KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

TÔNG THÔNG

TÂY TẠNG TỰ - BÌNH DƯƠNG

Người dịch : THUBTEN OSALL LAMA - NHẪN TẾ THIỀN SƯ

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG I: CHỈ BÀY CHÂN TÂM

MỤC TÁM: CHỈ RÕ CĂN NGUYÊN HƯ VỌNG VÀ TÁNH GIÁC TOÀN VẸN

II. TÂM NHÂN ĐỊA (tt)

A. XÉT RÕ GỐC RỄ PHIỀN NÃO

Kinh: “Cái nghĩa Thứ Hai là, các ông muốn quyết phát tâm Bồ Đề, nơi Bồ Tát Thừa sinh dõng mãnh quyết định quăng bỏ các tướng hữu vi, thì phải xét rõ gốc rễ phiền não: những thứ ấy từ vô thủy đến nay, phát sanh nghiệp và nảy nở ra, là ai làm ai chịu?

“Anan, ông tu đạo Bồ Đề mà không xét kỹ cái Căn Bản Phiền Não thì không thể biết Căn Trần hư vọng điên đảo chỗ nào? Chỗ điên đảo còn chẳng biết thì làm sao hàng phục được chúng mà giữ Như Lai Vị?

Thông rằng: Xét xem cái Nhân Địa Phát Tâm để thể hội cái Chân. Xét xem căn bản phiền não, để dứt hết cái Vọng. Trong cái Vọng lại chẳng có Vọng, tức là Vọng tức là Chân vậy.

Căn bản phiền não có hai thứ: Một là, phát sanh Nghiệp Vô Minh, là phiền não đời quá khứ. Hai là, nảy sanh Vô Minh, là khi đầu thai, đối với cha mẹ mà khởi Thức Tình [Sáu thức trong sáu tình] thương ghét. Cả hai thứ phiền não vốn không có tự tánh. Như biết là vô tự tánh, trọn không có người làm ra, cũng không có người lãnh chịu. Đương thể không tịch, cái gì là phiền não? Người Tiểu Thừa kia, chưa rời công dụng hữu vi, cho là có thật phiền não, cần nên phá trừ. Thế là vì chưa rõ Căn Trần là hư vọng. Như Bồ Tát Thừa thì khác, bước đi ngay trong cái Vô Thượng Bồ Đề, chỉ ở giữa Căn và Trần, xét biết rõ cái gì làm ra, cái gì lãnh chịu, bỗng nhiên phá tan Vô Minh từ vô thủy, lập tức dừng ngay.

Ngài La Sơn Nhàn, trước hỏi Tổ Thạch Sương: “Khi khởi diệt chẳng ngừng thì như thế nào?”

Tổ Sương nói: “Ngay giờ tro lạnh, củi khô đi! Một niệm muôn năm đi! Nắp, rương hợp nhau đi! Sạch ròng không vết đi!”

Ngài La Sơn không hiểu, qua hỏi Tổ Nham Đầu. Tổ Nham quát rằng: “Thế cái gì khởi diệt?”

Ngài Thiên Đồng tụng rằng:

            “Chặt đứt dây leo già

            Hang bộng chồn đập phá

            Báo gặp sương mù mà đổi vằn

            Rồng nương sấm sét mà thay cốt

            Á!

            Khởi diệt lăng xăng đó vật gì?”.

Ở đây mà tỉnh thức, thì chẳng hướng về cửa sáu Căn mà nắm giữ, phân chia quen lạ vậy.

Bàng Cư Sĩ kệ rằng :

            “Một bầy sáu tên giặc

            Đời đời lừa giết người

            Ta nay rõ bay rồi

            Chẳng cùng bay gần gũi

            Nếu bay chẳng phục ta

            Đến đâu ta cũng nói

            Dạy người biết hết bay

            Nếu bay chịu phục ta

            Ta bèn chẳng phân biệt

            Cùng bay ở một chỗ

            Đồng chứng Vô Sanh Diệt”.

Đây là cái biết chân thật chỗ nào điên đảo, nên hay hàng phục được mà giữ Như Lai vị vậy.

Kinh: “Anan, ông hãy xem người trong thế gian mở nút. Hễ không thấy chỗ thắt nút, thì làm sao biết mở? Nhưng không hề nghe nói hư không bị phá tan. Vì sao thế? Vì hư không không có hình tướng, không có thắt hay cởi vậy. Thì như ông hiện giờ, sáu thứ : Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt cho đến Thân Ý đang làm mai mối cho giặc, tự cướp của báu trong nhà. Do thế mà từ vô thủy, thế giới chúng sanh sanh ra ràng buộc ở nơi sự vật thế gian, không thể siêu vượt khỏi.

Thông rằng : Ở trước, lấy ví dụ hư không chẳng hư hoại, nên chẳng sanh diệt. Ở đây, dụ hư không không có thắt nút nên không có phiền não. Hư không còn thế, thì Tự Tánh Chân Không sao lại có phiền não sanh diệt ư? Như bỏ sanh diệt, giữ lấy cái Chân Thường, thì cái ánh sáng thường hằng hiện bày trước mắt, khi ấy Căn, Trần, Thức tiêu mất, thì thế giới chúng sanh còn thể nào sanh trói buộc? Bên trong ánh sáng phát ra thì các trần tướng biến hóa của thế gian tiêu tan như băng gặp nước sôi; tức thời hóa thành Tri Giác Vô Thượng. Thế là nơi sự vật thế gian mà siêu vượt khỏi vậy. Của báu nhà mình là như vậy, sao chẳng tự giữ gìn thương tiếc.

Sáu Thức ở trong, sáu Trần ở ngoài, đều do sáu Căn dẫn dắt tự phát sanh ràng buộc, nên gọi là mai mối cho giặc.

Có nhà sư hỏi Tổ Tào Sơn : “Bậc Sa môn há chẳng phải là người đầy đủ đại từ, đại bi sao?”

Tổ Tào Sơn nói : “Phải”.

Hỏi : “Bỗng gặp sáu tên giặc cướp đến thì sao?”

Tổ Sơ nói: “Cũng cần đầy đủ đại từ, đại bi”.

Hỏi: “Thế nào là đầy đủ đại từ, đại bi?”

Tổ sơ nói: “Một gươm chém sạch!”

Hỏi: “Sau khi hết sạch rồi thì sao?”

Tổ Sơn nói: “Mới được hòa đồng”.

Lại có nhà sư hỏi Tổ Bửu Phước: “Nhà nghèo nàn mà gặp ăn cướp thì làm sao?”

Tổ Phước nói: “Không thể hết sạch đâu”.

Hỏi: “Vì sao mà không thể hết sạch?”

Tổ Phước nói: “Ăn cướp chính là người nhà”.

Hỏi : “Đã là người nhà, tại sao lại đổi thành ăn cướp của nhà?”

Tổ Phước nói : “Trong đã không có nội ứng, thì ngoài làm gì được?”

Hỏi : “Bỗng nhiên bắt được ăn cướp thì công về đâu?”

Tổ Phước nói : “Thưởng cũng chưa từng nghe”.

Hỏi : “Như thế thì nhọc nhằn mà không có công ư?”

Tổ Phước nói: “Công chẳng phải là không có, nhưng thành mà không có chỗ ở”.

Hỏi : “Đã thành công vì sao không có chỗ ở?”

Tổ Phước nói: “Chẳng có nghe nói: “Thái bình vốn chỗ tướng quân mong. Chẳng để tướng quân thấy thái bình” sao?”

Ở chỗ này có thể biết rằng, mượn công phu để tỏ rõ địa vị thì Tông Môn chẳng phế bỏ, chứ nào từng một mực nói thiền là vô sự không tu gì cả sao?

Kinh : “Anan, thế nào gọi là thế giới chúng sanh? Thế là thời gian dời đổi; giới là không gian phương chốn. Nay ông nên biết rằng những phương Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, phương trên, phương dưới là giới. Quá khứ, vị lai, hiện tại là thế. Phương chốn có mười, sự trôi chuyển có ba. Tất cả chúng sanh dệt cái hư vọng mà hỗ tương thành ra như vậy. Sự đổi dời là ở trong thân, thời gian và không gian gắn bó với nhau. Nhưng tính của giới đó tuy thiết lập ra mười phương, mà rõ ràng có thể xác định nơi chốn của nó. Thế gian chỉ nhận các phương Đông, Tây, Nam, Bắc; phương trên, phương dưới thì không có vị trí rõ ràng; còn phương giữa cũng không có vị trí nhất định. Số bốn của giới đã rõ rồi, hợp cùng với số ba của thế, thì ba nhân bốn, bốn lần ba, xoay chuyển thành số mười hai. Biến đổi ba lớp, từ một chục thành trăm, thành ngàn. Ở trong sáu Căn trước sau bao gồm, mỗi thứ có thể có đến một ngàn hai trăm công đức.

“Anan, ông lại xét trong sáu Căn đó, hơn kém thế nào?

“Như Nhãn Căn xem thấy, phía sau thì tối, phía trước thì sáng, phương trước toàn sáng, phương sau toàn tối, trái phải hai bên, ba phần chỉ được có hai. Tóm lại, công đức của Nhãn Căn không toàn vẹn, trong ba phần thì một phần không có, vậy nên biết Nhãn Căn chỉ có tám trăm công đức.

“Như Nhĩ Căn nghe khắp, mười phương không sót, động thì như có xa, có gần, tĩnh thì không có bờ bến. Nên biết Nhĩ Căn đầy đủ một ngàn hai trăm công đức.

“Thân Căn biết chạm xúc, biết các cảm xúc dễ chịu và khó chịu. Khi hợp thì biết, khi rời thì không biết. Rời chỉ có một phần, hợp thì có hai phần nên nghiệm nơi Thân Căn ba phần thiếu một. Nên biết rằng Thân Căn chỉ có tám trăm công đức.

“Ý Căn lặng chứa hết thảy các pháp thế gian, xuất thế gian trong mười phương, ba đời. Dù Thánh hay phàm, không có cái gì chẳng bao dung cùng tột bờ bến. Nên biết rằng Ý Căn đầy đủ một ngàn hai trăm công đức.

Thông rằng: “Hết thảy chúng sanh dệt cái hư vọng mà hỗ tương thành ra như vậy. Sự dời đổi là ở trong thân, thế và giới gắn bó với nhau”, câu ấy nghĩa là thế giới là sự kết thành của nghiệp lực chúng sanh. Thân là Chánh Báo, thế gian là Y Báo, chỉ do nghiệp quả mà nên dạng hình, làm khách trọ đổi dời, trôi nổi không cùng. Giao thiệp với trần thế, đều do sáu Căn làm môi giới. Trong sáu Căn, mỗi cái đều có một ngàn hai trăm công đức, căn cứ trên tánh hiểu biết thì đồng, còn đối với cái dụng của sáu Căn phân biệt thì có khác, bởi thế mà có đầy đủ và thiếu kém khác nhau.

Ở trước có nói “Khiến ông lưu chuyển thì lỗi lầm là Tâm và Mắt”, thế nên bảy lần hỏi Tâm, tám chỗ trả về, để tỏ rõ cái thấy hư vọng. Ở đây lại tỏ rõ đủ sáu Căn là môi giới cho giặc, nên luận bàn rõ ràng sự hơn kém của sáu Căn ấy. Khiến chọn lấy Nhĩ Căn Viên Thông để làm gốc tu chứng. Nhãn Căn, Tỷ Căn, Thân Căn thì ba phần thiếu đi một, không đầy đủ dung lượng của cái Tánh. Thiệt Căn, Ý Căn, tuy đầy đủ công đức như Nhĩ Căn, nhưng Thiệt Căn thì rơi vào lời nói, Ý Căn thì rơi vào sự suy nghĩ. Chẳng bằng được Nhĩ Căn, không hình tướng, không mùi, rất gần với Tánh Thể, bởi vậy phải nên theo nó vậy.

Lấy không gian giao thiệp với thời gian, gọi là nhân thành ba lớp. Thứ nhất là, bốn phương hướng với ba đời, thành ra mười hai. Thứ hai là, một phương với ba đời, biến thành mười, các phương khác cũng thế, cọng thành một trăm hai mươi. Thứ ba là, một phương từ mười biến thành một trăm, các phương khác cũng như vậy, cọng thành một ngàn hai trăm. Số của thời gian là số ba, nên nhân ba lần. Không gian phương hướng có mười, nên một biến thành mười. Đó là con số của tự nhiên. Trong Kinh Dịch, số đại diễn là năm mươi, lấy năm nhân mười, lấy mười nhân năm, cũng giống như phép này. Chỗ dùng của Thánh nhân trước sau đồng một đường lối.

Mỗi phương có hai trăm công đức, mỗi phương phụ có một trăm công đức. Tóm lại, mỗi phương có ba trăm công đức. Nay Nhãn Căn thấy ba phương chính phía trước và hai bên thì có sáu trăm công đức, cộng với hai phương phụ phía trước là hai trăm, thành có sáu trăm công đức. Còn ở phía sau thiếu một phương chính (hai trăm) và hai phương phụ (một trăm nhân hai) không thấy được. Thật ra, thì sáu Căn mà trong sạch, có thể dùng thay cho nhau. Như trong kinh Hoa Nghiêm, y theo kinh mà tu hành, nếu đã phát ra được cái giải tương tự, thì tuy nhãn Căn chỉ có tám trăm công đức, cũng đầy đủ bao nhiêu công đức như năm Căn kia. Còn nếu sáu Căn làm mối cho giặc, tự cướp của báu trong nhà, thì đan dệt hư vọng mà đổi dời, không còn bờ bến. Cho nên, tu thì công đức vốn vô cùng, không tu thì nghiệp quả cũng vô cùng vậy.

Tổ Pháp Nhãn thượng đường nói: “Người xưa nói: “Thế nào là Thiền? Ba cõi đăng đẳng! [Không hở sót] Thế nào là Đạo? Mười phương mênh mông!” Vì sao nói ba cõi đăng đẳng? Đâu là mười phương mênh mông? Cái đạo lý ấy thể hội được chăng? Lấp mắt đi, lấp tai đi, lấp hết lưỡi, thân, ý! Chỗ nào thiếu hụt? Chỗ nào động lay? Các Thượng Tọa hiểu làm sao? Ngang cũng chẳng được, dọc cũng chẳng được, bỏ cũng chẳng được, nắm cũng chẳng được, không có chỗ dụng tâm, cũng không có chỗ bày vẽ! Nếu hiểu được như thế, mới thấu hiểu pháp môn tuyệt hết chọn lựa, cả thảy ngữ ngôn dứt rỉ chảy!”

“Từng có nhà sư hỏi: “Thế nào là lời tuyệt hết rỉ chảy?” Trả lời cho nhà sư rằng: “Miệng giống như lỗ mũi thì rất phải”. Các Thượng Tọa như hiểu được chỗ này, thì tự nhiên rỗng suốt. Như tỏ suốt được, thì hết mười phương thế giới là tròng mắt Kim Cang. Hãy vô sự! Trân trọng”.

Lại còn thiền sư Hoàng Long Chấn thượng đường nói: “Nêu ra cái nhân duyên của người xưa hỏi thầy Xà Lê, thầy chẳng được lấy theo xưa mà hiểu. Nếu lấy theo xưa mà hiểu thì mất đi con mắt hiện giờ. Nêu ra cái nhân duyên hiện giờ hỏi thầy Xà Lê, thầy không được lấy theo hiện giờ mà hiểu. Nếu lấy theo hiện giờ mà hiểu, thì ngăn che con mắt xưa nay của thầy. Dù cho chẳng mất đi, chẳng ngăn che, chẳng phải xưa, chẳng phải nay, thì cũng còn là thuốc với bệnh trị lẫn nhau, là lời nói dỗ cho hết khóc! Còn như một câu thấu thoát, thầy Xà Lê nói được chăng? Nếu không nói được, hãy đợi nói chuyện Thực Tướng với La Hán Phong, rồi sẽ nói cho mấy thầy”.

Các lời nói ở trên, tuy chỉ riêng tỏ rõ việc hướng thượng, mà lại cùng kinh này khai phát. Liền được Miệng giống như lỗ mũi, Mắt tựa lông mày, sáu Căn không chỗ nương gởi, bèn chứng cái nhiệm mầu của Vô Sanh. Đến khi Hết cả đại địa là một con mắt lẻ của Sa Môn, thì lại không còn chỗ nào để nuốt hay nhả. Cái công đức này há có thể lấy chuyện thế gian mà cầu được ư?

Kinh: “Anan, nay ông muốn ngược dòng Ái Dục sanh tử trở lại cùng tột của sự lưu chuyển, đến chỗ Không Sanh Diệt, thì phải nghiệm xét sáu Căn đang thọ dụng đây: cái nào là hợp, cái nào là lìa, cái nào sâu, cái nào cạn, cái nào viên thông, cái nào chẳng viên mãn. Nếu ở chỗ đó ngộ được Căn viên thông, ngược dòng nghiệp từ vô thủy dệt đan hư vọng, theo được Tánh viên thông, thì so với cái Căn không viên thông, thật là gấp bội, như một ngày so với một kiếp. Nay Ta đã hiển bày đầy đủ những công đức vốn có của sáu Căn trong lặng, tròn sáng, số lượng là như vậy. Tùy ông chọn cho kỹ, cái nào có thể vào, ta sẽ phát minh khiến ông tăng tiến.

“Mười phương Như Lai, nơi mười tám giới, mỗi mỗi đều tu hành mà được Vô Thượng Bồ Đề tròn đủ, trong các giới đó, không có chỗ nào hơn kém. Chỉ vì ông có thấp kém, mà ở trong ấy chưa tròn cái Huệ Tự Tại được. Thế nên, ta nêu lên khiến ông chỉ cần ở nơi một Căn mà thâm nhập. Nhập Một thì không có vọng, cả sáu Căn kia cùng lúc thanh tịnh.

Thông rằng : Cái gốc của sự lưu chuyển tức là cái Diệu Trạm Bất Động vậy. Tách ra khỏi cái ấy, thì trôi lăn theo cảnh, gọi là dòng sanh tử. Nghịch lại mà nhập vào, ngược dòng vẹn tròn cái Một, gọi là Chẳng Sanh Diệt. Sanh diệt là vọng, chẳng sanh diệt thì không vọng. Sáu Căn thọ dụng, tuy là liên quan với vọng mà bày tỏ công đức, thật vốn là một Tinh Minh phân ra, đồng một Tánh trong lặng tròn sáng vậy. Chỉ cần thâm nhập một cửa, đạt thẳng đến chỗ bản nguyên, theo tánh viên thông, chẳng sanh ràng buộc, nhiếp phục được tâm bám níu trước kia, nhập Phật Tri Kiến, thì sáu Căn thọ dụng đều thành diệu dụng.

Đức Lục Tổ dạy: “Nếu khởi cái chân chánh Bát Nhã quán chiếu, trong khoảng sát na vọng niệm đều tan hết. Như biết tự tánh, một ngộ liền đến Phật địa. Thiện Tri Thức! Trí Huệ quán chiếu, trong ngoài sáng suốt, thấu suốt từ Bổn Tâm. Nếu thấu suốt Bản Tâm tức là giải thoát. Giải thoát, đó là Bát Nhã Tam Muội. Bát Nhã Tam Muội, tức là Vô Niệm. Sao gọi là Vô Niệm? Như thấy tất cả pháp, tâm chẳng nhiễm trước, đó là Vô Niệm. Dùng bèn khắp tất cả chỗ, mà cũng chẳng bám luyến chỗ nào. Trong sạch lấy Bổn Tâm, khiến sáu Thức ra sáu cửa, ở trong sáu Trần mà không nhiễm, không lẫn lộn; đến đi tự do, suốt dùng không mắc vướng, tức là Bát Nhã Tam Muội, tự tại giải thoát, gọi là Hạnh Vô Niệm”.

Lời nói này của Đức Lục Tổ, theo Ý Căn mà vào, nối tiếp thẳng từ môn phong của Đức Ca Diếp.

Tổ Ngưỡng Sơn ở Tổ Quy Sơn, đang chăn trâu trước sườn núi, thấy một nhà sư lên núi, không bao lâu lại xuống.

Tổ Ngưỡng Sơn hỏi : “Thượng Tọa sao không ở lại trong núi?”

Nhà sư đáp : “Chỉ vì nhân duyên chẳng khế hợp”.

Tổ Ngưỡng nói : “Có nhân duyên nào, ông thử nêu ra đi!”

Đáp : “Hòa Thượng hỏi tôi tên gì. Tôi nói “Quy Chơn”. Hòa Thượng nói “Quy Chơn ở chỗ nào?” Tôi không đáp được”.

Tổ Ngưỡng nói : “Thượng Tọa hãy trở lại thưa với Hòa Thượng : “Tôi nói được”. Hòa Thượng hỏi “Nói làm sao?” Thì chỉ trả lời “Trong mắt, trong tai, trong mũi!””

Nhà sư trở lại, làm như lời chỉ dặn.

Tổ Quy Sơn nói : “Gã nói láo buông tuồng! Đây là lời nói thiện tri thức của năm trăm người”.

Thiền sư Bàn Am Thành thượng đường nói :

            “Trong mũi là tiếng, trong tai hương

            Trong mắt mặn lạt, lưỡi đen vàng

            Ý thì cảm giác, thân phân biệt

            Nhà tuyết như xuân, hạ mát trong”.

Thấy được như vậy, mới biết rằng trong thân nam nhập định thì trong thân nữ xuất định. Hoa quỳ theo mặt trời mà xoay chuyển, vằn con tê giác do ngắm trăng mà sanh! Cây Hương Phong thành ông lão; con sâu thành trái quả-lỏa. Nếu mà chẳng biết, khổ thay cho Phật! Cho phép các ông đầy đủ “Một con mắt lẻû!”

Quả như chỗ thấy của các vị tôn túc, mới được cái tin tức của sáu Căn thanh tịnh.

Kinh : Ông Anan bạch Phật : “Thưa Thế Tôn! Làm sao ngược dòng vào sâu một Căn lại có thể khiến cho sáu Căn cùng một lúc đều thanh tịnh?”

Phật bảo Ông Anan: “Ông nay đã đắc quả Tu Đà Hoàn, đã diệt được Kiến Hoặc của chúng sanh thế gian ba cõi, nhưng còn chưa biết những tập khí hư vọng chứa nhóm trong Căn từ vô thủy. Các tập khí kia cần phải nhờ tu mới đoạn trừ được. Huống chi, những phân loại, số mục “Sanh, Trụ, Dị, Diệt” ở trong đó.

Thông rằng: Kiến Đạo đoạn tám mươi tám Kiết Sử; Tu Đạo đoạn tám mươi mốt cái Tư Hoặc. Sơ quả Tu Đà Hoàn tuy đoạn hoặc phân biệt chỗ thô, vẫn còn tế hoặc câu sanh chưa đoạn, nên chưa chứng đến biên giới của Khổ. Chứng được Khổ Biên tế cho đến địa vị Vô Học, thì không những biết các phân loại, số mục Sanh, Trụ, Dị, Diệt của một hữu tình, mà còn hành tướng vi tế của hết thảy hữu tình và vô tình trong tam thiên đại thiên thế giới. Sự tỏ suốt cùng cực này, hẳn là do sự đoạn trừ do tu hành mà được vậy.

Có nhà sư hỏi Tổ Quy Sơn: “Người đốn ngộ lại còn tu nữa không?”

Tổ Quy Sơn nói: “Nếu thật ngộ được cội gốc, thì người ấy tự biết, khi ấy tu và không tu chỉ là lời nói hai đầu. Như nay tuy nhờ duyên mà được Sơ Tâm, một niệm đốn ngộ cái Lý ở nơi mình, nhưng còn tập khí từ vô thủy kiếp, chưa thể nhanh chóng thanh tịnh. Cần dạy người ấy tịnh trừ các hiện nghiệp lưu chứa nơi Thức, tức là tu vậy. Không có riêng pháp nào để dạy người ấy hướng theo tu hành nữa.

“Từ chỗ Nghe nhập vào Lý, cả cái Nghe lẫn cái Lý đều bày hiện nhiệm mầu, tâm tự tròn sáng, chẳng ở trong chỗ mê lầm. Dù có trăm ngàn diệu nghĩa, chế phục đương thời, cũng chỉ mới được ngồi mà mặc áo, phải tự hiểu làm ra kế sống mới được. Nói tóm lại, ở nơi Thật Tế chẳng thọ nhận một mảy trần, nhưng trong cửa muôn Hạnh không bỏ một pháp. Như một đao xông suốt vào, thì tình phàm ý Thánh đều hết ráo, thể lộ Chân Thường, Lý Sự không hai, tức Như Như Phật”.

Phàm Lý Sự chẳng hai, chẳng phải tu, chẳng có chứng. Tổ Quy Sơn hết lời bày tỏ một đường tối thượng. Nào có quét dẹp hết tiệm tu, mà lại chẳng cần phương tiện trợ giúp.

Kinh: “Nay ông hãy xem sáu Căn hiện giờ là Một hay là Sáu?

“Anan, nếu nói là Một thì sao Tai chẳng thấy, Mắt chẳng nghe, Đầu sao chẳng đi, Chân sao chẳng nói?

“Nếu sáu Căn nhất định là Sáu, thì như nay trong hội này, ta đang tuyên dương pháp môn vi diệu cho ông, trong sáu Căn của ông cái nào đang lãnh nhận?”

Anan thưa: “Tôi dùng Tai nghe!”

Phật dạy: “Tai ông tự nghe, thì liên quan gì đến Miệng và Thân, mà Miệng lại hỏi nghĩa, còn Thân thì lại đứng dậy kính vâng! Thế nên phải biết, chẳng phải Một mà cuối cùng thành Sáu, chẳng phải Sáu mà cuối cùng thành Một. Rốt cuộc cái Căn của ông, vốn chẳng phải là Một, hay là Sáu. Chỉ vì do từ vô thủy đến nay, điên đảo kết nhóm, nên ở nơi Tánh trong lặng tròn khắp mà sanh ra cái nghĩa Một và Sáu. Ông là Tu Đà Hoàn, tuy được cái Sáu đã tiêu, mà chưa mất hết cái Một.

“Như hư không bao la, tham hợp với các vật dụng, do vật dụng có hình dáng khác nhau, mà gọi là hư không có khác nhau! Nếu trừ bỏ các vật dụng mà xem hư không, thì nói là hư không là một. Hư không bao la kia đâu có vì ông mà thành đồng hay chẳng đồng, huống gì lại gọi đó là một hay chẳng phải một. Thế thì sáu Căn thọ dụng hay biết của ông, cũng lại như thế.”

Thông rằng: Chỗ này chính là giải nghĩa chỗ nghi về “Vào sâu một Căn, thì sáu Căn đồng thời thanh tịnh”. Nếu sáu Căn nguyên là một, vốn tự thanh tịnh, thì sao lại là sáu tên giặc? Nếu sáu Căn nguyên là sáu, chẳng có thể dùng thay cho nhau, thì làm sao có thể thanh tịnh cùng một lúc? Nay như hư không vốn là một, mà tham hợp với những vật dụng thì thành sáu. Do các vật dụng hình dáng khác nhau mà gọi là có những hư không khác nhau, rồi gọi đó là sáu chứ không phải là một. Nếu dẹp hết vật dụng, nhìn xem hư không, thì nói hư không là một, cho là cái sáu tiêu rồi, chỉ còn lại cái một. Đây là để ví dụ về nghĩa phát sanh của một và sáu. Hư không bao la kia nào có hòa hợp gì với hình thể của vật dụng, vốn chẳng phải là đồng, là khác. Đã không có chuyện đồng hay khác thì chỗ nào mà lập ra cái tên sáu với một? Đây là để ví dụ vốn chẳng có gì là một hay sáu. Khi thấy ra vốn chẳng phải là một hay sáu, trong lặng tròn đầy, xưa nay tịch diệt, thì có chỗ nào mà chẳng thanh tịnh đâu?

Tu Đà Hoàn, gọi là Nhập Lưu, vào dòng, mà không có chỗ nhập. Chẳng nhập vào Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp tức là cái sáu tiêu tan. Nhưng còn chấp là có Niết Bàn ở đâu đó, nên chưa mất đi cái Một. Cái Một từ chỗ nào tới? Hư không từ chỗ nào khởi ra? Thế mới biết đã “Hướng thượng” mà lại còn có chuyện!

Tổ Dược Sơn hỏi Ngài Vân Nham: “Ngoài chỗ Bá Trượng ra, ông còn đến chỗ nào?”

Đáp: “Có từng đến Quảng Nam”.

Tổ Sơn nói: “Nghe nói ngoài cửa Đông thành Quảng Châu có một tảng đá bị Quan Châu dời đi, có thật không?”

Ngài Nham nói: “Không những Quan Châu, mà hết thảy người trong nước dời cũng chẳng động”.

Tổ Dược Sơn lại hỏi: “Nghe nói ông biết giỡn đùa làm trò với sư tử, có phải không?”

Đáp : “Phải”.

Hỏi : “Làm trò được mấy xuất?”

Đáp : “Làm trò được sáu xuất”

Tổ Sơn nói : “Ta cũng làm trò được”.

Hỏi : “Hòa Thượng làm trò được mấy xuất?”

Tổ Sơn nói : “Ta làm trò được một xuất”.

Ngài Nham nói : “Một tức sáu, sáu tức một”.

Sau Vân Nham đến Tổ Quy Sơn, Tổ hỏi: “Có nghe Trưởng Lão ở chỗ Dược Sơn làm trò giỡn sư tử, có thật không?”

Đáp : “Thật”.

Hỏi: “Giỡn hoài hay có lúc dẹp bỏ?”

Ngài Nham nói: “Muốn giỡn thì giỡn, muốn dẹp thì dẹp”.

Hỏi: “Khi dẹp thì sư tử ở chỗ nào?”

Ngài Nham nói: “Dẹp hết, dẹp hết vậy”.

Cần biết Ngài Vân Nham giỡn sư tử, chứ không phải giỡn với tinh hồn, vì Ngài có tảng đá mà người cả nước đẩy xô chẳng động.

Kinh: “Do hai thứ Sáng và Tối bày tỏ lẫn nhau trong Tánh tròn đầy nhiệm mầu, mà dính che tánh trong lặng, phát ra cái Thấy. Cái Kiến Tinh dọi ra cái Sắc, kết Sắc thành Căn. Gốc Căn gọi là bốn Đại thanh tịnh. Nhân gọi là hình thể con mắt, như trái bồ đào. Phù căn bốn trần, rong ruổi chạy theo Sắc.

“Do hai thứ Động và Tĩnh đối chọi lẫn nhau trong Tánh tròn đầy nhiệm mầu, mà làm dính che Tánh trong lặng, phát ra cái Nghe. Cái Thính Tinh phóng dọi cái Tiếng, cuộn xếp cái tiếng lại thành Căn. Gốc Căn gọi là bốn Đại thanh tịnh, nhân gọi hình thể cái tai, như lá mới cuốn. Phù căn bốn trần, rong ruổi chạy theo Tiếng.

“Do hai thứ Thông và Bít phát hiện lẫn nhau trong Tánh tròn đầy nhiệm mầu, mà làm dính che Tánh trong lặng, phát ra cái Ngửi. Cái Ngửi phóng dọi ra Hương, thu nạp cái Hương thành Căn. Gốc Căn gọi là bốn Đại thanh tịnh, nhân gọi hình thể cái mũi như hai móng tay rủ xuống. Phù căn bốn trần, rong ruổi chạy theo Hương.

“Do hai thứ Nhạt và Có Vị xen phát lẫn nhau trong Tánh tròn đầy nhiệm mầu, mà làm dính che Tánh trong lặng, phát ra cái Nếm. Cái Nếm phóng dọi ra Mùi Vị, thắt cái Vị thành Căn. Gốc của Căn gọi là bốn Đại thanh tịnh, nhân gọi hình thể cái lưỡi như vành trăng non. Phù căn bốn Trần, rong ruổi chạy theo Vị.

“Do hai thứ Lìa và Hợp so sánh lẫn nhau trong Tánh tròn đầy nhiệm mầu, mà làm dính che Tánh trong lặng, phát ra cái Biết Xúc Chạm. Cái Biết Xúc Chạm phóng dọi ra thành Xúc, ôm nắm cái Xúc lại thành Căn. Gốc Căn gọi là bốn Đại thanh tịnh, nhân gọi là hình thể cái thân như cái trống cơm. Phù căn bốn trần, rong ruổi chạy theo Xúc.

“Do hai thứ Sanh và Diệt, nối tiếp lẫn nhau trong Tánh tròn đầy nhiệm mầu, mà làm dính che Tánh trong lặng, phát ra cái Biết. Cái Biết phóng dọi ra thành các pháp, tóm thu các pháp thành Căn. Gốc Căn gọi là bốn Đại thanh tịnh, nhân gọi cái Ý như cái thấy trong phòng tối. Phù căn bốn trần, rong ruổi chạy theo pháp.

Thông rằng: Nguyên nương y một Tinh Minh, chia thành sáu cái hòa hợp, ở đây mà thấy rõ. Từ nguyên do kết tạo ra sáu Căn cho đến cách thế rong ruổi chạy theo Trần, đều đầy đủ chi tiết. Ở đây cũng như chỗ ví dụ trước về hư không bao la tham hợp với các vật dụng. Cái Thể Tinh Minh, Sắc gặp thì thành cái Thấy, Tiếng gặp thì thành cái Nghe. Thế sao là Tánh tròn đầy mầu nhiệm?

Thật cũng như nước lặng trong mà bởi có bụi rớt vào mà thành dính che vậy.

Bốn Đại thanh tịnh tỏ rõ cái Căn thắng nghĩa, hay soi chiếu Cảnh mà phát ra cái Thức, là Sắc Căn trong sạch. Phù căn bốn trần để tỏ rõ cái Căn phù trần, hay rong ruổi chạy theo trần tướng, đủ thứ nghiệp. Tánh của Đất, Nước, Lửa, Gió tất cả vốn là Không, nên gọi là bốn Đại trong sạch. Tướng của Đất, Nước, Lửa, Gió vốn là lay động, nên nói bốn trần như cái thấy trong phòng tối. Sao có được phù căn bốn trần? Bởi mê muội thành ra hư không, trong cái hư không mê muội đó, kết cái Tối làm hình Sắc. Cái Sắc tối tăm này xen lẫn với Vọng Tưởng, nhóm các duyên mà lay động bên trong. Vì có cái Tối để thấy nên gọi là Phù Căn. Vì có lay động nên gọi là Trần. Như trong năm loại Sắc, cái Sắc vô hình là do chỗ thọ nhận mà dẫn phát ra, rồi cũng cái Thọ nhớ giữ. Căn chìm vào bên trong, Trần nổi ra bên ngoài. Trần là cái chỗ để nương sao lại nói là rong ruổi? Vì, nêu lên cái Sở Y để hiển cái Năng Y vậy.

Thiền sư Phổ An có bài kệ :

            “Vê chẳng thành viên, đập chẳng rời

            Nào cần Nam Nhạc với Thiên Thai

            Đầu cửa sáu căn không người dụng

            Có chuyện Hồ Tăng [Tổ Đạt Ma] đến tự Tây ?”.

Có nhà sư ở Tổ Bửu Phước đến Tổ La Hán Sâm.

Tổ Sâm hỏi: “Phật Pháp ở đấy chỉ dạy người ta như thế nào?”

Nhà sư đáp: “Ngài Bửu Phước có lần dạy chúng rằng : Bịt đi mắt ông, dạy ông nhìn mà chẳng thấy! Lấy đi tai ông, dạy ông lắng mà chẳng nghe! Giữ chặt ý ông, dạy ông phân biệt chẳng được!”

Tổ Sâm nói: “Ta hỏi ông: Không bịt mắt ông, ông thấy cái gì? Không lấp tai ông, ông nghe được cái gì? Không giữ chặt ý ông, ông làm thế nào để có sự phân biệt?”

Nhà sư nghe xong tỉnh ngộ.

Đó là ở chính nơi đầu cửa sáu Căn thấy được lối vào, bèn thấy ngay một đoạn chân phong là Tánh tròn đủ nhiệm mầu.

Lại có nhà sư, nghe một khúc trong cuốn Tây Sương Ký, “Nào ngăn được lúc đi. Khóe mắt đâu chuyển động”, bèn đại khế ngộ.

Há phải đợi Hồ Tăng từ Tây đến sao?

Kinh: “Anan, sáu Căn như vậy do tánh Giác Minh kia, có cái Minh mà thành Minh Giác, mất đi tánh thuần túy tỏ biết, dính với cái Vọng mà có ra cái Hay Biết. Do đó mà nay ông rời Tối rời Sáng thì chẳng có cái Thấy ở đâu cả. Rời Động, rời Tĩnh thì không có cái Nghe ở đâu cả. Không có Thông, không có Bít, thì cái Ngửi chẳng sanh. Chẳng Mùi, chẳng Nhạt, thì cái Nếm chẳng ở đâu mà có. Không Rời, không Hợp thì Cảm Giác vốn không. Không Diệt không Sanh, thì cái Hay Biết có ở chỗ nào?

“Ông chỉ không theo mười hai Tướng hữu vi động tĩnh, lìa hợp, nhạt vị, thông bít, sanh diệt, sáng tối kia, mà tùy đó nhổ rứt một Căn ra khỏi cái dính, phục về bên trong, trở lại nguồn chân, phát ra cội nguồn sáng suốt chói rực. Cái Bổn Tánh chói rực đã hiện ra rõ ràng thì năm cái dính kia cũng bứt ra, giải thoát hoàn toàn. Khi đó, cái hay biết có mà chẳng do tiền trần, vốn sáng suốt mà chẳng theo căn, cái sáng suốt chỉ gởi ở nơi Căn mà chiếu sáng. Bởi thế sáu Căn có thể dùng thay lẫn nhau.

Thông rằng: Đoạn trước nói: “Biết rõ cái Vọng chẳng phải cái gì khác, mà lỗi là cái Giác Minh. Cái Sở Minh đã vọng lập ra, thì cái Minh chẳng thấu thoát, mà hạn cuộc nơi Căn”.

Đoạn này nói: “Do tánh Giác Minh kia, có cái Minh mà thành Minh Giác, mất đi tánh thuần túy tỏ biết, dính với cái Vọng mà có ra cái Hay Biết, chạy theo Trần Tướng”.

Cả hai đoạn bày rõ sáu cái Căn hư vọng thành tựu là do phân chia Tánh trong lặng tròn đầy kia, cái Hay Biết thuần túy ban đầu phóng dọi ra mà có! Thế nên, vốn là tánh Minh Diệu chân thật, mà ở trong chẳng lìa khỏi Căn, bên ngoài chẳng thể rời Trần, bèn bị Căn Trần che lấp, không còn chỗ nào hiển lộ.

Phải biết sáu Trần là hư vọng, vốn không có tự tánh. Sáu Căn là hư vọng vì lìa ngoài Trần thì không có tự thể. Trần không có tự tánh, nên cũng có thể dính kín, mà cũng có thể ra thoát vậy. Căn thì không tự thể, nên có Cảnh thì bèn có, không có Cảnh thì bèn không.

Luận Bát Thức Quy Củ nói: Bậc Nhị Địa chỉ trụ ở ba thứ : Nhãn, Nhĩ, Thân gọi là Sơ Thiền của Sắc Giới. Không ăn bằng cách nhai, nên Thiệt Thức chẳng khởi. Không có các thứ tạp uế, nên Tỷ Thức chẳng sanh. Độc chỉ trụ trong ba cái Thức của Mắt, Tai và Thân. Đến Đệ Tam Địa, vì do Định sanh nên ba cái Thức Mắt, Tai và Thân cũng không khởi lên.

Chỗ này tức là trừ bỏ vật dụng mà thấy hư không, thì hư không cũng làm gì có? Thế nên, biết một hay sáu đều là hư vọng ráo, còn chẳng phải một, chẳng phải sáu mới là có chút chân thật. Cái Vọng nép phục tức là cái Chân hiện. Chân hiện thì Vọng không còn dính. Đã thoát khỏi sự dính, thì cái sáng chói rực rỡ phát ra mà chẳng do Trần tướng khởi. Đã chẳng do Trần thì đó là cái Chân Thật, xưa nay vốn sáng suốt chẳng phải từ Căn ra, là Tánh sáng lặng, tròn đầy vậy.

Tuy chẳng theo Căn mà có, nhưng nương gởi ở Căn mà phát ra ánh sáng đó thôi. Căn gọi là nương gởi, vì nguyên là không có vị trí nhất định. Thế nên, Nghe chẳng phải nhất định ở Tai, Thấy không nhất định ở Mắt, mà sáu Căn có thể dùng thay lẫn cho nhau, chứ không như trước kia : sự Nghe chẳng ra ngoài Tiếng, Thấy chẳng vượt khỏi Sắc, tự sanh ràng buộc, chẳng thể siêu việt được.

Đức Phật Tỳ Xá Phù có kệ:

            “Giả mượn bốn Đại để làm thân

            Tâm vốn vô sanh, nhân cảnh có

            Tiền cảnh là không, tâm cũng không

            Tội phước như huyễn, khởi cũng diệt”.

Đoạn kinh trên là chú giải của bài kệ này vậy.

Có nhà sư hỏi Thiều Quốc Sư: “Theo trong giáo pháp có lời dạy : Mắt chẳng thấy sắc trần. Ý chẳng biết các pháp. Như thế nào là mắt chẳng thấy sắc trần?”

Quốc Sư nói: “Đó là lỗ tai thấy!”

Hỏi: “Như thế nào là ý chẳng biết các pháp?”

Quốc Sư nói: “Con mắt biết”.

Hỏi: “Như vậy thì thấy nghe bặt đường, mà thanh, sắc vẫn náo động?”

Quốc Sư nói: “Ai nói với ông ?”

Rồi nói: “Phàm tất cả vấn đáp như mũi kim đối nhau, không mảy tơ sai khác. Sự không gì chẳng thông suốt, Lý không đâu chẳng đủ. Bởi vì tất cả ngôn ngữ, tất cả tam muội, ngang dọc, cạn sâu, ẩn hiện, đến đi, chính là Thực Tướng của Chư Phật. Chỉ cứ như giờ đây tức thời nghiệm lấy”.

Hòa Thượng Định Huệ Tín hỏi một nhà sư: “Quốc Sư Huệ Trung nói vô tình thuyết pháp. Các vị tôn túc phương Nam bàn luận như thế nào?”

Nhà sư nói: “Khắp cả đều là sáu căn dùng thay nhau”.

Ngài Huệ Tín nói : “Trong kinh nói: Vô Nhãn, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý. Lấy cái gì dùng lẫn cho nhau?”

Nhà sư định suy nghĩ, Ngài bèn đánh.

Như Ngài Huệ Tín mới là hỗ dụng hiện tiền, còn vượt Thiều Quốc Sư bảy bước!

Kinh: “Anan, ông há chẳng biết ngay ở trong hội này, Ông A Na Luật Đà không có Mắt mà thấy; rồng Bạt Nan Đà không có Tai mà nghe; thần nữ Căng Già không có Lưỡi mà biết mùi vị; thần Thuấn Nhã Đa không có Thân mà biết cảm giác, trong hào quang Như Lai chiếu ra, làm cho tạm hiện ra có thân, chứ bản chất của ông là gió làm gì có thân thể? Các vị Thanh Văn được tịch diệt ở trong Diệt Tận Định, như Ông Ma Ha Ca Diếp trong hội này, diệt mất Ý Căn từ lâu mà vẫn hiểu biết tròn vẹn sáng suốt, không do ở tâm niệm”.

Thông rằng: Kinh nói, “Vốn sáng suốt mà chẳng theo Căn”, cho đến việc “Sáu Căn dùng thay nhau”, ở chỗ nào mà nghiệm? Ông Luật Đà được nửa cái Thiên Nhãn nên không cần nhờ con Mắt. Rồng lấy sừng nghe nên chẳng cần đến Tai. Thần sông Căng Già ngửi Hương vốn chẳng dùng Mũi. Ông Bạt Đề lưỡi trâu mà vẫn phân biệt các Vị. Thần Thuấn Nhã không thân mà vẫn có xúc giác. Các vị Thanh Văn đã chứng Diệt Tận Định, như Đại Ca Diếp, đã diệt mất Ý Căn từ lâu.

Do đó mà biết sáu Căn có thể không có, thì vốn chẳng phải là sáu. Sáu Căn có thể dùng thay cho nhau, thì vốn chẳng phải là một. Chẳng phải một, chẳng phải sáu, mà cái Thể trong lặng tròn đầy kia, ai ai cũng sẵn đủ, há chẳng ở nơi đây mà càng tự tin lấy sao?

Ngài Phổ Dung Trí Tạng đến chỗ Ngũ Tổ Pháp Diễn đang nhập thất, Tổ đem chuyện Thảnh Nữ [Chuyện Cô Thảnh Nữ lìa hồn như sau: Đời Đường có ông Trương Giật, có con gái là Thảnh Nương, đã hứa gả cho cháu là Vương Trụ. Lớn lên, định gả cho nơi khác. Vương Trụ bỏ đi. Nửa đêm thấy Thảnh Nương tới. Hai người ở với nhau có hai con. Sau năm năm, Vương Trụ đưa vợ con về thăm nhà để xin lỗi. Ông Giật rất kinh ngạc, vì cô Thảnh vẫn ở nhà từ trước đến giờ, và nằm bệnh đã năm năm. Hai cô gặp nhau thì nhập thành một] lìa hồn mà hỏi. Ngài liền khế ngộ, làm bài kệ:

“Hai cô hợp thành một cô dâu

Cuộc đời ngăn đứt, khó gặp nhau

Từ đây qua lại không tung tích

Lúc đến, người đi chớ hỏi đường!”.

Ông Trương Tử Thiều đến Tổ Kính Sơn, cùng với ông giúp việc trong chùa đàm luận về “Cách Vật”.

Tổ Kính Sơn Huệï nói: “Ông chỉ biết có Cách Vật mà không biết có Vật Cách”.

Ông Thiều ngơ ngác. Tổ Huệ cười lớn.

Tử Thiều hỏi: “Thầy có thể đem ra thí dụ được chăng?”

Tổ Huệ nói: “Không thấy trong tiểu thuyết có chép: Đời Đường, có người làm quan Lang Thủ cùng An Lộc Sơn mưu phản. Khi vua Đường Minh Hoàng đến đất Thục, thấy hình tượng của người này, nổi giận ra lệnh cận thần chém đầu bức tượng. Khi ấy Lang Thủ đang ở Thiểm Tây mà đầu bỗng rớt xuống đất”.

Ông Tử Thiều nghe xong liền ngộ ý chỉ sâu mầu.

Ngài Phần Dương có bài tụng Lục Tướng:

            “Thấy là A Na Luật

            Rõ ràng không một vật

            Núi sông cùng đất đai

            Diễn bày Ba La Mật.

            Nghe là Bạt Nan Đà

            Tiếng thông, không gì quá

            Xa gần đồng đều rõ

            Chẳng cần niệm Ma Ha.

            Ngửi là Căng Già nữ

            Tâm từ bi cùng khắp

            Sạch dơ đều rõ hết

            Tức đó, không ta người.

            Nếm là Kiều Phạm Ba

            Ngọt đắng cũng bình thường

            Vào miệng rõ cay chua

            Giống như trăng giữa trời.

            Xúc là Thuấn Nhã Đa

            Thiện ác, hết thảy hòa

            Cắt xẻ không vui giận

            Chỉ thật A Di Đà.

            Ý là Đại Ca Diếp

            Tỳ Lô [Pháp Thân] là Một Pháp

            Nhà tối rõ ràng phân

            Chi phái ngàn hoa lá”.

Chỗ Thấy của Ngài Phần Dương xa thẳm lạ thường, mượn sáu Căn này mà mỗi mỗi chỉ ra cửa hướng thượng. Trái lại, không rời chuyện “Phục về nguồn Chân, phát ra cội nguồn sáng suốt chói rực” mà thôi vậy.

Kinh: “Anan, giờ đây các Căn của ông mà nhổ sạch ra được, thì cái sáng chói bên trong phát ra. Như thế, các phù trần và các tướng biến hóa của thế gian vật chất đều tiêu mất như băng gặp nước sôi, lập tức hóa thành Tri Giác Vô Thượng.

Thông rằng: Tùy theo nhổ dứt một Căn, thoát khỏi sự dính, phục về bên trong, trở lại cùng tột dòng Căn đến chỗ chẳng sanh chẳng diệt. Đó là chuyện phía bên công phu, cái cơ duyên là do ở ta.

Các Căn nhổ sạch, cái sáng chói bên trong phát ra, sanh diệt dứt hết, Tịch Diệt hiện tiền. Đây là chuyện phía bên Đốn Ngộ, cơ duyên chẳng ở tại ta. Do đó, không ngộ thì căn thân phù trần, các tướng biến hóa của thế gian sự vật đều quy về Pháp Sanh Diệt, như nước đóng thành băng. Còn một phen Đốn Ngộ, liền chuyển cái Sanh Diệt làm Tánh Chẳng Sanh Chẳng Diệt, như nước sôi tiêu tan băng giá, mà trở lại thành nước vậy. Nước là cái Bổn Lai vậy. Vô Thượng Tri Giác là cái vốn có của ta vậy. Đã thành ra cái Tri Giác Vô Thượng, thì còn có sáu tên giặc nào để lo nữa ư ?

Ngài Long Đàm Tín hỏi Tổ Thiên Hoàng Ngộ rằng: “Từ khi đến đây, con chẳng được Hòa Thượng chỉ bày cho tâm yếu”.

Tổ Hoàng nói: “Từ khi ông đến đây, ta chưa từng có lúc nào mà không chỉ bày tâm yếu”.

Ngài Long Đàm nói: “Chỉ bày chỗ nào đâu?”

Tổ Hoàng nói: “Ông đem trà tới, ta vì ông rước lấy. Ông đem cơm tới, ta vì ông lãnh lấy. Khi ông cung kính, ta bèn cúi đầu. Có chỗ nào là chẳng chỉ bày cái tâm yếu cho ông đâu?”

Thầy Long Đàm đứng trân, suy nghĩ.

Tổ Hoàng nói: “Thấy thì thấy ngay. Nghĩ suy liền trật.”

Long Đàm ngay khi ấy khai ngộ. Bèn thưa: “Bảo nhiệm [Gìn giữ.] thế nào?”

Tổ Hoàng nói:

            “Theo Tánh rong chơi

            Tùy duyên phóng khoáng

            Chỉ hết phàm tâm

            Không riêng Thánh giải”.

Tổ Giáp Sơn có thầy Tiểu Sư theo làm thị giả đã lâu. Tổ bảo đi hành cước, đi các nơi học thiền. Sau nghe Tổ Giáp Sơn nhóm chúng, tiếng đạo vang xa. Thầy Tiểu Sư bèn về thăm và hỏi: “Hòa Thượng có chuyện kỳ đặc như thế, sao chẳng sớm nói cho con?”

Tổ Sơn nói: “Ông vo gạo thì ta chụm lửa, ông dọn cơm thì ta bày bát. Chỗ nào là ta phụ rẫy ông đâu?”

Tiểu Sư nghe đó, liền ngộ nhập.

Đều có thể nói là “Lập tức hóa thành Tri Giác Vô Thượng” đó vậy.

Kinh: “Anan, như người thế gian kia gom cái Thấy ở nơi con mắt. Nếu bảo nhắm kín thì tướng Tối hiện ra trước mặt, cả sáu Căn đều tối, đầu và chân cũng thế. Người kia lấy tay rờ quanh ngoài thân thể, thì tuy chẳng thấy, mà vẫn phân biệt được đầu và tay, cái tri giác vẫn đồng như cũ.

“Cái Thấy nhân nơi Sáng, khi Tối thành ra không thấy. Còn cái Thấy mà không nhân nơi cái Sáng mà vẫn tự phát ra, thì các tướng Tối chẳng bao giờ làm mờ tối đi được. Căn và Trần đã tiêu tan rồi, thì sao tánh Giác Minh không trở thành nhiệm mầu cùng khắp?

Thông rằng: Đoạn trước chỉ bày Tánh Trạm Viên chẳng theo Căn, ở đây chỉ ra Tánh Trạm Viên chẳng nương nơi duyên. Người nhắm mắt kia, lấy tay rờ theo thân thể người khác thì phân biệt được đầu và chân. Cái tri giác trong tối với cái tri giác khi Sáng không khác nhau. Người đời còn chẳng cần mượn cái duyên ánh sáng mà vẫn phân biệt được, huống gì Chân Giác của Thánh Nhân há lại mượn duyên ư ? “Cái Thấy nhân nơi Sáng, khi Tối thành ra không thấy”. Đó là nói theo thế đế. Như vậy là cho rằng cái thể Giác Minh, nhờ có ánh sáng mà sáng, do bởi tối mà thành tối. Nay hãy xem người nhắm kín mắt, chẳng có nhờ Duyên ánh sáng mà vẫn hay biết, trong bóng tối cũng vẫn phân biệt rõ đầu và chân. Cái Thấy này, Sáng không làm cho nó Sáng, Tối không làm cho nó Tối, không ngăn cách nó được. Căn và Trần đã tiêu mất, bèn tay có thể làm mắt, mắt có thể làm tai. Một Căn về gốc, sáu Căn thanh tịnh, làm sao tánh Giác Minh chẳng thành nhiệm mầu tròn khắp?

Cái Giác Minh từ sáu Căn mà phát ra ấy, phạm vi của cái Sáng giới hạn bởi Căn, nên chẳng thể nhiệm mầu tròn khắp. Duy cái Giác Minh chẳng nương cậy Căn và Trần, mà tự phát ra, đó là thần thông diệu dụng, cảm ứng khắp nơi, đó thật là sáu Căn dùng thay nhau, tức là cái gốc cho ba mươi hai Ứng Thân do Viên Thông của Đức Quán Thế Âm vậy.

Ngài Vân Nham hỏi Tổ Đạo Ngô: “Đức Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát dùng bao nhiêu tay mắt ấy như thế nào?”

Tổ Ngô nói: “Như người nửa đêm trở tay rờ cái gối”.

Ngài Nham nói: “Tôi hiểu”.

Tổ Ngô nói: “Ông hiểu làm sao?”

Ngài Nham nói: “Khắp Thân [Biến Thân] là tay, mắt”.

Tổ Ngô nói: “Nói thì quá lắm, mà chỉ nói được tám tướng thành Đạo”.

Ngài Vân Nham nói: “Sư huynh nói thế nào?”

Tổ Ngô nói: “Suốt Thân [Thông Thân] là tay, mắt”.

Ngài Thiên Đồng tụng rằng:

            “Một khiếu rỗng thông

            Tám mặt cửa song

            Không tướng, không thân, xuân vào luật

            Chẳng ngăn, chẳng ngại, nguyệt trời không

            Mắt quý sạch trong, tay công đức

            Khắp Thân nào giống được Suốt Thân!

            Hiện tiền tay, mắt toàn cơ hiện

            Đại dụng tung hoành, mặc cữ kiêng”.

Ngài Tuyết Đậu tụng rằng:

            “Khắp Thân phải, Suốt Thân phải

            So ra còn cách mười muôn dặm!

            Cánh bằng che khắp mây lục hợp

            Cuốn gió rền vang bốn biển xanh

            Cái ấy bỗng sao, hề, bụi sanh?

            Trong ấy, mảy tơ, hề, chưa dứt!

            Anh thấy chăng,

            Lưới châu buông xuống, ảnh trùng trùng

            Đầu gậy, tay mắt từ đâu khởi?”.

Ôi chao! Sao Khắp Thân lại cách Suốt Thân mười vạn dặm? Vì Khắp Thân là chưa lìa được Thân Kiến. Suốt Thân là gồm hết thảy mà quên đi. Chút tơ hào sai khác này, không đầy đủ con mắt thì nào có biện được. Ngài Tuyết Đậu thì tay, mắt đều quên. Còn Ngài Thiên Đồng chẳng ngại cơ duyên cùng diệu dụng, nên huyền lại càng huyền vậy.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM