TU TRƯỚC KHỔ SAU VUI
Có nhiều người đi chùa thấy cảnh sinh hoạt cuả
Tăng Ni trong chùa, nào thức khuya dậy sớm để tụng kinh ngồi thiền. Sáng
ngày phải lao động chấp tác, chiều đến phải học kinh luật. Ăn thì ăn cơm hẩm
với tương rau đạm bạc, mặc thì mặc vải thô nhuộm màu hoại sắc. Nhứt là thấy
mấy cô trẻ, tuổi mười lăm hai mươi cũng có học hành, gia đình cũng không đói
thiếu, thắc mắc tại sao lại giam mình chịu khổ như vậy ? Lại cũng có người
thắc mắc : người ta đi tu là vì thất tình thất chí, mấy người này không có
những chuyện đó, tại sao cũng đi tu ? Đây là những vấn đề cần phải giải
thích, để cho mọi người thấy rõ lợi ích của sự tu hành.
Nếu chúng ta chỉ nhìn qua hình thức bên ngoài
thì không thể hiểu giá trị của sự tu. Những cái mà tôi tạm gọi là cái khổ
ban đầu của người tu là : Người đời ở tuổi thanh xuân, đầu tóc đen nhánh
được xông ướp nước hoa thơm, vắt nơ cài hoa thật đẹp. Khi vào chùa đầu cạo
nhẵn bóng, hủy hình chẳng còn gì là xinh đẹp. Mặc thì người đời mặc hàng
lụa mịn láng màu sắc sặc sỡ, áo này quần nọ, vô chùa phải mặc phải mặc vải
thô nhuộm hoại sắc lem luốc. Còn ăn thì ở đời cao lương mỹ vị, muốn ăn lúc
nào thì ăn, vào chùa thì sáng trưa cơm rau, chiều cháo chay lạt qua ngày. Đó
là ba cái khổ ban đầu của người tu. Song, còn cái khổ ngặng nề nữa là khi
chưa tu, có ai nói làm sai trái thì dám la rầy hay cãi lại. Khi tu rồi dù có
bị người lấn hiếp chửi mắng, cũng phải lặng lòng nhẫn chịu. Như vậy người tu
chịu nhiều thiệt thòi, vừa thiệt thòi về ăn mặc, vừa thiệt thòi về trang
sức, thiệt thòi cả sự nhẫn nhục nữa. Thiệt thòi như thế quả thật là khổ. Tại
sao khổ mà người ta lại chấp nhận ? Có phải do mê mờ mù quáng chấp nhận, hay
trong sự tu hành có cái gì an lạc cao cả mà họ đã thấy, nên mới dám đánh
đổi cái khổ cực để nhận lấy cái an lạc cao siêu?
Sau đây là những cái đánh đổi rất gần mà ai
cũng thấy. Các cô ni trẻ nếu không đi tu, ở nhà sẽ có gia đình, có con, mang
nặng đẻ đau, làm lụng vất vả nuôi con, con lớn thì có cháu lo cho cháu. Con
cháu mà có hiếu còn đỡ, nếu phải con cháu bất hiếu, mất dạy làm nhiều chuyện
xằng bậy, di hại cho nó và người xung quanh thì khốn khổ vô cùng. Cả cuộc
đời khổ vì con vì cháu cho tới già chết, đó là không khổ vì chồng bất lương,
chỉ khổ vì con cháu bất hiếu. Nếu gặp ông chồng thiếu đạo đức rượu chè cờ
bạc mèo mỡ, không chịu làm ăn, cảnh nhà nghèo túng, đi thì thôi, về nhà là
chửi bới đánh đập vợ con, cảnh nào khổ bằng cảnh này ? Khi mới lập gia đình,
ai cũng mơ ước ngày mai mình sẽ được hạnh phúc, nhưng khi đối diện với thực
tế thì nếm đủ mùi đắng cay. Khi mới lập gia đình thấy như là hạnh phúc lắm,
nhưng về sau khổ này chồng chất lên khổ kia không thể kể xiết. Các thầy tăng
trẻ nếu không đi tu ở nhà thì có vợ có con, tay bồng tay dắt, cả đời làm
lụng vất vả để nuôi vợ nuôi con. Nếu gặp người vợ đoan chính biết phụ lo cho
gia đình thì còn đỡ. Nếu gặp phải người vợ trắc nết, hư hèn chồng đi làm cực
nhọc, ở nhà cứ ăn chơi tiêu pha tiền của thỏa thích. Việc nhà không trông
nom, con cái không chăm sóc dạy dỗ, mặc cho việc nhà ra sao thì ra, con nên
hư thế nào cũng được. Các thầy không tu ở nhà gặp cảnh gia đình vợ con như
thế thì khổ hay vui ? Vô cùng khổ sở. Khổ sở dai dẵng suốt cả cuộc đời.
Lại nữa người phát tâm tu theo đạo Phật, thấp
nhấùt là cư sĩ qui y thọ năm giới. Vì có tiếng là Phật tử nên phải giũ tư
cách của người tu, ai lấn hiếp chèn ép mình cũng phải rán nhịn chịu. Không
nhịn chịu như người xuất gia, chớ cũng phải chịu lép để cho người ta hơn
mình. Đó là một cái thua thiệt của người tu. Tuy nhiên, trước bị thua thiệt,
sau lại được an vui. Trong năm giới điều mà người Phật tử đã thọ khi qui y.
Giới thứ nhâùt là không sát sanh.
Người không biết tu, không giũ giới sát sanh,
mỗi khi bị ngưới ta hãm hại, lòng sân giận nổi lên đánh đập hoặc chém giết,
hoặc bỏ thuốc độc cho người ta chết để thỏa lòng sân giận. Song, khi biết
tu, tuy có nổi nóng nhưng không dám nghĩ tới hâi người. Mình không hại người
thì người không hại lại, và cũng không bị tù tội. Nhờ biết tu, trước chịu
thua thiệt người, nên tránh được cái khổ sát hại và thân được yên ổn.
Giới thứ hai không trộm cắp. Người chưa biết
tu thấy của người để hời hợt dễ lấy, liền khởi lòng tham lấy làm của mình,
khi được của tiêu xài hỷ hạvới vợ con không chút lo buồn. Nhưng khi công an
phát giác bắt bỏ tù năm năm, mười năm... lúc đó nỗi khổ kéo dài lê thê. Đó
là người không tu, sống trước vui sau khổ. Người biết tu thấy của người
không tham, thấy của rơi không lượm. Vì nghĩ rằng làm ra của cải phải khó
khổ, nhọc nhằn lao thần tổn sức, chớ không phải bổng dưng mà có. Tiền của
mình làm ra có khi giữ còn không được huống là tiền của người ! Thế nên
không tham lam, sống đời hiền lương. Tự đem công sức lao động tạo cho mình
một cuộc sống lương thiện, thấy như bị thiệt thòi, nhưng được bình an, không
sợ công an, không ngại người đời nghi mình bất chánh. Đó là trước khổ sau
vui của người giũ giới không trộm cắp.
Giới thứ ba không tà dâm. Người có gia đình
rồi, tức là có vợ hay có chồng, mà đi ngoại tình với kẻ khác thì gọi là tà
dâm. Nếu trong gia đình chồng hay vợ đi ngoại tình với người ngoài, thì gia
đình đó có hạnh phúc không ? Ban đầu thả mình chạy theo lạc thú tưởng chừng
như vui sướng lắm. Nhưng khi bị vợ hay chồng phát giác thì có sự ghen tức
ngăn chặn, rồi sanh ra gây cãi đánh đập nhau,đưa đến ly thân ly dị khiến cho
con cái bơ vơ khổ sở. Đó là người không tu, trước thây như vui nhưng sau lại
khổ. Còn người biết tu, sống một vợ một chồng, thấy như ràng buộc, chấp
trước, không hào hoa phong nhã. Song, nhờ vợ chồng biết sống chung thỉ với
nhau nên bảo vệ được hạnh phúc gia đình, con cái được an vui, êm ấm. Đó là
trước khổ sau vui của người giữ giới không tà dâm.
Giới thứ tư là không nói dối. thói thường
người không biết tu làm ăn buôn bán, muốn lời nhiều là phải nói dối. Hàng
giá 5000 đồng nói 8000 để được lời 3000 đồng. Đó là nói gạt người ta, không
lương thiện. Người biết tu chịu thiệt không nói dối, lời ít; hàng 5000 đồng
nói 5000 đồng bán ra 5200 lời 200 thôi. Người không tu thấy làm ăn thật thà
như thế là thiệt thòi. Nhưng thực tế thì không thiệt thòi mà còn lợi ích.
Người bán kông thách nói chắc giá, lần đầu người mua chưa tin, họ đi dọ giá
nhiều nơi thấy người này bán không thách, thật thà, họ tin và có cảm tình,
từ đó về sau họ sẽ đến mua hàng và giới thiệu nhiều người đến mua. Trước,
người bán gạt người mua nói giá cao, người mua chỉ mua vài lần là không mua
nữa. Khách hàng thưa dần, bán ế. Nay, người bán chân thật, lời ít nhưng có
uy tín, nhiều người mến, đến mua và giới thiệu nhiều người mua, khách hàng
càng ngày càng đông. tuy lời ít mà bán được nhiều nên lợi nhuận nhiều và còn
được lâu bền nữa. Đó là trước bị thiệt thòi sau được lợi ích của người giữ
giới không nói dối.
Giới thứ năm không uống rượu. Người uống rượu
khi mới ngồi vào bàn tiệc thì ai cũng vui cười hỷ hạ. Nhưng khi tiệc nửa
chừng thì “rượu vào lời ra”, nói bàn chuyện phiếm huyên thuyên. Khi đã ngà
say nói nhiều không kiểm soát được lời nói, nên phát ngôn bừa bãi làm mích
lòng bạn bè. Bình thường tỉnh táo chỉ mích lòng một, khi ngà say nó tăng lên
năm mười, sân giận tăng cường, đá bàn đạp ghế tại buổi tiệc không ai nhường
ai. Từ cái vui dẫn đến cái khổ của người không biết tu. Đó là giai đoạn thứ
nhất. Qua giai đoạn thứ hai, là đối với những người không có khả năng kềm
chế được mình, khi ngồi vào bàn tiệc thì người này mời ép người kia, người
uống một ly, mình cũng uống một ly. Cứ đua nhau mời ép uống, một lát sau thì
say túy lúy, chân đi xiên bên này, chân ngã bên kia, về tới nhà nằm dật ra
ụa mửa đầy đất, hôi hám cả nhà, lại còn chửi bới vợ con, khổ ơi là khổ
! Tới cái khổ thứ ba : Uống rượu là cái nhân gây ra bệnh hoạn, như chai gan,
đau dạ dày là những chứng bệnh kinh niên khó trị, làm cho kinh tế gia đình
suy giảm. Lúc đó thân đau bệnh mà lại nghèo túng không tiền thuốc thang thì
khổ không ít. Cái khổ thứ tư nữa là uống rượu làm cho trí tuệ mê mờ, nó tác
dụng mạnh trên thần kinh khiến cho thần kinh suy yếu thì người thông minh
sáng suốt hóa ra đần độn. Quí vị thấy những người sáng say chiều say có mấy
ai thông minh sáng suốt ? Tự bản thân đã mê mờ tăm tối, và khi sanh con cái
cũng lây đần độn ngu si nữa. Người uống rượu tự mình đã chuốc khổ vào thân,
lại còn gây tác hại cho gia đình xã hội không ít. Khi mới uống thì thích
khẩu vui miệng, nhưng sau đó thì khổ này chồng lên khổ kia. Đó là không tu,
vui trước khổ sau. Còn người đã qui y thọ giới, biết uống rượu gây tác hại
cho bản thân, cho gia đình cho xã hội, nên nhịn không uống. Tuy bị bạn bè
chê cười là kẻ hèn nhát, bỏn xẻn, thờ bà thờ cô... Song người biết tu cam
chịu chê cười không uống, nên thân không bệnh hoạn, không nghiện ngập, trí
tuệ sáng suốt minh mẫn, có tư cách, mọi người nể trọng, biết làm ăn nuôi
dưỡng vợ con, biết giáo dục gia đình, đóng góp sự lợi ích cho gia đình cho
xã hội không nhỏ. Đó là trước khổ sau vui của người giữ giới không uống
rượu.
Người mới biết tu chỉ giữ năm giới là đã bớt
được bao nhiêu thứ khổ. Khi mới khép mình vào giới luật thấy như khó khổ,
nhưng khi đã quen rồi thì nhận được lợi ích rất lớn. Đó là “Tu trước khổ sau
vui” của người cư sĩ.
Sau đây người xuất gia tu trước khổ sau vui.
Theo quan niệm người đời thì xuất gia coi như bỏ hết mọi hạnh phúc thế gian,
hay bỏ cả cuộc đời để sống một cuộc sống nghèo thiếu cực khổ; về phần thân
xác thì ăn uống kham khổ, ngủ nghỉ thiếu thốn. Nhưng tại sao họ lại sẵn sàng
hy sinh chấp nhận như thế ? Như tôi đã nói cái nhẹ nhàng gần nhất của người
xuất gia là không bị cột trói bởi gia đình, không bị ràng buộc bởi chồng hay
vợ, không bị kéo níu bởi con cháu. Sống một cuộc sống trọn vẹn cho mình cho
đạo. Nói thế quí vị sẽ nghĩ rằng người xuất gia không có con, nhưng có đệ tử
cũng phải bận rộn nhọc nhằn lo cho đệ tử. Chẳng hạn như tôi đệ tử quá đông,
đôi khi cũng khổ vì đệ tử vậy ? Làm thầy lo cho đệ tử có khác với cha mẹ lo
cho con. Cái khác thứ nhất là thầy bảo đệ tử làm việc, thì đệ tử làm với
niệm tu hành, làm vì cầu đạo giải thoát, chớ không phải ích kỷ làm vì danh
lợi. Thế nên làm trong hài hòa vui vẻ, không tranh quyền không tranh danh,
không tranh lợi, thì đâu có sự cãi rầy hơn thua với nhau. Hơn nữa, người đệ
tử khi vào chùa họ đã chấp nhận sống kham khổ, nên làm ít ăn ít, làm
nhiều ăn nhiều không đòi hỏi. Còn con của quí vị lớn lên biết chưng dọn hình
dáng bên ngoài, không cho nó những món đồ tùy thuộc thì nó xin xỏ đòi hỏi;
chẳng hạn như con gái độ 17, 18 tuổi không sắm bông tai, vòng xuyến... thì
nó đòi hỏi xin xỏ. Con trai 17, 18 tuổi thì đòi đồng hồ, honda cub... không
sắm cho nó là nó buồn có khi giận nữa. Còn các vị đệ tử Phật xuất gia rồi,
chấp nhận sống đời đạm bạc nên không đòi hỏi cái gì hết. Như vậy chúng tôi
có gì đâu lo nhiều ? Mặc dù chúng tôi phải có chương trình giảng dạy hướng
dẫn cho tu hành, lo chỗ ở, chỗ ăn... cho Tăng Ni. Tuy thấy như là bận rộn,
nhưng chúng tôi không có lo nhiều. Hơn nữa, người nào chịu sống theo giới
pháp của Phật, theo lời dạy của tôi thì người đó được ở trong chùa để tu,
người nào không chịu tuân theo, thì ra khỏi chùa đi nơi khác hoặc hoàn tục,
tôi không có trách nhiệm với vị đó nữa. Tôi không có từ, mà người đó không
chịu tuân theo giới pháp Phật, người đó tự thấy không xứng đáng là đệ tử
Phật, thì họ tự xin xuất chúng. Còn con của quí vị lỡ bất hiếu ngỗ nghịch
tjì quí vị tính sao đây ? Làm thế nào xử nó ? Đuổi nó, nó không đi, hoặc đi
rồi về, lại phá phách lung tung thì quí vị làm sao ? Lỡ có một đứa con bất
hiếu ngỗ nghịch, khổ dài dài ! Để thấy rằng người tu tuy có đệ tử nhiều,
song không bận rộn khổ sở như người tại gia năm mười đứa con. Đó là nói về
hoàn cảnh.
Sau đây là nói đến bản thân của người tu. Nếu
còn là người đời, bị người ta nói nặng một câu là trả lời bằng hoặc hơn mới
vừa ý. Chớ còn nhịn thua hoặc trả lời nhẹ hơn thì cảm thấy bức rứt khó chịu,
ăn không ngon ngủ không yên. Bây giờ là người tu thì tất cả lời nặng nhẹ
khen chê đối với mình không thành vấn đề. Người ta khen không giúp cho mình
thành Phật, người ta chê không làm cho mình có tội. Cái mà mình cần phải lưu
tâm đó là giữ đúng đạo lý tu hành. Có khen cũng tốt, có chê cũng không sao,
không để tâm buồn giận. Chẳng hạn đi ra đường mấy đứa trẻ trêu chọc : “Đầu
thầy chùa nấu canh chua, ba tháng còn chua”. Hoặc dùng đất đá ném trên thân
trên đầu... Người đời chắc chửi hoặc đánh nó. Nhưng với người tu thì im lặng
đi, vì thấy chúng nó là kẻ ngu khờ, không biết giá trị của sự tu hành. Mặc
tình nó nói gì thì nói, làm gì thì làm, đó là kẻ ngu khờ dại dột đáng
thương. Chính những lời nói xúc não đó là cơ hội để mình tỉnh giác, tu, vun
bồi thêm công đức lành. Nếu bị nói xúc não liền buồn phiền đó là chưa tu.
Thế nên, đối với người tu không sợ những lời nói trêu chọc, cũng không sợ
những lời nói oan ức ở bên ngoài, chỉ sợ mình tu mà không khéo phản tỉnh,
không hết phiền não, còn nhiều thói hư tật xấu. Đó là cái đáng sợ. Người
đời thì sợ dư luận lắm; dư luận mà khen thì vui tươi hớn hở; dư luận mà chê
thì buồn rầu không an. Nhưng mà dư luận khen chê có đúng lẽ thật không ? Ví
dụ : Người tửu lượng ít khen người tửu lượng nhiều là giỏi, người ghiền rượu
chê người không uống rượu là dở. Thậm chí họ còn dùng lời cay độc để khiêu
khích như : Hèn nhát, thờ bà, sợ bà, cho nên không dám uống rượu. Họ cho
rằng đàn ông mà không uống rượu là đàn bà, rồi gán cho cái tên là Nguyễn thị
Đàn Bà... Thật là những lời châm biếm cay độc. Do vậy mà nhiều chú thanh
niên giàu tự ái, không làm chủ được mình rồi cũng uống. Thế là đua nhau mà
nghiện ngập. Người biết tu có trí tuệ có can đảm, xét thấy uống rượu mặt nào
cũng có hại nên không uống. Không uống rượu là người tốt mà dư luận chê xấu,
đó là dư luận xấu chớ mình đâu có xấu ! Vậy quí vị hãy sáng suốt nhận định,
người không uống rượu là người tốt hay người xấu trong xã hội ? Nếu là người
tốt, mà dư luận chê xấu thì mặc dư luận, có quan hệ gì tới mình mà cho là
nhục nhã ? Vậy mà người đời đang tốt, khi bị chê xấu liền biến thành xấu,
bằng cách tự ái tức giận làm theo cái xấu của người ta. Cho nên xấu cả số
đông. Dư luận có khi đúng có khi sai, nên khi nghe chê, mình xét lại, nếu
mình có lỗi, lời chê đó đúng, thì mình sửa, nếu không đúng, chỉ cười thôi
không bận tâm. Như vậy mới là người tu có trí tuệ có khả năng tự chủ. Nếu để
dư luận chi phối, cứ theo cái đà lôi cuốn người này hư kéo người kia hư
theo, không ai có sức tự chủ cả.
Người tu là xả bỏ lòng tham lam, tíng nóng
giận và tâm si mê, và khi tham lam nóng giận si mê hết thì khổ không còn,
hết khổ tức vui. Con người có khổ là do tham, nhìn thấy người vật, nếu vừa
lòng thích ý thì muốn chiếm đoạt về mình, muốn mà không được thì buồn khổ.
Chẳng hạn người ta có tiền đi xe Honda cub, mình nghèo cứ chạy xe đạp cọc
cạch, muốn có chiếc xe cub mà không có tiền mua lòng ray rứt buồn tủi cho số
phận, như vậy là khổ. Còn người tu an phận trong nếp sống thanh bần, thấy
người đi xe tốt là việc của họ, mình đi xe đạp là hạnh của mình, không khởi
tâm so sánh đua đòi, thì tâm bình thản an ổn. Nên người biết tu sống ở cảnh
nào cũng vui, cũng an. Còn người không biết tu sống ở cảnh nào cũng khổ, có
xe cub chạy rồi, thấy người ta đi xe hơi, thì muốn mình có xe hơi. Có được
chiếc xe hơi đời cũ, thấy người chạy xe hơi đời mới êm nhẹ thì muốn mình có
xe hơi tân thời êm nhẹ... Cứ như thế mà tham muốn không dừng; càng tham càng
khổ, tham nhiều thì khổ nhiều.
Sân cũng vậy, khi tham muốn cao độ mà không
được thỏa mãn thì sân giận nổi lên, lòng bực tức, nóng nảy, mắt mặt đỏ hoe,
miệng nói lời thô tục hung dữ, tay chân đấm đá, tất cả đều hiện ra tướng
xấu. Một ngày 12 giờ đồng hồ, nổi sân một lần, chờ cho lắng dịu ít nhất cũng
hết vài giờ, tâm thần mới tỉnh táo an vui trở lại. Như thế đã thiệt thòi quá
lắm rồi. Nếu một ngày mà để nổi sân chừng vài ba lần, thì tướng xấu hiện hơn
nửa ngày, làm sao an vui ? Khi nổi sân, tướng xấu hiện, lúc đó mình là người
hay quỉ quái ? Ngày nào cũng tập thói quỉ quái đó, người ta thương mến thân
cận hay ghét bỏ xa lánh mình ? Kẻ mà bị người đời ghét bỏ xa lánh mình ? Kẻ
mà bị người đời ghét bỏ xa lánh thì rất khó sống, khổ sở vô cùng. Người biết
tu thường xuyên phản tỉnh nội tâm mình, khi đối duyên xúc cảnh thấy tâm ray
rức khó chịu, biết sân giận đang hiện khởi, liền biết mình đang sân giận,
thì sân giận từ từ lóng lặng, miệng không nói bậy, tay chân không hoạt động
phi pháp, thì mình hết phiền não sân giận, người cũng không bị ảnh hưởng xấu
do sân giận của mình gây nên, đó là tu.
Si là cái gốc gây nên khổ đau cho con người.
Do si mê nên không giản trạch được pháp nào là chánh, pháp nào là tà; việc
nào là thiện, việc nào là ác; điều nào là phước, điều nào là tội. Vậy nên
nói càn làm bậy, gây nhiều tội lỗi mà không biết không hay. khi đã tạo
nghiệp ác rồi thì quả khổ ắt sẽ đến, không tránh khỏi. Người tu có tỉnh
giác, có sáng suốt biết rõ pháp chánh pháp tà, việc thiện ác tội phước, nên
theo pháp chánh bỏ pháp ta, làm việc thiện mà tránh điều ác. Do làm lành nên
được an vui. Chẳng những an vui trong đời này mà đời sau cũng được an vui.
Trong kinh A Hàm, Phật có dạy : Người không biết tu khi chết khổ cả hai
phần, người biết tu chỉ khổ một phần. Tại sao ? Vì người không biết tu khi
sắp chết thân thể bại hoại, co giựt đau nhức, khổ về xác thân. Kế đó họ
không biết mình chết sẽ ra sao, đi đâu ? Mờ mịt một mình bơ vơ, lại còn
thương con thương cháu anh thương em... tình cảm buộc ràng, hơi thở sắp
ngừng mà tình thì không dứt, hai cái dằng co làm cho tâm khổ sở. như vậy
thân tâm cả hai đều đau khổ. Còn người tu biết khi sắp chết thân này rã rời
bại hoại thì nó phải đau đớn, nhưng biết cuộc đời giả tạm, ai tới rồi cũng
phải đi, có ai sống mãi đâu ? Lẽ thật của cuộc đời là sanh già bệnh chết
không ai cưỡng được. Biết được lẽ thật như vậy thì cái chết đến sẵn sàng đón
nhận không sợ. Thứ nữa, người biết tu hằng ngày làm lành, không gây tội lỗi,
biết chắc sau khi mình chết sẽ đi tới chỗ lành, nên tâm không lo sợ, được an
ổn. Giống như người có chiếc xu cũ hư, trong tủ họ đã có để giành sẵn một số
tiền, để mua xe mới thay cho xe cũ. Khi xe cũ không còn xài được, họ liền
sắm xe mới đẹp có giá trị hơn, thay cho xe cũ một cách dễ dàng thoải mái,
còn người nghèo có chiếc xe cũ hư mà không có tiền để thay xe tốt; bỏ xe cũ
thì không thể bỏ, muốn có xe tốt, không biết làm sao mà được, nên lòng lo
buồn khổ sở. Như vậy người biết tu hằng ngày làm lành, tự khắc phục thói hư
tật xấu của mình, và giúp đỡ mọi người chung quanh, như thế là phước lành đã
được tích lũy, biết chắc chỗ mình sẽ đến là tốt thì không có gì lo sợ. Giống
như người có sẵn tư lương, đi tới đâu cũng no ấm không đói khổ, thường được
an vui. Người biết tu hiện đời ít khổ khi chết cũng không khổ nhiều, qua đời
sau lại được an ổn hơn. Nhờ tu mà các vị Thiền sư khi sắp chết, từ giả mọi
người, rồi cười ra đi một cách nhẹ nhàng. Còn người đời khi sắp chết thì lo
sợ hoảng hốt khóc la kinh hoàng khổ sở vô cùng.
Người biết tu là người tìm an vui hạnh phúc
chân thật, đó là người biết lo xa. Thói thường người đời không biết lo xa,
hằng ngày không chịu tu nhân lành tích phước đức, mặc tình nghĩ nói làm tội
lỗi. Khi gần chết rước Tăng Ni tới đônmg tụng kinh đưa về Cực lạc. Có đưa
được không ? Chắc đưa không nổi. Tại sao? Vì việc mình thường làm trở thành
thói quen đó là nghiệp. Mà đã là nghiệp thì tự mình chuyển chớ không ai
chuyển thế được. Chẳng hạn người tập hút á phiện lâu ngày họ ghiền. Bao
nhiêu tiền của trong nhà đều hết sạch, cảnh nhà nghèo khó, tới cơn ghiền
không tiền hút, chảy nước dãi ngáp dài ngáp vắn... Người láng giềng
thấy thế thương xót muốn giúp cho họ hết ghiền, đến chùa rước Tăng Ni tới
tụng kinh cầu nguyện cho người ấy hết ghiền. Tăng Ni có ai dám hứa tụng kinh
cho người ấy hết ghiền không ? Chắc chắn là không. Muốn hết ghiền tự người
ấy phải cai hút, gan dạ từ bỏ không hút nữa, thì mới hết, chớ người ngoài
không làm cho họ hết ghiền được. Cũng vậy, thói quen do làm lành hay làm ác
đã thành nghiệp, thì nghiệp lành dẫn người tạo đến cõi lành, nghiệp ác dẫn
người tạo đến cõi ác. Lúc đó Tăng Ni không thể thế hay cầu nguyện cho mình
thay đổi được. Tăng Ni tụng kinh cầu nguyện chẳng qua là trợ niệm thêm sức
cho đi nhanh vậy thôi. Giống như thuyền xuôi dòng nước, lại có gió xuôi thì
thuyền đi mau hơn một chút. Đừng ỷ lại bình thường tôi hay đi chùa, quen
biết các thầy các cô nhiều, khi chết mời các thầy các cô đông, tụng kinh cầu
nguyện cho tôi sanh về cõi lành. Điều này không bảo đảm, mà phải tự mình tu,
làm cho tham sân si càng ngày càng mỏng càng mòn, nghiệp ác không tạo nữa,
nghiệp lành siêng năng phát triển. Như thế mới thật là tu, và mới hết khổ
trong hiện đời, hết khổ trong mai sau. Nếu không như vậy thì chưa phải tu
theo đạo Phật, chỉ là người đi chùa ăn chay mà chưa biết tu.
Quí vị nhớ tu là phải tu cho đúng, chớ đừng
qua hình tướng bên ngoài. Có nhiều vị lần chuỗi cốt lần cho nhanh để được
nhiều chuỗi đem trình với thầy, thầy khen mình tu giỏi. Khi buông xâu chuỗi
xuống thì la rầy chửi rủa con cháu, phải quấy hơn thua với xóm giềng... Tu
như thế là tu sai, lần chuỗi niệm Phật là phải thong thả từ từ, miệng niệm
tai nghe rõ danh hiệu Phật, một danh hiệu Phật là một hạt chuỗi, nhiếp tâm
không cho nghĩ bậy, niệm Phật như thế tâm mới an định. Niệm Phật để tính
công trả nợ, thói hư tật xấu không sửa không chừa thì không được lợi ích. Ở
chùa thỉnh thoảng cũng có mấy ông đạo tu để trả nợ, tối khuya hai thời công
phu, nhất là tụng chú Lăng Nghiêm, gỏ mõ thật nhanh tụng cho mau rồi, thay
vì tụng một giờ, tụng rút chừng 45 phút xong, đặng xuống ngủ lại. tu như thế
là tu cho ai chớ đâu phải tu cho mình, nếu thật tu cho mình là phải tụng
đàng hoàng chậm rãi, đọc đúng lời đúng chữ nương câu kinh để tâm được an
định mới được lợi ích. Nếu tụng kinh để trả nợ thì tâm cứ xao xuyến loạn
động hoài. Mà bây giờ người ta hay có cái tật tu để trả nợ. Đó là những điều
mà tôi nêu để quí vị biết ý nghĩa chân chánh của sự tu hành.
Quí vị nghiệm lại xem có phải tu là trước khổ
sau vui không ? Nếu phải, thì hãy cố gắng tu hành, trước tuy có thiệt thòi
khó khăn một chút, nhưng sau được an vui, chẳng những an vui trong đời hiện
tại, mà đời sau cũng được an vui nữa. Muốn được lợi ích lớn trước phải hy
sinh chấp nhận mọi khó khổ, sau đó mới thành tựu quả tốt, không phải ngẫu
nhiên mà được vui. Chẳng hạn muốn mọi người thương mến mình, thì ít ra mình
cũng phải vui vẻ lưu tâm giúp đỡ người, chớ gặp người khổ mình làm lơ họ đâu
có cảm tình với mình. Thế nên tất cả cái tốt đến với mình là do ban đầu mình
chịu hy sinh, chịu thiệt thòi mà có, đừng đòi hỏi tu là phải sung sướng từ
trước tới sau. Đa số người tu bây giờ đòi hỏi quá đáng, đi chùa cúng Phật
một thẻ nhang, hoặc bó hoa hoặc dĩa trái cây, cầu xin cho gia đình người già
được mạnh khỏe, người trẻ thì làm ăn phát đạt, trẻ nhỏ thì thi đâu đậu đó.
Quí vị nghĩ đưa ra có một thẻ nhang, một bó hoa, dĩa trái cây mà đòi mấy
việc như vậy có tham không ? Đi chùa như thế là để tăng trưởng lòng tham chớ
đâu có tu. Phật dạy tu là bớt tham, vậy mà Phật tử đi chùa tham quá chừng,
cho nên không hết khổ. Đi chùa với tâm niệm tham muốn như vậy, nếu không
được toại nguyện, cha mẹ đau yếu hoài, làm ăn thất bại, con cái thi rớt thì
buồn, nghĩ Phật không thương không giúp, giận không đi chùa nữa. Người tu
như thế thật đáng thương, không hiểu Phật pháp như thế nào cả, cứ mù mù mịt
mịt làm theo lòng tham muốn của mình, chẳng được lợi ích gì cả. Tu là tự sửa
mình, làm cho cạn mỏng tham sân si ở nơi mình thì mới hết khổ. Đó mới là
người tu chân chánh thực hành đúng lời Phật dạy.
] |