ÐỜI THỨ
BA SAU LỤC TỔ
B.
PHÁI HOÀI NHƯỢNG
Ðệ tử THIỀN SƯ
ÐẠO NHẤT (138 vị)
1- Thiền sư Hoài
Hải (Bá Trượng)
2- Thiền sư Phổ
Nguyện (Nam Tuyền)
3- Thiền sư Huệ
Hải
4- Thiền sư Ẩn
Phong
5- Thiền sư Ðạo
Ngộ
6- Thiền sư Huệ
Tạng
7- Thiền sư Trí
Tạng
8- Thiền sư Vô
Nghiệp
9- Thiền sư Pháp
Hội
10- Thiền sư Trí
Kiên
11- Thiền sư Qui
Kiến
12- Thiền sư Ðạo
Hạnh
13- Thiền sư Ðạo
Thông
14- Thiền sư Lan
Nhương
15- Thiền sư Như
Mãn
16- Thiền sư Pháp
Thường (Ðại Mai)
17- Thiền sư Ðạo
Minh
18- Thiền sư Từ
Mãn
19- Thiền sư Hồng
Ân
20- Thiền sư Tổng
Ấn
21- Thiền sư Bảo
Vân
22- Thiền sư Thường
Hưng
23- Thiền sư Hoài
Uẩn
24- Thiền sư Minh
Triết
25- Thiền sư Ðại
Nghĩa
26- Thiền sư Tự
Tại
27- Thiền sư Bảo
Tích
28- Thiền sư Ðại
Dục
29- Thiền sư Bảo
Triệt
30- Thiền sư Tề An
31- Thiền sư Linh
Mặc
32- Thiền sư Duy
Khoan
33- Thiền sư Như
Hội
34- Thiền sư Vô
Ðẳng
35- Thiền sư Trí
Thường
36- Thiền sư Quảng
Trừng
37- Thiền sư Ô Cựu
38- Thiền sư Thảo
Ðường
39- Thiền sư Ðàm
Tạng
40- Thiền sư Thiện
Giác
41- Thiền sư Thần
Giám
42- Thiền sư Pháp
Tạng
43- Thiền sư Chí
Hiền
44- Thiền sư Pháp
Nhu
45- Thiền sư Bảo
Khánh
46- Thiền sư Hoài
Thản
47- Thiền sư Giác
Bình
48- Thiền sư Khánh
Vân
49- Thiền sư Huyền
Hư
50- Thiền sư Thắng
Biện
*
13. THIỀN SƯ HOÀI HẢI
Bá
Trượng - (724 - 814)
Sư họ Vương, quê ở
Trường Lạc, Phước Châu. Lúc bé theo mẹ đi chùa lễ Phật, Sư chỉ
tượng Phật hỏi mẹ: Ðây là gì? Mẹ bảo: Phật. Sư nói: Hình dung
không khác với người, con sau cũng sẽ làm Phật. Sư xuất gia lúc
còn để chóp và hằng chuyên cần tu học giới định tuệ.
Sau, Sư đến tham
học với Mã Tổ (Ðạo Nhất) làm thị giả. Mỗi khi thí chủ đem trai
phạn đến, Sư vừa giở lồng bàn ra, Mã Tổ liền cầm nửa cái bánh
chỉ chúng hỏi: "Ðây là gì?" Như thế mãi đến ba năm.
Một hôm, Sư theo
hầu Mã Tổ đi dạo, thấy một bầy vịt trời bay qua.
Mã Tổ hỏi:- Ðó
là cái gì?
Sư thưa:- Con vịt
trời.
- Bay đi đâu?
- Bay qua.
Mã Tổ bèn nắm lỗ
mũi Sư kéo mạnh, đau quá Sư la thất thanh.
Mã Tổ bảo:- Lại
nói bay qua đi.
Ngay câu ấy, Sư
tỉnh ngộ.
Trở về phòng thị
giả, Sư khóc lóc rất thống thiết. Những người đồng phòng nghe,
hỏi:
- Huynh nhớ cha mẹ
phải chăng?
Sư đáp:- Không.
- Bị người ta mắng
chửi chăng?
- Không.
- Tại sao khóc?
- Lỗ mũi tôi bị
Hòa thượng kéo đau thấu xương.
- Có nhân duyên gì
không khế hội?
- Huynh hỏi Hòa
thượng đi.
Những vị ấy đến
hỏi Mã Tổ:
- Thị giả Hải có
nhân duyên gì chẳng khế hội ở trong phòng khóc, xin Hòa thượng
vì chúng con nói.
Mã Tổ bảo:
- Y đã khế hội,
các ngươi tự hỏi lấy y.
Các vị ấy về
phòng hỏi:
- Hòa thượng nói
huynh đã hội, bảo chúng tôi về hỏi huynh.
Sư bèn cười hả!
hả!
Các vị ấy bảo:-
Vừa rồi khóc, sao bây giờ cười?
Sư đáp:- Vừa rồi
khóc, bây giờ cười.
Các vị ấy mờ mịt
không hiểu.
Hôm sau, Mã Tổ
vừa lên tòa, chúng nhóm họp xong, Sư bước ra cuốn chiếu. Mã Tổ
xuống tòa, Sư theo sau đến phương trượng.
Mã Tổ hỏi:- Ta
chưa nói câu nào, tại sao ngươi cuốn chiếu?
Sư thưa:- Hôm qua bị
Hòa thượng kéo chót mũi đau.
- Hôm qua ngươi để
tâm chỗ nào?
- Chót mũi ngày
nay lại chẳng đau.
- Ngươi hiểu sâu
việc hôm qua.
Sư làm lễ, lui ra.
*
Ðứng hầu Mã Tổ,
Sư thấy phất tử (đồ quét bụi) ở góc giường, bèn hỏi:
- Tức đây dùng,
lìa đây dùng?
Mã Tổ bảo:- Về
sau ngươi mở miệng sẽ lấy cái gì vì người?
Sư cầm phất tử
dựng đứng.
Mã Tổ hỏi:- Tức
đây dùng, lìa đây dùng?
Sư để phất tử lại
chỗ cũ.
Mã Tổ nghiêm chỉnh
nạt một tiếng, đến ba ngày Sư còn điếc tai.
*
Sau, Sư về núi Ðại
Hùng tại Hồng Châu. Ngọn núi này cao vót đến trăm trượng nên
thời nhân gọi Sư là Bá Trượng. Bốn phương học giả đua nhau đến
tham học rất đông. Trong số học chúng có Thiền sư Hy Vận và Linh
Hựu là hàng đầu.
Một hôm, Sư bảo
chúng:
- Phật pháp không
phải là việc nhỏ, Lão tăng xưa bị Mã Tổ một nạt đến ba ngày
lỗ tai còn điếc.
Hy Vận nghe nói
bất giác le lưỡi.
Sư bảo:- Con về sau
thừa kế Mã Tổ chăng?
Hy Vận thưa:
- Không. Nay nhân
Hòa thượng nhắc lại, con được thấy Mã Tổ đại cơ, đại dụng,
nhưng vẫn không biết Mã Tổ. Nếu con thừa kế Mã Tổ, về sau mất
hết con cháu của con.
Sư bảo:
- Ðúng thế, đúng
thế, thấy bằng với thầy là kém thầy nửa đức, thấy vượt hơn
thầy mới kham truyền trao. Con hẳn có cái thấy vượt hơn thầy.
Hy Vận liền lễ
bái.
*
Lại một hôm, có
vị Tăng vừa đi vừa khóc đi thẳng vào pháp đường.
Sư hỏi:- Làm gì?
Tăng thưa:- Cha mẹ
đồng thời chết, thỉnh Thầy chọn ngày.
Sư bảo:- Ngày mai
đồng thời chôn.
*
Sư mỗi khi thượng
đường dạy chúng có một ông già theo chúng nghe pháp. Hôm nọ,
chúng ra hết chỉ còn ông già không đi. Sư hỏi:
- Ông là người gì?
Ông già thưa:
- Con chẳng phải
người. Thời quá khứ thuở đức Phật Ca-diếp, con làm Tăng ở núi
này, nhân học trò hỏi: "người đại tu hành lại rơi vào nhân quả
chăng", con đáp: "không rơi vào nhân quả". Do đó, đến năm trăm
đời đọa làm thân chồn. Nay thỉnh Hòa thượng chuyển một câu nói
để con thoát khỏi thân chồn.
Sư bảo:- Ông hỏi
đi.
Ông già hỏi:-
Người đại tu hành có rơi vào nhân quả chăng?
Sư đáp:- Không lầm
nhân quả.
Ngay câu nói ấy,
ông già đại ngộ, làm lễ thưa:
- Con đã thoát
thân chồn. Con ở sau núi, dám xin Hòa thượng lấy theo lễ Tăng
chết mà tống táng con.
Sư vào trong kêu
duy-na đánh kiểng bảo chúng ăn cơm xong đưa đám một vị Tăng, đại
chúng nhóm nhau bàn tán "đại chúng đều mạnh, nhà dưỡng bệnh
không có người nào nằm, tại sao có việc này?"
Sau khi cơm xong, Sư
dẫn chúng đến hang núi phía sau, lấy gậy khơi lên thấy xác một
con chồn vừa chết, bèn làm lễ thiêu như vị Tăng.
*
Sư thượng đường
dạy chúng:
- Linh quang chói
sáng vượt khỏi căn trần, thể bày chân thường không cuộc văn
tự, tâm tánh không nhiễm vốn tự viên thành, chỉ lìa vọng duyên
tức như như Phật.
Có vị Tăng hỏi:-
Thế nào là pháp yếu Ðại thừa đốn ngộ?
Sư đáp:
- Các ngươi trước
dứt sạch các duyên, thôi hết muôn việc, tất cả các pháp thiện
cùng chẳng thiện, thế gian và xuất thế gian chớ ghi nhớ, chớ
duyên niệm, buông bỏ hết khiến tâm tự tại. Tâm như cây đá
không có phân biệt, không có chỗ đi. Ðất tâm nếu không, mặt
trời trí tuệ tự hiện. Như mây tan thì trăng hiện. Chỉ dứt tất cả
thứ vin theo, tình cảm tham sân ái thủ nhơ sạch đều hết. Ðối với
ngũ dục, bát phong không bị thấy nghe hiểu biết ràng buộc, không
bị các cảnh làm mê hoặc, tự nhiên đầy đủ thần thông diệu
dụng, ấy là người giải thoát.
Ðối với tất cả
cảnh, tâm không yêu không loạn, không thu nhiếp không phân tán,
thấu tất cả thanh sắc không bị dính ngại, gọi là Ðạo nhân.
Thiện ác phải
quấy đều không dùng, không mến một pháp, cũng không bỏ một
pháp, gọi là người Ðại thừa.
Không bị tất cả
pháp thiện ác, không hữu, nhơ sạch, hữu vi, vô vi, thế gian,
xuất thế gian, phước đức trí tuệ ràng buộc, gọi là Phật tuệ.
Phải quấy, tốt
xấu, đúng lý phi lý, các tình cảm thấy biết hết sạch, không
thể trói buộc, nơi nơi đều được tự tại, gọi là Bồ-tát mới
phát tâm liền lên địa vị Phật.
Tăng hỏi:- Ðối
tất cả cảnh làm sao tâm được như cây đá?
Sư đáp:
- Tất cả pháp vốn
chẳng tự nói không, chẳng tự nói sắc, chẳng nói phải quấy nhơ
sạch, cũng không có tâm trói buộc người, chỉ tự người hư vọng
tính chấp, tạo bao nhiêu thứ hiểu, khởi bao nhiêu thứ thấy biết,
sanh bao nhiêu thứ yêu sợ. Cần phải nhận rõ các pháp không tự
sanh, đều do một niệm vọng tưởng điên đảo của mình chấp tướng
mà có. Biết tâm cùng cảnh vốn không đến nhau thì ngay nơi đó là
giải thoát, mỗi mỗi pháp ngay nơi đó là lặng lẽ, ngay nơi đó là
đạo tràng.
Lại, tánh sẵn có
không thể gọi tên, xưa nay không phải phàm không phải thánh,
chẳng phải nhơ sạch, chẳng phải hữu không, cũng chẳng phải
thiện ác, cùng các pháp nhiễm hợp nhau, gọi là người trời nhị
thừa. Nếu tâm nhơ sạch hết, chẳng trụ nơi ràng buộc chẳng trụ
nơi giải thoát, không tất cả tâm lượng hữu vi vô vi, phược
thoát, ở nơi sanh tử tâm vẫn tự tại. Hoàn toàn không hòa hợp
với uẩn, giới, sanh tử, các nhập, trần lao hư huyễn, siêu nhiên
không nương tựa, tất cả không ràng buộc, đi ở không ngại, qua
lại trong sanh tử như cửa mở.
Phàm người học
đạo nếu gặp các thứ khổ vui, việc vừa ý không vừa ý, tâm
không lui sụt, chẳng để tâm đến danh dự lợi dưỡng ăn mặc,
chẳng tham tất cả công đức lợi ích, không bị các pháp thế gian
buộc ngại, không thân mến khổ vui, tâm hằng bình đẳng, ăn cơm
hẩm cốt nuôi mạng sống, mặc áo vá chỉ để ngừa lạnh; ngơ ngơ như
ngu như điếc, sẽ được ít phần tương ưng. Nếu trong tâm ham học
rộng biết nhiều, cầu phước cầu trí, đều là ở trong sanh tử, đối
với lý đạo thật vô ích, lại bị gió hiểu biết thổi trôi giạt
trở lại trong biển sanh tử.
Phật là người
không cầu, có cầu tức trái lý, lý không cầu này nếu cầu liền
mất. Nếu chấp không cầu, lại đồng có cầu. Nếu chấp vô vi, lại
đồng hữu vi. Cho nên kinh nói: "Không thủ pháp không thủ phi
pháp, không thủ phi phi pháp." Lại nói: "Như Lai đã được pháp,
pháp này không thật không hư."
Nếu người hay một
lúc tâm giống như cây đá, không bị ấm, giới, ngũ dục, bát phong
thổi trôi giạt, liền đoạn được nhân sanh tử, đi đứng tự do,
chẳng bị tất cả hữu vi nhân quả ràng buộc, chẳng bị hữu lậu
câu thúc. Khi khác, trở lại đem thân không phược làm lợi ích
chúng sanh, lấy tâm không phược ứng hợp tất cả tâm, dùng tuệ
không phược cổi tất cả phược, cũng nói "hợp bệnh cho thuốc".
Tăng hỏi:
- Như nay thọ giới
rồi thân khẩu được thanh tịnh, lại làm đủ các việc thiện, như
thế được giải thoát chăng?
Sư đáp:
- Ðược ít phần
giải thoát, chưa được tâm giải thoát, chưa được tất cả chỗ giải
thoát.
Tăng hỏi:
- Thế nào là tâm
giải thoát và tất cả chỗ giải thoát?
Sư đáp:
- Chẳng cầu Phật,
Pháp, Tăng, cho đến chẳng cầu phước trí tri giải, tình cảm nhơ
sạch hết, chẳng chấp tâm không cầu là phải, chẳng trụ chỗ
hết, cũng chẳng mến thiên đường sợ địa ngục, trói buộc cổi mở
không ngại, tức thân tâm và tất cả chỗ đều gọi giải thoát.
Ngươi chớ cho có ít
phần giới thân khẩu ý tịnh là xong, đâu biết môn giới định tuệ
như hà sa, mà vô lậu giải thoát toàn chưa dính một mảy.
Cố gắng! Nhằm
hiện nay cố tìm xét lấy, đừng đợi mắt mờ tai điếc, tóc bạc,
mặt nhăn, già khổ đến thân, buồn thảm triền miên mắt hằng rơi
lệ, trong tâm hoảng sợ không một nơi y cứ, chẳng biết chỗ đi.
Ðến khi ấy, muốn nghiêm chỉnh tay chân cũng không thể kềm được,
dù có phước trí, danh dự lợi dưỡng trọn không cứu được. Vì mắt
tâm chưa mở, chỉ nhớ các cảnh, không biết phản chiếu, lại chẳng
thấy Phật đạo. Một đời có tạo việc thiện ác thảy hiện ở
trước, hoặc vui hoặc sợ, sáu đạo năm uẩn thảy bày hiện tiền.
Trang sức nhà cửa ghe thuyền xe cộ đẹp đẽ hiển hách, đều từ
tâm tham ái của mình hiện ra, tất cả cảnh ác đều biến thành
cảnh thù thắng. Chỉ tùy tâm tham ái chỗ nào nặng, nghiệp thức
dẫn đến thọ sanh, hoàn toàn không có phần tự do, rồng súc tốt
xấu trọn chưa định được.
Tăng hỏi:- Thế
nào được phần tự do?
Sư đáp:
- Hiện nay đối với
ngũ dục bát phong lòng không lấy bỏ, xan tham tật đố tham ái
ngã sở đều hết, nhơ sạch chẳng còn, như mặt trời mặt trăng
trong hư không, không duyên mà chiếu. Tâm tâm như cây đá, niệm
niệm như cứu lửa cháy đầu, cũng như con voi lớn qua sông vừa ùm
xuống là đến bờ kia, không bị ngăn ngại. Người này không nhiếp
thuộc về thiên đường hay địa ngục.
Phàm học kinh xem
giáo lý, mỗi câu đều phải uyển chuyển xoay về nơi mình, tất cả
ngôn giáo chỉ làm sáng tỏ tánh giác hiện nay của mình. Chỉ không
bị tất cả cảnh có, không... lôi là Ðạo sư của người; hay chiếu
phá tất cả cảnh có, không... là tuệ Kim Cang, tức có phần tự
do tự tại. Nếu không như thế để hội đạo, dù có tụng được mười
hai phần giáo cũng chỉ thành Tăng thượng mạn, lại là người chê
bai Phật, không phải là người tu hành. Chỉ lìa tất cả thanh sắc,
cũng chẳng trụ nơi lìa, chẳng trụ nơi tri giải, là người tu hành.
Ðọc kinh xem giáo
lý, nếu chiếu theo thế gian là việc tốt, nếu nhằm vào người
minh lý thì thường đọc xem là kẻ bế tắc. Người thập địa vượt ra,
không đi vào vòng sanh tử, nhưng giáo lý Tam thừa để trị bệnh
tham, sân... như hiện nay niệm niệm nếu có bệnh tham, sân... thì
trước phải trị nó, chẳng cần tìm cầu câu nghĩa hiểu biết. Hiểu
biết thuộc về tham, tham thì trở thành bệnh. Như hiện nay chỉ lìa
tất cả pháp có, không, cũng lìa cái lìa vượt ngoài ba câu (có,
không, chẳng phải có chẳng phải không) tự nhiên cùng Phật
không khác. Ðã tự là Phật, lo gì Phật không hiểu ngôn ngữ. Chỉ
e không phải là Phật, bị các pháp có, không trói buộc chẳng
được tự do. Bởi lý chưa vững, trước có phước trí, bị phước trí
chở đi, như người nghèo ở trong cảnh sang. Không bằng trước vững
lý, sau mới có phước trí. Nếu cần phước trí thì tạm thời làm
được, nắm đất biến thành vàng, nắm vàng biến thành đất, biến
nước biển thành tô-lạc, đập núi Tu-di thành bụi nhỏ, hốt nước
bốn biển dồn vào một lỗ chân lông, nơi một nghĩa làm vô lượng
nghĩa, nơi vô lượng nghĩa làm một nghĩa.
*
Có vị Tăng hỏi:
- Cuốc cỏ chặt
cây, khai mương đào đất, có tướng tội báo chăng?
Sư đáp:
- Không thể nói
quyết định có tội, cũng không thể nói quyết định không tội, có
tội không tội việc tại người đương thời. Nếu tham nhiễm tất cả
pháp có, không... có tâm lấy bỏ, còn chưa vượt khỏi ba câu,
người này nhất định nói có tội. Nếu vượt ngoài ba câu, tâm như
hư không, cũng chẳng tưởng hư không, người này nhất định nói
không tội.
Lại nữa, nếu tạo
tội rồi, nói không thấy có tội thì thật vô lý. Nếu không làm
tội, mà nói có tội thì cũng vô lý. Như trong Luật, do mê giết
người và chuyển tướng giết, còn không phạm tội sát. Huống là
Thiền tông truyền trao nhau tâm như hư không, không dừng ở một
vật, cũng không có tướng hư không, thì đem tội để ở chỗ nào?
*
Có vị Tăng hỏi:
- Thế nào là "hữu
tình không Phật tánh, vô tình có Phật tánh"?
Sư đáp:
- Từ người đến
Phật là tình chấp thánh, từ người đến địa ngục là tình chấp
phàm. Chỉ như hiện nay đối hai cảnh phàm, thánh có tâm nhiễm ái
gọi là "hữu tình không Phật tánh". Hiện nay đối hai cảnh phàm,
thánh và tất cả pháp có, không... trọn không có tâm lấy bỏ,
cũng không cái hiểu biết không lấy bỏ, ấy là "vô tình có Phật
tánh". Chỉ không có tình ràng buộc, nên gọi vô tình. Không đồng
với loài vô tình như: cây, đá, hư không, hoa vàng, trúc biếc, mà
cho là có Phật tánh. Nếu nói loài vô tình ấy có Phật tánh,
tại sao trong kinh không thấy thọ ký được thành Phật? Chỉ cái
giác chiếu soi hiện nay không bị hữu tình thay đổi, dụ như trúc
biếc, ứng cơ biết thời thiết dụ như hoa vàng.
Lại, nếu bước lên
nấc thang Phật thì vô tình có Phật tánh, chưa bước lên nấc thang
Phật thì hữu tình không Phật tánh.
*
Hằng ngày làm
công tác, Sư đều dẫn đầu trong chúng. Một hôm, chúng Tăng lén
giấu dụng cụ không cho Sư làm, Sư tìm mãi không được, bảo:
- Tôi không có
đức hạnh, đâu dám làm nhọc người. Sư nhịn ăn hôm ấy, nên có
câu "một ngày không làm, một ngày không ăn" (nhất nhật bất
tác, nhất nhật bất thực).
Sư có soạn bộ qui
tắc trong nhà Thiền, lấy tên là "Bá Trượng Thanh Qui". Ðời Ðường
niên hiệu Nguyên Hòa năm thứ chín (814 T.L.) ngày mười bảy tháng
giêng, Sư qui tịch, thọ chín mươi lăm tuổi. Vua ban hiệu là Ðại Trí
Thiền sư, tháp hiệu Ðại Bảo Thắng Luân.
*
14. THIỀN SƯ PHỔ NGUYỆN
Nam
Tuyền - (749 - 834)
Sư họ Vương, quê ở
Tân Trịnh, Trịnh Châu. Ðời Ðường niên hiệu Chí Ðức thứ hai (758
T.L.), Sư theo Thiền sư Ðại Huệ ở núi Ðại Ngung xuất gia học đạo.
Năm ba mươi tuổi, Sư lên núi Cao Nhạc thọ giới cụ túc. Lúc đầu,
Sư học tập Tướng tông và Luật tông, kế tìm đến các nơi giảng
Kinh Luận thọ học. Sư đã học được kinh Lăng-già, Hoa Nghiêm,
Trung Luận, Bách Luận...
*
Sau, Sư đến Mã Tổ
bỗng nhiên "được cá quên nôm" (đạt lý quên lời), được du hí
tam-muội (chánh định ngao du tự tại). Một hôm, Sư bưng cháo cho
chúng Tăng, Mã Tổ hỏi:
- Trong thùng thông
là cái gì?
Sư thưa:- Ông già
nên ngậm miệng, nói năng làm gì?
Mã Tổ bèn thôi.
Từ đây về sau,
những bạn đồng tham học không ai dám gạn hỏi Sư điều gì.
*
Niên hiệu Trinh
Nguyên thứ mười một (795 T.L.), Sư tạm biệt Mã Tổ đi tìm nơi cất
am. Sau khi rời Mã Tổ, Sư đồng đi với Thiền sư Bảo Vân, Trí
Thường, Trí Kiên cả thảy bốn người. Ðến giữa đường, sắp từ
biệt nhau, Sư cắm gậy xuống đất bảo:
- Nói được cũng bị
cái ấy ngại, nói không được cũng bị cái ấy ngại.
Trí Thường liền
nhổ gậy, đập Sư một gậy, rồi nói:
- Cũng chỉ cái ấy,
Vương lão sư (thầy già họ Vương) nói cái gì ngại, chẳng ngại?
Bảo Vân nói:- Chỉ
một câu này truyền khắp thiên hạ.
Trí Thường hỏi:-
Lại có cái chẳng khắp chăng?
Bảo Vân đáp:- Có.
Trí Thường hỏi:-
Thế nào là cái chẳng khắp?
Bảo Vân ra bộ tát
tai.
*
Bốn vị ngồi uống
trà. Bảo Vân đưa chung trà lên nói:
- Khi thế giới chưa
thành vẫn có cái ấy.
Sư bảo:- Người nay
chỉ biết cái ấy, chưa biết thế giới.
Trí Thường nói:-
Phải.
Sư bảo:- Sư huynh
đâu đồng cái thấy này.
Trí Thường lại đưa
cái chung trà lên bảo:
- Khi thế giới chưa
thành nói được chăng?
Sư ra bộ tát tai,
Trí Thường đưa mặt nhận tát tai.
*
Sư đến núi Nam
Tuyền cất am, ở mãi hơn ba mươi năm chưa từng xuống núi. Niên
hiệu Thái Hòa năm đầu (827 T.L.), Liêm sứ thành Tuyền Châu là
Lục Công Tuyên nghe đạo phong của Sư bèn cùng Giám quân đồng
đến thỉnh Sư xuống núi, với tư cách đệ tử thỉnh thầy. Từ đây, Sư
mở rộng đạo huyền, số người tham học không khi nào dưới vài
trăm. Các nơi gọi Sư là "người mô phạm đất Dĩnh".
*
Dưới núi Nam Tuyền
có một Am chủ, có người nói: "Gần đây có Hòa thượng Nam Tuyền
ra đời, sao ông không đến yết kiến?" Am chủ bảo: "Chẳng những
Nam Tuyền ra đời, dù có ngàn đức Phật xuất thế, tôi cũng chẳng
đến." Sư nghe lời này, bèn sai Tùng Thẩm (Triệu Châu) đi khám
phá. Tùng Thẩm đến làm lễ, Am chủ chẳng thèm nhìn. Tùng Thẩm
từ Ðông qua Tây, lại từ Tây qua Ðông, Am chủ cũng chẳng nhìn.
Tùng Thẩm bảo: "giặc cỏ đại bại", bèn bỏ tấm mành xuống ra
về. Tùng Thẩm về thuật lại Sư nghe. Sư bảo:
- Ta từ lâu nghi
lão ấy.
Một hôm, Sư đến
Trang sở, Trang chủ dự bị đón tiếp. Sư hỏi:
- Lão tăng ra vào
thường không cho người biết, sao Trang chủ biết trước mà bày
biện như vậy?
Trang chủ thưa:
- Ðêm qua thổ địa
mách ngày nay Hòa thượng đến.
Sư bảo:- Vương lão
sư tu hành vô lực bị quỉ thần xem thấy.
Thị giả hỏi:- Hòa
thượng đã là thiện tri thức, vì sao bị quỉ thần xem thấy?
Sư bảo:- Trước thổ
địa để một phần cơm.
*
Tùng Thẩm hỏi:
- Ðạo chẳng ngoài
vật, ngoài vật chẳng đạo, thế nào là đạo ngoài vật?
Sư liền đánh. Tùng
Thẩm nắm gậy lại, nói:
- Từ đây về sau
chớ có đánh lầm người.
Sư bảo:- Rồng rắn
dễ phân biệt, nạp tử (tăng sĩ) khó lường.
*
Một hôm, Sư đóng
cửa phương trượng (nhà thầy trụ trì ở vuông vức một trượng),
lấy tro rắc ngoài cửa, bảo:
- Nếu có người
nói được liền mở cửa.
Có nhiều vị Tăng
nói, mà không hợp ý Sư.
Tùng Thẩm nói:-
Trời xanh.
Sư liền mở cửa.
*
Sư dạy chúng:
- Mã Tổ ở Giang
Tây nói "tức tâm tức Phật", Vương lão sư chẳng nói thế ấy, mà
nói "chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật", nói thế
có lỗi chăng?
Tùng Thẩm lễ bái
đi ra.
Khi ấy có vị Tăng
theo hỏi Tùng Thẩm:
- Thượng tọa lễ
bái đi ra, ý thế nào?
Tùng Thẩm bảo:-
Thầy nên hỏi Hòa thượng.
Vị Tăng ấy đến
hỏi Sư:
- Hành động vừa
rồi của Thượng tọa Thẩm, ý thế nào?
Sư bảo:- Ông ấy
đã nhận được ý chỉ của Lão tăng.
*
Nhà Ðông, nhà Tây
tranh nhau con mèo. Sư trông thấy, liền bảo chúng:
- Nói được là cứu
con mèo, nói không được thì chém nó.
Chúng Tăng đều ngơ
ngác không nói được. Sư liền chém con mèo. Tùng Thẩm ở ngoài đi
vào, Sư dùng câu nói trước hỏi. Tùng Thẩm liền cổi giày để
trên đầu đi ra. Sư bảo:
- Giá khi nãy có
ngươi ở đây, đã cứu được con mèo.
*
Lục đại phu hỏi
Sư:
- Trong nhà đệ tử
có một phiến đá, hoặc khi ngồi, hoặc khi nằm, nay tính đem làm
tượng Phật được chăng?
Sư đáp:- Ðược.
Ðại phu hỏi:-
Chẳng được chăng?
Sư đáp:- Chẳng
được.
Ðại phu hỏi:- Ðại
Bi Bồ-tát dùng nhiều mắt tay như thế để làm gì?
Sư hỏi lại:- Quốc
gia dùng Ðại phu để làm gì?
*
Sư thượng đường
dạy chúng:
- Vương lão sư từ
nhỏ nuôi một con trâu đực, tính thả ăn ở khe Ðông sợ e không
khỏi phạm nước cỏ của quốc vương, tính thả ăn ở khe Tây cũng
sợ e không khỏi phạm nước cỏ của quốc vương, chi bằng tùy thời
nhận chút ít trọn chẳng thấy được.
*
Sư thượng đường
bảo:
- Phật Nhiên Ðăng
nói "nếu tâm tướng khởi nghĩ sanh ra các pháp là hư giả chẳng
thật". Vì cớ sao? Vì tâm còn không có, lấy gì sanh ra các pháp,
ví như bóng phân biệt hư không, như người lấy tiếng để trong
rương, cũng như thổi lưới muốn được đầy hơi. Cho nên Lão túc bảo
"chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật". Nói thế là
dạy các huynh đệ chỗ đi vững chắc. Nói: "Bồ-tát Thập địa trụ
chánh định Thủ Lăng Nghiêm được pháp tạng bí mật của chư Phật,
tự nhiên được tất cả thiền định giải thoát thần thông diệu
dụng, đến tất cả thế giới khắp hiện sắc thân, hoặc thị hiện
thành Phật chuyển bánh xe đại pháp, vào Niết-bàn, khiến vô
lượng vào một lỗ chân lông, nói một câu trải vô lượng kiếp
cũng không hết nghĩa, giáo hóa vô lượng ngàn ức chúng sanh được
vô sanh pháp nhẫn, còn gọi là sở tri ngu vi tế." Sở tri ngu cùng
đạo trái nhau. Rất khó! rất khó! trân trọng.
*
Sư thượng đường
dạy chúng:
- Các ngươi! Lão
tăng lúc mười tám tuổi đã biết kế sống, có ai biết kế sống ra
trình, sẽ cùng ngươi thương lượng, người ấy mới đáng ở núi.
Sư lặng thinh giây
lâu, nhìn đại chúng chấp tay, nói:
- Vô sự! Trân
trọng! Mỗi người tự tu hành.
Ðại chúng vẫn
ngồi yên.
Sư bảo:
- Huynh đệ người
thời nay gánh Phật để trên vai mà đi, nghe Lão tăng nói: "tâm
chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo", bèn hội họp suy nghĩ. Lão
tăng không có chỗ để các ngươi suy nghĩ. Nếu các ngươi trói hư
không lấy gậy đập được, Lão tăng sẽ cho suy nghĩ.
Có vị Tăng ra hỏi:
- Từ Thượng Tổ cho
đến Ðại sư ở Giang Tây đều nói: "tức tâm là Phật", "tâm bình
thường là đạo". Nay Hòa thượng nói "tâm chẳng phải Phật, trí
chẳng phải đạo", học nhân chắc sanh nghi ngờ, xin Hòa thượng từ
bi chỉ dạy.
Sư đáp:
- Ngươi nếu là
Phật thì đâu còn phải nghi, lại hỏi Lão tăng chỗ gì? Có nhà
bên cạnh nghi Phật như thế đến, Lão tăng chẳng phải Phật cũng
chẳng từng thấy Tổ sư, ngươi nói như thế, tự tìm Tổ sư đi!
Tăng thưa:- Hòa
thượng nói như thế, dạy học nhân làm sao phù trì được?
Sư bảo:- Ngươi mau
lấy tay bắt hư không đi!
Tăng thưa:- Hư
không không tướng không động, làm sao mà bắt?
Sư bảo:
- Ngươi nói không
tướng không động tức là động vậy. Hư không đâu biết nói "ta
không tướng không động". Ðây đều là tình kiến của ngươi.
Tăng thưa:
- Hư không không
tướng không động còn là tình kiến, trước Hòa thượng dạy con bắt
hư không là còn vật gì?
Sư bảo:
- Ngươi đã biết
không nên nói bắt, mà lại nghĩ làm sao phù trì?
Tăng thưa:
- Tức tâm là Phật
đã chẳng được, thị tâm tức Phật được chăng?
Sư bảo:
- Thị tâm thị Phật,
thị tâm tác Phật, do tình chấp mà có, đều bởi tưởng mà thành.
Phật là người trí, tâm là chủ nhóm phân biệt, khi đối vật phát
ra diệu dụng. Ðại đức chớ nhận tâm, nhận Phật, dù nhận được
cảnh ấy vẫn còn bị người gọi là Sở tri ngu. Cho nên Ðại sư ở
Giang Tây bảo: "Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải
vật." Vả lại đã dạy người sau các ngươi chỗ đi như thế. Người
học thời nay mặc y phục nhà bên cạnh nghi như thế, muốn được
rảnh việc có được chăng?
- Ðã chẳng phải
tâm chẳng phải Phật chẳng phải vật, nay Hòa thượng lại nói
"tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo", chưa biết thế nào?
- Ngươi chẳng nhận
tâm là Phật, trí là đạo, Lão tăng chợt được tâm lại để chỗ
nào?
- Ðã hoàn toàn
chẳng được thì đâu khác hư không?
- Ðã chẳng phải
vật làm sao so với hư không, lại nói cái gì là khác chẳng khác?
- Chẳng lẽ không
cái chẳng phải tâm chẳng phải Phật, chẳng phải vật?
- Ngươi nếu nhận
cái ấy, lại thành tâm Phật rồi.
- Thỉnh Hòa thượng
nói.
- Lão tăng tự
chẳng biết.
- Tại sao chẳng
biết?
- Bảo ta nói làm
sao?
- Ðành chẳng cho
học nhân hội đạo sao?
- Hội đạo gì? Lại
làm sao hội?
- Con không biết.
- Không biết lại
tốt. Nếu lấy lời Lão tăng cho là người nương tựa thông suốt,
dù thấy Phật Di-lặc ra đời vẫn bị Ngài nhổ hết lông đầu.
- Dạy người sau
thế nào?
- Ngươi tự xem, chớ
lo những người sau.
- Trước Hòa thượng
chẳng cho con hội thông, giờ lại bảo con tự xem, chưa biết thế
nào?
- Thầm hội, diệu
hội, làm sao cho ngươi hội?
- Thế nào là diệu
hội?
- Lại muốn học
ngữ của Lão tăng, dù có nói, là Lão tăng nói, Ðại đức thế
nào?
- Con nếu tự hội
thì đâu phiền xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy?
- Không thể chỉ
Ðông chỉ Tây lừa người, ngươi khi còn khóc tu oa! tu oa! Sao chẳng
đến hỏi Lão tăng? Bây giờ khôn ngoan mới nói con chẳng hội,
mong cái gì? Nếu người đời này lọt lòng mẹ bèn nói ta xuất gia
làm Thiền sư, vậy khi chưa xuất gia từng làm việc gì, hãy nói
xem, ta sẽ cùng ngươi thương lượng?
- Khi ấy con chẳng
biết.
- Ðã chẳng biết
thì hiện nay nhận được, có thể phải sao?
- Nhận được đã
chẳng phải, không nhận được phải chăng?
- Nhận, chẳng nhận
là lời nói gì?
- Ðến trong ấy con
càng chẳng hội.
- Ngươi nếu chẳng
hội, ta cũng chẳng hội.
- Con là học nhân
tức chẳng hội, Hòa thượng là thiện tri thức phải hội.
- Chỉ nói với ngươi
chẳng hội, ai luận thiện tri thức.
Chớ khôn xảo, xem
như Mã Tổ lúc còn tại tiền, có một học sĩ đến hỏi: "Như nước
không gân xương, hay thắng thuyền muôn đấu, lý này thế nào?" Mã
Tổ bảo: "Trong ấy không nước cũng không thuyền, luận gì gân
xương." Huynh đệ! học sĩ ấy bèn thôi, đâu không tỉnh lực. Sở dĩ
thường thường nói với các ngươi Phật không hội đạo, ta tự tu
hành, dùng biết để làm gì?
- Thế nào là tu
hành?
- Không thể nghĩ
lường, đâu thể nói với ngươi tu thế này, hành thế này, đại
nạn!
- Lại cho học nhân
tu hành chăng?
- Lão tăng không
thể ngăn ngươi.
- Con làm sao tu
hành?
- Cần hành thì
hành, không nên chuyên tầm bọn khác.
- Nếu không nhờ
thiện tri thức chỉ dạy thì không do đâu được hội? Như Hòa thượng
mọi khi nói "tu hành phải hiểu mới được, nếu không hiểu thì rơi
vào nhân quả, không có phần tự do", chưa biết tu hành thế nào
khỏi vào nhân quả?
- Lại chẳng cần
thương lượng. Nếu luận tu hành thì chỗ nào chẳng hành được?
- Thế nào hành
được?
- Ngươi không thể
theo bọn kia tìm được.
- Hòa thượng chưa
nói dạy, con làm sao tìm?
- Giả sử nói chỗ
tìm đó, vả như ngươi từ sáng đến tối chợt đi Ðông, đi Tây, ngươi
còn không suy nghĩ nói, đi được chẳng được, người khác không thể
biết được ngươi.
- Ngay khi đi Ðông
đi Tây toàn không suy nghĩ, là phải chăng?
- Khi ấy, ai nói
là phải chẳng phải?
*
Có vị Tăng hỏi:
- Trong hư không có
một hạt châu làm sao lấy được?
Sư bảo:
- Chặt tre làm
thang bắc trong hư không lấy.
- Trong hư không
làm sao bắc thang?
- Ngươi nghĩ thế
nào lấy?
*
Sư dạy chúng:
- Chỉ hội được
tánh từ vô lượng kiếp đến giờ không biến đổi tức tu hành,
diệu dụng mà chẳng trụ tức là hạnh Bồ-tát. Ðạt các pháp
không, diệu dụng tự tại, sắc thân tam-muội rõ ràng. Hành lục
ba-la-mật không, thì nơi nơi không ngại, dạo trong địa ngục như xem
vườn đẹp, không thể nói y chẳng được tác dụng. Chúng sanh từ
vô lượng kiếp đến giờ quên bản tánh, chẳng tự liễu ngộ chân
thể, bị mây trần che lấp, đắm mê sắc dục, như mây bay thấy
trăng chạy, thuyền đi thấy bờ dời, tạm thời chia đường, chẳng
được tự tại, thọ các thứ khổ chẳng tự hiểu biết. Ðến hôm nay
hội được tánh bản lai, tánh ấy cùng hiện giờ không khác.
*
Sư sắp tịch, đệ
nhất tọa hỏi:
- Sau khi Hòa
thượng trăm tuổi đi về chỗ nào?
Sư bảo:- Làm con
trâu dưới núi.
Tăng hỏi:- Con theo
Hòa thượng được chăng?
Sư bảo:- Nếu ngươi
muốn theo ta phải ngậm theo một bó cỏ.
Niên hiệu Thái
Hòa thứ tám (834 T.L.) ngày rằm tháng hai, Sư có chút bệnh. Sáng
hôm sau, Sư bảo chúng:
- Sao che đèn huyễn
lâu vậy, chớ bảo ta có đi lại. Sư nói xong liền tịch, thọ tám
mươi bảy tuổi.
*
15. THIỀN SƯ HUỆ HẢI
(Ðại Châu)
Sư họ Châu, quê ở
Kiến Châu, theo Hòa thượng Ðạo Trí chùa Ðạo Vân ở Việt Châu
xuất gia học đạo.
Sư đến tham vấn Mã
Tổ.
Mã Tổ hỏi:- Từ
đâu đến?
Sư thưa:- Ở Việt
Châu chùa Ðại Vân đến.
- Ðến đây tính cầu
việc gì?
- Ðến cầu Phật
pháp.
- Kho báu nhà mình
chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy đi tìm cái gì? Ta trong ấy không có
một vật, cầu Phật pháp cái gì?
Sư lễ bái, thưa:-
Cái gì là kho báu nhà mình của Huệ Hải?
- Chính nay ngươi
hỏi ta, là kho báu của ngươi, đầy đủ tất cả không thiếu thốn,
tự do sử dụng, đâu nhờ tìm cầu bên ngoài.
Ngay câu này, Sư
tự nhận bản tâm không do hiểu biết, vui mừng lễ tạ. Sư ở hầu
Mã Tổ sáu năm.
*
Vì bổn sư tuổi
già, Sư phải về phụng dưỡng. Từ đây, Sư tàng ẩn chỗ thâm ngộ
của mình, chỉ hiện bề ngoài như kẻ tầm thường. Sư có soạn quyển
"Ðốn Ngộ Nhập Ðạo Yếu Môn Luận", bị Huyền Ấn là cháu trong
pháp môn lén lấy đến trình Mã Tổ.
Mã Tổ xem xong,
bảo chúng:
- Việt Châu có
Ðại Châu (hạt châu lớn) tròn sáng thấu suốt tự tại không
ngại.
Khi ấy, ở trong
chúng có người biết Sư họ Châu bèn rủ nhau lần lượt tìm đến Sư,
thưa hỏi và nương tựa. Từ đó người ta gọi Sư là Ðại Châu Hòa
thượng.
*
Sư bảo những vị
đến tham vấn:
- Thiền khách! Tôi
chẳng hội thiền, trọn không có một pháp có thể chỉ dạy người,
không phiền các vị đứng lâu, hãy tự đi nghỉ.
Tuy vậy, mà học
chúng dần dần thêm đông, ngày đêm thưa hỏi. Sư bất đắc dĩ vì
hỏi giải đáp, biện tài không ngại.
*
Có vài vị Pháp sư
đến hỏi:
- Ðịnh hỏi một
câu, Thầy có vui lòng đáp lại chăng?
Sư bảo:- Bóng
trăng dưới đầm sâu, mặc ý mò bắt.
- Thế nào là
Phật?
- Hồ nước trong
đối diện, chẳng phải Phật là gì?
Các vị ấy còn ngơ
ngác, không biết gì cả. Giây lâu có vị lại hỏi:
- Thầy nói pháp gì
độ người?
- Bần đạo chưa
từng có một pháp gì độ người.
- Thiền sư nhà tối
như thế.
- Ðại đức nói
pháp gì độ người?
- Giảng kinh Kim
Cang Bát-nhã.
- Giảng được bao
nhiêu lần?
- Hơn hai mươi lần.
- Kinh này ai nói?
Pháp sư tằng hắng
lên giọng gắt:
- Thiền sư khéo
nói đùa, há không biết Phật nói sao?
- "Nếu nói Như Lai
có nói pháp là chê bai Phật, người ấy không hiểu nghĩa ta nói."
(kinh Kim Cang) Nếu nói kinh này không phải Phật nói tức là phỉ
báng kinh. Thỉnh Ðại đức nói xem?
Pháp sư im lặng
không đáp được.
Sư lại hỏi:
- Kinh nói: "Nếu
lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, người ấy hành đạo tà,
không thể thấy Như Lai." Ðại đức hãy nói cái gì là Như Lai?
- Ðến chỗ này tôi
mê hẳn?
- Từ trước đến
giờ chưa từng ngộ, nói cái gì là mê?
- Thỉnh Thiền sư vì
tôi nói!
- Ðại đức giảng
kinh hơn hai mươi lượt, lại chưa biết Như Lai?
Pháp sư lại lễ
bái, cầu xin chỉ dạy.
Sư bảo:
- Như Lai là nghĩa
như của các pháp, đâu thể quên được.
- Phải. Là nghĩa
như của các pháp.
- Ðại đức nói
phải, cũng chưa phải.
- Văn kinh rõ ràng
đâu thể chưa phải?
- Ðại đức "Như"
chăng?
- Như.
- Cây cỏ như
chăng?
- Như.
- Ðại đức như,
đồng cây cỏ như chăng?
- Không hai.
- Ðại đức cùng
cây cỏ đâu khác?
Pháp sư không đáp
được, im lặng giây lâu lại hỏi:
- Thế nào được
Ðại Niết-bàn?
- Chẳng tạo nghiệp
sanh tử.
- Thế nào là
nghiệp sanh tử?
- Cầu Ðại
Niết-bàn là nghiệp sanh tử, bỏ nhơ lấy sạch là nghiệp sanh tử,
có đắc có chứng là nghiệp sanh tử, không vượt khỏi môn đối trị
là nghiệp sanh tử.
- Thế nào chóng
được giải thoát?
- Vốn tự không
phược (trói buộc) chẳng cần cầu giải thoát, dùng thẳng hành
thẳng là không thứ bực.
Pháp sư khen:-
Thiền sư như Hòa thượng thật là ít có.
Khen xong, Pháp sư
lễ tạ lui ra.
*
Có vị cư sĩ đến
hỏi:- Tức tâm tức Phật, cái gì là Phật?
Sư bảo:- Ông nghi
cái gì không phải Phật chỉ ra xem!
Cư sĩ lặng thinh.
Sư nói tiếp:- Ðạt
thì khắp cảnh là Phật, chẳng ngộ hằng trái xa.
*
Có Luật sư hiệu
Pháp Minh đến nói:
- Các Thiền sư
phần nhiều rơi vào không.
Sư bảo:- Trái lại,
các Tọa chủ phần nhiều rơi vào không.
Pháp Minh hoảng sợ
hỏi:- Tại sao rơi vào không?
- Kinh luận là
giấy mực văn tự, giấy mực văn tự đều là không, dù trên tiếng
dựng lập danh, cú, văn, thân, đâu chẳng phải là không, Tọa chủ
bám chặt vào giáo thể đâu chẳng rơi vào không?
- Thiền sư rơi vào
không chăng?
- Văn tự v.v...
đều từ trí tuệ mà sanh, đại dụng hiện tiền đâu thể rơi vào
không.
- Cho biết một
pháp không đạt, chẳng gọi là tất-đạt.
- Luật sư chẳng
những rơi vào không, lại còn dùng lầm danh ngôn.
Pháp Minh đổi sắc
mặt, hỏi:- Lầm chỗ nào?
- Luật sư chưa rành
âm Trung Hoa và Phạn, làm sao giảng thuyết?
- Thỉnh Thiền sư chỉ
ra chỗ lầm của Pháp Minh?
- Ðâu chẳng biết
"tất-đạt" là tiếng Phạn sao?
Pháp Minh tuy nhận
thấy lỗi, mà tâm vẫn còn giận, lại hỏi:
- Phàm Kinh, Luật,
Luận là lời Phật, đọc tụng y giáo phụng hành, sao chẳng thấy
tánh?
- Như chó điên
đuổi bóng, sư tử ăn thịt người. Kinh, Luật, Luận là tự tánh
dụng, người đọc tụng là tánh pháp.
- Phật A-di-đà có
cha mẹ và họ chăng?
- Phật A-di-đà họ
Kiều-thi-ca, cha tên Nguyệt Thượng, mẹ tên Thù Thắng Diệu Nhan.
- Xuất phát từ
kinh điển nào?
- Xuất phát từ
tập Ðà-la-ni.
Pháp Minh lễ tạ
khen ngợi lui ra.
*
Có vị Pháp sư
thông Tam tạng đến hỏi:- Chân như có biến đổi chăng?
Sư đáp:- Có biến
đổi.
- Thiền sư lầm.
- Ðại đức có chân
như chăng?
- Có.
- Nếu không biến
đổi quyết định Ðại đức là phàm Tăng. Ðâu chẳng nghe: "Thiện tri
thức hay chuyển ba độc thành ba món tịnh giới, chuyển sáu thức
thành sáu thần thông, chuyển phiền não thành Bồ-đề, chuyển vô
minh thành đại trí chân như." Nếu không biến đổi , Ðại đức thật
là ngoại đạo chủ trương tự nhiên vậy.
- Nếu vậy chân như
tức có biến đổi.
- Nếu chấp chân
như có biến đổi cũng là ngoại đạo.
- Thiền sư vừa nói
chân như có biến đổi, giờ lại nói không biến đổi, vậy thế nào
thật đúng?
- Nếu người thấy
tánh rõ ràng, như hạt châu ma-ni hiện sắc, nói biến đổi cũng
được, nói không biến đổi cũng được. Nếu người không thấy tánh,
nghe nói chân như biến đổi bèn hiểu biến đổi, nghe nói không
biến đổi bèn hiểu không biến đổi.
Pháp sư khen:
- Nên biết, Nam
tông (Thiền đốn ngộ miền Nam) không thể lường.
*
Luật sư Nguyên đến
hỏi:- Hòa thượng tu có dụng công chăng?
Sư đáp:- Dụng
công.
- Dụng công thế
nào?
- Khi đói thì ăn,
khi mệt thì ngủ.
- Tất cả người
đều như vậy, đồng chỗ dụng công của Thầy chăng?
- Chẳng đồng.
- Tại sao chẳng
đồng?
- Họ khi ăn chẳng
chịu ăn, đòi trăm thứ cần dùng, khi ngủ chẳng chịu ngủ, tính
toán ngàn chuyện, do đó chẳng đồng.
Nguyên im lặng.
*
Ðại đức Uẩn Quang
đến hỏi:- Thiền sư tự biết chỗ sanh chăng?
Sư đáp:
- Chưa từng tử đâu
cần luận sanh. Biết sanh tức là pháp không sanh, chẳng lìa pháp
sanh nói có không sanh. Tổ sư nói: "Chính cái sanh tức không
sanh."
- Người không thấy
tánh cũng được như vậy chăng?
- Tự chẳng thấy
tánh chẳng phải không tánh. Vì sao? Thấy tức là tánh, không
tánh thì không thể thấy. Thức tức là tánh, nên gọi thức tánh.
Liễu tức là tánh, nên gọi liễu tánh. Hay sanh muôn pháp gọi là
pháp tánh, cũng gọi là pháp thân. Tổ sư Mã Minh nói: "Nói là
pháp tức là tâm chúng sanh, nếu tâm sanh nên tất cả pháp sanh,
nếu tâm không sanh, pháp không nương đâu sanh, cũng không danh
tự." Người mê không biết pháp thân không hình tượng hay ứng vật
hiện hình, bèn nói: "Trúc biếc xanh xanh đồng là pháp thân, hoa
vàng mịt mịt thảy đều Bát-nhã."(Thanh thanh thúy trúc tổng thị
pháp thân, uất uất hoàng hoa vô phi Bát-nhã.) Hoa vàng nếu là
Bát-nhã, Bát-nhã tức đồng vô tình, trúc biếc nếu là pháp
thân, pháp thân tức đồng cây cỏ. Như người ăn măng tức là ăn
pháp thân.
Những lối nói như
thế đâu thể kể chép hết. Ðối diện mê Phật nhiều kiếp mong
cầu, trong pháp thể mà mê lầm, chạy tìm kiếm bên ngoài. Thế
nên, người hiểu đạo đi đứng ngồi nằm đều là đạo, người ngộ
pháp tung hoành tự tại đều là pháp.
- Hư không hay sanh
linh tri chăng? Chân tâm duyên thiện ác chăng? Người tham dục là
đạo chăng? Người chấp phải quấy về sau tâm thông chăng? Người
xúc cảnh sanh tâm có định chăng? Người trụ chỗ yên lặng có tuệ
chăng? Người ôm lòng khinh người có ngã chăng? Người chấp không
chấp hữu có trí chăng? Người tầm văn thủ chứng, người khổ hạnh
cầu Phật, người lìa tâm cầu Phật, người chấp tâm là Phật, trí
này hợp đạo chăng? Thỉnh Thiền sư mỗi mỗi vì đáp:
Hư không chẳng sanh
linh tri, chân tâm chẳng duyên thiện ác, người chìm sâu trong tham
dục căn cơ cạn, người phải quấy lăng xăng chưa thông, người xúc
cảnh sanh tâm ít định, người yên lặng quên hết là tuệ chìm,
người khinh người cao mạn là ngã mạn, người chấp không chấp có
đều ngu, người tầm văn thủ chứng thêm kẹt, người khổ hạnh cầu
Phật là mê, lìa tâm cầu Phật là ngoại đạo, chấp tâm là Phật
là ma.
- Nếu như thế thì
rốt ráo không thể có?
- Rốt ráo là Ðại
đức, chẳng phải rốt ráo không thể có.
Uẩn Quang vui mừng
lễ tạ.
*
Tọa chủ giảng kinh
Duy-ma-cật hỏi:
- Kinh nói: "Lục sư
v.v... ngoại đạo kia là thầy của ngươi, nhân kia xuất gia, thầy
kia bị đọa ngươi cũng theo đó mà đọa. Người thí cho ngươi chẳng
gọi phước điền, cúng dường cho ngươi đọa trong ba đường ác. Chê
Phật, hủy Pháp, chẳng vào chúng số, trọn chẳng được diệt độ.
Ngươi nếu như thế mới nên nhận thức ăn." (kinh Duy-ma) Thỉnh Thiền
sư vì giải thích.
Sư đáp:
- Người mê chạy
theo sáu căn gọi là lục sư, ngoài tâm cầu Phật gọi là ngoại
đạo, thấy có vật để thí chẳng gọi phước điền, sanh tâm nhận
cúng dường đọa ba đường ác. Người nếu hay chê bai Phật là chẳng
dám cầu Phật, hủy báng pháp là chẳng dám cầu Pháp, chẳng vào
chúng số là chẳng dám cầu Tăng, trọn chẳng được diệt độ là
trí dụng hiện tiền. Nếu có người hay hiểu như thế liền được
thức ăn thiền duyệt pháp hỉ.
*
Tọa chủ hỏi:
- Kinh Bát-nhã
nói: "độ chín loài chúng sanh đều vào vô dư Niết-bàn", lại nói:
"thật không chúng sanh được diệt độ". Hai đoạn văn kinh này làm
sao hội thông? Người xưa nay đều nói "thật độ chúng sanh mà
chẳng nhận tướng chúng sanh". Tôi còn nghi chưa giải quyết, thỉnh
Thiền sư vì giải thích.
- Chín loài chúng
sanh trong một thân đầy đủ, tùy tạo tùy hành: vô minh là noãn
sanh (sanh bằng trứng), ôm ấp phiền não ở trong là thai sanh (sanh
bằng bào thai), nước ái thấm ướt là thấp sanh (sanh chỗ ẩm
ướt), nóng nảy khởi phiền não là hóa sanh (từ loài này hóa
sanh loài khác). Ngộ tức là Phật, mê gọi là chúng sanh. Bồ-tát
chỉ lấy tâm sanh niệm niệm làm chúng sanh, nếu rõ tâm ở trên
bản tế (nguồn tâm) của mình mà độ lúc chưa hiện bày, chưa hiện
bày đều không, tức biết thật không có chúng sanh được diệt độ.
*
Sư thượng đường
dạy:
- Các ngươi may mắn
tự khéo giữ cái vô sự. Kẻ nhọc nhằn tạo tác là mang cùm sa
ngục chớ gì? Mỗi ngày từ sáng đến tối bôn ba nói: "ta tham
thiền học đạo, hiểu thấu Phật pháp". Như thế càng không dính
dáng gì, chỉ chạy theo thanh sắc, biết khi nào dứt. Bần đạo đến
tham vấn Hòa thượng ở Giang Tây (Mã Tổ), Hòa thượng dạy: "Kho
báu nhà của ngươi đầy đủ tất cả, sử dụng tự tại chẳng nhờ
cầu bên ngoài." Bần đạo từ đây thảy thôi, của báu của mình
tùy thân thọ dụng, có thể nói sống thích thú, không một pháp
có thể thủ, không một pháp có thể xả, chẳng thấy một pháp
tướng sanh diệt, chẳng thấy một vật tướng qua lại, khắp mười
phương thế giới không có bằng hạt bụi mà chẳng phải của báu
nhà mình. Chỉ tự quan sát kỹ càng, tâm mình một thể Tam Bảo,
thường tự hiện trước, không thể nghi ngờ. Chớ suy xét, chớ tìm
kiếm, tâm tánh xưa nay thanh tịnh. Kinh Hoa Nghiêm nói: "Tất cả
pháp chẳng sanh, tất cả pháp chẳng diệt, nếu hay hiểu như thế,
chư Phật thường hiện tiền." Kinh Tịnh Danh nói: "Quán thân thật
tướng, quán Phật cũng vậy." Nếu chẳng theo thanh sắc mà động
niệm, chẳng theo tướng mạo mà sanh hiểu, tự nhiên vô sự. Ði!
Chớ đứng lâu. Trân trọng!
Hôm nay đại chúng
nhóm họp mãi không giải tán.
Sư hỏi:
- Các ngươi vì cớ
sao ở đây mãi không đi? Bần đạo đã đối diện trình nhau, lại chịu
thôi chăng? Có việc gì khả nghi? Chớ lầm dụng tâm uổng phí khí
lực. Nếu có nghi ngờ, các ngươi tùy ý thưa hỏi.
Có vị Tăng hỏi:
- Thế nào là
Phật? Thế nào là Pháp? Thế nào là Tăng? Thế nào là một thể
Tam Bảo?
Sư đáp:
- Tâm là Phật,
chẳng cần đem Phật cầu Phật, tâm là Pháp, chẳng cần đem pháp
cầu pháp, Phật Pháp hòa hợp không hai là Tăng, tức là một thể
Tam Bảo. Kinh nói: "Tâm, Phật, Chúng sanh cả ba không khác." Thân
khẩu ý thanh tịnh gọi là Phật ra đời, ba nghiệp thanh tịnh gọi là
Phật diệt độ. Dụ như khi giận thì không vui, khi vui thì không
giận. Chỉ là một tâm, thật không hai thể. Bản trí sẵn vậy, vô
lậu hiện tiền, như rắn hóa thành rồng không đổi vảy, chúng sanh
hồi tâm thành Phật chẳng đổi mặt. Tánh vốn thanh tịnh chẳng đợi
tu hành, có chứng có tu tức đồng người tăng thượng mạn. Chân
không chẳng kẹt, ứng dụng không cùng, không thủy không chung.
Người lợi căn đốn ngộ dụng không thứ bực, tức là A-nậu-bồ-đề
(Vô thượng chánh giác). Tâm không hình tướng tức là Sắc thân vi
diệu. Không tướng là thật tướng pháp thân. Thể tánh tướng đều
không tức là thân hư không vô biên. Muôn hạnh trang nghiêm tức
là công đức Pháp thân. Pháp thân này là gốc của muôn hóa,
tùy chỗ đặt tên: trí dụng không hết gọi là Vô tận tạng (kho
không hết), hay sanh muôn pháp gọi là Bản pháp tạng (kho gốc
các pháp), đủ tất cả trí gọi là Trí tuệ tạng (kho trí tuệ),
muôn pháp về như gọi là Như lai tạng (kho như lai). Kinh nói: "như
lai đó, tức nghĩa như của các pháp", lại nói: "Tất cả pháp sanh
diệt thế gian, không có một pháp chẳng về như."
*
Sư thọ bao nhiêu
tuổi, tịch lúc nào và nơi nào, chẳng thấy ở đâu ghi.
*
16. THIỀN SƯ ẨN PHONG
(Ðặng Ẩn Phong)
Sư họ Ðặng, quê ở
Thiền Võ, Phước Kiến. Trước Sư đến tham vấn Mã Tổ mà chưa nhận
được chỗ huyền áo, Sư lại đến Thạch Ðầu đôi ba phen vẫn không
thấy đạo.
Lúc ở chỗ Thạch
Ðầu, Sư hỏi:- Làm sao được hội đạo?
Thạch Ðầu bảo:- Ta
cũng chẳng hội đạo.
- Cứu kính thế
nào?
- Ngươi bị cái ấy
bao vây rồi!
Một hôm, Hòa
thượng Thạch Ðầu hớt cỏ. Sư khoanh tay đứng bên trái. Thạch Ðầu
xoay nhanh chiếc kéo sang trước mặt Sư hớt một gốc cỏ.
Sư thưa:
- Hòa thượng chỉ
hớt được cái ấy, không hớt được cái này.
Thạch Ðầu đưa
chiếc kéo lên. Sư nắm chiếc kéo, làm thế hớt.
Thạch Ðầu bảo:
- Ngươi chỉ hớt
được cái này, không hớt được cái ấy.
Sư không đáp được.
Sau, nơi Mã Tổ một
câu nói, Sư ngộ đạo.
Một hôm, Sư đẩy xe
đất, Mã Tổ ngồi duỗi chân trên đường.
Sư thưa:- Thỉnh Thầy
rút chân.
Mã Tổ bảo:- Ðã
duỗi thì không rút.
- Ðã tiến thì
không lùi.
Sư bèn đẩy xe qua,
cán chân Mã Tổ bị thương. Mã Tổ vào pháp đường cầm chiếc búa
gọi:
- Vừa rồi ai đẩy
xe cán chân Lão tăng bị thương, hãy ra đây!
Sư bước ra đưa cổ
trước Mã Tổ. Mã Tổ liền dẹp búa.
*
Sư đến chỗ Nam
Tuyền Phổ Nguyện, thấy chúng Tăng đang thẩm vấn. Nam Tuyền chỉ
tịnh bình bảo:
- Bình đồng (bình
bằng đồng) là cảnh, trong bình có nước, chẳng được động đến
cảnh, đem nước đến cho Lão tăng.
Sư bèn nắm tịnh
bình đem đến trước mặt Nam Tuyền đổ nước.
Nam Tuyền bèn
thôi.
*
Sư đến Qui Sơn vào
nhà Tăng, cổi y bát bỏ chỗ Thượng tọa. Qui Sơn nghe Sư thúc đến,
sửa soạn oai nghi vào nhà Tăng chào. Sư thấy Qui Sơn đến bèn làm
thế nằm ngủ. Qui Sơn trở về phương trượng. Sư ra đi giây lâu, Qui
Sơn hỏi thị giả:
- Sư thúc còn đó
chăng?
Thị giả thưa:- Ðã
đi.
- Khi đi có nói
lời gì chăng?
- Không nói lời
nào.
- Chớ nói không
nói lời nào, tiếng kia vang như sấm.
*
Sư mùa Ðông ở
Hoành Nhạc, mùa Hạ dừng nơi Thanh Lương. Ðời Ðường khoảng niên
hiệu Nguyên Hòa (806-821 T.L.), Sư định lên Ngũ Ðài Sơn, đi đường
đến Hoài Tây gặp Ngô Nguyên Tế khởi binh chống triều đình. Quân
hai bên đang đánh nhau chưa phân hơn thua. Sư nghĩ: "ta phải cứu nạn
này", bèn ném tích trượng trong hư không, phi thân bay qua. Tướng
sĩ hai bên trông thấy, tâm tranh đấu dứt sạch, liền rút quân. Sư
đã dùng phép lạ, ngại làm mê hoặc quần chúng, bèn vào Ngũ
Ðài Sơn nơi hang Kim Cang thị tịch.
Trước khi thị tịch,
Sư hỏi chúng:
- Tôi thường thấy
các vị tiền bối khi tịch hoặc ngồi, hoặc nằm, có vị nào đứng
tịch chăng?
Chúng thưa:- Có.
Sư hỏi:- Có vị nào
lộn ngược tịch chăng?
- Chưa từng thấy.
Sư bèn lộn ngược
mà tịch, nhưng y phục vẫn nguyên vẹn như đứng. Chúng định để vào
áo quan trà-tỳ, mà xô không lung lay. Dân chúng xa gần đồn đãi
nhau kéo đến xem đông vô số. Sư có người em gái xuất gia làm Ni
cũng có mặt tại đây. Cô Ni ấy nắm thân Sư, vừa trách:
- Lão huynh ngày
trước chẳng giữ luật, khi chết lại làm mê hoặc người.
Trách xong, cô xô
một cái, thân Sư ngã xuống.
Chúng đem trà-tỳ
lấy xá-lợi.
*
17. THIỀN SƯ HUỆ TẠNG
(Thạch Củng)
Lúc còn tại gia,
Sư chuyên nghề săn bắn, không thích gặp các nhà tu. Một hôm,
nhân đuổi bầy nai chạy qua trước am Mã Tổ, gặp Mã Tổ đứng
trước.
Sư hỏi:- Hòa
thượng thấy bầy nai chạy qua đây chăng?
Mã Tổ hỏi lại:-
Chú là người gì?
- Thợ săn.
- Chú bắn giỏi
không?
- Bắn giỏi.
- Một mũi tên chú
bắn được mấy con?
- Một mũi bắn
được một con.
- Chú bắn không
giỏi.
- Hòa thượng bắn
giỏi không?
- Bắn giỏi.
- Một mũi tên Hòa
thượng bắn được mấy con?
- Một mũi tên bắn
được một bầy.
- Sanh mạng chúng
nó, đâu nên bắn một bầy.
- Chú đã biết như
thế, sao không tự bắn?
- Nếu dạy tôi bắn
tức không có chỗ hạ thủ.
- Chú này phiền
não vô minh nhiều kiếp, ngày nay chóng dứt.
Ngay khi đó, Sư ném
cung bẻ tên, tự lấy dao cạo tóc, theo Mã Tổ xuất gia.
*
Một hôm, Sư làm
việc ở nhà trù, Mã Tổ xuống hỏi:
- Làm việc gì?
Sư thưa:- Chăn
trâu.
- Làm sao chăn?
- Một khi vào cỏ,
bèn nắm mũi kéo lại.
- Con thật là chăn
trâu.
*
Sư cùng Trí Tạng
(Tây Ðường) đi dạo chơi. Sư hỏi Trí Tạng:
- Sư đệ biết bắt
hư không chăng?
Trí Tạng đáp:-
Biết bắt.
- Làm sao bắt
được?
Trí Tạng lấy tay
chụp hư không.
Sư bảo:- Làm thế
ấy đâu bắt được hư không!
- Sư huynh làm sao
bắt được?
Sư liền nắm mũi
Trí Tạng kéo mạnh.
Trí Tạng đau quá
la:- Giết chết lỗ mũi người ta! buông ngay!
Sư bảo:- Phải làm
như thế mới bắt được hư không.
Trí Tạng về đến
khuya mới nhận ra ý chỉ ấy.
*
Về sau, Sư trụ trì,
thường dùng cung tên để tiếp độ người. Chúng Tăng đến tham vấn,
Sư hỏi:
- Vừa rồi ở chỗ
nào?
Vị Tăng thưa:- Ở.
- Ở chỗ nào?
Tăng khảy móng tay
một tiếng, đến lễ bái Sư.
Sư hỏi:- Ðem được
cái này đến chăng?
- Ðem được.
- Ở chỗ nào?
Tăng khảy móng tay
ba tiếng, hỏi Sư:
- Thế nào khỏi
được sanh tử?
- Dùng khỏi làm
gì?
- Thế nào khỏi
được?
- Ðến ấy không
sanh tử.
Không hiểu Sư tịch
lúc nào và ở đâu.
*
18. THIỀN SƯ TRÍ TẠNG
Tây
Ðường - (735 - 814)
Sư họ Liệu, quê ở
Kiền Hóa, xuất gia lúc tám tuổi, hai mươi lăm tuổi thọ giới cụ
túc. Có ông thầy tướng thấy tướng Sư nói: "Thầy cốt cách phi
phàm sẽ làm phụ tá cho vị Pháp vương."
Sư tìm đến tham vấn
Mã Tổ, được Mã Tổ chấp nhận chỉ dạy. Sư đồng nhập thất với
Thiền sư Hoài Hải v.v... cũng đồng được ấn ký. Mã Tổ sai Sư đến
Trường An dâng thơ cho Quốc sư Huệ Trung.
Quốc sư hỏi:- Thầy
ngươi nói pháp gì?
Sư từ bên Ðông
sang bên Tây đứng.
Quốc sư hỏi:- Chỉ
cái ấy hay còn gì khác?
Sư trở lại bên
Ðông đứng.
Quốc sư bảo:- Cái
đó là của Mã sư, còn ngươi thế nào?
Sư thưa:- Ðã trình
tương tợ với Hòa thượng.
*
Mã Tổ hỏi Sư:- Sao
con chẳng xem kinh?
Sư thưa:- Kinh đâu
có khác.
-Tuy nhiên như thế,
song con về sau vì người cần phải xem.
- Con bệnh cần
phải trị dưỡng, đâu dám nói vì người.
- Con lúc lớn tuổi
sẽ làm Phật pháp hưng thạnh ở đời.
*
Sau khi Mã Tổ tịch,
chúng thỉnh Sư khai đường giáo hóa, nhằm năm thứ bảy niên hiệu
Trinh Nguyên đời Ðường (791 T.L.).
Thượng thơ Lý
Tường thường hỏi Tăng chúng:
- Mã Tổ có dạy
pháp gì?
Tăng chúng đáp:
- Hoặc nói tức
tâm tức Phật, hoặc nói phi tâm phi Phật.
Lý Tường nói:-
Ðều sai, bên ấy.
Lý Tường đến hỏi
Sư:- Mã Tổ có dạy pháp gì?
Sư gọi:- Lý Tường!
Lý Tường đáp:-
Dạ.
Sư bảo:- Gốc trống
động.
*
Sư thượng đường
dạy chúng:
- Nhân quả rõ
ràng, phải làm sao, phải làm sao?
Có vị Tăng bước
ra, lấy tay bươi dưới đất.
Sư hỏi:- Làm gì?
Tăng thưa:- Cứu
nhau, cứu nhau.
Sư bảo:- Ðại
chúng! vị Tăng này vẫn còn chút ít so sánh.
Vị Tăng ấy phủi
áo chạy đi.
Sư bảo:- Trùng
trong thân sư tử tự ăn thịt sư tử.
*
Có người thế tục
đến hỏi Sư:
- Có thiên đường,
có địa ngục chăng?
Sư đáp:- Có.
- Có Phật, Pháp,
Tăng, Tam Bảo chăng?
- Có.
Người ấy hỏi
nhiều vấn đề nữa, Sư đều đáp có. Người ấy thưa:
- Hòa thượng nói
thế e lầm chăng?
- Ông đã hỏi vị
tôn túc nào rồi mới đến đây chăng?
- Con đã hỏi Hòa
thượng Cảnh Sơn.
- Hòa thượng Cảnh
Sơn nói với ông thế nào?
- Ngài nói tất cả
đều không.
- Ông có vợ
chăng?
- Có.
- Hòa thượng Cảnh
Sơn có vợ chăng?
- Không.
- Hòa thượng Cảnh
Sơn nói không là phải.
Người ấy lễ tạ
lui ra.
Niên hiệu Nguyên
Hòa năm thứ chín (814 T.L.) ngày mùng tám tháng tư, Sư qui tịch,
thọ tám mươi tuổi.
Vua Hiến Tông sắc
ban hiệu là Ðại Tuyên Giáo Thiền sư, tháp hiệu Nguyên Hòa Chứng
Chơn.
] |