PHÁP TU

THÍCH NHẬT QUANG

Hôm nay là ngày Tết Nguyên Đán, cũng là ngày kỷ niệm đức Phật đương lai Đại Từ Tôn Di Lặc. Lâu nay theo truyền thống của Thiền viện, từ những năm ở Chân Không - Vũng Tàu, trong những ngày lễ này, Hòa thượng Tôn sư thường nhắc nhở việc tu hành. Đồng thời Ngài nói công hạnh của chư Phật, Bồ-tát để chúng ta hiểu, nhớ và noi theo tu hành được kết quả như các Ngài.

Thể theo truyền thống đó, trong ngày lễ trọng đại này tôi nêu lên một vài điểm để huynh đệ chúng ta cùng ý thức nỗ lực tu hành. Vừa rồi, tất cả huynh đệ đã cùng nhau vân tập trên Chánh điện, làm lễ vía đức Phật Di Lặc. Người ta thường đồn đãi nhắc nhở “tu mau kẻo trễ”, vì Hội Long Hoa đã mở rồi. Nhưng thật ra chẳng ai biết hội Long Hoa thế nào thì làm sao có thể đến dự được! Hội Long Hoa là pháp hội của Phật Di Lặc. Theo lời huyền ký của đức Thích Ca Mâu Ni, sau khi đức Di Lặc thành đạo dưới cội Long Hoa, Ngài thuyết pháp ở đây độ vô lượng vô biên đại chúng.

Các vị khuyên chúng ta “Tu mau kẻo trễ” thì hay, nhưng quan niệm về đức Phật tương lai như thế là không đúng với kinh tạng đã nói. Đức Phật Di Lặc ra đời cũng trong thế giới này, nhưng qua kiếp tăng và giảm mới. Bây giờ thế giới chúng ta đang trong kiếp giảm, cứ mỗi kỷ (100 năm) giảm một tuổi thọ. Cứ thế giảm dần cho tới chừng nào con người chỉ còn sống 10 tuổi thôi thì chúng ta thọ nạn tiểu tam tai. Qua hết nạn này, tuổi thọ chúng sanh bắt đầu tăng trở lại. Mỗi kỷ tăng một tuổi, cứ thế tăng dần từ 10 tuổi cho đến 84.000 tuổi, rồi lại giảm cho tới 80.000 tuổi thì đức Phật Di Lặc mới đời.

Hiện nay tuổi thọ trung bình của chúng ta khoảng 60, 70 tuổi. Như vậy tính từ đây đến lúc còn 10 tuổi đã là rất lâu, huống là tuổi thọ tăng lên từ 10 tuổi cho đến 84.000 tuổi, rồi lại giảm xuống tới 80.000 tuổi thì thôi không biết bao lâu mà nói. Thế nhưng vẫn có nhiều người tin và đồn rằng năm 2000 vừa rồi tận thế, hội Long Hoa ra đời! Nhưng quí vị có thấy tận thế chưa, hội Long Hoa ra đời ở đâu? Phật tử học Phật phải chánh tín, không nên tin càng tin bậy làm sai lệch giáo lý Phật dạy.

Vào lúc tuổi thọ của con người chỉ còn 10 tuổi tức vào giai đoạn cuối của kiếp giảm thì chúng sanh trong thế giới này phải chịu nạn tiểu tam tai. Đó là nạn cơ cẩn, nạn dịch khí, nạn đao binh. Theo Du Già Sư Địa, lúc nhân thọ giảm còn 30 tuổi, có nạn cơ cẩn tức đói khát kéo dài hơn 7 năm. Thời gian này rất lâu mới có một cơn mưa, ngũ cốc không sanh loài người chết vô số, xương trắng đầy đồng. Qua loạt chết chóc kinh khủng này, những kẻ còn sống sót khởi lòng nhàm chán, ăn năn sám hối, tai nạn đó mới dứt. Lúc nhân thọ giảm còn 20 tuổi, do loài người lui sụt tâm nhàm chán ăn năn trước kia, lần lần làm ác nên có tai nạn dịch khí tức bệnh truyền nhiễm nổi lên trải qua hơn 7 tháng. Thây chết ngổn ngang khắp đường sá đồng ruộng, không ai chôn cất. Khi ấy mọi người lại ăn năn nghiệp ác mình đã tạo nên phải chịu quả khổ như vậy, mới khởi lòng sám hối, nạn dịch khí tiêu mất. Rồi tới khi nhân thọ còn 10 tuổi, nhân loại dần dần quên những cảnh khổ trước, trở lại tạo thập ác thêm nhiều. Bấy giờ có tai nạn đao binh nổi lên. Trước tiên, các nước đem binh đánh giết lẫn nhau, trong gia đình cha mẹ, anh em, vợ chồng luôn tranh cãi xào xáo với nhau. Đến lúc kiếp mạt, thế lực của nghiệp ác mạnh mẽ cùng cực, trong vòng 7 ngày, loài người như mê cuồng, tay cầm đến cây, gậy, ngói, đá… những thứ ấy đều hóa ra đao kiếm, không luận thân sơ, hễ gặp mặt là tàn sát nhau. Qua 7 ngày này, nghiệp sát tiêu tan, còn một số ít người ẩn nơi hang sâu núi thẳm, chuyên tâm tu hành là sống sót. Bấy giờ chứng kiến cảnh tượng thê thảm trên, con người ăn năn cực độ, chí thiết phát tâm tu hành, nạn đao binh mới chấm dứt. Từ đó họ bắt đầu giữ giới trở lại nên tuổi thọ tăng dần từ 10 tuổi cho tới 84.000 tuổi, thời gian giống như kiếp giảm. Rồi nhân thọ lại giảm xuống cho tới 80.000 tuổi thì đức Phật Di Lặc ra đời.

Thời mạt pháp chúng sanh phần nhiều giải đãi, không siêng tu nên rồi phải thọ nạn như thế. Như chúng ta thấy thời nay kinh sách rất nhiều, in đẹp, tủ kinh cũng đẹp nhưng chỉ chưng bày để ngó thôi, rất ít người sờ mó tới nghiên cứu tham khảo. Họ có rất nhiều lý do, như bận rộn, không có thì giờ, kinh toàn chữ Hán, chưa dịch ra chữ Việt. Những kinh dịch ra rồi thì lại không hay v.v… đó là nói về người đọc kinh. Kế đến là người đọc kinh rồi, hiểu và áp dụng được lại còn hiếm hơn. Mạt pháp là như thế chứ không phải mạt pháp không có kinh. Có chứ, mà in còn đẹp hơn hồi trước nữa nhưng đáng tiếc là ít người xem. Xem được rồi, ít người hiểu hết nghĩa trong ấy. Hiểu được rồi, ít người thực hành những lời Phật dạy trong kinh.

 Đức Phật Di Lặc thành đạo dưới cội Long Hoa. Pháp hội của Ngài chư Bồ-tát, Thánh chúng, trời người đông vô kể. Huynh đệ chúng ta cố gắng tu tập, nếu chưa thành tựu Phật quả trong thời Phật Thích Ca, hy vọng có thể ghi danh vào Pháp hội của đức Di Lặc. Nói đến đức Phật Di Lặc là nói đến nụ cười đại hoan hỷ luôn nở trên môi Ngài. Chúng ta sống được như vậy thì không cảnh duyên nào, không sự kiện nào, không một pháp nào có thể làm gì ta được. Buông xả tất cả cố chấp, sống vui tươi thảnh thơi với tâm hoan hỷ là học theo gương hạnh của ngài Di Lặc.

Từ chỗ Phật chất mình đã nhận được rồi, trong công phu hằng ngày ít nhiều chúng ta cũng đã nếm được pháp vị. Với công phu như vậy, đảm bảo trong pháp hội tương lai dưới cội Long Hoa, tất cả huynh đệ chúng ta đều là những hội chúng, có khi là hội chúng thượng thủ nữa. Muốn thế, điều quan trọng bây giờ là ta phải tỉnh giác liên tục, mạnh mẽ. Từ tỉnh giác mạnh mẽ đó, chúng ta có những niềm vui để tiến đạo nhiều hơn. Niềm vui của đức Di Lặc là niềm vui Vô Trước, niềm vui Đại hỷ xả, Đại từ bi. Chúng ta học theo Ngài nếu chưa có được niềm vui ấy trọn vẹn thì cũng phải được từng phần. Từng phần chứng, từng phần khắc phục, từng phần hưởng được niềm vui tùy theo mức độ công phu của mình.

Trước nhất, niềm vui đó có thể được chúng ta thực hiện trong tinh thần tỉnh tu. Nhờ tỉnh tu tâm chúng ta thanh tịnh, không thích nơi ồn náo nhộn nhịp, vì thế không bị mất mình ở những nơi ấy. Mỗi ngày trong từng phút giây chúng ta cố gắng khắc phục những cái dở, những loạn tưởng, những lăng xăng làm mất thời gian của mình. Thật ra làm sao tránh được sự ồn náo? Chúng ta chạy đi đâu? Mình đã có mặt ở đây từ bé thơ cho tới bây giờ, nó hình thành bao nhiêu thứ, nào là tình cảm, sự nghiệp, công danh, thân tâm ràng buộc. Bây giờ nhất thời vất chúng đi đâu? Cho nên ta phải tiến hành từng chặng một.

Đầu tiên chúng ta xuất gia tu hành, là cắt những liên hệ gia đình, nhưng chỉ mới cắt bên ngoài, còn trong tâm tưởng đâu phải cắt một lần mà được. Chẳng hạn trong ba ngày tết, mấy đứa cháu không lên thăm mình cũng thấy thiếu, thấy nhớ. Những vướng mắc đó kết cấu, liên hệ chằng chịt hồi đời nào tới giờ. Bây giờ tu Phật dạy phải buông bỏ đi, nó là vọng tưởng, thương mình nên nỗ lực tu hành. Tuy biết thế nhưng chúng ta đâu có thực hành được hoàn toàn, chỉ đôi ba khúc là hết hơi rồi.

Cho nên niềm vui của người phấn chấn tích cực tu hành là thắng vượt được tất cả dấy niệm lăng xăng. Giờ này chúng ta còn ngồi đây, có mặt nơi đạo tràng tức cũng thắng được mình phần nào. Nếu không quí vị đã đi thăm bà con xóm giềng, hoặc dạo chơi chỗ này chỗ kia, chớ đâu chịu quy tụ về tổ đình lễ vía chư Phật, Bồ-tát, chúc mừng tuổi thọ quý thầy. Vì thế niềm vui thứ nhất, tôi gọi là niềm vui thuộc về con cháu của đức Phật tương lai Đại hoan hỷ, niềm vui thắng vượt sự ồn ào. Chúng ta bình thản, an nhiên, không có sự kiện, không có vấn đề gì chung quanh làm rối loạn ta. Đó là niềm vui thứ nhất.

Niềm vui thứ hai là niềm vui của tâm yên lắng. Phần này hơi khó, vì chính bản thân chư tăng cũng chưa chắc được yên lắng hoàn toàn. Có lúc nó yên lắng, cũng có lúc nó không yên lắng. Tâm vọng tưởng nhiều tật chứng lắm, nếu không biết cách trị, không dùng roi đập thì nó sẽ quậy lên khiến ta mất ăn mất ngủ, chớ chẳng chơi. Nói tóm lại, niềm vui thứ hai của người tu là khắc phục vọng tưởng. Chúng ta đừng để những dấy niệm kéo lôi dẫn đi. Dấy niẹâm là gì? Là những hình ảnh về người, về vật hay về mình có liên quan đến mọi hiện tượng chung quanh. Đó là những bóng dáng còn lưu trữ trong tâm ta. Ngồi lại đâu có yên! Chữ “Niệm” là nhớ, tức nhớ cái này nhớ cái kia.

Ví dụ ngồi lại ta nhớ “Ôi, hôm đám giỗ Hòa thượng Tổ sư chúng ta có một hình ảnh thân thương làm sao!”. Nó không phải mặt rằn hay gai góc khiến cho ta hoảng sợ, mà đôi lúc lại rất dễ thương. Vì thế mình mới bị dẫn đi một cách vô điều kiện. Nó dẫn đi đã đời đến chán vất bỏ đi, ta mới tỉnh lại thì đã mất bao nhiêu thời gian quý báu. Phải chi nó hiện tới làm cho ta khóc lóc, tức giận, sợ hãi thì mình buông dễ dàng. Đằng này nó nhẹ nhàng, thân thương, êm dịu, nên ta mới mềm lòng chạy theo. Tới lúc nó chán rồi buông ra, mở được con mắt thì hỡi ôi ta đã bị vọng tưởng nắm mũi lôi đi từ hồi nào.

Cho nên người có công phu tu hành là người có tĩnh lực khắc phục được những dấy niệm đó. Một niệm nào vừa dấy khởi, biết nó là vọng tưởng, buông đi. Vừa có hình ảnh nào dấy khởi, biết là hư giả, buông đi. Vừa có sự kiện gì dấy lên, biết nó tào lao, buông đi. Nếu ai có được trí lực như thế thì người đó yên vị làm chủ. Làm sao trong công phu hằng ngày, chúng ta kiểm nhận được tất cả những dấy niệm của mình là từng bước ta khắc trị được nó. Trong kinh nói nó là cái hơi hướm, chủng tử, tập khí, thói quen của chúng ta. Bởi vì chúng ta chưa làm chủ được tập khí, chủng tử đó nên mới bị nó kéo đi một cách dễ dàng. Chứ nếu huynh đệ làm chủ được những tập khí thì ta sẽ hết sức bình thường trước mọi tình huống. Đôi khi những thứ to tát mình làm chủ được, nhưng tới những thứ bình thường nhỏ nhặt ta lại chết! Dân quê ta thường hay nói “đi sông đi biển không nhằm gì, mà về nhà trật chân té xuống vũng trâu nằm lại chết.” Lời nói này thật kinh nghiệm vô cùng.

Bởi có những khi chúng ta lao theo vọng tưởng, sống với vọng tưởng, mình với vọng tưởng hòa đồng nhau, thấy thật dễ chịu, không có gì đau khổ cả. Như ta đang ngồi đây nhớ ngôi nhà của ông tổ hồi xưa, có tội gì đâu. Ngồi đây nhớ mẹ mình, có tội gì đâu. Ngồi đây nhớ những chuyện phúc thiện, có tội gì đâu. Do đó nên ta đâu muốn trừ bỏ vọng tưởng làm chi. Đó là mình đã lặn sâu trong nó rồi, tôi gọi là chết trong vũng chân trâu đó. Bởi nhớ bất cứ thứ gì, bất cứ hình ảnh nào cũng đều mất mình. Lao theo vọng tưởng là chấp nhận để cho vọng tưởng chôn vùi mình rồi.

Bây giờ tu là quay trở lại. Từ những niệm bình thường thân thương đó, nó vừa khởi lên ta liền biết “Ồ, vọng tưởng” thì sẽ không bị nó kéo lôi. Không bị kéo lôi là có định, biết nó không thật là có tuệ. Định tuệ hiện tiền gọi là Định tuệ đồng đẳng. Người định tuệ hiện tiền là người sống được với Ông Chủ, là người đạt được niềm vui không bị kéo lôi bởi những cái vọng tưởng điên đảo. Vọng tưởng chẳng qua là những bóng dáng bên ngoài tồn đọng trong tâm thức của chúng ta. Đã là bóng thì không thể thật được. Theo tinh thần tu học của chúng ta, nếu không hóa giải bằng cách nhận biết nó là vọng tưởng thì ta cứ dính mắc mãi thôi. Khi đã dính mắc vọng tưởng rồi thì tâm trí không còn sáng suốt nữa, do đó tạo nghiệp khổ. Do vậy các bậc Tổ sư dạy, không cho chúng ta dính mắc vọng tưởng, để tâm trí sáng suốt trùm khắp.

Nói các pháp kéo lôi là một cách nói, chớ thật ra pháp nào mà kéo lôi mình được. Ai ốm yếu nhất cũng không dưới ba chục ký, thấp nhất cũng thước rưỡi thước tư, thì cành hoa cánh én làm gì kéo lôi nổi. Vậy đó, mà vọng tưởng đẩy trốc gốc hết. Có khi cả trăm ký, nó cũng vật ngã tuốt, kéo sển đi nhẹ re. Mới lạ chứ! Tôi nói thế để làm gì? Để chúng ta biết, tuy rằng nó là vọng tưởng nhưng rất nguy hiểm. Nếu chúng ta không tu, không tỉnh, không làm chủ được thì xem như mất mình. Chẳng những mất mình trong đời này mà mất mình dài dài trong kiếp số vô lượng vô biên.

 Nếu không có Phật Tổ ra đời, ai chỉ cho chúng ta biết đó là vọng tưởng. Như vậy ta sẽ mê lầm mãi, vì đồ giả cho là thật nên cứ ôm giữ, làm sao hết khổ? Quý vị thấy, chúng ta vừa có mặt thì mừng Sinh nhật, đến lúc mất đi thì Tử táng. Có ra thì vui mất đi thì buồn, buồn vui hoài thôi, tình huống của con người ở thế gian là như vậy. Với người tu, chúng ta phải vượt khỏi việc ấy. Tổ dạy, phải làm chủ được sanh tử, nghĩa là không bị sanh nhận chìm, cũng không bị tử làm mất mình.

Người tu nên xem sanh tử như thế nào? Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ. Sanh ra, như mùa đông lạnh lẽo mà được đắp chăn ấm áp. Chết như cởi áo hạ, tức như mùa hạ nóng bức cởi được chiếc áo nhơ nhớp vứt đi. Hình ảnh này để chỉ cho người tự tại, làm chủ được sanh tử. Sanh cũng không thật sanh, tử cũng không thật tử. Thiền sư không hệ lụy bởi sanh tử. Hiểu thế rồi, khi có huynh đệ bỏ thân này, chúng ta nên khóc hay không khóc? Người tu, hiểu đạo thì tỉnh táo nói thế này: Mừng cho anh, chị, huynh, đệ cởi được chiếc áo nhơ nhớp nóng bức, thật thích thú biết bao. Đâu có gì phải khóc.

Nói thì nói thế nhưng thấy cảnh gì hơi đau lòng một chút là mình đã không dừng được nước mắt rồi. Có khi ta thấy chuyện bá vơ ngoài đường, ta cũng xót xa nghẹn ngào. Cho nên biết chúng sanh nhiều đời trôi giạt trong sanh tử, mê mờ chồng chất nhiều lớp. Nói thì được nhưng làm chưa được. Phật, Bồ-tát nói nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước bốn biển là vì thế. Ta khóc cho người thân, khóc cho người chung quanh… nước mắt đổ ra bao nhiêu mà kể. Cho nên bây giờ muốn bớt khổ, bớt khóc thì phải dừng lặng tâm vọng tưởng ấy đi. Một khi nó đã được yên lắng xuống rồi thì ta sẽ không còn mắc mứu vào đâu để buồn để vui, để khóc để cười trong đảo điên nữa. Đó là niềm vui thứ hai, làm chủ được những dấy niệm.

Niềm vui thứ ba là dứt trừ phiền não. Nhân đọc gương hạnh của các vị tổ Trung Hoa trong thời đại chúng ta như ngài Hám Sơn, ngài Hư Vân, ngài Thái Hư… tôi thấy công phu của các Ngài chiến thắng vượt được tất cả phiền não vọng tưởng. Các Ngài hoàn toàn an ổn, không bị phiền não của thân tâm quấy rầy, cũng không bị phiền não do thiếu thốn cơm gạo thuốc men hoặc sự ủng hộ của những người chung quanh. Nêu những gương này lên, để chúng ta thấy mình còn quá dở. Chúng ta còn lo lắng, chuẩn bị, tích lũy nhiều thứ nên phiền não cũng nhiều. Chư tổ trước tu hành làm chủ được, bỏ được phiền não nên các Ngài hoàn toàn an vui trong mọi hoàn cảnh.

Cho nên bỏ được phiền não là niềm vui trọn vẹn nhất của người tu chúng ta. Tôi nhắc lại một đoạn nhân duyên thế này. Ngài Hám Sơn, một hôm đi ngang qua vùng đó, thấy có đoạn đường bị hư, dân làng đi lại khó khăn nên Ngài phát tâm đắp lại đoạn đường đó. Bấy giờ ngài Hư Vân cũng tới đó, nghe quần chúng địa phương cho hay có một vị tăng lâu nay ở đây làm việc như vậy. Thầy không hề thuyết pháp giảng kinh, cũng không gần gũi giao du với ai hết. Mỗi ngày chỉ đào đất đắp đường từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều, rồi trở về ngôi chùa hư trong hốc đá gần đó, nấu cơm ăn xong thì tọa thiền, nghỉ ngơi. Ai tới Ngài cũng chẳng chào hỏi gì, cứ sáng đi làm chiều tối về nghỉ.

Ngài Hư Vân nghe thế liền tìm đến. Quả thật Hòa thượng này chẳng chào hỏi gì Ngài. Thấy vậy Ngài im lặng đi làm với thầy. Ông thầy cuốc đất bưng đổ lên đường, Ngài cũng cuốc bưng đổ lên đường. Hết giờ làm việc thầy về nghỉ, cũng không mời Ngài về. Thấy vậy, Ngài Hư Vân đi theo về. Đến chùa, ông thầy đi lấy bún khô hoặc cơm nguội hâm lại ăn, không hề mời ngài Hư Vân ăn, cũng không bảo làm gì hết. Ông thầy làm gì Ngài làm theo như vậy. Người lấy gạo, kẻ nhóm lửa, xong hai vị ngồi đó, không ai nói với ai điều gì. Nấu rồi, mạnh ai lấy chén múc ăn, chẳng ai mời ai. Sống như vậy một tuần lễ. Cho đến một đêm trăng đẹp quá, Ngài Hám Sơn ra ngoài gộp đá ngồi thiền. Sau khi xả thiền, nhìn thấy ánh trăng Ngài thốt lên:

- Thích thú quá!

Quay lại Ngài thấy Hư Vân cũng bảo:

- Thích thú quá!

Bấy giờ ông thầy mới chịu mở miệng hỏi:

- Ngài ở đâu tới?

Sau một tuần lễ chung sống tới bây giờ hai Ngài mới bắt đầu đàm đạo và dĩ nhiên là cả hai rất tâm đắc với nhau. Khi đoạn đường đó sửa gần xong, ngài Hư Vân từ giã nói:

- Tôi bận việc phải đi trước. Thôi, Ngài ở đây tiếp tục.

Câu chuyện cho chúng ta thấy Thiền sư không bận rộn, không bị những lo lắng về đời sống, về lễ nghi trói buộc. Hình ảnh hai vị Tăng cho chúng ta một bài học là hãy sống bình thường. Chính cái bình thường ấy đã vượt qua mọi hệ lụy trong đời sống. Các Ngài cuốc đất, nhóm lửa, nấu cơm, ngồi thiền… tất cả đều bình thường. Không như chúng ta, còn bị hệ lụy quá nhiều. Nhìn thấy hũ gạo còn mười lít là mình đã sợ tháng sau không có gạo ăn, bắt đầu chạy cho có hai chục lít để sẵn đó. Trong kho còn mấy chai nước tương, nhưng sợ tết đệ tử về không có nước tương ăn nên phải mua sắm thêm v.v… Bởi vậy nên rồi chúng ta phiền não cả ngày, cả tháng, cả năm, phiền não đầy hông chứ không phải ít. Cho nên pháp tu ở đây là ta phải tự tại đối với sự sống này.

Quý vị thấy, trong cuộc sống chúng ta không khi nào yên ổn. Kể từ khi có được hơi thở, ta không biết trước cái nghiệp sẽ đưa đẩy mình như thế nào. Mở con mắt ra, nhận lãnh thân này hoặc nam hoặc nữ, cứ thế mà ôm cái xác ấy, vun quén, son phấn, săn sóc, bảo trì đủ thứ. Có khi nào mình muốn cho thân bệnh, thân xấu đâu? Lỡ biết xấu xí, mình khổ biết bao nhiêu. Có hai Phật tử hồi xưa là sinh viên, học giỏi lắm. Làm Phật sự chung rồi thương nhau nên kết thành vợ chồng. Mơ ước của họ là sanh được những đứa con ngoan, hiểu đạo pháp, vì cha mẹ đều kính tín đạo pháp. Nhưng khổ nổi đứa con đầu lòng rất ngoan mà lại có tật. Nó bị dị tật từ trong bụng mẹ. Hai vợ chồng buồn và thương con quá biết làm sao đây, chắc là phải đặt cho nó cái tên Thương Hoài Ngàn Năm thôi!

Trở lại vấn đề phiền não, tôi nói về sanh nhẫn. Như thân của chúng ta đây, đâu có ai muốn nó đau bệnh, già yếu. Nhưng quý vị thấy, từ khi sanh ra cho tới giai đoạn thôi bú, rồi đổi răng sữa thành răng nanh, lúc nào mình cũng khóc hết. Lớn lên một chút chạy ra nắng là nhức đầu, thế là sà vào lòng bố mẹ khóc. Hồi nhỏ nhức đầu khóc lóc như vậy không có sao, chứ bây giờ già cái đầu thế này rồi, khóc với ai đây? Chẳng lẽ nhõng nhẽo với đệ tử, đành chịu khổ một mình thôi. Mang thân này là đủ thứ khổ. Ăn không được, ngủ không được khổ, cảm gió, đau răng, đau mắt, đau chân, ho hen, mỏi mệt… đủ thứ khổ. Thế nhưng chúng ta đều nhẫn được hết, không nhẫn cũng không được. Mình phải bảo vệ nó, nương nhờ nó để tu chứ. Dù biết nó là đồ bỏ, nhưng khi chưa xong việc, chưa giải thoát sanh tử chúng ta không nên bỏ. Phải nuôi dưỡng nó bằng cách điều hòa tứ đại, để có phương tiện mà tu. Đây gọi là sanh nhẫn. Làm chủ được, không bị động, không bị cuộc kéo trong bởi thân này có nghĩa là ta không bị phiền não đối với thân. Đây là môït hạnh tu của hàng đại Bồ-tát, của những vị Phật tương lai. Phải trị được, hóa giải được, bình thường được đối với sanh nhẫn.

Ngoài sanh nhẫn ra còn có pháp nhẫn. Pháp nhẫn là gì? Là hoàn cảnh. Nhẫn trong mọi hoàn cảnh thuận cũng như nghịch. Đối với nghịch cảnh ta nhẫn nghe hợp lý, còn thuận cảnh có gì phải nhẫn? Ví dụ chúng ta đọc sử của Thái tử Sĩ Đạt Ta, từ khi sanh ra cho tới lớn lên Ngài thụ hưởng bao nhiêu là tiện nghi tột đỉnh. Nhưng Ngài đã không chết chìm trong đó, vì vậy Thái tử mới tìm đường xuất gia học đạo. Đây gọi là nhẫn trong thuận cảnh. Do biết sự nguy hại phía sau của những cảnh thuận ấy nên chúng ta phải nhẫn, nghĩa là vượt qua nó, chiến thắng nó. Như thế mình mới không khổ vì nó. Thành ra nói đến pháp nhẫn tức là nói đến những sự kiện chung quanh.

Ví dụ như người có phước ở trong căn nhà mát mẻ, còn mình không đủ phước, mùa nắng mùa mưa gì cũng ở trong căn nhà ọp ẹp bị, gió tạt mưa dột v.v… nhưng vẫn phải chịu. Hoặc có những đứa trẻ vừa sinh ra đã mồ côi, không ai nuôi dưỡng, bị thải bên vệ đường. Ai thấy thương thì đem về nuôi. Lỡ trong sanh ra trong một hoàn cảnh như thế thì sao? Phật dạy phải nhẫn. Đây gọi là nhẫn trong nghịch cảnh. Vì vậy người tu đối với sanh nhẫn, pháp nhẫn, cả hai đều phải trọn vẹn, mới được Nhẫn lực ba-la-mật. Người được Nhẫn lực ba-la-mật mới có thể đi đến thành tựu đạo quả viên mãn.

Như câu chuyện Quan Âm Thị Kính. Cô Kỉnh Tâm không phải là người nam, vì muốn tu nên phải làm công việc của người nam. Khó khăn vô kể! Vì muốn thực hiện lý tưởng trọn vẹn nên cô cắn răng nhẫn chịu nỗi hàm oan thấu trời do Thị Mầu dựng lên. Người ta đập, người ta chửi, cuối cùng người ta đem con thảy cho cô nuôi với lời vu khống, không còn nổi oan nào hơn:- Con ông đó, tôi trả ông. Nếu là chúng ta, mình đã nổi khùng lên nói quách: “Tôi không phải đàn ông, làm gì có con với đàn bà?” Đâu như Ngài chịu đựng như thế! Nhưng vì Phật đạo, Bồ-tát nhẫn được tất cả.

Muốn thành Phật tác Tổ, muốn giác ngộ giải thoát, chúng ta phải hóa giải, phải sống vượt qua tất cả mọi hoàn cảnh, phiền não mới không làm gì được ta, mới có thể thành tựu Phật đạo. Cho nên mỗi khi lễ lạy hình tượng các vị Đại Thánh, các vị Bồ-tát là một biểu trưng, trong lòng chúng ta phải tự khắc tự hứa. Tự khắc tự hứa cái gì? Tự khắc tự hứa làm sao mình tu được, sống được như các Ngài. Chúng ta phải có nhẫn lực như Bồ-tát Quán Thế Âm. Chúng ta phải có cái từ lực, hoan hỷ đối với tất cả như Bồ-tát Di Lặc. Vị Bồ-tát được đức Bổn sư Thích Ca dặn dò tương lai sẽ làm giáo chủ giáo hóa chúng sanh ở cõi Ta-bà này, kế tiếp đức Bổn sư.

Nhớ lại gương hạnh của đức Bổn sư như tầm đạo, học đạo, hành đạo để được giác ngộ giải thoát, không phải là chuyện đơn giản. Khó, khổ, nguy nan vô cùng. Trải qua nhiều đời nhiều kiếp, trong kinh nói là ba vô số kiếp, đâu phải chuyện sớm tối bình thường được. Cho nên mỗi khi lễ lạy Ngài, chúng ta nhớ lại gương hạnh ấy, nguyện noi theo để tu tập. Muốn trị được phiền não, khắc phục phiền não thì chúng ta phải thành tựu sanh nhẫn và pháp nhẫn. Chứ nếu đụng một cái liền la làng, thì thôi “sanh” cũng không mà “pháp” cũng chẳng có. Thành ra đòi hỏi chúng ta phải đủ tĩnh lực, phải có sự chịu đựng, từ đó đi đến Nhẫn Ba-la-mật. Đó là pháp tu qua hình ảnh của Phật, Bồ-tát. Nhất định chúng ta phải tu tập được. Bởi vì nếu không tu tập, không áp dụng được thì phiền não đầy trời, không buông được. Mà phiền não nhiều quá làm sao chịu nổi. Tim phổi của mình có giới hạn, nếu nhiều quá nó sẽ làm vỡ lồng ngực mà chết thôi!

Hòa thượng thường dạy mỗi khi vọng tưởng phiền não dấy lên, chúng ta quở nạt nó: - “Chính mày đã dẫn tao đi trong luân hồi mê muội nhiều đời nhiều kiếp rồi. Tạo nghiệp nhân khổ cũng từ mày. Bây giờ tao không tin, không theo mày nữa. Hãy cút đi!” Nếu gầy dựng được thế chủ động như vậy, chắc chắn mình sẽ không bị nó xỏ mũi lôi đi. Ngược lại, ta cứ buông xuôi, nó hù một phát là mình chạy theo tuốt! Một Thiền sư Trung Hoa, tên chi tôi quên mất rồi. Đại khái Ngài thường kêu tên mình rồi tự nhắc “Tỉnh! Tỉnh! Chớ để bị lừa”. Chẳng hạn như tôi tự kêu:

- Nhật Quang!

Rồi tự đáp:

- Dạ!

- Tỉnh nghe! Đừng để bị lầm!

- Dạ.

Bây giờ quý vị cũng thế, tự nhắc mình. Nhưng nhắc vừa phải thôi nghe, nhắc quá thành nói sàm à. Khi nào làm chủ được, trị được những phiền não rồi thì ta sẽ có một niềm vui trọn vẹn. Niềm vui này đầy đủ, lớn lao, trùm khắp.

Tôi xin kết lại ý này bằng một bài thơ, rất tiếc tôi đã quên tên tác giả:

Giữa trời làm nhàn khách,

Trong người, làm Tăng quê.

Cười ta, ai đó? Mặc!

Hồn nhiên tự nhẹ bay.

Nói rằng giữa cuộc đời này, giữa mọi người đây ta làm một khách nhàn nhã, tức không bận rộn gì hết. Giống như mình đi thành phố, lỡ đường phải ghé quán trọ nghỉ qua đêm. Ta ở một đêm thôi thì không lý do gì mình tải đồ đạc trong quán trọ đi theo. Tới thế nào thi đi thế ấy. Tinh thần đó chúng ta phải ghi nhận. Giữa cuộc đời này, trong cõi tuần hoàn này, chúng ta là một người khách nhàn nhã, không bị lệ thuộc, không bị rắc rối, không mang gánh, chất chứa cái gì trong bị cả.

Trong người, làm Tăng quê tức giữa mọi người đây, ta là kẻ tu hành quê mùa. Quý vị dám nhận vậy không? Ai nói mình quê cũng được, ai nói mình dốt cũng được. Miễn mỗi ngày ta không bị phiền não câu thúc, không bị những dấy niệm kéo lôi, tỉnh táo hoàn toàn. Người như vậy là định tuệ hiện tiền. Quí vị nhớ niềm vui mình có được là ngay chính nơi công phu hằng, mỗi ngày ta chỉ là người Tăng quê thôi. Như vậy thì an ổn thích thú biết bao! Cười ta, ai đó? Mặc! Mặc cho nhân thế cười chê, ta không quan tâm. Hồn nhiên tự nhẹ bay, tức mình hồn nhiên sống, hồn nhiên tu, nhẹ nhàng thanh thoát như mây bay. Những hình ảnh này hay làm sao, chúng ta phải thực hiện cho kỳ được.

An lạc chỉ có khi nào chúng ta nỗ lực công phu, chiến thắng được những hụt hẫng, bất an bất ổn chung quanh mình. Giống như một tướng giỏi, ổn định được giặc giã chung quanh biên thùy thì quốc thổ mới yên. Bao nhiêu nỗi bất an, nếu chúng ta không có công phu, không có lực để khắc phục chúng, chiến thắng chúng thì tâm ta sẽ không yên. Đã không yên thì làm sao có an lạc. Sự an lạc của người tu phải phát xuất từ trong lòng, khi đã ổn định được tất cả những bất ổn. Chứ không phải an lạc từ sự hỗ trợ bên ngoài. Chúng ta tu, trong từng phút giây làm chủ mình. Không cần phải tìm tòi, đào xới ở đâu, cũng không có những thủ thuật gì để ta nắm bắt sự bình an đó. Chỉ tỉnh giác, buông xả đừng chạy theo vọng tưởng, tự nhiên những nỗi bất an sẽ tan biến, sự bình an hiện tiền.

Nếu chúng ta không khắc phục những bất an bất ổn thì không bao giờ có bình an. Dù bên ngoài có những tiện nghi đến đâu, ta cũng chỉ thấy an ổn tạm thời, thấy như yên, nhưng rồi sẽ bất an trở lại. Người hiểu rõ như thế, khi nhận nhiều phương tiện vật chất chừng nào thì biết nợ nần nhiều chừng ấy. Những giao tế loại này nếu không sớm cắt đứt thì ngồi không yên đâu. Khi nào ta khẳng định được công phu tu hành của mình, mới thấy rõ điều đó. Ở đây tôi nói những điều kiện không thể thiếu của người tu.

Điều kiện thứ nhất là những hàng rào che chắn cho chúng ta. Trước nhất là có hàng rào giới luật. Đối trước các vị Giới sư, chúng ta đã phát nguyện lãnh thọ và hành trì giới pháp. Trong đạo Phật giới luật là gốc. Nhờ giới luật ta khép mình trong đạo tràng, luôn luôn được sự bảo bọc của thầy bạn. Trên nữa có Long Thiên Hộ Pháp, các vị thần Hộ Giáo, Hộ Giới… Kế đến là sự hộ trì Tam bảo khiến thân tâm chúng ta thanh tịnh. Từ giữ giới mà tâm được an định. tâm có định trí tuệ mới phát sinh. Có trí tuệ mới diệt trừ được vô minh phiền não. Do vậy đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh, bản thân ta cũng thế.

Chúng ta phát chí tu hành dũng mãnh, dần dần tất cả những ồn ào chung quanh sẽ yên thôi. Điều này quý vị có tin không? Tôi thì rất tin. Có những người định gặp ta “làm dữ” lên. Nhưng khi thấy gương mặt mình an nhiên, tự nhiên họ xụi lơ. Muốn làm dữ cũng không biết làm sao làm dữ. Muốn chửi cũng không chửi được. Rồi mọi việc bình ổn thôi. Đó là gì? Là lực tu hành. Chúng ta có tu, nhất định có sự ủng hộ che chắn của những người đồng cảm. Do đó mình được bảo vệ để phát huy nội lực tu hành. Yên thì chúng ta tu tiến.

Có người trong hoàn cảnh nghịch lại tu được, trong điều kiện thuận lợi lại lười biếng, không tu được. Nhưng nói chung chung, chúng ta gặp điều kiện thuận, tương đối dễ tiến tu hơn. Chứ nếu bước ra bị chửi, về am thất thì không có gạo nấu, muốn mua cái gì không còn một đồng, bà con giòng họ không ai ngó ngàng tới… như vậy cũng thiếu duyên để sách tiến đó. Nếu gặp hoàn cảnh như thế, ta cứ ngồi đó nghĩ “Tại sao kỳ vậy? Hồi trước mình gây nhân gì mà bây giờ lại như thế?” Từ đó không vui, làm sao tu tiến được. Cho nên nếu được điều kiện tương đối thuận lợi, tức thuận lợi vừa phải, chúng ta tu dễ hơn.

Trong điều kiện như thế, ta cố gắng tu dù tệ mấy, vài năm mình cũng khá hơn trước. Nhờ có công phu, con mắt trí tuệ sáng lên, không còn cố chấp dai dẳng như xưa. Mau tỉnh mau buông xả, chứ không đến nổi mê mờ, gặp cái gì cũng chạy theo hết. Có công phu một thời gian, dĩ nhiên tâm linh phát triển tốt hơn. Luôn luôn trong giai đoạn đầu, chúng ta cần được sự hỗ trợ tương đối của thiện hữu tri thức cho việc tu thuận lợi một chút. Tuy nhiên, qua giai đoạn thứ hai chúng ta không thể ngồi yên như vậy. Đến giai đoạn thứ hai phải tiến mạnh hơn, quyết liệt hơn, phải khẳng định việc làm của mình. Vì thế với người tu, luôn có các vị chịu trách nhiệm hướng dẫn nhắc nhở chúng ta phát tâm mãnh liệt.

Trong kinh Pháp Hoa nói rằng: Đức Phật Thích Ca giáo hóa vô lượng đệ tử. Trong đó hàng Thánh chúng chứng quả A La Hán không tin mình có Tri Kiến Phật nên phải thối tịch. Thối tịch tức là đang nghe pháp mà đứng dậy kéo đi. Đức Phật thấy thế nói: - “Trong pháp hội này đã không còn những hạt lép, chỉ thuần hạt chắc”. Vì thế bản kinh có phẩm Hóa Thành là Phật phương tiện để động viên, giáo hóa những hạng căn cơ thấp. Hóa Thành là gì? Là một cái thành do Phật hóa ra, cho lữ khách dừng chân nghỉ mệt một lát, sau đó phải tiếp tục lên đường mới tới Bảo sở. Bảo Sở chính là mục đích khách bộ hành phải đến. Cũng thế, vì để hóa độ cho những người căn cơ thấp kém, Phật phương tiện dùng pháp Tiểu thừa dạy họ. Nhưng nếu dừng lại ở đó thì không đúng, phải tiến tới chỗ rốt ráo giải thoát. Muốn thế phải tiến lên Đại thừa, Nhất Phật thừa. Đó là lý do Phật không hài lòng những vị chỉ dừng lại ở quả vị Thanh văn, không chịu tiến tới công hạnh của hàng Đại thừa Bồ-tát.

Các vị có trách nhiệm hướng dẫn chúng ta tu hành, các ngài luôn có những phương tiện như thế. Nhờ vậy các Ngài mới hướng dẫn ta đến nơi đến chốn được. Các bậc tôn sư đã có những phương tiện thiện xảo như thế, người học đạo cũng phải phát tâm mãnh liệt mới tương hợp. Nếu không, chúng ta cứ ngồi ì một chỗ cho khỏe thì biết tới bao giờ mới thành Phật? Trong công phu tu hành, chúng ta phải mãnh tỉnh, phát chí tiến đạo không bao giờ thối chuyển hay dậm chân tại chỗ. Ví dụ như khi ngồi thiền nghe yên yên, hai con mắt muốn nhắm lại, đầu hơi cúi xuống, lưng cong lại. bấy giờ nếu ta không phấn phát mãnh tỉnh lên thì chắc chắn sẽ gục thôi. Gục được cái thứ nhất rồi là bắt trớn gục luôn, tới chừng nào sải dài trên giường nó mới chịu êm nghe. Nhà thiền gọi căn bệnh hôn trầm này là đi trong hang quỷ, tối om không thấy đường đâu mà lội ra.

Ngay đó nếu chúng ta phát chí mở con mắt ra, thở mạnh lên. Có khi vừa hít thở ta vừa tưởng hơi ấm bên ngoài đưa sâu vào trong người, giúp mọi cơ quan tươi tỉnh lại. Sau đó ta thở ra sạch, tưởng như tống hết căn bệnh buồn ngủ, lười biếng, trì trệ, tăm tối từ bao đời kiếp ra hết. Phát chí mạnh dạn như vậy, hưng phấn lên thì sẽ vượt qua được ma hôn trầm. Nội chứng bệnh buồn ngủ này, trị cũng khó lắm, chớ không phải dễ đâu. Nếu chúng ta không có cách trị nó sẽ dẫn mình ngủ luôn hết ngày này qua tháng kia, chớ chẳng chơi. Quí vị nghiệm lại từ hồi mình ngủ trên tay mẹ cho tới bây giờ là bao nhiêu giấc không? Nhiều lắm, không biết bao nhiêu mà để. Ngủ nhiều như thế nhưng vẫn chưa thấy đủ, chưa thỏa thích nên đã lên bồ đòa rồi lại muốn ngủ nữa! Cho nên để trị căn bệnh sâu nặng này, người xưa khi hạ thủ công phu đã tự khắc tự hứa nhất định không để cho ma ngủ dẫn vào hang quỷ nữa. các Ngài dùng dùi đâm hay nhang châm hoặc ngồi trên bờ vực thẳm, trên chẳng ba cây… với mục đích cảnh tỉnh cao độ, không cho ma ngủ lén phén tới gần. Phải dứt khoát mãnh liệt như thế mới lấy lại thế làm chủ của mình, dần dần trị được ma hôn trầm.

Điều kiện thứ hai là sự hỗ trợ của huynh đệ, của đạo tràng. Hỗ trợ như thế nào? Ví dụ một dãy am thất thế này, ai nấy đều mở cửa, mở đèn lên tụng kinh, lễ Phật, ngồi thiền; còn mình đóng cửa im, trùm mền ngủ. Quý vị nghĩ coi được không? Thấy vậy huynh đệ phải đến gỏ cửa, nhắc nhở động viên mình cố gắng siêng năng tinh tấn lên. Nhớ đến những tấm lòng, những ơn nghĩa này nên mình ráng tu. Đó là nhân duyên che chắn ban đầu, sự hỗ trợ của huynh đệ đối với chúng ta trong lúc mình còn yếu. Nhớ tới công ơn này, chúng ta phải biết trân trọng, quí kính huynh đệ, đạo tràng đã tạo điều kiện để mình tu tiến.

Điều kiện thứ ba là Thầy mình. Trong đạo tràng chúng ta đã có Thầy, có phương pháp tu hành cụ thể. Huynh đệ khỏi phải nhìn tới ngó lui nữa. Đường lối tu hành như vậy, thầy tổ dạy dạy như vậy, huynh đệ hỗ trợ như vậy, chúng ta chỉ còn nỗ lực tu thôi. Nếu mỗi vị trong đạo tràng có chút suy nghĩ như vậy thì sẽ thấy mình có đầy đủ thiện duyên cả rồi. Có những trường hợp các vị có rất nhiều thầy, đi qua nhiều đạo tràng, tu tập nhiều phương pháp, nhưng tới lúc nào đó, ngồi lại họ giật mình thấy ra rằng “Hình như tới bây giờ mình vẫn chưa có Thầy!” Bởi vì họ không có một phương pháp chủ, một đường lối dứt khoát để tu. Và vì thế họ không biết nương ở đâu, tu thế nào, công phu chẳng biết ra sao. Đi chùa nhiều năm, rốt cuộc nhìn lại chẳng biết mình đi đâu? Thật đáng thương!

Ở đây chúng ta đã hội đủ những điều kiện đó. Quý vị tu hành có phương pháp, có Thầy, được trực tiếp hướng dẫn chỉ giáo tu tập rõ ràng. Cho nên về mặt tu tập, quả thật chúng ta có hạnh phúc. Chỉ cần mỗi người phát chí mãnh liệt, phát huy cho được cái chân thật của mình thì chúng ta đạt được sự an lạc vĩnh viễn. Việc này tự chúng ta phải kiện toàn lấy, thầy bạn không thể thế được. Có kiện toàn, có phát huy chúng ta mới tiến được, nếu không cứ xìu xìu, dễ duôi qua ngày. Hết sáng thới trưa, hết trưa tới chiều, hết chiều tới tối, tất cả đều trôi suông, trôi nhanh thật vô ích. Hình ảnh thấy rõ nhất trong những ngày cuối năm, mới hôm nào chúng ta nhặt lá mai, sửa soạn cây cảnh… bây giờ là đã mồng Một Tết rồi, tức qua mất một năm! Thời gian tôi qua nhanh tới “Không ngờ!”

Thời gian qua nhanh như vậy, tuổi tác chồng chất, sức khỏe suy thoái, bao nhiêu thứ hợp thành đây cũng thoái hóa chuyển đổi theo thời gian. Ai trong chúng ta cũng chịu dòng xoáy ấy, nhưng mình có để ý đâu? Cứ ngủ nghê, ăn uống, đi lại qua ngày, bao nhiêu duyên sự đó thôi. Tệ hơn nữa là còn những chuyện tạp nham không thuận cho việc tu hành của mình. Vậy nên huynh đệ phải kiểm lại giai đoạn đầu trong công phu của chúng ta có hội đủ điều kiện che chắn thầy bạn chưa? Nếu có đủ là chúng ta được duyên tốt trên con đường tu hành, do đó phải trên trọng các thiện duyên này.

Niềm vui thứ tư tế nhị hơn một chút, là phải nhận rõ Ta là gì? Các vị tu thoại đầu, ngay trước cửa họ để ba chữ "Ngã thị thùy?" tức "Ta là gì?" hay "Ta là ai?". Hễ bước qua cửa là thấy "Ngã thị thùy?" Có khi nào ta đặt câu hỏi đó đối với mình không? Hay cứ chấp nhận mình là thân này, muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ, muốn chơi thì chơi, muốn gì chiều nấy. Chúng ta cứ đi theo chiều chấp nhận, theo sự hướng dẫn của nó. Đây là vấn đề rất bình thường nhưng hết sức tế nhiệm, đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn thấu đáo. Người tu  đối với những gì không cần thiết là phảng cho nó đứt, không thương tình, không dung dị. Như vậy mới tiến được.

Ý thức về con người mình, hoàn cảnh mình, tất cả những sự kiện chung quanh có gì bảo đảm không? Sự tu hành có tăng tiến không? Mỗi ngày mình công phu như thế nào? Những điều này chúng ta phải biết. Nhiều lần tôi nói chuyện với Phật tử, có những người học pháp từ thời Sư ông của tôi, qua tới đời thầy tôi, rồi tới đời tôi, họ cứ đi nghe pháp hoài. Thế nhưng cũng vậy thôi, không tiến chút nào cả, cũng phiền não, cũng bất an nhiều nỗi. Hết cháu ngoại tới cháu nội, hết nhà cửa đến tiền bạc… phiền não rần rần, không lúc nào yên. Tức là xét trong công phu, không có sự chiếu soi chính mình cho nên kết quả tu tập rất yếu. Với người nắm vững, quán chiếu rõ ràng, dứt khoát không bị tình trạng như thế. Phật tử tu là làm sao giữ thế chủ động tăng tiến công phu, chớ không phải tu là đi chùa, tụng kinh, ăn chay nhiều năm. Tu hành như vậy chừng nào mới tiến được?

Tu hành phải dứt khoát việc gia đình mới yên được. Thành ra ở đây đòi hỏi chúng ta phải có tĩnh lực. Quyết định tu rồi thì không nói tới nói lui gì cả. Có một thiền sư Trung Hoa thời Tống, Ngài đi công việc Phật sự gặp người bạn thân. Ông này đang làm ăn phát đạt, định tổ chức buổi tiệc liên hoan mời những bạn hữu cũ đến dự buổi tiệc thành công của mình. Bất thần ông gặp Hòa thượng - bạn thân hồi xưa nên mời Ngài đến dự. Hòa thượng vui vẻ gật đầu. Về tới chùa, Ngài viết mấy chữ gửi cho bạn: "Tôi đã yên nơi cảnh chùa. Xin không xuống núi." Phải dứt khoát như vậy mới được.

Hòa thượng dạy về cách thức tu hành giống như hộc tủ đựng thuốc Bắc. Hộc nào chứa vị thuốc đó, cần lôi ra thì lấy đúng vị thuốc mình muốn. Xong rồi họ đóng lại, không có thứ khác lộn vô trong đó. Việc tu củ chúng ta cũng vậy, đâu ra đó rõ ràng. Việc gì giải quyết rồi thôi, không kiện tụng, lý giải thêm gì nữa. làm thế thì mất thì giờ, tu không được. Đó là điểm chúng ta phải biết phát huy lực dụng hay trí dụng của mình, giữ vững công phu tu hành.

Phật tử nên nhớ chúng ta tu Phật không phải để cầu phước báo nhân thiên, mà mucï đích để được giác ngộ giải thoát. Nếu đời trước ta gieo trồng phước báo, đời này sanh ra thọ hưởng thì tốt. Nhưng nhớ hưởng phước nhiều mà không thức tỉnh sẽ khó tu. Khi hết phước sẽ bị thoái đọa. Phước báo của chúng ta là phước báo của loài người, thuộc nhân luân so với cõi trời kém xa, nhưng đặc biệt ta có duyên với Phật pháp, có điều kiện phát trí tuẹâ Bát-nhã, có khả năng thành Phật. Đây là diễm phúc lớn của mình. Do vậy  chúng ta biết dùng phước báo trong giới hạn của mình, đồng thời phát huy được chủng Phật sẵn có. Đi tuy hơi chậm, bước từng bước nhưng quan trọng là bước vững vàng, đảm bảo đến chỗ an toàn, giác ngộ giải thoát.

Cho nên chúng ta cũng cần phước báo, nhưng trong giới hạn thôi. Đủ cơm ăn, áo mặc, khi bệnh hoạn có thuốc men là được rồi. Đừng đòi thêm nữa. Nếu gia đình ủng hộ thêm, chúng ta phải biết dừng, cái gì cần thì nhận, không cần thì thôi. Người tu trong giai đoạn đang công phu phải có lập trường như thế. Nếu chúng ta cứ theo nhu cầu vật chất bên ngoài, thì không biết tới chừng nào mới đủ. Lòng tham của con người ngộ lắm, hồi sáng đi chợ tính mang theo năm chục đồng, tính ra chợ mua bao nhiêu đó rồi về. Nhưng lỡ đem tới mấy trăm đồng. Ra chợ thấy cái gì cũng muốn mua, mua tới hết tiền cũng chưa muốn về nữa. Đó là tai hại của phương tiện vật chất, chúng ta khó thiểu dục tri túc được.

Cho nên Hòa thượng ở đây không cho Tăng Ni giữ tiền riêng. Bây giờ ra chợ ngó rớt con mắt cũng không có đồng nào để mua. Mà Hòa thượng cũng đâu cho ra chợ đứng ngó chi ngoài đó. Nhờ vậy đỡ rất nhiều việc. Phương tiện không thể không có, nhưng vừa vặn trong điều kiện tu hành của mình là tốt nhất. Nếu có dư cũng vừa phải thôi, vì dư nhiều quá sẽ trở ngại cho việc tu hành của chúng ta. Huynh đệ kiểm điểm lại điểm này, để gầy dựng cho mình một nếp sinh hoạt tương đối ổn định, bảo đảm công phu tốt đẹp.

Tu là tu tâm. Những tâm nhơ nhiễm xấu ác bệnh hoạn, đừng để nó dấy khởi lên. Đó là một cách tu. Giả như nó lỡ dấy khởi rồi, chúng ta đừng cho nó dấy khởi tiếp tục nữa. Nên phát tâm thiện diệu tu tập đúng như lời Phật dạy. Ứng dụng sự tỉnh sáng hằng ngày gắn bó nỗ lực công phu. Sự siêng năng liên tục là việc làm chính yếu của chúng ta. Đây là điều kiện tốt nhất để có được niềm vui trong tu tập. Hiện tại phúc duyên đã có, nếu ta không tỉnh táo học Phật pháp, áp dụng Phật pháp, đó là đánh mất cơ hội, đánh mất phúc duyên lớn lao của mình rồi. Cho nên chúng ta cần nắm lấy những thiện duyên, phát huy công phu ngày càng tăng trưởng hơn lên. Đó là người biết tu, khéo tu.

Khi tâm đã được tịnh hóa, đó là con mắt thiền đã mở, tánh giác đã được nhận. Nghĩa là khi chúng ta đã sống được chính mình, không bị những lăng xăng bên ngoài kéo lôi, tức là sống với tánh giác. Hòa thượng luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải làm sao sống được với tánh giác của mình. Sống được với nó mới an toàn. Không có cái an toàn nào khác hơn. Đức Phật có dạy mê tánh giác là chúng sanh tạo nghiệp, trôi dạt trong luân hồi sanh tử không có ngày ra. Quay lại nhận tánh giác là biết trở về với ông Phật của mình, không còn ngược xuôi trôi lăn nữa.

Nói tịnh hóa là nói quá trình chuyển nghiệp, dừng nghiệp và cuối cùng làm chủ được mình. Từ đó ta sống tỉnh giác, không chạy theo bên ngoài nữa. Chỗ này rất quan trọng. Bởi vì nếu chúng ta còn ngược xuôi, chưa làm chủ được thì sẽ bị rơi rớt trong các đường khổ, mất đi cơ hội nhận lại tánh giác rất nhiều. Thời gian bị rơi rớt đó dài lâu vô kể: Năm trăm đời, năm trăm kiếp. Mà không biết đời kiếp của những chúng sanh ấy ra làm sao? Bao nhiêu trăm năm? Một năm mười hai tháng chịu khổ đọa đày của con người đây đã là mệt mỏi lắm rồi, huống gì là những năm trăm năm! Kiểm nghiệm lại điều này, có lẽ huynh đệ cũng thấy sợ chứ, phải không?

Qua kinh nghiệm chỉ giáo của các Thiền sư, làm sao chúng ta nhận và sống được với tánh giác thì vòng lăng xăng ngược xuôi điên đảo sẽ có cơ dừng lại, ta làm chủ được. Như vậy thì mình an toàn. Song muốn được thế, đâu phải là chuyện dễ. Tuy nhiên, không có nghĩa là chúng ta không làm được. Ai tin nơi chính mình, nơi khả năng thành Phật của mình thì làm được. Xưa có một Sa di đến hỏi đạo ngài Dược Sơn. Ngài Dược Sơn hỏi:

- Ta nghe ở Trường An rất náo loạn. Ngươi có biết chăng?

Sa di thưa:

- Nước con an ổn.

- Ngươi do xem kinh mà được hay do thưa hỏi mà được?

- Chẳng do xem kinh được cũng chẳng do thưa hỏi được.

- Có lắm người chẳng xem kinh, chẳng thưa hỏi, tại sao chẳng được?

- Chẳng nói họ không được. Chỉ vì họ chẳng chịu thừa nhận mà thôi.

Nghe thế, ngài Dược Sơn gật đầu thừa nhận. Thừa nhận cái gì? Thừa nhận Nước con an ổn của ông Sa di kia. Bởi người thừa nhận được tánh giác của mình thì sống an ổn, không còn lăng xăng theo cảnh duyên bên ngoài nữa. Cái đó ai cũng sẵn có, nhưng vì mình không dám thừa nhận thôi. Vì thế người nào dám nhận thì người đó hoàn toàn an ổn.

Người xưa đã khẳng định cho chúng ta thấy mỗi người đều có đầy đủ sự an lạc, thanh bình thịnh trị nơi tánh giác của mình, quyết định được việc của mình. Nhưng bởi chúng ta chưa nhận ra, chưa làm chủ được nên mình cứ bị ngoại cảnh kéo lôi. Do bị kéo lôi thành ra lăng xăng điên đảo. Vị Sa di đi học đạo này nói: "Không phải không có, chỉ vì không dám nhận thôi!” Có khi nói "Mình có tánh giác" mà chúng ta không biết tánh giác là gì?

Ngày nay, từ những chỗ chỉ vẽ của người xưa, chúng ta mới nhận lại tánh giác ấy. Nhận lại từ đâu? Từ các giác quan, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nếu chúng ta không còn lăng xăng nữa thì tánh giác hiển hiện rõ nơi sáu căn. Còn lăng xăng thì nó lặn mất. Chỉ vậy thôi. Câu trả lời trên của vị Sa di đã khẳng định quả quyết với Thiền sư là: Đất nước con bình an, không bị loạn lạc là vì con không còn lăng xăng nữa. Chẳng những con mà mọi người trên đời này, ai cũng có sẵn cái bình an không loạn lạc đó. Chỉ vì họ không dám nhận nên có mà cũng như không. Bởi không dám nhận nên tới bây giờ vẫn còn chìm nổi trong các đường khổ.

Bởi không dám thừa nhận tánh giác ngay nơi mình nên chạy cầu Phật bên ngoài. Càng chạy ra ngoài là càng sa lầy trong mê lầm. Mê là gì? Là quên. Quên thế nào? Quên mình có tánh giác. Bây giờ nhớ lại nhận lại thì hết quên. Hết quên là hết mê. Cho nên ai dám nhận lại, ai không quên nữa, đó là người giác. Trong kinh Lăng Nghiêm Phật nói: Người hợp giác bỏ cái lăng xăng điên đảo bên ngoài, tức là bỏ trần cảnh bên ngoài. Người đó được an lạc. Phật nói: Chúng ta không nhận tánh giác nơi mình lại chạy cầu Phật bên ngoài, đâu biết càng chạy càng bị sa lầy trong mê lầm. Phật bên ngoài chỉ là đối tượng để cảnh giác chúng ta thức tỉnh. Trái lại chúng ta không thức tỉnh mà đi xin xỏ Phật bên ngoài, thế là đã mê lại càng mê.

Cho nên người biết tu cần phải thức tỉnh nhận lại tánh giác của mình. Nên nhớ Pháp thân Phật ngay nơi thân năm uẩn này mà nhận, chớ không ở đâu khác. Nhận được Pháp thân Phật ngay nơi mình, đó là người đạt đạo. Trong nhà thiền nói Phật, nói Pháp thân, nói Tánh giác, nói Tâm là chỉ thẳng cái gốc của mình. Quay về nhận lại cái gốc ấy thì an lạc. Chỉ thế thôi. Một Thiền sư đã nói như thế này: Trên đầu núi năm uẩn là ngôi nhà Phật pháp thân, ngày đêm hằng phóng quang ra sáu cửa. Nếu người khéo ngay nơi đây nhận lấy, tức là pháp thân khắp cả mười phương. Nguyên văn bài kệ thế này:

Ngũ uẩn sơn đầu cổ Phật đường,

Tỳ lô trú dạ phóng hào quang.

Nhược năng ư thử phi đồng dị,

Tức thị Hoa Nghiêm biến thập phương.

Nói thế cũng là một cách nói, chứ trong thân không biết nó nằm ở đâu mà chỉ? Nhưng phải biết ngay nơi thân năm uẩn này, bị vô thường chi phối, không phút giây nào an ổn, lại có pháp thân Phật không hình không tướng, không bị vô thường chi phối. Cho nên mục đích tu tập của chúng ta là phải nhận cho được pháp thân Phật ấy. Nhận được thì Pháp thân Phật thường phóng hào quang chiếu khắp mười phương. Còn mê thì phải chịu thân năm uẩn hành hạ suốt đời suốt kiếp.

Quí vị nghiệm lại từ khi cha mẹ sinh ra cho tới lớn lên đi học… Suốt quãng thời gian đó có bao nhiêu đổi thay? Nếu không có sự đổi thay chi phối thì ta cứ bé thơ hoài, không lớn được. Nhờ vô thường nên mình lớn lên. Rồi sao nữa? Rồi già nua bệnh tật và chết. Quá trình như vậy, ai cũng bị sự chi phối đó trói chặt, không thoát ra được. Chỉ người nào ở ngay sự chi phối mà nhận được cái không bị chi phối mới có thể thoát khỏi vô thường. Bây giờ mình giác, tỉnh quay lại.

Thiền tông nhìn Phật bằng Pháp thân chân thật. Cho nên thấy Phật đã có từ vô lượng kiếp, tuổi thọ của Phật bằng tuổi hư không. Ai biết được tuổi hư không bao nhiêu, hình dáng ra sao không? Chúng ta mang thân này, dù quý trọng nó bao nhiêu, bảo hộ bằng mọi phương tiện nhưng đến lúc rã, nó không chịu hợp lại thì cũng đành bỏ thôi. Các học giả, các nhà trí thức, các bậc có những bằng phát minh tuyẹât vời, có thể cải hóa không chết được không? Không. Ai rồi cũng chết. Cho đến đức Giáo chủ của chúng ta là Phật Thích Ca đến năm tám mươi, Ngài cũng nói đau lưng, cũng thị tịch như thường. Phàm những gì hữu hình thì hữu hoại. Thân của chúng ta đây là hình thức hữu hình của nghiệp báo, có sanh ắt có diệt. Điều đó rõ ràng như vậy. Chúng sanh vì nghiệp báo si mê điên đảo nên luân chuyển trong sanh tử, thọ nhận các thân hữu hình. Bao giờ hết nghiệp, hết phiền não mới hết thân hữu hình hữu hoại. Cho nên chỉ có những bậc giác ngộ mới vĩnh viễn xa lìa các nẻo. Sau đó các Ngài quay trở lại cứu độ, hướng dẫn chúng sanh cùng thoát khổ sanh tử.

Như Bồ-tát Quan Thế Âm, Ngài chỉ rưới một chút nước cam lồ là tắt ngụm hết. Đó là gì? Là tâm thể, là công đức, là sự an lạc của người đã thực sự sống an ổn. Do Ngài sống an ổn, đã dứt trừ tất cả chủng tử phiền não nân mới có năng lực, diệu dụng như vậy. Chứ nếu trong tâm còn bất ổn thì đâu toát ra ra bên ngoài lực dụng như thế. Ví dụ như bây giờ chúng ta tiếp khách, trong lòng vui vẻ không bực bội gì hết thì trà nước nhẹ nhàng, hoan hỷ. Ngược lại bất đắc dĩ phải tiếp khách, trong lòng ta bực bội thì có thể ly nước được để xuống bàn một cái "kịch", muốn bể cái ly luôn! Khi chúng ta nổi sân, cơn sân ấy thường truyền qua những vật dụng chung quanh. Nhất là nam giới, giận lên một cái là ly tách tanh bành hết. Bởi vì cơn tức tối bên trong không hóa giải được, nên nó trút ra ngoài bằng những cơn giận ấy.

Chúng ta không hóa giải được phiền não là do không nhận được trong lâu đài năm uẩn có pháp thân sáng suốt đang phóng hào quang. Giống như ngôi chùa cổ chưa có Tăng trụ trì nên đêm đêm ma quái hiện về quậy phá. Khi có vị Trụ trì đến canh giữ bảo hộ thì ngôi chùa bình an, trang nghiêm, thanh tịnh, đúng với ý nghĩa của một ngôi già lam. Nếu chúng ta nhận rõ như vậy, chuyển hóa nội tâm liên tục, nhất định dần dần sẽ bình ổn. Vì thế Hòa thượng thường dạy: Người biết tu, tu một ngày bằng người không biết tu, tu một năm. Giống như giọt nước cành dương của Bồ-tát Quan Thế Âm rưới lên thì bao nhiêu lò lửa tắt ngủm hết. Trở về với ông Phật của mình, không chạy theo ngoại trần gọi là người Hợp giác bội trần.

Việc tu hành thật ra nhiêu khê lắm, không phải nói là xong đâu. Ngày xưa trong thời đức Phật, có vị Tỳ-kheo ham tu khổ hạnh. Thầy tu tập liên tục như thế nhưng tâm dục lậu không cởi mở được. Trải qua bao nhiêu gắng gổ công phu, chịu nhọc nhằn khó khổ liên tục, không hề lơi lỏng mà dục lậu cấu nhiễm vẫn không giải thoát được. Một hôm thầy tự nghĩ: Mình hiểu biết như thế này, được gặp đức Thế Tôn, học pháp và tu tập theo sự chỉ dạy của Ngài mà không giải quyết được dục lậu. Thật vô ích. Thôi! Thà mình cởi chiếc áo này trả lại cho Phật, ra đời gầy dựng sản nghiệp, có địa vị, có phương tiện… chừng đó tập trung công của làm việc công đức. Như vậy có phải hay hơn không? Chớ tu cầu may kiểu này không xong, bị rớt trong chỗ tăm tối thì khổ còn hơn nữa. Thế là thầy thoái tâm bồ-đề.

Đức Thế Tôn đang đi kinh hành ở hương thất, biết được tâm niệm của thầy, Ngài thị hiện đến. Thầy Tỳ-kheo kia đảnh lễ xong, Thế Tôn nói:

 - Này Tỳ-kheo! Ông tu hành siêng năng, nhưng không giải quyết được vấn đề dục lậu nên thoái tâm. Từ đó ông cho rằng làm một cư sĩ tại gia có nhiều tiền của, có địa vị, sau này ủng hộ Phật pháp sẽ tốt hơn. Do đó ông muốn trả áo lại cho Như Lai phải không?

Thầy Tỳ-kheo thưa:

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Con đã có những suy nghĩ như vậy.

Đức Thế Tôn hỏi:

- Nay ta hỏi ông, ông tùy đáp lời ta.

Thầy Tỳ-kheo vâng lời, chờ đợi đức Phật hỏi.

- Này Tỳ-kheo! Xưa lúc ở ngoài đời, ông thạo nhất nghề gì?

- Bạch đức Thế Tôn! Con thạo về âm nhạc. Con hay chơi đàn.

Phật hỏi:

- Nếu lên dây đàn căng quá, âm thanh có hay không?

- Bạch Thế Tôn! Nếu dây đàn căng quá thì dây sẽ đứt, không đàn được nữa.

Phật hỏi tiếp:

- Nếu dây đàn chùng quá thì sao?

- Bạch Thế Tôn! Nếu dây đàn chùng quá thì đàn sẽ không kêu.

Bấy giờ Phật hỏi:

- Nếu dây đàn không quá căng cũng không quá chùng thì tiếng đàn sẽ như thế nào?

- Bạch Thế Tôn! Nếu dây đàn vừa chừng, hợp lý thì ta có thể dạo một bản nhạc rất hay.

Phật bảo:

- Cũng thế, người tu quá tinh tấn năng nổ sẽ giống như lên dây đàn quá căng, nó sẽ đứt chớ không thể dạo được một bản nhạc như ý mình muốn. Còn người giải đãi, lười biếng, suốt đời tu hành chẳng tới đâu, cũng sẽ không đưa đến kết quả gì. Ngươi có thể thực hành công phu tránh khỏi hai bệnh này. Đó là cách tốt nhất để thành tựu việc tu học.

Thầy Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong liền thay đổi cách tu, chẳng bao lâu thầy chứng quả A-la-hán.

Qua câu chuyện trên, chúng ta rút ra được một bài học kinh nghiệm, siêng năng quá mức, khổ hạnh quá mức sẽ đưa đến bệnh quá năng nổ thành trạo cử, lăng xăng. Ngược lại buông lung phóng túng quá mức cũng sẽ đưa tới kết quả tương tự. Cả hai trường hợp này đều là bệnh, mà đa số chúng ta thường mắc phải. Làm sao chúng ta quân bình, điều hòa là tốt nhất. Tôi dẫn câu chuyện này để kết lại việc tu hành của chúng ta. Nhận ra tánh giác không phải việc dễ dàng, nhưng cũng không phải quá khó khăn. Miễn sao chúng ta tránh, đừng mắc bên này đừng dính bên kia. Chủ yếu trong công phu phải hài hòa, an ổn, giải quyết được tất cả những dục lậu của mình. Cho nên tinh tấn trong nhà Phật là tinh tấn trong tinh thần trung đạo, không nên thái quá hay bất cập. Đừng có tu chết sống trong một hai ngày, rồi sau đó nghỉ cả tuần hay cả tháng. Tu như vậy là tự làm cho mình thoái thất đấy. Huynh đệ chúng ta nên ghi nhớ kỹ cho điểm này.

Cho nên việc tu hành, con đường Bồ-tát đạo của chúng ta không biết dài lâu bao nhiêu? Chừng nào thành Phật ai biết được? tốt nhất ta đừng nghĩ ngợi gì cả, cứ công phu đều đặn mỗi ngày. Miễn sao từng phút giây ta đừng bị kéo lôi bởi ngoại cảnh hay vọng tưởng, sống được với sự an lạc của mình. Chừng nào thành Phật cũng được cả, không khởi tâm mong cầu. Vì còn khởi tâm là còn động niệm, như vậy sẽ không bao giờ thành tựu Phật quả.

Chúng ta phải điều hòa công phu, đừng quá khắt khe, thẳng bẳng. Tuy nhiên cũng không nên xìu xìu, dễ duôi, lười nhác. Chúng ta cố gắng làm sao tư duy lời Phật dạy, tạo cho mình một nếp tu hành khắc tỉnh trong từng hành động, việc làm, nắm được thế chủ được. Từ cái tỉnh, cái làm chủ đó, chúng ta sẽ nhận tánh giác của mình. Nhận được tánh giác rồi thì có cơ sống lại với bản lai diện mục muôn thuở, không còn phiền não, không còn trôi lăn trong sanh tử đau khổ nữa.

Chúng ta là Phật tử, tức con trai con gái của Phật, nên phải nghe lời Phật dạy, học theo những kinh nghiệm của chư Tổ trước, tự thành tựu cho mình con đường Phật đạo bằng chính sự nỗ lực của bản thân. Đây là niềm phấn khởi, là điểm tựa, là kinh nghiệm quí báu của mỗi chúng ta. Làm sao huynh đệ chúng ta được như vị Sa di đến học đạo với tổ Dược Sơn, Đất nước con an ổn. Dù cho bên ngoài có phong ba bão tố gì gì, đất nước con vẫn luôn bình an. Sự bình an đó chính là mùa xuân miên viễn trong mỗi chúng ta.

Chiêm nghiệm như vậy, tâm niệm như vậy, tất cả chúng ta đều là những người đồng chí đồng hạnh, cùng nhau nâng đỡ sách tấn huynh đệ tiến tu. Với một tâm nguyện duy nhất, là “Tu tập phát huy hành đạo cho đến khi nào bằng Phật mới vừa lòng con”.

Nhân ngày đầu xuân, chư huynh đệ tề tựu về đây lễ đức Phật tương lai của chúng ta, chúng tôi có vài niềm vui đầu xuân xin được gởi đến toàn thể quí huynh đệ, gởi đến đạo tràng, với ước vọng tất cả chúng ta nghe, nhận và cùng tập trung ý chí phấn đấu tu tập. Phát nguyện dũng mãnh thực hiện trọn vẹn được niềm vui đại hoan hỷ như đức Phật Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn.

 

hõg

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM