VÀI VẤN ĐỀ PHẬT PHÁP
H.T THÍCH THANH TỪ


[lời nói đầu] [p1] [p2] [p3] [p4] [p5] [p6]
 

VẤN ĐỀ THEN CHỐT CỦA NGƯỜI TU PHẬT

“Ngày xưa, thuở đức Phật còn tại thế, trong hàng đệ tử xuất gia của Phật có ngài Châu-lợi-bàn-đặc (Suddhi-panthaka) căn cơ ám độn, học trước quên sau. Được dự vào hàng xuất gia đã lâu, những bạn đồng môn hầu hết đều ngộ đạo chứng quả, riêng Ngài không nhớ được một câu kinh bài kệ nào. Bực quá, người anh Ngài quở trách:

- Này Châu-lợi! Tu mà không hiểu giáo lý, không thấy đạo, tốt hơn nên trở về nhà phụng sự gia đình còn hơn, ở mãi trong này mà xuẩn dốt quá vô ích.

Tủi thân, Ngài đứng dựa Tịnh-xá khóc. Lúc ấy đức Phật trong Tịnh-xá đi ra thấy vậy, dừng bước hỏi thăm: “Tại sao Châu-lợi khóc ?”. Ngài buồn bã đáp:

- Bạch Thế Tôn ! Anh con thấy con ngu mê tăm tối không kham nổi sự tu học nên người đuổi con về nhà...

Đức Phật cầm tay Châu-lợi dẫn vào Tịnh-xá ôn tồn dạy: “Nếu con có thiện chí tu hành, ta sẽ dạy cho phương pháp tu, chỉ cần nhớ hai chữ thôi. Này Châu-lợi ! Con hãy lắng nghe và nhớ kỹ hai chữ “Tảo Tuệ” này”.

Châu-lợi mừng quá, đãnh lễ Phật lãnh lời chỉ giáo. Nhưng tội nghiệp ! Ngài học được chữ Tảo thì quên chữ Tuệ, hoặc ngược lại. Cứ thế từ sớm đến chiều như trò chơi cút bắt, nhớ chữ này lại quên chữ kia. Nhưng, một lòng lại không nhàm mỏi, Ngài bỏ ăn quên ngủ, cố sức dụng tâm ghi nhớ, mãi đến ba bốn hôm mới thuộc được trọn vẹn hai chữ.

Khi thuộc được hai chữ Tảo Tuệ rồi, Châu-lợi lại ngẩn ngơ không hiểu tại sao đức Phật dạy Ngài hai chữ ấy, có tác dụng và nghĩa lý gì ?Ngài hối hả đi tìm Phật:

- Bạch đức Thế Tôn ! Hôm nay con đã nằm lòng hai chữ Tảo Tuệ. Nhưng, bạch Ngài ! Xin Ngài hoan hỷ chỉ dạy con nghĩa lý của hai chữ ấy...

Đức Phật cười hiền hòa dạy:

- Tốt lắm ! Này Châu-lợi, Tuệ là chổi; Tảo là quét. Con hãy dùng chổi trí tuệ quét sạch phiền não nơi tự tâm đi !

Bắt đầu từ ngày này, Châu-lợi chăm chăm làm theo lời Phật dạy. Chín chắn quán xét tự tâm, gạn lọc những phiền não cấu uế, tẩy trừ những ý niệm xấu xa, gìn giữ tâm hồn thanh tịnh. Như thế sau sáu bảy hôm, Ngài chợt thấy lòng rỗng rang thanh thoát, mọi sự vật đều hiện bày sáng tỏ. Mừng quá, Ngài lại đi tìm Phật:

- Bạch Thế Tôn ! Giờ con đã biết dùng trí tuệ quét sạch phiền não.

Phật mĩm cười khen ngợi:

- Đúng thế, con đã trừ nhơ, con đã giác ngộ.

*

Giáo lý đạo Phật mênh mông như biển cả, thăm thẳm như rừng sâu, nếu chúng ta không tìm được chỗ then chốt thì sự tu hành khó bề đạt đạo. Ngài Châu-lợi-bàn-đặc tuy căn cơ ám độn, nhưng nhờ Phật chỉ bày chỗ căn bản ấy và nhờ sự bền chí nên Ngài dụng công không bao lâu đắc đạo.

Mỗi buổi sáng, cầm chuổi quét nhà, tống rác rến ra ngoài sân, cầm chiếc khăn lau sạch bụi bặm bám mờ gương tủ, chúng ta không quên dùng trí tuệ quét sạch phiền não ô uế trong tâm. Có dẹp sạch phiền não ở nội tâm, chúng ta mới mong thấy được đạo, chứng được Thánh quả.

Chính giáo lý căn bản ấy được cô đọng trong bài kệ sau:

            Chẳng làm các điều ác

            Vâng làm các việc lành

            Giữ tâm ý trong sạch

            Ấy lời chư Phật dạy.

Hai câu trên của bài kệ cốt dạy chúng ta dứt ác, làm thiện. Đứng trên bình diện xã hội, tự chúng ta phải chận đứng những điều xấu ác của mình, sau đó cứu giúp nâng đỡ mọi người. Nhưng dứt được ác hay làm được lành chủ động do tâm điều khiển. Cho nên giữ gìn tâm ý trong sạch mới là cội nguồn của sự tu tập.

Tuy nhiên, nói đến thiện ác đa số người sẽ nghi ngờ làm sao biết thế nào là thiện, thế nào là ác ? Khi đó ở trong xã hội có những việc ngày xưa cho là tốt mà ngày nay lại nói là xấu, ngày xưa cho là phải, ngày nay cho là quấy; hoặc nó phải ở xứ này mà không phải ở xứ khác. Ví dụ: Ngày xưa người phụ nữ “khuê môn bất xuất” là tốt, hiện nay người phụ nữ ra đảm đang mọi việc ngoài xã hội như thanh niên là hay. Ở xứ này muốn tỏ ra người con hiếu, khi cha mẹ trăm tuổi lo chôn cất kỹ càng mồ mả chắc chắn. Ở xứ khác lại đem thi thể cha mẹ thiêu đốt, hoặc bỏ trong rừng, vức xuống sông là hiếu... Vậy lấy đâu định được tiêu chuẩn thiện ác ? Trong nhà Phật giải thích điều đó rõ ràng lắm. Phàm làm việc gì có lợi cho người cho mình hiện tại và vị lai, ấy là thiện. Ngược lại là ác. Hoặc làm việc theo chiều mê vọng là ác, làm việc theo chiều giác ngộ là thiện.

Qua hai tiêu chuẩn lợi hại và mê ngộ ấy, chúng ta biết thế nào là việc thiện và việc ác rồi. Tuy vậy, muốn cho mình dứt ác tu thiện, chúng ta phải luôn luôn kiểm soát hành động, ngôn ngữ và ý niệm của chúng ta. Bởi vì lơi lỏng một chút, chúng ta có thể tạo nên tội lỗi tày trời, hoặc làm trò cười cho thiên hạ. Như câu chuyện này:

Ngày xưa có hai anh em ở láng giềng hay bàn việc người. Một hôm, hai anh gặp nhau. Anh A nói “anh X trong xóm mình có nhiều tánh tốt, nhưng có cái dở là anh hay nóng nảy và làm việc hấp tấp”. Bất chợt, anh X vừa đi ngang, lỏm nghe câu chuyện. Anh nổi giận ầm ầm, xốc đến đánh anh A một bạt tay toé lửa kéo bừa ra ngoài quát: Tao nóng nảy hồi nào ? Hấp tấp bao giờ ?

Ấy thế, một khi không kiểm soát được ba nghiệp của mình, chúng ta sẽ có những cử chỉ, những hành động mâu thuẩn và ngây ngô như anh chàng kia vậy.

Do đó, đức Phật thường dạy: Phật tử khi đi phải biết mình đi, khi nói phải biết mình nói, khi nghĩ phải biết mình nghĩ. Ý thức mọi hành động của mình mới tiến tu đạo nghiệp được. Chúng ta không nên làm việc theo bản năng, mà phải theo lý trí. Có lý trí chúng ta mới ngự trị, kìm hảm được những điều xấu ẩn náu trong con người chúng ta và nó sẽ xuất hiện bất cứ lúc nào qua ngôn ngữ và hành động của chúng ta.

Để thành công trong việc tu tập này, phải trải qua thời gian rất lâu xa, không phải một sớm một chiều mà được. Nếu người tu tập mà muốn thành công chống gấp, ấy cũng là một thái độ dại khờ. Chẳng khác nào ông vua trong câu chuyện này:

Ngày xưa, có ông vua đã lớn tuổi mà không có con trai, ông khát khao mong mỏi được một đứa con kế vị. Sau đó, hoàng hậu sanh được một hoàng nam. Vua muốn hoàng tử trưởng thành ngay trong thời gian rất ngắn, nên treo bảng cầu thầy dạy phương thuốc “chóng lớn”.

Một hôm, có vị đạo sĩ đến nhận gỡ bảng. Binh sĩ gác bảng dẫn ông đến yết kiến nhà vua. Vua hỏi: Tiên sinh thật có thứ thuốc “chóng lớn” chăng ? Đạo sĩ tâu: Bần sĩ biết thứ thuốc “chóng lớn” tức khắc, nhưng rất khó tìm. Nếu Đại-vương bằng lòng cho bần sĩ lãnh hoàng tử về nuôi một chỗ, khi nào bần sĩ tìm được thuốc tiên đem về cho hoàng tử uống xong, sẽ dẫn ra yết kiến Đại-vương. Vua bằng lòng.

Sau mười hai năm tròn, đạo sĩ dẫn hoàng tử đến yết kiến nhà vua. Vua mừng khen ngợi nức nở: “Chà ! Thuốc tiên rất thần hiệu. Khi ta trao hoàng tử cho đạo sĩ thì hoàng tử nhỏ bé nằm cựa quậy trong nôi, nhờ uống thuốc tiên hoàng tử đã trở thành cậu bé ngoan ngoản kháo khỉnh, thực là thuốc tiên hiệu nghiệm như thần !”.

Muốn con chóng lớn mà không chịu chờ đợi thời gian lâu, chỉ đòi trong tức khắc, thật là người quá ám độn. Cũng như thế, muốn đạt được đạo quả mà không nhẫn nại tu tập thời gian lâu dài, đòi chứng trong một chiều một sớm, thật là người chưa hiểu đạo lý.

Điều cần thiết của người Phật tử phải siêng lo quán xét tự tâm diệt trừ phiền não. Lo chạy tìm kiếm bên ngoài chúng ta càng xa đạo. Viên “bảo châu như ý” đã nằm sẵn trong lai áo, chúng ta chỉ có mỗi một việc “chịu khó nhận ra nó để dùng”.

Đức Phật chỉ vẽ đường lối cho chúng ta. Chịu đi hay không tự tâm ta chủ động điều khiển cặp chân trên lộ trình tiến đến hạnh phúc.

Ánh đuốc đã thắp sẵn mà mắt chúng ta không chịu mở, cửa đã mở rồi mà chân chúng ta chưa muốn bước vào!

Mãn lo phiền trách kẻ khác, dèm chê lầm lỗi của người, tâm hồn chúng ta càng ngày héo xào cằn cỗi. Càng phanh phui tìm kiếm lỗi người thì lòng chúng ta dễ sanh nóng giận phiền não và đau khổ càng dồn dập chất chứa dẫy đầy. Ấy chẳng qua chỉ vì mình thu hẹp tình thương, thích tìm tòi, ghi nhớ những xấu xa lầm lỗi của người. Chúng ta muốn thực hiện điều lành, muốn tiến đến hạnh phúc phải biết trừ bỏ tâm tật đố ngã mạn, cố chấp v.v...

Chẳng vậy, càng đi chùa chúng ta càng tạo nghiệp xấu, càng muốn giải thoát, an vui lại càng bị ràng buộc não phiền. Như anh chàng bán nước sâm ngày xưa:

Một hôm có khách quý đến nhà, anh ta muốn đãi khách một chén nước sâm mát. Hềm vì thấy nước nóng quá, anh lấy quạt quạt, định bụng giúp cho nó chóng nguội. Khốn nỗi vì lính quính, anh đã quên nhắc nồi nước sâm xuống, mà vẫn để nguyên vẹn trên lò lửa đỏ. Do đó, anh chàng càng cố công quạt, lửa càng hừng, nước càng nóng. Càng cố công chẳng những đem lại kết quả vô ích, mà còn tăng trưởng điều trái ý muốn của anh.

Cũng thế, muốn an vui chúng ta phải biết tự xét lỗi mình. Mình đau khổ chỉ vì mình không chịu nhìn kỹ chính mình. Đã không nhìn kỹ lại mình thì làm sao mình chịu tảo trừ nết hư tật xấu ?

Động cơ chính yếu của sự tu hành là gạn lọc tự tâm, hay ngự trị tự tâm. Thế mà, có người cả đời không khi nào chịu khó quán xét tự tâm, cứ để nó mặc tình buông lung phúng túng gây tạo trăm ngàn tội ác, để sau này vì nó phải luân chuyển trong tam đồ ác đạo. Như ông Trưởng giả xưa kia:

Ngày xưa có ông Trưởng giả có đến bốn bà vợ.

Bà vợ chánh xinh đẹp dịu dàng, ông yếu quý chăm sóc không rời một phút giây. Bà vừa đói, ông đã dành sẵn thức ăn. Y trang vừa cũ đã có lớp mới thay thế. Nào hương xông xạ ướp, nào trang điểm châu báu ngọc ngà, hao tốn cực nhọc bao nhiêu ông cũng không nệ.

Bà thứ hai thì sắc xảo điêu ngoa, khiến ông luôn luôn lo sợ bà sẽ bỏ trốn bỏ ông. Ông xoay trái, ngó mặt nơm nớp nhắc nhở ngó chừng, chỉ sợ bà trốn mất. Ông lo bảo vệ gìn giữ từ giờ thức đến giấc ngủ.

Bà thứ ba thì lịch thiệp đon đả. Khi có việc vui buồn thì ông đem kể lể cho nghe để chia sớt với ông.

Bà thứ tư thì ông lơ là không mấy khi để ý đến. Bà có ở hay đi ông cũng không cần biết tới.

Một hôm bệnh ngặt, biết mình sắp chết, ông gọi bà vợ chánh đến yêu cầu: “Trọn đời ta yêu dấu chăm nom nàng hết dạ. Giờ đây ta sắp chết, nàng hãy sửa soạn cùng chết với ta !”.

- Đâu được ! Ông là ông mà tôi là tôi. Mỗi người chúng ta đi mỗi ngã, tại sao ông bảo tôi phải theo ông ?

Ông lại gọi bà thứ hai. Bà này chua ngoa bạc bẻo ra mặt:

- Ông vì tham dục sợ mất tôi nên chăm nom gìn giữ, chớ nào phải ân tình gì mà đem ra kể lể ?

Đến bà thứ ba, xem chừng bà cũng cảm động trước giờ ly biệt. Nhưng bà cũng khéo léo khước từ:

- Kể ra từ hồi nào đến giờ chúng ta đã cùng chia xẻ vui buồn. Ông tốt với tôi lắm. Nhưng thật ra ông chết, tôi chỉ đưa ông đến mộ là cùng, chớ làm sao chết theo ông được ?

Ông thất vọng, chán nản nhưng cũng muộn rồi ! Ông vừa xoay qua bà thứ tư, như đã sắp đặt tự bao giờ, bà này sẵn sàng chịu chết theo ông, trong khi ông chưa kịp ngỏ lời !

Ông Trưởng giả trong câu chuyện này là ví dụ chúng ta. Bà vợ thứ nhất dụ sắc thân này. Lúc còn mạnh khỏe không phút giây nào chúng ta quên nó. Nhưng khi chết thì nó ly khai ta. Bà vợ thứ hai dụ tiền của sự nghiệp. Bình nhật chúng ta lo gìn giữ bảo thủ nó, đến lúc chết ta không mang theo được gì cả. Bà vợ thứ ba dụ gia quyến thân tộc. Lúc sống có việc vui buồn cùng tâm sự san sớt nhau. Khi chết thân tộc chỉ đưa ra tiễn đến mộ là cùng. Bà vợ thứ tư dụ tâm ý chúng ta. Bình thường chúng ta hững hờ quên nó, nhưng khi chết nó lại trung thành theo ta.

Thường nhật chúng ta không mấy khi chịu quán xét tâm ý mình, để mặc tình nó tung hoành, sai lạc, xấu xa. Nó ẩn tàng, lén lúc bỏ ta đi tận đâu đauâ... Chúng tã quên mất nó, bỏ bê nó, không ngó ngàn để ý đến nó, nhưng khổ thay chính nó là cội gốc ! Khi sống nó âm thầm chi phối đời ta, đến ngày ta chết nó trung thành chịu mọi khổ vui mà ta đã gây tạo.

Đã lâu rồi, viên ngọc như ý nằm im trong lớp áo trần lao, chúng ta chỉ cần có thức tỉnh mở mắt nhìn nó và chịu khó lau chùi bụi bặm thì sẽ thấy nó hiện ánh sáng huyền diệu lung linh...

Chỉ biết lo hướng ngoại, che dấu lỗi lầm tội ác của mình bằng mọi phương cách, không can đảm hồi quang phản tỉnh thì càng đi chùa càng tụng kinh, tội nghiệp lại càng sâu dày !

Người Phật tử nên chân thành tự xét lỗi mình, phải tế nhị gạn lọc phiền não ở nội tâm, thực hành đúng hai chữ “Tảo Tuệ” của đức Phật đã dạy ngài Châu-lợi-bàn-đặc, chắc chắn không bao lâu viên ngọc hạnh phúc sẽ cầm được trong tay.

Tuy sống giữa lớp sóng đời sôi động, nhưng tâm hồn chúng ta sáng sủa, trầm lặng thì phiền não bụi hồng đâu còn thao túng hoành hành làm chủ được ta?

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM