NỘI DUNG THANH QUI PHẦN I

 

I. LỜI MỞ ĐẦU


 
Với tinh thần Trúc Lâm Ðại Ðầu-đà, Thiền sinh tại Thiền Viện phải đủ ba đức tính: Dứt khoát, kiên quyết và đạm bạc.
 
 1- Tính dứt khoát là, Ðời ra đời Ðạo ra đạo, tu phải đến nơi đến chốn; không thể có thái độ lưng chừng, mà phải quyết chí tu đến sáng đạo mới được.
 
 2- Tính kiên quyết là, dù khó khăn chướng ngại do ngoại cảnh hay bản thân tạo ra, đều khẳng định vượt qua. Cương quyết thực hiện kỳ được giải thoát viên mãn mới thôi.
 
 3- Tính đạm bạc là, cuộc sống đạm bạc giản dị, không chấp nhận mọi thụ hưởng xa hoa. Bản chất thanh đạm là đời sống của Thiền sinh ở các Thiền viện.

 

II. LỤC HOÀ

Lục hòa là chất keo gắn chặt lâu bền các Thiền sinh chung sống tu hành tại Thiền Viện. Lục hòa cũng là nền tảng vững chắc của đoàn thể Tăng.
 1- Thân hòa đồng trụ: Về phần thân, lao động, tu hành, ăn mặc, ngủ nghỉ, Thiền sinh phải hòa đồng nhau.

 2- Khẩu hòa vô tránh: Về phần miệng, nói bàn, tranh luận đều trong tinh thần hòa nhã, trọng đạo đức, không được lớn tiếng tranh hơn và dùng lời nặng nhẹ nhau.

 3- Ý hòa đồng duyệt: Thiền sinh phải tâm ý vui hòa, không có ý ngang ngạnh, chống đối, thù hằn nhau.

 4- Kiến hòa đồng giải: Thiền sinh có mọi kiến giải sai biệt trong lúc hạ thủ công phu hay trong khi học giáo lý, đều đem ra trao đổi giải bày một cách thông cảm và vui vẻ với nhau.

 5- Giới hòa đồng tu: Về giới luật, Thiền sinh phải giữ mười giới làm căn bản và sống đúng nội qui của Thiền Viện, cố gắng gìn giữ thanh tịnh như nhau.

 6- Lợi hòa đồng quân: Tất cả tài sản và phẩm vật trong Thiền Viện là của chung, của các Thiền sinh hiện có mặt, không ai có quyền giữ riêng hay thụ hưởng nhiều hơn.

 

III. GIỚI LUẬT

Giới luật là nền tảng đạo đức, cũng là  gốc của cây thiền định và hoa quả trí tuệ.
A. GIỚI CĂN BẢN
Thiền sinh tại Thiền Viện giữ mười giới làm trọng tâm.
1- Không sát sanh:
  Từ con người cho đến loài vật, Thiền sinh không được giết hại, xúi bảo người giết hại, hoặc thấy người giết hại sanh tâm vui mừng.

2- Không trộm cắp: Tiền bạc, vật dụng, thức ãn uống… của người, nếu người không cho, Thiền sinh không được tự tiện lấy, nếu lấy thành trộm cắp.

3- Không dâm dục: Thiền sinh không thực hành dâm dục, không tạo phương tiện dâm dục và không khởi tâm nghĩ tưởng về dâm dục.

4- Không nói dối: Thiền sinh không nói sai sự thật, không nói lời ác ðộc hung dử, không nói lời gây chia rẻ thù hằn nhau, không nói lời phù phiếm vô nghĩa.

5- Không uống rượu: Thiền sinh không uống các thứ rượu mạnh và nhẹ, không hút thuốc và các thứ ghiền khác.

6- Không đeo tràng hoa và ướp nước hoa: Thiền sinh không dùng mọi thứ trang sức làm cho thân này sang ðẹp.

7- Không ca múa hát xướng: Những trò vui có tánh cách ðùa cợt loạn tâm, Thiền sinh ðều không được tự làm, nghe, xem người khác làm.

8- Không nằm ngồi giường tòa to và sang trọng: Thiền sinh chấp nhận một ðời sống ðạm bạc, nên không nằm ngồi giường ghế to lớn sang trọng.

9- Không giử tiền bạc vàng ngọc: Thiền sinh chấp nhận ðời sống không có tài sản riêng, chỉ có những vật dụng cần thiết do Thiền Viện sắm cho, nên không cần giữ tiền bạc, v.v…

10- Không ãn phi thời: Thiền sinh chấp nhận ðời sống tam thường bất túc ðể tinh tấn tu hành, nên phải giữ giới không ãn phi thời, trừ trường hợp lao ðộng nặng nhọc thì châm chước.

B. GIỚI THƯỢNG THỪA
 
Thiền Sư Pháp Loa dạy:
Trong hai mươi bốn giờ, ngoài dứt các duyên, trong tâm không dấy động. Tâm không dấy động nên cảnh đến vẫn an nhàn. Mắt không vì cảnh khởi phân biệt, thức không vì pháp trần mà dính mắc. Ra vào không giao thiệp gọi là ngăn dừng. Tuy gọi ngăn dừng mà chẳng phải ngăn dừng. Nên biết tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế.
Ðây gọi là giới Ðại thừa, gọi là giới Vô thượng, cũng gọi là giới Vô đẳng đẳng. Tịnh giới này dù Tiểu tăng cho đến Ðại tăng đều phải gìn giữ.

C. QUI CHẾ PHỤ
 
 
Những qui chế phụ này giúp Thiền sinh dành trọn thời giờ trong việc tu hành và tránh khỏi những lỗi nhỏ hoặc vô tình hay cố ý.
 1- Thiền sinh hạn chế tối thiểu sự đi lại, trừ trường hợp bệnh nặng phải đi trị bệnh, hoặc Thầy Bổn Sư bệnh nặng hay tịch, cha mẹ bệnh nặng hay chết và vài trường hợp đặc biệt khác.

 2- Ðể giữ giới thứ chín, Thiền sinh được thân nhân hay thí chủ ủng hộ tiền bạc, hoặc đi đâu về tiền còn dư đều phải gửi Thủ Bổn giữ để phòng khi bệnh hoạn.

 3- Thân nhân đến thăm, Thiền sinh chỉ tiếp khách tối đa 30 phút tại nhà khách. Nếu thân nhân còn ở lại, đều do Tri Khách sắp đặt mọi việc.

 4- Nhận một trách nhiệm gì trong Viện, Thiền sinh phải tận tình làm cho được vuông tròn, không được làm cầm chừng lấy có.

 5-  Mọi thời khóa tu công cộng tại Thiền Viện, Thiền sinh không được vắng mặt hoặc trễ nải, trừ có trách nhiệm đặc biệt hoặc bệnh.

 6- Giờ Thỉnh nguyện, Thiền sinh không được đến trễ và xuống sớm trừ có công tác cho chúng.

 7- Khi lao tác chung hoặc riêng, Thiền sinh sẵn sàng tương trợ nhau, khi thấy huynh đệ làm công việc nặng nhọc hơn, hoặc trễ nải hơn, không được vô tình làm ngơ để mặc.

 8-  Phải tiết kiệm tài sản của Thiền Viện bằng mọi cách, không nên phung phí.

 9- Không được đi đâu quá thời hạn đã xin phép. Nếu có việc bất ngờ xảy ra, phải gởi thơ hoặc điện thoại về xin phép thêm.

 10- Thiền sinh nếu không muốn ở Thiền Viện, xin phép ra đi tự do không cần điều kiện gì cả. Không được ở đây mà có tâm hướng ngoại. Nếu đi rồi thì không được trở lại.

D. KẾT THÚC
 
 
Phần lục hòa và năm giới trước thuộc về chánh, Thiền sinh phạm một trong những giới chánh này tùy mức độ nặng nhẹ, nếu nặng thì tự xấu hổ xin rút lui khỏi Viện, nếu nhẹ tự xin sám hối với Ban lãnh đạo và toàn chúng.
 
 Năm giới sau và Qui chế phụ là phần phụ, Thiền sinh nếu phạm thì tự thấy lỗi xin sám hối, hoặc Ban chức sự hay huynh đệ thấy nhắc cũng sẵn sàng sám hối. Song một lỗi mà Thiền sinh phạm nhiều lần cũng tự xấu hổ xin rút lui khỏi Thiền Viện.

IV. TỔ CHỨC

 Tổ chức Thiền Viện là tổ chức chuyên tu Thiền theo tông chỉ phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử ở Việt Nam . Ðể hướng dẫn và bảo vệ Thiền sinh tu hành được kết quả tốt, nên tổ chức những người có trách nhiệm chia làm hai ban: Ban lãnh đạo và Ban chức sự.

A. BAN LÃNH ÐẠO
 
1- Viện Trưởng:
Chịu trách nhiệm hướng dẫn tu hành và quyết định xem xét tổng quát toàn bộ Thiền Viện.
2- Viện Phó: Thay thế Viện Trưởng khi vắng mặt hoặc đặc trách một trách nhiệm gì do Viện Trưởng giao phó.
3- Thư ký: Gìn giữ những văn kiện, thư từ quan trọng của Thiền Viện. Soạn thảo văn thư và liên lạc qua lại với Giáo Hội, Chánh quyền, Phật tử.
4- Thủ Bổn: Nhận giữ và chi ra cho các chức sự cần mua sắm cho chúng và Thiền Viện, với sự đồng ý của Ban lãnh đạo. Mỗi tháng phải báo cáo thu chi lên Viện Trưởng.

BAN CHỨC SỰ
 
 1- Quản chúng:
  Có trách nhiệm sắp đặt việc tu hành của toàn chúng, chủ lễ các buổi lễ trong Thiền Viện, xem xét sự tu hành và đạo đức của chúng.
 2- Phó quản chúng: Có trách nhiệm thay thế Quản chúng khi vắng mặt và nhận một công tác đặc biệt do Quản chúng giao.
 3- Tri sự: Sắp đặt phân công nhân sự trong mọi công tác của Thiền Viện. Phân chia vật dụng cho chúng.
 4- Tri khách: Tiếp xúc các Phật tử và sắp đặt nơi ăn ở cho khách. Nếu khách cần ở lại, hướng dẫn xin và trình giấy với Chánh quyền.
 5- Tri khố: Mua sắm những thức ăn uống, sắp đặt cho Ban trị nhựt nấu nướng những thức ăn thích hợp với nhu cầu cần thiết cho chúng.
 6- Hương đăng: Lau quét điện Phật, chưng cúng hoa quả và hướng dẫn Phật tử hành hương lễ Phật. 
 7- Trưởng ban vườn:  Trồng cây và chăm sóc vườn cây cho tươi tốt, đồng thời biết thu hoạch quả đúng lúc, hoặc bán kịp thời.
 8- Trưởng ban rẫy: Trồng rau đậu và các thứ cải cho chúng đủ ăn hàng ngày.
 9- Trưởng ban hoa kiểng: Trồng trọt và trông coi săn sóc toàn bộ hoa kiểng trong Thiền Viện, dưới sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo.
 10- Ban khán bệnh: Ở nơi xa vắng, Ban khán bệnh rất cần thiết. Ban khán bệnh phải săn sóc bệnh của chúng từ lúc khởi đầu. Phật đã dạy săn sóc người bệnh là săn sóc Phật .
Ngoài ra, theo nhu cầu của mỗi Thiền Viện, mà việc phân ban có sai khác, tùy theo sự sắp xếp của Ban lãnh đạo.

 

V. THỜI KHOÁ TẠI CÁC THIỀN VIỆN

  THIỀN VIỆN TRÚC LÂM

A-    Hàng ngày :
-         Sáng

3g 30  : Ba hồi ba tiếng chuông thức.- Hô chuông tọa thiền.
5g 30  : Một hồi chuông xả thiền.
6g 15  : Ba tiếng bảng tiểu thực.
7g 30  : Ba tiếng kiểng công tác.
11g     : Một hồi kiểng xả công tác.
12g     : Ba tiếng bảng thọ trai.

-         Chiều :

1g       : Ba tiếng chuông nghỉ.
2g       : Một hồi ba tiếng chuông thức.
2g 30  : Ba tiếng chuông tọa thiền.
4g 30  : Một hồi chuông xả thiền.
5g       : Ba tiếng bảng tiểu thực.
6g       : Ba tiếng chuông sám hối.
7g 30  : Ba tiếng chuông. - Hô chuông tọa  thiền.
9g 30  : Một hồi chuông xả thiền.
10g     : Ba tiếng chuông nghỉ.

B-
    Mỗi tháng:

 a- Thỉnh nguyện :
Ngày 13 và ngày 28 vào lúc 2g 30 chiều.
 b- Tham vấn : Ngày 14 và ngày 29 vào lúc 8g sáng.

 

  CÁC THIỀN VIỆN
 
 A- Hàng ngày:
 
 -       Sáng:
3g       : Ba hồi ba tiếng chuông thức. - Hô chuông tọa thiền.
5g       : Một hồi chuông xả thiền.
5g 45  : Ba tiếng bảng tiểu thực.
6g 30  : Ba tiếng kiểng công tác.
10g     : Một hồi kiểng xả công tác.
10g 45: Ba   tiếng bảng thọ trai.
12g     : Ba tiếng chuông nghỉ.
 
 -  Chiều:
1g       : Một hồi ba tiếng chuông thức.
2g       :   Ba tiếng chuông học hoặc tọa thiền.
4g       : Nghỉ học hoặc xả thiền.
5g       : Một hồi chuông báo nghỉ công tác trong ngày - Tiểu thực.
6g 15  : Ba tiếng chuông sám hối.
7g 30  : Ba tiếng chuông - Hô chuông tọa thiền. 
9g       : Một hồi chuông xả thiền.
9g 30  : Ba tiếng chuông nghỉ.
 
 B- Mỗi tháng:
 
Thỉnh nguyện ngày 15 hoặc 30. Tháng thiếu ngày 29.

 

VI. CHƯƠNG TRÌNH HỌC

Chủ yếu của Thiền Tông là: Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật.
Thế mà chúng ta tu thiền lại nghe kinh học luận, có trái với chủ trương của Thiền Tông không ?
Vì Phật giáo Việt  Nam   thừa kế gia bảo Thiền Tông mà đã không khéo giữ gìn nên bị mất gốc.
Do đó các Thiền Viện mới chủ xướng Thiền Giáo đồng hành, nghĩa là vừa tu theo Thiền Tông vừa học kinh luận.
Hơn nữa hiện tình tu sĩ Việt Nam  cũng có lắm người tu thiền, nhưng không có mấy người thực tu theo Thiền Tông chánh thống, nên họ dễ bị lạc lầm và sanh ra bệnh hoạn điên cuồng. Vì vậy, các Thiền Viện nếu không đem kinh luận của Phật, Tổ phối hợp chặt chẽ thì không sao tránh khỏi sự nghi ngờ lo sợ của đa số tu sĩ.
Ðó là lý do căn bản Tăng Ni các Thiền Viện phải học kinh luận.

 

NĂM THỨ NHẤT.

 KINH: 
1- Trích giảng các kinh A- Hàm.
 LUẬN:
1- Bước Ðầu Học Phật.
2- Qui Sơn Cảnh Sách.
 SỬ : 
1- Thiền Học Việt Nam  từ khởi đầu cho đến đầu thời Lý.

 

 


NĂM THỨ BA.

KINH :
1- Kinh Lăng-già (Việt).
2- Kinh Lăng Nghiêm (Hán).
3- Kinh Pháp Hoa (Việt).
LUẬN :
1- Thiếu Thất Lục Môn (Việt).
2- Ðốn Ngộ Nhập Ðạo Yếu Môn (Việt).
3- Luận Ðại Thừa Khởi Tín (Hán).
4- Chứng Ðạo Ca (Hán).
 SỬ : 
1- Trung Hoa Chư Thiền Ðức Hành Trạng Tập I.
2- Thiền Học Việt Nam  sau đời Trần cho đến hiện đại.

NĂM THỨ HAI.

 KINH:
 1- Bát-nhã Tâm Kinh (Hán).
 2- Kinh Kim Cang (Hán).
 3- Kinh Duy-ma-cật (Việt).
 4- Kinh Viên Giác (Hán).
 LUẬN:
 1- Thiền Tông Việt Nam  Cuối Thế Kỷ 20.
 2- Nguồn Thiền (Việt).
 3- Luận Tối Thượng Thừa (Việt).
 4- Kinh Pháp Bảo Ðàn (Hán).
 SỬ :
 
1- Ba mươi ba vị Tổ Ấn Hoa.    
 2- Thiền Học Việt Nam  thời Lý Trần. 

NĂM THỨ TƯ.

KINH:
1- Kinh Niết-bàn (Ðại cương - Việt).
2- Kinh Hoa Nghiêm (Ðại cương - Việt).
LUẬN:
1- Chân Tâm Trực Thuyết (Việt).
2- Luận Trung Quán (Hán).
3- Vạn Pháp Qui Tâm (Việt).
4- Tín Tâm Minh (Hán).
SỬ :
1Sử Thiền Sư Trung Hoa tập II.

 

VII. TUYỂN SINH

A. THIỀN VIỆN TRÚC LÂM
 1-
Hạn tuổi: Thiền sinh xin vào Thiền Viện từ 18 đến 55 tuổi. Ngoại trừ Ban chức sự.
 2- Trình độ: Phải có một trong ba điều kiện sau đây:
a-   Tu học tại Thiền Viện ba năm trở lên.
b- Học xong Trường Trung cấp Phật học hoặc Cao Cấp Phật Học.
 c-  Nếu cư sĩ xin xuất gia nhập chúng, phải có trình độ văn hóa từ lớp 12 trở lên và đã nhiều năm nghiên cứu thực tập tu Thiền.
 3- Người hâm mộ và quyết chí tu Thiền, khẳng định trong đời này phải sáng đạo mới được.
 4- Không tật nguyền và bệnh truyền nhiễm.
 5- Chấp nhận cuộc sống đạm bạc và Lục hòa.
 6- Làm tờ cam kết không phạm Nội Qui của Thiền Viện.

B. CÁC THIỀN VIỆN
 1-
Hạn tuổi: Thiền sinh xin vào Thiền Viện từ 18 đến 55 tuổi.
 2- Trình độ: Phải có một trong hai điều kiện sau đây:
     a-  Học xong Trường Trung cấp Phật học hoặc Cao Cấp Phật Học.
     b- Nếu cư sĩ phải có trình độ văn hóa lớp 12 và đã nhiều năm nghiên cứu thực tập tu Thiền.
 3- Người hâm mộ và quyết chí tu Thiền, khẳng định trong đời này phải sáng đạo mới được.
 4- Không tật nguyền và bệnh truyền nhiễm.
 5- Chấp nhận cuộc sống đạm bạc và Lục hòa.
 6- Trước khi nhập chúng phải tập sự tại Thiền Viện từ một tới ba năm.

 

VIII. ĐIỀU LỆ DÀNH CHO KHÁCH


 Khách đến Thiền Viện gồm có khách hành hương, tham quan và khách ở lại. Tất cả khách đều giữ nghiêm trang lịch sự khi đến Thiền Viện.
 1- Khách hành hương và tham quan: Thiền Viện chia làm hai phần, Nội viện và Ngoại viện. Khách hành hương và tham quan chỉ ở phần Ngoại viện. Trừ khi khách muốn nghiên cứu về đường lối tu hành của Thiền Viện, phải nhờ Thầy Tri khách xin phép, sau đó mới được dẫn vào Nội viện.
 2- Khách ở lại Thiền Viện ngắn hạn: Nếu khách đến thăm thân nhân hoặc đến nghiên cứu, chỉ được ở lại không quá bảy ngày.
 3- Khách ở lại dài hạn:  Một là khách ở lại thực tập tu dài hạn tại nhà khách. Hai là khách ở lại xin nhập thất. Hai hạng khách này được ở lại Thiền Viện không quá ba tháng. Trừ trường hợp tu hành khá đắc lực, muốn xin thêm thời gian tu học cho được mỹ mãn, phải do Hòa thượng Viện Trưởng quyết định.
 4- Khách Ni và Phật tử nữ tuyệt đối không được ở lại đêm nhà khách Tăng và ngược lại cũng thế.

 

 

IX. KẾT LUẬN

           
 Nội Qui này là một nhu cầu thiết yếu để bảo vệ sự an ổn tu hành của Thiền sinh ở Thiền Viện. Nội Qui giúp cho Thiền sinh sống hài hòa trong nề nếp đạo đức, khiến sự tu học dễ phát triển. Vì thế, mỗi tháng một lần Thỉnh nguyện đọc lại Nội Qui, để Thiền sinh ghi nhớ và tự kiểm điểm xem mình có phạm điều nào không. Vì tha thiết tu hành, các Thiền sinh cố nhớ, giữ cho được trọn vẹn.

Thanh Qui này đã được duyệt lại lần thứ nhất, với những điều khoản đã ghi và ấn định tại Thiền Viện Trúc Lâm ngày mồng 8 tháng 2 năm Kỷ Mão (25/03/ 1999), dưới sự chứng minh và Chủ tọa của Hòa thượng Viện Trưởng.
 Về sau nếu có sự thêm bớt điều nào thì phải có một buổi họp trong Tông môn mới được thống nhất.

 

X. TỜ CAM KẾT

Con tên .......................................       

Pháp hiệu .....................................

Ðệ tử của ......................................

Hiện ở ......................................Trình độ .........................

Xin cam kết sẽ sống đúng Nội Qui của Thiền Viện. Nếu có phạm Lục hòa hay các giới trọng thuộc về mức độ nặng, con xin tự xấu hổ ra đi khỏi Thiền Viện, không làm phiền Ban lãnh đạo phải xử phạt. Nếu phạm giới khinh và các điều khoản phụ, quá ba lần sám hối mà không sửa được, con cũng xin xấu hổ tự xuất chúng khỏi Thiền Viện.

Con nguyện cố gắng tỉnh giác cao để làm tròn bổn phận một Thiền sinh tại Thiền Viện

......., ngày....tháng... năm .....

Bổn sư bảo đảm.                                          Ðương sự ký tên.

THIỀN TÔNG VIỆT NAM