước Xá Vệ có người dâm nữ là Tu Mạn Na, lại nghe ở thành Vương Xá có người dâm nữ tên là Ưu Bát La Bàn Na. Tất cả đều tuyệt sắc. Ngày đêm nhớ nghĩ, mới mộng thấy cùng các nàng đó ân ái. Đến khi tỉnh dậy, nhớ lại mới nghĩ rằng: “Người nữ chẳng tới, ta cũng không đi, mà chuyện dâm đã thành đầy đủ”.

Nhân đó mà tỏ ngộ tất cả các pháp đều như thế cả, do đó đốn chứng Duy Tâm.

Ôi! Như ba người ấy đáng gọi là tỏ suốt được sự hư vọng của Tưởng Ấm. Đốn chứng Duy Tâm chẳng phải là đã thấy Tánh Diệu Chân Như sao?

D. THU HÀNH ẤM

Kinh: “Anan, ví như dòng nước chảy xiết, sóng mòi nối nhau, lớp trước lớp sau, không vượt khỏi nhau. Nên biết Hành ấm lại cũng như thế.

“Anan, Tánh Chảy như vậy không nhân hư không mà sanh, không nhân nước mà có, cũng không phải tánh nước, cũng không rời hư không và nước. Thật vậy, Anan, nếu nhân hư không mà sanh, thì mười phương hư không vô tận thành ra dòng nước chảy vô tận, thế thì thế giới đều bị chìm đắm cả. Nếu nhân nước mà có, thì dòng chảy ấy bản tánh lẽ ra không phải là nước nữa và hiện nay đã có thể chỉ ra tướng của dòng chảy và tướng của nước khác nhau. Nếu Tánh Chảy tức là Tánh Nước, thì khi nước đứng lại, lẽ ra không phải là nước nữa. Nếu Tánh Chảy rời hư không và nước mà có, thì không thể có cái gì ở ngoài hư không cả, và ở ngoài nước không thể có dòng nước.

“Vậy nên biết rằng: Hành Ấm hư vọng, vốn không phải Tánh Nhân Duyên, không phải Tánh Tự Nhiên.

Thông rằng: Thức A Đà Na [Thức A Lại Da, Thức Thứ Tám] vi tế, tập khí hiện hành như dòng nước chảy xiết, tưởng chừng là đứng yên, gọi là Thức Thứ Tám. Gắn dính cái vọng động vào Tánh trong lặng, niệm niệm đổi dời, biến đổi chẳng hề ngừng nghỉ, gọi là Thức Thứ Bảy, đó là Hành Ấm. Hành Ấm [Cái Thức thi hành âm thầm] giống như dòng nước chảy xiết, theo Cảnh mà đổi dời. Nhưng cái dòng chảy đó, không phải từ Cảnh mà sanh, không phải từ Tâm mà sanh, chẳng phải tức là Tâm Cảnh, chẳng phải lìa ngoài Tâm Cảnh. Tất cả bởi vì Thức Thứ Bảy ở trong dựa vào Thức Thứ Tám, ngoài thì nương theo Thức Thứ Sáu, vốn không có tự tánh khá được. Đã vô tự tánh, tức là hư vọng vậy.

Nói dòng nước chẳng phải từ hư không sanh ra thì còn dễ hiểu, nhưng nói “Dòng nước chẳng phải từ nước mà có” thì khó biện ra. Cái Năng Hữu [Cái Có] là nước, cái Sở Hữu [Được Có] là dòng nước chảy. Cũng như cây sanh ra trái, thì trái chẳng phải là cây, rõ ràng có thể chỉ ra là cây khác trái. Thế mà dòng nước chảy và nước, hai tướng ấy không thể riêng ra mà tự có, thì tức là dòng nước không phải do nước mà riêng có, đã rõ ràng vậy. Dòng nước chảy chẳng phải tức là hư không hay nước, nghĩa là không phải Nhân Duyên. Chẳng lìa ngoài hư không và nước, tức chẳng phải Tự Nhiên. Chẳng phải Nhân Duyên, chẳng phải Tự Nhiên thì đương nhiên là hư vọng. Thấu suốt được là hư vọng, hiện giờ vốn tự Vô Sanh, đó là Tánh Diệu Chân Như.

Kinh Lăng Già nói “Có tướng thì sanh chấp ngại, có tưởng thì sanh vọng tưởng. Sự trôi chảy (lưu chú) sanh thì theo vọng mà trôi lăn. Nếu đến được Vô Công Dụng Địa thì vẫn còn trong tướng lưu chú. Cần phải vượt ra được cái sanh tướng lưu chú thứ ba, mới là tự tại khoái hoạt”.

Có vị tăng hỏi Tổ Triệu Châu: “Trẻ nhỏ sơ sanh có đủ sáu Thức hay không?”

Tổ Châu nói: “Trên dòng nước xiết, đánh cầu”.

Vị tăng lại hỏi Tổ Đầu Tư: “Trên dòng nước xiết đánh cầu, ý chỉ thế nào?”

Tổ Đầu Tử đáp: “Niệm niệm chẳng dừng”.

Ngài Tuyết Đậu tụng rằng:

            “Sáu Thức vô công, hỏi một câu

Tác gia [Tiếng xưng hô của thiền tông, chỉ kẻ thật có chỗ then chốt. Nghiã là tông sư; như Triệu Châu gọi là tác gia] chung sức biện mối đầu

            Mênh mông chảy xiết: cầu vẫn đánh

            Chỗ ấy chẳng ngừng, ai biết xem?”.

                        (Lục Thức vô công thân nhất vấn

                        Tác gia tầng vọng biện lai đoan

                        Mang mang cấp xuất đả cầu tử

                        Lạc xứ bất đình thùy giải khán).

Đây là hoạt cú của Ngài Tuyết Đậu. Thử nói bài tụng đến vào chỗ nào? Nếu nhìn thấy được mới tin nổi Hành Ấm tức là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh.

E. THU THỨC ẤM

Kinh: “Anan, ví như có người lấy bình tần già [Bình giống hình chim Tần Già (Kalavinka - Ca lăng tần già). Phật dùng làm thí dụ không có sự qua lại của cái không, không có sự sống chết của cái thức (tâm thức hay uẩn thức).] bịt cả hai lỗ, rồi vác cái bình đầy hư không đi xa ngàn dặm đem cho nước khác. Nên biết rằng Thức Ấm cũng lại như thế.

“Anan, cái hư không ấy không phải đến từ phương kia, cũng không phải nhập vào phương này. Thật vậy, Anan, nếu đến từ phương kia, thì trong cái bình đã đựng hư không đem đi, ở phương kia lẽ ra phải thiếu một bình hư không! Nếu đưa vào phương này thì khi mở miệng bình trút ra, lẽ ra phải thấy hư không ra!

“Vậy, nên biết rằng: Thức Ấm hư vọng, vốn không phải tánh Nhân Duyên, không phải tánh Tự Nhiên.

Thông rằng: Bộ Tông Cảnh Lục nói “Nếu chấp là có Thức, theo thân mà qua lại, nơi này Thức Ấm diệt, qua nơi kia Thức Ấm sanh thì cũng giống như đem hư không của xứ này qua cho xứ khác ở xa. Nếu ở nơi này Thức Ấm thật diệt mất, thì chỗ này phải thiếu hư không. Nếu ở nơi kia Thức Ấm lại sanh ra, thì khi mở nắp đổ bình, phải thấy hư không chảy ra. Bởi thế nên biết rằng: hư không bất động, Thức không đến-đi, Thức Ấm là hư vọng vậy.

Tổ Ôn Lăng nói: “Cái Tánh Không Chơn Giác cùng khắp pháp giới một khi đã mê thì là Thức, Thức cũng như hư không ở trong bình. Trong ngoài đều là một hư không: ví dụ cho Tánh và Thức vốn là một Thể. Bịt cả hai đầu: ví dụ cho hư vọng phân ra là Đồng, là Khác. Hư không không có sự đến-đi: ví dụ cho Tánh không có sanh, không có diệt. Cái bình: ví dụ cho cái nghiệp hư vọng. Hư không trong bình: ví dụ cho Thức hư vọng. Nghiệp mang Thức đi, như cái bình mang hư không. Đi qua nước khác: ví dụ cho sự luân chuyển hư vọng trong sáu nẻo luân hồi”.

Kinh Pháp Cú nói: “Cái tinh thần ở trong hình hài như con chim sẻ nhốt trong bình. Bình vỡ thì chim bay mất”.

Cái bình tần già này cũng giống như hình hài, hai ý giống nhau.

Quan Đại Phu Lục Tuyên hỏi Tổ Nam Tuyền: “Người xưa có nuôi trong bình một con chim, dần dần lớn lên, không ra khỏi bình được. Nay nếu không được hủy bình, không được làm hư hao chim, làm sao ra được?”

Tổ Nam Tuyền kêu lớn: “Đại Phu!”

Ông Lục Tuyên ứng tiếng dạ.

Tổ Tuyền nói: “Ra rồi vậy”.

Ông Lục Tuyên do chỗ đó mở tỏ, bèn lạy tạ.

Một hôm, lại hỏi Tổ Nam Tuyền: “Đệ tử theo Lục Hợp mà đến, trong ấy lại còn có thân chăng?”

Tổ Tuyền nói: “Phân minh nhớ giữ, cử động tựa chủ nhân”.

Ông Lục Tuyên nói: “Hòa Thượng thật không thể nghĩ bàn, đến chỗ nào thế giới thành tựu chỗ đó”.

Tổ Tuyền nói: “Thật ra, đều là chuyện của phần ông đó!”

Hòa Thượng Báo Ân Minh hỏi hai vị thiền khách: “Thủ Tòa vừa rời chỗ nào?”

Đáp: “Kinh đô”.

Tổ Minh nói: “Thượng Tọa rời kinh đô đến núi này, thì kinh đô thiếu Thượng Tọa mà núi này dư Thượng Tọa! Dư tức là ngoài tâm có pháp; thiếu thì tâm, pháp chẳng cùng khắp! Nói được lý đạo thì nên ở, chẳng hiểu thì nên đi”.

Hai vị này không đáp được.

Như thiền sư Thiên Y Hoài, chỗ thấy tự rành rẽ. Tổ Thiên Y đến ngọn núi Sam, được mời vào chùa, thượng đường nói : “Suốt hai mươi năm mến mộ núi này, hôm nay mừng đã đến được, quả là đầy đủ nhân duyên. Sơn tăng chưa đến núi này mà thân đã đến trước. Kịp tới khi đến đây, thì núi Sam đã ở trong thân của sơn tăng”.

Ở chỗ này mà mỗi mỗi đều thấu triệt, mới tin Thức Ấm là hư vọng, vốn chẳng hề có đến, có đi. Như bọt nước sanh ra, diệt mất, không lìa ngoài biển cả. Bọt nước là biển cả, thì Thức lại chẳng phải là Tánh Diệu Chân Như đó ư?

F. THU SÁU NHẬP

Kinh: “Lại nữa, Anan, như sao là Lục Nhập vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh?

Thông rằng: Lục Nhập cũng gọi là Lục Xứ, là cái chỗ để cho Cảnh do đó mà Nhập vào vậy. Ở đây chỉ lấy Căn làm Nhập. Lục Căn sao lại là Diệu Chân Như Tánh? Chẳng phải là “Một Căn đã trở về nguồn thì sáu Căn đều thành Giải Thoát” sao? Bởi thế, sáu Căn tức đó là Phật Tánh vậy.

Vua Dị Kiến hỏi tôn giả Ba La Đề : “Cái gì là Phật?”

Tổ đáp : “Thấy Tánh là Phật”.

Vua hỏi : “Thầy thấy Tánh chăng?”

Tổ đáp : “Tôi thấy Phật Tánh”.

Vua hỏi : “Cái Tánh ở chỗ nào?”

Tổ nói : “Tánh ở trong tác dụng”.

Vua hỏi : “Ấy là tác dụng nào mà tôi không thấy?”

Tổ nói : “Nay hiện là tác dụng mà vua tự chẳng thấy”.

Vua hỏi : “Hiện nơi tôi có chăng?”

Tổ nói : “Vua mà tác dụng thì không có gì chẳng phải là đó; vua mà chẳng dùng, Thể ấy khó thấy”.

Vua hỏi : “Như khi đang dùng thì xuất hiện mấy chỗ?”

Tổ đáp : “Như khi xuất hiện thì hiện có tám chỗ”.

Vua nói : “Xin vì tôi nói ra tám chỗ xuất hiện ấy”.

Tổ Ba La Đề nói bài kệ:

            “Ở thai làm Thân

            Ở đời làm Người

            Ở mắt là Thấy

            Ở tai là Nghe

            Ở mũi Ngửi mùi

            Ở miệng Đàm Luận

            Ở tay Cầm Nắm

            Ở chân Đi Chạy

            Hiện khắp đồng đều pháp giới

            Thâu lại trong một vi trần

            Tỏ hiểu, biết đó là Phật Tánh

            Không hiểu, lại gọi là tinh hồn”.

Vua nghe xong bài kệ, tâm liền khai ngộ.

Ông Trình Minh Đạo đọc Trung Dung có câu thơ “Diều bay tận trời. Cá nhảy trong vực”, nói rằng “Trên dưới đều rõ ràng vậy”. Đây là Ông Tử Tư quả là vì người mà gắng sức. Biết được thì đời sống quá đổi tự do. Chẳng biết, thì chỉ là “Đùa giỡn với tinh hồn”. Những lời nói ấy, người học vẫn thường nghe. Vì sao vua Dị Kiến lại tỏ ngộ, nhỉ?

Thiền sư Phật Nhật Tài thượng đường: “Gió mưa tiêu điều lấp kín Tai ông! Lá rụng lại qua lấp kín Mắt ông! Hương mùi loạn xạ lấp kín Mũi ông! Lạnh nóng, ngọt bùi lấp kín Lưỡi ông! Áo gấm ấm mát lấp kín Thân ông! Vọng tưởng điên đảo lấp kíp ý ông! Này chư vị thiền đức, cho dù các ông có lật lại được chăng nữa thì cũng là đống xương đất bằng! Tham!”

Chỗ này chẳng tham thì không được!

Kinh: “Anan, tức nơi tròng mắt kia, ngó sững sanh ra mỏi lòa. Cả hai cái: con mắt và sự mỏi lòa đều là cái tướng sinh mỏi lòa do nhìn chăm chăm của Bồ Đề.

“Nhân nơi hai thứ vọng trần sáng và tối phát ra cái Thấy ở bên trong, thu nạp các trần tướng mà gọi là cái Thấy. Cái Thấy này rời ngoài hai Trần sáng và tối, rốt ráo không có tự thể.

“Thật vậy, Anan, phải biết rằng cái Thấy đó chẳng phải từ nơi sáng, nơi tối mà đến, chẳng phải từ căn mắt mà ra, chẳng phải từ hư không mà sanh. Vì sao thế? Nếu từ cái sáng mà đến, thì khi tối đã theo cái sáng mà diệt, lẽ ra không thấy được cái tối ! Nếu từ cái tối mà đến thì khi sáng phải theo cái tối mà diệt, lẽ ra không thấy được cái sáng! Nếu do căn mắt mà sanh, hẳn không có sáng, có tối thì cái Thấy như vậy vốn không tự tánh. Nếu do hư không mà ra thì ngó tới trước phải thấy các trần tượng, quay về phải thấy con mắt! Lại nữa, hư không mà tự thấy nào có liên quan gì đến chỗ thâu nhập của ông.

“Thế nên, phải biết Nhãn Nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tính Nhân Duyên, chẳng phải tính Tự Nhiên.

Thông rằng: Ngó sững chặp lâu thì mắt mỏi mà phát lòa, nên thấy hoa đốm loạn xạ, cái căn mắt phân biệt cũng là cái tướng lòa ở trong Giác Tánh Bồ Đề, nên nói “Cả con mắt và cái lòa đều là cái tướng mỏi sanh ra lòa của Bồ Đề”. Mượn con mắt lòa tạo thành sắc ấm để ví dụ là Nhãn Nhập hư vọng vậy. Nếu mắt chẳng mỏi, tướng lòa tự là không, nguyên một Tinh Minh lấy đâu mà vọng? Cái Thấy này lìa ngoài hai trần sáng, tối rốt ráo không tự thể. Rõ ràng hiển bày cái Chân Kiếân Vô Sanh, chẳng vì thấy sáng, thấy tối mà có, chẳng vì lìa sáng, tối mà không. Chân Kiến là Chân Thật, còn cái Thấy này là hư vọng, có thể thấy rõ ràng vậy.

Đoạn trước nói “Hoa đốm chẳng phải từ hư không sanh, chẳng từ con mắt sanh ra” chỉ thẳng sắc ấm vốn không. Ở đoạn này, nói “Tánh Thấy chẳng từ hư không sanh cũng chẳng do con mắt sanh ra” để chỉ bày Nhãn Nhập là hư vọng. Vọng vốn không tự tánh, Đương Thể tức Chân. Nên nói “Tức là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh” vậy.

Tổ Triệu Châu nói: “Cầm chắc Càn Khôn Nhãn, làu làu chẳng lọt mảy lông. Mong ông hiểu thấu, ông lại làm gì nữa?”

Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng: “Trở lại đầu mối được chưa? Dù cho ông ở trong ấy hiểu được bảy lỗ, tám hang đi nữa, ta cũng biết ông chẳng ra khỏi cái nôi mây kết tróùi của Tổ Triệu Châu đâu!”

Lại có nhà sư hỏi Tổ Cửu Phong Kiền: “Như thế nào là con Mắt Càn Khôn?”

Tổ Phong nói : “Càn Khôn ở trong ấy!”

Nhà sư hỏi : “Con Mắt Càn Khôn ở đâu?”

Tổ Phong nói : “Chánh đó là con Mắt Càn Khôn”.

Sư hỏi : “Lại có chiếu sáng không?”

Tổ Phong nói : “Chẳng nhờ đến thế lực của ba loại ánh sáng”.

Sư hỏi: “Đã chẳng nhờ sức của ba loại ánh sáng thì nhờ vào đâu mà chiếu sáng, mà gọi là con Mắt Càn Khôn?”

Tổ Phong nói: “Nếu chẳng như thế thì trước sọ khô thấy quỷ ma vô số!”

Hợp hai tắc này lại mà xem xét, nếu mà có nương nhờ thì đó chính là chỗ rỉ giọt [Sấm lậu], cho dù có hiểu được cũng là trước mắt thấy quỉ. Chỉ nơi một câu “Con Mắt Càn Khôn ở tại chỗ nào?” mà trộm thấy suốt được thì mới nắm chắc. Tướng mỏi sanh lòa từ chỗ nào mà khởi ra thế?

Kinh: “Anan, ví như có người lấy hai ngón tay bịt chặt lỗ tai, do căn tai mỏi, trong đầu hóa ra có tiếng. Cả hai cái: lỗ tai và cái mỏi mệt, đều là tướng lâu mà sanh ù mỏi của Bồ Đề.

“Nhân nơi hai thứ vọng trần động và tĩnh phát ra cái Nghe ở trong, thu nạp cái trần tượng đó mà gọi là cái Nghe. Cái Nghe đó rời hai trần động tĩnh rốt ráo không có tự thể.

“Thật vậy, Anan, ông nên biết cái Nghe đó không phải từ nơi động, nơi tĩnh mà đến, không phải từ lỗ tai mà ra, không phải nơi hư không mà sanh. Tại sao thế? Nếu cái Nghe ấy từ nơi tĩnh mà đến thì khi động phải theo cái tĩnh mà diệt, lẽ ra không nghe được cái động. Nếu từ nơi động mà đến thì khi tĩnh sẽ theo cái động mà diệt, lẽ ra không nghe thấy cái tĩnh. Nếu do lỗ tai mà sanh, hẳn là không có động, không có tĩnh, thì cái Nghe như vậy vốn không có tự tánh. Nếu do hư không mà ra, thì đã có tánh nghe, chắc không phải là hư không nữa. Lại nữa, hư không mà tự nghe nào có liên quan gì đến chỗ thâu nhập của ông?

“Vậy, nên biết rằng Nhĩ Nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh Tự Nhiên, chẳng phải tánh Nhân Duyên.

Thông rằng: Từ Nhãn Nhập đến Ý Nhập đều như hoa không, nên nói “Đều là cái tướng mỏi mệt sanh ra của Bồ Đề”. Căn Tai mỏi ù, thì trong đầu có ra tiếng. Giác Tánh Bồ Đề phát sanh mỏi, ắt trong tai thành có cái Nghe. Cái Nghe này hư vọng mà sanh ra, cũng như hoa không vậy. Cái Nghe này rời hai vọng trần động và tĩnh thì rốt ráo không có tự thể. Trần đến thì có, trần đi thì không. Cái Nghe ấy vốn không gốc gác nên gọi là hư vọng. Cái Nghe hay phân biệt được động, tĩnh nên chẳng từ cảnh mà sanh. Cái Nghe thật linh mẫn, còn hư không thì trơ trơ, nên chẳng phải từ hư không mà ra. Như cái Thể Nghe của Nhĩ Căn, mỗi mỗi đều có mặt, sao lại nói là không tự tánh? Vì lìa ngoài tiền trần ắt là vô phân biệt. Nếu có phân biệt, đáng lẽ phải chỉ ra được. Nay không thể chỉ ra, thì biết là không tự tánh. Nghiệm xét cái Nghe ở nơi cảnh, ở nơi căn, ở nơi hư không đều không có cái Thể nhất định để tìm ra được, tức là cái Nghe hư huyễn này vốn chẳng phải tính Nhân Duyên, chẳng phải tính Tự Nhiên, bèn là tức huyễn tức chơn vậy. Nếu mà có Nhân Duyên hay Tự Nhiên khá được thì cái Nghe ấy bèn là pháp sanh diệt, sao có thể gọi đó là Diệu Chân Như Tánh?

Có vị tăng hỏi Ngài Huyền Sa: “Nhờ Hòa Thượng dạy “Cái Tánh Nghe cùng khắp pháp giới”. Ngài Tuyết Phong đánh trống ở trong ấy vì sao chẳng nghe?”

Tổ Sa nói: “Ai biết chẳng nghe?”

Lại có vị tăng hỏi Tổ Tào Sơn: “Gần bạn đạo nào để được hằng nghe chỗ chưa nghe?”

Tổ Sơn nói: “Cùng chung nhau một cái trùm che khắp hết”.

Hỏi: “Cái này cũng như là Hòa Thượng được nghe. Như sao là hằng nghe ở chỗ chưa nghe?”

Tổ Sơn nói: “Chẳng đồng với gỗ đá”.

Hỏi: “Cái nào là trước, cái nào là sau?”

Tổ Sơn nói: “Chẳng thấy nói “Hằng nghe ở chỗ chưa nghe” sao?”

Thế mới biết, hằng nghe ở chỗ chưa nghe thì cái Nghe này cùng khắp vậy.

Kinh: “Anan, ví như có người bịt gấp hai lỗ mũi. Bịt lâu thành ra mỏi mệt, thì ở trong mũi nghe có cảm giác lạnh. Nhân những cảm xúc như vậy mà phân biệt được là thông, là bít, là rỗng, là đặc cho đến các mùi thơm, thối. Cả hai cái: Ngửi và cái mỏi mệt, đều là cái tướng bịt lâu phát mỏi của Bồ Đề.

“Nhân nơi hai thứ vọng trần thông và bít phát ra cái Ngửi ở trong, thu nạp các trần tượng mà gọi là cái Ngửi. Cái Ngửi đó rời ngoài hai trần thông và bít rốt ráo không có tự thể. Thế nên, phải biết cái Ngửi ấy chẳng phải từ thông, bít mà đến, chẳng phải nơi căn mà ra, chẳng từ hư không mà phát sanh. Tại sao thế? Nếu từ cái thông mà đến thì khi bít, cái Ngửi đã mất rồi làm sao mà biết được cái bít? Nếu nhân cái bít mà có thì khi thông, không còn cái Ngửi làm sao biết được các mùi thơm, thối? Nếu từ lỗ mũi sanh ra hẳn không có cái thông, cái bít thì cái Ngửi như vậy vốn không tự tánh. Nếu do hư không mà ra thì cái Ngửi đó phải xoay lại ngửi được lỗ mũi của ông! Lại nữa, hư không mà tự ngửi được nào có liên quan gì đến chỗ thâu nhập của ông?

“Vậy, nên biết rằng Tỷ Nhập là hư vọng, vốn chẳng phải là tánh Nhân Duyên, chẳng phải là tánh Tự Nhiên.

Thông rằng: Bịt mũi là bịt ngừng hơi thở, khí không ra vào. Cái lạnh nhân nín thở mà có, không nín thì không có. Nhân nín thở mà biết có thông, bít, rỗng, đặc. Nhân thông, bít mà phân biệt các mùi thơm, thối. Cái Ngửi đó, rõ ràng nhân hư vọng mà có vậy. Như chẳng có cái thông, bít, cái Ngửi thấy đó hiện đang ở chỗ nào ? Ở tai thì gọi là cái Nghe thấy, ở mũi thì gọi là cái Ngửi thấy. Công năng lớn nhỏ có thể thấy được. Cái Nghe thì đâu cũng khắp, cái Ngửi thì phát ra do tiếp xúc với tiền trần. Tuy nhiên, căn mũi là hư vọng, vốn không có chỗ chỉ ra được, huống là cái việc hướng thượng nằm ngay trên mũi mình, lại càng khó sờ nắm!

Có vị tăng hỏi thiền sư Hải Yến ở chùa Chửng Mê rằng: “Như thế nào là chùa xưa một lư hương?”

Tổ nói: “Qua nhiều đời không có người ngửi”.

Hỏi: “Người ngửi như thế nào?”

Tổ nói: “Sáu Căn đều chẳng đến”.

Ngài Ba Lăng Giám [Tổ Hạo Giám tại Ba Lăng, Nhạc Châu. Người nối kế chánh pháp của Tổ Vân Môn] ban đầu ra mắt Tổ Vân Môn.

Tổ Vân Môn nói : “Hòa Thượng Tuyết Phong nói “Mở cửa ra thì Đạt Ma đến”, tôi hỏi ông làm sao đây?”

Ngài Giám nói: “Ở trên lỗ mũi Hòa Thượng!”

Tổ Môn nói: “Địa Thần nổi dữ, cầm núi Tu Di đập một cái, nhảy tót lên trời Phạm Thiên, bứt phá lỗ mũi của Đế Thích. Ông vì sao mà hướng về trong nước Nhật Bản ẩn mình?”

Ngài Giám nói: “Hòa Thượng không lừa dối người thì tốt”.

Tổ Môn nói: “Ở trên lỗ mũi của lão tăng, lại làm sao?”

Ngài Giám không có lời đáp. Tổ Môn nói: “Hãy biết ông chỉ là phường “Học nói”.

Nếu tham suốt được lời nói của Tổ Vân Môn thì thật như nửa đêm rờ trúng lỗ mũi, xưa nay chỉ ở trên mặt!

Kinh: “Anan, ví như có người dùng lưỡi liếm mép, liếm mãi sanh ra mỏi. Nếu người đó đang bệnh thì thấy có vị đắng, còn người không bệnh thì có chút vị ngọt. Do cảm xúc ngọt, đắng mà hiện ra có căn lưỡi, khi không động thì vẫn có tánh nhạt. Cả cái Nếm cùng cái Mỏi đều là cái tướng lâu mà sanh mỏi của Bồ Đề.

“Nhân hai thứ vọng trần nhạt và ngọt đắng phát ra cái Nếm ở bên trong, thu nạp các trần tượng đó mà gọi là cái Nếm Biết. Cái Nếm Biết này ngoài hai vọng trần nhạt và ngọt đắng kia, rốt ráo không có tự thể.

“Thật vậy, Anan, phải biết rằng cái Nếm Biết được đắng, nhạt như vậy không phải từ ngọt đắng mà đến, không phải nhân tánh nhạt mà có, cũng không từ căn lưỡi mà ra, cũng không từ hư không mà sanh. Vì sao thế?

“Nếu từ các vị ngọt, đắng mà đến thì khi nhạt, cái Nếm Biết đã diệt mất làm sao biết được vị nhạt? Nếu từ cái nhạt mà ra, thì khi ngọt, cái Nếm Biết đã mất rồi làm sao biết được vị ngọt đắng? Nếu do cái Lưỡi sanh ra, hẳn không có những vị ngọt, đắng và nhạt, thì cái Căn Biết Mùi Vị đó rõ là vốn không tự tánh. Nếu do hư không mà ra thì hư không tự nếm biết, chẳng phải lưỡi ông biết được vị. Hơn nữa, hư không mà tự biết thì có liên quan gì đến chỗ thâu nhập của ông đâu?

“Vậy, nên biết rằng, Thiệt Nhập là hư vọng, vốn chẳng phải là tánh Nhân Duyên, chẳng phải là tánh Tự Nhiên.

Thông rằng: Cái Căn biết Mùi đây, biết ngọt, biết đắng, biết nhạt. Vị ngọt, đắng, nhạt không thường còn nên cái Căn Nếm Biết cũng tùy theo mà thay đổi. Cái Biết Vị này không phải từ ngọt, đắng, nhạt mà đến, không phải từ hư không mà ra thì còn dễ biết, nhưng tại sao không từ lưỡi mà sanh? Cái lưỡi vốn không mùi vị, nên không có tự tánh khá được. Chỉ do tiếp xúc với mùi vị mà nếm biết sanh ra, mùi vị hết thì phải diệt, vốn đều là hư vọng. Bám chấp mà cho là có thì không biết nó ở đâu ra! Bám chấp mà cho là không thì lại rõ ràng ra đó! Cho nên mới nói là Diệu. Ở đây mà chẳng biết mùi vị là cái gì thì không có đủ sức để bàn luận vậy.

Ngài Sam Sơn đang lựa rau quyết, Tổ Nam Tuyền nhặt lên một cọng, nói: “Cái này dùng rất tốt”.

Ngài Sơn nói: “Không những cái này mà món ngon trăm vị hắn ta cũng chẳng thèm đoái tới”.

Tổ Tuyền nói: “Tuy là như thế, mỗi cái phải nên nếm qua mới được”.

Ngài Huyền Giác nói rằng: “Đó là lời tương kiến hay không phải là lời tương kiến?”.

Ngài Thiên Đồng nói: “Hỏi lấy Nam Tuyền Vương Lão Sư, ai ai cũng chỉ ăn một cọng rau”.

Có thể nói là biết mùi vị vậy.

Kinh: “Anan, ví như có người dùng bàn tay lạnh rờ bàn tay nóng. Nếu bên lạnh nhiều hơn thì bên nóng lạnh theo. Nếu bên nóng nhiều hơn thì bên lạnh thành nóng lên. Như vậy, do cảm xúc nhận biết trong lúc hợp lại mà rõ sự nhận biết lúc rời ra. Cái thế chênh lệch giữa nóng và lạnh này thành là do mỏi mệt mà có ra cảm xúc. Cả hai thứ: Thân biết cảm xúc và cái Mỏi đều là cái tướng sanh mỏi do chăm chú của Bồ Đề.

“Nhân nơi hai thứ vọng trần lìa và hợp phát ra cái Hay Biết ở bên trong, thu nạp các trần tượng đó mà gọi là cái Biết Cảm Xúc. Cái Biết như vậy lìa ngoài hai trần lìa và hợp, trái và thuận kia, rốt ráo không có tự thể.

“Thật vậy, Anan, phải biết rằng cái Cảm Xúc đó không phải từ cái lìa, cái hợp mà tới, không phải từ nghịch thuận mà có, chẳng phải do nơi thân căn mà ra, cũng không phải do hư không mà sanh ra. Vì sao thế?

“Nếu từ hợp mà đến, thì khi lìa, cái biết đã mất rồi, làm sao biết được cái lìa. Đối với hai tướng nghịch thuận thì cũng như thế. Nếu từ thân căn mà có ra, hẳn không có những tướng lìa, hợp, nghịch, thuận thì cái Biết Cảm Xúc của thân vốn không có tự tánh. Nếu từ hư không mà sanh ra thì hư không tự biết lấy, nào có liên quan gì đến chỗ thâu nhập của ông?

“Thế nên, phải biết Thân Nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh Nhân Duyên, chẳng phải tánh Tự Nhiên.

Thông rằng : Cái Biết do hợp lại mà có thì khi lìa ra bèn không có. Nhưng lìa ra rồi mới biết Cảm Xúc là Thuận hay Nghịch. Cái Biết do đụng chạm với thân này, hơi khác với cái Biết ở lưỡi. Tùy theo cái thế tương quan mà có hơn thua. Ví như cái nóng chạm cái lạnh, mà nóng mạnh hơn, thì cái lạnh nóng lên và ngược lại. Lạnh và nóng can thiệp nhau, hai tướng thành ra, chẳng có cái cảm xúc mỏi nhọc thì chẳng có việc nóng lạnh ấy. Cảm xúc dễ chịu thì nói là thuận, cảm xúc nghịch với thân thì gọi là trái nghịch. Nếu không có bốn tướng: lìa, hợp, thuận, nghịch, chỉ còn mỗi cái thân thì cái Biết Cảm Xúc này ở tại nơi nào? Cho nên mới nói vốn là không tự tánh. Tức là cái Biết của thân này không do trần mà sanh, không do căn thân mà có ra, hẳn chẳng phải phân biệt mà biết. Không phải từ hư không mà sanh ra, hẳn chẳng phải là Tự Nhiên. Chẳng phải Nhân Duyên, chẳng phải Tự Nhiên, gọi đó là Diệu Chân Như Tánh. Cái chuyện Thấy, Nghe, Hay, Biết ở trên là năm cái Thức bên ngoài, do đối với Cảnh mà biết, chẳng phải là cái Biết của ý thức phân biệt. Tất cả đều là chỗ bày biện của Như Lai Tạng Tánh vậy.

Có nhà sư hỏi Tổ Động Sơn: “Lạnh, nóng đến làm sao mà trốn tránh?”

Tổ Động Sơn nói: “Sao chẳng ở trong chỗ không nóng lạnh?”

Hỏi: “Như thế nào là chỗ không hề nóng lạnh?”

Tổ Sơn nói: “Lạnh thì lạnh chết Xà Lê, nóng thì nóng chết Xà Lê!”

Lại Tổ Tào Sơn hỏi một nhà sư: “Nóng như thế này, hướng về chỗ nào trốn tránh?”

Sư đáp : “Trốn vào trong vạc nước sôi, lò lửa!”

Tổ hỏi : “Trong vạc nước sôi, lò lửa làm sao trốn tránh?”

Sư đáp : “Các khổ không thể đến!”

Đây là những lời trong nhà, như ra từ một miệng.

Ngài Tuyết Đậu tụng rằng:

            “Buông tay lại đồng vách núi muôn tầm

            Chánh, Thiên nào cần đến việc an bài

            Cổ điện lưu ly trăng chiếu sáng

            Nực cười binh mạnh bắc thang lên không!”.

                        (Thùy thủ hoàn đồng vạn nhận nhai

                        Chánh Thiên hà tất tại an bài

                        Lưu ly cổ điện chiếu minh nguyệt

                        Nhẫn tuấn hàn lư không thượng giai).

Rõ được ý này thì Thõng tay vào chợ cũng đồng là Núi cô riêng đứng một mình [Tự do, Giải thoát]. Về nguồn rõ Tánh và Sai Biệt Trí đều chẳng khác nhau. Chẳng khế hợp sâu xa với Tông Tào Động, chưa dễ nói được chỗ này.

Kinh: “Ví như có người mỏi mệt thì ngủ. Ngủ chán thì thức dậy. Xem trần cảnh thì nhớ, hết nhớ thì quên. Các thứ Sanh, Trụ, Dị, Diệt điên đảo này hấp thu những kết tập thói quen đưa vào bên trong, mỗi mỗi liên tục, gọi đó là Ý Căn. Cả hai cái : Ý và Mỏi Mệt, đều là tướng phát mỏi do chăm chú của Bồ Đề.

“Nhân hai thứ vọng trần sanh và diệt kết tập cái Biết ở bên trong, thu nhóm nội trần, dùng thấy, nghe chảy ngược vào trong, chảy không chỗ đến, mà gọi là cái Ý Hay Biết. Cái Ý Hay Biết này rời ngoài hai trần thức và ngủ, sanh và diệt rốt ráo là không có tự thể.

“Thật vậy, Anan, nên biết rằng cái Căn Hay Biết đó chẳng từ thức hay ngủ mà đến, chẳng phải từ sanh diệt mà có, chẳng phải nơi căn ý mà có ra, cũng chẳng phải hư không sanh. Tại sao thế?

“Nếu từ nơi thức mà đến, thì khi ngủ đã theo cái thức diệt mất, lấy gì để thành ra cái ngủ mê? Nếu quả là lúc sanh mới có, thì lúc diệt đã không còn, lấy ai mà thọ cái diệt? Nếu từ cái diệt mà có, thì khi có cái sanh: cái diệt không có, có ai để biết cái sanh? Nếu từ căn mà ra thì hai tướng thức và ngủ theo thân mà có mở, có khép. Nếu rời ngoài hai tướng thức, ngủ này thì cái Ý Hay Biết đó cũng giống như hoa đốm trên không, rốt ráo là vô tự tánh. Nếu từ hư không mà sanh ra, thì hư không tự biết lấy, dính dáng gì đến chỗ thâu nhập của ông?

“Vậy, nên biết rằng: Ý Nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh Nhân Duyên, chẳng phải tánh Tự Nhiên.

Thông rằng: Trong mộng hiện cảnh, bởi ngủ nên có ra, cái thân thơ thới mà là hư giả. Đã tỉnh thức, chẳng rõ là giả, rồi nhận mà tưởng nhớ đến, cho là chân thật, chuyện ấy là điên đảo vậy. Các hình tướng hữu vi cũng thế. Động tâm thì sanh ra cảnh, đã là hư vọng lại do cái thức phân biệât nhớ giữ mà cho là thật có, thì đều là điên đảo. Nhớ đến thì sanh ra, quên đi thì diệt mất, nên bốn tướng sanh, trụ, dị, diệt rõ ràng, rời rạc trôi ra chẳng ngừng, sát na sát na liên tục nối tiếp, đó là Ý Căn.

Khi ý chẳng duyên ra, thức ngủ là một. Cầu lấy cái tướng thức ngủ còn chẳng thể có, huống là có các tướng Sanh, Trụ, Dị, Diệt sao? Ngay khi cái ý cùng theo pháp tướng duyên ra, thu nạp các tập khí vào trong đã thành ngay cái tướng mỏi mệt. Thế nên cái Bồ Đề mà bất giác khởi động để thành ra cái ý, thế là lọt vào chỗ mỏi nhọc của thế trần.

Bộ Tông Cảnh Lục [Của thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ] nói rằng: “Các giác quan níu giữ lấy Cảnh bên ngoài, niệm niệm chảy vào cõi ý”.

 Từ ngoài đưa vào trong nên gọi là chảy ngược dòng. Cái ý đã có chỗ duyên, tức “Thức xem trần cảnh thì nhớ”, gọi làm cái sanh. Còn câu “Chảy không chỗ đến” là nói trong khi ngủ mê, các căn không duyên với trần thì không có ngoại trần chảy vào trong đất ý, ý cũng không có chỗ duyên gặp, nên kinh nói “Khi ngủ thì hết nhớ mà quên”, đó là sự diệt vậy.

Phân ra như thế hình như là gượng ép, bởi vì trong ngủ cũng có mộng, trong thức cũng có quên, nghĩa là thức hay ngủ đều có hai tướng sanh và diệt, làm sao mà cho là khi thức chỉ thuộc về sanh, còn ngủ chỉ thuộc về diệt ư? Theo ngu ý của tôi: cái Thấy, Nghe của tai, mắt thì thuận chiều ra đến bên ngoài; còn cái Thấy, Nghe của ý căn thì ngược chiều chảy vào trong. Khi ý căn hấp thu nội trần, mắt như có thấy, tai như có nghe, ẩn hiện dường như không dấu vết, chảy vào chỗ mà thấy, nghe không đến được, chỉ có ý căn biết được mà thôi, chẳng phải là chỗ tai mắt đến được vậy. Bởi thế, năm căn mỗi cái đều có vị trí của nó, mà ý căn thì vô hình, chỉ nương gởi vào các tướng thức, ngủ, sanh, diệt mà thôi. Lìa ngoài thức ngủ, sanh diệt không lấy gì thấy cái ý được. Do đó, ở kinh không nói “Nếu từ căn sanh thì hẳn không có thức, ngủ, sanh, diệt”, mà lại nói “Nếu từ căn sanh thì hai tướng thức, ngủ tùy theo cái ý mà có mở, khép”. Cái ý mà đã lìa ngoài hai tướng này thì cái Ý Hay Biết này tuy có sanh, có diệt cũng giống như không hoa, có chỗ nào để nương vào mà tỏ bày cái ý ! Ý đã lìa hình tướng, hình tướng cũng rời ý, rốt chẳng có tướng thức, ngủ, sanh, diệt làm sao có tự tánh ư? Nên mới nói do căn sanh ra là chẳng đúng vậy. Mở Khép, hai chữ này hình dung hai tướng thức, ngủ rất kỳ diệâu. Thức thì Hình mở ra, ngủ thì Hình khép lại. Cái thức, ngủ, sanh, diệt này là cái chỗ ở của ý. Cho nên kinh mới nói là “Lấy gì để làm ra cái ngủ mê?”, “Lấy ai mà thọ cái diệt?”, thật chẳng phải là Trí vậy. Thế là cái Ý Hay Biết này chẳng phải từ Nhân Duyên sanh, chẳng phải từ Tự Nhiên mà sanh, tức đó là cái Bản Thể của Vô Trụ, mà không gọi ấy là Diệu Chân Như Tánh thì gọi là cái gì?

Ban đầu, Tổ Ngưỡng Sơn hỏi Tổ Quy Sơn: “Như sao là Trụ Xứ Chân Thật của Phật?”

Tổ Quy Sơn nói: “Hãy suy nghĩ chỗ nhiệm mầu của cái Vốn Không Suy Nghĩ, trở lại suy nghĩ chỗ Vô Cùng Linh Diệu, niệm hết bèn đó là Nguồn, Tánh Tướng đều thường trụ, Sự Lý không hai là Chân Phật Như Như”.

Ngài Ngưỡng Sơn ngay dưới lời mà đốn ngộ.

Sau này, có vị sư tên Tư Ích hỏi Tổ Ngưỡng Sơn: “Thiền tông đốn ngộ, rốt ráo cái ý vào cửa là như thế nào?”

Tổ Ngưỡng nói: “Ý ấy rất khó. Nếu thật là môn hạ của Tổ Tông, thượng căn thượng trí, một nghe ngàn ngộ, đắc Đại Tổng Trì. Còn căn nhỏ, trí hèn nếu chẳng ở trong thiền định thì đến vào trong ấy ắt phải hoang mang!”

Hỏi : “Ngoài một đường ấy ra, lại còn có chỗ khác để vào không?”

Tổ Ngưỡng đáp : “Có”.

Hỏi : “Như sao là phải?”

Tổ nói : “Ông là người xứ nào?”

Đáp : “Người xứ U Châu”.

Hỏi : “Ông còn nghĩ đến xứ ấy chăng?”

Đáp : “Thường vẫn nhớ nghĩ”.

Tổ Ngưỡng nói : “Cái suy nghĩ ấy là tâm, cái chỗ suy nghĩ là cảnh. Xứ ấy nào nhà cửa, vườn rừng, ngựa xe... đầy dẫy. Ông hãy xoay sự suy nghĩ trở lại để suy nghĩ cái tâm ấy, thật có bao nhiêu thứ đó chăng?”

Đáp : “Tôi đến trong ấy toàn chẳng thấy có gì!”

Tổ Ngưỡng nói : “Tín vị thì phải, nhưng nhân vị thì chưa phải”.

Hỏi : “Ngoài cái ấy ra, riêng còn có ý hay không?”

Tổ nói : “Riêng có, riêng không thì chẳng kham được vậy”.

Hỏi : “Đến trong đó, làm gì là phải?”

Tổ Ngưỡng nói : “Cứ theo chỗ ông hiểu, chỉ được một cái huyền, được an nhiên mặc áo, về sau tự xem”.

Ngài Thiên Đồng tụng rằng:

            “Không có ngoài, nên dung chứa

            Không có ngại, nên an hòa

            Tường vách chất ngất

            Cửa khóa trùng trùng

            Rượu thường vui mà dẹp khách

            Cơm tuy no mà chẳng cày

            Độât nhiên ra khỏi hư không, hề, cánh mầu cuốn gió

            Đạp lật lại biển cả, hề, sấm tiển rồng chơi”.

Bài tụng này là Đầu sào trăm thước cần tiến bước. Không thể chấp bám cảnh giới của ngộ, tự cho là đủ. Nếu chỉ tuyệt không thấy có một lời, chỉ làm rỗng không ý căn, thì đối với cái chỗ Chân Phật Như Như còn rất xa lắm lắm.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM