THIỀN SƯ TRUNG HOA

TẬP MỘT

H.T THÍCH THANH TỪ

NỐI PHÁP CHƯƠNG KỈNH HOÀI UẨN

40. THIỀN SƯ HOẰNG BIỆN

Vua Ðường Tuyên Tông hỏi Sư:

- Thiền tông sao có tên Nam, Bắc?

Sư đáp:

- Thiền môn vốn không có Nam, Bắc. Xưa Như Lai đem chánh pháp nhãn trao cho Tổ Ðại Ca-diếp, lần lượt truyền nhau đến đời thứ hai mươi tám là Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Tổ Ðạt-ma sang phương này (Trung Hoa) là Sơ Tổ, truyền đến vị Tổ thứ năm là Ðại sư Hoằng Nhẫn. Tổ Hoằng Nhẫn mở bày chánh pháp ở Ðông Sơn có hai đệ tử lỗi lạc là Huệ Năng và Thần Tú. Ðại sư Huệ Năng được truyền y bát, về ở Lãnh Nam làm Tổ thứ sáu. Ðại sư Thần Tú ở phương Bắc giáo hóa. Sau này, đệ tử Sư Thần Tú là Phổ Tịch lập thầy mình lên làm Tổ thứ sáu, rồi tự xưng là Tổ thứ bảy. Hai vị ấy được pháp là một, mà mở đạo khai ngộ có đốn tiệm khác nhau, cho nên gọi là Nam đốn, Bắc tiệm. Chẳng phải Thiền tông sẵn có tên Nam, Bắc vậy.

- Thế nào gọi là giới Sư?

- Ngừa lỗi dừng ác gọi là giới.

- Sao gọi là định?

- Sáu căn tiếp xúc với cảnh mà không chạy duyên theo là định.

- Sao là tuệ?

- Tâm cảnh đều không, chiếu soi chẳng lầm là tuệ.

- Sao là phương tiện?

- Phương tiện là ẩn che tướng thật, là cửa khéo léo tạm thời, để giáo hóa bậc trung, hạ căn chiều uốn dẫn dụ họ gọi là phương tiện. Dù là bậc thượng căn nói bỏ phương tiện chỉ nói đạo vô thượng, đây cũng là nói phương tiện. Cho đến Tổ sư dùng lời huyền diệu quên công bặt lời, cũng không vượt ngoài dấu vết phương tiện.          

- Sao là Phật tâm?

- Phật là tiếng Ấn Ðộ, Trung Hoa gọi là Giác. Nghĩa là người có trí tuệ giác chiếu là Phật tâm. Tâm là tên riêng của Phật. Có trăm ngàn tên khác mà nghĩa là một, vốn không có hình trạng, chẳng phải tướng xanh, vàng, đỏ, trắng, nam nữ v.v... ở nơi trời mà chẳng phải trời, ở nơi người mà chẳng phải người, mà hay hiện trời người, hiện nam nữ chẳng trước, chẳng sau, không sanh không diệt, cho nên gọi là tánh linh giác. Như bệ hạ hằng ngày ứng dụng muôn việc tức là Phật tâm của bệ hạ. Giả sử được ngàn vị Phật đồng truyền, vẫn không nghĩ mình có sở đắc.

- Như nay có người niệm Phật là sao?

- Như Lai ra đời là bậc thầy thiện tri thức của người. Ngài tùy căn cơ nói pháp, vì bậc thượng căn mở Tối thượng thừa đốn ngộ lý cùng tột, vì bậc trung hạ căn chưa có thể chóng hiểu, ấy là Phật vì bà Vi-đề-hi tạm mở cửa "mười sáu pháp quán" dạy niệm Phật sanh về Cực lạc. Cho nên kinh nói: "Tức tâm tức Phật, tâm ấy là Phật, ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có tâm."

- Có người tụng kinh, trì chú, niệm Phật để cầu làm Phật thì sao?

- Như Lai mở bày các thứ đều vì một thừa tối thượng, như trăm sông đều chảy về biển. Các pháp sai biệt như thế đều trở về biển Bát-nhã (Phật trí).

- Tổ sư đã khế hội tâm ấn, kinh Kim Cang nói "không có pháp sở đắc" là sao?

- Phương pháp giáo hóa của Phật thật không có một pháp cho người. Chỉ vì chỉ dạy cho mọi người, mỗi người đều có một kho pháp bảo. Chính khi Phật Nhiên Ðăng ấn chứng cho Phật Thích-ca pháp căn bản ấy, Phật Thích-ca không có sở đắc mới khế hội bản ý của Phật Nhiên Ðăng. Cho nên kinh nói: "Không ngã không nhân không chúng sanh không thọ giả, pháp ấy bình đẳng, tu tất cả pháp lành mà chẳng trụ nơi tướng."

- Thiền sư đã hội ý Tổ, lại có lễ Phật tụng kinh chăng?

- Sa-môn Thích tử lễ Phật tụng kinh là pháp thường của Trụ trì, có bốn quả báo vậy. Song y Phật giới để tu thân, tìm học với các bậc thiện tri thức để tập tu hạnh thanh bạch, bước theo dấu Như Lai đã đi.

- Sao lại đốn ngộ? Sao là tiệm tu?

- Chóng thấy tự tánh cùng Phật đồng bậc, song còn có tập nhiễm từ vô thủy nên mượn tiệm tu để đối trị, khiến theo tánh khởi dụng. Như người ăn cơm không thể một miếng được no.

Hôm ấy, Sư đối đáp với vua bảy khắc. Vua ban cho Sư tử y (y đỏ) và phương bào (áo vuông) và ban hiệu là  Viên Trí Thiền sư.

*

41. THIỀN SƯ TRÍ CHƠN

(782 - 865)

Sư họ Liễu, quê ở Dương Châu, xuất gia tại chùa Hoa Lâm ở bản châu. Ðời Ðường niên hiệu Nguyên Hòa năm đầu (806 T.L.), Sư đến Nhuận Châu thọ giới ở chùa Thiên Hương. Sư không thích học tập Kinh Luận, chỉ mộ tu Thiền.

Sư tìm đến yết kiến Thiền sư Hoài Uẩn (Chương Kỉnh).

Hoài Uẩn hỏi:- Ở đâu đến?

Sư thưa:- Ðến không chỗ đến, lại không chỗ lại.

Hoài Uẩn lặng thinh, Sư thầm khế hội.

*

Niên hiệu Khai Thành năm đầu (836 T.L.), Sư sang Phước Châu đến ấp Trường Khê có Trần Lượng, Hoàng Du thỉnh Sư ở lại núi Qui giáo hóa.

 Một hôm, Sư dạy chúng:

- Nheo mày chớp mắt chẳng ngoài người này (người chân thật), một niệm tịnh tâm xưa nay là Phật.

Sư nói kệ:

            Tâm bản tuyệt trần hà dụng tẩy

            Thân trung vô bệnh khởi cầu y

            Dục tri thị Phật phi thân xử

            Minh giám cao huyền vị chiếu thì.

Dịch:

            Tâm vốn bặt trần đâu cần rửa

            Trong thân không bệnh rước thầy chi

            Phật kia chẳng phải nơi thân ở

            Gương sáng treo cao chưa chiếu gì.

*

Gặp thời Võ Tôn (841-846 T.L.) hủy diệt Phật giáo, bắt Tăng còn trẻ phải hoàn tục, Sư cũng phải hoàn tục. Lúc ấy, Sư có làm hai bài kệ dạy chúng:

            Minh nguyệt phân hình xứ xứ tân

            Bạch y ninh trụy giải không nhân

            Thùy ngôn tại tục phòng tu đạo

            Kim Túc tằng vi trưởng giả thân.

*

            Nhẫn Tiên lâm hạ tọa thiền thời

            Tằng bị Ca Vương cát tài chi

            Huống ngã thánh triều vô thử sự

            Chi kim hưu đạo diệc hà bi?

Dịch:

            Trăng sáng phân hình chỗ chỗ tươi

            Bạch y dễ kéo giải không người

            Tại gia ai bảo tu học khó?

            Kim Túc từng làm Trưởng giả chơi.

[Kim Túc nói đủ là Kim Túc Như Lai tức là tiền thân của cư sĩ Duy-ma-cật.]

*

            Nhẫn Tiên thiền tọa ở rừng sâu

            Từng bị Lợi Vương chặt cắt đau

            Huống nay thánh chúa không việc ấy   

            Chỉ bắt thôi tu đáng buồn đâu?

Ðến vua Tuyên Tông lên ngôi (847 T.L.) sùng phụng Phật pháp, Sư trở về chùa như xưa. Niên hiệu Hàm Thông năm thứ sáu (865 T.L.), Sư tịch tại núi này, thọ tám mươi bốn tuổi, sáu mươi tuổi hạ.

Vua ban hiệu là Qui Tịch Thiền sư, tháp hiệu Bí Chơn.

* 

NỐI PHÁP NAM TUYỀN PHỔ NGUYỆN

42. THIỀN SƯ CẢNH SẦM

(Trường Sa)

Sau khi đắc pháp nơi Nam Tuyền, Sư đến Lộc Uyển an trụ. Về sau, Sư không ở một chỗ nhất định, chỉ tùy duyên tùy cảnh giáo hóa độ sanh. Vì thế, người đương thời gọi Sư là Hòa thượng Trường Sa.

Sư thượng đường dạy chúng:

- Nếu ta một bề nêu cao tông giáo thì trong pháp đường này cỏ mọc cao một trượng. Vì sự bất đắc dĩ, ta bảo các ngươi rằng: Tột mười phương thế giới là mắt của Sa-môn, tột mười phương thế giới là thân của Sa-môn, tột mười phương thế giới là ánh sáng của mình, tột mười phương thế giới ở trong ánh sáng của mình, tột mười phương thế giới không có người nào là chẳng phải chính mình. Ta thường nói với các ngươi: Chư Phật trong đời cùng chúng sanh khắp pháp giới là ánh sáng Ma-ha Bát-nhã. Khi ánh sáng này chưa phát, cả thảy các ngươi đến nương nơi đâu? Khi ánh sáng này chưa phát, còn không có tăm dạng Phật và chúng sanh, thì chỗ nào có núi sông thế giới?

Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là mắt Sa-môn?

Sư đáp:

- Dài dài ra chẳng đặng, thành Phật thành Tổ ra chẳng đặng, sáu đạo luân hồi ra chẳng đặng.

- Chẳng biết ra cái gì chẳng đặng?

- Ngày thấy mặt trời, đêm thấy sao.

- Con không hội.

- Núi Diệu Cao sắc xanh lại xanh.

*

Sư sai một vị Tăng đến hỏi bạn đồng sư là Hòa thượng Hiệp rằng:

- Hòa thượng sau khi thấy Nam Tuyền rồi thế nào?

Hòa thượng Hiệp lặng thinh.

Tăng hỏi:- Hòa thượng trước khi chưa thấy Nam Tuyền thì sao?

Hòa thượng Hiệp đáp:- Không thể lại riêng có.

Vị Tăng về thuật lại Sư nghe, Sư làm một bài kệ chỉ bày:

            Bách trượng can đầu bất động nhân

            Tuy nhiên đắc nhập vị vi chân

            Bách trượng can đầu tu tấn bộ

            Thập phương thế giới thị toàn thân.

Dịch:

            Trăm trượng đầu sào vẫn đứng yên

            Tuy là được nhập chẳng phải hiền

            Ðầu sào trăm trượng cần vượt khỏi

            Mười phương thế giới thảy thân mình.

*

Có quan khách đến yết kiến, Sư gọi:- Thượng thơ!

Quan khách:- Dạ!

- Chẳng phải bổn mạng thượng thơ.

- Không thể rời người đối đáp hiện nay lại có chủ nhân thứ hai.

- Gọi thượng thơ là chí tôn được chăng?

- Thế là khi chẳng đối, đâu không phải là chủ nhân của đệ tử?

- Chẳng những khi đối và khi không đối, mà từ vô thủy kiếp đến giờ cái ấy là cội gốc của sanh tử.

Sư làm bài kệ:

            Học đạo chi nhân bất thức chân

            Chi vị tùng lai nhận thức thần

            Vô thủy kiếp lai sanh tử bản

            Si nhân hoán tác bản lai nhân.

Dịch:

            Học đạo mà không hiểu lẽ chân

            Bởi tại lâu rồi nhận thức thần

            Gốc nguồn sanh tử vô thủy kiếp

            Người ngu lại gọi chủ nhân ông.

*

Tăng Hạo Nguyệt hỏi:

- Những vị thiện tri thức trong thiên hạ chứng được ba đức Niết-bàn chưa?

Sư đáp:

- Ðó là Ðại đức hỏi trên quả Niết-bàn hay trong nhân Niết-bàn?

- Trên quả Niết-bàn.          

- Những thiện tri thức trong thiên hạ chưa chứng.       

- Vì sao chưa chứng?

- Vì công chưa bằng chư thánh.   

- Công chưa bằng chư thánh sao làm thiện tri thức.

- Thấy rõ Phật tánh cũng được gọi là thiện tri thức.

- Chẳng biết công bằng chừng nào mới được chứng Niết-bàn?

Sư có bài kệ:

            Ma-ha Bát-nhã chiếu

            Giải thoát thậm thâm pháp

            Pháp thân tịch diệt thể

            Tam nhất lý viên thường.

            Dục thức công tề xứ

            Thử danh thường tịch quang.

Dịch:

            Trí tuệ lớn rộng soi

            Pháp giải thoát sâu xa

            Thể pháp thân vắng lặng

            Ba một lý thường tròn.

            Muốn biết chỗ công bằng

            Ðây gọi thường tịch quang.

- Trên quả ba đức Niết-bàn đã nhờ chỉ dạy, thế nào là trong nhân Niết-bàn?

- Ðại đức ấy.

- Trong kinh nói ý huyễn là có chăng?

- Ðại đức nói gì?

- Thế là ý huyễn tại không chăng?

- Ðại đức nói gì?

- Thế là ý huyễn tại chẳng có chẳng không chăng?

- Ðại đức nói gì?

- Con ba phen nhận định chẳng hợp ý huyễn, chưa biết Hòa thượng thế nào để rõ được ý huyễn trong kinh?

- Ðại đức tin tất cả pháp không thể nghĩ bàn chăng?

- Lời thành thật của Phật đâu dám không tin.

- Ðại đức nói tin, trong hai thứ tin là thứ tin nào?

- Theo con hiểu, trong hai thứ tin là tin duyên (tín duyên).

- Y giáo môn nào được sanh tin duyên?

- Theo kinh Hoa Nghiêm nói: "Bồ-tát lớn lấy trí tuệ không chướng không ngại tin tất cả cảnh giới thế gian là cảnh giới Như Lai." Lại, kinh Hoa Nghiêm nói: "Chư Phật Thế Tôn thảy biết thế pháp và Phật pháp tánh không sai khác, quyết định không hai." Cũng kinh Hoa Nghiêm nói: "Phật pháp thế gian pháp, nếu thấy chỗ chân thật của nó, tất cả không sai khác."

- Ðại đức nêu chỗ tin duyên trong giáo môn rất có bằng cứ. Nghe Lão tăng vì Ðại đức nói rõ ý huyễn trong kinh:

            Nhược nhân kiến huyễn bản lai chân

            Thị tắc danh vi kiến Phật nhân

            Viên thông pháp pháp vô sanh diệt

            Vô diệt vô sanh thị Phật thân.

Dịch:

            Nếu người thấy huyễn xưa nay chân

            Thế ấy tức là thấy Phật nhân (người)

            Suốt tròn các pháp không sanh diệt

            Không diệt không sanh ấy Phật thân.

*

Có vị Tăng hỏi:- Hòa thượng nối tiếp người nào?

Sư đáp:- Tôi không có người được nối tiếp.

- Lại có tham học không?

- Tôi tự tham học.

- Ý Hòa thượng thế nào?

Sư có bài kệ:

            Hư không vấn vạn tượng

            Vạn tượng đáp hư không

            Thùy nhân thân đắc văn

            Mộc xoa quán giác đồng.

Dịch:

            Hư không hỏi vạn tượng

            Vạn tượng đáp hư không

            Người nào gần được nghe

            Trẻ con đầu hai chỏm

*

Có vị Tăng hỏi:- "Sắc tức là không, không tức là sắc", lý này thế nào?

Sư có bài kệ:

            Ngại xứ phi tường bích

            Thông xứ vật hư không

            Nhược nhân như thị giải

            Tâm sắc bản lai đồng

 

            Phật tánh đường đường hiển hiện

            Trụ tánh hữu tình nan kiến

            Nhược ngộ chúng sanh vô ngã

            Ngã diện hà thù Phật diện.                       

Dịch:

            Chỗ ngại chẳng tường vách

            Chỗ thông đâu hư không

            Nếu người tìm hiểu như thế

            Tâm sắc xưa nay đồng

           

            Phật tánh hiển hiện rõ ràng

            Trụ tánh hữu tình khó thấy

            Nếu ngộ chúng sanh vô ngã

            Mặt ta mặt Phật khác gì.

            Sư có bài kệ khuyến học:

            Vạn trượng can đầu vị đắc hưu

            Ðường đường hữu lộ thiểu nhân du

            Thiền sư nguyện đạt Nam Tuyền khứ

            Mãn mục thanh sơn vạn vạn thu.

Dịch:

            Muôn trượng đầu sào chẳng được dừng

            Sờ sờ đường cái ít người đi

            Thiền sư muốn đạt Nam Tuyền lộ

            Ðầy mắt núi xanh muôn muôn thu.

Vì Sư không có nơi trụ nhất định nên không biết tịch lúc nào và nơi nào.

*

43. THIỀN SƯ TÙNG THẨM

Triệu Châu - (778 - 897)

Sư họ Hác, quê ở làng Hác, thuộc Tào Châu. Lúc bé Sư xuất gia ở Hỗ Thông Viện tại bản châu, nhưng chưa thọ giới. Sư tìm đến Trì Dương tham vấn Nam Tuyền (Phổ Nguyện) gặp lúc Nam Tuyền nằm nghỉ, mà vẫn hỏi:

- Vừa rời chỗ nào?

Sư thưa:- Vừa rời Ðoan Tượng.

- Thấy Ðoan Tượng chăng?

- Chẳng thấy Ðoan Tượng, chỉ thấy Như Lai nằm.

- Ngươi là Sa-di có chủ hay không chủ?

- Sa-di có chủ.

- Chủ ở chỗ nào?

- Giữa mùa đông rất lạnh, ngưỡng mong tôn thể Hòa thượng được muôn phước.

Nam Tuyền khen ngợi liền nhận vào chúng.

*

Sư hỏi Nam Tuyền:- Thế nào là đạo?

Nam Tuyền đáp:- Tâm bình thường là đạo.

- Lại có thể nhằm tiến đến chăng?

- Nghĩ nhằm tiến đến là trái.

- Khi chẳng nghĩ làm sao biết là đạo?

- Ðạo chẳng thuộc biết và chẳng biết, biết là vọng giác, không biết là vô ký. Nếu thật đạt đạo thì chẳng nghi, ví như hư không thênh thang rỗng rang đâu thể gắng nói phải quấy?

Ngay câu nói này Sư ngộ lý.

*

Sư đến đàn Lưu Ly tại Tung Nhạc thọ giới. Thọ giới xong, Sư trở lại Nam Tuyền.

Sư hỏi Nam Tuyền:- Biết có người ấy đến chỗ nào an nghỉ?

Nam Tuyền bảo:- Ðến nhà đàn việt dưới núi làm con trâu đi.

- Cảm tạ Thầy chỉ dạy.

- Ðêm qua canh ba trăng soi cửa.

*

Sư đến Hoàng Bá (Hy Vận). Hoàng Bá thấy Sư đến liền đóng cửa phương trượng. Sư lấy lửa đem vào pháp đường kêu:

- Cứu lửa! cứu lửa!

Hoàng Bá mở cửa, nắm Sư đứng lại, bảo:- Nói! nói!

Sư bảo:- Cướp qua rồi mới trương cung.

*

Sư đến Ðạo Ngô (Viên Trí), vừa vào nhà, Ðạo Ngô nói:

- Mũi tên Nam Tuyền đến!

Sư bảo:- Xem tên!

Ðạo Ngô nói:- Trật.

Sư bảo:- Trúng.

*

Sư đến Giáp Sơn (Thiện Hội) cầm gậy vào pháp đường.

Giáp Sơn hỏi:- Làm gì?

Sư đáp:- Dò nước.

Giáp Sơn bảo:- Một nhỏ cũng không, dò cái gì?

Sư chống gậy đi ra.

*

Sau khi được Nam Tuyền ấn khả, Sư về Tào Châu thăm bổn sư. Những người quen thuộc hay tin Sư về đều muốn đến thăm, Sư nghe được bèn nói:

- Lưới ái trần tục không có ngày dứt được, ta đã từ bỏ xuất gia, không muốn gặp lại.

Sư liền mang bát cầm gậy dạo khắp các nơi. Sư thường nói:

- Trẻ con bảy tuổi hơn ta thì ta hỏi nó, ông già trăm tuổi chẳng bằng ta thì ta dạy họ.

*

Sau chúng thỉnh Sư ở viện Quan Âm tại Triệu Châu. Có vị Tăng hỏi:

- Thế nào là Phật?

Sư bảo:- Ở trong điện.

- Trong điện đâu không phải bùn đất đắp thành tượng?

- Phải.

- Thế nào là Phật?

- Ở trong điện.

- Con mê muội xin Thầy chỉ dạy.

- Ăn cháo xong chưa?

- Ăn cháo xong.

- Rửa chén bát đi!

Tăng nhân đây đại ngộ.

*

Sư thượng đường dạy chúng:

- Như minh châu trong tay, Hồ đến thì hiện Hồ, Hán đến thì hiện Hán. Lão tăng nắm một nắm cỏ dùng làm thân vàng (thân Phật) một trượng sáu, đem thân vàng một trượng sáu dùng làm nắm cỏ, Phật là phiền não, phiền não là Phật.

Có vị Tăng đứng lên hỏi:- Chưa biết Phật là phiền não của ai?

Sư đáp:- Là phiền não của tất cả người.

- Làm sao khỏi được?

- Dùng khỏi làm gì?

*

Có người hỏi:- Con chó có Phật tánh không?

Sư đáp:- Không.

- Trên đến chư Phật, dưới đến loài trùng kiến đều có Phật tánh, vì sao con chó không có Phật tánh?

- Vì nó còn có nghiệp thức.

Lại, có người hỏi:- Con chó có Phật tánh không?

Sư đáp:- Có.

- Ðã có Phật tánh vì sao chui vào trong đãy da?

- Vì biết mà cố phạm.

*

Sư hỏi vị Tăng mới đến:- Từng đến đây chưa?

Tăng thưa:- Từng đến.

- Uống trà đi!

Sư lại hỏi Tăng:- Từng đến đây chưa?

Tăng thưa:- Chưa từng đến.

- Uống trà đi!

Sau Viện chủ hỏi Sư:

- Vì sao từng đến dạy uống trà đi, chưa từng đến cũng dạy uống trà đi?

Sư gọi:- Viện chủ!

Viện chủ đáp:- Dạ!

Sư bảo:- Uống trà đi!

*

Sư cầm chổi quét đất, có người hỏi:

- Hòa thượng là thiện tri thức vì sao có bụi?

Sư bảo:- Bên ngoài đến.

- Già-lam thanh tịnh vì sao có bụi?

- Lại có một điểm.

*

Có ông Tú tài đến hỏi Sư:

- Phật chẳng trái sở nguyện của chúng sanh phải chăng?

Sư đáp:- Phải.

- Con muốn xin cây gậy trong tay Hòa thượng được chăng?

- Người quân tử không đoạt cái sở thích của người.

- Con không phải là quân tử.

- Ta cũng chẳng phải là Phật.

*

Có người hỏi:

- Ðã lâu nghe tiếng cầu đá Triệu Châu, nay đến chỉ thấy cầu nổi.

Sư bảo:- Ông chỉ thấy cầu nổi mà không thấy cầu đá.

- Thế nào là cầu đá?

- Ðộ lừa độ ngựa.

- Thế nào là cầu nổi?

- Mỗi mỗi độ người.

*

Sư dạy chúng:

- Vừa có phải quấy thì lăng xăng mất tâm, lại có người đáp thoại (câu nói) hay chăng?

 Có vị Tăng bước ra vỗ thị giả một cái, nói:

- Sao không đáp Hòa thượng?

Sư liền vào phương trượng.

Sau, thị giả thưa:

- Vừa rồi có vị Tăng làm thế ấy là hội hay chẳng hội?

Sư bảo:- Ngồi thấy đứng, đứng thấy ngồi.        

*

Sư dạy chúng:

- Ðạo chẳng khó, chỉ hiềm lựa chọn, vừa có nói năng là lựa chọn, là minh bạch. Lão tăng chẳng ở trong minh bạch, các ngươi lại tiếc giữ chăng?

Có vị Tăng đứng ra hỏi:

- Ðã chẳng ở trong minh bạch thì tiếc giữ cái gì?

Sư bảo:- Ta cũng chẳng biết.

- Hòa thượng đã chẳng biết, vì sao chẳng ở trong minh bạch?

- Hỏi việc thì được, lễ bái xong lui ra.

*

Quan Ðại phu họ Mã đến hỏi:- Hòa thượng có tu hành chăng?

Sư đáp:- Lão tăng nếu tu hành là việc họa.

- Hòa thượng đã chẳng tu hành thì dạy người nào tu hành?

- Ðại phu là người tu hành.           

- Con sao bảo là tu hành?

- Nếu không tu hành thì đâu được đánh đập người, ở trong địa vị nhân vương đói có cơm, lạnh có áo, không biết ngày ra khỏi.

Ðại phu nghe cảm động rơi nước mắt, lễ tạ Sư.

*

Có vị Tăng hỏi:- Trong mười hai giờ dụng tâm thế nào?

Sư đáp:- Ngươi bị mười hai giờ sai khiến, ta sai khiến được mười hai giờ.

Sư bèn nói:

- Huynh đệ! Chớ đứng lâu. Có việc thì thương lượng, không việc thì đến nhà sau ngồi, tìm xét lý là tốt. Lão tăng lúc đi hành khước, trừ hai thời cơm cháo là tạp dụng tâm, ngoài ra không có dụng tâm khác. Nếu chẳng như thế rất là xa vậy.

*

Sư thượng đường dạy chúng:

- Phật vàng không độ được lò đúc, Phật gỗ không độ được lửa, Phật đất không độ được nước, Phật thật ngồi ở trong. Bồ-đề Niết-bàn Chân như Phật tánh trọn là y phục đắp vào thân, cũng gọi phiền não, thật tế lý địa để ở chỗ nào? Một tâm chẳng sanh, muôn pháp không lỗi. Ngươi cứ nghiên cứu lý này, ngồi quán xét hai ba mươi năm, nếu chẳng hội thì chặt đầu Lão tăng đi! Nhọc nhằn nắm bắt mộng huyễn không hoa, tâm nếu chẳng khác thì muôn pháp nhất như. Ðã chẳng từ ngoài được thì câu chấp làm gì? Giống in như con dê gặp vật gì cũng liếm cũng nhai. Lão tăng thấy Hòa thượng Dược Sơn (Duy Nghiễm) có người hỏi, Ngài liền bảo "ngậm lấy miệng chó". Lão Tăng cũng dạy: "Ngậm miệng chó." Chấp ngã thì nhơ, không chấp ngã thì sạch, giống như con chó săn tìm kiếm vật để ăn. Phật pháp ở chỗ nào? Ngàn người muôn người thảy đều là kẻ tìm Phật, mà ở trong đó tìm một đạo nhân (người học đạo thật) không có. Nếu cùng vua KHÔNG làm đệ tử, chớ bảo tâm bệnh khó trị. Khi chưa có thế giới, trước đã có tánh này, khi thế giới hoại, tánh này chẳng hoại. Một phen được thấy Lão tăng, sau lại chẳng phải người khác, chỉ là chủ nhân này. Cái đó lại hướng ngoài tìm làm gì? Khi ấy chớ xoa đầu moi óc, nếu xoa đầu moi óc liền mất vậy.

Có vị Tăng hỏi:

- Theo lời Thầy dạy "khi thế giới hoại, tánh này chẳng hoại", thế nào là tánh này?

Sư đáp:- Tứ đại ngũ uẩn.

- Các thứ ấy vẫn là hoại, thế nào là tánh này?

- Tứ đại ngũ uẩn.

*

Có vị Tăng đến từ giã Sư. Sư hỏi:- Ði đâu?

Tăng thưa:- Ðến Tuyết Phong.

- Tuyết Phong nếu hỏi ngươi: "Hòa thượng dạy những lời gì", ngươi đáp thế nào?

- Con nói chẳng được, thỉnh Hòa thượng nói.

- Ðông thì nói lạnh, hạ thì nói nóng.

Sư lại hỏi:- Tuyết Phong lại hỏi ngươi: "việc cứu kính thế nào".

- Con nói chẳng được.

- Chỉ nói: chính từ Triệu Châu lại, chẳng phải miệng người truyền.

Vị Tăng ấy đến Tuyết Phong thuật lại cho Tuyết Phong nghe.

Tuyết Phong bảo:- Phải là Triệu Châu mới được.                    

*

Thời gian trụ trì tại viện Quan Âm, có vua nước Yên, nước Triệu đồng đến ra mắt Sư. Sư vẫn ngồi tiếp, không đứng dậy. Vua Yên hỏi:

- Nhân vương đáng tôn trọng hay Pháp vương đáng tôn trọng?

Sư đáp:

- Nếu ở trong nhân vương thì Nhân vương trọng, nếu ở trong pháp vương thì Pháp vương trọng.

Hai vua nghe rồi đều vui vẻ kính phục và đồng cúng dường.

*

Sư học theo người xưa trụ trì rất kham khổ, trong Tăng đường trước sau trống rỗng không có bàn ghế, chỉ nằm cái giường dây gãy một góc, lấy dây ràng rịt lại. Có người xin đóng giường mới, Sư không cho. Trụ trì hơn bốn mươi năm, Sư chưa từng biên một lá thơ cho thí chủ.

*

Niên hiệu Càng Ninh năm thứ tư đời Ðường (894 T.L.), ngày mùng hai tháng mười một, Sư nằm nghiêng bên mặt an nhiên thị tịch, Sư thọ một trăm hai mươi tuổi. Vua ban hiệu là Chơn Tế Ðại sư. 

* 

NỐI  PHÁP THIÊN VƯƠNG ÐẠO NGỘ

44. THIỀN SƯ SÙNG TÍN

(Long Ðàm)

Sư con nhà bán bánh. Thuở nhỏ có những điềm lạ. Lúc Thiền sư Ðạo Ngộ được Tiết sử họ Lư thỉnh ở chùa Thiên Vương, người ta không thể hiểu được. Nhà Sư ở đầu đường vào chùa, mỗi ngày Sư đem mười cái bánh vào cúng dường Thiền sư Ðạo Ngộ. Ðạo Ngộ nhận ăn xong, thường để lại một cái bánh, bảo:

- Ta cho ngươi để ân huệ cho con cháu.

Một hôm, Sư tự nghĩ: "Bánh là ta đem đến, cớ sao Hòa thượng lại cho ngược lại ta? Biết đâu không có ý chỉ." Sư bèn đến hỏi Ðạo Ngộ.      

Ðạo Ngộ bảo:

- Bánh của ngươi đem đến, ta cho lại ngươi có lỗi gì?

Sư nghe lời này hiểu được thâm ý liền xin xuất gia.

Ðạo Ngộ bảo:

- Ngươi trước sùng phước thiện, nay tin lời ta, có thể gọi là Sùng Tín.       

Từ đây, Sư hầu hạ bên thầy.

*

Một hôm, Sư thưa:

- Từ ngày con vào đây đến giờ, chưa được Thầy chỉ dạy tâm yếu.

Ðạo Ngộ bảo:

- Từ ngày ngươi vào đây, ta chưa từng chẳng chỉ dạy ngươi tâm yếu.

- Chỉ dạy ở chỗ nào?

- Ngươi dâng trà lên, ta vì ngươi mà tiếp. Ngươi bưng cơm đến, ta vì ngươi mà nhận. Ngươi xá lui ra thì ta gật đầu. Chỗ nào chẳng chỉ dạy tâm yếu?

Sư cúi đầu lặng thinh giây lâu.

Ðạo Ngộ bảo:

- Thấy thì thẳng đó liền thấy, suy nghĩ liền sai.

Ngay câu nói đó, Sư khai ngộ. Lại hỏi thêm:

- Làm sao gìn giữ?

- Mặc tánh tiêu dao, tùy duyên phóng khoáng, chỉ hết tâm phàm, chẳng có thánh giải khác.

Sau Sư đến Lễ Dương dừng trụ tại Long Ðàm.

Có vị Tăng hỏi:- Hạt châu trong búi tóc người nào được?

Sư bảo:- Người không thưởng ngoạn được.

- Ðể ở chỗ nào?

- Có chỗ tức nói đến.         

*

Có cô Ni hỏi:- Làm sao được làm Tăng?

Sư bảo:- Làm Ni đã bao lâu?

- Lại có khi làm Tăng chăng?

- Hiện nay ngươi là gì?

- Hiện nay thân Ni ai chẳng biết?

- Ai biết ngươi?

*

Thích sử Lý Tường hỏi:- Thế nào là chân như Bát-nhã?

Sư đáp:- Tôi không có chân như Bát-nhã.

- Hân hạnh được gặp Hòa thượng.

- Ðây vẫn là lời nói ở bên ngoài.

*

Tuyên Giám (Ðức Sơn) hỏi:

- Ðã lâu nghe danh Long Ðàm (đầm rồng), đến đây thì Ðàm (đầm) chẳng thấy, Long (rồng) cũng chẳng hiện.

Sư bảo:- Ngươi đã đến gần được Long Ðàm.

Tuyên Giám liền thôi.       

]

     
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM