KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

TÔNG THÔNG

TÂY TẠNG TỰ - BÌNH DƯƠNG

Người dịch : THUBTEN OSALL LAMA - NHẪN TẾ THIỀN SƯ

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG I: CHỈ BÀY CHÂN TÂM

MỤC CHÍN: CHỈ NGHĨA QUYẾT ĐỊNH

I. CÁC PHÉP TU HÀNH SAU KHI ĐỐN NGỘ, PHÁT BỒ ĐỀ TÂM

Kinh: Ông Anan và cả đại chúng nghe lời Phật dạy, nghi lầm tiêu tan, ngộ được Thật Tướng, thân ý nhẹ nhàng an ổn, được cái chưa từng có. Rồi lại rơi nước mắt, đảnh lễ chân Phật, quỳ thẳng, chấp tay mà bạch Phật rằng: “Đấng Vô Thượng Đại Bi, Thanh Tịnh Bảo Vương, khéo mở tâm chúng tôi, dùng đủ thứ nhân duyên như thế, phương tiện dìu dắt những kẻ chìm đắm trong tối tăm ra khỏi bể khổ.

“Bạch Thế Tôn, nay tôi được vâng nghe Pháp Âm như vậy, biết Như Lai Tạng, Diệu Giác Minh Tâm cùng khắp mười phương thế giới, trùm chứa các cõi nước của Như Lai trong mười phương, các cõi Phật Diệu Giác Vương trong sạch, quý báu trang nghiêm. Như Lai lại trách tôi đa văn mà không có công dụng, không kịp thời tu tập. Nay tôi giống như người long đong phiêu bạt, bỗng nhiên gặp vị Thiên Vương cho cái nhà tốt; mặc dầu được cái nhà lớn, nhưng cần yếu phải do cửa mà vào. Xin nguyện Như Lai, không bỏ lòng đại bi, chỉ bày cho chúng tôi, những kẻ mờ tối trong hội này, rời bỏ Tiểu Thừa, đều được con đường Phát Tâm căn bản đến Vô Dư Niết Bàn của Như Lai, khiến cho hàng Hữu Học biết theo đâu nhiếp phục các sự bám níu (phan duyên) lâu đời, được Tổng Trì Đà La Ni, nhập Phật Tri Kiến”.

Ông Anan nói lời ấy rồi, năm vóc mọp sát đất, trong hội một lòng mong đợi ý chỉ từ bi của Phật.

Thông rằng: Từ lúc bắt đầu, phân lựa Chân Vọng để phát minh Tánh Giác, cho đến chỗ nói lên cái Tánh Chân Thắng Nghĩa trong thắng nghĩa, để thông suốt các nghi ngờ, vướng mắc khiến cho tin hiểu Chân Tánh là Tâm Nhân Địa. Cái Tâm Nhân Địa đã chân thật, mới có thể viên thành quả địa tu chứng. Thế nên, đoạn trước là phần Kiến Đạo. Từ đây về sau, riêng nói phần Tu Đạo.

Ông Anan đã được Pháp Thân, nhưng vẫn còn Vô Minh vi tế. Nay đã trừ các điều mê lầm, ngộ Thật Tướng, nhưng lại có lời than là không kịp thời tu tập. Rốt cuộc là vẫn còn là ở ngoài cửa. Tuy biết có cái nhà đẹp đẽ của Thiên Vương nhưng chưa thể vào. Sở dĩ không được cái cửa để vào, thứ nhất là, do còn ưa mến Tiểu Thừa, chẳng rõ con đường Phát Tâm căn bản; thứ hai là, do sự bám níu, đó chính là cái khổ mà không thể nhập Tri Kiến Phật. Tuy là do thói quen đa văn khiến như thế, nhưng cũng là vì hàng Hữu Học trong hội mà hỏi.

Tổ Mục Châu nói với đại chúng rằng: “Tất cả các ông có được chỗ đầu mối để vào chưa? Nếu chưa được cái chỗ đầu mối để vào, thì cần phải tìm cho ra chỗ đầu mối để vào, để sau này khỏi cô phụ lão tăng”.

Thiền sư Nghiêu Phong Xiêm thượng đường dạy: “Đông qua Thu lại, cửa lâu đài mở hoác. Nếu vào được, chớ có chần chờ. Các Thượng Tọa! Hướng vào trong ấy bước vào được chưa? Như bước vào được thì đúng như cổ nhân nói “Nơi đây là Di Lặc. Cửa nào chẳng Thiện Tài”. Nếu bước vào chưa được, ấy là các Thượng Tọa tự mình chạy điên. Chớ có đau đáu đứng hoài như vậy! Trân trọng!”

Có vị quan hỏi Tổ Mục Châu: “Ba cửa đều mở, theo cửa nào nhập?”

Tổ châu gọi lớn: “Thượng Thơ!”

Quan ứng tiếng: “Dạ!”

Tổ Châu nói: “Theo cửa Tín mà vào”.

Vị quan lại thấy bức họa trên vách, hỏi rằng: “Hai vị tôn giả đối mặt nhau bàn luận chuyện gì?”

Tổ Châu đánh cây lộ trụ, nói: “Trong Ba Thân, Thân nào chẳng nói pháp!”

Ngài Mục Châu môn phong cao ngất, đến chỗ này đều bày trọn hết rõ ràng, như tin đến nơi, bèn chẳng trải qua thứ bực.

Kinh: Khi ấy, Đức Thế Tôn thương xót các hàng Thanh Văn, Duyên Giác trong hội chưa được tự tại nơi Tâm Bồ Đề, cùng những chúng sanh về sau phát Bồ Đề Tâm trong thời mạt pháp, khi Phật diệt độ rồi, khai thị cho con đường tu hành nhiệm mầu Vô Thượng Thừa, mà tuyên giảng cho Anan và các đại chúng rằng : “Các ông quyết định phát Tâm Bồ Đề, đối với Pháp Tam Ma Đề nhiệm mầu của Như Lai chẳng sanh lòng mệt mỏi, thì trước hết nên rõ hai nghĩa quyết định của Sơ Tâm Giác Ngộ”.

Thông rằng: Chỗ Ông Anan hỏi, có hai nghĩa: Một là, con đường căn bản phát tâm để đến Vô Dư Niết Bàn của Như Lai. Hai là, nhiếp phục tâm bám níu, nhập Phật Tri Kiến. Bởi thế, Đức Thế Tôn nói lên hai nghĩa quyết định.

Muốn biết con đường Phát Tâm căn bản, phải chọn lựa gốc rễ Sanh Tử, để được cái Tánh Không Sanh Diệt, lấy đó làm cái Tâm Nhân Địa, rồi mới viên thành Diệu Đức Niết Bàn chẳng sanh chẳng diệt. Đây là nghĩa thứ nhất của Sơ Tâm.

Muốn nhiếp phục Tâm Phan Duyên bám níu, phải xét rõ gốc rễ phiền não, biết sáu Căn làm môi giới cho giặc, tự làm tự chịu. Chỉ cần chọn lựa một Căn viên thông, một cửa mà thâm nhập, thì sáu Căn hay biết kia, đồng thời trong sạch, đây là nghĩa thứ hai của Sơ Tâm.

Muốn đắc Vô Sanh, phải diệt sạch phiền não. Hết sạch phiền não, thì chứng Vô Sanh. Hai cái này chưa từng rời nhau được. Ở đây nói Diệu Tam Ma Đề, lại nói Diệu Tu Hành Lộ, là luôn luôn tỉnh thức nơi một chữ Diệu, cần yếu tương ưng với Diệu Minh, Minh Diệu, mà chẳng chấp lấy tướng để cầu Bồ Đề vậy.

Các hàng Thanh Văn, Duyên Giác chưa khỏi được sự chấp nắm lấy tướng, nên ở trong Bồ Đề chưa được tự tại. Duy chỉ ngộ một cái Diệu này, chẳng mượn khó nhọc, cần cù tu chứng, mới gọi là Vô Thượng Thừa vậy.

Sơ Tổ Đạt Ma đến Kim Lăng, Lương Võ Đế hỏi: “Trẫm lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng nhiều không kể xiết, vậy công đức thế nào?”

Tổ đáp : “Đều không có công đức”.

Vua hỏi : “Vì sao không?”

Tổ nói : “Đó chỉ là quả nhỏ của trời, người, là cái nhân hữu lậu, như bóng theo hình, tuy là có mà không thật”.

Vua hỏi : “Thế nào là công đức chân thật?”

Tổ nói : “Trí trong sạch, tròn đầy, mầu nhiệm, thể tự không tịch, công đức như thế không thể lấy thế gian cầu được”.

Vua lại hỏi : “Như thế nào là Thánh Đế Đệ Nhất Nghĩa”.

Tổ nói : “Rỗng rang như nhiên, tuyệt không có Thánh”.

Vua nói : “Vậy trước mặt trẫm đây là ai?”

Tổ nói : “Không phân biệt”.

Vua không lãnh hội được. Tổ biết căn cơ chẳng khế hợp, bèn ẩn qua Giang Bắc.

Ngài Tuyết Đậu tụng rằng:

“Thánh Đế rỗng nhiên,

Có đâu nói trúng!

Đối Trẫm là ai?

Lại nói : Không biết [Biết : phân biệt]

            Bởi thế lặng lẽ qua sông

            Há đâu khỏi sanh gai góc?

            Cả nước đuổi theo, không trở lại

            Nghìn thuở, muôn xưa, chẳng nhớ nhau

            Hết nhớ nhau!

            Gió mát khắp cùng, đâu chỗ tột?

Ngài nhìn qua trái, qua phải rồi nói: “Trong ấy lại có Tổ Sư chăng?”

Tự nói : “Có, thì kêu lại đây rửa chân cho lão tăng!”

Ngài Thiên Đồng tụng rằng:

            “Rỗng nhiên không Thánh

            Căn cơ xa tít

            Đắc, chẳng trúng nhằm mũi mà quơ búa

            Thất, chẳng quày đầu mà rớt vào ống bễ lò

            Lặng lẽ ngồi yên tại Thiếu Lâm

            Nín thinh toàn nêu lên chánh lệnh

            Thu trong, trăng chuyển, sương vần

            Ban đêm sao Bắc Đẩu soi cán

            Y bát truyền con cháu không ngừng

            Từ đó trời người thành thuốc, bệnh”.

Nếu luận về con đường Vô Thượng Thừa tu hành mầu nhiệm, thì Thánh Đế Đệ Nhất Nghĩa còn chẳng chịu cho, huống là rơi vào nghĩa thứ hai, thứ ba!

II. TÂM NHÂN ĐỊA

Kinh: “Thế nào là hai nghĩa quyết định của Sơ Tâm? Anan, nghĩa thứ nhất là: Nếu các ông muốn rời bỏ Thanh Văn, mà tu Bồ Tát Thừa để vào Tri Kiến của Phật, thì nên xét kỹ cái Nhân Địa Phát Tâm và cái Quả Địa Giác Ngộ là đồng nhau hay khác nhau. Anan! Nếu ở nơi nhân địa mà lấy cái Tâm Sanh Diệt làm gốc, nhân đó mà tu để cầu quả Bất Sanh Bất Diệt của Phật Thừa, thì không thể có chuyện ấy được.

Thông rằng: Đây là chỉ bày Thấy Tánh Đệ Nhất Nghĩa vậy. Nếu luận về Thấy Tánh, thì chẳng mượn ở công phu huân tập, mà chỉ quán xét Chỗ Nhân Địa Phát Tâm cùng với Quả Địa Giác Ngộ là đồng hay khác. Bởi thế, Thánh nhân không nghĩ suy mà đắc, không gắng sức mà vẫn trúng. Hạng Xích Tử [Cái Tâm như con nít vô tư] cũng chẳng lo nghĩ mà biết, chẳng học hành mà nên. Chẳng học tập, chẳng lo toan, là cái Nhân; chẳng nghĩ suy, chẳng cố gắng, là cái Quả vậy. Nên nói : “Bậc đại nhân chẳng hề mất cái tâm xích tử. Nhân và Quả vốn khế hợp, tuyệt không có tăng, giảm”. Không thấy Tánh, đâu đủ sức nói lời ấy!

Ngài Mã Tổ khi còn tại núi Nam Nhạc, ở riêng một phòng nơi Viện Truyền Pháp, chỉ tập ngồi thiền, ai đến thăm hỏi đều không màng đến. Đại sư Hoài Nhượng đến cũng chẳng để ý. Đại sư thấy Mã Tổ cốt cách khác thường, bèn nhớ lại lời tiên tri của Đức Lục Tổ, mới dùng những phương tiện dẫn dạy cho.

Một hôm, Đại sư lấy một viên gạch ra trước am mà mài. Mã Tổ cũng không để ý đến.

Lâu lắm, Ngài Mã Tổ mới hỏi : “Làm cái gì thế?”

Đại sư đáp : “Mài để làm cái gương soi!”

Mã Tổ hỏi : “Mài gạch mà thành gương được sao?”

Đại sư nói : “Mài gạch đã không thành gương, thì ngồi thiền hóa lại thành Phật ư ?”

Mã Tổ bèn rời chỗ ngồi thiền, nói : “Như thế nào là phải?”

Đại sư đáp : “Ví như ngồi xe, xe chẳng đi, thì đánh xe là đúng hay đánh bò là đúng?”

Mã Tổ không đáp được.

Đại sư lại nói: “Ông học tọa thiền, hay học tọa Phật? Nếu học tọa thiền thì thiền chẳng phải là chuyện ngồi, nằm. Nếu học tọa Phật thì Phật chẳng phải là cái tướng ngồi, nên trong pháp vô trụ, chẳng có nắm bỏ. Nếu ông tọa Phật tức là giết Phật. Nếu chấp vào tướng ngồi thì chẳng tỏ suốt được lý”.

Mã Tổ bèn lễ bái, và hỏi: “Dụng tâm như thế nào, liền hợp với Vô Tướng Tam Muội?”

Đại sư nói: “Ông học pháp môn Tâm Địa, như gieo giống xuống. Tôi nói pháp yếu, như trời mưa thấm. Duyên ông thích hợp nên sẽ thấy Đạo”.

Mã Tổ nói: “Đạo chẳng phải là sắc tướng, làm sao có thể thấy?”

Đại sư nói : “Pháp nhãn Tâm Địa thì thấy Đạo. Vô Tướng Tam Muội cũng thế”.

Ngài Mã Tổ hỏi : “Có thành hoại không?”

Đại sư nói : “Nếu lấy sự thành hoại, tụ tán mà thấy Đạo, thì chẳng phải là thấy Đạo. Nghe kệ ta đây:

            “Tâm địa ngậm muôn giống

            Gặp mưa mầm đều sanh

            Hoa Tam Muội, vô tướng

            Nào hoại với nào thành”.

Mã Tổ nghe qua lời dạy, hoát nhiên khai ngộ. Hầu đại sư mười năm, ngày càng mật nhiệm, về sau hoằng hóa ở Giang Tây.

Đại sư Hoài Nhượng hỏi chúng : “Mã Tổ Đạo Nhất có vì chúng nói pháp không?”

Chúng đáp : “Đã nói pháp cho chúng rồi”.

Đại sư nói : “Chưa thấy có ai mang tin tức của ông ta đến”.

Bèn sai một nhà sư đi, dặn rằng : “Đợi lúc ông ta thượng đường nói pháp, thì chỉ hỏi : “Làm sao?” Ông ấy nói thế nào hãy nhớ lấy đem về đây”.

Vị sư đến chỗ Mã Tổ, làm y theo lời đại sư dặn.

Khi trở về, nói với đại sư rằng : “Đạo Nhất nói : “Từ sau loạn rợ Hồ, ba mươi năm nay chưa hề thiếu tương muối””.

Đại sư bằng lòng.

Tổ Tuyết Phong gởi lời cho Tổ Nham Đầu rằng : “Từ khi ở Ngao Sơn thành Đạo về sau, cho đến bây giờ no hoài chẳng đói”.

Thế thì, cũng tương tự với câu trên của Ngài Mã Tổ, đều là Nhân Địa Phát Tâm với Quả Địa Giác Ngộ không có đồng, khác vậy. Kia học ngồi thiền, có tu có chứng, bèn thuộïc về Pháp Sanh Diệt, đối trong chỗ Vô Thượng Thừa, xa bao ngàn dặm!

Kinh: “Do nghĩa đó, ông phải thấy rõ các vật của thế gian đều là pháp có thể làm ra, tất cả đều phải theo sự biến diệt.

“Anan, ông xem các pháp có thể làm ra trong thế gian, có cái nào là không hư hoại? Nhưng không hề nghe hư không tan rã. Vì sao thế? Vì hư không chẳng có thể làm ra, do đó trước sau không có hoại diệt. Vậy trong thân ông tướng cứng là Địa Đại, thấm ướt là Thủy Đại, hơi ấm là Hỏa Đại, động lay là Phong Đại. Do bốn cái ràng buộc này mà chia cái Diệu Giác Minh Tâm trong lặng tròn khắp của ông thành ra cái Thấy, cái Nghe, cái Biết, cái Xét Nghĩ. Từ đầu đến cuối tạo thành năm lớp bẩn trược.

“Thế nào là Trược? Anan, ví như nước trong, thanh khiết bản nhiên, còn bụi đất, tro cát kia bản chất là ngăn ngại. Hai bên tự thể như vậy thì không hợp nhau được. Có người thế gian, lấy bụi đất kia, ném vào nước sạch, thì đất mất đi ngăn ngại, nước mất đi trong sạch, hình trạng đục vẩn, gọi đó là Trược. Năm lớp bẩn trược của ông cũng giống như vậy.

“Anan, ông thấy hư không khắp mười phương thế giới. Hư không và cái thấy chẳng phân rời nhau. Có cái không mà không có hình thể, có cái thấy mà không hay biết, đan nhau giả dối mà thành. Đó là lớp thứ nhất, gọi là Kiếp Trược.

“Thân ông hiện nắm giữ bốn Đại làm cái thể, Thấy, Nghe, Hay, Biết bị che bít thành ra ngăn ngại. Còn các thứ Địa, Thủy, Hỏa, Phong lại thành ra hay biết. Đan nhau hư vọng mà thành. Đây là lớp thứ hai, gọi là Kiến Trược.

“Lại trong tâm ông, những sự Nhớ, Biết, Học Tập, phát ra tri kiến, dung chứa hiện ra sáu trần. Rời trần thì không có tướng; rời hay-biết thì không có tánh. Đan nhau hư vọng mà thành. Đây là lớp thứ ba, gọi là Phiền Não Trược.

“Lại tâm ông ngày đêm sanh diệt không ngừng, cái tri kiến thường muốn ở lại thế gian, nhưng nghiệp xoay chuyển thì lại thường dời đi các cõi. Đan nhau hư vọng mà thành. Đây là lớp thứ tư, gọi là Chúng Sanh Trược.

“Cái thấy, cái nghe của ông vốn tánh không khác nhau, mà do các trần cách trở, không do đâu lại sanh ra khác nhau. Trong tánh thì biết nhau, mà trong chỗ dùng lại trái ngược nhau. Cái đồng và cái khác mất chuẩn đích. Xen nhau hư vọng mà thành lập. Đây là lớp thứ năm, gọi là Mệnh Trược.

Thông rằng: Nghĩa thứ nhất là cần rõ con đường phát tâm căn bản, phải xét xem Nhân Địa Phát Tâm với Quả Địa Giác Ngộ là đồng hay khác. Gọi là xét xem thì hẳn phải xét kỹ: Cái gì là căn bản sanh tử, khác với Quả Địa Giác Ngộ; cái gì là căn bản Bất Sanh Bất Diệt, đồng với Quả Địa Giác Ngộ?

Vốn là một cái Diệu Giác Minh Tâm lặng trong tròn khắp, vốn không có sự chẳng đồng, lấy đâu có khác? Chỉ vì dán kín tánh trong lặng mà phát khởi bốn Đại, kết thành sáu Căn. Căn và Trần làm nhiễm ô nhau, tạo thành năm lớp Trược, còn cái Diệu Giác Minh Tâm rời cái bản vị của nó mà chia ra thành Thấy, Nghe, Hay, Biết lưu chuyển trong vòng sanh tử. Cái Thấy Nghe Hay Biết đó, từ đầu cho đến cuối, từ Sắc đến Thức, chẳng rời khỏi phạm vi của năm Ấm, chính là căn bản của sanh tử vậy. Lấy cái này làm Nhân để cầu Phật Thừa thì không thể nào được. Vì sao? Các Pháp có-thể-làm-ra của thế gian đều theo biến diệt, nhưng Hư Không chẳng thể làm ra nên không hư hoại. Độc chỉ Phật không có làm, nên chẳng sa vào các số, đó là Chân Không. Tuy cái hư không của thế gian cũng cần tiêu mất, huống là bốn Đại ở trong thân đều có chỗ để trả về! Cái Thấy Nghe Hay Biết lìa ngoài trần không có tự thể, thì cái hay biết sanh diệt của năm lớp Trược đó lại có thể lấy làm Nhân để tu hành sao?

Nói năm Trược là sao? Sắc thuộc Tướng Phần, Thức thuộc Kiến Phần; nước ví dụ cho Thức, đất ví dụ cho Sắc. Cái thấy và hư không đan kết với nhau, như nước và đất hợp lại nên gọi là Trược.

Khi cái Thấy mới vừa động, chỉ thấy một hư không. Có hư không mà không hình thể, tức là ngoan không. Có cái Thấy mà không hay biết, đó là Vô Minh. Đã có Hư Không khắp mười phương cõi, thì Thành, Trụ, Hoại, Không do đấy mà bắt đầu, nên gọi là Kiếp. Hư Không và cái Thấy chẳng phân chia, nghĩa là Kiến Phần và Tướng Phần xen lộn làm thành Trược, nên gọi là Kiếp Trược, thuộc về Sắc Ấm.

Cái Thấy, Nghe, Hay, Biết vốn không ngăn ngại, do bốn Đại lấp bít nên có ngăn ngại. Đất, Nước, Gió, Lửa vốn không có hay biết, do sự xoay lại của sáu Căn mà có hay biết. Đó là Kiến Phần với Tướng Phần trong thân xen lộn mà thành cái Trược, nên gọi là Kiến Trược, thuộc về Thọ Ấm.

Ở trước, thu nhiếp sáu Căn làm Kiến Đại, ở đây cũng tóm gồm sáu Căn làm cái Thấy. Cái Trược thấy cảnh thì nhận lấy, thu vào, thuộc về năm Thức trước. Ghi Nhớ, Học Tập thuộc về Thức Thứ Sáu. Cái Thấy Biết chính là do Chân Tánh phát khởi, Tánh phát ra mà Biết, cho nên cái Thấy Biết là Thức, không thể gọi là Tánh. Chính là trong cái Ý Tưởng, chứa nhận sáu Trần, hiển hiện bóng dáng gọi là Nội Trần, cũng có thể gọi là tướng. Nội Trần lìa ngoài sáu Trần, tự nó không có thật tướng, lìa ngoài cái Hay Biết, tự nó không có chân tánh. Đó là phiền não, trần lao làm loạn nhiễu cái Tánh Giác trong lặng. Thế nên, cái Hay Biết và Pháp Trần (Nội Trần) xen lẫn mà làm thành Trược, nên gọi là Phiền Não Trược, thuộc về Tưởng Ấm.

Cái Ý Tưởng hiểu biết thì muốn ở mãi thế gian, luyến níu tam giới, điều này cũng dễ biết. Luân hồi, nghiệp lực xoay chuyển thường khiến đổi dời các cõi nước, biến hóa chuyển dời kín nhiệm, không thể dễ biết. Hết thảy chẳng rời ngoài Nhân và Quả của chúng sanh. Cái Hiểu Biết của Ý và hình tướng của chúng sanh lưu chuyển mà thành ra cái Trược, nên gọi là Chúng Sanh Trược, thuộc về Hành Ấm.

Hành Ấm thuộc về Thức Thứ Bảy, cái Trược của nó dễ phân biện ra. Còn Thức Ấm thuộc về Thức Thứ Tám, cái Trược của nó khó biết. Cái Thấy, Nghe, Hay, Biết là từ cái nguồn vốn trong lặng mà phân ra, nên vốn là không khác bản tánh. Sáu Trần thì chẳng đồng, dẫn dắt mà sanh ra sáu Thức; mắt chẳng phân biệt được Tiếng, tai chẳng phân biệt được Sắc, chẳng dùng lẫn cho nhau được, nên sanh ra khác nhau. Bản tánh thì chẳng khác nhau, nên ở trong Tánh vốn là biết nhau. Chỉ có các Trần cách trở, nên ở trong Dụng thì trái nghịch nhau. Tánh vốn chẳng sanh chẳng diệt nên đồng. Chỗ dùng thì hòa hợp với sanh diệt, nên có khác. Chưa chuyển được Thức Thứ Tám thì chưa có Hậu Đắc Trí, nên đối với năm Thức trước chẳng được viên diệu. Thế nên, ở trong Tánh thì vốn rõ ràng biết nhau, mà đến khi dùng ra, lại ngược trái với cái dùng của Như Lai. Bởi vì chuyển chẳng tận nên mất chuẩn đích mà gọi là Thức. Chuyển tận thì không mất chuẩn đích, nên bình đẳng mà gọi là Tánh. Như Lai Tạng vốn Một Tánh, không có hai, Đức Phật y vào chuẩn đích đó mà diệt cái Tâm Sanh Diệt. Còn hàng Nhị Thừa thấy có Tự Tướng và Cọng Tướng, nên ở trong cái Đồng mà mất chuẩn đích. Như Lai Tạng tùy duyên mà hiện Sắc, Không; Đức Như Lai y theo đó mà nói cả hai loại đều Không. Còn hàng Nhị Thừa giữ lấy cái Chân mà chứng cái Diệt, nên ở nơi cái Khác mà mất đi chuẩn đích.

Còn một mảy tơ chưa chuyển hoá, thì mệnh căn vẫn còn, thọ sanh thì đến trước, chết thì dứt đi sau cùng, làm chủ nhân ông. Đây là Tánh và Thức, đan lẫn nhau mà thành cái Trược, gọi là Mệnh Trược, thuộc về Thức Ấm.

Năm lớp Trược này đều chẳng phải thật có, nên gọi là hư vọng mà thành. Như nước trong sạch, nguyên không có đất bụi; hay như đất ngăn ngại, nguyên không có nước. Hai tánh chẳng có hợp theo nhau, vì tâm, cảnh chẳng có đến nhau. Nếu biết Tánh trong lặng vốn không có tính dán kín kia, thì biết Vọng tức là Lìa, Lìa Vọng tức là Giác. Chỉ là một Diệu Giác Minh Tâm vắng lặng tròn khắp, chẳng sa vào Thấy, Nghe, Hay, Biết như nước vốn tự sáng trong, Trược nào có được? Ắt phải rõ suốt cái xưa nay vốn không có Trược, mới có thể làm cái căn nhân chẳng sanh chẳng diệt về sau vậy.

Có nhà sư hỏi Tổ Lương Sơn : “Thế nào là chuyện trước Không Kiếp?”

Tổ Sơn đáp :

            “Đánh vang trống Trời Đất

            Người đời lắng chẳng nghe”.

Ngài Đơn Hà tụng rằng :

            “Hư Không làm trống khắp cần đánh

            Người đánh tuy nhiều, ít kẻ nghe

            Nửa đêm sọ khô kinh tan mộng

            Đầy đầu trăng sáng chẳng lo về”.

Đức Tứ Tổ Đạo Tín, năm mười bốn tuổi đến lễ Đức Tam Tổ Tăng Xán, hỏi rằng : “Xin Hòa Thượng từ bi, ban cho pháp môn Giải Thoát”.

Tam Tổ nói : “Ai trói buộc ông?”

Đáp : “Không ai trói buộc”.

Tam Tổ nói : “Vậy cầu giải thoát làm gì?”

Tứ Tổ ngay dưới lời nói đại ngộ. Đây là chỗ gọi là đại căn, đại khí vậy.

Thiền sư Tư Không Sơn Bổn Tịnh làm bài kệ :

            “Thấy Nghe Hay Biết không chướng ngại

            Sắc Hương Vị Xúc, thường Tam Muội

            Như chim trong không, chỉ thế bay

            Không nắm, không bỏ, không thương ghét

            Nếu rõ ứng xứ chẳng phải tâm

            Mới được gọi là Quán Tự Tại”.

Như Thiền sư Bổn Tịnh ấy thì tuy ở nơi ngũ trược ác thế mà nào từng chẳng sạch?

Kinh : “Anan, nay ông muốn cho cái Thấy, Nghe, Hay, Biết vĩnh viễn khế hợp với Thường Lạc Ngã Tịnh của Như Lai, thì trước hết phải lựa bỏ gốc rễ sanh tử, y theo cái Không Sanh Diệt, thì Tánh trong lặng toàn khắp thành tựu. Dùng cái trong lặng này, mà xoay các thứ Sanh Diệt hư vọng trở về Bổn Giác. Được Tánh không sanh diệt của Bản Giác thuần sáng làm cái Tâm Nhân Địa, như thế mà sau viên thành Quả Địa Tu Chứng. Như lóng nước đục, đựng trong một món đồ để yên lặng, để yên lặng thâm sâu bất động, thì đất cát tự chìm lắng xuống. Nước trong hiện ra ngay trước mặt, gọi là bắt đầu dẹp phục phiền não khách trần. Bỏ hết bùn chỉ còn nước trong, gọi là vĩnh viễn dứt lìa căn bản vô minh. Sáng suốt tinh thuần, tất cả các biến hiện không còn là phiền não, đều hợp với diệu đức trong sạch Niết Bàn.

Thông rằng : Sách Đại Học có câu : “Biết Chỉ rồi sau mới có Định”, mấy chữ này là bí quyết của ngàn Thánh. Đoạn kinh này hợp với câu nói ấy. Ông Lục Tượng Sơn nói : “Tâm này Lý này đồng vậy”, cho nên chẳng phải là lời nói hư dối.

Câu “Trước hết phải chọn ra căn bản sanh tử, y theo cái không sanh diệt, thì Tánh trong lặng toàn khắp thành tựu. Như lóng nước đục, đựng trong món đồ để yên”, là chỗ nói “Biết chỉ rồi sau mới định” vậy.

Câu “Dùng cái trong lặng này mà xoay các thứ Sanh Diệt hư vọng trở về Bổn Giác, như nước yên lặng thâm sâu không động thì đất cát tự chìm, nước trong hiện ra ngay trước mắt”, là chỗ nói “Định rồi sau mới tĩnh”.

Câu “Nước trong hiện tiền, gọi là bắt đầu dẹp phục phiền não khách trần, bỏ hết bùn chỉ còn nước trong, gọi là vĩnh viễn dứt lìa căn bản vô minh”, là chỗ nói “Tịnh rồi sau mới an”.

Câu “Sáng suốt tinh thuần, tất cả các biến hiện không còn là phiền não”, là chỗ nói “An rồi sau mới gặp việc”

Câu “Đều hợp với Diệu Đức trong sạch Niết Bàn”, là chỗ nói “Ứng đối với việc rồi sau mới đắc”.

Thường, Lạc, Ngã, Tịnh là bốn Diệu Đức của Niết Bàn, chỉ có Phật với Phật mới có thể rốt ráo, nay lấy thấy, nghe, hay, biết mà khế hợp nên gọi là “viễn”, lâu dài.

Trước hết, chọn ra căn bản sanh tử, tuy để chỉ cái nghiệp dụng của năm Trược, nhưng Thức Ấm chính là gốc rễ sanh tử. Thức ấy nương theo cái Chẳng Sanh Diệt hòa hợp với cái Sanh Diệt mà có tên. Nên phải lựa bỏ chủng tử Sanh Diệt mà y theo tánh trong lặng tròn khắp Chẳng Sanh Diệt. Thức Ấm lặng trong không lay động, tựa như chẳng có Sanh Diệt, nhưng trong lặng mà thực ra là căn bản Sanh Diệt. Còn Tánh trong lặng tròn đầy, vốn tự viên thành, chẳng phải do tạo tác, tức là Thật Tế Lý Địa Chân Như vậy. Y theo cái trong lặng tròn đầy này, thì vốn tự là vô sự, bèn ở nơi cái Tánh tròn lặng này mà xoay lại các thứ Sanh Diệt hư vọng. Từ trước kia bao nhiêu công phu Sanh Diệt đều là hư vọng, tuy đến chỗ Sanh Diệt đều hết, cũng là do công phu huân tập mà được, thì chẳng phải là Bản Giác. Thức Ấm xoay về, thì Bản Giác hiện tiền. Cái Bản Giác sáng suốt này, vốn là không có Sanh Diệt, chỉ do phân ra làm Thấy, Nghe, Hay, Biết mà lọt vào trong phạm vi của Thức Ấm, bị Thức Ấm che lấp, chẳng hiển lộ ra được.

Nay Thức diệt, Tánh hiện, bày lại cái Bản Lai Diện Mục của ta. Cái Bản Giác sáng suốt này tức là Thấy, Nghe, Hay, Biết mà chẳng phải là Thấy, Nghe, Hay, Biết. Cái Thấy, Nghe, Hay, Biết có khởi, có diệt, tánh Bản Giác sáng suốt không có khởi diệt. Bởi thế, chẳng lấy Thấy, Nghe, Hay, Biết làm Tâm Nhân Địa, mà lấy Bản Giác sáng suốt làm Tâm Nhân Địa, sau mới viên thành quả vị Bất Sanh Bất Diệt Như Lai. Bốn đức Niết Bàn tức là cái quả chẳng sanh chẳng diệt nên nói rằng hay đoạn khách trần phiền não và căn bản Vô Minh. Nên nói “Tánh sáng thuần”, là như vàng ròng, chẳng trở lại thành quặng, tro chẳng lại thành gỗ, chẳng làm ra phiền não nữa. Bởi thế mà một niệm Vô Sanh, tức là chứng Niết Bàn, tức Nhân tức Quả, tức ngay một lần mà đầy đủ. Có sự “Lý tuy là đốn ngộ, Sự thì dần dần trừ dứt” ấy, là Nhân gồm Thập Tín, cho đến Quả Địa suốt thông, các phần tròn đủ; tóm lại là một tánh Giác Nguyên Minh trọn thành mà thôi vậy.

Tổ Tào Sơn, thấy ông đạo giả Chỉ Y [Chỉ y : áo giấy] bèn hỏi : “Có phải là đạo giả Chỉ Y không?”

Thầy Chỉ Y rằng : “Không dám”.

Tổ Sơn nói : “Như thế nào là công chuyện của Chỉ Y (áo giấy)?”

Thầy Y đáp : “Một cái áo lông vừa khoác lên thân, vạn pháp thảy đều Như ”.

Tổ Sơn nói : “Như thế nào là cái Dụng của Chỉ Y?”

Thầy Y tiến lên, ứng : “Dạ”. Bèn đứng mà đi thoát (chết).

Tổ Tào Sơn nói : “Ông đã biết như thế mà đi, sao lại chẳng như thế mà đến?”

Thầy Y bỗng mở mắt hỏi : “Một Chân Tánh nhiệm mầu, khi không mượn bào thai thì như thế nào?”

Tổ Sơn nói : “Vẫn chưa là Diệu”.

Thầy Y nói : “Thế nào là Diệu ?”.

Tổ Tào Sơn nói : “Chẳng mượn lấy cái mượn!”

Thầy Y bèn cung kính xuống tăng đường mà ngồi tịch.

Ngài Tào Sơn có bài tụng :

            “Giác Tánh sáng đầy, không tướng thân

            Chớ đem Thấy Biết vọng sơ, quen

            Niệm khác, ngay trong huyền chỉ, tối

            Tâm sai, với Đạo chẳng chung gần

            Tình phân vạn pháp, chìm tiền cảnh

            Thức soi nhiều mối, mất gốc Chân

            Như thế, trong câu mà hiểu được

            Như nhiên vô sự, bổn lai nhân”.

Lại như Ngài Cửu Phong Kiền, ở chỗ Tổ Thạch Sương làm thị giả. Sau khi Tổ Thạch Sương tịch, đại chúng muốn mời Ông Thủ Tọa nối tiếp làm trụ trì.

Ngài Cửu Phong không chịu, nói: “Đợi tôi hỏi qua đã! Nếu hiểu ý Tiên Sư, thì xin hầu hạ như Tiên Sư vậy”.

Bèn hỏi : “Tiên sư nói “Thôi đi! Hết đi! Một niệm muôn năm đi! Tro lạnh cây khô đi! Lư hương cổ miếu đi! Một vóc lụa trắng đi!” Những thứ khác thì chẳng hỏi, như thế nào là “Một vóc lụa trắng đi!”?”

Thủ Tọa nói : “Đó chỉ là nói rõ một chuyện về bên Sắc”.

Ngài Cửu Phong nói : “Vốn chưa hiểu ý của Tiên Sư”.

Thủ Tọa nói : “Ông chẳng chấp nhận tôi ư?”

Thủ Tọa bèn thắp hương mà nói : “Tôi nếu chẳng hiểu ý của Tiên Sư, thì khói hương bay lên rồi vẫn không thoát đi được!”

Nói xong liền ngồi mà tịch.

Ngài Cửu Phong bèn vỗ vào lưng vị Thủ Tọa mà nói : “Ngồi tịch, đứng chết thì chẳng phải là không có, nhưng ý của Tiên Sư vẫn còn nằm mộng mà thấy!”

Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

            “Một tông Thạch Sương

            Tự trao Cửu Phong

            Thắp hương đi thoát

            Chánh mạch khó thông!

            (Hạc) Lấy trăng làm ổ : ngàn năm mộng!

            Nhà tuyết người mê, một sắc công (trình)!

            Tọa đoạn mười phương còn bị lộ

            Im dời một bước : ngắm rồng bay”.

Thuận Mặc Hòa Thượng tụng rằng :

            “Ngồi chi uổng mất một cây hương

            Cửu Phong nào có bức cao hiền

            Nếu đem một sắc thừa ngôi vị

            Cô phụ Tiên Sư chẳng cậy duyên”.

Tổ Thạch Sương dạy chúng có nói rằng : “Chưa từng mất cái chiếu soi, vẫn còn là ngoại thiệu [Nối Pháp theo bên ngoài], chỉ là loại bầy tôi, cũng gọi là mượn. Nếu sanh ra mà mảy lông chẳng hở, như Thái Tử mới sanh ra thì có thể nối ngôi báu, gọi là nội thiệu [Nối ở bên trong], gọi là dòng dõi nhà vua, chẳng cần mượn danh cú vậy”.

Mượn tức là chuyện một bên của một sắc. Kia nguyên chưa được cái Tánh chẳng sanh diệt để làm Tâm Nhân Địa, thế mà muốn viên thành Quả Địa, cùng hợp với Diệu Đức trong sạch của Niết Bàn, thì khó vậy.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM