BẢN NGÃ LÀ GỐC CỦA KHỔ ĐAU
&
BẤT CÔNG
Trên cõi đời này, tất cả chúng ta dù lớn hay
nhỏ, ai cũng như ai đều thấy mình (bản ngã) là quan trọng; cho mình là trung
tâm của vũ trụ, nên xem thường mọi người và muốn mọi người quí trọng mình,
hướng về mình. Đó là cái bệnh rất lớn làm cho con người đau khổ. Thế nên
Phật thuyết giáo chỉ dạy cho chúng ta là phải buông xả kiến chấp về bản ngã,
để thoát khỏi mọi khổ đau. Người chấp ngã chẳng những không thấu đạt chân lý
mà còn đặt để ra nhiều điều bất công sai lầm khiến cho người vật phải khổ
đau vì mình.
Người chấp ngã ở trường hợp nào cũng muốn hoàn
cảnh theo mình, qui hướng về mình. Đối với thiên nhiên thì muốn thiên nhiên
vì mình, lệ thuộc mình. Lúc tôi còn ở Chân Không, một hôm trời mưa tôi hỏi
thị giả:
Đố chú, mưa để làm gì ?
Thị giả đáp :
- Thưa Thầy, mưa để cho nhà nông làm ruộng.
Tôi cười, hỏi:
- Ngoài biển có ai làm ruộng đâu mà sao trời
vẫn mưa ?
Thị giả không trả lời được.
Đa số chúng ta đều nghĩ trời mưa là để làm
ruộng, trời nắng là để phơi lúa v.v... Tất cả cái gì cũng để cho chúng ta
hết. Nên khi làm ruộng gặp trời nắng thì than trời, trách trời không thương
mình. Ngược lại khi phơi lúa mà mưa thì cũng trách trời, có khi nổi giận với
Trời nữa. Do chấp ngã mà nhiều người nói bậy nói càn, bởi thiên nhiên không
chìu theo ý mình, không chìu theo công việc làm ăn của mình ! Đó là trời mưa
để làm ruộng, trời nắng để phơi lúa. Rồi đến nước biển mặn để lấy muối, đất
màu mỡ để trồng cây lấy trái, gió thổi để cho người mát... Do nghĩ tất cả
mọi thứ đều để cho chúng ta, nên cái gì như ý thì chúng ta vui, trái lại thì
chúng ta buồn giận. Quí vị gẫm lại xem có phải con người bắt trời đất chìu
theo ý mình không ? Như vậy thì bản ngã chúng ta bao lớn ?
- To vô kể ! Trời đất thiên nhiên mà cũng bắt
qui hướng về mình, mình muốn cái gì thì trời đất phải chìu theo cái nấy. Bởi
bản ngã to, nên không thấy được lẽ thật!
Đó là thiên nhiên đối với bản ngã, bây giờ sự
vật đối với bản ngã. Bởi chấp ngã nên những con vật mà chúng ta nuôi, chúng
ta bắt nó phải làm bổn phận với chúng ta. Ví dụ như nuôi chó là để giữ nhà,
nuôi gà trống là để gáy sáng báo thức, nuôi trâu để cày ruộng, nuôi ngựa để
kéo xe v.v... Chúng ta nghĩ nuôi chó là để giữ nhà, kỳ thực khi nuôi nó,
chúng ta đâu có giao ước với nó là lớn lên phải giữ nhà cho chúng ta và nó
đã hứa khả. Nó hoàn toàn không biết gì về chuyện giữ nhà giữ của, đặc tính
của chó thấy người lạ là sủa. Thấy chó sủa người lạ, chúng ta cho rằng chó
giữ nhà cho mình. Nhà mình mình giữ là bổn phận của mình. Chó nó đâu có biết
đồ mình cất chỗ nào để giữ ? Thế mà khi ăn trộm vô nhà lấy đồ, chó nó ngủ
quên không sủa, thì sáng ra mắng chửi đánh đập con chó. Tại sao của mình
mình không giữ, nhà mình mình không canh, khi mất đồ thì đánh chó mà không
đánh mình ? Con gà cũng vậy, ở nhà quê có nhiều nhà không có đồng hồ, nhờ
tiếng gà gáy đánh thức để lo công việc làm ăn. Hôm nào gà ngủ quên không gáy
sáng, chủ nhà cũng ngủ quên, không dậy đúng giờ để gánh hàng ra chợ bán, rồi
nổi giận chửi bới mấy con gà, mà không tự trách mình. Như vậy, có phải chúng
ta đặt mọi sự vật lệ thuộc vào chúng ta một cách quá đáng không ?
Khi thấy bản ngã là trên hết, thì chúng ta
không nhận định được lẽ thật, không biết cái nào hợp là hợp lý. Nghĩ nói làm
rất bất công, xằng bậy, cho rằng gà vịt tôm cá v.v... sanh ra là để cho con
người ăn, nuôi sống con người, nên nói: “Vật dưỡng nhơn”.
Thật sự thì các con thú có đồng ý đem mạng
sống nuôi mạng người không ? Khi quí vị bắt gà làm thịt nó có giãy giụa kêu
la không ? Rõ ràng con gà sợ hãi, giãy giụa tỏ thái độ phản đối, vì không
muốn mất mạng sống. Nhưng vì không thể chạy thoát nên đành chịu chết, chớ nó
đâu có vui lòng đem mạng sống đãi cho người ăn ! Rồi đến những con thú lớn
như con heo, con bò... Khi đem nó ra giết, nó giãy giụa kêu rống, nào có vui
vẻ sẵn sàng hiến thân cho người ăn đâu ! Tóm lại tất cả những sinh vật không
phải tự nó muốn đem thân dâng cho người ăn. Nhưng vì nhu cầu thèm muốn của
con người, nên con người bắt nó làm thức ăn, chớ không ai đặt để loài vật
nuôi loài người mà nói “vật dưỡng nhơn”.
Nếu đặt ngược lại câu nói đó lại là “nhơn
dưỡng vật” thì quí vị nghĩ sao ? Chắc chắn là không đồng ý. Bằng chứng là
con muỗi con rệp chích người lấy chút máu để sống, thì người không cho, hoặc
đuổi đi hoặc đập chết. Để thấy người không chấp nhận quan niệm “nhơn dưỡng
vật”, thì loài vật nào chịu “vật dưỡng nhơn” ? Loài vật dù mạng sống nhỏ
nhoi, nhưng nó vẫn ham sống sợ chết, song vì sức yếu không chống cự nổi nên
đành chịu chết để loài người ăn thịt vậy. Đó là những vật yếu, nhỏ, bây giờ
đến những vật có thân lớn mạnh hơn loài người, như con cọp, con sư tử, cá
mập... Khi cọp, sư tử thấy người nó cho là mồi của nó nên nó vồ để ăn thịt.
Người chống cự không lại trốn không thoát, thì bị nó ăn thịt để nuôi mạng
sống nó. Như vậy quí vị có thừa nhận lý thuyết “nhơn dưỡng vật” thì
vật cũng không chấp nhận thuyết “vật dưỡng nhơn”. Nếu thú biết nói tiếng
người, chắc chắn là nói cãi lại, hoặc kiện thưa đến toà, chớ không chịu thua
đâu ! Loài người bất công quá ! Loài vật đâu có thừa nhận cho loài người ăn
thịt nó, vậy mà loài người tự đặt để loài vật phải nuôi loài người, để rồi
ăn thịt nó cho ngon miệng, không chút lòng hối hận thương tiếc !
Trong cuộc sống này chẳng ai nuôi ai hết,
chẳng qua loài mạnh dùng sức bắt ép các vật nhỏ yếu để mà ăn. Đó là một lẽ
thật không chối cãi. Hiểu như vậy, thì khi bắt một con vật làm thức ăn,
chúng ta phải biết rằng chúng ta đã dùng sức mạnh cướp đoạt mạng sống của
nó, để lợi dưỡng cho mình, chớ không phải chính nó tự nguyện hy sinh nuôi
mình. Có nghĩ như vậy, chúng ta mới giảm thiểu sự lạm dụng máu thịt của
chúng sanh. Và, khi ăn cũng có chút lòng xót thương cho thân phận yếu hèn
của nó. Để thấy quan niện “vật dưỡng nhơn” không phải là chân lý mà do người
đặt để ra. Đó là bản ngã con người đối với thiên nhiên và đối với sinh vật.
Sau đây là bản ngã của con người đối với con
người. Thế thường, con người hay coi trọng bản ngã của mình, nên khi có thế
lực liền đặt ra nhiều điều luật vô lý, tạo sự bất công giữa con người với
con người. Xưa ở Ấn Độ, trước thơì Phật ra đời, người Ấn Độ đặt ra luật Ma
nu, luật này chia loài người ra làm bốn hạng: Giòng Bà-la-môn tức là giới tu
sĩ có nhiều quyền lợi hơn hết. Kế đó là giòng Sát-đế-lợi tức là giới võ sĩ
gồm vua quan. Kế nữa là giòng Vệ-xá tức giới thương mãi thợ thuyền. Thấp
nhất là giòng Thủ-đà-la, gồm những người nghèo khó hạ tiện làm tôi mọi cho
ba hạng người trên. Người đặt ra luật lệ đó là ai ? Có phải những người có
học khôn lanh, lợi dụng thế lực sẵn có của mình mà đặt để như thế, nhằm bảo
vệ cho giai cấp của mình sống yên ổn, để thọ hưởng những quyền lợi sung mãn,
bắt những giai cấp bất hạnh khác phải phụng sự tôn kính mình ? Do đâu mà họ
bày ra như vậy ? Có phải là do cái bản ngã của họ không ? Như vậy, tất cả
mọi bất công trong xã hội đều nhằm mục tiêu thỏa mãn bản ngã của con người
chớ không có lý do gì khác.
Xưa thời quân chủ phong kiến, các ông vua tự
xưng là Thiên tử - con trời - Họ quan niệm trời sanh ra muôn vật, nên trời
là trên hết, mà con trời thì quyền thế không ai bằng. Bởi vậy làm vua muốn
giết ai thì giết, muốn phong ai làm quan thì phong, muốn cất chức ai thì
cất. Không ai có thể ngăn cản, không ai có quyền làm trái lại ý muốn của
vua, nếu có ai làm trái ý là phạm tội khi quân, bị án tử hình hoặc tru di
tam tộc. Đó là những bất công do người có thế lực đặt ra, để khống chế những
người không thế lực, chỉ vì nhằm thỏa mãn bản ngã của họ, để làm các việc mà
không ai dám kêu ca, phản đối. Đó là quan niệm hết sức sai lầm do si mê chấp
ngã mà ra.
Muốn phá bỏ cái mê chấp ấy, chúng ta phải
làm sao ? Phật dạy con người muốn được an vui hạnh phúc phải ứng dụng lý
nhân duyên vào cuộc sống. Lý nhân duyên là một lẽ thật. Từ thiên nhiên cho
đến sinh vật trên cõi đời này, đều tùy thuộc vào lý nhân duyên. Người đời vì
không thấy không hiểu nên sanh ra quan niệm chấp ngã sai lầm tự làm khổ mình
và làm khổ người vật xung quanh. Nếu hiểu thấu lý nhân duyên thì chúng ta
không còn chấp ngã nữa. Chẳng hạn như hiện tượng trời mưa là do nước bốc
thành hơi, hơi nước gặp lạnh tụ lại thành mưa rơi nước xuống. Bất cứ chỗ nào
đủ nhân đủ duyên như vậy thì có mưa, không lựa là biển hay ruộng hay núi
rừng. Rồi như cái nhà do nhiều duyên tập hợp mà thành, như gạch, cát,
ciment, tole, gỗ, công thợ v.v... tập hợp lại đúng hệ thống thì thành cái
nhà. Phân tán những thành phần này ra thì cái nhà không có. Rõ ràng cái nhà
không thật, nhưng vì thói quen của con người thất vật gì cũng cho là thật,
rồi chấp nó là của mình của người, sanh ra mọi phiền não. Chính ngay bản
thân con người cũng do nhân duyên mà thành. Dở dĩ thân này có ra là do tinh
cha huyết mẹ hợp lại rồi thần thức gá vào thành thai mẹ, được nuôi dưỡng
bằng tứ đại qua thức ăn nước uống hơi thở và hơi ấm của người mẹ. Khi thai
nhi ra đời, cũng tiếp tục dưỡng nuôi bằng tứ đại là sữa, cơm, nước... cho
đến khi trưởng thành. Người thành nhân rồi dần dần đi đến già chết, sắc thân
tan hoại, tứ đại trở về với tứ đại. Vậy thân này có thật là ta không ? - Do
duyên hợp mà có, duyên tan thì rã rời, không tìm thấy cái ta ở đống thịt
hay ở vũng máu hay ở khúc xương... Nhưng vì chúng ta mê không thấy được lẽ
thật; cho thân này là thật nên mới chấp ngã. Vì thân này không thật nên khi
duyên tụ thì thành, có ta; khi duyên tan thì hoại, ta mất. Vậy mới biết :
cái ta này là cái ta thuộc về duyên. Nếu thuộc về duyên thì không thật. Đó
là chúng ta dùng trí tuệ quan sát thấy tất cả pháp đều do duyên. Thân người
có là do duyên, vạn vật có cũng do duyên.
Kinh A-hàm Phật dạy: “Thấy được lý nhân duyên
là thấy chánh pháp hay thấy đạo”, đó là người có trí tuệ. Vạn vật trên cõi
đời này có ra là do nhân duyên sanh. Vì chúng ta không thấy không biết nên
nhận định sai lầm, đặt nó thế này, thấy nó thế kia, rồi sống một cách mù
quáng tà vạy, sanh ra bao nhiêu thứ phiền não khổ đau.
Nói thân người, thân thú, mọi cảnh vật... đều
do nhân duyên sanh, tất cả đều không thật; có người hoang mang thắc mắc:
Thân người không thật thì sống để làm gì ? Cảnh không thật thì làm ăn chi
cho cực nhọc ? Thôi thì ngồi tréo cẳng, nhịp đùi, thổi sáo, chơi, chờ
chết... Người nghĩ như thế là chưa hiểu lý nhân duyên. Lý nhân duyên chỉ cho
chúng ta thấy rõ lẽ thật. Khi đã thấy rõ lẽ thật thì chúng ta có nhiều lợi
ích lớn. Chúng ta sẽ làm chủ được mình, chuyển đổi con người của chúng ta từ
tầm thường thấp kém trở nên cao thượng tốt đẹp, chuyển đổi hoàn cảnh từ xấu
thành tốt, chuyển đổi sự vật từ dở thành hay. Ví dụ như thau nước, chúng
ta muốn cho nó đọng lại thành khối thì tạo duyên lạnh, muốn bốc thành hơi
thì tạo duyên nóng, muốn nước ở thể lỏng thì tạo duyên ấm, nước nó không cố
định, tùy theo duyên mà nó thay đổi. Con người cũng vậy, đang là người tầm
thường muốn trở nên người cao thượng, thì phải tạo duyên tốt là gần thầy
sáng, bạn lành, thường đọc kinh sách, chăm chỉ tu hành. Ngược lại nếu muốn
bê tha sa đọa, thì cứ la cà trà đình, tửu điếm, giao du với bạn ác thì sẽ
thành người xấu, người hèn.
Như vậy, thấu suốt được lý nhân duyên thì con
người không còn chấp ngã, không làm những chuyện cuồng dại nữa. Chúng ta sẽ
nỗ lực vươn lên và tự tin nơi mình có khả năng tạo dựng một cuộc sống cho
chính mình, và thực hiện sở nguyện của mình một cách công bằng hợp lý, đúng
theo lý nhân duyên. Nếu không hiểu lý nhân duyên, thì con người sẽ cho rằng
cuộc đời của ta là do trời đất sắp bày, sanh ra bởi trời đất, chết đi cũng
do đất trời định đoạt. Mọi sự thăng trầm thịnh suy trong đời người đều nằm
trong tay của đấng tạo hóa, con người không có quyền lực gì cả.
Lý nhân duyên rất thực tế và công bằng, nên
người Phật tử phải hiểu cho rành rẻ, rồi đem ứng dụng vào cuộc sống của mình
sẽ được lợi ích lớn. Không riêng người học Phật mới ứng dụng lý nhân duyên,
mà chính các nhà khoa học sáng chế được những máy móc tinh vi, phát minh ra
những điều mới lạ, đều ứng dụng lý nhân duyên mà thành.
Bản thân con người, Phật nói có bốn thứ là đất
nước gió lửa hợp lại thành, bốn thứ này là phần căn bản. Khoa học thì phân
chia thân thể con người rất nhiều bộ phận, phân tích chi ly thì thân con
người có trăm ngàn muôn ức tế bào. Mỗi bộ phận mỗi loại tế bào có một chức
năng riêng của nó mà hình thành nên thân người. Như vậy thân thể con người
là một cố thể tập hợp các duyên, hội đủ duyên thì thành, không đủ duyên thì
tan hoại, nên nó không có thực thể cũng không phải cố định. Bởi nó không có
thực thể, không cố định, nên Phật nói là vô ngã, không có cái ta chủ tể, mà
chỉ có cái ta duyên hợp. Do duyên hợp nên hằng chuyển biến.
Chính vì sanh mạng con người do duyên hợp và
hằng chuyển biến, nên chúng ta có thể đổi thay từ xấu thành tốt được. Chẳng
hạn thân thể đang suy dinh dưỡng bệnh hoạn, thì nên nghỉ ngơi, ăn uống,
thuốc men bồi bổ cho nó mạnh khỏe. Con người thành tốt hay xấu, khổ hay vui,
đều do mình, không ai bắt mình phải xuống địa ngục cũng không ai kéo mình
lên thiên đường. Con người đóng vai trò chủ động trong việc này. Vậy, muốn
lên thiên đường phải làm sao ? Phật dạy, người muốn lên thiên đường là phải
tu thập thiện. Nơi thân không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Nơi
miệng không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói ác khẩu, không nói thêu
dệt. Nơi ý không tham lam, không sân giận, không si mê tà kiến. Và ngược lại
thì xuống địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Những đường này chắc không ai
muốn, nhưng dù không muốn, mà đã gây ra mười đều ác, thì nó vẫn là cái nhân
kéo lôi con người đến những đường ác đó. Quí vị phải hiểu rõ điều này, để
đừng gieo nhân lầm lẫn. Trong kinh A-hàm có đoạn ghi: Một hôm có vị
Bà-la-môn hỏi Phật :
- Thưa ngài Cù-đàm, đệ tử của Ngài chết, Ngài
có thể cầu nguyện cho họ lên thiên đường được không ?
Phật không đáp mà hỏi lại:
- Nếu đệ tử của các ông chết, các ông có thể
cầu cho họ lên thiên đường được không ?
Bà-la-môn trả lời:
- Được.
Phật liền đưa ra một ví dụ:
- Giả sử có người đem một tảng đá lớn để trên
miệng giếng, rồi thỉnh hai ba chục vị Bà-la-môn đứng xung quanh cầu nguyện
cho vị ấy xô tảng đá xuống giếng, tảng đa nổi không chìm. Quí vị Bà-la-môn
có cầu nguyện được không ?
Người Bà-la-môn đáp:
Cầu không được.
Phật hỏi:
Tại sao ?
Người Bà-la-môn đáp:
- Vì đá nặng, rớt xuống nước là chìm, dầu cho
hàng triệu người cầu nguyện nó cũng không nổi được.
Phật lại hỏi tiếp:
- Giả sử có người đem dầu đổ xuống giếng, rồi
mời các vị Bà-la-môn cầu nguyện cho dầu đừng nổi mà chìm dưới đáy giếng, các
vị có cầu được không ?
Người Bà-la-môn trả lời:
- Không được.
- Tại sao ?
- Vì dầu nhẹ nên nổi ở trên mặt nước, không
thể chìm dưới đáy giếng được.
Phật nói:
- Cũng vậy, nếu người tạo thập ác là cái nhân
đọa vào đường ác, làm sao cầu nguyện cho họ lên thiên đường được. Người tu
thập thiện đã tạo cái nhân lên thiên đường, dù cho người ác ý muốn cầu cho
họ xuống địa ngục, họ vẫn lên thiên đường.
Vậy mà đa số Phật tử bây giờ tu thì không tu,
cứ mãi lo làm ăn, đua đòi theo tài sắc danh lợi. Đến khi gần chết, sợ quá,
thỉnh các thầy các cô cho đông, để cầu nguyện lên thiên đường hoặc về Cực
lạc. Cầu nguyện có được thành tựu không ? Chắc là không thành tựu. Điều này
Phật đã nói quá rõ là tạo nhân thì sẽ thọ quả. Thế nên muốn không đọa địa
ngục, thì không gì hơn là trong trong hiện đời, mười điều ác phải chừa bỏ;
chừa mười điều ác thì bảo đảm không xuống địa ngục, mà còn sanh về cõi lành
nữa.
Đừng ỷ lại vào người khác hoặc hy vọng ở sự
cầu nguyện, điều này không bảo đảm. Tôi lấy ví dụ để quí vị dễ thấy. Giả sử
như quí vị muốn cho mọi người thương mến mình, thì quí vị phải ăn ở tử tế
với mọi người, sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần, niềm nở vui vẻ khi tiếp họ, như
vậy mới được người thương mến. Muốn cho mọi người thương mình mà ăn nói cộc
cằn, xử sự với người thô bỉ chẳng có lòng nhân giúp đỡ ai cả... Chắc chắn là
không ai cảm tình. Điều này rất là cụ thể. Như vậy muốn cho mọi người thương
mến, chúng ta phải tạo duyên vui vẻ, tử tế, giúp đỡ người. Thiếu những duyên
ấy thì điều mình muốn không thể thành tựu. Ngược lại, nếu tạo duyên cộc cằn,
vô lễ, xấu xa với mọi người, dù không muốn người ghét người vẫn ghét. Vậy
mọi người thương mến mình cũng do mình tạo duyên, hoặc bị người giận ghét
cũng do mình tạo duyên, chớ không do ai khác, không có Phật Trời nào can dự
vào các việc này. Người hiểu lý nhân duyên trong cuộc sống hằng ngày, trong
sự tương giao với đồng loại, biết cách cư xử hợp đạo lý thì mình được an
người cũng được vui.
Nếu biết ứng dụng lý nhân duyên là tiến một
bước mạnh trên sự vươn lên của tâm linh con người. Nhưng tiếc thay, con
người chỉ ứng dụng lý nhân duyên trong lãnh vực vật chất, mà không chú trọng
đến lãnh vực tinh thần. Các nhà khoa học ngày nay làm chủ được những điều mà
xưa kia con người không làm được; đó là phát minh sáng chế ra phi cơ bay
trên không trung, tàu ngầm lặn dưới đáy biển, xe chạy nhanh trên đường
dài... Những phát minh hiện đại đều do biết được nhân, tạo thêm duyên sẽ cho
ra cái quả như ý muốn. Đó là lý nhân duyên được ứng dụng trong lãnh vực vật
chất. Chính vì con người chú trọng vật chất để tạo ra vật chất sung mãn rồi
sanh lòng tham đắm, giành giựt cấu xé lẫn nhau, tạo cho nhau những nỗi đau
khổ không thể lường. Chúng ta là người hiểu đạo, nên hướng về tinh thần, ứng
dụng lý nhân duyên vào cuộc sống. Tạo cho mình một đời sống đạo đức với
hướng đi lên, chuyển hóa từ con người phàm phu thấp hèn tiến dần lên hàng
hiền thánh, tự mình giải thoát và giúp người ra khỏi vòng trầm luân khổ hải.
Vậy muốn giải thoát phải làm sao ? Sáu căn
không đuổi theo sáu trần là giải thoát. Sở dĩ người không giải thoát được là
vì mắt còn thích nhìn sắc đẹp, tai còn ưa nghe tiếng hay, lưỡi còn thích nếm
vị ngon, mũi còn ưa ngửi mùi thơm... Chính các căn tự trói buộc với trần
cảnh, đó là các duyên mà con người tự tạo ra, rồi lại vướng mắc vào. Nay
muốn giải thoát thì chúng ta phải tự gỡ trói, chớ không ai gỡ thế chúng ta
được. Vậy nên, muốn vào thì tự cột, muốn ra thì tự cởi, giải thoát hay ràng
buộc đều do mình, quyền của mình.
Người hiểu được lý nhân duyên, nhìn lại bản
thân mình thấy rõ nó là một hợp thể do duyên mà có, đã do duyên hợp thành,
thì cái gì là ngã ? Ngã là chủ tể, là cố định, thân này là hợp thể của đất
nước gió lửa không phải là một, và nó luôn luôn biến chuyển. Bởi nó biến
chuyển không ngừng nên nó không có chủ tể, tức là vô ngã.
Vô ngã là không có chủ tể cố định, tuy không
có chủ tể cố định, nhưng có phần tinh thần diễn tiến liên tục không dừng.
Nói như vậy sẽ có một số người hoang mang: Nếu không có chủ tể, tức là không
có tôi, vậy ai tạo tác, ai làm thiện và mai kia duyên tan thân thể rã rời,
thì ai chịu quả báo, mà Phật nói tạo nhân phải thọ phải ? Chỗ này Phật giải
thích bằng một ví dụ: Ngọn đèn thắp từ đầu hôm đến khuya, mắt thường chúng
ta thấy như có một khối dầu cung cấp cho ngọn đèn cháy. Kỳ thực, mỗi lúc tim
đèn chỉ rút một hạt dầu, rồi từng hạt từng hạt nối tiếp nhau, cứ như vậy mà
cháy mãi, cháy mãi không dừng. Tâm thức con người cũng vậy tuy không có chủ
tể cố định, nhưng có thức liên tục trôi chảy không dừng, không mất, nên
nghiệp vừa tạo dẫn đến giai đoạn kế tiếp nhận chịu. Nhận chịu trong cái liên
tục, chớ không phải vô ngã là không ngơ. Lý vô ngã của đạo Phật chỉ cho
chúng ta thấy tâm thức và thân xác con người là một dòng biến chuyển, biến
chuyển quá nhanh nên chúng ta không nhận kịp, tưởng là một. Và cũng nhờ sự
biến chuyển này mà chúng ta mới tu được. Nếu cái ngã là một, thường hằng bất
biến, thì dù có tu tạo duyên tốt để chuyển đổi, cũng không thay đổi được.
Hiểu như vậy là biết được ý nghĩa tu của đạo Phật. Biết người vật luôn luôn
biến đổi, nên chúng ta sống tùy duyên theo duyên. Tạo duyên tốt thì thăng
tiến, tạo duyên xấu thì trầm luân; đủ duyên thì thân này có, duyên thiếu thì
thân này rã tan... Như vậy là quả theo nhân theo duyên mà có, chớ không phải
bỗng dưng mà thành. Chỗ này quí Phật tử nên lưu ý kẻo hiểu lầm, cho rằng sau
khi chết linh hồn được sanh về cõi trời hoặc bị đọa xuống địa ngục... Để rồi
khi thân nhân gần chết, nhờ quí thầy quí cô tụng kinh cầu nguyện cho linh
hồn người thân mình được đi lên. Đức Phật có thừa nhận linh hồn không ? Đây
là vấn đề rất tế nhị chúng ta cần phải lưu ý. Nếu cho rằng con người có linh
hồn, thì khi người chết linh hồn người trở lại làm người, thú chết linh hồn
thú trở lại làm thú. Như vậy tu vô ích, vì dù có tu cũng không thăng tiến,
bởi linh hồn không thay đổi. Hiểu như vậy là sai lầm.
Đạo Phật không thừa nhận linh hồn, mà cho rằng
con người có thức chuyển biến, thức ấy là cái biết phân biệt. Cái biết phân
biệt này là một dòng chuyển biến không dừng. Khi nhỏ thì hiểu biết phân biệt
theo trẻ con. Khi lớn thì hiểu biết phân biệt theo người lớn. Nếu có duyên
được học hành nhiều thì hiểu biết sâu rộng... Tâm thức con người luôn luôn
biến đổi không dừng. Còn linh hồn thì cố định. Vì linh hồn cố định, nên có
học cũng không giỏi, không học cũng chẳng ngu, tu cũng không tiến.
Mục đích của đạo Phật là chỉ cho con người
thấy đúng lẽ thật qua lý duyên sinh, để phá trừ mê lầm chấp ngã, chấp ngã
là gốc của đau khổ bất công mà tôi đã nói ở trước. Phá được chấp ngã rồi thì
mọi bất công không còn, mọi đau khổ cũng hết. Và khi chúng ta biết ứng dụng
lý nhân duyên vào cuộc sống, nó sẽ giúp cho chúng ta một sức sống tích cực,
để chuyển hướng cuộc đời mình từ phàm phu mê chấp trở thành thánh thiện sáng
suốt, và chuyển hướng mọi sự vật chung quanh từ dở thành hay. Đó là công phu
tu hành, là sức mạnh của người học Phật. Nếu chúng ta không biết được lẽ
này, cứ ỷ lại vào Phật, ỷ lại vào Tăng Ni, tự mình không chịu lo tu hành, để
khi hữu sự đi cầu nguyện van xin Phật Trời ban cho phước lành, việc làm đó
vô ích không đi tới đâu cả. Rốt cuộc chẳng những uổng công mà còn bị chìm
trong mê tối. vậy nên mong rằng quí vị cố gắng thực hiện theo lý nhân duyên
mà tôi vừa nêu, để phá trừ mê lầm chấp ngã và tạo cho mình và cho người một
cuộc sống an vui hạnh phúc.
] |