[Trang chủ] [Kinh sách]

THẬP NHỊ MÔN LUẬN

[Mucluc][TNML][Phần1][Phần2][Phần3][Phần4][Phần5]

[Phần6][Phần7][Phần8][Phần9][Phần10][Phần11][Phần12][VSPNTNNTNM]


X- QUÁN TÁC GIẢ MÔN

 

Lại nữa, tất cả pháp không. Vì cớ sao ? Vì tự tác, tha tác, cộng tác, vô nhơn tác không thể được. Như nói :

Tự tác và tha tác,

Cộng tác vô nhơn tác

Như thế không thể được,

Thế là không có khổ.

Khổ tự tác không phải. Vì cớ sao ? Nếu tự tác tức tự tạo thể kia, không thể lấy việc ấy tạo ra việc ấy, như thức không thể tự thức, ngón tay không thể tự xúc, nên không được nói tự tác. Tha tác cũng không phải, tha làm sao hay tạo khổ ?

Hỏi : Các duyên gọi là tha, các duyên tạo khổ nên gọi tha tác, tại sao nói chẳng từ tha tác ?

Ðáp : Nếu các duyên gọi là tha thì khổ ắt là các duyên tạo ; khổ ấy từ các duyên sanh, tức là tánh các duyên, tại sao gọi là tha ? Như đất bình, đất chẳng gọi là tha ; lại như vàng xuyến, vàng chẳng gọi là tha; khổ cũng như thế, từ các duyên sanh nên các duyên chẳng được gọi là tha. Lại nữa, các duyên ấy cũng chẳng có tự tánh nên không được tự tại, vì thế không được nói từ các duyên sanh quả. Như Trung Luận nói :

Quả từ các duyên sanh,

Duyên ấy chẳng tự tại ;

Nếu duyên chẳng tự tại,

Làm sao duyên sanh quả ?

Như thế, khổ chẳng từ tha tác, tự tác, cộng tác cũng chẳng phải, vì có hai lỗi. Nếu nói tự tác khổ, tha tác khổ thì có lỗi tự tác, tha tác, thế nên cộng tác khổ cũng không phải. Nếu khổ không nhơn sanh cũng không phải. Như trong kinh nói: "Ca Diếp lõa thể đến hỏi Phật : Khổ tự tác chăng? Phật im lặng chẳng đáp. Thế Tôn ! Nếu khổ chẳng tự tác, là tha tác chăng? Phật cũng chẳng đáp. Thế Tôn ! Nếu vậy, khổ tự tác tha tác chăng, Phật cũng chẳng đáp. Thế Tôn ! Nếu vậy, khổ vô nhơn vô duyên tác chăng ? Phật cũng chẳng đáp". Như thế bốn lần hỏi Phật đều chẳng đáp, nên biết khổ ắt là không.

Hỏi : Phật nói kinh ấy chẳng nói khổ là không tùy chúng sanh nên độ mới nói thế ấy.

Ðáp: Ca Diếp lõa thể ấy cho người là nhơn khổ, có ngã nên nói: "Tốt xấu đều do thần tạo ra thần thường thanh tịnh không có khổ não, sở tri sở giải thảy đều là thần, thần tạo tốt xấu khổ vui lại thọ các thứ thân", do tà kiến ấy nên hỏi Phật khổ tự tác chăng, thế nên Phật chẳng đáp, khổ thật chẳng phải ngã tác. Nếu ngã là nhơn khổ, ngã tức vô thường. Vì cớ sao ? Nếu pháp là nhơn và từ nhơn sanh đều cũng vô thường, nếu ngã vô thường thì tội phước quả báo thảy đều đoạn diệt, tu phạm hạnh phước báo ấy cũng là không. Nếu ngã là nhơn khổ thì không giải thoát. Vì cớ sao ? Ngã nếu tạo khổ, lìa không không ngã hay tạo khổ, bởi vì không thân. Nếu không thân mà hay tạo khổ thì người người được giải thoát cũng ưng là khổ, như thế ắt không giải thoát. Song thật có giải thoát, thế nên khổ tự tác không phải. Tha tác khổ cũng không phải, lìa khổ đâu có người mà tạo khổ cho tha ?

Lại nữa, nếu tha tác khổ tức là Tự Tại Thiên tác, tà kiến như thế hỏi nên Phật cũng chẳng đáp. Nhưng thật chẳng từ Tự Tại Thiên tác. Tại sao ? Vì tướng trái nhau, như trâu con lại là trâu. Nếu vạn vật từ Tự Tại Thiên sanh, đều nên giống Tự Tại Thiên, vì là con của Ngài. Lại nữa, nếu Tự Tại Thiên tác chúng sanh không nên đem khổ cho con, vì thế chẳng nên nói Tự Tại Thiên tạo khổ.

Hỏi : Chúng sanh từ Tự Tại Thiên sanh, khổ vui cũng từ Tự Tại Thiên sanh ra, bởi chẳng biết nhơn vui nên cho họ khổ.

Ðáp : Nếu chúng sanh là con Tự Tại Thiên, chỉ nên dùng vui ngăn khổ, không nên cho khổ. Chỉ nên cúng dường Tự Tại Thiên thì diệt khổ được vui, mà thật chẳng phải vậy, chỉ tự hành nhơn duyên khổ vui mà tự thọ báo, chẳng phải Tự Tại Thiên tạo. Lại nữa, kia nếu tự tại thì không nên có chỗ cần dùng, có chỗ cần dùng chẳng gọi Tự Tại. Nếu không chỗ cần dùng, cần gì biến hóa làm vạn vật như trẻ con đùa ? Lại nữa, nếu Tự Tại tạo chúng sanh, cái gì lại tạo Tự Tại ? Nếu Tự Tại tự tạo thì không phải, như vật không tự tạo thì chẳng gọi Tự Tại.

Lại nữa, nếu Tự Tại tạo thì trong việc tạo không có chướng ngại, nghĩ tức hay làm. Như Tự Tại kinh nói : Tự Tại muốn tạo vạn vật, hành các khổ hạnh liền sanh các loài đi bằng bụng ; lại hành khổ hạnh, sanh các loài phi điểu, lại hành khổ hạnh, sanh các người, trời. Nếu hành khổ hạnh, ban đầu sanh các loài độc, kế sanh phi điểu, sau sanh người trời, phải biết chúng sanh từ nghiệp nhơn duyên sanh, chẳng từ khổ hạnh có.

Lại nữa, nếu Tự Tại tạo vạn vật, là ở chỗ nào mà tạo vạn vật ? Chỗ ở ấy là Tự Tại tạo hay kẻ khác tạo ? Nếu Tự Tại tạo là ở chỗ nào tạo ? Như thế ắt vô cùng. Nếu kẻ khác tạo thì có hai Tự Tại, việc ấy không phải. Thế nên vạn vật ở thế gian không phải Tự Tại tạo ra. Lại nữa, nếu Tự Tạo tạo, cớ gì khổ hạnh cúng dường nơi Ngài muốn khiến hoan hỷ cho toại sở nguyện? Nếu khổ hạnh cần Ngài, phải biết chẳng Tự Tại.

Lại nữa nếu Tự Tại tạo vạn vật, ban đầu tạo liền định, chẳng nên có biến đổi, ngựa thì thường ngựa, người thì thường người ; mà nay tùy nghiệp có biến đổi, thế nên biết chẳng phải Tự Tại tạo ra. Lại nữa, nếu Tự Tại tạo thì không tội phước, thiện ác, tốt xấu, vì đều từ Tự Tại tạo ; mà thật có tội phước, thế nên chẳng phải Tự Tại tạo ra.

Lại nữa, nếu chúng sanh từ Tự Tại sanh, đều nên cung kính yêu mến, như con yêu mến cha mà thật chẳng phải vậy, có ghét có yêu, thế nên phải biết chẳng phải Tự Tại tạo. Lại nữa, nếu Tự Tại tạo, cớ gì chẳng trọn tạo người vui ? Phải biết từ yêu ghét sanh, nên chẳng tự tại, vì chẳng tự tại nên chẳng phải Tự Tại tạo ra.

Lại nữa, nếu Tự Tại tạo, thì chúng sanh đều không nên có tạo ra ; mà chúng sanh phương tiện mỗi thứ có tạo ra, thế nên phải biết chẳng phải Tự Tại tạo ra. Lại nữa, nếu Tự Tại tạo, việc thiện ác khổ vui chẳng tạo mà tự đến, như thế hoại pháp thế gian. Trì giới tu phạm hạnh đều không lợi ích, mà thật chẳng phải vậy, thế nên biết chẳng phải Tự Tại tạo.

Lại nữa, nếu phước nghiệp nhơn duyên nên ở trong chúng sanh được lớn, các chúng sanh hành phước nhiệp cũng lại nên lớn, vì sao chỉ quí Tự Tại ? Nếu không nhơn duyên mà tự tại thì tất cả chúng sanh cũng nên Tự Tại ; mà thật chẳng phải vậy, thế nên phải biếy chẳng phải Tự Tại tạo ra. Nếu Tự Tại từ nơi khác mà được thì, khác lại từ khác, như thế ắt vô cùng, vô cùng thì không nhơn.

Bởi các thứ nhơn duyên như thế, phải biết vạn vật không phải Tự Tại sanh, cũng không có Tự Tại. Do tà kiến như thế hỏi tha tác, nên Phật cũng chẳng đáp.

Cộng tác cũng chẳng phải, vì có hai lỗi.

Các nhơn duyên hòa hợp sanh, cho nên chẳng từ vô nhơn, Phật cũng chẳng đáp.

Hỏi: Như thế, kinh này chỉ phá bốn thứ tà kiến, chẳng nói khổ là không.

Ðáp : Phật tuy nói như thế từ các nhơn duyên sanh khổ, phá bốn thứ tà kiến, tức là nói không. Khổ từ các nhơn duyên sanh, tức là nói nghĩa không. Tại sao ? Nếu từ các nhơn duyên sanh thì không tự tánh, không tự tánh tức là không.

Như khổ không, nên biết hữu vi, vô vi và chúng sanh tất cả đều không.

 

[Mucluc][TNML][Phần1][Phần2][Phần3][Phần4][Phần5]

[Phần6][Phần7][Phần8][Phần9][Phần10][Phần11][Phần12][VSPNTNNTNM]

[Trang chủ] [Kinh sách]