TRỌNG TÂM CỦA NGƯỜI TU

THÍCH NHẬT QUANG

Chúng ta tu Phật đặc biệt là tu thiền, cần phải đặt trọng tâm của mình cho thật chính xác, sâu sắc để từ đó thắng vượt được tất cả những trở ngại, thực hiện công phu tu hành trọn vẹn. Nếu chúng ta chưa nắm vững trọng tâm, chưa có cách thức tu hành cụ thể thì những trở ngại, chướng duyên thường làm chùn bước khiến ta không thể vượt được những khó khăn.

Sở dĩ Phật tử đến với đạo Phật là vì muốn tìm chân lý, bởi trong lòng mỗi người đều tự cảm nhận rằng cuộc đời này có quá nhiều bấp bênh, quá nhiều điều bất như ý, bất hạnh. Do đó quí vị tìm đến đạo như tìm một lối thoát, để được an tâm. Muốn vậy chúng ta phải đặt lại trọng tâm việc tu tập của mình, sự hiểu biết về đạo lý Phật pháp của mỗi cần được kiện toàn như thế nào? Hiện nay Phật tử đa số đã có một kiến thức Phật pháp tương đối, nhưng kiến thức này chưa bảo vệ được công phu tu hành lắm, vì nó còn thuộc về phương tiện, chưa phải chỗ rốt ráo.

Khi công phu chúng ta còn bị trở ngại, chùng chình bởi những việc như ăn uống, ngủ nghỉ, bệnh tật, tiếp xúc, sự nghiệp v.v… Nếu chúng ta chưa đặt trọng tâm, chưa nắm vững pháp tu, chưa có ý thức sâu sắc, thì việc tu hành khó tiến. Bởi trong cuộc sống đây, chúng ta có quá nhiều quan hệ như gia đình, xã hội, bạn bè v.v… Cho nên những trở ngại đôi khi thuộc mặt thuận, êm dịu, dễ thương, chớ không phải lúc nào cũng gay góc, khó chịu, đáng ghét. Bây giờ muốn vượt qua những thứ đó chúng ta phải làm gì? Trước tiên, ta phải nắm vững phương thức tu hành cho hợp đạo lý, thực hiện cuộc sống, làm việc chuẩn xác, như vậy cuộc sống mình sẽ có chiều sâu và vững vàng hơn.

Nhiều Phật tử còn tại gia phát tâm tu rất mãnh liệt, thấy việc tu tập rất êm xuôi. Nhưng khi vừa mới xuất gia liền gặp chướng ngại. Như các vị tịnh nhân cư sĩ từ các nơi về đây, mỗi lần gặp Hòa thượng, họ tha thiết lạy dài. Có vị khóc kể cuộc đời con bị trôi giạt, khổ sở nọ kia v.v.. nên nguyện đến đây gặp thầy, nương thầy học đạo tiến tu. Thưa thỉnh năm lần bảy lượt như vậy, cuối cùng được chấp thuận cho tập sự trong viện với hình thức cư sĩ. Thời gian này có thể gọi là thời gian huấn dục, chịu nhiều khó khăn, tu học lao động nhiều hơn chư tăng chính thức trong nội viện. Song các vị đa số đều vượt những khó khăn này một cách nhẹ nhàng, thoải mái. Có những thời ngồi thiền đau chân ghê lắm mà vẫn chịu được. Giờ giấc làm việc bất thường, làm không kịp thở mà vẫn cứ vui, vẫn cứ làm được. Nhưng mà chừng xuất gia, thành thiền sinh rồi lại có vấn đề, có trở ngại. Đó là một hiện thực.

Giai đoạn đầu, vì thiết tha mong muốn xuất gia, là đệ tử của Hòa thượng làm một vị thiền sinh, chớ không muốn gì khác hơn. Do có trọng tâm nên tập trung chú mục vào đó, nhất định thực hiện cho kỳ được. Nhờ nắm trọng tâm chính xác như vậy nên vượt qua hết mọi thử thách ban đầu một cách dễ dàng. Nhưng sau khi xuất gia rồi, trọng tâm có xê dịch nên không còn giống như trước nữa. Xê dịch thế nào? Bây giờ ngoài việc tu học và lao tác, nghe nói hoài bão của người tu là phải thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh. Phải thông hiểu Phật pháp, phải tu thế nào cho sáng đạo rồi còn trách nhiệm hoằng pháp lợi sinh nữa, ngỗn ngang trăm thứ, thấy lớn lao quá đâm ngán. Do ngán nên tiến không được, mà bây giờ lùi cũng không được. Tại sao lùi không được? Vì hồi mình đi bà con dòng họ khóc lóc, đãi đằng, đưa tiễn đủ chuyện, bây giờ không lẽ cuốn gói trở về, mặt mũi nào nhìn thiên hạ!

Một khi lý tưởng, đỉnh cao của việc mình làm chưa nắm vững, thì những sự việc chung quanh sẽ bào mòn lý tưởng ấy trước khi nó thành tựu. Hồi còn cư sĩ bắt rửa chén, mình không thấy gì hết, nhưng làm thiền sinh rồi bắt rửa chén liên tiếp vài ngày là hư tay hư chân hết. Nó lạ lùng như vậy! Cái gì trong ta không biết, mà nó đổi thay nhanh chóng mình không kiểm soát kịp. Đến khi nó thành hình cụ thể rồi, ta không làm chủ được nữa. Ví dụ hồi trước, không chỉ vị thầy chịu trách nhiệm hướng dẫn tu hành rầy quở mình, mà mấy sư huynh, mấy bạn đồng chí của mình rầy quở là ta đã lo sợ, chuẩn bị tự khắc tự hứa sẽ vượt qua, sẽ không để có trở ngại. Nhưng tới khi chính thức làm thiền tăng rồi, có khi thầy quở đúng mà mình vẫn cứ buồn, không biết sao kỳ vậy? Điều này chứng tỏ ta chưa nắm vững, chưa dám thí xả, chưa bước tới được. Những bước đầu mình bước được nhưng tới đây không bước nổi nữa, bởi vậy nên chùng chình lại đó.

Do đó tôi muốn nói đến sự hiểu biết của chúng ta về Phật pháp, về nếp sinh hoạt đạo lý hàng ngày phải chuẩn đạt, sâu sắc, vững vàng mới vượt qua được những giai đoạn sẽ có dự đổi thay xảy ra đối với mình. Người xưa, khi bắt đầu tu tập, mười người thực hiện công phu có đến năm bảy người thành công. Không như thời đại chúng ta việc tu hành dễ đưa vào tình trạng lơ lững, tiến thoái lưỡng nan. Đó là vì chúng ta không nắm vững trọng tâm của việc tu hành vậy. Do thế những tập khí cũ còn tồn đọng bên trong, chưa phẩu thuật được.

Đối với người tu, những gì không cần thiết là vứt bỏ ngay. Phật tổ đã ban cho chúng ta cây kiếm trí tuệ với mụ đích gì quí vị biết rồi, đó là một loại vũ khí sắc bén để chặt đứt những dây mơ rễ má của nghiệp tập phiền não. Sử dụng cây kiếm trí tuệ thì phải biết công dụng của nó hễ chặt là phải đứt ngay, không được lây nhây. Một người phát tâm xuất gia là điều rất quí giá, nên quí vị cố gắng giữ tâm ban đầu không cho thoái chuyển. Phải giữ nó bằng thanh gươm trí tuệ luôn cầm sẵn trong tay, không để những tâm niệm giải đãi phóng túng làm lay động ý chí cầu đạo giác ngộ giải thoát.

Cho nên đối với người tu chúng ta, Phật dạy thấy các pháp như huyễn, sẽ không bị những trở ngại về đời sống của. Ngược lại, nếu không thấy như thế, chúng ta sẽ bị trở ngại bởi những tác động chung quanh. Ở đây có hai giai đoạn chúng ta phải thực hiện. Giai đoạn thứ nhất, phải bình thản an nhiên, tự tại buông xả tất cả các pháp bên ngoài. Chỗ này Hòa thượng dạy biết tất cả đều là vọng không thật, huyễn hóa v.v… Đây là chìa khóa mở cửa công phu. Làm sao đối với những cảnh duyên thuận nghịch, những hay dở tốt xấu, mình người, chúng ta làm chủ được. Nói làm chủ ở đây tức là ta phải có trí tuệ, bình tỉnh, sáng suốt đặt định cho mình trước mọi tình huống. Cần thì làm, không cần thì thôi, như vậy ta mới yên tâm tu tiến được.

Thứ hai, Phật tổ dạy người tu muốn áp dụng Phật pháp đến nơi đến chốn, phải giải quyết cho tận gốc bản ngã của mình. Đây chính là nguyên nhân gây mọi trở ngại trên bước tiến đạo của chúng ta. Bản ngã là cái mà mình bảo vệ muôn đời, không ai đụng đến được, cho nên trọng tâm tu hành của chúng ta là phải phá cho tan tành cái bản ngã này. Triệt tiêu được nó rất khó, vì bản ngã đã ăn sâu gốc rễ trong ta từ vô lượng đời kiếp rồi. Giai đoạn đầu đối trị với những lăng xăng lộn xộn ngoại cảnh tuy khó mà dễ. Nhưng tới giai đoạn phá dẹp cố thủ, ái ngã đòi hỏi công phu phải vững vàng triệt tiêu được nó.

Như sáng mai nghe người nào đó nói xa nói gần về xóm làng mình, ta thấy bỏ qua được vì mình tu hành rồi chấp nhất làm gì. Nhưng nếu họ không dừng lại ở đó, mà còn tiếp tục nói xấu đến dòng họ mình, như bố mẹ hoặc ông cố ông nội mình, lúc đầu ta cũng ráng bình thường. Nhưng họ nói đi nói lại một lần nữa về bố mình, thì thấy khó giữ rồi đây. Nó đụng tới cái lư hương của mình thì dễ đổ vỡ lắm, thế là bắt đầu sân lên và cơn giận từ từ lan tỏa ra lời nói, hành động. Dĩ nhiên tiếp theo sau là những lời nói qua nói lại to dần, rồi dẫn đến ấu đã nhau.

Phật dạy nội tài ngoại tài đều buông hết mới gọi là khắc phục được tham dục để tu tiến. Các bậc tu hành trước chúng ta, bố thí tài sản, vợ con cho tới bản thân mình nữa, mà trong lòng không dấy một niệm nào hết mới thành tựu được đạo nghiệp. Bây giờ chúng ta phải chuẩn bị cho mình ngay niệm ban đầu mãi tới về sau. Luôn trong tư thế sẵn sàng, để khi có gì xảy ra bất trắc ta vẫn kiểm soát được tâm mình. Chuẩn bị thế nào? Ví dụ ta nghe người khác nói về mình điều gì không đúng, ta vẫn bình thản, vì biết nó không thật. Đã không thật tại sao mình lại khởi niệm buồn giận?

Chúng ta học Phật, quí kính Phật, nhưng quả thực chưa tin lời Phật. Bởi vì Phật nói các pháp không thật mà mình còn thấy thật, Phật bảo vọng tưởng phiền não phải bỏ đi mà mình chưa chịu bỏ, cho nên cứ chùng chình trở ngại, không tiến được. Chỉ cần phát huy một chút, tỉnh một chút, dừng lại một chút là được an lạc mà ta không chịu làm, để mắc mứu đầu nọ đầu kia đủ thứ chuyện. Rồi sau đó đốt nhang lạy Phật tha thiết khóc lóc cho con được an lạc. Thành ra chúng ta đi một vòng rốt lại đâu nó cũng ỳ ra đó, chẳng tới đâu hết.

Tóm lại, muốn vượt qua những khó khăn giản dị như thế, chỉ hội đủ hai phần quan trọng: Thứ nhất đối với tất cả cảnh duyên chung quanh phải bình thản, thấy nó không thật, không bị động bởi chúng. Thứ hai buông hết nội tài. Những gì ruột rà nhất, thân thương nhất, dễ chịu nhất, thích thú nhất cũng phải buông đi, mới có thể khắc phục trở ngại để đi đến thành công. Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên ở Trung Hoa đã nói một câu hết sức nổi tiếng: “Chỉ khi nào ta vào nhà tắm, mới thấy được con người thực của mình”. Thường chúng ta sơn vẽ bên ngoài đủ thứ màu mè, nên không thể hiện bày chân tướng thực của mình. Chỉ khi áo cởi bỏ những thứ che đậy ấy đi, ta mới thấy rõ con người thực của mình.

Nếu chúng ta thấy được như vậy, nói được như vậy thì những nghiệp nhân luân hồi khổ đau dừng được, không có gì khó khăn. Ngược lại những thứ đó còn tác động thì cả đời mình gầy dựng, đấu tranh, nhưng cuối cùng khi nín thở nhắm mắt buông xuôi hai tay, tới cái nút áo cũng bị lấy lại, có đem theo được gì đâu. Điều hòa thân này để có một chút bình an đã khó rồi, nói gì con đường Phật đạo, đâu phải dễ. Tuy nhiên nếu chúng ta nắm được yếu thuật và có quyết tâm thì sẽ thành tựu sở nguyện.

Phật tử sống giữa đô thị với bao nhiêu thụ hưởng vật chất mà các vị dừng được, bỏ được, làm chủ được, các vị cũng là bậc hiền trong cuộc đời này rồi. Nội ăn uống ngủ nghỉ mà chúng ta làm chủ được cũng đã hay lắm rồi. Thế nên Phật dạy hàng tu sĩ xuất gia phải bớt ăn bớt ngủ, không cầu mong thụ hưởng vật chất sung mãn để dễ tu. Tới giờ ăn mới ăn, ăn xong thì thôi, dù đói bụng bất tử cũng không vô bếp lục lạo gì cả. Ai vi phạm là bị kỷ luật. Một tu sĩ không thể ăn lạp xạp cả ngày, ăn như vậy làm sao tọa thiền tụng kinh được? Kế đến là bớt ngủ, tới giờ ngủ mới được ngủ. Bù buồn ngủ lắm nhưng chưa tới giờ cũng chưa được ngủ. Bởi vì Phật dạy ngủ nhiều là nhân của si mê trì trệ, không tỉnh sáng thì làm sao ngộ đạo, tu đạo được?

Đây là những vấn đề bình thường trong cuộc sống, nếu Phật tử làm chủ được, điều hòa được, đừng để bị kéo lôi theo sức hấp dẫn của ngoại cảnh thì quí vị là những bậc hiền trong đời. Tìm người như thế cũng hiếm lắm rồi, chớ không phải đợi có hào quang hoặc đi trên mây trên nước gì. Ngay trong cuộc đời này, nhịn ăn nhịn mặc mà lòng vẫn thấy bình thản, đầy đủ là tu giỏi đó. Chữ nhẫn là nhẫn chịu tất cả đói no nóng lạnh, khó khổ của cuộc đời mà tâm vẫn bình thản an nhiên. Thế gian thường ca tụng người mẹ là vì sao? Vì hình ảnh người mẹ dịu dàng, chịu đựng được tất cả những bất thường, bất như ý trong cuộc đời. Ví dụ trong nhà có con nhỏ, nó làm dơ làm xấu, người cha thấy gớm, chịu không được bỏ đi chỗ khác, không rầy la là tốt rồi. Còn mẹ thì phải lau rửa, ẳm bồng, nuôi nấng mà vẫn vui làm. Gánh chịu những việc hết sức bình thường lại trở thành đức nhẫn phi thường của người mẹ. Bởi vậy công đức của người mẹ được ca tụng nhiều là điều rất hợp lý.

Nếu Phật tử đã vượt qua được những khó khăn rồi, còn có thể đem chánh pháp chỉ dạy cho người được giác ngộ, là quí vị mang tâm nguyện rộng lớn của những vị Bồ-tát, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn. Tức quí vị đã làm chủ được rồi, bình thản trước những hiện tượng lăng xăng trong cuộc sống. Bây giờ đem những kinh nghiệm, những phương pháp ấy chỉ dạy lại cho người khác để họ đừng bị mắc mứu, khổ đau nữa. đây là quí vị thực hiện một đại nguyện. Mỗi khi được yên, tu thấy an lạc, vui vẻ và thích thú học Phật pháp, tự nhiên chúng ta lại khởi niệm làm sao nói cho bạn mình nghe, hướng dẫn bạn cùng tu học để được như mình. Đây chính là chất liệu từ bi, lạc quan yêu đời trong đạo Phật. Không bao giờ ta vui hưởng niềm hạnh phúc này một mình, lúc nào cũng muốn động viên khuyến khích bạn bè hoặc người thân cùng tu, cùng được an lạc.

Trong những điều hòa kính Phật đã dạy, có điều “ý hòa đồng duyệt”. Tức chúng ta có những niềm vui gì, hiểu biết gì, hoặc kinh nghiệm gì về sự tu tập, ta nên chia xẻ bàn bạc với huynh đệ, trao đổi cùng nhau. Để làm gì? Để loại những phần sai và tiếp thu những phần đúng, ngõ hầu nâng đỡ tập thể cùng vui tiến tu. Tinh thần này rất hay. Bởi nếu chúng ta tu một mình rất khó phát hiện những sai lầm của mình. Nhờ huynh đệ đông, trí tuệ sáng suốt sẽ chỉ cho ta những khuyết điểm, đồng thời khuyến khích động viên hỗ trợ cùng nhau tiến tu, cho được những kết quả lợi lạc, thiết thực, chân chánh.

Phần đầu tôi đã nói về sự tự vượt qua những khó khăn. Bây giờ đến phần chúng ta tự làm chủ mình, tự chiến thắng và tự thành tựu cho mình. Việc tu tập phải trải qua từng giai đoạn như vậy. Những khó khăn chúng ta đã vượt qua rồi, bây giờ phải làm chủ liên tục, chứ không phải vượt qua khó khăn rồi thôi. Quí vị nhớ vọng tưởng đến không có báo trước cho chúng ta, nếu mình sơ hở là chúng tấn công nhiễu loạn ngay. Thế nên ta phải tu tập liên tục mới hy vọng làm chủ được. Những gì cần loại bỏ ta phải có thái độ dứt khoát, mạnh dạn loại bỏ thì công phu mới tiến. Đừng bao giờ nói một đàng làm một ngã, người con Phật nói điều gì làm điều đó và phải làm cho được.

Phật Tổ dạy tất cả các pháp không thật, chúng ta làm sao thực nghiệm điều đó. Thực nghiệm để làm gì? Để đừng bị các pháp kéo lôi, chúng không có lực hấp dẫn mình, như vậy mới tự chủ tự tại được. Cho nên nói tự chủ là nói ta không bị lay chuyển bởi các pháp bên ngoài. Còn bị động một vấn đề gì dù lớn dù nhỏ, như ăn uống ngủ nghỉ là mình chưa tự chủ. Làm chủ được ta mới tự khẳng định cuộc đời của mình. Hiểu như vậy, công phu hằng ngày nhất định phải tiến thôi. Mỗi khi nói điều gì, làm việc gì, ta nghiệm lại thấy mình đã gây nhân xấu hay nhân tốt thì tự quyết định việc ấy nên làm hay không nên làm. Đó là chúng ta đã giành được thế chủ động rồi. Tóm lại, chúng ta tu phải làm sao nuôi dưỡng phát huy ông chủ của mình, mới được an lạc, vượt qua những khó khăn và không bị kéo lôi bởi bất cứ thứ gì bên ngoài.

Người tu thiền có một sức sống rất mãnh liệt. Sức sống đó không dính bên này, không mắc bên kia, tự tại trót lọt. Từ đó mới có những con người siêu xuất, những vị thiền sư đi vào đời mà không hề vướng mắc mùi đời. Như mười bức tranh chăn trâu trong nhà thiền, từ bức thứ nhất là tìm trâu cho tới bức tranh thứ tám là vòng tròn; đó là trải qua một quá trình tu tập từ lúc tâm chúng ta còn thô động đến trâu và thằng chăn đều mất hết. Đến đây là mình đã hoàn toàn làm chủ, nhưng vẫn chưa phải rồi. Làm sao ta có thể vào đời mà không bị ô nhiễm mới viên mãn. Đi ngang quán nhạc mà tâm bình thản tự tại, vào chợ mà không vác bất cứ thứ gì cả mới được. Cho nên phải tiến lên bức tranh thứ chín là lá rụng về cội, chim bay về tổ. Đây là giai đoạn nhập Phật đạo. Để từ đó tiến sang giai đoạn rốt ráo hơn nữa là bức tranh số mười thỏng tay vào chợ, tức nhập ma giới để cứu độ quần sanh. Đó là quá trình thể nghiệm của người tu Phật hay tu thiền.

Người tu sau khi đã ổn định pháp tu, kế nữa giữ vững công phu làm chủ mình. Mọi hoàn cảnh khó khổ bức xúc cũng đều chiến thắng được. Đi qua một một đoạn đường dài nếu tâm chúng ta lúc vầy lúc khác thì tu không tiến được. Ở đây đòi hỏi tính tự quyết, chấp nhận tất cả. Trong kinh Phật có dạy, người sáng suốt biết mình có duyên nghiệp nên mới có mặt ở đây, nên cương quyết trả nợ cho xong. Người cương quyết trả nợ khác với người khất nợ, tìm cách quịt nợ. Người khất nợ, tìm cách quịt nợ thì sợ sệt, bất an. Sợ tu không nổi, sợ nghiệp chướng sâu dày, sợ đổ nghiệp nên không dám tu. Người con Phật biết rõ đời này mình ngu tối là vì đời trước gieo nhân si mê nên trí tuệ thiếu kém, bây giờ phấn đấu để đừng ngu nữa. Đời này gặp nhiều khó khăn là mình biết đời trước mình gây tạo khó khăn cho người, bây giờ phấn đấu đừng gây nhân đó nữa. Tự mình quyết định, ngay đây cam chịu chấp nhận. Hòa thượng Viện trưởng thường dạy người tu phải có tâm kiên cố, tâm trường viễn, phải gan dạ mới thành tựu việc lớn.

Ví dụ quí vị gặp hoàn cảnh khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc, là biết phương thức làm ăn, vốn luyến của mình thiếu, hoặc phúc duyên kém. Bây giờ phát tâm bố thí của cải tài vật bên ngoài và xả bỏ tâm tham lam keo xẻn bên trong. Đó là trừ bỏ nhân xấu, bồi dưỡng nhân tốt. Bản thân mình muốn an lạc mà không gây tạo nhân tốt, lại gây nhân xấu thì làm sao an lạc được. Như thế chúng ta phạm phải hai lỗi: Lỗi thứ nhất tự mình đánh mất nhân tố để được an lạc. Lỗi thứ hai làm mất đi sự an lạc cho người khác. Thành ra chúng ta phải tự quyết trong công phu tu hành, không ai tu thế cho ai được. Thiện hữu tri thức nhắc nhở mình cũng chỉ trong một giới hạn nào thôi. Bản thân từng vị phải nỗ lực vươn lên trước những khó khăn, bức xúc, không để bị cản trở chùng chình bước tu học bởi bất cứ nguyên nhân nào.

Qua giai đoạn tự quyết tự chủ rồi, tới giai đoạn kế tiếp là sự gắng gỗ để chiến thắng. Chữ “gắng” là phấn đấu vươn lên. Điều này trong kinh Pháp Hoa, đức Thế Tôn đã kể lại câu chuyện giữa ngài và Bồ-tát Di Lặc cùng phát tâm tu một lúc, cùng thờ một thầy, cùng học một pháp, nhưng đức Thích-ca thành Phật trước, còn Bồ-tát Di Lặc thành Phật sau. Bởi vì Bồ-tát Di Lặc thường giao du với người thế gian, những kẻ cao sang quyền quý, ít chuyên tâm tu hành như đức Phật Thích-ca. Vì vậy công phu tu tập không năng nổ nên tuy phát tâm cùng một lúc mà thành Phật sau đức Thế Tôn. Tới bây giờ ngài cũng còn là vị Bồ-tát đang tu ở cung trời Đâu Suất.

Cho nên biết nếu chúng ta năng nổ, tích cực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thì có thể đoán định được kết quả tu học của mình. Còn như phần này còn lờ mờ, chưa quyết, chưa khẳng định, thì còn dài lắm không biết tới bao giờ. Nói về Phật thể ai cũng có hết. Nhưng đức Phật đã trải qua kiếp số vô lượng làm tất cả việc, thực hiện hạnh Bồ-tát viên mãn mới thành Phật đạo. Thời đại chúng ta, Phật Thích Ca là vị giáo chủ, còn đức Di Lặc ở nội viện Đâu Suất, đang giảng pháp và giáo hóa cho hàng Bồ-tát ở đó, đợi cơ duyên đến Ngài sẽ thị hiện thành vị Phật kế tiếp làm Giáo chủ cõi Ta-bà.

Thành ra thành Phật đầy đủ phúc trí trang nghiêm, chỉ có một vị duy nhất. Nhưng Phật chất hay khả năng Phật thì tất cả chúng ta đều có đủ. Tùy tùy sức phấn đấu của mỗi người, nếu tích cực liên tục, nắm vững đường lối chủ trương và tin ở khả năng giác ngộ của mình thì sẽ thành công sớm. Còn ai lề mề, vừa tu vừa bác phố thì không hẹn ngày thành tựu.

Trong sử kể lại, sau khi Thế Tôn trải dài thời gian tu tập, cho tới ngày phóng quang thành đạo dưới cội Bồ-đề, Ngài đứng lên nhìn khắp chúng sanh bằng con mắt trí tuệ, thấy tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật, đều có trí tuệ đức tướng Như Lai, nhưng vì ngu mê nên bị trôi giạt trong luân hồi sanh tử, không có lối thoát. chúng ta vì lầm mê nên đi lạc đường, chớ gốc là Phật không có gì khác. Trong nhà thiền nói Phật thể là chỉ cho cái gốc đó. Phật tử đừng bao giờ lầm lẫn, nghe nói mình là Phật liền vỗ ngực xưng ta là Phật. Không phải, chúng ta chỉ có Phật nhân nhưng chưa thành tựu được Phật quả. Nhiều đời ta đi lạc, quên lối nên bị ma ốp làm cho mê mờ, bây giờ phải lột ra, rửa sạch cho nó sáng lên.

Trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy, tánh giác sáng suốt như ngọn đèn sáng ở trong nhà phát ra ánh sáng bên ngoài. Từ hào quang bên ngoài ta quay về nhận lại tánh giác của mình thì thành Phật tức thì. Ngược lại từ ánh sáng bên ngoài mình lao ra, chạy theo các trần cảnh thì bị rơi rớt trong luân hồi sinh tử, ngược xuôi trong các đường khổ không biết bao giờ mới thoát khỏi. Cho nên ở đây chúng ta cần phải gắng gổ để thức tỉnh, để tự làm chủ. Có câu thế này “Dốc lực tự thắng để chóng thành đạo quả. Dốc lực thực hiện tất cả những việc công đức để đem lại lợi lạc cho chúng sanh”. Có hai phần, một phần là tự mình phấn đấu dốc lực để xong việc của mình. Một phần nữa là không ích kỷ, sau khi được lợi lạc rồi ta đem những lợi lạc đó truyền đạt cho tất cả chúng sanh, khiến mọi người đều được lợi lạc như mình. Thì đó là giai đoạn tự thắng.

Giai đoạn tiếp theo là sự thành tựu. Sự thành tựu của người tu thiền là gì? Là mình làm chủ được tất cả những lăng xăng. Chúng ta điều phục vọng tưởng đưa nó vào chỗ yên lắng, đó là thành tựu hàng phục tâm. Ví dụ như hồi trước đối với chuyện làm ăn, chuyện con cháu, chuyện liên hệ xã hội, làm cho ta chạy bên đây, dính bên kia, đó là vì mình chưa biết tu, nên bị vọng tưởng điên đảo kéo lôi, mất quyền chủ động. Bây giờ biết tu rồi, ta cũng đối diện với tất cả những thứ đó nhưng mình cắt đặt được, làm chủ nó. Cần thì để ý tới, không cần thì thôi. Tu tập được như vậy thì an lạc. An lạc chính là sự yên lắng tất cả mọi vọng tưởng, không bị chúng kéo lôi nữa. Phật tử đừng nghĩ an lạc là ngồi tòa sen, đi có mây đỡ dưới chân… Bây giờ chỉ lấy chuẩn là làm sao mình làm chủ, chiến thắng được sự hấp dẫn của ngoại cảnh, nói gọn là yên lắng được tất cả vọng tưởng.

Trong công phu hằng ngày chúng ta đang tu tập là nhằm thực hiện được điều đó. Bất cứ một dấy niệm nào, một hình ảnh nào mình cũng bình thản. Hằng ngày sắp đặt, giờ nào làm việc ấy, cứ như thế mà làm. Niệm gì dấy khởi lên ngoài sự sắp đặt đó liền dùng kiếm trí tuệ chặt phăng nó đi. Ví dụ mình tính đi chợ Phước Thái, nhưng ra ngoài nghe người ta nói chợ Long Thành bán đồ rẻ hơn, mình liền đi Long Thành là trật rồi. Người tu thiền phải dứt khoát, nếu buổi sáng giỏi tính, định lên Long Thành thì đi Long Thành ngay từ đầu. Còn bây giờ đã ấn định đi chợ Phước Thái là đi chợ Phước Thái, ai rủ rê gì cũng dứt khoát không thay đổi. Như vậy mới làm chủ được chương trình, thời khóa biểu của mình. Điều này nói nghe dễ, nhưng thiếu tự chủ, thiếu cương quyết sẽ khó thực hiện, chớ không phải dễ đâu.

Người không có lập trường làm gì cũng khó thành công. Lấy lại ví dụ trên, như mình nghe lời người ngoải không đi chợ Phước Thái mà lên Long Thành. Tới Long Thành không có món hàng đó, bấy giờ có người giới thiệu mình đi chợ Cầu Ông Lãnh. Thế là ta đón xe đò đi tuốt Sàigòn. Lên tới chợ Cầu Ông Lãnh, người bán bảo hàng này ở đây hết rồi, phải đợi tháng sau mới có. Lúc ấy chết dở. Cứ thế ta long bong ngoài đường không về nhà được. Cuộc đời này, nếu sống thêm một trăm một ngàn tuổi nữa, chúng ta giải quyết cũng không rồi đâu nếu cứ dong ruổi mãi. Cho nên ta phải tập trung tu, làm chủ cho được. Trăm năm trước trăm năm sau, bao kẻ lang thang trầm luân sanh tử cũng vì thế.

Chúng ta thấy đó, Bồ-tát Địa Tạng phát nguyện độ hết tất cả chúng sanh trong địa ngục rồi mới thành Phật. Nhưng tới bây giờ Ngài vẫn là Bồ-tát, chưa nghe thành Phật thì biết chúng sanh dưới kia còn nhiều lắm, cho nên Ngài đang bận ở dưới. Trong đó chắc Bồ-tát cũng đợi chúng ta, vì ít nhiều gì mình cũng có hồ sơ ở dưới, vì cứ loay hoay lẩn quẩn không chịu tu thì sẽ bị kéo vô đó thôi. Thế nào chúng ta cũng phải nhờ tích trượng, minh châu, trí tuệ và lòng từ bi của Ngài thôi. Nói thế không phải để chúng ta lo sợ mà để cố gắng nỗ lực tu tập. Nếu bây giờ không nỗ lực, sơ sẩy bị thế lực phiền não kéo lôi rơi vào nẻo khổ, chừng đó hối hận không kịp.

Khi tâm tự yên lắng, mọi lăng xăng không còn, ta hoàn toàn làm chủ. Như vậy là đã vượt được tất cả những khó khăn, không bị hấp dẫn theo bất cứ một pháp trần nào. Đó là người thành công đối với pháp tu, công phu tu hành đã thành công. Tôi nhắc lại chuyện chăn trâu trong nhà thiền. Một hôm Mã Tổ hỏi thiền sư Thạch Củng: “Ông làm gì ở đây?” Ngài Thạch Củng trả lời: “Con chăn trâu”. Mã Tổ hỏi tiếp: “Chăn như thế nào?” Ngài đáp: “Mỗi khi nó chạy vào ruộng lúa thì lôi mũi kéo lại”. Mã Tổ bảo: “Thế là ông chăn giỏi”. Đây là một pháp tu cụ thể.

Như tôi đã nói, chúng ta đừng để các thứ bên ngoài kéo lôi. Mỗi khi chúng muốn kéo mình thì ta phải xỏ mũi kéo nó trở lại, dừng ngay. Đó là người chăn trâu giỏi. Trâu là tâm lăng xăng luôn luôn muốn lôi kéo chúng ta, mình phải chăn giữ nó. Chư Tổ đưa ra một hình thức cụ thể để chúng ta biết cách tu. Ví dụ quí vị đang ngồi thiền, trong tâm khởi lên niệm gì đó liền chặt đứt ngay, đừng để niệm này nối tiếp niệm khác mất hết cả tiếng đồng hồ, đó là đã bị chúng kéo đi. Phật không chấp nhận kiểu tu như vậy, người đâu trâu đó, phải sống được với nội tại hiện là. Cho nên ngồi thiền chỉ việc ngồi thiền. Việc ngồi thiền là gì? Chăn trâu giỏi. Chăn trâu giỏi là sao? Mỗi khi nó ngó lúa mạ người liền nắm mũi kéo lại. Giản dị quá. Tu như vậy là tu giỏi.

Trong thiền sử có nhắc câu chuyện này. Một hôm Thiền sư Động Sơn vào rừng gặp Hòa thượng Ẩn Sơn, Ngài liền hỏi thế này: “Hòa thượng ở đây làm gì?” Hòa thượng Ẩn Sơn trả lời: “Tôi thấy hai con trâu báng lộn nhau rồi chạy ùm xuống sông, đến nay không có tin tức”. Ý nghĩa câu này thế nào? Tức Ngài muốn nói tới bức tranh thứ tám, một vòng tròn trong sáng, thằng chăn và con trâu đều mất hết. Hòa thượng Ẩn Sơn muốn nói cho ngài Động Sơn biết công phu tu hành của mình đến chỗ này. Nghe vậy ngài Động Sơn liền đảnh lễ. Đây là một cách trả lời vừa đạo lý, vừa hiện thực, vừa nói lên chỗ tột cùng chính xác.

Trong chúng ta, tìm được người mà hai con trâu chạy ùm xuống sông, không thấy tin tức hiếm lắm. Con trâu của mình lăng xăng ngược xuôi cả ngày, có khi lẫn đêm nữa. Cho nên muốn chăn được nó, lúc nào chúng ta cũng phải tay dây tay roi, hai mắt không ngủ gục, không lười biếng, trâu ngó qua ngó lại là quất, kéo mũi lại ngay. Đó là người chăn giỏi. Phật tử đi chùa thì thôi, về nhà thì việc nhà việc cửa, việc ăn việc ở, việc làng nước, việc con cháu, kéo dài như thế. Có người đi chùa mười năm hai mươi năm vẫn chưa được an lạc, vì chưa nắm được pháp tu. Bây giờ quí vị không tu, không làm chủ trước thì đến lúc hấp hối trăn trở từ giã cuộc đời sẽ thấy khổ sở vô cùng.

Cho nên mình phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, làm sao buông được hết, chăn con trâu điên đừng để nó kéo lôi nữa. Làm sao đến lúc sắp ra đi, ta ngồi ngay ngắn kêu mọi người chung quanh lại, nhắc nhở việc nọ việc kia xong, nằm xuống nhắm mắt thở khì. Thật hay biết chừng nào! Ai có hỏi trước lúc lâm chung, sợ chết không thì vui vẻ trả lời: “Tôi sắp được cởi cái áo nhơ nhớp mấy mươi năm nay bỏ đi, khỏe biết mấy!”. Hoặc bạn bè hỏi thêm điều chi, mình sẽ thanh thản nói: “Bầu trời trong, trăng sáng, ta tự tại đi”. Người tu thiền phải có phong thái như vậy. Mà muốn được như vậy thì bây giờ phải tu, phải nỗ lực công phu.

Buổi nói chuyện hôm nay, tôi mong tất cả chúng ta ít nhiều gì cũng tự sắp đặt được cho mình, đối với tất cả những cảnh duyên chung quanh cố gắng làm chủ. Kế nữa là phải tự quyết, tự chủ, tự thành tựu việc tu hành của mình. Phật dạy: “Mỗi người tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp”. Cụ thể, chúng ta chỉ làm một việc duy nhất là chăn con trâu điên của mình cho thật đắc lực, nắm được mũi nó kéo về thì không lo sợ phạm vào lúa mạ nhà người.

Mong tất cả cố gắng tu tập và cầu chúc quí vị đều được thành công.

 

hõg

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM