NGHIỆP DẪN LUÂN HỒI TRONG LỤC
ĐẠO
Giáo lý của đức Phật cốt yếu dạy cho con người
tu để giải thoát luân hồi sanh tử. Tuy nhiên, tùy theo sức huân tu cao thấp
mà giải thoát cũng có nhiều tầng bậc. Đại lược chúng ta có thể chia làm hai
bậ là : từng phần giải thoát và toàn phần giải thoát.
Từng phần giải thoát là bậc thứ nhứt, tu mà
còn luân hồi sanh tử, nhưng biết chọn lựa nghiệp lành để đi trong đường tốt
hưởng phước báu. Những loài chúng sanh đi trong các đường : Địa ngục, Ngạ
quỉ, Súc sanh, A-tu-la đều không biết chọn nghiệp lành, nên đi vào đường ác
chịu quả báo khổ đau. Và ngay như loài người có người biết chọn nghiệp
thiện, lại cũng có người không biết chọn nên tạo lắm nghiệp ác, vì vậy mà
chịu không biết bao nhiêu thứ đau khổ. Thế nên, tuy còn ở trong vòng lục đạo
luân hồi, sau khi bỏ thân này, muốn cho đời sống của thân sau được an vui
hạnh phúc, thì ngay hiện tại phải biết lựa chọn nghiệp lành để làm và tránh
xa nghiệp ác, đó là gốc của sự tu hành.
Nghiệp là động lực dẫn chúng ta đi trong luân
hồi sanh tử, nên rất hệ trọng đối với sự tu hành. Vậy nghiệp là gì ? Nghiệp
được dịch từ chữ Phạn Karma; nghĩa là động tác dấy khởi từ ý, miệng và thân.
Động tác ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen, và khi đã thành
thói quen thì nó có sức mạnh chi phối dắt dẫn con người theo nó.
Nghiệp là việc làm của chính mình, mình làm
chủ và tạo tác thành thói quen, rồi cũng chính mình thừa nhận hậu quả do nó
đưa tới. Kinh Phật dạy : “Chúng sanh làm chủ tạo nghiệp và thừa kế cái
nghiệp mà mình đã tạo” không do ai khác ngoài mình.
Chúng ta từ thuở sơ sanh lớn dần cho tới 9, 10
tuổi, đâu có ai mắc bịnh ghiền rượu, ghiền trầu hay ghiền thuốc... Thế mà từ
15, 16 tuổi cho tới già do sự tập tành thành thói quen, người thì ghiền
rượu, người thì ghiền thuốc, kẻ thì ghiền á phiện... Đứa trẻ 15, 16 tuổi
thấy người lớn cầm thuốc hút nhả khói phì phà, tưởng đó là oai là sang, nên
bắt chước hút, thành thói quen rồi ghiền thuốc. Lúc mới tập hút thì mình là
chủ thích hút thì hút, không thích thì thôi, nhưng hút nhiều lần dần dần
thành thói quen, thiếu thuốc thì khó chịu, ngáp, buồn, phải đi mua về hút.
Khi đã ghiền rồi thì không còn làm chủ được nữa mà nó làm chủ ngược lại
mình, sai sử mình làm theo thói quen ưa thích đó. Vậy, nghiệp là cái chúng
ta tự tạo, chúng ta làm chủ tạo thành thói quen, khi thói quen thuần thục
thì nó làm chủ dẫn dắt sai sử chúng ta. Nếu chúng ta tập thói quen làm thiện
thì được dẫn dắt tiếp tục làm việc thiện, nếu chúng ta tập thói quen làm
việc bất thiện thì bị dẫn dắt tiếp tục làm việc bất thiện. Chẳng hạn, người
mỗi chiều đi chùa, tụng kinh lâu dần thành thói quen, một hôm tới giờ tụng
kinh không đi, cảm thấy thiếu, thấy buồn, có một động lực thôi thúc bắt phải
đi chùa tụng kinh. Còn người khác, mỗi chiều đi quán uống rượu, lâu ngày
thành thói quen nên ghiền, tới cữ đi uống rượu, không đi thì cảm thấy bức
rứt, khó chịu, ngáp dài, có một ma lực cứ thôi thúc sai khiến tới quán để
uống rượu. Người đi chùa tụng kinh tập thành thói quen đó là nghiệp thiện,
đưa tới sự an vui lợi ích cho bản thân mình. Người đi quán uống rượu tập
thành thói quen là nghiệp ác, đưa tới nghèo thiếu, bịnh hoạn kém trí tuệ.
Vậy, nghiệp phát xuất từ đâ ? Nếu thân tạo tác thiện đó là nghiệp thiện của
thân, thân tạo tác ác đó là nghiệp ác của thân. Miệng nói lời lành là nghiệp
thiện của miệng, miệng nói lời hung dữ là nghiệp ác của miệng. Ý nghĩ tốt là
nghiệp thiện của ý, ý nghĩ xấu là nghiệp ác của ý. Đó là nghiệp phát xuất từ
thân khẩu ý. Tạo nghiệp chủ động là mình, nếu muốn luân hồi chỗ tốt thọ
thân lành mạnh tốt đẹp sống được an vui hạnh phúc, thì hiện tại phải biết
tạo nghiệp thiện. Ngược lại tạo nghiệp ác thì luân hồi đến cõi xấu, thọ thân
xấu, sống đời đầy đau khổ u tối. Hạnh phúc hay đau khổ do mình chủ động
trọn vẹn, chớ không do ai khác, ngay Phật Trời cũng không dự phần trong đó.
Như vậy, chúng ta là chủ tự chọn lấy hướng đi cho chúng at mai sau, nếu khôn
ngoan đã chọn cho mình một hướng đi tốt đẹp thì cứ theo hướng đó mà đi, chớ
có thay đổi. Cũng như các học sinh sau khi đã chọn nghề và thi tốt nghiệp ra
trường, phải theo cái nghề mình đã chọn mà sống, sướng hay khổ là tùy theo
cái nghề của mình chọn.
Vậy, chúng ta tu là phải làm sao ? Có nhiều
Phật tử than vì bịnh tật vì nghèo khó không thể tu. Người than như vậy là
chưa biết tu, vì họ tưởng phải đi chùa nhiều, tụng kinh giỏi mới là tu. Đó
là một sự hiểu lầm rất lớn. Như đã nói, tu là chuyển nghiệp ác thành nghiệp
thiện, mà nghiệp thì phát xuất từ thân, khẩu, ý. Giả sử như người buôn bán
tráo hàng thật ra hàng giả, hoặc cân đo thiếu, hoặc khi bán gặp người trả
giá không đúng, nổi giận la chửi, đó là thân miệng tạo nghiệp ác, không biết
tu. Người buôn bán với định mức lời vừa phải, hàng thật nói là hàng thật,
hàng giả nói là hàng giả, cân đo đúng, khách trả đúng giá thì vui vẻ bán,
khách trả không đúng giá, tuy không bán vẫn vui cười không tức giận mắng
chửi; hoặc đi đường gặp người già yếu nhường lối đi, nhường chỗ ngồi, đưa
qua đường, đưa qua cầu, bưng xách nặng giùm người... đó là thân khẩu thiện,
biết tu, tu trong công việc làm ăn, tu ngoài đường, tu ngoài chợ. Ở trong
nhà, đối với người thân cũng phải giữ thân miệng luôn lành, làm cha mẹ giữ
đúng tư cách của cha mẹ, con cái có lỗi lầm phải từ tốn răn dạy, hướng dẫn
phù hợp với đạo lý cho con nên người, đó là tu. Nếu ỷ quyền cha mẹ, khi con
làm không vừa ý, tay đánh đập, miệng la hét, chửi rủa đó là không biết tu.
Phận làm con đối với cha mẹ phải biết thương kính, chăm lo việc ăn mặ thuốc
thang cho cha mẹ, đừng để cho cha mẹ buồn tuổi lúc tuổi già. Nếu cha mẹ có
sanh tật, khó khăn thì nên an ủi khuyên lơn hơn là hờn trách chế giễu. Đó là
chuyển nghiệp thân, nghiệp khẩu thiện. Về ý nghiệp có phần vi tế hơn, với
người biết tu cũng chuyển được nghiệp ác thành nghiệp thiện. Giả sử đang
ngồi chơi, hay đi, hoặc làm việc, khởi nghĩ buồn giận người, biết đó là ý ác
liền dừng không nghĩ, mà khởi nghĩ thương người nghèo khó, quí kính bậc
hiền đức, tìm cách giúp đỡ người khốn khổ... đó là chuyển nghiệp ý ác
thành nghiệp ý thiện. Nếu cho rằng đi chùa hay tụng kinh mới là tu, thì tu
quá ít. Bịnh nào tật nấy vẫ còn nguyên, tham sân ích kỷ vẫn không chừa. Tu
như thế hiện tại tự mình không lợi ích và cũng không đem được an hòa cho mọi
người chung quanh, mai sau sẽ bị nghiệp lôi vào đường ác là địa ngục, ngạ
quỉ, súc sanh. Thế nên Phật dạy trong tất cả ngày giờ của mọi sinh hoạt, đều
phải tu mới chuyển được ba nghiệp trọn hiền. Ba nghiệp hiền rồi, ngay đời
hiện tại tự mình không phiền não, lúc nào cũng nhẹ nhàng an vui. Trong gia
đình mọi người không thắc mắc rầy rà, trên thuận dưới hòa, đầm ấm hạnh phúc.
Ngoài xã hội được an bình không loạn ly. Tu như thế mớt thật là tu. Đừng vì
muốn được đi chùa thường xuyên, muốn được tụng kinh nhiều mà phế bỏ cả việc
nhà, thân miệng y không chuyển cho hiền. Ở trong nhà thì thắc mắc, gây cãi
hết người này tới người nọ làm cho gia đình xào xáo. Đối với người ngoài xã
hội thì không nhịn một lời không nhường một bước. Đi chùa tụng kinh như thế
là chưa thật tu.
Có một bà cụ Nhật Bản lần chuỗi niệm Phật rất
giỏi; khi lần chuỗi niệm Phật thì rất chăm chỉ, nhưng khi dừng niệm Phật thì
rầy rà con cháu inh ỏi. Con trai ba thấy bà tu mà như thế nên buồn và nói :
- Má à, má tu má cứ lo niệm Phật đi, sao má cứ
rầy rà hoài khiến tâm xao lãng làm sao Phật chứng cho má ?
Bà nói :
- Khi nào tao niệm Phật thì Phật thông cảm cho
tao, còn khi nào tao rầy tụi bây thì tụi bây biết cho tao.
Bà chia làm hai phần, phần niệm Phật thì tu
với Phật, phần rầy la thì dành cho con cháu ! Người thật tu là vừa tu với
Phật vừa tu với người thế gian, tu như thế mới trọn vẹn.
Có người ngoại đạo đến hỏi Phật :
- Thưa ngài Cù-đàm, cái gì định đặt cho con
người, sinh ra kẻ thì nghèo nàn khổ sở, người thì giàu sang sung sướng, kẻ
thì sống lâu, người thì chết yểu, kẻ thì yếu đau, người thì khỏe mạnh, kẻ
thì ngu tối, người thì thông minh ?
Phật trả lời :
- Tất cả sự sai biệt giữa con người và con
người là do nghiệp mà họ đã tạo định đặt ra, nên có người ưu kẻ liệt.
- Do tạo nghiệp gì khiến cho người sống lâu và
do tạo nghiệp gì khiến cho người chết yểu ?
- Người không tạo nghiệp sát hại chúng sanh
thì được thọ mạng lâu dài. Người tạo nghiệp sát, đoản mạng sống của chúng
sanh nên thọ mạng yểu.
- Do tạo nghiệp gì mà thân người được khỏe
mạnh và do tạo nghiệp gì mà thân hay yếu đau bệnh tật ?
Do nghiệp ác làm cho người đau khổ nên thọ
thân hay bệnh tật đau yếu. Và do tạo nghiệp lành an ủi giúp đỡ người qua
những tai nạn khốn khổ, nên được thọ thân khỏe mạnh vui tươi.
- Do tạo nghiệp gì mà sanh thân trong gia đình
giàu sang sung sướng và do tạo nghiệp gì mà sanh thân trong gia đình nghèo
đói khốn khổ ?
- Do đời trước biết làm lành, biết bố thí cúng
dường, biết giúp đỡ người nghèo đói bệnh tật, nên đời này được sanh ra trong
cảnh giàu sang sung sướng. Người ở đời trước không biết bố thí cúng dường,
không biết giúp đỡ người nghèo khó, lại còn tham lam rút rỉa của người, nên
đời này sanh thân trong cảnh nghèo đói thiếu thốn.
- Do tạo nghiệp gì người sanh ra được thông
minh sáng suốt và do tạo nghiệp gì người sanh ra lại ngu dốt tối tăm ?
- Người đời trước do siêng năng học hỏi tìm
hiểu chân lý, ưa thích giúp người được học học hỏi hiểu biết nên đời này
được thông minh. Người ở đời trước do lười biếng học không chịu tìm hiểu
chân lý, cả ngăn sự học hỏi của người; nên đời này bị tối tăm mê mờ.
Vậy, tất cả quả tốt hay xấu mà chúng ta đang
thọ nhận hiện nay, gốc là từ cái nhân chúng ta gây thuở trước, chớ không
phải bỗng dưng mà có. Khi đã biết như thế, chúng ta muốn ngày mai được tốt
đẹp an vui hay bị đau khổ, thì ngay bây giờ chúng ta phải chuẩn bị. Nếu
chuẩn bị bằng nghiệp thiện thì sẽ được đến cõi lành và được an vui hạnh
phúc, nếu chuẩn bị bằng nghiệp ác thì sẽ đi vào đường dữ và bị khổ đau.
Có người nghi vấn : Hiện tại thân này hành
động tạo nghiệp thiện hay ác, mai kia thân hoại rồi hành cũng mất, vậy
nghiệp còn hay mất ? Đa số người không tin lý nhân quả, họ nghĩ rằng sau khi
thân hoại hành động không còn thì nghiệp cũng mất. trong kinh Phật thường
nói nghiệp theo mình như bóng với hìng vậy; đời quá khứ, đời hiện tại, đời
vị lai có sự liên hệ tùy theo nghiệp của mỗi người. Ví dụ có hai người khách
qua sông, một người chuyên nghề giáo, một người chuyên nghề thương mại, khi
đi đường người thương mai mang theo nhiều vàng bạc của cải, nhà giáo chỉ
mang theo một cặp sách vở và chút ít tiền lộ phí, thuyền qua giữa sông bất
thần gặp sóng làm chìm. Khi thuyền chìm, mạnh ai nấy lo lội vào bờ để
thoát chết, lên đến bờ thì tất cả của cải tiền bạc của nhà thương mại không
còn, cặp giấy tờ, tiền lộ phí của nhà giáo cũng mất. Cả hai đều trắng tay,
nhưng kiến thức giáo dục của nhà giáo không mất, kiến thức mua bán của nhà
thương mại cũng không mất. Kiến thức là cái chuyên môn, sở trường của con
người không mất tức là nghề nghiệp không mất. Như vậy, để thấy, qua những
cuộc biến đổi tất cả những cái có hình tướng ngoài mình thì mất, nên khi
thân này có hoại đi, nghiệp thức không ngoài mình nên không mất. Của cải tài
sản thế gian, chúng ta tạo sắm nhiều thế mấy, khi chết rồi tất cả đều phải
để lại không mang theo được một món nào, chỉ có mang theo nghiệp mà thôi. Đó
là một lẽ thật. Thế mà, có nhiều người không hiểu không tin, rồi mê tín dán
nhà lầu xe hơi, mua giấy tiền vàng bạc đốt, để đem theo cho cha mẹ hay chồng
con chết xài !
Có người hỏi tôi :
- Con cháu vì thương cha mẹ, sau khi cha mẹ
chết họ dán nhà, xe , mua giấy tiền vàng bạc thật nhiều đem đốt và cấu
nguyện cho cha mẹ được hưởng. Như vậy cha mẹ có được hưởng không?
- Nếu con cháu đốt giấy tiền vàng bạc rồi cầu
nguyện cho cha mẹ nhận, tôi e rằng ở tù chớ chẳng được hưởng. Tại sao ? Vì
mang bạc giả xuống Diêm
Vương xài là bất hợp pháp. Nếu đốt nhà lầu xe
hơi, cầu cho thân nhân nhận để ở và đi. Theo tôi nếu ai làm như vậy là hại
thân nhân của mình. Vì nếu họ nhận được là họ có nhà lầu để ở, có xe hơi để
đi, có tiền bạc để xài, đủ tiện nghi quá thì họ sẽ ở mãi trong cõi âm, không
đi đầu thai. Đó là trường hợp thân nhân của mình trong sanh tiền có chút ít
phước lành. Còn nếu là kẻ có tội thì chết đọa địa ngục bị giam nhốt hành hạ,
làm sao mà nhận lãnh tiền bạc, nhà, xe để xài ? Đó là chưa nói đến nhà xe,
tiền bạc bị đốt thành tro thì làm sao dùng được? Thật là vô lý!
Như vậy, để thấy chính nghiệp hay nghiệp dữ mà
mình đã tạo, nó dẫn mình đi thọ thân trong cảnh giới sướng hay khổ. Tất cả
việc làm bên ngoài của người thân, vì thương muốn giúp mình, khó mà giúp
được, mình làm mình phải chịu, người khác không thể thế được.
Lại có người nêu câu hỏi :
- Tại sao có người làm ác mà họ sống phây phây
? Có nhiều người rất hiền lành, làm phước, làm nghĩa mà lại gặp nhiều hoạn
nạn ? Như vậy luật nhân quả bất công sao ? Lại có nhiều người không làm ác,
vừa làm ác là thọ quả báo ác liền, hoặc vừa làm thiện thì thọ quả báo lành
liền. Như vậy là sao ?
Trong kinh Phật có dạy : Nếu nói : Tạo nghiệp
thiện sẽ được phước báo lành, tạo nghiệp ác bị quả báo khổ thì Phật chấp
nhận. Nếu nói rằngtạo nghiệp thiện sau khi chết sẽ sanh về cõi Trời, tạo
nghiệp ác sau khi chết sẽ đọa địa ngục liền, điều đó Phật không chấp nhận.
Tại sao nói làm ác chịu quả báo ác làm thiện được quả báo thiện thì Phật
chấp nhận, mà nói tạo nghiệp ác sau khi chết đọa địa ngục, tạo nghiệp thiện
sau khi chết sanh về cõi Trời thì Phật không chấp nhận ? Về thuyết nghiệp,
Phật có nói cận tử nghiệp và tích lũy nghiệp. Tích lũy nghiệp là nghiệp chứa
nhóm nhiều kiếp đến giờ. Cận tử nghiệp là nghiệp mới tạo tác lúc sắp chết.
Cận tử nghiệp và tích lũy nghiệp có ảnh hưởng chi phối nhau mà quyết định
đưa người chết đến cõi lành hay cõi dữ. Ví dụ người có tích lũy nghiệp lành
từ xưa đến nay, bất thần họ mê muội có người xúi giục họ làm điều ác, làm
điều ác này đáng lý phải đọa địa ngục, nhưng vì tích lũy nghiệp lành họ còn
nhiều nên chưa đọa địa ngục liền. Lại cũng có người làm nhiều điều ác, đáng
lý phải đọa địa ngục, nhưng gần chết họ làm lành. Tâm họ luôn nghĩ tưởng đến
điều lành, nên không đọa địa ngục. Thế nên nói làm ác khi chết nhứt định đọa
địa ngục, làm thiện lên thiên đàng, thì không đúng hẳn. Vì tuy họ có làm ác,
nhưng lúc gần chết cận tử nghiệp thiện họ quá mạnh có thể đưa họ đến cõi
thiện. Còn người tuy làm nhiều điều thiện nhưng khi gần chết họ nổi sân quá
hung dữ, lúc đó cận tử nghiệp ác có thể đưa họ đến các đường xấu. Thế nên,
không phải chỉ tu khi sắp chết, hoặc chỉ tu ở giai đoạn thân còn khỏe mạnh,
mà phải luôn giữ thân, khẩu, ý lành từ lúc còn trẻ trung mạnh khỏe cho đến
chung cuộc của kiếp người.
Xưa có Ma-ha-nam con của Cam-lộ-phạn Vương em
nhà chú của đức Phật, Ma-ha-nam tu cư sĩ giữ năm giới, tu thập thiện, thọ
bát quan trai... Một hôm hỏi Phật rằng :
- Bạch Thế Tôn, bình thường con giữ năm giới,
thọ bát quan trai, tu thập thiện, giả sử con chết bất đắc kỳ tử bởi một một
tai nạn xảy ra, sau khi chết con sẽ đi về đâu?
Phật trả lời bằng một ví dụ :
- Có một cây mọc từ đất lên, thân và cành cây
nghiêng về một bên. Vậy khi cưa, thân cây ngã bên nào ?
Ma-Ha-Nam đáp :
- Cây sẽ ngã về bên mà nó đang nghiêng.
Phật dạy tiếp :
- Cũng vậy, bình thường ông hay làm điều
lành, khi chết tuy bị khủng hoảng, nhưng nghiệp thiện tích lũy nhiều sẽ
hướng ông đến chỗ lành, không sao, đừng sợ.
Vậy, chủ yếu của việc tu hành, chẳng những tạo
nghiệp lành trong lúc còn mạnh khỏe, mà lúc gần chết tâm niệm cũng phải lành
thì mới bảo đảm đi đến nơi lành. Còn nếu bình thường tạo nghiệp lành, mà lúc
gần chết tạo nghiệp dữ thì chưa bảo đảm đi đến cõi lành. Và bình thường nếu
lỡ làm ác, lúc gần chết tâm niệm lành thì cũng chuyển được phần nào nghiệp
dữ, vì nghiệp không cố định.
Để kết thúc buổi nói chuyện hôm nay, tôi nhắc
lại câu chuyện Lý Bạch đời Đường ở Trung Hoa. Ông là một nhà thơ nổi tiếng
nghe danh Thiền sư Ô Sào là một cao tăng đắc đạo, mới tìm tới tham vấn. Tới
nơi thấy Thiền sư Ô Sào ngồi trên cháng ba của cây cổ thụ; chỗ Ngài ở giống
như ổ quạ, nên người đời gọi Ngài là Thiền sư Ô Sào.
Ông đứng dưới đất nhìn lên hỏi :
- Bạch Hòa thượng, xin Hòa thượng dạy cho tôi
một phương pháp tu ngắn và gọn, để tôi có thể tu được.
Thiền sư Ô Sào ở trên nói xuống :
Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành,
Tự tịnh kỳ ý,
Thị chư Phật giáo.
Ông hãy về tu đi !
Lý Bạch nghe qua, cười và nói :
- Hòa thượng nói bài kệ đó con nít tám tuổi
cũng thuộc. Vậy Hòa thượng đem dạy tôi để làm gì?
Thiền sư Ô Sào nói :
Phải, con nít tám tuổi cũng thuộc, nhưng ông
già tám mươi tuổi cũng chưa xong.
“Chư ác mạc tác” là tất cả nghiệp ác chớ
có làm. “Chúng thiện phụng hành” là vâng làm tất cả nghiệp lành. “Tự tịnh
kỳ ý” là khéo lóng lặng tâm ý cho thanh tịnh. “Thị chư Phật giáo” đó là lời
dạy của chư Phật. Tu cốt là bỏ nghiệp ác của thân khẩu ý và chuyển thành
nghiệp lành. Bài kệ trên vừa nghe qua là đã nhớ và dường như thấy dễ làm.
Song đi vào kinh nghiệm tu hành thì không đơn giản và dễ dàng, vì tình thức
mênh mang, chủng tử tập khí sâu dày, vừa bỏ được thói xấu này để phát huy
điều tốt nọ, thì lại có dư tập dở khác đang ngủ ngầm hội đủ duyên nó trồi
dậy lại phải điều phục nữa. Và, cứ thế làm mãi cho đến chung cuộc của kiếp
người có khi chưa xong, tâm vẫn còn lao xao lộn xộn, thế nên người biết
hướng thiện luôn luôn phải xoay lại mình để lo tu tập. Ở trong mọi hoàn
cảnh, trong mọi trường hợp người rỗi rảnh hay bận rộn, giàu sang hay nghèo
hèn, ai cũng tu được. Điều tiên quyết là phải dừng nghiệp ác, rồi tùy theo
hoàn cảnh làm lành : người nghèo thì ra công sức giúp đỡ, kẻ giàu thì ra
tiền của bố thí. Ai ai cũng biết tu thì tự mình được an vui, gia đình được
hạnh phúc, xã hội được an bình. Tu chính là nền tảng vững chắc để xây dựng
cuộc đời hiện tại được tươi đẹp, và tạo cơ hội cho đời sau càng được an vui
sáng suốt hơn.
Vậy, từ đây về sau trọn đời quí Phật tử cố
gắng tránh tất cả các điều ác, làm tất cả các nghiệp lành. Làm đó là là làm
cho chính mình chớ không phải làm cho ai khác. Đạo Phật được coi là đạo cứu
khổ ban vui, mà cứu khổ ban vui là chỉ cho mọi người con đường nào đưa đến
khổ đau và con đường nào đưa đến an lạc. Khi biết con đường đưa tới an lạc
thì cố gắng đi, đó là đạo Phật cứu khổ ban vui cho quí vị. Còn nếu quí vị
biết con đường thiện đưa tới an lạc, con đường ác đưa tới khổ đau mà cứ đi
con đường đau khổ, đó là tại quí vị không biết chọn đường đi, khổ là do mình
chớ không do ai khác. Vì Phật đã vạch lối chỉ đường rất rõ ràng, nếu chọn và
thực hành đúng lời Phật dạy thì được an vui, lợi ích, ngược lại thì khổ đau.
Đó là then chốt mà quí vị phải biết rõ và nắm vững để tu hành.
] |