KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

TÔNG THÔNG

TÂY TẠNG TỰ - BÌNH DƯƠNG

Người dịch : THUBTEN OSALL LAMA - NHẪN TẾ THIỀN SƯ

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG V: PHÂN BIỆT CÁC NGHIỆP QUẢ TẠO THÀNH TAM GIỚI. CHỈ RÕ CÁC CẢNH GIỚI TU CHỨNG VÀ CÁC CHƯỚNG NGẠI

VI. KHAI THỊ SỰ HƯ VỌNG CỦA BẢY LOÀI ĐỂ KHUYÊN TU CHÂN CHÁNH

Kinh: “Anan, xét kỹ ra thì bảy loài Địa Ngục, Ngạ Quỉ, Súc Sanh, Người và Thần Tiên, Trời và A Tu La như thế đều là các tướng hữu vi tối tăm chìm đắm, do vọng tưởng mà thọ sanh, do vọng tưởng mà theo Nghiệp, trong Bản Tâm Diệu Viên Minh Vô Tác thì đều như hoa đốm giữa hư không, vốn không dính bám, chỉ thuần là hư vọng, tuyệt không gốc rễ, mối manh.

“Anan, những chúng sanh đó chẳng nhận biết Bản Tâm, chịu sự luân hồi như kia trong vô lượng kiếp, chẳng được cái Thanh Tịnh Chân Thật đều là do thuận theo Sát, Đạo, Dâm vậy. Còn ngược lại ba thứ đó thì lại sanh ra không Sát, không Đạo, không Dâm. Có Sát, Đạo, Dâm thì gọi là loài Quỉ; không có gọi là loài Trời. Có, Không đắp đổi nhau, khởi ra tánh luân hồi.

“Nếu nhiệm mầu phát huy được pháp Tam Ma Đề ắt là thường hằng tịch lặng nhiệm mầu, trong đó hai cái Có và Không đều không, mà cái Không có cả hai cũng diệt. Cái không Sát, không Đạo, không Dâm còn không có, lấy đâu mà lại thuận theo việc Sát, Đạo, Dâm?

“Anan, chẳng đoạn ba nghiệp thì mỗi mỗi chúng sanh đều có phận riêng. Nhân mỗi mỗi phận riêng đó mà có đồng phận chung của các cái riêng, không phải là không có chỗ nhất định. Ấy là do tự hư vọng phát sanh ra, cái hư vọng phát sanh ra đó vốn không có nhân, không có nguồn gốc ở đâu cả.

“Ông khuyên người tu hành muốn đắc Bồ Đề, cốt yếu phải đoạn trừ ba cái Hoặc. Ba Hoặêc chẳng hết thì dầu có được thần thông cũng đều là công dụng hữu vi của thế gian. Tập khí mà chẳng diệt thì lạc vào đường ma, tuy muốn trừ vọng, lại càng thêm hư dối, sai lầm. Như Lai nói là rất đáng thương xót. Đó là tự mình tạo ra hư vọng, đâu phải là lỗi nơi Bồ Đề.

“Nói như thế gọi là lời chân chánh. Nếu nói khác thế, tức là lời Ma Vương.

Thông rằng : Ở trước, Ông Anan hỏi rằng: “Cái Diệu Tâm toàn vẹn cùng khắp mà sao lại có các nẻo Địa Ngục, Ngạ Quỉ, Súc Sanh, Tu La, Người, Trời... Vậy là có chỗ nhất định hay là tự nhiên? Mỗi mỗi phát ra nghiệp mà mỗi mỗi tự chịu là xưa nay vốn tự có hay là do cái hư vọng của chúng sanh tích tập mà sanh ra?”

Bởi thế, ở đây trả lời chung rằng: “Bảy nẻo tối tăm chìm đắm đều là tướng hữu vi. Ở trong cái Bản Tâm vô tác tròn sáng nhiệm mầu vốn không có gì, như hoa đốm trong hư không, có gì là can thiệp? Bổn lai chẳng phải tự có vậy. Chỉ là do vọng tưởng mà thọ sanh, vọng tưởng mà theo nghiệp, nên bảo là “Thói quen hư vọng sanh khởi” vậy. Mỗi mỗi phát ra Nghiệp mà mỗi mỗi tự riêng chịu phần mình, thì chẳng phải là không có chỗ nhất định. Tự hư vọng mà phát sanh, cái mê lầm (Hoặc) làm nhân của hư vọng, mà hư vọng là nhân của nghiệp thì chẳng phải là tự nhiên vậy. Hư vọng sanh ra đó vốn không có nguyên nhân, không có nguồn gốc ở đâu cả, vì vốn tự thường tịch vậy. Do ba cái Sát, Đạo, Dâm làm căn bản. Thuận theo nghiệp Sát, Đạo, Dâm đó là vọng thấy ra có, đã có thì phải chìm đọa bốn nẻo ác mà thấp nhất là loài Quỉ. Chẳng thuận theo ba nghiệp mà ngược lại thì vọng thấy ra Không, đã Không thì hẳn sanh vào đường thiện, mà loài Trời là cao nhất. Thiện, ác tuy khác đường nhưng Có, Không đắp đổi nhau nên luân hồi ba cõi không có thôi nghỉ. Đó là do con người tạo ra, chẳng phải lỗi nơi Bồ Đề”.

Nếu nhiệm mầu phát huy được Tam Ma Đề, nhận biết Bản Tâm mình, đắc cái thanh tịnh chân thật thì gọi là Diệu: chẳng lìa ba cõi mà đốn siêu ba cõi! Trong Chánh Định tịch thường ấy không có hai thứ Có, Không để đắc! Đã trừ cái hư vọng của tục đế thì cái Không của Không Hai cũng mất. Lại đoạn trừ cái Chân của Niết Bàn thì Căn Bản Vô Minh tiêu tan ráo sạch, mê lầm từ đâu sanh khởi, hư vọng từ đâu phát sanh? Thiện còn chưa có được huống gì theo nơi ác. Chỗ này cũng như mắt vốn không nhặm thì hoa đốm không đâu mà tự có được.

Ba Hoặc, các kinh thường chỉ Kiến Tư Hoặc, Trần Sa Hoặc và Vô Minh Hoặc. Kiến Tư Hoặc cũng gọi là Thông Hoặc vì chung cho cả ba thừa cùng đoạn trừ. Trần Sa Hoặc còn gọi là Biệt Hoặc, vì chỉ hàng Bồ Tát mới đoạn trừ nổi. Vô Minh Hoặc là chủng tử của nghiệp thức, chỉ có hàng Bồ Tát Đại Thừa mới đoạn trừ nổi.

Chẳng trừ mắt nhặm thì tuy muốn trừ hoa đốm, đó là càng thêm hư dối, sai lầm, dẫu cho có được thần thông cũng lạc vào Ma đạo. Ma đạo nghĩa là không trừ Sát, Đạo, Dâm mà tu tà định. Bởi thế, muốn đắc Vô Thượng Bồ Đề phải trừ ba Hoặc, rửa sạch tập khí. Ba Hoặc đã không còn thì có đâu ba cõi. Nếu chẳng biết lời nói này mà bảo rằng Bồ Đề vốn Không, cần chi trừ Hoặc: đó là Ma nói vậy.

Có một cư sĩ hỏi Tổ Tây Đường Trí Tạng: “Thưa có thiên đường, địa ngục không?”

Tổ Tạng nói: “Có”.

Hỏi: “Có Phật, Pháp, Tăng, Tam Bảo không?”

Tổ Tạng nói: “Có”.

Người ấy lại hỏi nhiều điều nữa, Tổ đều đáp có.

Ông nói: “Hòa Thượng nói thế chẳng có lầm ư?”

Tổ Tạng nói: “Ông từng gặp vị tôn túc nào rồi?”

Cư sĩ: “Tôi đã từng tham hỏi Ngài Kính Sơn Hòa Thượng”.

Tổ Tạng nói: “Ngài Kính Sơn nói với ông thế nào?”

Đáp: “Ngài nói thảy cả đều không!”

Tổ Tạng hỏi: “Ông có vợ không?”

Đáp: “Dạ, có”.

Tổ Tạng nói: “Hòa Thượng Kính Sơn có vợ không?”

Đáp: “Dạ, không”.

Tổ Tạng nói: “Hòa Thượng nói Không thì được!”

Đây là nơi lời lẽ tầm thường mà chỉ ra tin tức đốn siêu ba cõi, nhiệm mầu thay!

Lại có nhà sư hỏi thiền sư Động Sơn Thuyên: “Hành giả thanh tịnh chẳng lên thiên đường, Tỳ Kheo phá Giới chẳng vào địa ngục, thì như thế nào?”

Tổ Thuyền nói:

            “Độ tận không lưu ảnh

            Về kia, vượt Niết Bàn”.

Ngài Đơn Hà tụng rằng:

            “Tướng hảo nguy nguy đại trượng phu

            Một đời không Trí hạp như ngu

            Xưa nay Phật, Tổ còn khó ngóng

            Địa ngục thiên đường, há buộc ư?”.

Đây có thể chứng minh cho sự nhiệm mầu phát huy Tam Ma Đề vậy.

VII. PHÂN BIỆT CÁC ẤM MA

A. NGUYÊN DO KHỞI CÁC MA SỰ

Kinh: Lúc bấy giờ, Đức Như Lai sắp chấm dứt thời thuyết pháp, ở nơi Sư Tử tòa, vịn ghế thất bảo, xoay về Tử Kim sơn, trở lại dựa nơi ghế, bảo khắp đại chúng cùng Ông Anan rằng:

“Các ông là hàng Duyên Giác Thanh Văn hữu học, ngày nay hồi tâm, hướng về Vô Thượng Diệu Giác Đại Bồ Đề. Nay ta đã nói pháp tu hành chân chánh, nhưng các ông còn chưa biết những Ma Sự vi tế khi tu hành Xa Ma Tha, và Tỳ Bà Xá Na.

“Cảnh Ma nếu hiện mà ông không thể nhận biết thì việc làm trong sạch tâm không được đúng, lạc vào tà kiến. Hoặc bị Ma Ngũ Ấm của ông, hoặc bị Thiên Ma, hoặc mắc Quỉ Thần, hoặc gặp Ly Mỵ mà trong tâm không rõ thì nhận giặc làm con. Lại nữa, ở trong đó được ít mà cho là đủ, như Tỳ kheo Vô Căn được Đệ Tứ Thiền, vọng nói là chứng Thánh, khi quả báo chư Thiên hết, tướng suy hiện ra, bài báng quả vị A La Hán là còn phải thọ sanh, nên đọa vào địa ngục A Tỳ. Các ông nên nghe kỹ, nay Ta vì các ông mà phân biệt rành rẽ”.

Ông Anan đứng dậy cùng các hàng hữu học trong hội, hoan hỉ đảnh lễ, kính nghe lời dạy bảo từ bi.

Phật bảo Ông Anan cùng cả đại chúng:

“Các ông nên biết cái tâm thể tỏ biết vẹn toàn, Bản Giác Diệu Minh của mười hai loại chúng sanh trong thế giới hữu lậu cùng mười phương Chư Phật không hai, không khác. Do vọng tưởng của các ông, mê Chân Lý thành ra lỗi lầm. Si, Ái phát sanh, sanh mê cùng khắp nên có hư không. Biến hóa ra cái mê không ngớt nên có thế giới sanh ra. Vậy thì mười phương cõi nước nhiều như vi trần này chẳng phải là vô lậu, đều do vọng tưởng mê lầm kiến lập.

“Phải biết, hư không sanh trong tâm ông cũng như điểm mây trong bầu trời, huống chi các thế giới ở trong hư không ấy! Một người trong các ông phát khởi sự về nguồn chân thật thì mười phương hư không ấy thảy đều tiêu mất. Làm sao các cõi nước trong hư không ấy lại không rung đổ? Các ông tu thiền, trau dồi pháp Tam Ma Địa thì cùng với mười phương Bồ Tát và các vị Đại A La Hán vô lậu tâm tinh thông hợp thầm nhiệm, đương xứ trong lặng như nhiên. Còn tất cả Ma Vương, Quỉ Thần, loài Trời phàm phu thì thấy cung điện mình không cớ gì đổ vỡ, đất đai rung động, các loài thủy lục bay nhảy thảy đều kinh sợ.

“Hạng phàm phu hôn muội không rõ, nên nghĩ lầm, còn hạng kia đều được năm thứ thần thông, trừ Lậu Tận Thông, luyến tiếc cảnh trần lao này đâu để ông phá hoại chỗ ở. Bởi thế, Quỉ Thần, Thiên Ma, Vọng Lượng, Yêu Tinh trong khi ông tu Tam Muội đều đến quấy phá.

“Nhưng các Ma kia, tuy rất giận dữ mà họ ở trong trần lao, còn các ông ở trong Diệu Giác, thì cũng như gió thổi ánh sáng, như dao chặt nước, chẳng hề hấn gì. Ông như nước sôi, họ như giá cứng, vừa gần hơi ấm thì chẳng bao lâu mà tiêu tan. Chúng ỷ lại suông thần lực, nhưng chỉ là Khách. Nếu chúng có thể phá rối được, là do người Chủ ngũ ấm trong tâm ông. Chủ nhân mà mê lầm, Khách mới được dịp quấy phá.

“Đương xứ thiền định, giác ngộ không lầm thì các Ma sự kia không làm gì ông nổi. Khi Ấm tiêu tan vào trong tánh sáng; sáng phá được tối, tối đến gần sáng thì tự tiêu mất, mà chúng tà ma kia đều tối tăm làm sao còn dám ở lại quấy phá sự thiền định? Nếu không tỏ ngộ sáng suốt, bị Ngũ Ấm ngăn che, mê lầm thì chính Ông Anan là con của Ma và thành người Ma. Như Cô Ma Đăng Già, sức còn yếu kém, chỉ dùng chú thuật bắt ông phá Luật Nghi của Phật, trong tám muôn hạnh chỉ phá một Giới, nhưng vì tâm ông thanh tịnh nên chưa bị chìm đắm. Còn chúng Ma này thì phá hoại toàn thân Bảo Giác của ông, giống như nhà quan Tể Tướng bỗng bị tịch biên, long đong xiêu lạc, không thể thương cứu!

Thông rằng: Ma tức là Ma La, nghĩa là Sát, cũng nghĩa là Đoạt, vì hay giết Huệ Mạng, cướp đoạt thiện pháp của mình vậy. Đại để có năm thứ Ma: Ngũ Ấm Ma, Phiền Não Ma, Sanh Tử Ma, Thiên Ma và Quỉ Ma. Hợp lại thì chỉ có Ấm Ma và Thiên Ma mà thôi.

Ấm Ma tức là sanh tử, phiền não nương Ngũ Ấm mà khởi lên. Thiên Ma là do tu tà định, ưa hại người tu chánh đạo. Lại như Tỳ Kheo Vô Căn, được ít cho là đủ, chê báng Phật, vọng nói A La Hán còn phải thọ sanh, đó là Tà Kiến Ma, thuộc về Ấm Ma lẫn Thiên Ma vậy. Bởi hủy báng Chánh Pháp nên đọa vào ngục A Tỳ.

Một người phát khởi sự về nguồn chân thật thì mười phương thế giới đều tiêu mất. Tất cả Ma Vương, các Trời phàm phu thấy cung điện của mình đổ vỡ, thủy lục kinh sợ, bèn đến quấy phá thiền định. Hạng Thiên Ma này làm hại không nhiều, chúng ỷ thần lực, nhưng vẫn là Khách. Chủ nhân ở ngay nơi mình, nên dùng cái Diệu Giác mà phá trần lao thì như lấy nước sôi làm tiêu nước đá, lấy sáng phá tối vậy. Chủ nhân mà mê, Khách liền tiện dịp, nó phá hoại Luật Nghi của mình, hư hao cái Bảo Giác của mình, khác nào quan Tể Tướng bị tịch biên, long đong xiêu lạc vậy. Ấm Ma này làm hại sâu xa. Quấy phá được là hoàn toàn do Chủ Nhân, nên tu thiền định cần phải tỏ ngộ sáng suốt, chẳng để cho năm Ấm làm mê lầm thì đó là Đệ Nhất Nghĩa.

Ấm là sự che lấp của Thức Tình, giống như mây nổi. Sáng suốt là sự hiển lộ tỏ rõ, giống như bầu trời. Ấm tiêu tan, vào tánh sáng, tức là hoàn lại tánh Bản Giác. Thế nên, cái Bản Giác Diệu Minh cùng mười phương Chư Phật không hai, không khác. Chỉ do vọng tưởng si ái, theo mê mà chuyển biến thì có thế giới sanh. Có thế giới thì có sắc ấm. mê luyến cái trần lao này liền có các ấm thọ, tưởng, hành, thức.

Ta muốn phá tung cái Ấm mà nhảy ra để hoàn lại cái Tâm Thể Viên Giác cho đến khi các lậu hết sạch. Còn các hạng hữu lậu kia luyến tiếc chẳng buông, ỷ có sức thần thông nên đến phá rầy. Nếu hủy Giới, phá Luật, hòa đồng với chúng thì tuy đắc thần thông, hẳn là con của Ma. Ở đây mà thấu suốt được, đó gọi là Bảo Giác. Cái Giác này là chủng tử để thành Phật. Y vào cái Bảo Giác này, vào trong Chánh Định mà chứng Pháp Thân, tâm tinh thầm hợp với mười phương Bồ Tát và Chư Đại A La Hán vô lậu. Thường xứ tịch nhiên, lặng chiếu ngậm trùm hư không thì hư không cũng còn không có thay, huống là lại nương hư không đó mà kiến lập các cõi nước hữu lậu ư?

Có vị Tọa Chủ giảng kinh Hoa Nghiêm hỏi Tổ Trường Sa Sầm: “Hư không quyết định có hay là quyết định không?”

Tổ Sa nói: “Nói có cũng được, nói không cũng được. Hư không có thì chỉ có cái giả-có, hư không không có thì chỉ có giả-không”.

Hỏi: “Như Hòa Thượng nói, thì có trong kinh giáo nào không?”

Tổ Sa nói: “Đại Đức há chẳng nghe Thủ Lăng Nghiêm nói “Mười phương hư không sanh trong tâm ông như điểm mây trong bầu trời”, vậy há chẳng phải khi hư không sanh là chỉ sanh cái giả danh thôi ư? Kinh lại nói “Một người trong các ông phát khởi sự về nguồn chân thật thì mười phương hư không ấy thảy đều tiêu mất”. Thế chẳng phải khi hư không diệt là chỉ diệt cái giả danh ư? Bởi thế, lão tăng nói: “Có là giả có, không là giả không”.

Ngài Trường Sa thấu suốt cái Bản Giác Diệu Minh nên xem hư không khởi diệt cũng là Như Huyễn, huống là các thứ khác!

Có Thượng Tọa Bằng Ngạn bác học, nhớ nhiều đến tham hỏi thiền sư Báo Ân Minh để đối luận về tông thừa.

Tổ Minh nói: “Nói nhiều càng xa Đạo. Nay có chuyện tạm hỏi. Vậy như xưa nay Chư Thánh cùng chư tiên đức lại có ai chẳng ngộ không?”

Đáp rằng: “Như là Chư Thánh, tiên đức há có ai chẳng ngộ ư?”

Tổ Minh nói: “Một người phát khởi sự về nguồn chân thật, mười phương hư không thảy đều tiêu mất. Nay núi Thiên Thai sờ sờ ra đó, làm sao mà tiêu mất đi?”

Thầy Ngạn chẳng biết bày tỏ làm sao.

Một khối đại nghi này mà không thể tiêu mất, làm sao dám nói chuyện phá tan Năm Ấm ư?

B. PHẠM VI CỦA SẮC ẤM

Kinh: “Anan, nên biết, ông ngồi đạo tràng, tiêu diệt các niệm, niệm ấy mà hết thì tâm lìa niệm thuần túy sáng suốt thảy cả, động tĩnh chẳng dời, nhớ quên như một. Đang khi an trụ nơi đó mà vào Tam Ma Địa thì như người sáng mắt mà ở chỗ rất tối. Cái tinh thuần của Tánh thì trong sạch nhiệm mầu, nhưng tâm chưa phát sáng. Thế gọi là phạm vi của Sắc Ấm. Nếu mắt sáng tỏ, mười phương mở suốt, không còn tối tăm, gọi là Sắc Ấm hết. Người ấy có thể siêu vượt khỏi Kiếp Trược. Xét lại nguyên do Kiếp Trược thì gốc rễ là Vọng tưởng kiên cố.

“Anan, ngay tại trong đó, nghiên cứu tinh tường Tánh Diệu Minh, bốn Đại chẳng kết hợp thì trong khoảng chốc lát, tâm thức có thể ra khỏi sự ngăn ngại, đây gọi là tinh minh tuôn tràn ra tiền cảnh, đó chỉ do dụng công mà tạm được như vậy, chẳng phải là Thánh chứng. Nếu chẳng cho là chứng ngộ thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là chứng ngộ việc Thánh, tức lọt vào tà.

“Anan, lại dùng cái tâm này nghiên cứu tinh tường Tánh Diệu Minh, trong thân thành rỗng suốt, người ấy bỗng nhiên ở trong thân mình nhặt ra các thứ giun sán mà thân thể vẫn y nguyên, không bị thương tổn, đây gọi là tinh minh tuôn tràn nơi hình thể, đó chỉ do tu hành tinh tiến mà tạm được như vậy, chẳng phải là Thánh chứng. Nếu chẳng cho là chứng ngộ thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là chứng ngộ việc Thánh tức lọt vào tà.

“Lại dùng cái tâm ấy nghiên cứu tinh tường trong ngoài, khi ấy hồn phách, ý chí, tinh thần, ngoài cái thân chấp thọ ra, đều ăn nhập vào nhau, đắp đổi làm khách, làm chủ. Bỗng nhiên ở trong hư không nghe tiếng thuyết pháp, hoặc nghe mười phương đồng diễn bày mật nghĩa. Đây gọi là sự thành tựu thiện chủng của tinh phách thay nhau lìa hợp, tạm được như vậy, chẳng phải Thánh chứng. Nếu chẳng cho là chứng ngộ thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là chứng ngộ việc Thánh tức lọt vào tà.

“Lại dùng cái tâm ấy lắng trong, hiện ra sáng suốt, ánh sáng bên trong phát ra, mười phương biến thành sắc Diêm Phù Đàn, hết thảy mọi loài hóa là Như Lai. Bấy giờ bỗng thấy Phật Tỳ Lô Giá Na ngồi trên đài Thiên Quang, có ngàn Đức Phật vây quanh. Trăm ức cõi nước cùng với hoa sen cùng một lúc hiện ra. Đây gọi là sự tiêm nhiễm của tâm thức linh ngộ. Do ánh sáng của tâm phát ra soi sáng các thế giới mà tạm được như vậy, chẳng phải Thánh chứng. Nếu chẳng cho là chứng ngộ thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là chứng ngộ việc Thánh, tức lọt vào tà.

“Lại dùng cái tâm ấy nghiên cứu tinh tường Tính Diệu Minh, quan sát chẳng ngừng, đè nén hàng phục, ngăn dứt thái quá, khi ấy bỗng nhiên mười phương hư không thành sắc bảy báu hay sắc trăm báu, đồng thời cùng khắp, không ngăn ngại nhau: xanh, vàng, đỏ, trắng mỗi mỗi hiện ra rõ ràng. Đây gọi là công sức đè nén quá phần, tạm được như vậy, chẳng phải là Thánh chứng. Nếu chẳng cho là chứng ngộ thì cũng gọi cảnh giới lành, còn cho là chứng ngộ việc Thánh, tức lọt vào tà.

“Lại dùng cái tâm ấy nghiên cứu, lặng suốt sáng trong chẳng loạn, bỗng nhiên giữa đêm, ở trong nhà tối thấy thảy thảy vật không khác gì ban ngày, mà những vật trong nhà tối đó cũng không diệt mất. Đây gọi là tâm tế nhiệm lặng đứng mà thấy, nên thấy suốt chỗ tối tăm, tạm được như vậy, chẳng phải là Thánh chứng. Nếu chẳng cho là chứng ngộ thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là chứng ngộ việc thánh, tức lọt vào tà.

“Lại dùng cái tâm ấy vẹn nhập vào chỗ hư dung, bốn vóc bỗng đồng như cây cỏ, lửa đốt, dao cắt hoàn toàn không cảm giác, lửa ngọn không thể đốt cháy, dầu cho cắt thịt cũng như chẻ cây. Đây là gọi là cùng như trần, do bài trừ bốn Đại một mực, nhập vào sự thuần nhất, tạm được như vậy, chẳng phải là Thánh chứng. Nếu chẳng cho là chứng ngộ thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là chứng ngộ việc Thánh, tức lọt vào tà.

“Lại dùng cái tâm ấy thành tựu sự trong sạch, dụng công trong sạch tâm tột bực, bỗng thấy mười phương đất đai, sông núi đều thành cõi Phật, đầy đủ bảy báu chói sáng cùng khắp. Lại thấy hằng sa Chư Phật Như Lai đầy khắp hư không, lầu điện rực rỡ. Dưới thấy địa ngục, trên thấy thiên cung, được không chướng ngại. Đây gọi là ưa thích đè nén ngưng tưởng lâu ngày mà tưởng hóa thành, chẳng phải là Thánh chứng. Nếu chẳng cho là chứng ngộ thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là chứng ngộ việc Thánh, tức lọt vào tà.

“Lại dùng cái tâm ấy nghiên cứu sâu xa, bỗng nhiên ở giữa đêm thấy rõ chợ búa, làng xóm bà con họ hàng ở phương xa, hoặc nghe lời nói của họ. Đây gọi là bức bách cái tâm tột bực nên nó bay ra, chẳng phải là Thánh chứng. Nếu chẳng cho là chứng ngộ thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là chứng ngộ việc Thánh, tức lọt vào tà.

“Lại dùng cái tâm ấy, nghiên cứu tinh tế cùng tột, thấy được thiện tri thức, thân thể biến hóa, trong giây lát không duyên cớ gì mà biến đổi đủ thứ. Đây gọi là tà tâm bị loài Ly Mị hoặc Thiên Ma vào trong thân thể, không duyên cớ gì mà thuyết pháp, thông suốt diệu nghĩa, chẳng phải là Thánh chứng. Nếu chẳng cho là chứng ngộ thì Ma sự tự tiêu mất, còn cho là chứng ngộ việc Thánh, tức lọt vào tà.

“Anan, mười thứ cảnh giới hiện ra trong thiền định như vậy đều thuộc về Sắc Ấm, do dụng tâm giao xen lẫn nhau nên hiện ra cái việc đó. Chúng sanh mê dại, chẳng biết tự xét, gặp nhân duyên ấy, mê chẳng tự biết, cho là lên bậc Thánh, thành Đại Vọng Ngữ, đọa địa ngục Vô Gián.

“Sau khi Như Lai diệt độ rồi, các ông nên tuyên bày nghĩa này trong đời Mạt Pháp, chớ để Thiên Ma được dịp quấy phá, giữ gìn che chở cho người tu hành thành đạo Vô Thượng.

Thông rằng: Thiền Na tức là sự tiêu diệt các niệm của pháp môn Chỉ Quán. Chỉ là dùng sự trong lặng xoay lại cái hư vọng, dứt mất sự sanh khởi. Quán là các niệm đã hết nhưng còn cái tâm lìa niệm, hết thảy sáng suốt. Chỉ Quán vốn không hai, ắt là động tĩnh chẳng dời đổi, nhớ quên đều là một. Không hôn trầm, không tán loạn là Chánh Niệm. Theo đây mà vào, mới đắc Tam Ma Đề chân thực. Còn nếu Tĩnh thì có mà Động thì không, Nhớ thì còn mà Quên thì mất, ấy là thuộc cái cảnh ngộ ngừng Tưởng, chẳng phải là Chánh Định.

Ban đầu, vào Chỉ Quán, cái Sắc Ấm chưa phá, như người sáng mắt mà ở trong chỗ rất tối tăm, chưa thể phát ra ánh sáng, bị Sắc hạn cuộc, đó gọi là phạm vi của Sắc Ấm.

Sắc Ấm đã phá, như mắt sáng suốt, mười phương mở suốt, sức nhìn soi khắp, chẳng bị cảnh trước mắt ngăn ngại. Như thế là có thể siêu vượt Kiếp Trược. Kiếp Trược là do Sắc Pháp đan nhau với cái Thấy mà thành. Nay cái Thấy chẳng bị Sắc Pháp làm cho mê lầm, nên có thể siêu vượt. Sắc Ấm này do đâu mà có ra ? Ấy là do Vọng tưởng kiên cố làm gốc. Vốn do nơi ba cái vọng tưởng của cha, của mẹ, của mình giao kết nhau mà thành ra cái Sắc Thân bốn Đại cứng chắc này. Tướng cứng là Địa, lỏng là Thủy, hơi nóng là Hỏa, lay động là Phong. Do bốn cái ràng buộc này mà thành sáu Căn. Sáu Căn làm chìm tánh tròn sáng, che đậy Chân Tánh nên gọi là Ấm.

Nay vào Thiền Na, nghiên cứu tinh tường tính diệu minh, lìa nơi tiền trần, thân cảnh đều không, bốn Đại chẳng đan kết nhau, tâm thức tinh thuần và sắc pháp lìa nhau. Ban đầu thì tinh minh tuôn vào, thân ra khỏi ngăn ngại, đó là ở ngoài quên đi trần cảnh. Rồi thì trong thân rỗng suốt, nhặt ra giun sán, đó là bên trong quên mất thân vậy. Kế là tinh phách thay nhau lìa hợp, trong thân, ngoài thân đắp đổi làm chủ, khách; ở trong hư không nghe thuyết pháp yếu, ấy là gần quên luôn cái hình thể vậy. Kế đó ánh sáng bên trong phát ra, thấy cảnh giới Phật, ấy là tiêm nhiễm sự linh ngộ mà tạm được như vậy, chứ không thể thường xuyên. Còn niệm Phật Tam Muội, thấy cảnh Tịnh Độ, ấy là tâm cảnh tương ưng gọi là Chánh Tướng, không thể kể vào đây. Kế là đè nén quá độ mà thấy nhiều sắc báu. Đè nén cực độ thì ánh sáng sanh ra, đó cũng là chỗ thành tựu của pháp Quán Thập Tưởng. Kế là làm tế nhiệm lặng trong cái thấy nên thấy đồ vật trong chỗ tối. Chỗ thấy ở trước là cảnh huyễn, chỗ thấy ở đây là cảnh thực. Nếu chẳng phải dưỡng tâm tế nhiệm thì không thể được. Kế là bốn vóc hư dung, đồng như cây cỏ, dao chém, lửa đốt không có cảm giác, nếu chẳng phải thuần giác quên Thân thì không thể được. Kế là quán chiếu cùng tột, thành tựu sự thanh tịnh, bỗng thấy mười phương cõi Phật, Thiên Đường, Địa Ngục đều không trở ngại, gần như đắc Thiên Nhãn Thông vậy. Kế là đè nén cùng tột, không chỉ thấy được vật trong chỗ tối mà làng mạc, chợ búa ở xa cũng thấy, không những nghe tiếng thuyết pháp trong hư không mà nghe cả những lời nói của bà con ở xa, gần như đắc Thiên Nhĩ Thông vậy. Đến chỗ nghiên cứu tinh tế cùng tột thì trong ngoài xen nhau, đắp đổi làm chủ, khách. Tinh thần hồn phách bỗng quên chỗ về. Do đó, Ma được dịp vào trong thân thể khiến cho hình thể biến hóa, đủ thứ đổi thay, vô cớ thuyết pháp, thông suốt diệu nghĩa. Đó há chẳng phải do phá Sắc Ấm, chẳng phải bị Sắc Pháp ràng buộc ư, mà chẳng biết là bị Ma bám, dựa.

Mười việc này đều do nghiên cứu cùng tột Tánh Diệu Minh, dùng tâm Thiền Na mà giao chiến với vọng tưởng kiên cố. Sắc chưa có thể tức là Không, Không chưa có thể tức là Sắc, thay nhau thắng bại, chưa thể dung đồng. Đó là chỗ ma Sắc Ấm thừa cơ hội mà vào vậy. Chúng sanh mê lầm, chẳng biết tự xét sự thấy biết hàng ngày cùng với Phật nào có giống, công hạnh hàng ngày cùng với Phật nào có như nhau ? Ngẫu nhiên thấy các cảnh ấy bèn cho là Thánh chứng. Chẳng phải Thánh mà cho là Thánh, chẳng phải chứng mà cho là chứng, trong thì mê nơi Ấm Ma, ngoài thì cảm với Thiên Ma, thành ra Đại Vọng Ngữ, đọa địa ngục Vô Gián, thật đáng thương xót. Bởi thế, Đức Thế Tôn tuyên dạy cho đời Mạt Pháp để bảo hộ chúng sanh thành tựu đạo Vô Thượng. Nếu công sức tu hành đã đến mức, có thể phá Sắc Ấm, thì dầu các việc trên có hiện ra cũng chẳng cho là chứng ngộ việc Thánh. Trong Thiền cũng có nhiều sự việc như vậy.

Như thiền sư Nga Hồ Trí Phu, một hôm chẳng đến trai đường, vị thị giả đến mời Ngài.

Tổ Phu nói: “Hôm nay tôi ăn du-tư ở trang trại no rồi!”

Thị giả nói: “Hòa Thượng chẳng hề đi đâu cả!”

Tổ Phu nói: “Ông chỉ việc đi hỏi trang chủ”.

Thị giả vừa ra cửa, bỗng gặp trang chủ đến tạ ơn đã tới trang trại dùng bữa du-tư”.

Đây há chẳng phải là thân có thể ra khỏi sự ngăn ngại đó ư!

Thiền sư Đoan Nham, một hôm có bà lão đến viếng chào.

Ngài nói: “Bà về gấp đi để cứu mấy ngàn sanh mạng!”

Bà lão về, thấy cô con dâu đang mang ốc bắt ở ruộng về, bèn thả đi.

Lại nữa, thiền sư Tổ Chiếu trong Định thấy chuyện xảy ra trong vòng mấy mươi dặm mà người khác chưa từng biết. Sau này các tăng trong trang trại nghe được, đồn đại ra ngoài. Ngài e làm mê hoặc đại chúng nên nhập diệt.

Đó đều là việc có thể làm, nhưng chẳng cho đó là chứng ngộ việc Thánh vậy.

C. PHẠM VI CỦA THỌ ẤM

Kinh: “Anan, thiện nam tử ấy tu Tam Ma Đề, trong Xa Ma Tha khi Sắc Ấm hết, thấy Tâm chư Phật như trong gương sáng hiển hiện hình tượng. Hình như có được nhưng chưa thể dùng, như người bị Mộc đè: tay chân y nguyên, thấy nghe không lầm, nhưng tâm gặp khách tà mà không cử động được. Đó gọi là phạm vi của Thọ Ấm.

“Nếu Mộc hết đè thì cái tâm lìa thân, trở lại xem mặt mũi, đi ở tự do, không còn ngăn ngại, gọi là Thọ Ấm hết. Người ấy có thể siêu vượt Kiến Trược, xét lại nguyên do thì gốc rễ là vọng tưởng hư minh.

“Anan, thiện nam tử ấy, ngay ở trong đó, được biết sáng tỏ, cái tâm phát minh, bên trong đè nén quá độ, bỗng ở nơi đó phát lòng Bi vô cùng, như vậy cho đến xem thấy muỗi mòng như con đỏ, tâm sanh thương xót, bất giác chảy nước mắt. Đây gọi là công dụng đè nén quá mức. Biết thì không có lỗi, chẳng phải là Thánh chứng. Hiểu biết chẳng mê, lâu tự tiêu mất. Nếu cho là hiểu biết việc Thánh thì có ma Bi vào trong lòng dạ, thấy người thì thương xót, khóc thương vô hạn; sai mất Chánh Định, sẽ bị chìm đắm.

“Anan, lại các thiện nam tử ấy, ở trong Định, thấy Sắc Ấm tiêu rồi, Thọ Ấm tỏ rõ, thắng tướng hiện tiền nên cảm kích quá độ, bỗng ở trong đó sanh lòng dũng mãnh vô hạn. Cái tâm mạnh bén, chí bằng Chư Phật, nói rằng một niệm có thể vượt khỏi ba tăng kỳ. Đây gọi là công dụng lấn lướt quá mức. Biết thì không lỗi, chẳng phải là Thánh chứng. Nếu cho là hiểu biết việc Thánh thì có ma Cuồng vào trong lòng dạ, thấy người thì khoe, ngã mạn không ai bằng, đến nỗi tâm người ấy trên không thấy Phật, dưới chẳng thấy người; sai mất Chánh Định, sẽ bị chìm đắm.

“Anan, lại các thiện nam tử ấy ở trong Định, thấy Sắc Ấm tiêu rồi, Thọ Ấm tỏ rõ. Tới trước thì chưa có chỗ chứng mới, lui lại thì mất chỗ cũ, trí lực suy kém, vào địa vị Trung Hủy, hoàn toàn không thấy gì. Trong tâm bỗng nhiên sanh ra rất khô khát. Trong cả mọi thời thầm nhớ không thôi, cho như vậy là tướng chuyên cần tinh tấn. Đây gọi là tu tâm không Trí Huệ, tự sanh lầm lạc. Biết thì không lỗi, chẳng phải là Thánh chứng. Nếu cho là hiểu biết việc Thánh thì có ma Nhớ vào trong lòng dạ, ngày đêm nắm cái tâm treo vào một chỗ; sai mất Chánh Định, sẽ bị chìm đắm.

“Lại các thiện nam tử ấy ở trong Định, thấy Sắc Ấm tiêu rồi, Thọ Ấm tỏ rõ, cái sức Huệ quá Định, sai lầm nơi chỗ mạnh mẽ, sắc bén, ôm giữ các thắng tánh trong tâm, tự ngờ mình là Phật Lô Xá Na, được ít cho là đủ. Đây gọi là dụng tâm quên mất suy xét, đắm vào Tri Kiến. Biết thì không lỗi, chẳng phải là Thánh chứng. Nếu cho là hiểu biết việc Thánh thì có ma Dễ Biết Đủ Nên Hèn Kém vào trong lòng dạ; thấy người thì tự nói “Ta đắc Đệ Nhất Nghĩa Đế Vô Thượng”; sai mất Chánh Định, sẽ bị chìm đắm.

“Lại các thiện nam tử ấy ở trong Định, thấy Sắc Ấm tiêu rồi, Thọ Ấm tỏ rõ, chỗ chứng mới thì chưa được mà tâm cũ thì đã mất, xem cả hai bên, tự cho là khó hiểu, trong tâm bỗng sanh lo lắng không cùng, như ngồi giường sắt, như uống thuốc độc. Tâm không muốn sống, thường cầu người khác sát hại mạng mình để sớm giải thoát. Đây gọi là tu hành sai mất phương tiện. Biết thì không lỗi, chẳng phải Thánh chứng. Nếu cho là hiểu biết việc Thánh thì có một phần thứ ma Thường Lo Buồn vào trong lòng dạ, tay cầm đao, kiếm tự cắt thịt mình, thích được bỏ mạng, hoặc thường lo buồn, chạy vào rừng núi, không muốn thấy người; sai mất chánh niệm, sẽ bị chìm đắm.

“Lại nữa, các thiện nam tử ấy ở trong Định, thấy Sắc Ấm tiêu rồi, Thọ Ấm tỏ rõ, ở trong thanh tịnh, tâm an ổn rồi, bỗng nhiên tự sanh ra mừng vui vô hạn. Trong tâm mừng rỡ không thể tự dừng. Đây gọi là sự khinh an mà không có Huệ tự ngăn lại. Biết thì không lỗi, chẳng phải là Thánh chứng. Nếu cho là hiểu biết việc Thánh thì có một phần thứ ma Thích Vui Mừng vào trong lòng dạ, thấy người thì cười, ở bên đường cái tự ca, tự múa, tự bảo rằng đã đắc vô ngại giải thoát; sai mất Chánh Định, sẽ bị chìm đắm.

“Lại nữa, các thiện nam tử ấy ở trong Định, thấy Sắc Ấm tiêu, Thọ Ấm tỏ rõ, tự bảo đã đủ, bỗng nhiên vô cớ sanh đại ngã mạn, như vậy cho đến lòng mạn, quá mạn, và mạn quá mạn, hoặc lòng tăng thượng mạn, hoặc ty liệt mạn đồng thời phát ra. Trong tâm còn khinh cả mười phương Như Lai, huống gì các địa vị dưới như Thanh Văn, Duyên Giác. Đây gọi là thắng giải quá mức, không có Huệ để tự cứu. Biết thì không lỗi, chẳng phải Thánh chứng. Nếu cho là hiểu biết việc Thánh thì có một phần ma Đại Ngã Mạn vào trong lòng dạ, chẳng lạy tháp, miếu, phá hủy kinh tượng, bảo với người đàn việt rằng “Đó là vàng, đồng, hoặc gỗ, đất. Kinh là lá cây, hay là giấy lụa. Xác thịt chân thường không tự cung kính, lại sùng bái gỗ, đất, thật là điên đảo”. Những kẻ quá tin theo đó mà đập nát, chôn bỏ trong đất; do gây nghi ngờ lầm lạc cho chúng sanh, đọa vào ngục Vô Gián; sai mất Chánh Định, sẽ bị chìm đắm.

“Lại nữa, những thiện nam tử ấy ở trong Định, thấy Sắc Ấm tiêu rồi, Thọ Ấm tỏ rõ, trong chỗ tinh minh, viên ngộ tinh lý, được đại tùy thuận, tâm ấy bỗng sanh vô lượng khinh an, tự nói đã thành Thánh, đắc đại tự tại. Đây gọi là nhân cái Huệ mà được các sự nhẹ trong. Biết thì không lỗi, chẳng phải Thánh chứng. Nếu cho là hiểu biết việc Thánh thì có một phần loại ma Thích Sự Trong Nhẹ vào trong lòng dạ, tự cho là đủ, chẳng thèm cầu tiến. Hạng này phần nhiều làm như Tỳ Kheo Vô Văn, gây nghi lầm cho chúng sanh, đọa vào ngục A Tỳ; sai mất Chánh Định, sẽ bị chìm đắm.

“Lại nữa, các thiện nam tử ấy ở trong Định, thấy Sắc Ấm tiêu rồi, Thọ Ấm tỏ rõ, trong chỗ minh ngộ, được tánh hư minh, trong ấy bỗng xoay hướng về sự vĩnh viễn đoạn diệt, bác bỏ không có nhân quả, một mực nhắm vào Không. Tâm Không hiện tiền đến nỗi tâm sanh chấp chặt là đoạn diệt mãi mãi. Biết thì không lỗi, chẳng phải Thánh chứng. Nếu cho là hiểu biết việc Thánh thì có ma Không vào trong lòng dạ, bèn bài báng sự giữ Giới cho là Tiểu Thừa, còn Bồ Tát ngộ Không có gì mà giữ hay phạm! Người này thường ở chỗ thí chủ tín tâm, ăn thịt uống rượu, làm nhiều điều dâm uế. Nhờ có sức Ma mà nhiếp phục người ta, khiến chẳng sanh nghi báng. Quỉ vào tâm lâu ngày: ăn uống cứt đái cũng không khác gì rượu thịt, cứ cho là mọi thứ đều Không. Phá Luật Nghi của Phật, làm người khác lầm lạc mắc tội; sai mất Chánh Định, sẽ bị chìm đắm.

“Lại nữa, các thiện nam tử ấy ở trong Định, thấy Sắc Ấm tiêu rồi, Thọ Ấm tỏ rõ, tham nếm cái hư vinh, ăn sâu vào tim cốt, trong tâm bỗng có lòng yêu vô hạn sanh ra. Yêu thương quá phát cuồng, bèn làm chuyện tham dục. Đây gọi là cảnh Định an thuận vào tâm, không có Huệ tự giữ, lầm vào Ngũ Dục. Biết thì không lỗi, chẳng phải Thánh chứng. Nếu cho là hiểu biết việc Thánh thì có ma Dục vào trong lòng dạ, một bề nói Dục tức đạo Bồ Đề, dạy hàng cư sĩ bình đẳng mà hành Dục, những người hành Dâm gọi là đệ tử giữ Pháp. Do sức Thần Quỉ nhiếp phục người phàm phu trong đời Mạt Pháp nhiều đến cả một trăm, hai trăm, năm trăm, sáu trăm, nhiều đến ngàn vạn. Khi tâm ma sanh chán, lìa khỏi thân thể, oai đức đã không còn thì sa vào lưới pháp luật. Gây nghi lầm cho chúng sanh, vào ngục Vô Gián; sai mất Chánh Định, sẽ bị chìm đắm.

“Anan, mười thứ cảnh hiện của Thiền Na như vậy đều thuộc về Thọ Ấm, do dụng tâm giao xen lẫn nhau mà hiện các việc đó. Chúng sanh mê dại, chẳng biết tự xét, gặp nhân duyên ấy, mê chẳng tự biết cho là lên bậc Thánh, thành Đại Vọng Ngữ, đọa ngục Vô Gián. Sau khi Ta diệt độ, các ông hãy đem lời nói này của Như Lai truyền dạy cho đời Mạt Pháp, khiến khắp chúng sanh đều tỏ ngộ nghĩa đó, không để cho Thiên Ma được dịp quấy phá, giữ gìn che chở cho người tu hành thành đạo Vô Thượng.

Thông rằng: Sắc Ấm chưa tiêu thì tâm bám vào sắc mà thấy các cảnh khác lạ, vậy là ma chưa nhập vào tâm vậy. Đây là Sắc Ấm diệt mà Thọ Ấm còn. Thọ Ấm là chỉ năm Thức Trước, hư vọng thường thọ nhận, thường thu lãnh, như trong gương sáng hiện ra cảnh tượng. Cái thể hư minh, vốn đó là Tâm Phật, mà vì sao cho là vọng tưởng? Chỉ vì sanh ra một việc chấp trước muốn chứng đắc mà cho là thật, bèn bị Thọ Ấm ngăn che, nên chẳng được Chánh Định. Cho nên Thọ Ấm chưa phá thì chẳng lìa nổi năm căn, ví như Tâm gặp khách tà, bị Mộc đè thì tuy có cái hư minh mà chẳng làm gì được. Thọ Ấm đã phá trừ thì sự sáng suốt chẳng còn nương theo Căn, như đã hết Mộc đè thì tâm đi hay ở đều tự do, mà có thể trở lại xem cái mặt mình, hư minh đắc dụng, tức là siêu vượt Kiến Trược. Cái Kiến Đại nhận lãnh các cảnh, đan nhau mà thành Trược, nay thì hư minh rỗng sáng không còn ngăn ngại, ấy là trước hết đã nhổ bật cái thấy. Gốc rễ của cái thấy đã nhổ bật thì còn có gì làm cho cái Thấy bị nhận lãnh để mà thành cái Trược?

Sắc Ấm chưa tiêu thì tâm chưa phát sáng. Sắc Ấm đã hết thì được sáng suốt lớn, đó là vọng tưởng hư minh. Người chánh ngộ thì xem sự hư minh này cũng chỉ là cảnh. Duy chỉ có hạng nghiên cứu tinh tường tánh Diệu Minh mà bên trong đè nén quá độ, tức là quên mình cùng tột, thấy vật đều là mình nên xem muỗi mòng như con đỏ mà Tâm Bi sanh ra.

Hư minh hiện tiền, cảm kích quá độ, nên cho rằng có thể sánh bằng Chư Phật mà tâm dũng mãnh sanh ra.

Định mạnh mà Huệ yếu thì trong khoảng cái mới (Thọ Ấm) và cái cũ (Sắc Ấm) mờ mịt không có chỗ nương, nên thầm nhớ chẳng thôi, tâm treo vào một chỗ mà tự cho là tinh tấn.

Sức Huệ vượt quá Định bèn tự nghi mình là Phật, dễ sanh đầy đủ yên nghỉ, nên chìm đắm vào Tri Kiến, tự nói là đã được quang minh chiếu khắp, chỉ có Chư Phật mới bằng được mình.

Tiến thối mất chỗ căn cứ, tự sanh hiểm khó, cho rằng ta có nỗi lo lớn vì có cái thân này nên thường cầu người giết mình đi, để sớm được giải thoát, chứ không chỉ là thầm nhớ không thôi.

Ở trong thanh tịnh, tâm an ổn rồi, không còn lo lắng khó hiểm, liền sanh ra cái mừng vui vô hạn. Vui mừng được vô ngại giải thoát mà ca múa vô độ. Ấy là do không có Huệ để tự cấm.

Mừng hết mức thì tự cho là đủ, liền sanh Đại Ngã Mạn. Mạn có bảy thứ : Mạn, Quá Mạn, Mạn Quá Mạn, Tăng Thượng Mạn, Hạ Liệt Mạn, Ngã Mạn và Tà Mạn. Mạn là chẳng kính. Quá Mạn là cho mình hơn người mà kiêu ngạo. Mạn Quá Mạn đủ cả hai mạn trên: đã không kính trọng lại còn có ý lấn lướt. Tăng Thượng Mạn là cho mình hơn. Hạ Liệt Mạn là khinh thường bậc đáng kính. Ngã Mạn là cho rằng năm Uẩn này có Ngã. Tà Mạn là khinh thường cái Chánh. Vì ở trong Định, duyên theo Chánh Pháp nên chẳng nói về Tà Mạn. Tăng Thượng là chưa đắc mà nói là đắc. Ty Liệt là hèn kém mà tự khoe, nên khinh thường bậc đáng kính.

Nếu có sức Huệ, viên ngộ tinh lý, Sắc Ấm tiêu, sự sáng suốt tròn đầy, được đại khinh an. Khinh an ở trong bảy Giác Chi, thể của nó thuộc về Định. Định mà gồm cả Huệ thì thông suốt Chánh Đạo. Chỉ vì cho vậy là đủ, không cầu tiến nên ngồi ở trong hang của sự trong sạch nhẹ nhàng mà làm vị Tỳ Kheo Vô Văn vậy!

Nếu cái xả niệm thanh tịnh, một mực nhập Không, sanh ra kiến giải đoạn diệt, rồi bác bỏ nhân quả, hủy báng người giữ Giới, cho là quả Tiểu Thừa, còn ta là Bồ Tát ngộ Không thì làm gì có giữ hay phạm! Do đó, phá hủy Luật Nghi, tuy người ấy tự cho là siêu thoát, mà không ngờ là bị ma sai sử.

Thọ Ấm hư minh mà chẳng tham mùi vị của nó thì Ái Dục chẳng sanh. Còn như tham đắm hư minh thì yêu thương đến phát cuồng, lầm vào Ngũ Dục, thì hai cảnh Phiền Não và Dục đều phát khởi.

Ngài Thiên Thai nói “Dục Sắc sanh ra, chế phục có thể ngừng”.

Nay chỗ phát sanh sự mê lầm quá mạnh. Nếu thấy ngoại cảnh, tâm cuồng, mắt mờ như con sư tử ngủ, đụng tới thì gầm thét. Nếu chẳng rõ biết thì có thể dẫn người đến chỗ phạm các tội rất nặng. Một niệm Ái sanh ra gây độc hại đến vậy. Do nắm giữ cảnh Định, nên sự phát ra rất mạnh mẽ, cái hại rất lớn.

Mười thứ cảnh của Thiền Na như vậy đều do được tánh hư minh, dùng cái tâm thiền định cùng với vọng tưởng hư minh giao tranh thua thắng, nên có các sự dính mắc như bi, cuồng, nhớ, khinh, lo buồn, hành dâm... đều rõ ràng là mắc vào Ma.

Kinh Đại Bát Nhã nói “Ma có thể vào tâm của tất cả chúng sanh, khiến quy y phe đảng của Ma, như keo như sơn. Chặt tay cắt chân không có gì khó vì sức Ma nhiếp giữ nên như vậy”.

Cho đến chỗ an ổn khinh an, cái tâm Không hiện tiền, tự tin là Phật, sao lại sai mất Chánh Định? Bởi vì, Chánh Định thì chưa hề chẳng Hư, chưa hề chẳng Minh, mà trọn chẳng có cái kiến giải Hư Minh. Kinh Pháp Hoa nói “Bám sâu pháp hư vọng, giữ chặt chẳng thể bỏ, bèn bài báng các người trì Giới”. Thế nên, hễ còn giữ cái Phật Kiến trong tâm thì tức là ma đó vậy.

Ngài Hàng Ma Tạng gặp Ngài Bắc Tông Tú.

Ngài Tú hỏi: “Ông tên là Hàng Ma, ở đây không có quỉ núi, ma cây, ông đổi lại thành Ma chăng?”

Ngài Tạng: “Có Phật thì có Ma”.

Ngài Tú nói: “Ông nếu là Ma thì hẳn là an trụ cảnh giới bất tư nghì?”

Ngài Tạng nói: “Chính Phật cũng không, cảnh giới nào có?”

Lại nữa, Hòa Thượng Kỳ Lâm thường quát mắng Văn Thù, Phổ Hiền là yêu mị, tay Ngài cầm kiếm gỗ tự nói là hàng phục ma. Vừa thấy nhà sư lại tham hỏi thì nói “Ma đến vậy! Ma đến vậy!”

Rồi lấy kiếm quơ loạn xạ, trở về phương trượng.

Như thế đến mười năm, sau đó cất kiếm đi mà không nói gì nữa.

Có nhà sư hỏi: “Mười hai năm trước, vì sao hàng ma?”

Đáp rằng: “Giặc cướp không đánh con nhà nghèo!”

Hỏi: “Mười hai năm sau vì sao chẳng hàng ma?”

Đáp rằng: “Giặc cướp không đánh con nhà nghèo!”

Cho nên, ban đầu thì lấy sự hàng phục để hàng ma, rồi thì lấy sự chẳng hàng phục để hàng ma. Theo như hai cách hàng ma ấy, mới thật là chẳng khởi tâm Thánh giải, nên chẳng phải là ma làm vậy.

Tổ Lâm Tế đến tháp của Sơ Tổ.

Viện chủ hỏi: “Lễ Phật trước hay lễ Tổ trước?”

Tổ Tế nói: “Phật, Tổ đều chẳng lễ!”

Viện chủ nói: “Phật, Tổ với ông có oan thù gì?”

Tổ Tế phất tay áo mà đi ra.

Đây chẳng phải là chẳng lễ tháp miếu đấy ư?

Tổ Đơn Hà ở chùa Huệ Lâm gặp lúc tiết trời rất lạnh, lấy tượng Phật gỗ đốt hơ ấm.

Viện chủ la rằng: “Sao được đốt tượng Phật gỗ của tôi?”

Tổ Hà lấy gậy bươi tro nói: “Tôi đốt để lấy xá lợi”.

Viện chủ nói: “Phật gỗ sao có xá lợi !”

Tổ Hà nói: “Đã không có xá lợi thì lại lấy hai vị đốt nữa!”

Viện chủ từ đó về sau, râu, mày rụng hết.

Ngài Đầu Tử nêu ra rằng: “Chẳng hiểu thì làm khách, phiền nhọc ông chủ nhân!”

Tụng rằng:

            “Hang xưa rêu lấp cửa lạnh tanh

            Bay ấy kinh nguy, chạy ấy mê

            Đêm khuya lạnh ấm Đinh Châu lửa

            Chẳng hiểu, ông câu bỗng tự nghi”.

Đây chẳng phải là phá hủy kinh tượng đấy ư? Chính vì hai vị viện chủ có Phật-Tổ-ma, có Kinh-Tượng-ma chắn ngang trong lồng ngực, nên hai Tổ Lâm Tế, Đơn Hà dùng thủ đoạn xuất cách để nhổ bật đi, rốt cuộc lại chẳng tỏ ngộ. Cảnh giới của bậc đại nhân, chẳng phải là chỗ biết, chỗ tin của hạng tầm thường vậy.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM