THẬP NHỊ MÔN LUẬN
[Mucluc][TNML][Phần1][Phần2][Phần3][Phần4][Phần5]
[Phần6][Phần7][Phần8][Phần9][Phần10][Phần11][Phần12][VSPNTNNTNM]
I- QUÁN NHƠN DUYÊN MÔN Ban đầu là nhơn duyên môn, nghĩa là: Pháp do các duyên sanh Nó tức không tự tánh; Nếu là không tự tánh; Làm sao có pháp ấy ? Pháp do các duyên sanh có hai thứ: một là nội, hai là ngoại. Các duyên cũng có hai thứ: một là nội, hai là ngoại. Ngoại nhơn duyên như: hòn đất, bàn xoay, thợ gốm... hòa hợp cho nên có bình sanh; lại như chỉ sợi, máy dệt, thợ dệt... hòa hợp cho nên có lụa sanh; lại như đào đất, đắp nền, kèo, cột, bùn, cỏ, nhơn công... hòa hợp nên có nhà sanh; lại như sữa, lạc, nồi nấu, đũa quậy, nhơn công ... hoà hợp nên có tô sanh; lại như hạt giống, đất, nước, lửa, gió, hư không, thời tiết, nhơn công... hòa hợp nên có mầm sanh; phải biết pháp ngoại nhơn duyên... đều như thế. Nội nhơn duyên là: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử, mỗi mỗi đều trước nhơn rồi sau mới sanh. Như thế, các pháp nội ngoại đều từ các duyên sanh, không phải vô tánh sao ! Nếu pháp tự tánh không, tha tánh không, tự tha cũng không. Vì cớ sao ? Vì tha tánh nên không tự tánh. Nếu bảo do tha tánh nên có thì trâu do tánh ngựa mà có, ngựa do tánh trâu mà có, lê do tánh mít mà có, mít do tánh lê mà có, các cái khác đều nên như vậy, mà thật chẳng phải. Nếu bảo chẳng do tha tánh nên có, chỉ nhơn tha nên có thì cũng chẳng phải. Vì cớ sao ? Nếu do lác nên có chiếu thì lác và chiếu là một thể chẳng gọi là tha; nếu bảo lác đối với chiếu là tha thì không được nói do lác nên có chiếu. Lại lác cũng không tự tánh. Vì sao ? Vì lác cũng từ các duyên sanh nên không tự tánh. Vì không tự tánh nên chẳng được nói do lác nên có chiếu. Thế nên chiếu không nên lấy lác làm thể. Các thứ khác như bình, tô... pháp ngoại nhơn duyên sanh đều cũng như thế không thể được. Pháp nội nhơn duyên sanh cũng như thế không thể được. Như trong Thất Thập Luận nói: "Pháp duyên thật không sanh; Nếu bảo là có sanh, Là tại trong một tâm ? Là tại trong nhiều tâm ?" Pháp Mười hai nhơn duyên này thật tự không sanh. Nếu bảo có sanh, là trong một tâm có, là trong nhiều tâm có. Nếu trong một tâm có thì nhơn quả không đồng thời cùng sanh. Lại nhơn quả đồng thời có việc ấy không phải. Vì cớ sao ? Bởi phàm vật gì đều trước nhơn rồi sau quả. Nếu trong nhiều tâm có thì, pháp mười hai (12) nhơn duyên ắt mỗi cái riêng khác, phần trước cùng tâm diệt rồi, phần sau lấy cái gì làm nhơn duyên ? Pháp diệt thì không ngơ, đâu được làm nhơn ? Pháp mười hai nhơn duyên nếu trước có thì, nên hoặc một tâm, hoặc nhiều tâm cả hai đều không phải. Thế nên các duyên đều không. Vì duyên không nên pháp từ duyên sanh cũng không, cho nên phải biết tất cả pháp hữu vi đều không. Pháp hữu vi còn không huống là có ngã ? Bởi ngũ ấm, thập nhị nhập, thập bát giới pháp hữu vi nên nói có ngã, như nhơn chất đốt nên có đốt. Nếu ấm, nhập, giới, không, thì không có pháp có thể nói là ngã, nhưng không chất đốt thì không thể nói đốt. Như kinh nói: "Phật bảo các thầy Tỳ kheo: Bởi ngã nên có ngã sở, nếu không ngã thì không ngã sở". Như thế, vì pháp hữu vi không, nên biết pháp vô vi Niết bàn cũng không. Vì cớ sao ? Vì ngũ ấm này diệt chẳng sanh ngũ ấm khác, ấy gọi là Niết bàn. Ngũ ấm xưa nay tự không thì chỗ nào diệt mà gọi là Niết bàn ? Ngã cũng không thì cái gì được Niết bàn ? Lại nữa, pháp không sanh gọi Niết bàn, nếu pháp sanh được thành thì pháp không sanh cũng được thành; pháp sanh chẳng thành, trước đã nói nhơn duyên, sau sẽ nói lại, thế nên pháp sanh chẳng thành. Bởi pháp sanh nên gọi vô sanh, nếu pháp sanh chẳng thành thì pháp vô sanh làm sao được thành ? Thế nên, hữu vi, vô vi và ngã đều KHÔNG. |
[Mucluc][TNML][Phần1][Phần2][Phần3][Phần4][Phần5]
[Phần6][Phần7][Phần8][Phần9][Phần10][Phần11][Phần12][VSPNTNNTNM]