KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

TÔNG THÔNG

TÂY TẠNG TỰ - BÌNH DƯƠNG

Người dịch : THUBTEN OSALL LAMA - NHẪN TẾ THIỀN SƯ

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG V: PHÂN BIỆT CÁC NGHIỆP QUẢ TẠO THÀNH TAM GIỚI. CHỈ RÕ CÁC CẢNH GIỚI TU CHỨNG VÀ CÁC CHƯỚNG NGẠI

I. HỎI VỀ SỰ SANH KHỞI VÀ NHÂN QUẢ CỦA LỤC ĐẠO

Kinh: Phật nói lời ấy xong, liền khi đó, Ông Anan và cả đại chúng nhờ được Như Lai khai thị ý nghĩa mật ấn Bát Đát Ra, lại nghe được những tên gọi Liễu Nghĩa của kinh này, đốn ngộ được diệu lý tăng thượng để tu, tiến vào các Thánh Vị trong Thiền Na. Tâm tư rỗng lặng, đoạn trừ sáu phẩm phiền não vi tế tư-hoặc về tam giới.

Ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, chắp tay cung kính, bạch Phật rằng: “Đại oai đức Thế Tôn, Từ Âm không che ngại, khéo khai ngộ những lỗi lầm sâu kín nhỏ nhiệm của chúng sanh, khiến chúng tôi ngày nay thân tâm khoan khoái rỗng nhiên, được lợi ích lớn.

“Thưa Thế Tôn, cái Chân Tâm diệu minh trong sạch nhiệm mầu này bổn lai toàn khắp viên mãn, như thế cho đến đất đai, cỏ cây, các loài máy động vốn nguyên là Chân Như, đó là Chân Thể thành Phật của Như Lai. Nếu Phật Thể vốn chân thật như thế thì cớ sao lại có các nẻo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, tu la, người, Trời. Bạch Thế Tôn, những nẻo ấy là bổn lai tự có hay do tập khí hư vọng của chúng sanh khởi ra?

“Bạch Thế Tôn, như Tỳ Kheo Ni Bảo Liên Hương giữ Bồ Tát Giới, lén làm việc dâm dục, rồi nói càn rằng hành dâm chẳng phải sát sanh, chẳng phải trộm cắp, không có nghiệp báo! Phát lời ấy rồi, trước hết nơi nữ căn sanh ra ngọn lửa hừng lớn, sau nơi mỗi mỗi đốt xương lửa cháy phừng phừng, đọa địa ngục Vô Gián.

“Như Đại Vương Lưu Ly và Tỳ Kheo Thiện Tinh: Lưu Ly vì giết hai họ hàng Cù Đàm; Thiện Tinh vì thuyết bậy rằng tất cả pháp đều rỗng không mà thân đang sống đọa vào địa ngục A Tỳ.

“Các địa ngục này là có chỗ nhất định, hay là tự nhiên mà khi mỗi người kia phát nghiệp thì mỗi mỗi riêng chịu?

“Xin Phật rủ lòng Đại Từ, khai thị cho kẻ non dại mê muội, khiến cho tất cả các chúng sanh trì giới nghe nghĩa quyết định, hoan hỉ đội đầu, cẩn thận giữ gìn không phạm”.

Thông rằng: Ông Anan nghe Phật bảo rằng “Mật ấn liễu nghĩa chỉ là một con đường hướng thượng rõ ràng, hẳn không có sự Tu vậy”. Nhưng vô minh bao kiếp bời bời há có thể trừ hết ngay sao? Do đó, nơi Diệu Lý tăng thượng tu lên các Thánh Vị được cái cửa ngộ vào thì tuần tự mở tỏ thân tâm, tâm tư rỗng lặng, đã được đoạn trừ sáu phẩm phiền não nhỏ nhiệm của Tư Hoặc thuộc về tam giới.

Tam Giới [Ba cõi] phân ra chín Địa, mỗi Địa có chín Phẩm. Đoạn trừ chín Phẩm của Dục Giới: Trừ sáu Phẩm đầu chứng quả Thứ Nhì, trừ ba Phẩm sau chứng quả Thứ Ba, A Na Hàm. Đoạn trừ hết mười tám Phẩm của hai giới Sắc và Vô Sắc, chứng bậc Vô Học A La Hán.

Đoạn trừ sáu phẩm phiền não vi tế này là chỉ Thân Kiến, Biên Kiến và Tà Kiến đoạn trừ ở địa vị Sơ Quả. Kiến Thủ, Giới Thủ và Tham đoạn trừ ở địa vị Nhị Quả. Còn lại Sân, Mạn và Si đến địa vị Thứ Ba mới đoạn trừ. Ông Anan mới chứng Nhị Quả nên chỉ đoạn trừ được sáu Phẩm.

Chẳng đoạn Vô Minh thì chẳng chứng Vô Sanh. Tuy chứng Vô Sanh mà phiền não vô minh vi tế chưa hết thì chưa đắc Chân Ngộ vậy. Nên ông xin Phật nói rõ sâu xa về bảy nẻo luân hồi để mở chỗ nghi lầm, khiến cho người trì giới cẩn thận giữ gìn không phạm.

Chỗ nghi của Ngài Anan tuy tương tự với cái nghi “Bổn nhiên thanh tịnh sao bỗng sanh núi sông đại địa” ở trước. Nhưng ba thứ tương tục là do vọng kiến mà sanh ra, lại nữa, mười hai loại sanh đều là do điên đảo. Ông Anan há chẳng lãnh hội sao mà lại có nghi vấn này? Đó chính là vì sợ có người diệu ngộ trở lại chấp cái Chân Tâm trong sạch nhiệm mầu này xưa nay toàn khắp viên mãn, bèn nhận là đại địa, cỏ cây vốn một Chân Như, Chân Thể thành Phật, sao còn có các thứ địa ngục v.v... Đây là chấp cái Diệu Viên mà bác bỏ các nẻo, chỉ riêng rõ ràng việc hướng thượng mà chẳng đoạn dứt phiền não thì thường thường có cái bệnh này.

Nếu quả không có các nẻo địa ngục v.v... thì Tỳ Kheo Thiện Tinh và Tỳ Kheo Ni Bửu Liên Hương đúng ra không có báo ứng rõ ràng. Nay cảm ứng rõ ràng, chẳng sai chạy thì các nẻo địa ngục phải là có. Há chẳng do tu tập lầm loạn mà đưa đến ư? Chỉ do nơi tu tập lầm loạn, nên không được chấp chặt nhất định là có, cũng không được chấp chặt nhất định là không. Tu tập chẳng lầm thì có cũng thành không. Tu tập đã lầm thì không cũng thành có. Chỗ này hoàn toàn do ở sự tu tập vậy. Trì Giới Luật, đoạn phiền não há có thể chẳng chăm chỉ cẩn thận ư?

Khi Tổ Bách Trượng thượng đường thì thường có một ông già nghe pháp rồi theo đại chúng đi ra.

Một hôm ông chẳng về, Tổ hỏi: “Đứng đó là ai?”

Ông già nói: “Vào thời Phật Ca Diếp tôi đã từng ở núi này. Có người học Đạo hỏi rằng: “Người tu hành còn rơi vào (lạc) nhân quả không?” Tôi đáp: “Chẳng rơi vào nhân quả”, bị đọa vào thân chồn năm trăm kiếp. Nay xin Hòa Thượng thay thế cho một chuyển ngữ””.

Tổ Bá Trượng nói: “Chẳng mê mờ nhân quả”.

Ông già nghe xong đại ngộ, cáo biệt rằng: “Tôi đã khỏi thân chồn rồi, ở phía sau núi, xin theo nghi thức tăng qua đời mà thiêu cho”.

Tổ khiến Ông Duy Na [Quản chúng] đánh bản, báo với đại chúng sau khi thọ trai thì mời hết, đi đưa vị tăng qua đời. Đại chúng không hiểu gì.

Tổ dẫn đại chúng đến cái hang ở sau núi, lấy trượng khều ra một xác chồn, rồi theo nghi thức hỏa táng.

Đến buổi tham học chiều, Tổ đang nêu lại câu chuyện thì Ngài Hoàng Bá bèn hỏi: “Người xưa đáp sai một chuyển ngữ mà đọa vào thân chồn hoang. Còn ngày nay chuyển chuyển đều chẳng lầm thì thế nào?”

Tổ nói: “Đến gần đây ta nói cho nghe!”

Hoàng Bá đến gần, đánh Tổ một cái.

Tổ vỗ tay cười rằng: “Sắp nói Hồ râu đỏ, lại có đỏ râu Hồ!”

Ngài Thiên Đồng tụng rằng:

            “Một thước nước,

            Một trượng sóng!

            Năm trăm kiếp trước chẳng hề gì

            Chẳng “lạc”, chẳng “mờ” thương lượng đi

            Y xưa, rớt vào bộng cát đằng

            Ha ha ha, hiểu vậy chăng?

            Nếu mà ông liên miên lỗi lạc

            Nào ngại ta ha hả cười hoài

            Thần ca Thánh múa thành ra khúc

            Khoảng ấy vỗ tay hát lý la”.

Viên thiền sư ở trong hội của Tổ Nam Công nghe hai nhà sư nhắc lại câu chuyện trên. Một vị nói “Chỉ như “Chẳng mờ nhân quả” thì cũng chưa thoát được thân cáo chồn!”

Vị kia lên tiếng: “Vậy thì “Chẳng sa nhân quả” thì cũng có bao giờ đọa vào thân cáo chồn ư?”

Ngài Viên hoảng hồn, kinh dị với các lời trên, vội lên Tổ Hoàng Bá, khi qua cái khe đầu am Tích Thúy, bỗng nhiên đại ngộ. Gặp Tổ Nam Công, kể bày câu chuyện chưa xong mà nước mắt ướt má.

Tổ Nam Công bảo Ngài lại chỗ nằm của ông thị giả mà ngủ.

Bỗng Ngài ngồi dậy đọc bài kệ:

            “Chẳng “lạc”, chẳng “mờ”

            Tăng tục vốn không kiêng cữ

            Trượng phu khí phách như Vương

            Nào chịu túi, chăn che đậy

            Một cành liễu táo mặc tung hoành

            Chồn cáo nhảy vào đàn sư tử”.

Tổ Nam Công cười lớn.

Vậy thì một cái anh chồn cáo này, trước kia sao là có, về sau sao là không? Các nhà ở nơi cái nhân duyên này, che đậy biết bao kẻ, mở thoát biết bao người. Thế mới biết chỗ đáng quý là Chân Ngộ vậy. Nếu chấp Diệu Viên mà bác bỏ các nẻo nghiệp thì quả là kiến giải của loài tinh chồn cáo vậy.

II. KHAI THỊ VỀ PHẬN TRONG, PHẬN NGOÀI CỦA CHÚNG SANH

Kinh: Phật bảo Ông Anan: “Hay thay lời hỏi đó, khiến cho chúng sanh chẳng rơi vào tà kiến. Nay ông hãy nghe kỹ, ta sẽ vì ông mà nói.

“Anan, tất cả chúng sanh thật ra vốn Chân Tịnh, nhân tự có vọng kiến mà có các tập khí hư vọng sanh ra. Do đó mà có phân ra phận trong và phận ngoài.

“Anan, Phận Trong tức là trong phần của chúng sanh. Do các ái nhiễm phát khởi vọng tình, tình tích chứa mãi không ngừng thì hay sanh ái thủy. Bởi thế chúng sanh hễ tâm nhớ món ăn ngon thì trong miệng nước chảy ra; hễ tâm nhớ người trước, hoặc thương hay ghét thì trong mắt lệ tràn. Tham cầu của báu thì tâm phát ái diên (nước dãi), cả mình đều trơn nóng. Tâm dính vào chuyện hành dâm thì hai căn nam, nữ tự nhiên chảy nước dịch.

“Anan, các ái tuy có khác nhau, nhưng kết quả chảy nước là đồng, thấm ướt không lên được, tự nhiên theo đó mà sa xuống, ấy gọi là phận trong.

“Anan, Phận Ngoài tức là ngoài phần của chúng sanh. Nhân các lòng khao khát, trông mong, phát sanh ra các hư tưởng. Cái Tưởng chứa chất mãi không thôi thì hay sanh ra sự trội hơn về khí. Bởi thế chúng sanh tâm giữ Giới Cấm thì cả thân mình nhẹ nhàng trong suốt. Tâm giữ Chú Ấn thì mắt nhìn hùng dũng, nghiêm nghị. Tâm muốn sanh cõi Trời thì chiêm bao thấy bay lên. Tâm để nơi cõi Phật thì Thánh cảnh thầm hiện. Phụng sự bậc thiện trí thức thì tự coi nhẹ thân mệnh mình.

“Anan, các Tưởng tuy khác nhau, nhưng sự nhẹ nhàng cất lên thì đồng. Cất bay lên không chìm xuống, tự nhiên vượt lên, ấy gọi là Phận Ngoài.

“Anan, hết thảy thế gian sống chết nối nhau : Sanh thì theo tập khí quen thuộc; tử thì theo sự đổi dòng. Lúc mệnh chung, chưa hết hơi ấm thì thiện ác một đời cùng lúc liền hiện ra. Sống thuận, chết nghịch, hai tập khí giao nhau.

“Thuần là Tưởng thì bay lên, hẳn là sanh trên cõi Trời. Nếu trong tâm bay lên đó gồm cả Phước Đức và Trí Huệ cùng với tịnh nguyện thì tự nhiên tâm mở tỏ, thấy tất cả Tịnh Độ của mười phương Chư Phật, rồi tùy nguyện mà vãng sanh.

“Tình ít, Tưởng nhiều thì cất lên chẳng xa mà làm các loài Phi Tiên, Đại Lực Quỷ Vương, Phi Hành Dạ Xoa, Địa Hành La Sát dạo trong bốn cõi trời không bị ngăn ngại. Nếu có thiện nguyện, thiện tâm hộ trì Phật Pháp hoặc hộ trì Cấm Giới thì theo người trì Giới, hoặc hộ trì Thần Chú thì theo người trì Chú, hoặc hộ trì thiền định thì giữ an pháp nhãn, hết thảy đều được gần gũi dưới pháp tòa của Như Lai.

“Tình và Tưởng ngang nhau thì không bay lên, không đọa xuống, sanh nơi cõi người. Tưởng sáng thì thông minh, Tình tối thì ngu độn.

“Tình nhiều Tưởng ít thì trôi dạt vào cầm thú : Nặng thì làm giống mang lông, nhẹ thì làm loài có cánh.

“Bảy phần Tình, ba phần Tưởng thì chìm xuống Thủy Luân, sanh nơi mé Hỏa Luân, chịu ngọn lửa mạnh, thân làm ngạ quỉ, thường bị thiêu đốt. Vì nước có thể hại mình nên trải trăm ngàn kiếp không ăn không uống.

“Chín phần Tình, một phần Tưởng thì xuống thấu Hỏa Luân, thân đi vào ranh giới giao nhau của Phong Luân và Hỏa Luân, nhẹ thì sanh vào Hữu Gián, nặng thì sanh vào Vô Gián, hai thứ địa ngục.

“Thuần là Tình thì chìm sâu vào ngục A Tỳ. Nếu trong tâm chìm đắm đó mà có sự hủy báng Đại Thừa, phá Cấm Giới của Phật, nói pháp láo dối, tham bậy của tín chủ, lạm nhận sự cung kính hoặc Ngũ Nghịch, Thập Trọng thì lại sanh vào địa ngục A Tỳ mười phương.

“Theo sự tạo ác nghiệp, tuy tự chuốc lấy nhưng trong nghiệp đồng phận chung đó vẫn có chỗ sẵn.

Thông rằng: Đây là trả lời chung câu hỏi “Các nẻo là vốn tự có hay là do tập khí hư vọng của chúng sanh sanh khởi ra?”

Căn cứ theo chỗ chiêu cảm của bảy nẻo tùy nghiệp thọ sanh, hoặc thiên đường, địa ngục... hoặc cõi người thì khổ vui chẳng đồng, nhưng mỗi nẻo đều có đồng nghiệp tương thành, tức là trong đồng phận vốn có chỗ sẵn, không thể cho là không có, vì nó vốn là do tập khí hư vọng sanh ra vậy. Tánh của chúng sanh vốn là Chân Tịnh, chẳng rơi vào Thánh, phàm. Bởi tự dấy khởi tình kiến, chẳng biết đó là hư vọng, hư vọng mà huân tập hoài thì không bỏ được nữa.

Từ thân xác khởi vọng niệm thì cái vọng kiến đó, tập khí hư vọng đó ở trong phần của thân xác. Từ ý tưởng khởi vọng niệm thì cái kiến, cái tập khí hư vọng đó ở ngoài phần của thân xác. Trong phần của thân xác, do Ái mà mắc Tình : miệng đối với vị, mắt đối với sắc, tâm đối với của cải hay sanh ra ái thủy. Tánh nước chảy xuống nên theo đó mà rớt xuống. Ngoài phần của thân xác, do Suy mà mắc vào Tưởng: hoặc để tâm nơi cõi Phật, hay muốn sanh lên cõi trời, hoặc giữ thiện pháp, nên hay sanh ra cái khí trội hơn. Khí thì bay lên, nên theo đó mà đi lên.

Thuần là Tưởng thì sanh từ cõi Đao Lợi trở lên, có tịnh nguyện thì sanh cõi Tịnh Độ. Chín phần Tưởng thì làm Phi Tiên; tám phần Tưởng thì làm Đại Lực Quỷ Vương. Bảy phần Tưởng thì làm Phi Hành Dạ Xoa. Sáu phần Tưởng làm Địa Hành La Sát. Bởi vì Tưởng trội vượt nên chỗ đi không ngăn ngại vậy.

Nhưng Tình có tà, chánh. Chánh thì không rời pháp tòa của Như Lai, bởi trước giờ giữ Giới, trì Chú, phụng sự thiện tri thức, nên rốt cuộc làm Thần Hộ Pháp. Tình và Tưởng ngang nhau thì sanh ở cõi người. Sáu phần Tình thì làm cầm thú. Bảy phần Tình thì làm ngạ quỷ. Tám phần Tình thì sanh vào địa ngục Hữu Gián. Chín phần Tình thì sanh vào địa ngục Vô Gián. Thuần là Tình thì chìm vào địa ngục A Tỳ. Có thêm các tội chê Phật, báng Pháp thì lại sanh vào địa ngục A Tỳ mười phương không có ngày ra. Ấy là vọng nghiệp tự chuốc lấy, sạch dơ có khác vậy.

Nếu chẳng vướng mắc nơi Tình ắt địa ngục không. Chẳng vướng mắc nơi Tưởng ắt thiên đường không. Tình, Tưởng đều không thì tuy ở nhân gian mà tâm dạo nơi cõi Phật. Bảy nẻo nghiệp vẫn có sẵn thì Tịnh Độ cũng có sẵn rõ ràng vậy. Trở lại cái bổn lai chúng sanh chân tịnh của ta mà chẳng sanh nơi Tịnh Độ thì sanh về đâu?

Có nhà sư hỏi Tổ Bách Trượng: “Đối với tất cả cảnh, như sao mà được tâm như gỗ đá nhỉ?”

Tổ Trượng nói: “Tất cả các pháp vốn chẳng tự nói không, chẳng tự nói sắc, cũng chẳng tự nói trái phải, dơ sạch, cũng không có tâm trói buộc người. Chỉ tại con người tự hư vọng dấy nghĩ mà vướng mắc, tạo ra đủ thứ giải thoát tìm hiểu, khởi bao nhiêu thứ tri kiến, sanh bao nhiêu thứ thương ghét. Chỉ rõ các pháp vốn chẳng tự sanh, hết thảy đều từ một niệm vọng tưởng điên đảo bám giữ tướng của tự mình mà có. Biết Tâm cùng cảnh vốn chẳng đến nhau, ngay đây là Giải Thoát. Mỗi mỗi các pháp, hiện đây tịch diệt, hiện đây là đạo tràng. Cái Tánh vốn hiện có, chẳng thể đặt tên, phân hạng. Xưa nay chẳng là phàm, chẳng là Thánh, chẳng là dơ sạch, cũng chẳng không hay có, cũng chẳng phải thiện, ác. Tương ưng với các pháp nhiễm ô thì gọi là cảnh giới Trời, người, Nhị Thừa.

Bằng như tâm dơ sạch hết tuyệt, chẳng trụ ràng buộc, chẳng trụ giải thoát, không có hết thảy tâm lượng hữu vi, vô vi, ràng buộc, giải thoát, thì ở ngay trong sanh tử, mà tâm đó tự tại. Rốt ráo chẳng cùng các thứ trần lao hư huyễn, uẩn giới sanh tử giả dối. Các thứ nhập, hòa hiệp rỗng nhiên không nhờ gởi. Hết thảy chẳng dính giữ, ở đi không ngăn ngại. Tới lui sanh tử giống như cửa thường mở hoác!”

Tổ Bách Trượng đại từ thuận lời phát huy, thầm hợp với ý chỉ đoạn kinh này. Nơi đây mà thừa thọ, đảm đương được ngay thì Tình, Tưởng liền vượt thoát, chẳng kẹt vào tà kiến. Rốt là Như Lai hẳn khen “Hay thay” vậy.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM