KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

TÔNG THÔNG

TÂY TẠNG TỰ - BÌNH DƯƠNG

Người dịch : THUBTEN OSALL LAMA - NHẪN TẾ THIỀN SƯ

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG II: NƯƠNG CHỖ NGỘ MÀ TU

MỤC BA: HỎI ĐẠI CHÚNG VỀ VIÊN THÔNG

IX. VIÊN THÔNG VỀ THIỆT CĂN

Kinh: Ông Kiều Phạm Bát Đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng: “Tôi mắc khẩu nghiệp, trong kiếp quá khứ coi thường, giỡn cợt Sa Môn nên đời đời kiếp kiếp mắc tật nhai lại như trâu. Như Lai chỉ dạy tôi pháp môn “Nhất Vị Thanh Tịnh Tâm Địa”, tôi diệt được tâm thức, vào Tam Ma Địa. Quán biết cái Vị không phải thân thể, không phải món vật, liền đó được vượt thoát các lậu của thế gian, trong thoát hết thân tâm, ngoài mất tan thế giới, xa lìa ba cõi như chim xổ lồng, rời hết dơ nhiễm, tiêu mất trần tướng, Pháp Nhãn thanh tịnh, thành A La Hán. Như Lai ấn chứng cho tôi thành đạo Vô Học.

“Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ chứng của tôi thì trả cái Vị, xoay cái Biết về gốc Tánh, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng: Ông Kiều Phạm Bát Đề lưỡi khác người mà biết Mùi Vị. Do có tật nhai lại như trâu, mà trâu là loài vật, chỉ biết cây cỏ mà thôi, nay hình dáng cái lưỡi như trâu, mà phân biệt rõ được các vị, là do nơi cái gốc của lưỡi. Quán xét mùi vị, xoay lại cái Biết, thì Vị có nhiều thứ mà cái Biết này không hai. Cái Biết này lúc chưa xoay lại, thì tâm thức chưa diệt, đó là hữu lậu. Xoay cái Biết về Không, biết mà không có chỗ biết, nên là vô lậu. Cái Biết này chẳng do Căn sanh nên không phải Thân, không do Cảnh mà có, nên không phải Vật. Không phải Thân nên trong thoát hết thân tâm; không phải Vật, nên ngoài mất tan thế giới. Do vậy, lìa tâm dơ nhiễm, tiêu mất ngoại trần, được Ý Sanh Thân, thường ở cõi trời, được người, trời cúng dường. Phật vì muốn xóa đi nghiệp nhạo báng nên cho Ngài xâu chuỗi ngọc, dạy niệm Phật, gọi là pháp môn “Nhất Vị Thanh Tịnh Tâm Địa”. Từ vô thủy đến nay, các nghiệp do căn lưỡi tạo ra, lập tức thanh tịnh, do đó được Tâm tịch diệt, vào định bình đẳng, bèn nếm mùi Đạo vậy.

Ngài Ngưỡng Sơn đem trái cây cho Tổ Quy Sơn.

Tổ nhận lấy, hỏi: “Ở đâu mà có vậy?”

Ngài Ngưỡng Sơn nói: “Trong vườn nhà”.

Tổ Quy Sơn nói: “Đã ăn chưa?”

Đáp: “Chưa dám nếm, trước dâng lên Hòa Thượng”.

Tổ nói: “Là ai đó?”

Ngài Ngưỡng Sơn nói: “Là Huệ Tịch”.

Tổ nói: “Đã là ông đó, sao lại bảo ta nếm trước?”

Ngài Ngưỡng nói: “Hòa Thượng thì nếm ngàn nếm vạn”.

Tổ Quy Sơn bèn ăn mà nói : “Còn chua chát”.

Ngài Ngưỡng nói: “Chua chát vẫn là tự biết”.

Tổ Quy Sơn không nói gì.

Lại Tổ Huyền Sa cùng Ông Vi Giám Quân đang ăn trái cây.

Ông Vi hỏi: “Như thế nào là dùng hàng ngày mà chẳng biết?”

Tổ Sa cầm trái cây đưa lên, nói: “Ăn đi”.

Ông Vi ăn trái cây xong, lại hỏi nữa.

Tổ Sa nói: “Chỉ cái ấy là dùng hàng ngày mà chẳng biết!”

Ngài Ngưỡng Sơn nói Tự biết. Ngài Huyền Sa nói Chẳng biết. Đó là, Biết mà chẳng Biết, chẳng Biết mà Biết. “Trả Mùi Vị, xoay cái Biết về gốc Tánh”, là phải thấy như thế, biết như thế, mới gọi là Pháp Nhãn Thanh Tịnh.

X. VIÊN THÔNG VỀ THÂN CĂN

Kinh: Ông Tất Lăng Già Bà Ta liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật rồi thưa rằng: “Lúc ban đầu mới phát tâm theo Phật vào Đạo, thường nghe Như Lai dạy về những việc không thể vui được trong thế gian. Đang khi khất thực trong thành, giữa đường, tâm suy nghĩ về pháp môn Phật dạy; thình lình bị gai độc đâm chân, toàn thân đau đớn. Tâm niệm tôi có biết sự đau đớn ấy; tuy biết đau đớn mà cũng biết cái tâm thanh tịnh không có cái đau và cái biết đau. Tôi lại suy nghĩ, vậy thì chỉ một thân lại có hai cái biết. Nhiếp tâm chẳng bao lâu thân tâm bỗng nhiên rỗng không, trong khoảng hai mươi mốt ngày, các lậu đều tiêu hết, thành quả A La Hán, được Phật ấn chứng là bậc Vô Học.

“Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ chứng của tôi thì thuần một Giác Tánh, tan mất cái thân, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng: Ông Tất Lăng Già Bà Ta gọi thần sông là “con Tì” [Tì: đầy tớ gái. Ông Trưởng Lão Tất Lăng Già Bà Ta hay sợ đau mắt; ông đi khất thực thường phải qua sông Hằng. Đến bờ sông, khảy móng tay rồi nói: “Tớ gái nhỏ, ngừng lại, đừng cho chảy”. Nuớc liền rẽ hai cho ông đi qua. Bà Thần sông Hằng đến nơi Phật bạch rằng: “Đệ tử Phật, Ông Tất Lăng Già Bà Ta, thường hay mắng tôi là : Tớ gái nhỏ, ngưng lại, đừng cho chảy”.Đức Phật dạy Ông Tất Lăng Già Bà Ta xin lỗi, ăn năn với Bà Thần sông Hằng. Ông Tất Lăng Già Bà Ta liền chấp tay, nói với Bà Thần sông: “Cô tớ gái nhỏ, nay ăn năn xin lỗi cô”. Đại chúng cười rộ. Nói rằng sao xin lỗi mà lại còn mắng vậy. Đức Phật dạy Bà Thần sông Hằng: “Bà thấy Ông Tất Lăng Già Bà Ta chấp tay ăn năn xin lỗi chăng? Ăn năn xin lỗi không có kiêu căng, nhưng còn lời nói. Nên biết chẳng phải hung dữ. Người này năm trăm đời đến nay thường đầu thai vào nhà Bà La Môn. Hằng ỷ mình sang, khinh hèn người khác, là chỗ thói quen xưa nay. Chỉ miệng nói mà thôi, lòng không có kiêu ỷ. Các vị A La Hán cũng y như vậy: tuy dứt lìa các sự ràng buộc, sui khiến sai biểu, nhưng dường còn thừa thói cũ”]. Vì trong các đời trước có thói quen quí tộc, hiện tại không thể bỏ quên thân thể. Nên khi gai độc đâm vào chân, toàn thân đau đớn bèn tỉnh nhập.

Tuy có cái Biết để biết cái đau, nhưng cái Biết là Tâm Thanh Tịnh, lìa ngoài Năng và Sở, sự đau đớn không thể đến được. Đau là cái bị biết, thì cái Biết có thể biết nó. Còn cái Biết là cái Hay Biết, thì cái đau không thể làm nó đau. Một cái có sự đau, một cái không đau. Đã biết có đau lại biết không đau, thế thì một thân lại có hai cái Biết sao?

Cái Biết duy chỉ Một cái Chân, biết đau tức là Vọng. Do đó, nhiếp tâm niệm : ngoài quên mất thân thể, chỗ biết đều biến mất; trong quên mất tâm, cái Hay Biết cũng tan. Thân và tâm bỗng nhiên rỗng không, liền chứng Vô Học. Chỉ còn một cái Giác Thanh Tịnh, nên gọi là thuần một Giác Tánh. Ở trong cái Thuần Giác, thì Năng và Sở đều xa lìa. Thế mới tan mất cái thân, thân đã tan biến, thì thoát khỏi lập tức các việc không thể vui thích của thế gian.

Xưa, Đức Tứ Tổ Ưu Bà Cúc Đa có gặp một người bám trước Thân Kiến xin cứu độ.

Tổ nói: “Cầu pháp cứu độ thì phải tin lời ta, chẳng trái lời ta dạy”.

Người ấy nói: “Đã đến cầu Thầy, thì phải nghe lời răn dạy”.

Tổ bèn biến ra một bờ núi hiểm trở, trên chót có nhô ra một cây cao. Tổ dạy người ấy trèo lên cây. Lại ở dưới cây, hóa ra một cái hố lớn, sâu rộng ngàn tầm. Tổ dạy buông chân, người ấy tuân lời, buông hai chân ra. Dạy buông một tay, người ấy thả một tay. Lại dạy thả tay kia, người ấy đáp rằng: “Nếu thả luôn tay kia thì rớt xuống hố chết mất”.

Tổ nói: “Trước đã cam kết là tuân lời dạy, nay sao trái với ta!”

Khi ấy, người kia sự thương thân liền diệt, thả tay rơi xuống, thì chẳng thấy cây, thấy hố đâu cả. Liền chứng đạo quả.

Ngài Huyền Sa ban đầu muốn đi khắp nơi tìm hỏi thiện tri thức. Quảy gói ra khỏi núi, ngón chân bị vấp chảy máu, đau nhức.

Ngài than: “Thân này chẳng phải có, đau từ đâu đến?”

Bèn trở về Tổ Tuyết Phong.

Tổ Tuyết Phong hỏi: “Cái gì là Huyền Sa Sư Bị đầu đà?”

Ngài nói: “Trọn đời chẳng dám dối gạt người”.

Lại một ngày nọ, Tổ kêu lại hỏi: “Bị đầu đà sao chẳng đi khắp nơi mà học hỏi?”

Ngài nói: “Đạt Ma chẳng đến Đông Độ, Nhị Tổ chẳng qua Tây Thiên”.

Tổ ưng nhận.

Ngài Vân Môn mới đầu ra mắt Tổ Mục Châu. Tổ Châu vừa thấy, liền đóng cửa. Ngài Vân Môn bèn gõ cửa.

Tổ Châu hỏi: “Ai?”

Ngài đáp: “Tôi đây”.

Tổ nói: “Làm gì thế?”

Mục Châu nói: “Việc mình chưa rõ, xin thầy chỉ bày”.

Tổ Châu mở cửa, nhìn một cái, liền đóng lại. Cứ vậy, liên tiếp gõ cửa ba ngày. Đến ngày thứ ba, Tổ Châu mở cửa, Vân Môn bèn sấn vào. Tổ Châu nắm đứng lại, hét: “Nói, nói!”

Vân Môn suy nghĩ, thì Tổ Châu bèn xô ra, nói: “Cái đồ vô dụng hết xài!”

Rồi đóng sập cửa, làm kẹt một chân của Vân Môn. Vân Môn liền triệt ngộ.

Tổ chỉ qua tham vấn Tuyết Phong.

Như hai ngài Huyền Sa, Vân Môn cũng là sự trở lại của Tất Lăng Già Bà Ta vậy! Còn mình đây cũng bị đau chân mà tập khí chẳng chịu trừ.

XI. VIÊN THÔNG VỀ Ý CĂN

Kinh: Ông Tu Bồ Đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng: “Tôi từ mênh mông kiếp đến nay, tâm được vô ngại, tự nhớ thọ sanh, kiếp số nhiều như cát sông Hằng. Lúc còn trong thai mẹ đã biết Tánh Không Tịch, như thế cho đến cả mười phương đều rỗng không và cũng khiến chúng sanh chứng đắc Tánh Không. Nhờ Như Lai phát minh Tánh Giác là Chân Không, Tánh Không tròn sáng, đắc A La Hán, tức thời nhập vào Biển Không quý báu sáng ngời của Như Lai, đồng Phật Tri Kiến, được ấn chứng thành Vô Học. Tánh Không Giải Thoát, tôi là đầu hết.

“Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ chứng của tôi, các Tướng nhập vào Phi Tướng, Phi và Sở Phi đều hết, xoay các pháp về Không, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng: Ông Tu Bồ Đề từ mênh mông số kiếp đến nay rõ được Tánh Không, nhưng chỉ biết ngả theo cái Không mà thôi. Nhờ Phật phát minh Tánh Giác là Chân Không, mới biết cái Không sanh trong Đại Giác cũng như một bọt nước sanh trong biển lớn, thế nên nói là cái Biển Không quý báu sáng ngời. Ngả qua cái Không thì chẳng toàn vẹn. Chân Không là toàn vẹn. Ngả về cái Không thì chưa giải thoát. Chân Không tức Giải Thoát. Chẳng đốn nhập Chân Không, thì còn ở trong cái Thấy của Nhị Thừa, chưa đồng với cái Thấy Biết của Phật vậy.

Các Tướng nhập vào Phi Tướng, ban đầu chỉ là cái Không đơn thuần, nghĩa là làm Không các Tướng. Cái Phi và Sở Phi đã mất hết, kế đó dùng cái không Không, tức là không luôn cái Không Tướng. Ban đầu là xoay các Tướng về Không, rồi xoay các Pháp về Không. Tướng Nhân, Tướng Pháp đều Không, nên trở vào trong Biển Không quý báu sáng ngời, như ngồi yên trong núi mà thấy Pháp Thân Như Lai. Phật cũng nói “Ông Tu Bồ Đề thấy trước Pháp Thân của Ta”. Đây là một chỗ để nghiệm ra là đồng với cái thấy biết của Phật.

Nhà sư tên Trí Thường ra mắt Đức Lục Tổ.

Tổ hỏi rằng: “Ông từ đâu đến đây, muốn cầu chuyện gì?”

Đáp rằng: “Thưa, gần đây tôi đến Hồng Châu, núi Bạch Phong, lạy ra mắt Hòa Thượng Đại Thông, được chỉ dạy cái nghĩa thấy Tánh thành Phật, mà chưa giải quyết nổi nghi ngờ. Từ xa đến đây làm lễ, mong Hòa Thượng chỉ bày”.

Tổ nói rằng: “Vị kia nói gì, ông thử thuật lại xem”.

Đáp rằng: “Trí Thường này đi đến đó, trải qua ba tháng mà chưa được dạy bảo. Vì thiết tha với pháp, nên một đêm một mình vào phương trượng cầu hỏi:

“Như sao là Bản Tâm, Bản Tánh của tôi?”

“Ngài Đại Thông bèn nói: “Ông có thấy hư không chăng?”

“Đáp: “Dạ, thấy”.

“Hỏi: “Ông thấy hư không có tướng dạng gì không?”

“Đáp: “Hư không vô hình, nào có tướng mạo gì”.

“Ngài Đại Thông nói: “Ông hãy thấy Bản Tánh cũng như hư không, rốt ráo không có một vật để thấy, gọi là Chánh Kiến. Không một vật để biết, gọi là thật biết. Không có xanh, vàng, dài, ngắn. Chỉ thấy cái Bổn Nguyên Thanh Tịnh, cái Giác Thể tròn đầy sáng suốt, thì gọi là thấy Tánh thành Phật, cũng gọi là cái Thấy Biết của Như Lai”. Kẻ học Đạo này tuy nghe dạy như vậy mà chưa rõ hiểu chắc chắn, xin Hòa Thượng chỉ dạy”.

Tổ nói: “Chỗ dạy của vị ấy vẫn còn nằm trong tri kiến, nên khiến ông chưa rõ, nay ta chỉ cho ông bài kệ:

            “Chẳng thấy một pháp, là còn cái không thấy

            Thật như mây nổi che mặt trời

            Chẳng biết một pháp, là giữ cái không biết

            Lại như thái hư sanh điện chớp

            Cái thấy biết ấy vừa khởi lên

            Nhận lầm, bao giờ hiểu phương tiện

            Ông trong nhất niệm tự biết lấy Chẳng Phải [Tự tri Phi]

            Thì cái linh quang chính mình thường rõ hiện”.

Trí Thường nghe kệ xong, tâm ý rỗng nhiên, bèn trình bài kệ:

            “Không đâu, khởi thấy biết

            Bám tướng, tìm Bồ Đề

            Tình còn một niệm “Ngộ”

            Sao thoát khỏi xưa mê

            Tự Tánh Giác nguyên thể

            Theo chiếu uổng trôi lăn

            Chẳng vào Tổ Sư thất

            Mờ mịt chạy hai đầu”.

Thế có thể nói là “Nhất niệm biết Chẳng Phải” thì Cái Chẳng Phải (Phi) và cái Chỗ Chẳng Phải (Sở Phi) đều dứt hết. Từ Ông A Na Luật Đà đến đây là năm vị Thánh, nói là xoay cái Thấy, quay hơi thở trở về, đem cái mùi vị trở lại, xoay cái pháp về nguồn, đều là ngược dòng về Một. Đó là do sáu Căn mà chứng viên thông vậy. Cái xoay ngược cái Nghe của Đức Quan Âm kể riêng ra với chỗ này, vì là cực quả của Viên Thông, gần với địa vị Phật, nên để sau chót.

XII. VIÊN THÔNG VỀ NHÃN THỨC

Kinh: Ông Xá Lợi Phất liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng: “Tôi nhiều kiếp đến nay, cái Thấy từ Tâm được trong sạch. Như thế mà thọ sanh, kiếp số nhiều như cát sông Hằng. Các pháp thế gian và xuất thế gian, thảy thảy biến hóa, trong một cái Thấy đều thông suốt, được không chướng ngại. Tôi ở giữa đường gặp Ca Diếp Ba, anh em hợp ý nhau, nói Pháp Nhân Duyên, ngộ được cái Tâm không bờ cõi, theo Phật xuất gia. Tánh Giác hằng thấy tròn đầy sáng ngời, được Đại Vô Úy, thành A La Hán, làm Trưởng Tử của Phật, từ miệng Phật mà sanh, do pháp mà hóa sanh.

“Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ chứng của tôi, thì cái Thấy của Tâm phát sáng, sáng tột cái Thấy Biết, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng: Ông Xá Lợi Phất lúc còn trong bụng mẹ, thì bà mẹ biện luận sáng láng hơn người cậu. Ông Cậu bảo: “Thằng bé này sanh ra, trí huệ không ai địch nổi”. Rồi sang Nam Ấn học pháp, không rãnh thời giờ để cắt móng tay, đó là Tỳ Kheo Trường Trảo [Móng Tay Dài].

Lúc chín tuổi, Ngài Xá Lợi Phất đã biện luận khuất phục mọi người, vua trong nước rất quý trọng. Ngài làm bạn với Ông Mục Kiền Liên, kết ước với nhau, hễ được mùi vị cam lồ của chánh pháp thì cũng hưởng với nhau.

Mục Kiền Liên giữa đường gặp Tỳ Kheo Mã Thắng, hỏi: “Thầy của ông thuyết pháp gì?”

Mã Thắng đáp: “Các pháp theo duyên sanh, các pháp theo duyên diệt; Thầy ta, Đại Sa Môn, thường y như thế thuyết”.

Ông Mục Kiền Liên tỏ sáng, chứng Sơ Quả; vội qua báo cho Xá Lợi Phất, nghe xong Xá Lợi Phất cũng chứng Sơ Quả.

Cả hai ông cùng đến ra mắt Phật. Từ xa trông thấy hai người, Phật bảo với đại chúng: “Đó là hai đại đệ tử của Ta, một người Trí Huệ Đệ Nhất, một người Thần Thông Đệ Nhất”.

Ngài Xá Lợi Phất, cái Thấy của Tâm rất sáng lẹ, theo Phật xuất gia, bảy ngày thông suốt hết Phật Pháp, trong mười lăm ngày đắc A La Hán, nên gọi là Trí Huệ Đệ Nhất, làm Trưởng Tử của Phật. Cái Thấy của Tâm không thuộc về Căn hay Thức, nên có thể bên trong phát ra sáng ngời, sáng khắp cái Thấy Biết, Tánh Giác của cái Thấy tròn đầy sáng rỡ, được Đại Vô Úy. Cái Thấy chưa sáng suốt thì có nghi, có sợ, còn Ngài Xá Lợi Phất chín tuổi nghị luận đã đắc Vô Úy, đến đây lại thông đạt hết Phật Pháp, mới gọi là Đại Vô Úy.

Thiền sư Trường Khánh Lăng ban đầu ra mắt Tổ Tuyết Phong, hỏi: “Một con đường từ xưa các Thánh truyền thụ, xin thầy chỉ bày cho”. Tổ Phong im lặng hồi lâu. Ngài bèn lễ mà lui ra. Tổ Phong bèn mỉm cười.

Ngài đi qua lại Tổ Tuyết Phong và Huyền Sa như vậy trong suốt hai mươi năm, ngồi thiền rách hết bảy cái bồ đoàn, mà chẳng rõ được chuyện ấy. Một ngày kia, cuốn bức sáo lên, hốt nhiên đại ngộ, bèn làm bài tụng:

            “Đã lầm to, đã lầm to!

            Cuốn bức sáo lên thấy thiên hạ

            Có người nào hỏi, ấy Tông gì

            Cầm cây phất tử nhằm miệng đánh”.

Tổ Tuyết Phong nói với Tổ Huyền Sa: “Ông ấy tỏ suốt rồi vậy”.

Huyền Sa nói: “Chưa chắc. Đây là do ý thức thuật lại thôi, phải cần xét lại mới được”.

Đến tối, các sư đến làm lễ, Tổ nói với Ngài Khánh Lăng: “Đầu Đà Bị chưa chịu ông, nếu thật ngộ, trước chúng hãy nói ra đi!”

Ngài Lăng lại làm bài tụng:

            “Ở trong muôn tượng lộ riêng thân

            Chỉ người tự nhận ấy mới gần

            Ngày xưa lầm lạc tìm đường đến

            Ngày nay trong lửa thấy ra băng”.

Tổ Phong quay sang nói với Tổ Huyền Sa: “Không thể là sự trước thuật của ý thức đâu!”

Ôi, thấy ra băng trong lửa, là một cái nhìn thông suốt, được không chướng ngại. Thiền sư Lăng khá gọi là có mắt vậy.

XIII. VIÊN THÔNG VỀ NHĨ THỨC

Kinh: Ngài Phổ Hiền Bồ Tát từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng: “Tôi đã từng làm Pháp Vương Tử cho các Đức Như Lai như số cát sông Hằng. Mười phương Như Lai dạy các đệ tử có căn cơ Bồ Tát tu Hạnh Phổ Hiền, là do tôi mà đặt tên.

“Thưa Thế Tôn, tôi dùng cái Nghe của Tâm mà phân biệt tất cả thấy biết của chúng sanh. Nếu ở phương nào khác, cách ngoài hằng sa thế giới, có một chúng sanh trong tâm phát khởi Hạnh Phổ Hiền, thì liền ngay khi ấy, tôi cỡi voi sáu ngà, phân thân thành trăm, ngàn đến chỗ người ấy. Dầu cho người ấy nghiệp chướng còn sâu dày, chưa thấy tôi được, tôi cũng âm thầm xoa đầu, ủng hộ an ủi khiến cho người ấy được thành tựu.

“Phật hỏi về Viên Thông, tôi nói chỗ Bản Nhân của tôi là phát sáng cái Nghe của Tâm, tự tại mà phân biệt, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Hạnh khắp pháp giới là Phổ, địa vị gần với Phật gọi là Hiền. Đức Phổ Hiền đã chứng quả vị, nói lại cái Bản Nhân của mình là từ cái Nghe của Tâm phát sáng, mọi phân biệt đều tự tại. Tận khắp pháp giới rỗng rang như hư không, không đâu mà Tâm chẳng nghe đến. Biết rành người tu Hạnh Phổ Hiền mà ủng hộ cho, ấy là trong sự biết rành đó; có một loại Tam Muội Tự Tại, chẳng có một mảy tơ tạo tác, là do đã chứng Pháp Thân, nên đầy khắp pháp giới, nơi nào vừa khởi niệm, nơi đó có ngay hạnh nguyện. Đó là Đức và Dụng vô ngại : Thể là Dụng, Dụng là Thể, nên gọi là Tự Tại.

Đức Quán Âm theo Căn Tai mà xoay lại cái Nghe, nên được Tịch Diệt Hiện Tiền. Đức Phổ Hiền theo Nhĩ Thức mà phát sáng, nên được Tự Tại trong phân biệt. Nói là Hiện Tiền thì chưa từng chẳng phân biệt. Nói là Tự Tại, thì chưa từng không tịch diệt. Chỗ chứng của hai vị Thánh thật không có chỗ hơn kém.

Ngài Đàm Dực ban đầu vào Lư Sơn theo học Ngài Viễn Công. Sau trở về Hội Kê, ở núi Tần Vọng, tụng kinh Pháp Hoa. Trải qua mười hai năm, cảm Đức Bồ Tát Phổ Hiền hóa thân người nữ, mặc áo quần màu, xách lồng tre, một con heo trắng và hai củ tỏi, đến trước Ngài, nói : “Thiếp vào núi hái rau quyết, mặt trời đã xế, sói cọp tung hoành, trở về thì khó sống, xin ở nhờ một đêm”. Ngài hết sức từ chối, mà người con gái kêu khóc không thôi, bèn bảo nghỉ ở giường cỏ. Nửa đêm cô kêu la đau bụng, xin Ngài xoa bóp giùm. Ngài từ chối vì giữ Giới, không được chạm tay. Cô gái càng kêu la quá lắm. Ngài mới lấy cây tích trượng quấn vải vào rồi ở xa mà xoa cho. Sáng hôm sau, cô gái hóa áo quần thành mây lành, heo biến thành voi trắng, hai củ tỏi biến thành hai bông sen, bay lên không mà bảo rằng : “Ta là Bồ Tát Phổ Hiền, đến để thử ông đó”.

Quan Thái Thú ở đấy là Mạnh Nghi, tâu lên vua, vua ra lệnh xây chùa Pháp Hoa. Chuyện này cũng giống chuyện Đức Quan Âm thử Ngài Ngô Đạo Tử.

Việc phân thân thị hiện, xoa đầu an ủi thì không kể xiết. Ở Trung Hoa như thế, thì ngoài hằng sa thế giới cũng có thể biết là như vậy.

Có nhà sư hỏi Tổ Trường Sa: “Vì sao đồng tử Thiện Tài đi dạo thế giới trong thân Bồ Tát Phổ Hiền suốt vô lượng kiếp mà không khắp hết?”

Tổ Sa nói: “Ông từ vô lượng kiếp đến nay dạo chơi được khắp hết chăng?”

Hỏi: “Như sao là Thân Phổ Hiền?”

Tổ Sa nói: “Ở trong Hàm Nguyên điện, lại chạy kiếm Trường An!”

Lại có nhà sư từ giã Tổ Đại Tùy.

Tổ hỏi: “Đi đâu thế?”

Nhà sư đáp: “Đến núi Nga Mi, làm lễ Đức Phổ Hiền”.

Tổ Tùy dựng đứng cây phất tử, nói: “Văn Thù, Phổ Hiền chỉ tại trong này!”

Nhà sư vẽ một vòng tròn, ném về sau lưng.

Tổ Tùy nói: “Thị giả! Đem thêm trà cho vị sư này!”

Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

            “Biết pháp thì sợ

            Khinh địch thì mất

            Trong nước phân sữa

            Phải là ngỗng chúa!”.

XIV. VIÊN THÔNG VỀ TỶ THỨC

Kinh: Ông Tôn Đà La Nan Đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng: “Lúc tôi mới xuất gia, theo Phật vào Đạo, tuy đầy đủ Giới Luật, mà trong Tam Ma Địa thì tâm thường tán động, chưa được Vô Lậu. Thế Tôn dạy tôi và Ông Câu Hy La quán đầu mũi trắng. Lúc bắt đầu tu quán ấy trải qua ba lần bảy ngày, thấy hơi thở trong mũi ra vào như khói. Thân tâm bên trong sáng rỡ, rỗng suốt vẹn khắp thế giới, khắp hết thành rỗng không, sáng sạch, như ngọc lưu ly. Tướng khói lần lần hết mất, hơi thở hóa thành trắng. Tâm khai ngộ, các lậu hết sạch thì các hơi thở ra vào hóa thành hào quang, soi khắp mười phương thế giới, đắc A La Hán. Thế Tôn thọ ký cho tôi sẽ đắc Bồ Đề.

“Phật hỏi về Viên Thông, tôi dùng sự tiêu mất hơi thở, yên lặng lâu thì phát ra sáng suốt, sáng suốt tròn khắp thì diệt hết các lậu, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng: Ông Nan Đà là em ruột của Phật, rất thương vợ nên tâm thường tán động. Phật dùng nhiều phương tiện điều phục cho mà đắc quả. Trước điều khiển hơi thở là y nơi Căn, từ thô vào tế, từ tế vào Không, đó là xoay lại các Căn. Cách quán lỗ mũi trắng này là y nơi Thức. Hơi thở ban đầu như khói, kế hóa thành trắng, sau cùng thành quang minh, đó là phát từ Thức. Hơi thở trong mũi, sao lại thành khói? Hơi thở do gió và lửa khởi ra, làm động cái phiền não trược, nên hình dạng như khói. Đến khi tịnh quán phát sáng, thân tâm rỗng suốt, phiền não trược dần dần tiêu, nên hơi thở nơi mũi hóa thành trắng. Tâm khai ngộ, hết sạch các Lậu, không còn phiền não, cái sáng suốt bên trong phát chiếu ra, thì thấy thế giới như ngọc lưu ly, thế hơi thở chẳng hóa thành quang minh ư ? Hai thứ này, các Đạo Gia dưỡng sanh cho là bí truyền; còn nếu nơi Căn Viên Thông mà chứng được, thì há chẳng phải là hột giống Phật ư?

Xưa, Ngài Bách Trượng đang đi cùng Tổ Mã Tổ, thì thấy một bầy vịt trời bay qua.

Tổ nói: “Cái gì thế?”

Ngài Trượng nói: “Vịt trời”.

Tổ nói: “Đi đâu rồi?”

Ngài Trượng nói: “Bay qua rồi”.

Tổ bèn nắm mũi Bách Trượng kéo mạnh, Ngài đau quá la lên.

Tổ nói: “Còn nói bay qua nữa thôi?”

Ngài Bách Trượng liền tỉnh ngộ, về liêu thị giả, tấm tức khóc lớn.

Vị thị giả khác hỏi: “Ông nhớ cha mẹ ư?”

Đáp : “Không”.

Hỏi : “Bị người mắng chăng?”

Đáp : “Không”.

Hỏi : “Thế chuyện gì khóc?”

Đáp : “Lỗ mũi tôi bị đại sư vặn đau quá mà chẳng thấu triệt”.

Hỏi : “Có nhân duyên gì chẳng khế hợp được?”

Đáp : “Ông đi hỏi lấy đại sư đi!”

Vị thị giả ấy đi hỏi Mã Tổ: “Thị giả Hoài Hải Bách Trượng có nhân duyên gì không khế hợp, đang kêu khóc ở trong phòng, xin Hòa Thượng nói cho con!”

Đại sư nói: “Đó là hắn hiểu vậy, ông hãy tự mình hỏi lấy hắn ta xem”.

Vị ấy về phòng nói với Bách Trượng: “Hòa Thượng nói ông hiểu rồi, bảo tôi về tự hỏi ông?”

Bách Trượng ha hả cười lớn.

Vị thị giả nói: “Vừa mới khóc, sao giờ lại cười?”

Bách Trượng nói: “Hồi nãy khóc, bây giờ cười!”

Vị thị giả chẳng hiểu sao cả.

Hôm sau, Mã Tổ lên tòa giảng, đại chúng vừa nhóm họp, thì Bách Trượng bước ra cuốn chiếu. Tổ bèn xuống tòa. Bách Trượng đi theo đến phương trượng. Tổ nói: “Hồi nãy ta chưa hề mở lời, tại sao ông lại cuốn chiếu?”

Bách Trượng nói: “Hôm qua bị Hòa Thượng vặn lỗ mũi đau quá!”

Tổ nói: “Hôm qua ông lưu tâm chỗ nào?”

Bách Trượng nói: “Lỗ mũi hôm nay lại không đau”.

Tổ nói: “Ông thật biết rõ chuyện hôm qua”.

Ngài Bách Trượng làm lễ rồi lui ra.

Ngài Tuyết Đậu tụng rằng:

            “Con vịt trời, biết sao đây?

            Mã Tổ vừa thấy, nói cùng nhau

            Nói hết núi mây, trăng biển, tình

            Như xưa, chẳng hội, liền bay mất

            Muốn bay chăng?

            Nắm đứng lại

            Nói, nói!”

Lại có người nói được, thì phải như Bách Trượng lỗ mũi đau mà chẳng thấu triệt, mới được quang minh chiếu mười phương thế giới, đốn chứng Viên Thông.

XV. VIÊN THÔNG VỀ THIỆT THỨC

Kinh: Ông Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng: “Tôi từ bao kiếp đến nay, biện tài vô ngại, tuyên thuyết Khổ, Không, thấu suốt Thật Tướng. Như thế cho đến các Pháp Môn Bí Mật của hằng sa Như Lai, tôi đều ở trong chúng khai thị một cách vi diệu, được Vô Sở Úy. Đức Thế Tôn biết tôi có đại biện tài, nên dạy tôi tuyên dương bằng Pháp Luân Âm Thanh. Tôi ở trước Phật, giúp Phật chuyển Pháp Luân, nhân phát lên tiếng rống Sư Tử, thành A La Hán. Thế Tôn ấn chứng cho tôi thuyết pháp hơn hết thảy.

“Phật hỏi về Viên Thông, tôi dùng Pháp Âm hàng phục tà ma ngoại đạo, tiêu diệt các Lậu, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Đây là lấy Thiệt Căn tuyên dương chỗ toàn vẹn một ngàn hai trăm công đức, nên chẳng dùng sự nếm Vị để hiển bày Thiệt Thức. Rõ biết cái Khổ không có Khổ Tướng, cái Không không có Không Tướng, gọi là hiểu thấu sâu xa Thật Tướng. Ngay nơi Khổ, Không mà thuyết Thật Tướng, đó là pháp môn bí mật. Khai thị một cách vi diệu, rỗng suốt đến nguồn Pháp, nên được Vô Úy. Phật dùng ba Pháp Luân “Thân, Khẩu, Ý” mà ứng vật không vướng mắc. Ông Phú Lâu Na chỉ dùng Pháp Luân Âm Thanh mà thành A La Hán. Trong thì tiêu diệt các lậu, mật chứng Thật Tướng; ngoài thì rộng nói Pháp bí mật, hàng phục tà ma ngoại đạo. Biện tài vô ngại, là người Thuyết Pháp Số Một, đều do Thiệt Thức mà được Viên Thông vậy.

Tọa chủ Lượng ra mắt Ngài Mã Tổ. Tổ nói : “Nghe nói tọa chủ giảng Kinh, Luận thông suốt lắm, có phải không?”

Thầy Lượng nói: “Dạ, không dám”.

Tổ nói: “Lấy cái gì giảng?”

Thầy Lượng nói: “Lấy tâm giảng”.

Tổ nói: “Tâm như tay thợ đàn giỏi, Ý như con hát hòa theo, làm sao giảng được kinh?”

Thầy Lượng cãi lại rằng: “Tâm đã chẳng giảng được, chẳng lẽ hư không giảng được sao?”

Tổ nói: “Vậy mà hư không giảng được!”

Thầy Lượng không chịu, bèn bỏ đi ra.

Vừa xuống thềm, Ngài Mã Tổ gọi lớn: “Tọa Chủ!”

Thầy Lượng quay đầu lại, hoát nhiên đại ngộ. Bèn lễ bái.

Tổ nói: “Cái ông thầy độn căn này, lễ bái làm gì!”

Thầy Lượng về chùa, nói với thính chúng rằng : “Tôi giảng kinh không ai bì kịp, thế mà hôm nay bị đại sư Mã Tổ hỏi cho một câu, tất cả công phu trước giờ đều như băng rã tiêu tan”.

Bèn vào núi Tây Sơn, không còn dấu vết.

Há chẳng tiêu diệt các lậu hay sao?

Thiền sư Bàn Am Thành nói trước đại chúng: “Này các nhân giả! Hãy biết nay tôi hét lên một tiếng, có thể thấu đáo cả ngũ giáo”.

Im lặng một lúc, rồi hét lớn một tiếng mà hỏi: “Có nghe không?”

Đại chúng đáp: “Có nghe”.

Thiền sư nói: “Nay các ông có nghe một tiếng hét này, thế là Có, tức là vào Tiểu Thừa Giáo”.

Rồi hỏi tiếp: “Giờ các ông có nghe không?”

Đáp: “Không nghe”.

Thiền sư nói: “Giờ các ông không nghe, thì một tiếng hét này là Không, đó là vào Đại Thừa Thủy Giáo. Khi tôi mới hét, các ông đã bảo rằng Có; hét xong âm thanh tiêu mất, các ông lại nói rằng Không. Nhưng nói không, nghĩa là trước kia là có; nói rằng có, thì bây giờ là không. Thế là Chẳng Có, Chẳng Không, đó là vào Đại Thừa Chung Giáo. Khi tôi có hét, có chẳng phải là có, nhân nơi không mà có. Khi không hét, không chẳng phải là không, nhân nơi có mà không. Ấy là Tức Có Tức Không, là vào Đốn Giáo. Tôi ở nơi một tiếng hét, chẳng khởi ra cái Dụng của tiếng hét, thì Có và Không chẳng lập, ngộ và giải đều mất. Khi nói Có, mảy lông chẳng lập. Khi nói Không, rộng khắp hư không. Tức một tiếng hét này, tức là trăm ngàn vạn ức tiếng hét. Trăm ngàn vạn ức tiếng hét tức là một tiếng hét này. Đó là vào Viên Giáo”.

Các lời biện luận ghê gớm này, người nghe đều phải khuất phục, há chẳng hàng phục được ma oán ư?

XVI. VIÊN THÔNG VỀ THÂN THỨC

Kinh: Ông Ưu Bà Ly liền từ chỗ ngời đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng: “Chính tôi được theo Phật vượt thành xuất gia, được chính mình thấy Phật sáu năm khổ hạnh chuyên cần. Đích thân thấy Như Lai hàng phục các ma, chế ngự ngoại đạo, giải thoát các lậu tham dục của thế gian. Nhờ Phật dạy cho Giới Luật, như thế cho đến ba ngàn oai nghi, tám muôn Tế Hạnh, các Tánh Nghiệp và Giá Nghiệp đều thanh tịnh, thân tâm tịch nhiên, thành A La Hán. Tôi là cái mẫu mực trong chúng của Như Lai. Phật ấn chứng cho tôi giữ Giới thân tâm hơn cả trong chúng.

“Phật hỏi về Viên Thông, tôi do lấy việc giữ gìn cái Thân, mà Thân được tự tại; lần đến giữ gìn cái Tâm, mà Tâm được thông suốt; rồi sau cả thảy Thân Tâm đều thông suốt, nhạy bén, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng: Đức Như Lai sáu năm cần khổ, những cái gì ngoại đạo không làm nổi, Ngài đều làm hết. Thế nên có thể chế phục các ngoại đạo, lại giải thoát các lậu tham dục của thế gian, mà tà ma không thể quấy phá. Tức là các thứ binh khí của chúng đều hóa thành hoa sen, nên các ma chịu phục. Đều là do Thân giữ Giới Hạnh, ba ngàn tám vạn không đâu chẳng tròn đủ, bởi thế tà ma ngoại đạo chắp tay thán phục. Đi, đứng, nằm, ngồi, mỗi thứ có hai trăm năm chục, đối với ba tụ Tịnh Giới thành ra ba ngàn, lại lấy ba ngàn phối hợp với ba cái của Thân [Sát, Đạo, Dâm], bốn cái của Miệng [Vọng Ngôn, Lưỡng Thiệt, Ác Khẩu, Ỷ Ngữ] là bảy chi thành ra hai vạn một ngàn. Lại phối hợp với bốn phần phiền não, thành tám vạn bốn ngàn. Phật chế định Luật này là Giới Hạnh của Sa Môn, khiến cho Thân Tâm đều thanh tịnh. Bốn lỗi lầm dơ đục như Sát, Đạo, Dâm, Vọng thì tánh của chúng vốn là tội, không đợi phải ngăn cấm, phạm liền thành nghiệp, nên gọi là Tánh Nghiệp. Còn lại thì nhân có phạm mới ngăn cấm. Trước khi chế định mà phạm thì không tội, nên gọi là Giá Nghiệp. Hai nghiệp đều trừ sạch liền được Không Tịch.

Ban đầu dùng sự giữ gìn Thân, thì Thân được tự tại, ấy gọi là Tánh Nghiệp thanh tịnh. Lần đến giữ gìn Tâm, thì Tâm được thông suốt, ấy gọi là Giá Nghiệp thanh tịnh. Giữ gìn Thân rồi đến Tâm, Tâm là cái Thân của Thức, cái Thức về Thân đã diệt, nên Chân Trí hiện bày trước mắt. Giới trong sạch là Trí Huệ, bèn được Đạo Đệ Nhất. Đó là Ông Ưu Bà Ly giữ Giới số một, làm mẫu mực trong chúng vậy. Cho đến khi cả thảy Thân Tâm đều thông suốt, nhạy bén là vào chỗ Ngộ vậy, há đợi giữ gìn riêng Thân ư?

Tôn giả Bà Tu Bàn Đầu [Dịch là Biến Hành] thường ngày ăn chỉ một bữa, không nằm, sáu thời lễ Phật, trong sạch không dục, làm chỗ nương về của chúng.

Tổ Thứ Hai Mươi là Ngài Tôn Giả Xà Dạ Đa muốn độ cho Ngài, trước hết hỏi chúng kia rằng: “Vị đầu đà Biến Hành này hay tu Phạm Hạnh, có thể đắc Phật Đạo không?”

Đại chúng nói : “Thầy chúng tôi tinh tấn, sao lại không thể?”

Tổ nói: “Thầy các của cùng với Đạo cách xa vậy. Giả sử có khổ hạnh trải qua nhiều kiếp như bụi cũng là cái gốc hư vọng đó”.

Đại chúng nói: “Tôn giả chứa nhóm được đức hạnh gì mà xét bàn thầy chúng tôi?”

Tổ nói: “Ta chẳng cầu Đạo, cũng chẳng điên đảo. Ta chẳng lễ Phật, cũng chẳng khinh mạn. Ta chẳng ngồi hoài, cũng chẳng giải đãi. Ta chẳng ăn một bữa, cũng chẳng ăn lộn xộn. Ta chẳng tri túc, mà cũng chẳng tham dục. Tâm không có chỗ mong cầu, gọi đó là Đạo”.

Khi ấy. Ngài Biến Hành nghe xong, Trí Vô Lậu liền phát, hoan hỉ ca ngợi.

Tổ lại nói với đại chúng ấy rằng : “Hiểu lời ta chăng? Ta sở dĩ làm thế, vì tâm cầu Đạo của người ấy tha thiết. Phàm là dây đàn căng thì đứt nên ta chẳng tán thưởng mà khiến giúp người trụ nơi chỗ An Lạc, vào Trí Huệ Chư Phật”.

Tổ lại nói với Ngài Biến Hành: “Ta vừa rồi ở trước chúng mà ức hiếp ông, trong lòng ông không buồn chứ?”

Ngài Biến Hành nói: “Tôi nhớ lại bảy kiếp trước, sanh ở nước Thường An Lạc, thầy là Trí Giả Nguyệt Tịnh thọ ký cho tôi chẳng bao lâu sẽ chứng quả Tư Đà Hàm. Lúc ấy có Bồ Tát Đại Quang Minh ra đời. Tôi vì đã già nên chống gậy lạy ra mắt.

“Thầy la rằng: “Trọng con khinh cha, sao lại thô lậu thế?”

“Khi ấy, tôi tự cho là không có lỗi, xin thầy dạy cho”.

“Thầy nói: “Ông làm lễ Bồ Tát Đại Quang Minh, lại để cây gậy dựa vào mặt Phật vẽ trên vách. Vì lỗi coi thường này mà mất quả thứ hai”.

“Tôi tự ăn năn là từ xưa đến nay, nghe lời dữ thì như gió như vang, huống hồ nay được uống nước cam lồ vô thượng mà lại sanh buồn phiền ư? Xin Ngài rủ lòng đại từ, chỉ dạy Diệu Đạo cho”.

Tổ nói: “Ông trồng các Đức đã lâu, sẽ kế vị Tông ta”.

Bèn phó chúc bài pháp kệ:

            “Dưới lời hợp Vô Sanh

            Đồng với pháp giới tánh

            Nếu tỏ hiểu như thế

            Thông suốt hết Sự, Lý”.

Đây là Tổ Thứ Hai Mươi Mốt.

Ôi, chẳng tu Phạm Hạnh mà mong được Vô Thượng Bồ Đề, thì xưa giờ chưa hề nghe vậy.

XVII. VIÊN THÔNG VỀ Ý THỨC

Kinh: Ông Đại Mục Kiền Liên liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng: “Ban đầu tôi giữa đường khất thực thì gặp ba anh em họ Ca Diếp Ba là các Ông Ưu Lâu Tần Loa, Già Gia và Na Đề, tuyên nói thâm nghĩa Nhân Duyên của Như Lai, tôi liền phát tâm, được rất thông suốt. Như Lai ban cho tôi áo cà sa đắp thân, râu tóc tự rụng. Tôi ngao du mười phương, được không chướng ngại, Thần Thông hiển phát, được chúng cho là hơn cả, thành A La Hán. Không chỉ Thế Tôn, mà mười phương Như Lai đều khen sức Thần Thông của tôi là tròn sáng trong sạch, Tự Tại Vô Úy.

“Phật hỏi về Viên Thông, tôi do xoay về Bản Tánh Trong Lặng, ánh sáng của Tâm mở phát, như lắng nước đục lâu thành trong sáng, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng: Con người không thể tròn sáng, trong sạch là do ý thức trôi lạc theo trần, do đó tâm bị cái hình sử dụng, chẳng phải là cái thần sử dụng. Nếu thức không trôi lăn mà quay về Bản Tánh Diệu Trạm, thì như lắng nước đục, lâu ngày trong sáng, ánh sáng của Tâm mở phát, thần thông tự tại, cái ý thức được không-ngăn ngại. Trong Lục Thông, chỉ có Lậu Tận Thông là nội chứng, còn năm cái kia đều thuộc về sự dùng bên ngoài. Kinh Viên Giác nói: “Như Huyễn Tam Muội, như mầm dần tăng trưởng”. Thế nên tích tập lâu ngày, mới thật trong sáng.

Nhà sư Bảo Chí, ban đầu chỉ tập định, định lâu ngày bỗng nhiên được thần thông.

Thiền sư Đặng Ẩn Phong, mùa Đông ở núi Hành Nhạc, mùa Hạ ở núi Thanh Lương. Trong năm Nguyên Hòa, Ngô Nguyên Tế khởi binh, chống lại triều đình. Quân triều đình cùng giặc giao tranh không phân thắng bại. Thiền sư nói: “Ta phải đi giải bỏ hoạn nạn này”. Bèn ném cây gậy lên không, bay thân qua đến. Tướng sĩ hai bên ngước lên xem, sự việc hợp với giấc mộng báo trước, tâm tranh đấu mất ngay.

Sư đã hiện thần thông lạ lùng, e làm mê lầm đại chúng, bèn vào núi Ngũ Đài, trước động Kim Cương, trước khi thị tịch, dạy chúng rằng: “Người ở các nơi khi thị tịch, ngồi mà chết, nằm mà chết, ta đều thấy cả, còn có ai đứng mà chết chưa?”

Đại chúng đáp: “Dạ, có”.

Ngài nói: “Còn có ai đứng ngược đầu chưa?”

Đại chúng nói: “Dạ, chưa từng thấy”.

Thiền sư Phong bèn đứng ngược đầu mà hóa, áo quần vẫn xuôi theo thân mình. Khi chúng khiêng đi làm lễ hỏa táng, vẫn sừng sững chẳng động. Người xem xa gần thấy vậy, lạ lùng khen ngợi không dứt.

Ngài có một người em gái làm ni cô, khi ấy cũng ở đấy, bèn tát tai mà la rằng: “Lão huynh khi sống thì chẳng theo pháp luật, lúc chết lại hoa mắt lừa người!”

Rồi lấy tay xô ngã ầm xuống.

Cho nên thần thông là quả vị, mà người sáng mắt cũng chẳng màng.

Tổ Ngưỡng Sơn lên tòa giảng, có nhà sư Ấn từ trên không bay đến. Tổ Ngưỡng Sơn nói : “Mới vừa rời chỗ nào?”

Đáp : “Ấn Độ”.

Tổ nói : “Rời đó khi nào?”

Đáp : “Hồi sáng nay”.

Tổ nói : “Sao chậm quá vậy!”

Đáp : “Còn vui chơi non nước”.

Tổ nói : “Du hý thần thông thì chẳng phải không có. Nhưng đối với Phật Pháp, Xà Lê phải cần lão tăng mới được”.

Đáp rằng: “Định qua Đông Độ làm lễ Đức Văn Thù, lại gặp Tiểu Thích Ca”.

Rồi lấy ra kinh điển Phạn bằng lá bối đưa cho Tổ Ngưỡng Sơn, rồi nương không trung mà đi.

Tổ Ngưỡng Sơn dạy chúng rằng: “Ta nay hướng về các ông mà nói chuyện phía Thánh. Hãy chớ đem tâm mà níu, đậu. Chỉ hướng vào cái Biển Tánh chính mình, như Phật mà tu. Chẳng cần đến Tam Minh và Lục Thông. Vì sao thế? Vì đó là chuyện ngọn ngành rốt chót của Thánh. Như nay chỉ cốt rõ Tâm, đạt gốc, hễ đạt gốc thì lo gì cái ngọn, mai kia sẽ tự đầy đủ hết trong ấy. Nếu chưa đạt cái gốc, dầu cho đem vọng tình mà học cái việc ấy cũng không được. Các ông há chẳng thấy Hòa Thượng Quy Sơn nói: Tình phàm Thánh hết, thể lộ Chân Thường, Sự Lý không hai, tức Như Như Phật”.

Đây là con đường Chánh Pháp tròn sáng, trong sạch vậy. Từ Ngài Xá Lợi Phất đến đây, nói rằng: “Cái Thấy của Tâm, cái nghe của Tâm, ánh sáng của Tâm, đó là chẳng do căn, chẳng do cảnh, thoát hết căn trần, rốt ráo không tập khí mê lầm. Đây là do sáu Thức mà chứng Viên Thông vậy.

XVIII. VIÊN THÔNG VỀ HỎA ĐẠI

Kinh: Ông Ô Sô Sắt Ma ở trước Đức Phật, chấp tay đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng: “Tôi thường nhớ, trước kia trong kiếp xa xôi, tánh khí nhiều tham dục. Có Phật ra đời, hiệu là Không Vương dạy rằng: “Người đa dâm thành đống lửa hồng”. Ngài dạy tôi quán khắp các khí nóng, lạnh nơi trăm vóc tứ chi. Tôi quán như thế mà thần quang lặng đứng ở trong, hóa cái tâm thức đa dâm thành lửa Trí Huệ. Từ ấy, các Đức Phật đều gọi tôi tên là Hỏa Đầu. Tôi dùng sức Hỏa Quang Tam Muội mà thành A La Hán. Tâm phát đại nguyện khi các Đức Phật thành đạo, tôi làm lực sĩ ở bên Phật mà dẹp phục tà ma quấy phá.

“Phật hỏi về Viên Thông, tôi quán sát các hơi ấm nơi thân tâm, lưu thông không ngại, các lậu đã tiêu, sanh ra ngọn lửa Đại Trí quý báu, chứng Vô Thượng Giác, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Trong đoạn trước, về bảy Đại, nói Tánh lửa là Chân Không, Tánh Không là Chân Lửa, bản nhiên thanh tịnh, toàn khắp Pháp Giới. Vì Hỏa Quang Tam Muội vốn sẵn đủ cái lực không thể nghĩ bàn, nên Ông Hỏa Đà Kim Cang mới dùng cái Thần Quang lắng đọng, hóa cái tâm đa dâm thành ra ngọn lửa Trí Huệ. Chánh ở nơi chỗ bắt đầu động của Chân Hỏa mà phản bổn hoàn nguyên, quay về thanh tịnh, thành ra Trí Huệ. Người đa dâm thì hơi nóng bức bách phát ra, sống thì làm lửa dục, chết thì làm lửa nghiệp. Nghiệp lực lừng mạnh, thành đống lửa lớn.

Bồ Tát Di Lặc nói : “Trai gái qua lại với nhau, đôi bên giao hợp, cái bất tịnh chảy ra. Chư Thiên cõi Dục Giới, tuy hành dâm dục, không có cái bất tịnh này, nhưng ở căn môn có hơi gió xuất ra, thì hơi nóng bức bèn hết. Các Trời ở cõi Tứ Thiên Vương, khi giao hợp thì cái nóng bức bèn hết. Như cõi Tứ thiên Vương, cõi Trời Thứ Ba Mươi Ba là Đao Lợi Thiên cũng thế. Cõi Trời Phần Thiên thì ôm lấy nhau, cái nóng bức liền hết. Cõi Trời Tri Túc, chỉ cần nắm tay nhau, cái nóng bức liền hết. Cõi Trời Hóa Lạc thì nhìn nhau mà cười thì cái nóng bức liền hết”.

Đó há chẳng phải là lòng dục càng giảm thì cái chốn ở càng cao ư?

Cô Ma Đăng Già lòng Dâm tiêu tan hết, liền chứng Quả Thứ Ba. Ông Hỏa Đầu Kim Cang các Lậu đã tiêu, chứng Vô Thượng Giác, thì có gì lạ đâu?

Ngài Quy Sơn đang đứng hầu Tổ Bách Trượng.

Tổ Trượng hỏi: “Ai đó?”

Ngài Quy Sơn nói: “Dạ, tôi”.

Tổ Trượng nói: “Ông bới trong lò xem có lửa không?”

Ngài Quy bới, rồi nói: “Không có lửa”.

Tổ Trượng đứng lên, tự mình bới sâu xuống được chút lửa, đưa ra cho xem và nói: “Ông nói là không, thế cái gì đây?”

Quy Sơn do đó phát ngộ, làm lễ tạ ơn và trình chỗ hiểu.

Tổ nói: “Đây mới là đường rẽ tạm thời thôi. Kinh nói rằng: “Muốn rõ nghĩa Phật Tánh phải xem thời tiết nhân duyên”. Thời tiết đã đến thì như mê bỗng ngộ, như quên bỗng nhớ, mới biết cái vật ấy của ta chẳng do người mà được. Bởi thế Tổ Sư nói: “Ngộ rồi đồng chưa ngộ, không tâm cũng không pháp”. Chỉ cái Tâm không phàm Thánh hư vọng là cái Tâm Pháp Bổn Lai, vốn tự sẵn đủ. Ông nay đã thế, hãy khéo hộ trì”.

Ngày hôm sau, Ngài cùng Tổ Bách Trượng vào núi làm việc.

Tổ Trượng nói: “Đem được lửa đến không?”

Ngài Quy Sơn nói: “Đem đến được”.

Tổ nói: “Ở đâu, nào?”

Ngài Quy Sơn bèn cầm lên một cành củi, thổi hai cái, đưa cho Tổ Trượng.

Tổ nói : “Như con trùng địch với cái cây”.

Ngài Diệu Hỉ nói: “Nếu Tổ Bách Trượng không có lời nói sau, thì sẽ bị thầy Điển Tòa khinh lắm”.

Đây cũng là do Hỏa Đại mà lên Vô Thượng Giác vậy. Há phải quán sát cái khí nóng lạnh trong thân mới chứng Viên Thông ư?

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM